Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

20200813. TƯỞNG NHỚ CỐ TBT LÊ KHẢ PHIÊU

                        ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐẢNG KHÔNG ĐỂ 'NGƯỜI TRUNG MẮC NẠN, KẺ GIAN VUI MỪNG'
ĐẶNG THỌ TRUẬT /TVN 7-8-2020

Năm 1991, tòa soạn báo Quân đội Nhân dân giao cho tôi tháp tùng anh Lê Khả Phiêu - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đi thăm, kiểm tra một số đơn vị quân đội đóng quân phía Nam.

Anh Phiêu dặn tôi chỉ đưa một tin lên báo vào ngày kết thúc chuyến đi công tác. Biết tôi là lính chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên Huế từ năm 1968 và cả thời chống Mỹ, đánh quân Pôn Pốt, đánh quân Trung Quốc xâm lược, có nhiều thành tích trong chiến đấu, đã từng là cán bộ chỉ huy đơn vị, cán bộ cơ quan 18 năm rồi mới đi làm báo, anh Phiêu rất thích.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Đảng không để ‘người trung mắc nạn, kẻ gian vui mừng’
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Thượng tướng Lê Khả Phiêu trong giờ giải lao tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn 4. Tác giả bài viết đứng thứ 2 từ phải sang 

Ngày đi đơn vị, tối anh Phiêu bảo tôi ở lại chơi trò chuyện rồi hãy về. Kể chuyện chiến đấu ở Trị Thiên, anh Phiêu vẫn nhớ trận Cô Pung mà tôi là xạ thủ số 1 súng cao xạ 12,7 ly, trong 30 phút đã cùng đồng đội bắn rơi tại chỗ 14 máy bay trực thăng và bắn bị thương 11 chiếc rơi ở đồng bằng.

Trận ấy vang dội cả Quân khu, cả chiến trường, báo đài đăng bài, nói nhiều. Trận thắng Cô Pung ấy được báo cáo điển hình tại đại hội thi đua quyết thắng của Quân khu Trị Thiên Huế tháng 12/1970.

Đại đội 3 và tiểu đoàn 54 chúng tôi được tuyên dương Anh hùng. Anh Phiêu bảo: “Hồi đó hơi cầu toàn, bây giờ phát hiện làm lại có khi cậu được tuyên dương Anh hùng đấy”.

Năm 1998, anh Nguyễn Mạnh Đẩu - Cục trưởng Cục Chính sách vào TP.HCM gặp và bảo tôi: “Cụ Phiêu phê vào hồ sơ của Truật rằng: Cùng chiến đấu với đồng chí Truật còn nhiều người là nhân chứng đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Anh Đẩu cho xác minh và làm Anh hùng cho đồng chí Truật. Nhưng mình trình báo thì anh Phạm Thanh Ngân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói “vẫn phải làm từ cơ sở lên”. Khó thế”!

Đảng, Nhà nước không quên công lao của ai  

Tháng 2/2013, khi đi kỉ niệm 45 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 tại TP Huế, tôi nói với anh Phiêu: “Em vẫn chưa được Anh hùng anh ạ”. Anh Phiêu cười và nói: “Để về mình nhắc Bộ Quốc Phòng, thành tích của cậu dày mà”. 

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Đảng không để ‘người trung mắc nạn, kẻ gian vui mừng’
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu tại lễ kỉ niệm 45 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 tại TP Huế ngày 27/2/2013

Sau đó anh Nguyễn Mạnh Đẩu vào đề nghị với lãnh đạo Quân khu 4 nên ngày 10/8/2015, nhân kỉ niệm 70 năm thành lập nước, tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong chống Mỹ cứu nước.

Cũng trong chuyến công tác năm 1991 ấy, tôi hỏi: “Anh Phiêu có nhớ cụ Lê Minh Hội nữa không?” Anh Phiêu bảo: “Hồi Trị Thiên mình là Trưởng phòng Tổ chức thì anh Hội làm Tuyên huấn. Vợ anh Hội là cô Huệ do mình giới thiệu. Ở Campuchia anh Hội làm phó cho mình”.

Tôi nói: “Hồi làm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 324 cụ Hội nổi tiếng nói thời sự, giảng chính trị rất hay nhưng bây giờ về hưu lại làm thầy bói”. Anh Phiêu cười rồi hỏi: “Có nhiều người tới xem không?”. Tôi nói: “Dạ, đông lắm”. 

Hôm sau anh Phiêu bảo tôi mua tút thuốc lá 555 rồi cùng ghé thăm cụ Lê Minh Hội. Vào nhà ông Hội, anh Phiêu cười rồi nói: “Truật bảo bây giờ anh coi bói đắt khách lắm, coi cho tôi một quẻ được không?”.

Ông Hội nghiêm trang nói: “Biết nhau rồi, không nói quá khứ làm tin nữa mà nói thì tương lai nhé: Cậu tu cho tốt thì sẽ làm vua”.

Anh Phiêu hỏi: “Thế nào là tu cho tốt?”. Ông Hội nói: “Tu tốt là sống tử tế như lâu nay cậu vẫn sống với mọi người ấy. Nhưng làm vua thì nên bỏ bớt thói quen khi còn làm quan”.

Mọi người ngồi quanh bàn đều cười vui vẻ. Sau này khi anh Phiêu được phong hàm Thượng tướng, Thường trực Ban Bí thư rồi lên Tổng bí thư, cụ Hội gọi tôi sang bảo: “Truật thấy anh coi đúng không? Cậu cố gắng giúp ông Phiêu nhé. Chuyện phong Anh hùng cho cậu thì chắc chắn được. Đảng và Nhà nước không quên công lao của ai đâu”.

Sai thì sửa, sửa triệt để  

Sau này, tôi nhiều lần làm việc, báo cáo tình hình mà tôi biết được cho Anh. Có lần anh Phiêu trầm ngâm bảo tôi: “Cậu thật thà quá!”. Thấy tôi chăm chú nhìn, anh Phiêu cười rồi nói: “Cổ nhân dạy: Thật thà là cha quỉ quái. Nhưng làm việc phải cẩn thận hơn. Phân tích, tổng hợp, đưa ra giải pháp tốt nhất. Làm nhà báo Cách mạng thì phải quan hệ thật rộng để có nhiều thông tin nhưng phải giữ lòng mình thật trong sáng, đạn bọc đường bây giờ nhiều lắm”.

Một lần tôi báo cáo anh Phiêu về tình trạng do luật sĩ quan mà cấp úy được nghỉ hưu, còn cấp tá thì phải phục viên. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của sĩ quan tại ngũ và những người sắp thành sĩ quan quân đội. Anh Phiêu nghe rất chăm chú rồi nói: “Cậu viết bài nói tình hình này lên báo Quân đội Nhân dân đi. Anh sẽ xử lý”. Tôi về viết ngay bài “Được về hưu và phải phục viên” đăng Diễn đàn Chủ nhật của báo. Bài báo gây xôn xao dư luận.

Gặp lại tôi, anh Phiêu khen và nói: “Quân ủy Trung ương đã có chỉ thị không cho sĩ quan cấp tá phục viên. Những trường hợp đã cho phục viên thì ai đủ 20 năm tại ngũ được cho chuyển chế độ thành nghỉ hưu. Sai thì sửa, sửa triệt để. Không để anh em bị thiệt thòi. Quần chúng không sợ hi sinh, chỉ sợ hi sinh không được tổ chức biết. Đảng dứt khoát không làm “người trung mắc nạn, kẻ gian vui mừng”.

Khi mới lên Tổng bí thư, vào TP.HCM chuẩn bị tang lễ cho Cố vấn, nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, anh Phiêu gọi tôi vào, cho tôi xem điếu văn ngày mai anh sẽ đọc và bảo: “Anh Lê Xuân Tùng, nguyên trợ lý anh Nguyễn Văn Linh viết đấy. Truật xem góp ý đi”. Tôi ngập ngừng. Anh bảo: “Đọc và góp ý thoải mái. Dân chủ mà”.

Rất tâm đắc vấn đề chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng

Trước lúc Trung ương 8 ra Nghị quyết 6 lần 2, anh Phiêu rất tâm đắc vấn đề chỉnh đốn Đảng, chống tiêu cực, chống tham nhũng. Bây giờ đọc lại và thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng triển khai chương trình, chiến dịch chống tham nhũng, xây dựng Đảng, tôi nghĩ nếu từ Đại hội 9, 10, 11 mà làm theo Nghị quyết 6 lần 2 của Đại hội 8 thì Đảng ta mạnh lắm, và thất thoát, lãng phí sẽ giảm biết bao nhiêu…

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Đảng không để ‘người trung mắc nạn, kẻ gian vui mừng’
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Là người may mắn có nhiều dịp làm việc, báo cáo cho anh Phiêu, được anh dạy dỗ, hướng dẫn, tiếp đón chân tình, ấm áp như người anh em, kỉ niệm đẹp có nhiều, không lời nào nói hết được.

Nay anh Phiêu về với tổ tiên, về với thế giới người hiền, mất mát này không có gì bù đắp nổi.  

Nhắc lại kỉ niệm với anh Phiêu là nén nhang thành kính của đứa em, đồng chí, đồng đội.

Thân quý tiễn Anh - nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu muôn vàn kính yêu.

Đặng Thọ Truật (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)  


'ĐÃ TẮM THÌ PHẢI GỘI ĐẦU'

NGUYỄN ĐĂNG TẤN/ TVN 8-8-2020

Quyết liệt trong chống tham nhũng 

Tôi gặp ông Lê Khả Phiêu khi ông còn đương kim Tổng bí thư. Lúc đó chúng tôi công tác ở bộ phận A47 chuẩn bị cho việc thành lập Ban nghiên cứu của Bộ Chính trị về An ninh quốc gia do ông Nguyễn Đình Hương phụ trách và ông là người trực tiếp chỉ đạo (sau này Ban đó do ông Lê Minh Hương làm trưởng ban).

Ấn tượng của tôi về ông là con người cởi mở, dễ gần.

Với việc chống tham nhũng, ông là người rất quyết liệt, cả khi còn đương chức và khi ông đã về nghỉ.

Câu nói về chống tham nhũng của ông làm tôi nhớ nhất: “Đã tắm thì phải gội đầu”, tức là phải bắt đầu từ cấp cao nhất, khi ông trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

Ông Lê Khả Phiêu nói về việc 'đã tắm thì phải gội đầu'
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13, tháng 7/2011. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa 8 là minh chứng cho sự quyết liệt đó khi ông còn đương chức.

Trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng bộc lộ một số yếu kém: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm; bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước chậm củng cố và đổi mới. 

Ban chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị lần thứ 6 (lần 2), nhấn mạnh đến tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực hiện tự phê bình và phê bình. Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả.  

Sau này, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông nhấn mạnh rằng tình hình thực tiễn lúc đó đòi hỏi phải tiến hành chỉnh đốn Đảng, phải chống cho bằng được tình trạng tham nhũng, suy thoái của một bộ phận đảng viên. 

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng từ khi có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều thời kì chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Và Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là sự tiếp nối Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (lần 2). 

Quan trọng nhất phải hành động 

Khi ông về nghỉ, chúng tôi có nhiều lần gặp phỏng vấn về vấn đề tổ chức cán bộ, tham nhũng và chống tham nhũng. Ông cho rằng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng quan trọng nhất phải hành động, bắt đầu từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, để mọi việc không phải là “khẩu hiệu”. 

Ông nói, nếu một đảng viên cấp cơ sở suy thoái, hư hỏng sẽ chỉ ảnh hưởng đến cơ sở nhưng một người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy nhà nước mà hư hỏng thì hại cho Đảng, hại cả quốc gia, dân tộc. 

“Bệnh đã chẩn. Thuốc đã bốc. Nhưng thuốc kê giải bệnh phải uống để chỉnh đốn Đảng không phải là khẩu hiệu. Tôi cũng đã nêu nhiều lần rằng vai trò tiên phong ‘uống thuốc giải bệnh’ phải là Bộ Chính trị, cần sinh hoạt dân chủ, thẳng thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém, tồn tại để làm gương cho cấp dưới”. 

Bộ Chính trị làm trước, rồi đến Trung ương 

Ông nói: “Đã tắm phải biết gội đầu. Bộ Chính trị làm trước, báo cáo trước Trung ương đã phê bình, tự phê bình đến đâu, Trung ương có ý kiến, rồi đến lượt Trung ương làm”. 

Trung ương 4 nêu thực trạng suy thoái nhưng theo ông, cần làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị là gì, nghiêm trọng như thế nào. Và Trung ương, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đội ngũ cán bộ chủ chốt của các Ðảng bộ trực thuộc Trung ương cần tự phê bình và phê bình để làm rõ có hay không có sự mơ hồ, dao động về CNXH và con đường đi lên CNXH. 

Vì sao có sự phai nhạt lý tưởng? Sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến sự suy thoái trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống. Phải chăng đó là sự suy thoái từ ý thức hệ, là sự phai nhạt lý tưởng XHCN? 

Không có cơ chế giám sát đồng bộ đầy đủ sẽ khó, khi mà đồng tiền vẫn có thể len lỏi, chi phối. Chống tham nhũng đã trở nên quá cấp bách rồi. 

Ông cũng chỉ ra rằng tình trạng “bầu bán hiện nay” khó chọn được người tài. Tình trạng "mua lòng nhau để kiếm phiếu" vẫn còn.

Nói về công tác cán bộ, những ý kiến của ông vẫn còn nguyên giá trị. Ông cho rằng Đảng phải đổi mới trong công tác cán bộ, từ việc bố trí, sắp xếp, đề bạt, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo ở Trung ương, các đoàn thể cho đến các địa phương.

Cán bộ Đảng, nhà nước các cấp là cán bộ của nhân dân, cho nên phải thực hành dân chủ rộng rãi trong việc tham khảo ý kiến nhân dân, đánh giá, giới thiệu, đề cử, ứng cử, kiểm tra, thảo luận và bầu cử từ đại hội chi bộ lên đến Đại hội Đảng toàn quốc.

Nhất thiết không giới thiệu, không đưa vào danh sách, không bầu cử những người tham nhũng và thiếu trách nhiệm trong chống tham nhũng, những người không kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không có khả năng thực tế, thiếu gắn bó với nhân dân, không dũng cảm tự phê bình và phê bình. Đấu tranh loại bỏ tệ chạy chức, chạy quyền, mua lòng nhau để kiếm phiếu.

Với ông, làm cán bộ là phải gương mẫu, gương mẫu trong lời nói, trong hành động, có như vậy mới làm gương và lôi kéo được quần chúng, mới tạo ra được phong trào cách mạng.

Nguyễn Đăng Tấn 


'CHẲNG AI BẢO VỆ MÌNH TỐT BẰNG NHÂN DÂN'

LÊ DOÃN HỢP/ TVN 11-8-2020

Cảm nhận đầu tiên của tôi về Trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, QĐND Việt Nam Lê Khả Phiêu khi ấy là: Một cán bộ cao cấp mà bình dị, dễ gần, nói chuyện chân tình và sôi nổi.

Tình nghĩa với những người lính sau chiến tranh

Thông qua công việc, tôi vinh dự được tiếp và làm việc với nguyên Tổng bí thư nhiều lần cả khi đương chức và khi ông đã nghỉ hưu. Lần nào vào Nghệ An sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông đều dành thời gian đi thăm, chỉ đạo và động viên các mô hình kinh tế nông dân, tư nhân, trang trại, nhất là các mô hình kinh tế gia đình của cựu chiến binh.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Chẳng ai bảo vệ mình tốt bằng nhân dân
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu ghi sổ lưu niệm tại nhà Tổng bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Nguyễn Khang

Ông đến với những người lính sau chiến tranh gần gũi, tình nghĩa và thân thiết. Ông căn dặn các cựu chiến binh làm kinh tế: “Chúng ta là những người lính may mắn còn sống sau chiến tranh, hãy làm tốt những gì có thể làm được để cải thiện cuộc sống cho vợ con và gia đình, làm gương cho làng xóm, xứng đáng với đồng đội đã khuất và bù đắp cho những người đã hi sinh; Thực hiện khát vọng thiêng liêng của Bác Hồ là: Đến ngày thắng lợi chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Tôi nhớ, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9, sau khi Đại hội bầu xong Ban chấp hành Trung ương, tôi được bầu vào ban kiểm phiếu để bầu các chức danh Bộ Chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, mấy anh em trong Ban kiểm phiếu đang đứng ở sân nói chuyện với nhau thì ông Lê Khả Phiêu gọi và mời tôi vào phòng uống nước.

Câu trả lời dí dỏm, tế nhị

Tôi cảm nhận nguyên Tổng bí thư như thư giãn hơn khi trao được trọng trách nặng nề của mình cho người kế nhiệm.

Thấy ông thoải mái, gần gũi, tôi mạnh dạn hỏi: Từ sau đại hội này, thôi chế độ cố vấn, theo anh có thuận và không thuận ở những điểm nào? Trầm ngâm một lúc, nguyên Tổng bí thư vui vẻ nói: “Chuyện thôi chế độ cố vấn thuộc thẩm quyền của Đại hội và Ban chấp hành Trung ương, mình chỉ nói với Hợp một chuyện đời để Hợp suy ngẫm. Khi một người con đã trưởng thành, học nghề lái xe nghiêm túc, thi sát hạch tốt và được cấp bằng chính thống mà đi đâu người cha cũng ngồi lên xe cùng đi để chỉ đạo và hướng dẫn thì làm sao con tự chủ, tự tin để lái xe suôn sẻ và tiến bộ được, chưa nói là còn mất rất nhiều thời gian không cần thiết của cha”.

Theo tôi, đó là một cách trả lời dí dỏm và tế nhị, thể hiện tư duy thực tế, từng trải và giàu thực tiễn của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Bữa cơm gần dân

Giữa năm 2004, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vào thăm Nghệ An, tôi dẫn ông đi khảo sát toàn bộ tuyến giao thông ven biển. Đây là công trình kinh tế gắn với quốc phòng mà ông là một trong những người khởi xướng và rất quan tâm.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Chẳng ai bảo vệ mình tốt bằng nhân dân
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm Trung tâm nhân đạo Đô Lương, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Khang

Buổi chiều, tôi tháp tùng ông lên thắp hương cho Bác Hồ ở Kim Liên, Nam Đàn. Trên đường đi nhiều người điện thoại cho tôi, nói: Thuận đường đi lên Nam Đàn, anh thử mời nguyên Tổng bí thư và đoàn lên Nam Nghĩa ăn tối bằng thịt “me” dân dã cho vui xem có được không.

Ngồi cùng xe, tôi mạnh dạn đề xuất với nguyên Tổng bí thư và nói thêm: Về an ninh tụi em lo, anh yên tâm. Không ngờ nguyên Tổng bí thư đồng ý ngay và nói: “Thích thì đi, chẳng ai bảo vệ mình tốt bằng nhân dân”.

Tối hôm đó chúng tôi có 1 bữa cơm với nguyên Tổng bí thư gần gũi và vui vẻ, rất nhiều người trong nhà hàng đến chúc rượu với ông. Vui nhất là những người đã từng làm lính của Thủ trưởng ở chiến trường Trị Thiên thời chống Mỹ, và ở Bộ tư lệnh 719 thời giúp nước bạn Campuchia. Trên đường từ Nam Đàn về Vinh để nghỉ tối, nguyên Tổng bí thư chia sẻ với tôi: Hôm nay, chúng mình có một bữa cơm quá vui và đáng nhớ với 5 nhất là: Bình dị nhất, gần dân nhất, nhiều thông tin có ích nhất, ngon miệng nhất và chi phí thấp nhất.

Sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của phóng viên

Sau khi được nghỉ hưu, nhiều lần tôi liên lạc với nguyên Tổng bí thư để dẫn anh em báo chí đến phỏng vấn. Ông luôn vui vẻ nhận lời và tiếp báo chí thân tình, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của phóng viên mà không cần gửi trước, kể cả những vấn đề nhạy cảm.

Khi trả lời báo chí, ông rất trăn trở, đau đáu với công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực mà hiện nay Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện rất quyết liệt. 

Với tôi, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là một chiến binh, một vị chỉ huy lăn lộn nhiều trên các chiến trường, học hỏi qua thực tiễn tốt trải nghiệm phong phú, thực nghiệm có nhiều thành công và khi về hưu chiêm nghiệm được những điều quý giá. 

Tôi viết mấy dòng này như một bông hoa hồng, một nén hương thơm để tưởng nhớ cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, và tiễn ông về với cõi vĩnh hằng để an nghỉ yên lành với bao tướng lĩnh, sỹ quan, đồng chí, đồng đội thân yêu của ông thời quân ngũ.

Lê Doãn Hợp

(Cựu chiến binh Sư đoàn 5 thời chống Mỹ

Nguyên Bộ trưởng TT&TT)


LÊ KHẢ PHIÊU: CHỐNG THAM NHŨNG  VÀ SAI LẦM VỀ CHÍNH TRỊ

NGỌC LỄ/ VOA 8-8-2020

Cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (phải) cùng luật sư Cù Huy Hà Vũ (ảnh do ông Vũ cung cấp)

Cố TBT Lê Khả Phiêu và LS Cù Huy Hà Vũ (ảnh do ông Vũ cung cấp)

Ông Lê Khả Phiêu, cựu lãnh đạo tối cao của Việt Nam vừa qua đời, là người tâm huyết chống tham nhũng nhưng đã phạm sai lầm khiến cho sự nghiệp chính trị bị đứt gãy giữa chừng, một nhân vật sống trong lòng chế độ sau trở thành bất đồng chính kiến nói với VOA.

Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1997 đến 2001. Toàn bộ sự nghiệp của ông trước khi lên đến vị trí tối cao là trong quân đội với quân hàm Thượng tướng, chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông qua đời hôm 7/8 ở Hà Nội, thọ 89 tuổi.

Khác với các đời Tổng bí thư khác, ông Phiêu không được bầu tại một kỳ đại hội Đảng mà tại một hội nghị trung ương. Tại Đại hội 9 hồi năm 2001, ông phải ra đi đột ngột sau chưa đầy một nhiệm kỳ, được thay bằng ông Nông Đức Mạnh. Khi đó, ông bị loại hẳn ra khỏi Ban chấp hành Trung ương.

Ông Phiêu lên làm lãnh đạo lúc Việt Nam vừa bước vào giai đoạn phát triển sôi động thời hậu chiến sau khi đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1990 và với Mỹ vào năm 1995. Ông là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp một Tổng thống Mỹ, khi ông Bill Clinton đến thăm Việt Nam hồi năm 2000.

Nhiệm kỳ của ông Phiêu được đánh dấu bằng công cuộc ‘Xây dựng chỉnh đốn Đảng’ rầm rộ. Kể từ sau khi về hưu, ông thường xuất hiện trên báo chí để nói về các vấn đề của đất nước.

‘Là một người lính’

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, một nhà bất đồng chính kiến được biết tiếng của Việt Nam hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, nhận định cuộc đời binh nghiệp của ông Phiêu đã để lại dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp chính trị của ông sau này.

“Ông Lê Khả Phiêu không phải là chính trị gia chuyên nghiệp mà là người lính có kinh nghiệm trên chiến trường,” ông Vũ nói và nhắc tới việc ông Phiêu trải qua nhiều chiến trường trong đó có chiến trường Campuchia với tư cách là phó tư lệnh phụ trách chính trị ‘đã có đóng góp lớn trong việc tiêu diệt chế độ Khmer Đỏ’.

Chính vì là một người lính, nên cho dù sau này đã trở thành lãnh đạo tối cao, ‘chất lính’ đó đã thấm vào tác phong lãnh đạo của ông Phiêu như lời Luật sư Vũ nhận xét. “Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là người gần gũi, giản dị trong cách sống, tiếp xúc với mọi người, đặc biệt với chiến sĩ hay bình dân ông đều có cách cư xử rất xuề xòa,”

“Trong cách xưng hô với tôi ông chỉ toàn gọi ‘mình với Vũ’, khác với các lãnh đạo khác gọi là ‘đồng chí’ hay ‘anh với tôi’,” ông Vũ, người từng gặp ông Phiêu, dẫn chứng.

Cũng theo lời nhà bất đồng chính kiến này, ‘chất lính’ đó khiến ông Phiêu ‘có lập trường không lay chuyển về chế độ cộng sản’.

‘Cuộc đời ông chủ yếu là xông pha trận mạc, ông thấy sự sống và cái chết gần nhau như thế nào nên ông luôn mong đất nước được hòa bình và tin rằng Đảng Cộng sản có thể đưa Việt Nam đến một xã hội tốt đẹp,’ nhưng cũng vì ‘chất lính’ đó mà ông ‘không có đủ sự lão luyện về chính trị’ khi lên làm Tổng bí thư, ông Vũ nói.

‘Chống tham nhũng’

Theo ông Vũ, dấu ấn đậm nét nhất của ông Phiêu khi làm Tổng bí thư là ‘quyết tâm chống tham nhũng và chỉnh đốn Đảng’.

“Ông thấy xã hội Việt Nam cần được xây dựng không có tham nhũng hoặc càng ít tham nhũng càng tốt,” ông Vũ nói.

Ông thuật lại lời ông Phiêu chia sẻ với ông cách nay mười mấy năm rằng ‘ở Việt Nam hiện giờ tham nhũng là một hệ thống có nhiều dây mơ rễ má từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên’.

“Ông ấy nhất trí với tôi là Việt Nam cần xây dựng một bộ máy độc lập về tư pháp để chống tham nhũng,” ông Vũ cho biết.

Kết quả cụ thể của công cuộc chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ của ông Lê Khả Phiêu là ‘đặt nền móng cho công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam’ mà hiện nay Tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng đang tiếp tục, ông Vũ nhận định. Tuy nhiên, ông Vũ thừa nhận kết quả này ‘rất khiêm tốn’ vì ông Phiêu chưa làm được gì nhiều thì đã bị phế truất.

“Suốt ngày ông ấy phải lo chống lại sự chống đối của hai vị cố vấn Đỗ Mười và Lê Đức Anh thì còn có thời gian đâu để mà mài sắc và nghiên cứu một cách có khoa học, có bài bản để chống tham nhũng,” ông Vũ nói. “Cho nên, ý đồ chống tham nhũng của ông Phiêu thất bại trước khi đường lối, bộ máy chống tham nhũng của ông được hình thành.”

‘Chủ nghĩa Thanh Hóa’

Dưới thời của ông Lê Khả Phiêu, vốn quê ở Thanh Hóa, các quan chức thường truyền miệng câu ‘Hoa Thanh Quế’, tức quê Thanh Hóa, như là một căn cước chính trị quan trọng để tiến thân.

Theo ông Vũ, chủ nghĩa cục bộ, địa phương của ông Phiêu, tức là chỉ cất nhắc người cùng quê, là một sai lầm nghiêm trọng khiến ông phải trả giá.

“Những người ông tin cậy chủ yếu là người Thanh Hóa, người cùng quê với ông đã nắm những chức vụ quan trọng,” ông Vũ nói.

Ông đơn cử các trường hợp quê Thanh Hóa được Lê Khả Phiêu cất nhắc như Phạm Quang Nghị (sau là bí thư Thành ủy Hà Nội), Tô Huy Rứa (sau là Trưởng ban Tổ chức Trung ương) và Nguyễn Dy Niên dù đã đến tuổi nghỉ hưu và không nằm trong Bộ Chính trị vẫn được Lê Khả Phiêu giữ lại cho làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Ông chỉ ra rằng kế hoạch chống tham nhũng của ông Phiêu đã bị phá sản ngay từ đầu khi đưa vào bộ sậu của mình những người cùng quê mà không ‘diệt trừ mầm mống tham nhũng trong những con người đó’.

“Điều đó cũng thể hiện Lê Khả Phiêu không có đủ năng lực chính trị để tạo ra một bộ máy những người có thể thực hiện chính sách của ông,” ông Vũ phân tích.

‘Mất lòng hai cố vấn’

Chính sai lầm ‘quê Thanh Hóa’ này của ông Phiêu đã bị hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh, lúc đó là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, nắm lấy để vận động hạ bệ ông Phiêu, ông Vũ cho biết.

Ông Lê Đức Anh nguyên là Tư lệnh quân Việt Nam tại chiến trường Campuchia mà ông Lê Khả Phiêu là cấp phó. Chính ông Lê Đức Anh là người đã đỡ đầu cho Lê Khả Phiêu lên làm Tổng bí thư với sự đồng ý của Tổng bí thư sắp mãn nhiệm khi đó là ông Đỗ Mười.

Tuy nhiên, ngay khi lên làm Tổng bí thư, ông Lê Khả Phiêu đã ‘ký luôn một văn bản không để hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh sử dụng quyền cố vấn để có ý kiến này nọ về công việc của Đảng’ và thành lập một cơ quan tình báo quân đội để theo dõi hai vị cố vấn khiến hai ông này tiến hành một cuộc vận động rầm rộ từ bắc chí nam để không cho Lê Khả Phiêu ở lại làm Tổng bí thư tại Đại hội 9 vào năm 2001, vẫn theo lời ông Cù Huy Hà Vũ.

Với sự vận động đó, đa số đã không tán đồng việc ông Phiêu tiếp tục làm Tổng bí thư. Tuy nhiên, ông Vũ nói, chưa chắc là ‘trong Đảng bất bình với ông Phiêu, mà các đảng bộ địa phương mang tính cơ hội, thấy lực lượng chính trị nào ở trung ương mạnh hơn thì họ ngả theo để tiếp tục giữ vị trí của mình.’

“Theo một nghĩa nào đó, ông Lê Khả Phiêu đã quá vội vã trong việc tước ảnh hưởng của các ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh là những người đã đưa Lê Khả Phiêu và vị trí Tổng bí thư,” ông Vũ nhận xét và cho rằng ‘đây là sự non nớt về chính trị của ông Phiêu’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét