Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

20200807. BÌNH LUẬN BÀI BÁO CỦA ÔNG VŨ NGỌC HOÀNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO: TUYÊN GIÁO PHẢI NHẰM KHAI HÓA VĂN MINH CHO DÂN TỘC
VŨ NGỌC HOÀNG/ TN 1-8-2020
Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: Internet
Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Lịch sử của dân tộc ta mỗi khi qua những khúc quanh, đất nước bị xâm lăng hoặc sau khi chiến thắng, lúc hưng thịnh và lúc suy vong, ta có thể thấy mặt mạnh nổi trội là văn hóa trong giữ nước. Đặc biệt với vai trò quan trọng, dẫn dắt của công tác tuyên giáo nếu có cách làm khoa học.

Tuyên giáo phải vừa khoa học vừa chính trị

Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa là sự nghiệp lâu dài vừa là trước mắt, vừa có tính chất khoa học vừa mang tính chính trị. Trong thực tế không ít trường hợp không tránh khỏi sự mâu thuẫn giữa tính khoa học và tính chính trị. Nên giải quyết thế nào? Phải dựa vào khoa học để làm căn cứ xác định và điều chỉnh các yêu cầu chính trị, chứ không phải ngược lại là lấy chính trị để bắt khoa học phải tuân theo, vì nếu vậy thì khoa học không còn là khoa học, và do đó các căn cứ để quyết định nhiệm vụ chính trị không còn đứng vững và chính trị chắc chắn sẽ bị chông chênh.
Chính vì lẽ đó mà nhiều việc trong đời sống xã hội đã bị chính trị hóa, kể cả khoa học và tư tưởng, ngôn luận. Mặt khác, cái lâu dài và cái trước mắt không phải lúc nào cũng thuận chiều nhau; khoa học định hướng cho lâu dài, nhưng chính trị nhiều lúc phải giải quyết yêu cầu bức xúc trước mắt. Trong trường hợp đó mục đích lâu dài phải được phân kỳ, có quá trình, có bước đi phù hợp hoàn cảnh thực tế. Chỉ có điều sự phân kỳ đó có giới hạn và không trái ngược với khoa học, có vậy chính trị mới có thể thành công bền vững.
Trường hợp khác, nếu bất chấp khoa học, thì chính trị sẽ mất tính khách quan, không còn sức sống tự nó, bị xơ cứng và giảm tính thuyết phục, giảm lòng tin, từ đó mà hỏng nền tảng. Ngay cả quan niệm chính trị cũng không nên khuôn lại trong giới hạn của vấn đề quyền lực và xử lý tình huống, mà phải có cách tiếp cận của khoa học chính trị, không áp đặt kiểu cai trị ngày xưa mà thuyết phục bằng cơ sở khoa học trong môi trường dân chủ xã hội.
Khai hóa văn minh mới là sự dẫn dắt thật sự có ý nghĩa với tiến trình lịch sử. Khi nào các cơ quan lãnh đạo cao nhất lấy sự nghiệp khai hóa văn minh làm nhiệm vụ chính trị hàng đầu, mục tiêu cao nhất thì các mâu thuẫn giữa chính trị và khoa học sẽ không còn nhiều, thậm chí rất ít, chỉ là chuyện kỹ thuật.
Lâu nay nhiệm vụ chính trị quy định công tác tuyên giáo, còn công tác tuyên giáo thì tập trung phục vụ chính trị, nặng về tuyên truyền, quán triệt. Ngay cả lý luận đáng lý là một khoa học thì cũng do chính trị quy định. Không ít lý lẽ được sinh ra từ yêu cầu chính trị trước mắt. Công tác tuyên giáo là tư duy và ngôn luận. Tư duy không thể không có tự do và theo đó ngôn luận cũng vậy. Nếu công tác tuyên giáo hoàn toàn lệ thuộc, bị thụ động một chiều, mất đi tính tự do và sáng tạo, cũng có nghĩa là mất đi sức sống và tính thuyết phục, do vậy mà trở nên xơ cứng, từ đó không đạt được kết quả như mong muốn. Trong thực tế, rất nhiều trường hợp, ưu và khuyết điểm của nhiệm vụ chính trị là sự tác động, bắt nguồn, dẫn đến ưu khuyết điểm của công tác tuyên giáo. Theo lý thuyết thì tuyên giáo có quyền đề xuất những vấn đề khác với chủ trương của chính trị, thậm chí là ngược lại, và như vậy sẽ góp phần làm cho chính trị đúng đắn hơn.

Tuyên giáo nhân lên sức mạnh chân chính

Trong dòng máu của dân tộc này đã có truyền thống yêu nước, văn hóa giữ nước hun đúc từ bao đời. Cái giỏi của những người lãnh đạo là đã biết phát huy tinh thần dân tộc, sức mạnh vô cùng lớn lao từ nhân dân. Ngày đó, mục tiêu và khẩu hiệu lớn nêu ra là “Dân tộc, dân chủ”. Nhiệm vụ chính trị đó phù hợp lòng dân, là mong muốn chính đáng và bức xúc của cả dân tộc. Nên tự nó, nhiệm vụ chính trị đã có sức mạnh hiệu triệu muôn người. Trong trường hợp ấy, bản thân chính trị đã có sức cảm hóa thuyết phục, đã là tuyên giáo rồi. Còn công tác tuyên giáo thì đã biết nhân lên sức mạnh của chính trị chân chính. Còn mục tiêu dân chủ? Ngày chưa giành được chính quyền ta hiểu vấn đề dân chủ tuy không sai nhưng chưa đầy đủ và quá đơn giản. Lúc đó, dân chủ được hiểu là lật đổ chế độ quân chủ của vua, xóa bỏ phong kiến và lập ra nhà nước dân chủ của nhân dân. Nếu chỉ có như vậy thì sau cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 về cơ bản đã giải quyết xong rồi. Nhưng trên thực tế thì vấn đề dân chủ còn rất nhiều việc chưa được giải quyết, thậm chí có những nội dung rất cơ bản thuộc về nền tảng vẫn chưa giải quyết được.
Bác Hồ có nói một câu nổi tiếng là, nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có nghĩa lý gì. Như vậy, theo tư duy của Người, độc lập là để cho nhân dân được tự do và hạnh phúc, tự do và hạnh phúc là mục đích của độc lập, chưa đạt được điều đó thì mục đích của độc lập vẫn chưa xong. Mà để có một xã hội thật sự dân chủ và nhân dân ai cũng được hạnh phúc thì còn rất gian nan.
Từ năm 1945 đến nay đã 75 năm, đã có những tiến bộ đáng kể trên tiến trình dân chủ, nhưng công bằng mà nói hãy còn ít và con đường vẫn còn rất xa. Tất nhiên nói khoảng cách xa gần ở đây là nói trong tư duy chậm đổi mới, chứ thực ra chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ thì lập tức có thể tạo ra những bước tiến mang dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển của dân tộc. Mục tiêu dân tộc và dân chủ đã từng là sức mạnh của cả một dân tộc, hiện nay vẫn thế và lâu dài cũng vậy. Nếu một lúc nào đó bị sao nhãng, lơ là đối với mục tiêu này, không thường xuyên lo nghĩ và phấn đấu cho nó, thì sẽ mất sức mạnh bắt nguồn cội rễ từ lòng dân. Dân chủ đến bao nhiêu là thể hiện trình độ văn minh và tính nhân văn của xã hội. Dân chủ là bản chất tốt đẹp của xã hội tiến bộ. CNXH nhất quyết phải là một chế độ dân chủ thật sự.
(còn tiếp)
SUY NGHĨ VỀ BÀI 'DẬY SÓNG DƯ LUẬN' CỦA ÔNG VŨ NGỌC HOÀNG
LÊ HỌC LÃNH VÂN/ MTG 4-8-2020

 Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: Internet
Ông Hoàng đặt câu hỏi: Khi có “sự mâu thuẫn giữa tính khoa học và tính chính trị” thì “nên giải quyết như thế nào?”. Ông đề nghị “Phải dựa vào khoa học để làm căn cứ xác định và điều chỉnh các yêu cầu chính trị, chứ không phải ngược lại”, vì nếu “lấy chính trị để bắt khoa học phải tuân theo” thì “nhiệm vụ chính trị không còn đứng vững và chính trị chắc chắn sẽ bị chông chênh”.

Bài của ông Vũ Ngọc Hoàng, đăng trên tờ Thanh Niên ngày 1.8.2020, có tên 90 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo: Tuyên giáo phải nhằm khai hóa văn minh cho dân tộc thu hút sự chú ý của dư luận.

Bài này chưa nói hết ý ông Hoàng vì còn phần tiếp theo chưa đăng. Trong phần đã đăng có 2 ý chính: Tuyên giáo phải vừa khoa học vừa chính trị, và Tuyên giáo nhân lên sức mạnh chân chính.

Chúng tôi xin trao đổi về phần "Tuyên giáo phải vừa khoa học vừa chính trị".

Ông Hoàng viết: “Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa là sự nghiệp lâu dài vừa là trước mắt, vừa có tính chất khoa học vừa mang tính chính trị”.

Trước khi thảo luận, xin cùng nhau thống nhất định nghĩa Tính khoa học.

Tính khoa học là gì? Các định nghĩa về khoa học hay về các tính chất của khoa học đều đưa ra những tính chất của khoa học như dưới đây:

1. Tính khách quan (Objectivity), 2. Tính có thể kiểm chứng (Verifiability), 3. Trung tính (Ethical Neutrality), 4. Tính có hệ thống trong nghiên cứu (Systematic Exploration), 5. Tính đáng tin cậy (Reliability), 6. Tính nghiêm ngặt (Precision), 7. Tính chính xác (Accuracy), 8. Tính tổng quát (Abstractness), 9. Tính dự báo (Predictability).

Xin được đi sâu hơn một chút 3 tính chất đầu tiên.

Tính khách quan: Là tính chất đầu tiên của khoa học, nghĩa là năng lực thấy và chấp nhận sự việc như nó là, chứ không phải như cái được mong muốn. Tính khách quan gạt bỏ khuynh hướng, niềm tin, ước muốn, ưa thích, nó không chấp nhận suy nghĩ chủ quan và thành kiến.

Tính có thể kiểm chứng được: Mọi kết luận khoa học phải dựa trên dữ liệu, chứng cứ (data). Trong khoa học tự nhiên đó là những chứng cứ mọi người có thể kiểm tra. Thí dụ nói nước sôi ở 100 độ C thì bất kỳ ai khi làm nước nóng lên tới 100 độ C đều thấy nước sôi. Trong khoa học xã hội, đó là các dữ liệu được thu thập theo phương pháp thăm dò, thống kê. Những kết luận về khuynh hướng ưa thích, chọn lựa, ủng hộ của dân chúng chỉ có tính khoa học khi được thăm dò ý kiến bằng phương pháp khoa học, khách quan, hoặc khi thông qua trưng cầu dân ý.

Tính trung tính: Khoa học chỉ hướng tới sự hiểu biết, không quan tâm tới kiến thức khoa học được dùng như thế nào. Khoa học tìm hiểu năng lượng nguyên tử, việc sử dụng kiến thức đó cho mục đích y khoa hay mục đích quân sự không thuộc phạm vi khoa học. Tinh thần khoa học đúng nghĩa không để niềm tin tôn giáo, chính trị, chủ thuyết… ảnh hưởng, làm biến dạng quá trình nghiên cứu hay kết quả nghiên cứu khoa học.

Với tính khoa học như được trình bày trên, ta thấy không có hoạt động tôn giáo, chính trị nào có tính khoa học đúng nghĩa. Hoạt động tuyên giáo, vốn là hoạt động chủ quan và nhằm định hướng chính trị, không thể có tính khoa học. Tuy nhiên, nếu hiểu “công tác tuyên giáo… vừa có tính chất khoa học vừa mang tính chính trị” (như ông Hoàng viết) theo hướng công tác tuyên giáo dùng tinh thần khoa học, kiến thức khoa học, kết quả khoa học… thì câu nói trên có thể mang ý nghĩa. Chúng ta sẽ thảo luận theo cách hiểu này.

Ông Hoàng đặt câu hỏi: Khi có “sự mâu thuẫn giữa tính khoa học và tính chính trị” thì “nên giải quyết như thế nào?”. Ông đề nghị “Phải dựa vào khoa học để làm căn cứ xác định và điều chỉnh các yêu cầu chính trị, chứ không phải ngược lại”, vì nếu “lấy chính trị để bắt khoa học phải tuân theo” thì “nhiệm vụ chính trị không còn đứng vững và chính trị chắc chắn sẽ bị chông chênh”.

Chúng tôi ủng hộ quan điểm này của ông Hoàng!

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế đó:

Một yêu cầu chính trị là lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Để yêu cầu chính trị này có tính khoa học, cần thảo luận công khai và đa chiều, rồi thăm dò ý dân. Dựa trên kết quả mà “điều chỉnh các yêu cầu chính trị”.

Một yêu cầu chính trị khác là đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Để yêu cầu chính trị này có tính khoa học, cần thảo luận công khai và đa chiều, rồi thăm dò ý dân. Dựa trên kết quả mà “điều chỉnh các yêu cầu chính trị”.

Có phải khi “điều chỉnh các yêu cầu chính trị” theo tinh thần và phương pháp khoa học như thế sẽ dễ thuyết phục sự ủng hộ và đồng thuận của đa số dân chúng hay không?

Như vậy, việc làm cho công tác tuyên giáo và “yêu cầu chính trị” có tính khoa học không khó lắm. “Chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ thì lập tức có thể tạo ra những bước tiến mang dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển của dân tộc”. Tôi cũng đồng tình với nhận định này của ông Vũ Ngọc Hoàng.

Điều khiến nhiều người còn thấy băn khoăn với lời của ông Vũ Ngọc Hoàng là “công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc”. Họ cho câu nói ấy là thiếu khiêm tốn… Cá nhân tôi lại không thấy nặng nề vậy, tôi hiểu “tham gia khai hóa văn minh” là truyền bá điều mình thấy, mình hiểu là tốt đẹp, là văn minh ra cộng đồng. Trong cộng đồng đó cũng có mình, mình thấy hay thì mình phổ biến và mình cũng học hỏi cái hay, cái văn minh do người khác phổ biến. Nếu được vậy, chẳng phải đó là cùng nhau “khai dân trí, chấn dân khí” hay sao.

Hy vọng cách hiểu này đúng ý ông Vũ Ngọc Hoàng muốn diễn đạt.

Lê Học Lãnh Vân

TUYÊN GIÁO KHAI HÓA VĂN MINH

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 2-8-2020

Bài báo của TS Vũ Ngọc Hoàng mấy hôm nay bị lên sóng chỉ trích nặng nề vì mỗi cái tít! Công nhận là đọc tít thấy đúng là giật gân, chướng mắt thật. Nhưng nội dung một bài báo đâu chỉ có mỗi cái tít.

TS Vũ Ngọc Hoàng tuy từng là phó Ban tuyên giáo trung ương (TGTƯ) nhưng mà lại là một nhân vật cấp tiến trong đảng. Mình đọc một số cuốn sách có nội dung khá nhạy cảm được ông này viết lời tựa, chứng tỏ ông đã diễn biến đến đầu gối rồi! Thế nên mình phải đọc toàn văn bài báo.

Nội dung bài báo đúng như mình dự đoán, thực ra ông Hoàng đang có ý phê phán ngành TG là phục vụ chính trị mà thiếu tính khoa học, nên tính chính trị bị chông chênh (do không dựa trên nền tảng khoa học). Hay nói theo cách phản động là TG chém gió phét lác, tuyên truyền nhồi sọ chả có căn cứ khoa học gì.

Thực ra cái mong muốn của ông Hoàng là phi thực tế, vì TG mà khai hóa văn minh dựa trên khoa học (lý lẽ, dẫn chứng) thì TG tự diễn biến cmnr!

Ông Hoàng còn tự phê là VN vẫn còn thiếu dân chủ, bằng cách dẫn lời của ông HCM “Nước nhà độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chả có ý nghĩa gì”…

Mình để ý, việc mấy ông đảng viên cấp tiến muốn phê phán đảng trên báo chí cách mạng một cách công khai là việc cực kỳ khó, khó hơn bọn phản động chửi bới trên FB vạn lần. Vì thế họ phải cố dùng lời lẽ uốn éo để truyền tải ý đồ tới độc giả. Nếu không để ý thì sẽ không thấy mục đích của người ta. Nhiều khi còn trách oan họ.

Bài báo này được giật tít mang tính kích động anh em phản động nên hơi bị phản ứng ngược. Thôi thì cũng là cách để đo lường phản ứng của anh em, xem ai tay nhanh hơn não, ai là người thận trọng!

Ai khai hóa thì cũng tốt thôi, nhưng với điều kiện là dựa trên khoa học, như mong muốn của ông Hoàng. Nhưng khai hóa kiểu đó là đảng tự tay bóp d…!

Những bài báo thế này nhiều khi nó lộ ra sự bế tắc trong lý luận của các ông đảng viên tự diễn biến. Bởi vì thâm tâm họ muốn cải cách, chỉnh đốn đảng, muốn đảng được lòng dân hơn, tuyên truyền có lý lẽ, thuyết phục quần chúng hơn, thực hiện sứ mệnh khai dân trí. Nhưng làm thế thực ra là góp phần làm đảng đổi màu, không còn là CS nữa. Bởi vì bản chất CS là vì mục tiêu chính trị có thể bất chấp mọi khoa học.

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu

Một trăm năm đô hộ giặc Tây

Chín mươi năm NHỒI SỌ từng ngày

Gia tài của mẹ, để lại cho con

Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét