Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

20200810. BÌNH LUẬN VỀ KỶ LUẬT ÔNG TẤT THÀNH CANG

  ĐIỂM BÁO MẠNG

KỶ LUẬT PHÊ BÌNH ÔNG TẤT THÀNH CANG CỦA  THÀNH ỦY TP HCM LÀ THÍ DỤ TIÊU CỰC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 9-8-2020

1. THỦ THIÊM LÀ NỖI ĐAU THẾ KỶ

Thủ Thiêm là nỗi đau thế kỷ. Thủ Thiêm là tội ác. Muốn thấm thía thì hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của hàng ngàn người bị mất đất đai, hàng chục gia đình phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Cả trăm người đi kêu oan ròng rã hai chục năm từ TP HCM cho đến tận Hà Nội, qua chục cửa quan với trăm lá đơn, nước mắt thành sông, uất ức ngút trời.

Nỗi đau thế kỷ của đồng bào Thủ Thiêm là do ông Lê Thanh Hải, ông Tất Thành Cang cầm đầu gây ra.

2. KỶ LUẬT ĐẢNG KHÔNG PHẢI LÀ TRÒ ĐÙA

Tháng 12/2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Thế mà, trong sự sững sờ của người dân cả nước, liên quan đến sai phạm ở Thủ Thiêm, Thành uỷ TP HCM chỉ phê bình ông Tất Thành Cang – vì đã hết hiệu lực, như báo Vietnamnet ngày 07/8/2020 đã đưa tin:

“Liên quan đến sai phạm tại dự án Thủ Thiêm, ông Tất Thành Cang có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải kỷ luật, nhưng theo Thành ủy TP.HCM, do hết thời hiệu, nên chỉ bị... phê bình”(https://vietnamnet.vn/…/sai-pham-vu-thu-thiem-ong-tat-thanh…).

Có phải kỷ luật đảng trong tay Thành uỷ TP HCM đã trở thành trò đùa?

3. TRỪNG TRỊ TỘI ÁC KHÔNG CÓ THỜI HẠN

Trừng trị tội ác không có thời hạn. Chừng nào tội ác chưa bị trừng trị thì sẽ phải bị trừng trị - dù có qua nhiều thập niên, qua nhiều thế hệ. Nguyên lý Quả báo cho biết điều đó.

Cho nên kỷ luật ông Tất Thành Cang không thể dựa trên hết hiệu lực. Quyết định này hết hiệu lực thì làm quyết định mới khác. Đến cái chức không còn nữa của những người đã về hưu mà còn cách được, thì huống hồ chi ông Tất Thành Cang đang làm việc.

4. CHỐNG THAM NHŨNG CÓ THEO PHE PHÁI KHÔNG?

Chống tham nhũng là chống nhóm lợi ích, nên không thể tách bạch hoàn toàn khỏi tính phe nhóm.

Nhưng trường hợp ông Tất Thành Cang hiện nay là thí dụ tiêu cực về chống tham nhũng. Vì nó không triệt để. Vì nó chưa đi đến cùng, còn xa với trường hợp của ông Đinh La Thăng. So với ông Tất Thành Cang và ông Lê Thanh Hải thì ông Đinh La Thăng đang bị oan. Vì thế, sẽ xuất hiện sự nghi ngờ về tính phe phái trong chống tham nhũng.

Muốn xoá bỏ sự nghi ngờ, những kẻ cầm đầu gây ra khổ đau cho đồng bào Thủ Thiêm phải bị trừng trị thích đáng.

N.N.C.

Nguồn: FB Nguyễn Ngọc Chu


HẾT THỜI HIỆU KỶ LUẬT" LÀ CÁI CHÓ GÌ?


Tại sao như Vũ Huy Hoàng đã về hưu vẫn lôi ra kỷ luật, cách các chức vụ trước kia và truy tố? Còn Tất Thành Cang và phe lũ thì "hết thời hiệu" kỷ luật đảng? 4 triệu đảng viên có nghe được không? Còn Dân thì "nghìn năm bia miệng " vẫn nguyền rủa!


THAM QUÁ HÓA VÔ MINH

MẠC VĂN TRANG/ TD 8-8-2020


Theo Phật dạy thì Tham, Sân, Si, Ngã chấp… khiến che lấp Phật tính, làm cho con người u mê tăm tối, dẫn đến hành động vô minh… Còn dân dã thì nói toẹt ra tham quá hóa ngu!

Chuyện THAM – NGU – THAM … trong xã hội ta không thiếu, phổ biến nhất là trong đám những người có chức, có quyền.

Gần đây có hai chuyện làm cư dân mạng nổi cơn “tam bành”, “đánh” cho te tua, làm “đối tượng” từ ngu buộc phải “tỉnh ngộ”. Hai trường hợp “điển hình” này ai cũng biết cả.

1. Trường hợp bà Đặng Huỳnh Mai (sinh năm 1951)

Bà từ Giám đốc Sở giáo dục tỉnh Vĩnh Long được điều ra làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, cũng chả điều tiếng gì. Nhưng khi bà được phong “Nhà giáo Nhân dân” rồi làm luận án “Tiến sĩ” thì nhiều người đã cười, sao tham thế!

Năm 2007 bà về hưu vẫn giữ mấy chức to to ở mấy Hội, và vẫn giữ nhà công vụ, cũng chẳng ai để ý làm gì.

Bỗng dưng bà làm đơn lên Thủ tướng, xin được “hoá giá” cái căn hộ công vụ thành “tư vụ” kẻo bà thiệt thòi hơn các đồng chí khác… Cho đến nay bà “cống hiến rất nhiều mà chưa được hưởng chính sách nhà đất của Nhà nước”…

Trời ạ! Người ta phát hiện ra, chồng bà, ông Trương Văn Sáu (sinh năm 1959), là Bí thư tỉnh Vĩnh Long, có dinh thự to đùng! Em trai bà: Đặng Văn Lượng, Chủ tịch UBND Thành phố Vĩnh Long. Con trai: Trương Đặng Vĩnh Phúc (sinh năm 1976) hiện là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long. Con dâu (vợ T.Đ.V.P.): Nguyễn Thị Quyên Thanh (sinh năm 1978) nguyên là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long…

Ai cũng biết “cả nhà làm quan” ở cái xứ này thì nhà đất, tiền của để đâu cho hết. Vậy mà vẫn THAM một căn hộ có 90m2. Tham quá hoá vô minh. Đến khi mạng xã hội “ném đá” te tua, mới vội nhờ báo chí đăng tin: “Cựu Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai đã gọi điện trả lại nhà công vụ”! Rõ là “Dại rồi còn biết khôn làm sao đây”!

2. Chuyện cha con bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh

Ông Nguyễn Nhân Chiến, đương kim bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ đạo điều động con trai về làm Bí thư thành uỷ Bắc Ninh.

Báo đăng: “Ông Nguyễn Nhân Chinh (36 tuổi), bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh, được Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh quyết định điều động, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025”…

“Ông Chinh sinh năm 1984, tốt nghiệp đại học chuyên ngành cờ vua; thạc sĩ quản lý giáo dục. Ông được kết nạp Đảng năm 2011”…

Rõ ràng bố con ông này “đi nước cờ liều”, bất chấp TBT Trọng nói “ra rả” về “tiêu chuẩn, quy trình sàng lọc, chọn lựa nhân sự đảng”; bất chấp dư luận lên án chuyện “cả nhà làm quan”, chuyện các “thái tử đảng ngã ngựa”…

Rõ là tham quá hoá vô minh! Cứ tưởng Bí thư tỉnh đã quyết thì chẳng sợ “bố con thằng nào”!

Trường hợp này còn có chuyện “VÔ MINH TẬP THỂ”, đó là cả cái Ban Thường vụ tỉnh uỷ Bắc Ninh đều cúi đầu tuân lệnh ông bí thư như cả đám vô hồn?

Rồi “Thành ủy Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về công tác cán bộ” để giới thiệu tân Bí thư. Tất cả hội trường lai phấn khởi vỗ tay nhiệt liệt!

Nhưng cư dân mạng lại “đồng loạt ra quân” cho một trận tơi bời… Binh đoàn AK 47 và đội ngũ DLV của Tuyên giáo “trở tay không kịp” … ngáp.

Rồi Tuổi Trẻ sáng 6-8 lại đưa tin: “… sáng nay Ban Thường vụ Thành ủy Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP để công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về công tác cán bộ. Theo đó, Ban thường vụ tỉnh ủy đã có quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Nhân Chinh, bí thư Thành ủy Bắc Ninh, làm phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh sau nửa tháng ông Chinh được chỉ định làm tân bí thư Thành ủy”… Xấu hổ nhỉ!

Quả như dân ta nói về những “chủ trương” của “trên”: “Sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng”!

Ông Nguyễn Quốc Chung, phó bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh (trái) – trao quyết định cho tân bí thư Thành uỷ TP Bắc Ninh Tạ Đăng Đoan. Ảnh: QH/ TT

3. Sao lại vô minh thế nhỉ?

Những người này suốt ngày học Nghị quyết, nói Nghị quyết về “Đạo đức cách mạng” về “Phẩm chất đảng viên”, quanh năm suốt tháng hô hào “Học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… sao lại hành xử như vậy nhỉ?

– Một là, sự tham lam, lì lợm, trơ trẽn đã thành não trạng rồi, học gì, nói gì cũng chỉ là đầu lưỡi, chứ đâu có thấm vào tim óc họ?

– Hai là, họ coi thường cấp trên. Họ nghĩ cấp trên cũng rứa cả, nói vậy thôi, nhưng chẳng có ý nghĩa gì. Ông Trọng nói ra rả về tiêu chuẩn, quy trình chọn cán bộ nguồn của Đảng, mà Bắc Ninh sát nách Hà Nội bỏ ngoài tai hết!

– Ba là, họ khinh dân, khinh xã hội. Lâu nay họ vẫn quen thói muốn làm gì thì làm, muốn nói xuôi, nói ngược gì cũng được, dân đen xì xào một hồi rồi cũng chả sao.

– Bốn là, họ ngu thực sự, vì họ vô cảm, không cảm nhận nổi sự nhạy cảm của xã hội trước những chuyện xấu xa của đám quan chức ngày nay; họ sống co cụm trong “cái bình hũ nút”, chẳng biết gì đến sức mạnh của mạng xã hội? Tức là họ cũng chẳng hiểu gì về lòng Dân!

Họ chỉ quen tiếp xúc với đám cấp dưới nịnh bợ hoặc ngậm miệng ăn tiền; quen tiếp xúc với những “cử tri chuyên trách” nói theo tuyên giáo và yên tâm, không bao giờ thèm chấp những “ý kiến ngoài luồng” của các “thế lực thù địch”, của các “phần tử thoái hoá, biến chất”, những “kẻ bất hảo”! Khốn thay, đó lại là xu hướng tiến bộ ngày càng mạnh mẽ của xã hội ngày nay, chống lại cái giả dối, cái xấu, cái ác…

Không nhận thức được xu hướng tiến bộ đó nên thủ trưởng vô minh thì rồi cả đám bên dưới cũng vô minh tập thể.

NHÀ CÔNG VỤ VÀ NHỮNG VỤ...NHÀ CÔNG

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 9-8-2020

Cán bộ được các cơ quan chức năng bên Đảng, các tổ chức chính trị hoặc Chính phủ điều động về Hà Nội và các địa phương công tác nếu thuộc diện được ở nhà công vụ thì được bố trí tùy nhà ở theo chức vụ đảm nhận.

Khá nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này đã được ban hành như Luật Nhà ở, Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 09/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng…

Liệt kê nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thấy nhà nước không thiếu quy định và chế tài xử lý khi cho thuê cũng như khi cần thu hồi nhà công vụ.

Nhà công vụ không chỉ dành cho lãnh đạo cấp cao mà còn cho cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến nơi công tác mới nhưng không có nhà ở.

Bên cạnh nhà công vụ, thời kỳ chiến tranh, Hà Nội còn có hệ thống cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm cho một số đối tượng đặc biệt tại phố Nhà Thờ, Vân Hồ, Tôn Đản,…

Chính sách cung cấp nhà ở cho lãnh đạo không chỉ Việt Nam mới có, tại Mỹ, Tổng thống và gia đình được quyền sử dụng tòa Bạch ốc làm nơi sinh sống khi tại nhiệm; Cung điện Elysée là nơi ở và làm việc Tổng thống Pháp có tổng cộng 365 phòng, đúng bằng số ngày trong một năm,…

Chuyện nhà công vụ ở Việt Nam tưởng chừng không có gì đáng nói, nhất là với những lãnh đạo cấp cao có nhận thức chính trị và hiểu biết hơn người bình thường nhưng hóa ra lại không phải vậy.

Hơn chục năm trước, chuyện trả nhà công vụ của nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 1994 – 2004 ) Hoàng Văn Nghiên đã khiến báo chí bàn tán sôi nổi.

Báo Nld.vn viết: “Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thu hồi 8 năm không được biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa do người thuê là nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố này không chịu trả”. [1]

Hoặc “Cho thuê biệt thự đòi 8 năm, cựu Chủ tịch Hà Nội mới trả”. [2]

Không hiểu sao đến năm 2020 này, câu chuyện nhà công vụ lại nở rộ trong bối cảnh cả nước gồng mình chống đại dịch Covid-19.

Đầu năm 2020, “ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Đáng lưu ý thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu quan chức này từ 2-3 lần nhưng họ vẫn chưa trả lại nhà công vụ”. [3]

Bộ Xây dựng yêu cầu 12 cựu quan chức trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Tienphong.vn)

Danh sách 12 quan chức bị đòi 2-3 lần vẫn chưa trả nhà công vụ mà Tienphong.vn đăng tải cho thấy vị trí làm việc của họ “phủ sóng” khắp cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị và báo cũng “tế nhị” không nêu thẳng tên của các vị này.

Câu chuyện gần đây về nhà giáo nhân dân, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Đặng Huỳnh Mai đề xuất xin giữ lại nhà công vụ ở Hoàng Cầu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã kết thúc nhanh chóng khi ngày 07/08/2020, gia đình bà Đặng Huỳnh Mai đã liên hệ với bộ phận chuyên trách của Bộ Xây dựng để trả lại căn hộ 608, tòa A2, khu nhà công vụ Hoàng Cầu.

Dù với bất kỳ lý do gì thì việc làm này cũng thể hiện thái độ tôn trọng dư luận, tinh thần trách nhiệm của bà Mai, một đảng viên, một cán bộ lãnh đạo cao cấp sau khi nghỉ hưu.

Có hai điều đọng lại sau câu chuyện của bà Mai:

Thứ nhất, ý kiến cho rằng “những người ở cơ quan Đảng hoặc Quốc hội đều được nhà nước bán hóa giá nhà, chỉ có bên Chính phủ thì không có” [4] nếu quả thật đã từng xảy ra thì đây là vấn đề cần được xem xét thấu đáo.

Vì sao có sự khác biệt này và mức “bán hóa giá” có phù hợp với thực tế?

Tại nhiều địa phương, không ít cán bộ lãnh đạo cho phép chuyển nhượng tài sản nhà nước hoặc đất công với giá “bèo” đã bị khởi tố, bị bắt tạm giam hoặc bị xử tù như hai cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, hai cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín,…

Những vụ việc với bốn trường hợp nêu trên đều đã xảy ra từ nhiều năm trước và do đó nếu có chuyện bán nhà thanh lý với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường thì có nên xem xét lại?

Bán tài sản công với giá thấp hơn giá thị trường là lỗi của cơ quan quản lý nhưng mua tài sản công với giá thấp hơn giá thị trường không thể nói là người mua hoàn toàn trong sáng.

Nếu giá bán thanh lý nhà công vụ ngang bằng giá thị trường liệu người mua có hào hứng chấp nhận hay sẽ mang tiền mua nhà nơi khác?

Thứ hai, mục d, khoản 2, điều 34 Luật Nhà ở quy định nghĩa vụ của người thuê nhà công vụ:

“Trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của Luật này trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ”;

Luật đã quy định rất rõ ràng như vậy nhưng vì sao đến đầu năm 2020 này vẫn có tới 12 cựu quan chức gây phiền phức cho cơ quan chức năng trong việc thu hổi nhà ở công vụ?

Có ý kiến cho rằng nếu việc thu hồi nhà công vụ được “khoán” cho cơ quan quản lý công sản mà không có sự vào cuộc của các cơ quan khác như “cơ quan Kiểm tra Đảng, Thanh tra Chính phủ, thanh tra nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, giám sát của cơ quan dân cử, giám sát của dân, của báo chí” [5] thì sự chây ì vẫn có khả năng tồn tại dai dẳng.

Ý kiến nêu trên không sai nhưng dựa vào danh sách 12 người mà Bộ Xây dựng đòi nhà công vụ “2-3 lần vẫn chưa trả” thì có thể thấy một sự thật khá “tế nhị”, đó là những cán bộ đương chức của các cơ quan, tổ chức cần phải tham gia vào chuyện “đòi nhà” nêu trên có thể từng là cấp dưới của những người đang bị đòi nhà và do đó thật khó ăn, khó nói.

Phó ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng sự chây ì khi trả nhà công vụ chính là “nguồn cơn của sự mất đoàn kết, nguồn cơn của xung đột xã hộị”. [5]

Phải chăng “nguồn cơn của sự mất đoàn kết” được thể hiện qua sự suy bì khi có người được mua nhà (công vụ) theo giá thanh lý còn người khác thì không?

Từng xảy ra chuyện một vị nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh bị xử lý kỷ luật. Khi phóng viên phỏng vấn, vị này trả lời: “Tôi nghỉ hưu 2 năm rồi, họ xử thế nào thì xử”.

Cách hành xử của vị này liệu có lây nhiễm sang một bộ phận không nhỏ các “đồng chí nghỉ hưu” để rồi “Tôi nghỉ hưu rồi, tôi chây ì đấy, họ xử thế nào thì xử"?

Doanh nghiệp chây ì nộp thuế bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế, nếu trốn thuế có thể bị xử lý hình sự.

Từng có chuyện một nữ sinh viên môn chạy 100 mét quá quy định mấy giây, bị nợ môn Giáo dục thể chất, bị treo bằng tốt nghiệp đại học.

Vậy có nên quy định khi chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nhà công vụ thì không chuyển sinh hoạt đảng, không làm thủ tục cấp sổ hưu,…?

Nếu không làm được việc này thì chuyện bất công trong xã hội dẫn tới “xung đột xã hội” là khó tránh khỏi.

Có một sự thật khá phổ biến ở Việt Nam nhưng khó tìm thấy trên thế giới là chuyện “nghiêm túc rút kinh nghiệm” hoặc “ rút kinh nghiệm sâu sắc” đối với cán bộ mắc sai phạm.

Hình thức “nhắc nhở” này được áp dụng cả với cán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu khiến một vị đại biểu Quốc hội phải lên tiếng: “Nghỉ hưu rồi thì rút kinh nghiệm sâu sắc làm gì nữa”.

Điều thứ 9 trong 19 điều đảng viên không được làm ghi: “Làm trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong những việc: quản lý nhà, đất, quỹ, …”.

Vậy khi những vị cựu lãnh đạo cao cấp không tự giác chấp hành các quy định của pháp luật - cụ thể là Luật Nhà ở - được xuê xoa hoặc được mua thanh lý nhà với giá “hữu nghị” thì có phải họ đã cũng lúc “Làm trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”?

Nếu không xử lý người vi phạm thì phải chăng “Luật cho dân và lệ cho quan” vẫn là một hiện thực “khách quan với dân” bởi dẫu có biết dân cũng chẳng thể làm gì.

Bổng lộc mang lại cho một số người liên quan đến nhà công vụ sau khi nghỉ hưu liệu có phải là “chuyến tát vét” cuối cùng họ cố thực hiện để hoàn thành việc vứt bỏ danh dự và trách nhiệm?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ong-hoang-van-nghien-khong-chiu-tra-biet-thu-20141203231701235.htm

[2] https://www.baogiaothong.vn/cho-thue-biet-thu-doi-8-nam-cuu-chu-tich-ha-noi-moi-tra-d260076.html

[3] https://www.tienphong.vn/dia-oc/danh-sach-12-cuu-quan-chuc-bi-yeu-cau-tra-lai-nha-cong-vu-1645376.tpo

[4] https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-xay-dung-noi-gi-ve-de-xuat-giu-nha-cong-vu-cua-cuu-thu-truong-gd-dt-1261939.html

[5] https://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/chay-i-tra-nha-cong-vu-can-bo-cua-ta-rat-thieu-tu-giac-164555.html

Xuân Dương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét