Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

20200805. ĐIỀU LỆ, THÔNG LỆ HAY... HẬU DUỆ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐIỀU LỆ, THÔNG LỆ HAY...HẬU DUỆ ?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 31-8-2020
Người Việt vốn đã quen với cách nói tắt “Ngũ ệ” (hậu duệ, đồ đệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ) hoặc “Tứ cờ - 4C” (con cháu các cụ).
Dù chọn cách nói nào thì cả hai “nhóm hậu bị” này cũng cho một kết quả, chiếm vị trí đầu bảng là “hậu duệ”, cụ thể là con, tiếp theo là cháu.
Trong khoảng thời gian ngắn trước khi tổ chức Đại hội Đảng khóa 13, rất nhiều văn bản đã được ban hành, chẳng hạn 27 biểu hiện suy thoái trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, 19 điều đảng viên không được làm hoặc Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Câu chuyện vị cử nhân cờ vua, thạc sĩ quản lý giáo dục Nguyễn Nhân Chinh, 36 tuổi, con trai Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đang làm Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh được điều động tham gia Ban thường vụ và chỉ định làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh đang khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Ngoài những phân tích trong bài “Sao không bàn về quy định của Bộ Chính trị mà lại bàn chuyện bố con?” [1] thiết nghĩ cần phải có thêm những phân tích để biết Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng và các quy định mà Trung ương mới ban hành trước thềm đại hội 13 như thế nào.
Theo quy định, thành phố trực thuộc tỉnh tương đương cấp huyện nên trong bài viết này “Huyện ủy” được hiểu tương đương “Thành ủy thành phố trực thuộc tỉnh”.
Thứ nhất, quy định trong Điều lệ Đảng:
Khoản 1, Điều 20 quy định:
“Hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ bầu ban thường vụ; bầu bí thư và phó bí thư trong số uỷ viên thường vụ; bầu uỷ ban kiểm tra; bầu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra”.
Như vậy, chức vụ Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy phải do Hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ bầu trong số uỷ viên thường vụ (hiện đã có đề nghị thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội).
Vậy những trường hợp nào cấp ủy cấp trên được chỉ định hoặc điều chuyển người không nằm “trong số uỷ viên thường vụ” làm Bí thư cấp ủy cấp dưới?
Khoản 5, 6 điều 13 quy định:
“Từ tổ chức cơ sở đảng đến đảng bộ trực thuộc Trung ương nếu được thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong nhiệm kỳ, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ chính thức; …
Đối với tổ chức đảng không thể mở đại hội được, cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ của tổ chức đảng đó”.
Theo Thông báo của Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, Trung ương tán thành trình Đại hội 13 giữ nguyên Điều lệ Đảng hiện hành, không bổ sung, sửa đổi.
Điều này có nghĩa là những quy định nêu trên vẫn có hiệu lực và toàn bộ đảng viên, tổ chức cơ sở đảng phải nghiêm chỉnh thi hành.
Thành ủy thành phố Bắc Ninh không thuộc diện “thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong nhiệm kỳ”, cũng không thấy có lý do gì để khẳng định “không thể mở đại hội”, vậy việc Tỉnh ủy Bắc Ninh cử con trai Bí thư Tỉnh ủy làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh có phù hợp với Điều lệ Đảng?
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Thanhtra.com.vn)
Thứ hai, những quy định ngoài Điều lệ Đảng
Người dân có một suy nghĩ đơn giản, rằng Điều lệ Đảng có thể xem như “Hiến pháp” trong Đảng, những quy định trong Điều lệ sẽ được “luật hóa” bởi các quy định, chỉ thị,… mà Trung ương (Ban Bí thư, Bộ Chính trị,…) ban hành.
Nói cách khác, loại hình văn bản như “Quy định”, “Chỉ thị”,… trong nội bộ Đảng có thể coi tương đương với các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội ban hành.
Ngày 07/10/2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 98-QĐ/TW “Về Luân chuyển cán bộ”. Phần giải thích từ ngữ đề cập đến hai hình thức “Luân chuyển” và “Điều động”, tuy nhiên toàn bộ văn bản chỉ đề cập đến “luân chuyển cán bộ”.
Những quy định liên quan đến “điều động cán bộ” không có trong Quy định số 98-QĐ/TW mà phải tìm trong Quy định số 105-QĐ/TW “Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” ban hành ngày 19/12/2017.
Nếu đọc kỹ hai quy định số 98-QĐ/TW và 105-QĐ/TW sẽ thấy Tỉnh ủy và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có sự khôn khéo khi đưa cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh (Bí thư Tỉnh đoàn) về làm lãnh đạo cấp huyện không theo quy trình “luân chuyển cán bộ” mà là “điều động, chỉ định” bởi khi luân chuyển cán bộ theo quy định số 98-QĐ/TW, người được luân chuyển “chủ yếu chỉ được bố trí làm cấp phó”.
Vậy Quy định 105-QĐ/TW đã mở rộng những quy định trong Điều lệ Đảng thế nào?
Trong thực tế, việc điều động cán bộ từ trung ương về địa phương hoặc ngược lại được thực hiện thường xuyên bởi các quyết định của Bộ Chính trị hoặc cơ quan chức năng của Đảng, chẳng hạn việc điều động bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội về làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên hoặc việc điều động, chỉ định bà Nguyễn Thị Thu Hà từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhiệm kỳ 2015-2020,…
Như vậy, có thể thấy Tỉnh ủy Bắc Ninh thực hiện việc điều động, chỉ định con Bí thư Nguyễn Nhân Chiến làm Bí thư Thảnh ủy thành phố Bắc Ninh phù hợp với thông lệ và Quy định 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Vấn đề là Tỉnh ủy Bắc Ninh thực hiện quy trình điều động cán bộ đúng hay sai?
Khoản 1, điều 23 “Quy trình điều động cán bộ” trong Quy định 105-QĐ/TW ghi:
“1.1- Căn cứ quy hoạch cán bộ, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của cán bộ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo Cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động cán bộ thuộc phạm vi quản lý:
- Lập danh sách cán bộ cần điều động.
- Biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng cán bộ.
1.2- Quy trình điều động thực hiện như trường hợp bổ nhiệm cán bộ từ nguồn nhân sự nơi khác nêu tại Mục 2.2, Điểm I, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quy định này”.
Có hai khả năng có thể xảy ra:
Thứ nhất, “Ban thường vụ cấp ủy” tỉnh Bắc Ninh đã tuân thủ Quy định 105-QĐ/TW nghĩa là đã “xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động cán bộ thuộc phạm vi quản lý”.
Diễn giải cụ thể hơn, liệu có phải Thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh “căn cứ vào nhu cầu cán bộ” của Thành ủy Bắc Ninh, tức là đã biết sẽ khuyết chức danh Bí thư Thành ủy nên đã “lập danh sách cán bộ cần điều động” và đã “xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động cán bộ thuộc phạm vi quản lý” của Tỉnh ủy để thực hiện việc điều động, chỉ định con trai Bí thư Tỉnh ủy vào vị trí Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh?
Thứ hai, “Ban thường vụ cấp ủy” tỉnh Bắc Ninh không thực hiện theo Quy định 105-QĐ/TW, tức là chưa có “quy hoạch cán bộ”, chưa “xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động cán bộ” chưa có kế hoạch “lập danh sách cán bộ cần điều động”, do “đột xuất”, khuyết chức danh Bí thư Thành ủy Bắc Ninh nên buộc phải điều động bổ sung?
Nếu khả năng thứ hai xảy ra nghĩa là “Ban thường vụ cấp ủy” tỉnh Bắc Ninh không chuẩn bị “quy hoạch cán bộ” thì phải chăng nơi đây đang vận hành theo tư duy nhiệm kỳ?
Không biết Bí thư Nguyễn Nhân Chiến và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh có cho rằng hai khả năng nêu trên đều sai vì địa phương còn khả năng khác?
Tại Quy định số 105-QĐ/TW, mục 2.2, khoản 2, điều 6 quy định trách nhiệm của Ban Thường vụ tỉnh ủy như sau:
“Trên cơ sở đề nghị của đồng chí bí thư và thường trực tỉnh ủy, thành ủy, thảo luận và quyết định: Tuyển chọn, đánh giá, bố trí, phân công công tác; giới thiệu ứng cử, chỉ định; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm,…, và thực hiện chính sách đối với các chức danh … bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ huyện ủy, quận ủy và tương đương”.
Nếu không có đề xuất của “đồng chí Bí thư và thường trực tỉnh ủy” thì không thể điều động, bổ nhiệm bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ huyện ủy.
Từ “và” trong câu văn này cho thấy các mệnh đề liên kết phải đồng thời đúng:
1. Nếu thường trực tỉnh ủy đề xuất mà Bí thư không tán thành thì việc điều động bổ nhiệm cán bộ không được phép diễn ra, (điều này có thể do Bí thư liêm chính, không chấp nhận xu nịnh,…)
2. Nếu Bí thư Nguyễn Nhân Chiến đề xuất nhưng thường trực tỉnh ủy không tán thành thì con trai ông không thể ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, (nghĩa là tập thể không tán thành ý muốn của cá nhân người đứng đầu).
Sự việc ở Bắc Ninh đã xảy ra, Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh đã nhận nhiệm vụ, nhưng vấn đề nghi vấn là việc điều động, chỉ định chức danh này đã được thảo luận như thế nào tại Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh?
Theo quy định tại khoản 2.2, mục 2, điều 2 Quy định số 105-QĐ/TW thì:
“Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về cán bộ và công tác cán bộ trong lĩnh vực được phân công phụ trách”.
Như vậy, nếu ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh là người “đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể” trong việc cử con trai mình làm Bí thư Thành ủy có phải là tuân thủ quy định của Trung ương hay đây còn là sự vận dụng “sáng tạo” các quy định của cấp trên vào hoàn cảnh cụ thể của … gia đình?
Trong số 19 điều đảng viên không được làm, điều 10 và 11 ghi:
“10. Can thiệp, tác động đến cá nhân, tổ chức để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đi học, cấp đất, cấp nhà sai quy định. Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác.
11. Vì lợi ích cục bộ hoặc vụ lợi cá nhân mà chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các quyết định, quy định trái với chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Nếu quả có việc Bí thư Tỉnh ủy “đề xuất và tổ chức thực hiện” việc điều động, chỉ định con trai làm Bí thư Thành ủy thì điều này khác với việc “Can thiệp, tác động đến cá nhân, tổ chức để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm” như thế nào?
Một số biểu hiện suy thoái trong 27 biểu hiện mà Trung ương công bố ghi:
“Vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích;
Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Liệu câu chuyện “nâng đỡ không trong sáng” ở Thanh Hóa có lặp lại ở Bắc Ninh nhưng không phải với một cô gái mà là một “quý tử”?
Để giải quyết các vấn đề dư luận đặt ra, muốn người dân tâm phục, khẩu phục quyết định của tổ chức đảng tỉnh Bắc Ninh, thiết nghĩ Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên sớm xem xét, tránh những xì xào không đáng có trước thềm đại hội 13.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/sao-khong-ban-ve-quy-dinh-cua-bo-chinh-tri-ma-lai-ban-chuyen-bo-con-post211119.gd
Xuân Dương
TIN LIÊN QUAN:

BỔ NHIỆM CÁN BỘ TRẺ, ĐỪNG ĐỂ DƯ LUẬN ĐẶT CÂU HỎI 'LÀ CON ĐỒNG CHÍ NÀO?'
KIM ANH pv/ VTC New 3-8-2020

Công tác nhân sự là một trong hai nội dung quan trọng quyết định sự thành công của Đại hội Đảng các cấp. Trong đó, một nhiệm vụ chính trị được đặt ra đó là làm sao chọn được nhân sự cấp ủy tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, cơ cấu hợp lý, đảm bảo sự kế thừa giữa các cán bộ, nhất là tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ trẻ trưởng thành và phát huy cao nhất sức trẻ của mình đối với sự nghiệp chung.
Bổ nhiệm cán bộ trẻ, đừng để dư luận đặt câu hỏi 'Là con đồng chí nào?' - 1
9/9 Đảng bộ huyện, thị xã, thành phố ở Yên Bái tổ chức thành công Đại hội đại biểu. (Ảnh: Đinh Tuấn)
Đáng mừng là trong các khóa, Trung ương đều quy định phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên, đặc biệt là cấp ủy phải có 3 độ tuổi để đảm bảo tính kế thừa. Càng ngày, số cán bộ trẻ tham gia cấp ủy ngày càng tăng lên, nhưng không phải trẻ hóa một cách tuyệt đối, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo.
Từ khóa 8, Đảng ta đã có Nghị quyết Trung ương 3 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có 4 nhiệm vụ và giải pháp lớn.
Đến khóa 11, Đảng ta đã đưa toàn bộ công tác cán bộ vào hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình rất chặt chẽ từ việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, nhận xét, đánh giá cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ từng năm.
Đến nay, trên cơ sở quy hoạch, luân chuyển, đào tạo về lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng kiến thức mới (đặc biệt là cấp Trung ương), trong nhiệm kỳ 12 của Đảng, nhiều cán bộ trẻ đã được điều động, luân chuyển để chuẩn bị nhân sự Trung ương khóa 13.
Thực tiễn trong 90 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng cho thấy, Đảng ta luôn chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ. Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều lớp cán bộ có tuổi đời rất trẻ, được tôi luyện trong lò lửa cách mạng để trưởng thành, được Đảng tin cậy giao nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của đất nước.
Nối tiếp truyền thống đó, nhiều lớp cán bộ sinh ra, trưởng thành trong thời bình được đào tạo bài bản, có kiến thức khoa học phong phú, toàn diện, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy được sức trẻ của mình và trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc. Những cống hiến của họ đối với sự nghiệp chung được cán bộ, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Song, cũng có một thực tế đáng buồn, đó là không ít cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, cùng có xuất phát điểm là “con ông cháu cha”, được kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” của đất nước nhưng khi được cất nhắc, bổ nhiệm giữ những trọng trách quan trọng đã sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, bị kỷ luật và rồi sự nghiệp chính trị của họ cũng phải dừng lại. Bên cạnh đó cũng có trường hợp được bổ nhiệm nhưng không đủ tiêu chuẩn, không đúng quy trình, có dấu hiệu “nâng đỡ không trong sáng” được dư luận, báo chí phát hiện và phải nhận kết cục buồn.  
Thực tế ấy khiến nhiều người băn khoăn, đặt câu hỏi vì sao nhiều cán bộ vừa được bổ nhiệm hôm trước, hôm sau đã bị kỷ luật; vì sao cán bộ chưa đủ “chín”, chưa đủ thời gian thử thách, cọ xát thực tế đã được ưu ái “xếp” vào những vị trí quan trọng? Những hoài nghi đó cho thấy niềm tin của người dân đối với một bộ phận cán bộ trẻ chưa thực sự vững chắc. Họ nghi ngờ chất lượng cán bộ, họ hoài nghi quá trình học tập, phấn đấu của những nhân sự trẻ này.
Ông Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo TW nêu thực tế đáng suy ngẫm đó là: Khi cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ trẻ, nhiều người hay đặt câu hỏi: “Đồng chí này là con của đồng chí nào?”.
Rõ ràng, nhiều người không quan tâm lắm đến đồng chí này là ai, học hành thế nào, phấn đấu ra sao, mà trọng tâm câu hỏi là nhắm vào đồng chí nào. Cũng vì là “con của đồng chí nào” cho nên đồng chí này mới được ưu ái, nâng đỡ kiểu “thần tốc” như vậy.
Bổ nhiệm cán bộ trẻ, đừng để dư luận đặt câu hỏi 'Là con đồng chí nào?' - 2
Ông Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo TW.
“Trước đây, có nhiều đồng chí lãnh đạo cho con em mình đi bộ đội, xuống cơ sở để rèn luyện, phấn đấu và có nhiều người đã trưởng thành rất tốt. Và chắc chắn rằng hiện nay chúng ta cũng không thiếu gì con em các đồng chí lãnh đạo được đào tạo bài bản, tự khẳng định bằng những nỗ lực tự thân mà không có “bóng mát”, trải thảm của cha, ông, thì tội gì tổ chức không cất nhắc.
Thế nhưng, hiện nay nhiều trường hợp lợi dụng “con ông cháu cha” và những người lãnh đạo đó không chú ý giữ vững phẩm chất, đạo đức, nghĩ đến lợi ích gia đình, sử dụng quyền lực của mình để đưa con cháu vào bộ máy.
Thậm chí, có những người mới học ở phương Tây về, chưa biết Đảng là gì nhưng sau đó nhanh chóng vào Đảng và được vào cấp ủy. Những trường hợp này cần dứt khoát lên án. Cán bộ lãnh đạo trẻ, dù là “con ông cháu cha” hay là con nông dân cũng phải trải qua quá trình rèn luyện từ thực tế, đi lên từ cơ sở chứ không có chuyện tạt ngang, được bổ nhiệm, cất nhắc theo kiểu “thần tốc””- ông Đào Duy Quát cho biết.
Theo ông Đào Duy Quát, công tác cán bộ thực sự khó và nhạy cảm, đòi hỏi người làm công tác tổ chức phải có con mắt tinh tường; tổ chức phải dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn người đứng mũi chịu sào có bản lĩnh chính trị, đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, có uy tín. Bản lĩnh chính trị, năng lực, đạo đức của cán bộ không phải chỉ qua trường lớp đào tạo là đủ mà cần phải được rèn luyện, cọ xát từ thực tiễn cơ sở, từ cấp thấp cho đến cấp cao.
Hiện nay, nguồn cán bộ trẻ được đào tạo ở trong nước và nước ngoài rất nhiều, nếu tổ chức, đơn vị sớm phát hiện được những nhân tố tiêu biểu thì phải kịp thời bố trí, đưa về cơ sở, từ cấp thấp nhất để cho họ có cơ hội được rèn luyện phát triển đi lên. Đây cũng là cơ sở để các cấp cao hơn lựa chọn nhân sự.
Ông Đào Duy Quát cho rằng, thực tế hiện nay có không ít quy định lỗi thời, lạc hậu cản trở sự dám nghĩ, dám làm của cán bộ, dễ làm cho cán bộ có tâm lý an phận thủ thường. Trong thực tiễn triển khai nhiệm vụ, có những hoàn cảnh cần sự xé rào, đổi mới thì lúc này mới thực sự cần cán bộ có bản lĩnh và tài năng.
Đã đến lúc, Đảng, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện và bảo vệ những người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung để sự nghiệp phát triển được bứt phá. Đặc biệt cần thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật để bảo vệ họ.
Trong đó quy định các cấp ủy đảng phải có trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng, trẻ hóa cán bộ ở cấp mình. Do đó phải rất coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, cũng như bảo vệ những cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm, có thể trái với một số quy định lỗi thời nhưng đạt được hiệu quả vì lợi ích chung, càng không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, cũng như sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
KIM ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét