Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

20200907. ĐỔI MỚI, TIẾN NHANH, TIẾN VỮNG CHẮC

 ĐIỂM BÁO MẠNG 


MUỐN ĐUỔI KỊP CÁC NƯỚC, VIỆT NAM PHẢI CHẠY NHANH, CHẠY BỀN
NGUYỄN CHÍ DŨNG*/ TVN 3-9-2020

*LTS:Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng gần đây có bài thuyết trình đầy tâm huyết với các cán bộ của Bộ về những vấn đề phát triển. Nhận thấy những vấn đề ông nêu ra không chỉ đúng với quản lý ngành, mà còn đúng với những đòi hỏi của đất nước nói chung, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung này với mong muốn được tiếp thu thêm những góp ý của độc giả cho công cuộc phát triển.

 Một số vấn đề then chốt về phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025

Sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển khá mạnh, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện. Từ một quốc gia đói nghèo, kiệt quệ bởi chiến tranh và cô lập, chúng ta đã vươn lên rất mãnh liệt. 

Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người trước năm 1990 chỉ vào khoảng 100 USD đã tăng lên hơn 2.800 USD hiện nay. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đều được cải thiện, nâng cấp rõ rệt. Không chỉ đảm bảo phát triển kinh tế, chúng ta còn củng cố tiềm lực quốc phòng để bảo vệ đất nước.

Những thành tựu như vậy là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối diện với nhiều yếu kém, tồn tại và thách thức.

Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, thua xa mức trung bình của thế giới. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 136/188 quốc gia, sau Hàn Quốc khoảng 40 năm, sau Thái Lan 14 năm, sau cả Philippines khoảng 6 năm… Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar.

Chúng ta đang đuổi theo các nước, cố gắng thu hẹp khoảng cách phát triển với họ. Vấn đề là người ta không đứng đợi chúng ta. Đi sau mà muốn đuổi kịp họ thì chỉ có cách chúng ta phải chạy nhanh, chạy bền, chạy liên tục mà thôi.

Muốn đuổi kịp các nước, Việt Nam phải chạy nhanh, chạy bền
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đến giờ này rất ít người nói về công nghiệp. Đây là điều đáng lo ngại và tôi thật sự thấy rất buồn. Ảnh: Lê Tiên

Tôi muốn các bạn đặt ra câu hỏi trăn trở: Vì sao chúng ta lại chậm như vậy?

Vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc… những quốc gia từng bị tàn phá nặng nề, kiệt quệ sau chiến tranh, chỉ mất 40 năm để tiến lên nhóm top 10 thế giới?

Vì sao Việt Nam có các yếu tố cơ bản như con người, tài nguyên, vị trí địa lý mà vẫn kém phát triển, nền kinh tế vẫn thiếu vững chắc?

Rất ít người nói về công nghiệp

Tôi thử đưa ra một số gợi ý. Chúng ta thiếu các ngành kinh tế cơ bản như công nghệ chế tạo, công nghệ nguồn. Các ngành công nghiệp nền tảng, then chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng đang mất dần. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá rất chậm. Đến giờ này rất ít người nói về công nghiệp. Đây là điều đáng lo ngại và tôi thật sự thấy rất buồn. Đất nước chúng ta không thể trở nên hùng cường và thịnh vượng nếu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá không thành công.

Khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo nhưng ngày nay khu vực này như thế nào? Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang chìm ngập trong khó khăn. Có 12 dự án yếu kém thì xử lý quá chậm, làm lãng phí rất lớn. Chúng ta chưa thấy doanh nghiệp nhà nước nào khởi công được công trình lớn nào trong suốt các năm qua. Vậy làm sao khu vực doanh nghiệp này đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế? Khu vực này lấy đâu ra phát triển để đóng góp cho tăng trưởng trong những năm tới?

Phát triển tiếp như thế nào nếu không nắm được công nghệ?

Chúng ta chưa đủ năng lực sáng tạo để làm chủ các công nghệ nguồn, công nghệ lõi. Chúng ta phát triển tiếp như thế nào nếu chúng ta không nắm được công nghệ? Chẳng lẽ, chúng ta chỉ gia công, lắp ráp mãi, còn lại những thứ mang lại giá trị gia tăng cao thì nước ngoài chiếm lĩnh hết?

Chúng ta cứ nói liên kết với doanh nghiệp nước ngoài nhưng không nắm được công nghệ thì có thể chơi được với ai một cách ngang ngửa, bình đẳng? Ngay cả công nghệ sẵn có thì chúng ta cũng phải có tiền để nhận chuyển giao. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam rất khó về nhiều mặt.

Đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm

Đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế có tiến bộ trong mấy năm qua nhưng còn chậm lắm.

Hạ tầng của chúng ta phát triển quá chậm, không giúp nâng cao được năng lực cạnh tranh. Chi phí logistics quá lớn, các chi phí đầu vào cao làm doanh nghiệp rất khó cạnh tranh trên sân nhà. Mà trên sân nhà chưa cạnh tranh được thì nói gì đến hội nhập, nói gì đến sân khách.

Nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên nhưng tài nguyên thiên nhiên thì đã cạn kiệt rồi. Thuỷ điện hết rồi, than phải đi nhập, dầu càng ngày càng cạn kiệt.

Mấy năm vừa qua, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, chưa rõ nét trong từng ngành, từng lĩnh vực, hiệu quả chưa cao. Các chỉ số cạnh tranh của Việt Nam đều có thứ hạng thấp. Các chỉ số phát triển bền vững của chúng ta đều ở mức trung bình thấp. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam rất thấp. Tức là trong các bảng xếp hạng của thế giới, chúng ta vẫn thường đứng ở nửa dưới.

Doanh nghiệp trong nước kết nối rất kém với khu vực FDI

Trong khi đó, xuất khẩu, thương mại, đầu tư của chúng ta ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI, ngày nay đã chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Tôi rất lo lắng là doanh nghiệp trong nước lại kết nối rất kém với khu vực FDI.

Muốn đuổi kịp các nước, Việt Nam phải chạy nhanh, chạy bền
Tổ hợp Samsung xuất khẩu 60 tỉ USD/năm nhưng chỉ có 29 doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi của họ

Có chuyên gia nói với tôi là chúng ta đang có 2 khu vực doanh nghiệp trong một nền kinh tế, hai khu vực này tách biệt, không gắn kết với nhau gì cả. Cả một tổ hợp Samsung xuất khẩu 60 tỉ USD một năm nhưng chỉ có 29 doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi của họ. Trong khi đó, một tổ hợp tương tự ở Thái Lan thì phải hàng trăm doanh nghiệp Thái Lan tham gia.

Nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào một vài thị trường, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Đây không phải là điều gì mới vì cả thế giới cũng phụ thuộc họ. Trung Quốc có các chính sách phát triển rất đặc biệt, công nghiệp nền tảng của họ rất tốt, chính sách thuế tốt. Họ hỗ trợ các vùng nguyên liệu. Giá thành hàng hoá, nguyên liệu rất rẻ.

Luật pháp vừa thiếu vừa chồng chéo, xung đột

Yếu kém về thể chế đã được xác định là một trong các nút thắt của nền kinh tế. Luật pháp của chúng vừa thiếu lại vừa chồng chéo, xung đột, vướng mắc.

Trong không ít trường hợp, càng có thêm quy định càng rối hơn, càng vướng hơn. Vì sao vậy? Dù Đảng, Chính phủ, Quốc hội rất cố gắng, tốc độ ban hành luật tốt, nhưng chất lượng luật lại chưa tốt tương xứng. Cơ chế của chúng ta là cơ quan hành pháp xây dựng luật pháp, cơ quan lập pháp thì bổ sung, thông qua. Nếu hai cơ quan không phối hợp tốt thì chưa chắc đã đảm bảo chất lượng luật tốt. Tức là khâu tổ chức xây dựng pháp luật đang có vấn đề…

Trong quá trình soạn thảo luật phải kịp thời thông tin cho báo chí và báo chí phải được tham gia và chủ động tham gia, nếu không thì hệ lụy rất lớn, thiếu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình soạn thảo và ban hành luật.

Ở một số bộ ngành khi soạn thảo các văn bản pháp luật, họ không muốn thay đổi, họ níu giữ lại quyền của mình nhân danh quản lý nhà nước chứ không nhìn rộng ra vì lợi ích của đất nước. Bên cạnh đó, công tác triển khai, thực thi pháp luật cũng có nhiều vấn đề, thiếu quyết liệt, không nghiêm. Có những nơi cấp trên nói, cấp dưới không nghe. Tôi nói thế thì động chạm, nhưng vẫn phải nói để cảnh báo, để rút kinh nghiệm.

Chúng ta thiếu tư duy quản lý mang tính kiến tạo cho phát triển. Người dân vẫn rất than phiền, doanh nghiệp vẫn đang rất khốn khổ vì sự yếu kém của cán bộ các cấp, mà càng xuống thấp càng phức tạp, càng phiền nhiễu.

Từng cán bộ phải trăn trở trước thực tại của đất nước

Bộ KH&ĐT phải luôn tiên phong trong đổi mới, cải cách dù lúc này, lúc khác phải đối diện với những xu hướng bảo thủ. Yêu cầu từng công chức, cán bộ phải trăn trở trước thực tại của đất nước, suy nghĩ đến công việc cụ thể của mình, tự đánh giá xem đã tham mưu, đề xuất được những gì cho Đảng, Nhà nước.

Chúng ta phải tự trang bị kiến thức, phải học hỏi cả cuộc đời. Nghe, đọc, nghĩ, viết, nói, làm - các kỹ năng đó cần được trau dồi. Trên thực tế, có người nói mà không chịu đọc, không chịu nghĩ… Nhiều người nói hay nhưng không làm được. Nhiều người nghĩ được nhưng không dám làm. Nhiều người thậm chí chẳng nói, chẳng làm.

Tóm lại: Thành tựu đất nước sau 35 năm Đổi mới là toàn diện và đáng tự hào. Tuy vậy, những thách thức cho phát triển đất nước là khá lớn, mà nguyên nhân chủ yếu là cải cách thể chế và tổ chức thực hiện của chúng ta thiếu quyết liệt, thiếu nhất quán để mạnh mẽ chuyển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại.


CÓ RẤT NHIỀU NGƯỜI TÀI NHƯNG HỌ CHƯA TRỞ THÀNH NGUỒN LỰC CỦA ĐẤT NƯỚC

NGUYỄN CHÍ DŨNG/ TVN 4-9-2020

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu phần 2 bài thuyết trình của Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trước các cán bộ của Bộ về những vấn đề phát triển.

Người thắng cuộc sẽ chiếm lĩnh tất cả

Từ khóa mà tôi thích là “kết nối” và “chia sẻ”. Nó tạo một nền tảng chung để chúng ta hợp tác phát triển. Chúng ta phải kết nối và chia sẻ với nhau để thịnh vượng và phát triển vì không ai đi một mình mà đi xa, đi bền trong thế giới ngày nay được. Tất nhiên, muốn đi đến đích nhanh phải chọn đúng đường và các quyết sách đưa ra cần chính xác, kịp thời…

Trong cuốn sách “Tầm nhìn thay đổi quốc gia”, tác giả viết một điều mà tôi rất chia sẻ: Mỗi buổi sáng thức dậy, con linh dương luôn nghĩ nó phải chạy nhanh nhất, nhanh hơn con sư tử vì nếu không, nó sẽ bị ăn thịt. Con sư tử cũng nghĩ phải chạy nhanh nhất, nhanh hơn con linh dương vì nếu không, nó sẽ chết đói. Điều đó thể hiện tư duy luôn tiên phong đi đầu, luôn là số một.

Có rất nhiều người tài nhưng họ chưa trở thành nguồn lực của đất nước
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Người Việt Nam cần phải giàu trước khi già. Ảnh: Lê Tiên

Tác giả cuốn sách ấy còn nói: Ta leo đến đỉnh núi Everest hay mặt trăng thì không ai nhớ đến ta, người ta chỉ nhớ người đầu tiên đặt chân đến đó mà thôi. Các cuộc thi hoa hậu cũng vậy, họ chỉ nhắc đến hoa hậu chứ ít nhắc đến á hậu. Người thắng cuộc sẽ chiếm lĩnh tất cả.

Giữ nhịp cải cách, khơi thông dòng chảy

Chúng ta cần tiếp tục kiên trì công cuộc đổi mới và cải cách. Mỗi sự đổi mới, thay đổi luôn tạo giá trị tăng thêm. Cải cách thủ tục hành chính giúp giảm bớt thời gian, giúp hạ thấp chi phí tuân thủ để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta cần tư duy nhất quán này trong việc hoạch định chính sách phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy trong quá trình xây dựng thể chế, chúng ta hay tạo rào cản vì chưa hiểu đúng vai trò, chức năng giữa nhà nước và thị trường; chưa hiểu rõ quản lí nhà nước là gì và nên quản lý  bằng công cụ nào.

Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta cứ cấm cái đã, dựng rào cản cái đã. Đó là tôi chưa nói chúng ta cố tình dựng rào cản lên… Rồi chúng ta thấy bất cập lại sửa, rồi mỗi lần sửa lại coi đó là cải cách. Khác nào dòng nước đang chảy, ta lấy đá lấp đi khiến dòng chảy chậm lại, tắc nghẽn, sau đó ta dỡ đá ra khiến nước chảy bình thường trở lại, rồi gọi đó là cải cách. Tư duy vậy là không đúng. Lẽ ra, cần khơi thông dòng chảy chứ không phải be bờ, đắp đập ngăn nó.

Mọi chính sách phải hướng tới hạnh phúc của người dân

Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta cần có tư duy tốt phân định vai trò, chức năng và nhiệm vụ giữa nhà nước và thị trường trong xây dựng các quy định pháp luật để tránh chồng chéo, xung đột, gây lãng phí, phiền hà.

Nhân dân phải là chủ thể trong quá trình phát triển. Mọi chính sách của Nhà nước phải xoay quanh và hướng tới hạnh phúc của người dân, nếu không chính sách để cho ai? Người làm chính sách chúng ta phải khắc cốt ghi tâm điều này.

Tương quan giữa ổn định và phát triển

Lâu nay chúng ta thường thảo luận giữa ổn định và phát triển nhanh. Cặp phạm trù này rất hay. Nếu khéo léo thực hiện, nó bổ sung cho nhau, còn nếu không, nó sẽ tạo mâu thuẫn. Ổn định là tiền đề cho phát triển nhanh, nhưng phát triển nhanh cũng là tiền đề cho ổn định. Nếu không phát triển nhanh làm sao có nguồn lực để giữ ổn định. Ngược lại, nếu không ổn định làm sao phát triển nhanh. Tất nhiên, cần vận dụng cặp phạm trù này tùy vào từng giai đoạn lịch sử.

Có rất nhiều người tài nhưng họ chưa trở thành nguồn lực của đất nước
Bộ trưởng KH&ĐT trong chuyến khảo sát khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hoá tháng 7/2020, nhằm đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương

Trước đây, nền kinh tế Việt Nam yếu kém, mong manh, dễ tổn thương nên chúng ta đặt ra mục tiêu là giữ vững ổn định. Nhưng giờ đây chúng ta ổn định, chính trị ổn định, xã hội đã ổn định, chúng ta cần tập trung sang phát triển nhanh để duy trì ổn định. Chứ còn cứ giữ ổn định mãi thì làm sao phát triển nhanh được.

Có thể có ý kiến không đồng tình nhưng tôi cho rằng, hiện nay chúng ta đã ổn định rồi nên chúng ta cần phát triển nhanh lên một chút theo nghĩa để duy trì ổn định chứ không phải để phá vỡ cái ổn định đó. Đây là suy nghĩ cá nhân của tôi.

Chúng ta cần xác định đâu là động lực để phát triển nhanh và bền vững tới đây. Tôi cho rằng có 2 yếu tố là khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và con người. Nếu không tập trung 2 yếu tố này, chúng ta sẽ khó phát triển trong thời đại 4.0.

Tranh thủ nguồn lực con người để phát triển nhanh

Tôi muốn nói đến yếu tố con người - nguồn lực mạnh nhất, tiềm tàng nhất của quốc gia nhưng chúng ta chưa phát huy. Người Việt Nam chúng ta thông minh, chịu khó, ý chí cao được chứng minh qua những giai đoạn lịch sử khác nhau. Nhưng chúng ta thử hỏi, giờ đây người tài đang ở đâu? Họ đang ở nước ngoài? Nhiều người tài chỉ làm chuyên viên, nghiên cứu, không được phát huy hết khả năng của mình. Việt Nam có rất nhiều người tài nhưng họ chưa trở thành nguồn lực của đất nước. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ.

Tôi rất tâm huyết với việc thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, đã quy tụ được nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó kết nối với nhau phục vụ đổi mới sáng tạo. Chúng ta cũng đang thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Chúng ta cần tranh thủ nguồn lực con người để phát triển nhanh, nhất là giai đoạn dân số vàng hiện nay. Người Việt Nam cần phải giàu trước khi già. Đến năm 2030, Việt Nam chuyển sang giai đoạn già hoá dân số. Quỹ thời gian chỉ còn 10 năm nữa thôi nên chúng ta phải tận dụng được nguồn nhân lực đang đầy sức sống này trước khi đất nước chuyển sang giai đoạn già hóa dân số, áp lực xã hội gia tăng.

Phân bổ nguồn lực để đảm bảo hiệu quả đầu tư

Thị trường là cơ chế quan trọng nhất để đảm bảo phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cơ chế của chúng ta khác; chúng ta có chủ trương phát triển cân bằng giữa các vùng miền, không để khoảng cách giàu nghèo doãng ra. Vì thế, trong phân bổ nguồn lực, chúng ta vừa phải đảm bảo mục tiêu kép là trên hiệu quả cũng như dựa trên phát triển trên hài hòa và cân bằng.

Đầu tư công trong giai đoạn tới đề nghị xử lí theo hướng dựa trên sự cân bằng nhưng cũng phải dựa vào hiệu quả, tập trung cho một số cực tăng trưởng để bứt phá, từ đó đóng góp cho ngân sách nhà nước nhiều hơn. Chúng ta cần chú ý hơn đến các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dù vẫn phải đảm bảo hài hòa, cân bằng với các vùng kém phát triển hơn.

Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, chúng ta đã nhất quán về việc sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư. Chúng ta tư duy theo hướng kiến tạo phát triển, cho GDP to ra, có nhiều doanh nghiệp mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, lúc đó nợ công sẽ tự khắc giảm đi. Tuy nhiên, cũng có quan điểm phải giữ được nợ công, bội chi ở mức thấp mà không chú ý đến phát triển, đến tăng trưởng GDP. Đây là mâu thuẫn trong phát triển.

Cá nhân tôi theo xu hướng kiến tạo cho phát triển, làm sao để phát triển nhanh hơn, để GDP lớn lên thì tự khắc đạt mục tiêu kép là vừa phát triển mà nợ công, bội chi giảm xuống. Còn cứ giữ nợ công, bội chi ở mức thấp thì có lợi ích không nếu không có tăng trưởng?

Vẫn còn tư duy đầu tư theo kiểu 'con nhà lính tính nhà quan'

Trong chúng ta vẫn còn tư duy đầu tư theo kiểu “con nhà lính tính nhà quan” hay “bóc ngắn cắn dài”. Tức là tệ đầu tư dàn trải. Chúng ta khắp nơi cùng đầu tư, các công trình lại manh mún, nhỏ bé, kém kết nối. Đầu tư theo cách đó làm sao đủ nguồn lực, nếu không nói là triệt tiêu hết nguồn lực. Cách đầu tư này tạo ra sự lãng phí còn cao hơn tham nhũng nhiều. Phải tập trung cho đầu tư, hạ tầng để phát triển, giảm chi thường xuyên.

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5-10 năm tới đã có ý tưởng thiết kế tăng trưởng nhanh dựa vào các động lực, đô thị thông minh nhất là Hà Nội, TP.HCM và 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tăng trưởng nhanh cần dựa vào các vùng kinh tế trọng điểm, những vùng có khả năng tạo của cải vật chất chứ dàn trải, dựa vào các tỉnh khác có thế yếu hơn về năng lực cạnh tranh thì khó.

Chẳng hạn, TP.HCM cần tập trung phát triển được trung tâm tài chính quốc tế. Cách đây hơn 10 năm, tôi đã làm đề án với nước ngoài để hình thành trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam. Bây giờ là cơ hội vàng để thực hiện ý tưởng này, nếu không làm được sẽ là lãng phí.


PHẢI VƯỢT LÊN TRƯỚC CHỨ KHÔNG ĐI THEO, ĐI SAU

NGUYỄN CHÍ DŨNG/ TVN 5-9-2020

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu phần cuối bài thuyết trình của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả cho công cuộc phát triển.

Tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng

Về đầu tư, Việt Nam cần tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, các dự án tạo sức lan toả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sớm hình thành hệ thống cao tốc Bắc - Nam. Không có quốc gia nào phát triển được mà thiếu đường cao tốc.

Phải vượt lên trên trước chứ không đi theo, đi sau
3 dự án cao tốc Bắc - Nam được chuyển sang đầu tư công sẽ được khởi công từ tháng 9/2020

Hàn Quốc thời Tổng thống Park Chung Hee làm đường cao tốc 460 km trong vòng 2,5 năm, trở thành điều kì diệu với thế giới.

Việt Nam chúng ta, ngoài đường dây 500kV, đường mòn Hồ Chí Minh, có gì? Vì sao chúng ta chưa làm nên điều kỳ diệu như các quốc gia khác?

Từ năm 2010 đến giờ, chúng ta mới xây được có 400km đường cao tốc, còn tới hơn 1.300km nữa. Từ Hà Nội đi Nghệ An mất 5-6 tiếng. Mà theo kế hoạch phải đến 2030 mới làm xong đường cao tốc. Trong khi đó, hệ thống cảng biển, hàng không, hạ tầng số, đường bộ… đều cần được nâng cấp.

Giữ đất, giữ rừng ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên thay vì đặt mục tiêu phát triển kinh tế quá cao

Tôi muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng hệ thống hồ chứa, từ Tây Nguyên đến Trung Bộ, đến đồng bằng sông Cửu Long. Sông Cửu Long bị ngăn dòng làm thủy điện, giảm lượng nước về Việt Nam, làm nước biển dâng, xâm ngập mặn vào đất liền, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nếu ta có hồ chứa, có kênh liên thông thì vừa tích trữ vừa chuyển được nước cho đồng bằng sông Cửu Long, An Giang về Tây Nam Bộ, từ sông Tiền sông Hậu… Không có hồ chứa thì tới 85% lượng nước ngọt sẽ chảy ra biển mất.

Một số địa phương ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên khó thu hút đầu tư vì xa xôi, vì thiếu các cảng biển và thiếu nguồn nhân lực. Như vậy có nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cao hay không?

Không thu hút được đầu tư, kể cả FDI, thì làm sao mà chuyển dịch kinh tế và tăng trưởng GDP cao được. Vì thế, theo quan điểm cá nhân tôi, cần giữ đất, giữ dân, giữ rừng, giữ đoàn kết, ổn định thay vì đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế quá cao ở các khu vực này. Nếu không, địa phương nào cũng đòi làm sân bay, đường cao tốc, khu công nghiệp… rất tốn kém mà lại ít hiệu quả.

Số tiền đó ta có thể tập trung vào các vùng động lực giúp họ phát triển nhanh hơn, đóng góp ngân sách nhiều hơn, từ đó điều tiết về các vùng kia để làm những dịch vụ y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng...

Thay đổi tư duy quản lý và quản trị quốc gia

Thay đổi tư duy quản lý và quản trị quốc gia là thực tế phải suy nghĩ. Thay vì tiền kiểm, hãy chuyển sang hậu kiểm. Cái gì khó thì làm thử nghiệm, nếu được thì nhân rộng ra, chứ không nên tư duy hẹp hòi, chặt chẽ quá mà cản trở phát triển. Trong quản lý, nếu vướng về văn bản, thì cần xử lý linh hoạt, năng động vì mục đích chung chứ không hình sự hóa các mối quan hệ về kinh tế.

Phải vượt lên trên trước chứ không đi theo, đi sau
Nền nông nghiệp nên hướng đến sản xuất hữu cơ

Về phát triển nông nghiệp, chúng ta ủng hộ phát triển nền nông nghiệp hiệu quả cao chứ không phải nền nông nghiệp công nghệ cao. “Hiệu quả cao” là gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ; còn “công nghệ cao” là đẩy nhanh sản lượng. Đẩy nhanh sản lượng mà không biết bán cho ai là luôn dẫn đến tình trạng được mùa mất giá. Nền nông nghiệp nên hướng đến sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch.

Nhân lực, vật lực, tài lực

Muốn phát triển bất cứ lĩnh vực nào cũng phải có nguồn lực như nhân lực, vật lực và tài lực …trong đó, nguồn lực có bao nhiêu, quản lí như thế nào và sử dụng ra sao đều phải tính toán từ góc độ hiệu quả.

Nguồn nhân lực có chất lượng thấp, tỷ lệ lao động có tay nghề rất thấp. Chúng ta kêu gọi thu hút đầu tư công nghệ cao mà chất lượng nguồn nhân lực như thế này thì khó. Chúng ta đang nói đến chuyện đón làn sóng FDI mà không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì đón thế nào? Còn nhớ trước đây hãng Intel mời sinh viên của 5 trường đại học ở Việt Nam đến kiểm tra trắc nghiệm tiếng Anh, chỉ có 40% đạt.

Nguồn nhân lực bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta có lực lượng lao động có tay nghề, có kỹ năng, còn trong tuổi lao động ở các địa phương nhưng lại không xây dựng được cơ sở dữ liệu về lực lượng này để khi doanh nghiệp cần là huy động được ngay.

3,8 triệu ha đất là cho phát triển nông nghiệp chứ không phải chỉ cho trồng lúa

Việc sử dụng vật lực là đất ở nhiều địa phương còn chủ quan và lãng phí. Nhiều tỉnh cứ tập trung bán đất để thu ngân sách là rất đáng lo lắng vì đất đai là tài nguyên không nở ra được. Một số địa phương sử dụng rất lãng phí đất, nhà đầu tư xin bao nhiêu cho bấy nhiêu, không cần biết họ làm vậy có đúng hay không, không cần biết họ cần 500ha hay 1.000ha.

Nhiều địa phương không thẩm tra, không thẩm định, không có định mức cấp đất. Địa phương giao nhiều đất cho các nhà đầu tư mà nhà đầu tư không làm gì hay chỉ là một tí để giữ đất là chết. Có những dự án nhà đầu tư không bỏ vào đồng nào suốt 17 năm nay, rồi bán lại hàng trăm tỷ đồng cho nhà đầu tư khác. Tức là họ ăn trên lưng nhà đầu tư khác, ăn trên lưng nhà nước. Bán hết đất rồi thì nhiệm kỳ sau thế nào, con cháu sau này thế nào? Tôi cho là không thể lấy tiêu chí bán đất để thu ngân sách nhà nước làm thành tích được.

Chúng ta có 3,8 triệu ha lúa. Nếu chúng ta giữ diện tích đất lúa cao quá sẽ không có đất để phát triển được công nghiệp và dịch vụ. Làm lúa giá trị gia tăng thấp, được 10 triệu đồng/ha trong khi làm sản phẩm khác đạt được 100 triệu đồng hay hàng tỷ đồng.

Có nghĩa làm lúa thì giá trị thấp lắm, nông dân rất vất vả. Người nước ngoài nói Việt Nam đang lo an ninh lương thực cho thế giới, trong khi nông dân chúng ta thì nghèo khổ. Đây là vấn đề tư duy và chắc chắn việc này phải thảo luận. Cá nhân tôi cho rằng, 3,8 triệu ha đất là cho phát triển nông nghiệp chứ không phải chỉ cho trồng lúa.

Phải có tầm nhìn

Việc sử dụng tài lực dàn trải, lãng phí, công trình chỉ cần nhỏ thì lại xây to, xây xong không khai thác hết. Có nơi, xây đường rộng 70m, tức là lớn đến mức máy bay hạ cánh được, nhưng lại không để làm gì, cả ngày không có bóng dáng xe cộ qua lại.

Có nhiều tỉnh làm nhiều thứ rất to như trụ sở, tượng đài, quảng trường, đường cao tốc… Tôi về một địa phương nói, các anh chỉ cần làm đường tốc độ cao thôi, chưa cần làm đường cao tốc, nhưng quy hoạch, giải phóng mặt bằng một lần, ở giữa giải phân cách làm to ra sau này không phải giải phóng mặt bằng nữa mà vẫn đảm bảo quy hoạch.

Tuy nhiên, phải có tầm nhìn. Về Quảng Trị, tôi khuyên cần có trục động lực 12km, mỗi bên mở ra 100m, nối với vùng biển, tạo trục trung tâm hành chính. Với 12km đường sẽ có 240ha là giá trị vô cùng lớn cho phát triển.

Việt Nam đang ở thời điểm ngàn năm có một để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững. Nếu chúng ta không nhanh chóng tận dụng cơ hội, thì sẽ gặp nguy cơ tụt hậu xa hơn, khoảng cách phát triển với các quốc gia sẽ xa hơn, bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và mục tiêu trở thành nước phát triển khó hơn. Đây là thời điểm đòi hỏi chúng ta chủ động hoạch định, quyết định cho tương lai của đất nước.

Chưa bao giờ chúng ta có thế và lực tốt như hiện nay để vươn lên. Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, bao gồm EVFTA và CPTPP, chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng 4.0 với nhiều cơ hội để chuyển mình nhanh chóng, trỗi dậy. Vì thế, trong một số vấn đề phát triển, chúng ta cần có tư duy phải vượt lên trên trước chứ không đi theo, đi sau.

Chỉ khi mang tư duy đó, chúng ta sẽ nắm bắt được cơ hội để bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới tiến bộ, văn minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét