Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

20200817. BÌNH LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH LÃI SUẤT CỦA NHNN

KHÔNG DỄ HIỂU ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH HẠ LÃI SUẤT
PHAN MINH NGỌC/ TBKTSG 15-8-2020

(TBKTSG) - Việc giảm lãi suất các loại tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước không phải để kích thích các tổ chức tín dụng bơm tiền ra nền kinh tế, cũng không hẳn để giảm chi phí cho chính Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, mục tiêu đằng sau quyết định này là gì thật không dễ hiểu được.

Thật không dễ hiểu được quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: THÀNH HOA

Là nới lỏng hay thắt chặt tiền tệ?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng của các tổ chức tín dụng 0,5 điểm phần trăm, xuống 0,5%/năm; lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống 0,8%/năm.

Quyết định trên của NHNN được nhiều người nhìn nhận là một hành động nới lỏng tiền tệ. Thực ra thì hiểu và lý giải thế chưa hoàn toàn đúng.

Tiền được trả/bơm ra từ NHNN luôn có thể được hiểu là nguồn cung tiền tăng thêm cho nền kinh tế.

Khi NHNN cắt giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc thì đồng nghĩa với tiền lãi tổ chức tín dụng được hưởng/thu về từ NHNN sẽ sụt giảm đi so với trước, tức là cung tiền ra nền kinh tế sẽ giảm so với trước. Nói cách khác, mức độ nới lỏng của chính sách tiền tệ của NHNN sẽ thu hẹp lại - tuy tiền vẫn được bơm thêm ra nhưng ở mức độ ít hơn trước, nếu các yếu tố khác không thay đổi. (Lưu ý là điều này khác với thắt chặt chính sách tiền tệ, là rút bớt tiền về).

Tương tự như vậy là lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng của một số tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và Bảo hiểm tiền gửi. Số tiền gửi này không phải là dự trữ bắt buộc nên đương nhiên được hưởng một lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc (0,8%/năm so với 0,5%/năm). Tuy nhiên, do lãi suất tiền gửi này bị cắt giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm nên cũng có thể nói rằng chính sách tiền tệ của NHNN sẽ bớt nới lỏng hơn so với trước, nếu mọi yếu tố khác không thay đổi.

Do đó, việc một số ý kiến gắn hành động hạ lãi suất nói trên của NHNN với xu hướng các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động trên thị trường(1) là rất khiên cưỡng. Xu hướng giảm lãi suất này có thể do những nguyên nhân khác chứ chắc chắn không phải là do hành động trên, vì hiệu ứng ngược của nó như đã phân tích.

Lý giải động thái hạ lãi suất tiền gửi nói trên của mình, NHNN cho biết việc này sẽ “tác động giảm các loại lãi suất khác trên thị trường”(2). Nhưng, như đã được chỉ ra ở trên, việc giảm tốc nới lỏng chính sách tiền tệ thực ra sẽ cản trở việc cắt giảm các loại lãi suất khác trên thị trường chứ không phải là ngược lại. 

Sẽ thúc đẩy đưa vốn ra nền kinh tế?

Bên cạnh mục đích hạ mặt bằng lãi suất, hành động của NHNN còn được cho là sẽ thúc đẩy các ngân hàng đưa vốn ra nền kinh tế(2). Quan điểm này dựa trên lập luận rằng, hiệu ứng này sẽ nảy sinh khi tiền gửi của tổ chức tín dụng tại NHNN sẽ giảm đi vì lãi suất thấp hơn, kém hấp dẫn hơn, buộc họ phải rút bớt tiền gửi NHNN về để cho vay ra nền kinh tế, nếu không muốn “ế” vốn.

Tuy nhiên, cần lưu ý lại rằng NHNN hạ lãi suất trước hết là đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc. Có nghĩa là dù muốn hay không, lãi suất có hấp  dẫn hay không thì tổ chức tín dụng vẫn buộc phải gửi, theo quy định, một tỷ lệ nhất định vốn huy động của mình tại NHNN, chứ không có lựa chọn nào khác.  Ở đây cũng cần lưu ý là có chuyên gia đã sai lầm khi nói rằng các tổ chức tín dụng “có thể điều chỉnh quy mô lượng dự trữ bắt buộc”(2).

Mà như đã nói ở trên, do chỉ được hưởng lãi suất thấp hơn từ NHNN sau đợt điều chỉnh này nên thực ra lượng tiền mà tổ chức tín dụng sẵn sàng cho vay ra nền kinh tế (gồm tiền lãi trả bởi NHNN) sẽ là ít hơn so với trước đây, nếu mọi yếu tố khác không thay đổi.

Ngay cả với tiền gửi của các tổ chức khác tại NHNN như của Bảo hiểm tiền gửi, Kho bạc Nhà nước... thì dù đây không phải là tiền gửi bắt buộc trên nghĩa đen, nhưng vẫn là bắt buộc trên thực tế do pháp luật hiện hành yêu cầu, quy định như vậy. Chẳng hạn, các tổ chức này không được gửi (một số loại) tiền tại các tổ chức tín dụng mà phải gửi tại NHNN.

Công cụ tiền tệ không còn tác dụng nữa?

Ở chiều hướng ngược lại, có người cho rằng quyết định của NHNN cũng cho thấy cơ quan này không còn nhiều lựa chọn và đã sử dụng gần hết những công cụ đang có. Việc hạ lãi suất mang tính tâm lý hơn là kinh tế. “Công cụ tiền tệ đã không còn tác dụng nữa”(2).

Có lẽ ý kiến này xuất phát từ suy luận tổ chức tín dụng không cho vay ra nền kinh tế được nên mới phải gửi vào NHNN để hưởng lãi, nên NHNN phải hạ lãi suất để khuyến khích/buộc họ tăng cường cho vay ra nền kinh tế thay vì đem gửi tại NHNN.

Nhưng như đã nói ở trên, việc gửi tiền ở NHNN thường không phải là chủ đích của tổ chức tín dụng mà thường là do “bắt buộc” nên việc gửi tiền ở đây chỉ là “chẳng đặng đừng”. Do đó, việc NHNN hạ lãi suất tiền gửi tại NHNN không có nghĩa là tổ chức tín dụng không cho vay ra nền kinh tế được và chính sách, công cụ tiền tệ không còn tác dụng nữa. Bằng chứng tối thiểu là vẫn có tăng trưởng tín dụng dương (đáng kể chứ không quá thấp, kể cả so với khu vực và thế giới); lãi suất huy động vẫn neo cao chứ không tụt đột ngột (và xuống quá thấp). 

Để cắt giảm chi phí?

Một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng việc hạ lãi suất các khoản tiền gửi tại NHNN chỉ là động thái giảm chi cho ngân sách. Vì thực tế, bên phải trả lãi suất cho lượng tiền gửi dự trữ bắt buộc là NHNN, hay nói cách khác là tiền ngân sách nhà nước(2).

Cần lưu ý rằng ngân sách nhà nước với ngân sách của NHNN là hai điều độc lập với nhau trên nguyên tắc. Có nghĩa là khoản thu/chi của NHNN không phải là thu/chi của ngân sách nhà nước. Nên khoản tiền “tiết kiệm” được từ việc cắt giảm lãi suất tiền gửi tại NHNN không đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước tránh được việc phải chi ra một khoản tương ứng.

Cũng có luồng ý kiến cho rằng quyết định giảm lãi suất này nhằm mục tiêu chủ yếu là giảm chi phí hoạt động cho NHNN(3).

Nếu NHNN là một doanh nghiệp, một ngân hàng thương mại thông thường, thì hiểu thế cũng không sai. Nhưng ở đây NHNN là ngân hàng trung ương, không phải hạch toán lợi nhuận; nguồn tài trợ cho chi phí hoạt động không phải đến từ việc kinh doanh nguồn tiền gửi của tổ chức tín dụng và các chủ thể kinh tế khác. Do đó, NHNN không phải tìm cách cắt giảm chi phí hoạt động bằng cách, ví dụ, cắt giảm lãi phải trả.

Ngoài ra, đã gọi là dự trữ bắt buộc thì NHNN có quyền áp dụng bất cứ lãi suất nào cho số tiền gửi này (và mọi khoản tiền gửi khác tại NHNN nói chung). Do vậy, nếu hiểu theo ý ở trên thì NHNN lẽ ra phải luôn luôn duy trì lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là 0%/năm từ trước đến nay để “tiết kiệm” chi phí hoạt động, chứ không việc gì phải duy trì lãi suất tới một vài phần trăm/năm như trước đây.

(1) /306826/nhnn-tiep-tuc-giam-lai-suat-tien-gui-du-tru-bat-buoc.html

 

(2) https://cafef.vn/ha-lai-suat-tien-gui-du-tru-bat-buoc-co-the-thuc-day-tin-dung-20200808095747966.chn

(3) https://cafef.vn/vi-sao-nhnn-giam-lai-suat-du-tru-bat-buoc-20200808112852216.chn

THỬ GIẢI MÃ ẨN Ý CỦA VIỆC GIẢM LÃI SUẤT TIỀN GỬI DỰ TRỮ BẮT BUỘC

THỤY LÊ/ TBKTSG 14-8-2020


(TBKTSG) - Nếu như việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một biểu hiện của chính sách nới lỏng tiền tệ, thì việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc mới đây của Ngân hàng Nhà nước lại có tác động ngược lại, khi lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng và làm suy giảm nguồn lực có thể cho vay ra nền kinh tế của ngành ngân hàng. Nhưng vì sao nhà điều hành vẫn quyết định lựa chọn chính sách này trong bối cảnh hiện nay?

Điều không mong đợi

Đây là lần thứ 2 trong năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh mức lãi suất điều hành này và là lần thứ 3 chỉ trong vòng chín tháng qua. Nếu như lần điều chỉnh trước đó vào giữa tháng 3 đầu năm nay ghi dấu mức tăng nhẹ 0,2 điểm phần trăm, sau lần điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm vào tháng 11-2019, thì lần điều chỉnh giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Thị trường ngạc nhiên bởi trong bối cảnh nới lỏng chính sách tiền tệ hiện nay, động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đang được mong đợi nhiều hơn.Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỷ lệ phần trăm trên lượng tiền gửi mà các tổ chức tín dụng huy động được phải gửi tại NHNN, hiện đang được áp dụng đối với tiền gửi bằng tiền đồng không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3%, tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1%, trong khi tỷ lệ áp dụng đối với tiền gửi ngoại tệ tương ứng là 8% và 6%.

Bằng cách thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHNN có thể thay đổi số nhân tiền để điều tiết cung tiền, theo đó nếu giảm nghĩa là có khuynh hướng nới lỏng, ngược lại tăng sẽ là thắt chặt.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là tiền lãi NHNN trả cho các tổ chức tín dụng dựa trên số dư tiền gửi dự trữ bắt buộc. Do đó, nếu lãi suất này giảm đồng nghĩa với lượng tiền lãi các ngân hàng thương mại nhận được cũng sẽ giảm, do đó sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các ngân hàng, nên đây được cho là động thái có khuynh hướng thắt chặt hơn là nới lỏng.

Với số dư tiền gửi của toàn ngành ngân hàng theo cập nhật của NHNN tính đến cuối tháng 5-2020 là gần 9 triệu tỉ đồng, trong đó tỷ trọng tiền gửi bằng tiền đồng thường chiếm khoảng 92%, tương ứng gần 8,3 triệu tỉ đồng; và với tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng hiện nay phổ biến ở khoảng 70%, trung dài hạn là 30%, thì lượng tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng nằm tại NHNN xấp xỉ 200.000 tỉ đồng. Với mức giảm lãi suất đến một nửa, các ngân hàng sẽ bị thiệt hại 1.000 tỉ đồng/năm, đồng nghĩa với việc hệ thống đã mất đi 1.000 tỉ đồng để có thể đem cho vay ra nền kinh tế.

Ngoài ra, trái với những nhận định cho rằng việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc nhằm thúc đẩy các ngân hàng tăng cường cho vay ra nền kinh tế thay vì gửi tiền tại NHNN, thật ra động thái vừa qua sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quyết định cho vay của các ngân hàng.

Cụ thể, với quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dù lãi suất cao hay thấp thì các ngân hàng vẫn phải đảm bảo gửi tiền tại NHNN để dự trữ theo một tỷ lệ nhất định. Còn đối với lượng tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc, trong khi một số quốc gia có thể vẫn trả lãi, thì tại Việt Nam lãi suất cho mức vượt này là 0% duy trì suốt từ năm 2005 đến nay, do đó điều này không tác động gì đến việc các ngân hàng tăng hoặc giảm tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc để tăng cường cho vay ra nền kinh tế.

Như đã nói, quyết định giảm lãi suất này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của ngân hàng, trong khi ngành này đang phải nỗ lực chung tay hỗ trợ nền kinh tế nói chung và khách hàng vay vốn nói riêng, đặc biệt là nhóm khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng bởi dịch bệnh vừa qua, thông qua các giải pháp miễn giảm lãi phí, giảm lãi suất cho vay. Gánh nặng nợ xấu trong tương lai cũng sẽ tác động xấu đến lợi nhuận của các ngân hàng trong tương lai, do đó việc giảm lãi suất vừa qua cũng là một sự bất ngờ xét trên khía cạnh này.

Vì sao vẫn quyết định giảm?

Dù vậy, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc vẫn có thể được lý giải theo những cơ sở sau. Thứ nhất, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trên khắp các thị trường đang giảm sâu, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là một xu hướng tất yếu. Đơn cử như trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng đã rớt về dưới mốc 1% đối với các kỳ hạn từ một tháng trở xuống trong nhiều tháng qua, trong đó lãi suất kỳ hạn qua đêm chỉ còn 0,24% cập nhật đến ngày 6-8.

Thứ hai, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cũng thường được điều chỉnh theo sau các loại lãi suất điều hành như tái cấp vốn, tái chiết khấu, trần lãi suất tiền gửi, điều đã từng diễn ra trong tháng 11-2019. Trong khi đó, mặc dù các loại lãi suất điều hành này đã có hai đợt giảm mạnh vào giữa tháng 3 và tháng 5 năm nay, nhưng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc chỉ mới có một lần điều chỉnh vào giữa tháng 3, đặc biệt còn theo hướng tăng nhẹ 0,2 điểm phần trăm. Do đó, việc điều chỉnh giảm mạnh lần này là để phù hợp hơn so với mức giảm của các loại lãi suất khác.

Thứ ba, ngoài hai đợt giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng vào tháng 3 và tháng 5, với tổng mức giảm lên đến 0,75 điểm phần trăm, các ngân hàng đã tiếp tục có đợt giảm mạnh lãi suất huy động vốn vào đầu tháng 7 vừa qua ở đều các kỳ hạn, nên chi phí vốn của các ngân hàng đã có sự giảm xuống đáng kể. Vì vậy, việc NHNN giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là tương ứng với xu thế giảm chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng, cũng như là cách để tiết giảm chi phí cho NHNN.

Việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cũng nhằm khuyến khích các ngân hàng phải tiếp tục tiết giảm chi phí huy động vốn, bằng cách giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hoặc tìm kiếm thêm nguồn tiền gửi không kỳ hạn, nhằm giảm bớt mức thiệt hại khi mà lượng tiền gửi dự trữ bắt buộc vẫn đang mang lại những khoản lỗ cho các ngân hàng do lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm. Nếu chi phí huy động vốn tiếp tục tối ưu hơn, động lực giảm lãi suất cho vay sẽ dễ được thực hiện và duy trì hơn.

Trong khi đó, thị trường vẫn tiếp tục chờ đợi một kịch bản giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể theo sau động thái giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, nhất là khi tỷ lệ này đã được giữ yên trong suốt hơn 10 năm qua, từ ngày 1-3-2009 cho đến nay, trong khi dịch bệnh giai đoạn 2 đang quay trở lại có thể càng thúc đẩy tăng cường độ của các giải pháp nới lỏng chính sách tiền tệ hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét