Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

20200814. BÌNH LUẬN TIN 'ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC' ÔNG NGUYỄN ĐỨC CHUNG

  ĐIỂM BÁO MẠNG

MẤY LỜI VỚI ANH NGUYỄN ĐỨC CHUNG
MẠC VĂN TRANG/ BVN 12-8-2020
Ông Nguyễn Đức Chung bị điều tra liên quan đến ba vụ án | Báo dân sinh

Thấy trên mạng rộ tin: Anh Nguyễn Đức Chung Chủ tịch UBND Hà Nội sắp bị điều chuyển đi với tin chẳng lành. Tự nhiên mình thấy “tâm trạng", phải có đôi lời với anh.

Trước hết, khi thấy anh là một công an lên nắm quyền Chủ tịch Thủ đô, mình rất thất vọng.

Trước đó Nguyễn Thế Thảo đã phá nát quy hoạch Hà Nội và chặt phá bao nhiêu cây xanh, tanh bành cả Thủ đô, khiến nhân dân nguyền rủa… Nay lại một tay công an!?

Nhưng Thảo tàn phá cây xanh bao nhiêu thì Chung lại chăm lo trồng cây xanh bấy nhiêu. Anh đã chỉ đạo trồng hàng triệu cây xanh. Mà trồng cây có nghiên cứu chọn lọc, có chằng chống, chăm sóc cho cây sống đàng hoàng, chứ không trồng cây còn bọc gốc nilon, gió to đổ kềnh ra như Thế Thảo! Bây giờ người Hà Nội đi trên nhiều tuyến đường cây xanh tươi mát, khá đẹp, không thể không nhớ đến anh Chung.

Rồi vụ Đồng Tâm, khi xảy ra chuyện bọn côn đồ đánh gãy chận cụ Kinh, “nó định đem đi thủ tiêu” (lời cụ Kình) và dân Đồng Tâm bắt nhốt 38 CSCĐ trong nhà văn hoá thôn Hoành, anh đã có cách xử lý rất tuyệt. Anh đi tìm cụ Kình đem về BV Việt Đức, chỉ đạo chăm sóc thật chu đáo; anh thăm hỏi, động viên Cụ và bảo Cụ gọi điện về thả các CSCĐ ra… Cụ Kình đã bảo dân làng không được manh động, phải giữ an toàn và chăm sóc các chiến sĩ thật chu đáo... Rồi anh về Đồng Tâm, đối thoại với dân, dân đón anh như vị cứu tinh! Anh đã tự tay viết Bản cam kết 3 điều, tuyên đọc giữa nhân dân, giữa thanh thiên bạch nhật: 1/ Điều tra kẻ đánh cụ Kình để xét xử; 2/ Thanh tra đất đai khách quan, trung thực; 3/ Không người dân Đồng Tâm nào bị kết tội… Tôi đã viết bài ca ngợi anh hết mức: “Ước gì tôi là anh Chung"!

Bản Cam kết của anh không chỉ làm nức lòng dân Đồng Tâm, mà tất cả những người có lương tri ở trong nước và quốc tế đều vui mừng khôn xiết.

Vậy mà sau đó anh lại quay ngoắt 180 độ, lật lại tất cả những gì anh đã cam kết với dân Đồng Tâm. Tôi giận dữ và căm ghét anh tột cùng! Tôi đã viết bài nguyền rủa anh thậm tệ, với những từ ngữ nặng nề nhất. Giờ tôi hiểu chắc hẳn anh không bao giờ muốn phản bội nhân dân Đồng Tâm và phản bội lại chính mình, để một vết nhơ ghi vào lịch sử. Chắc là anh đã phải chịu khuất phục trước sức ép của các thế lực đen tối khủng khiếp. Anh cũng là nạn nhân đúng không? Nhưng sao anh hèn thế, anh phải thét lên, bảo vệ sự thật, bảo vệ lấy nhân phẩm của mình và phải bầy tỏ cho toàn dân biết chứ? Giá anh làm thế, dẫu có chết anh còn tiếng thơm muôn đời. Chính Bản cam kết bị xé bỏ là một sai lầm lịch sử, đã dẫn đến tội ác tày trời vào đêm 09/1/2020 của chế độ này.

Tôi rất cảm tình, tin tưởng vào việc chỉ đạo chống dịch covid -19 của anh ở Hà Nội. Anh phờ phạc vì mất ngủ nhiều đêm, đi sâu, đi sát, làm từng việc rất cụ thể và luôn công khai minh bạch diễn biến dịch bệnh, công hai từng người bệnh, không trừ một ai. Có vậy mới lòi ra chân tướng anh chàng Chủ tịch Viện HLKHXH, Phó ban Lý luận TƯ ba lăng nhăng cho dân tỏ tường…

Anh được tặng Huân chương trong chiến dịch chống dịch vừa qua là xứng đáng.

Tôi cũng rất thích tác phong lãnh đạo giản dị, khiêm nhường, nói ít làm nhiều của anh. Khác các quan chức CS khác hay ba hoa bốc phét: 30 - 40 năm nữa ... Thủ đô sẽ thành cái nọ cái kia; rồi thích lên diễn đàn cắm đầu đọc những bài diễn văn dài dòng sáo rỗng, do người khác viết cho; hay hò hét, quát nạt “quyết liệt", “quyết tâm"... làm như mỗi anh ta lo lắng. Anh nhỏ nhẹ mà được việc.

Còn những chuyện anh làm mờ ám hay đấu đá nội bộ ra sao tôi không biết. Chỉ biết dù sao đi khỏi Hà Nội, anh vẫn để lại chút gì đó để người dân nhớ đến anh cả thương mến lẫn căm giận về vụ Đồng Tâm. Rồi anh sẽ phải giãi bày về chuyện này trước nhân dân, trước lịch sử, xem thế lực nào đã gây nên tội ác Đồng Tâm, và do đó anh cũng đươc nhẹ lòng.

11/8/2020

M.V.T.

Việc tướng Chung bị đình chỉ chức chủ tịch để điều tra tội tham nhũng và thiếu trách nhiệm gây thất thoát tiền của Dân có không ít người tỏ ra tiếc và thương cho Chung.

Vì sao?

Vì trong giai đoạn đầu chống dịch không thể phủ nhận vai trò tích cực của Chung. Chính gã cũng từng có lời khen Chung khi Chung chưa đối diện án kỉ luật.

Nhưng nếu quả thật Chung dính vào tham nhũng thì ở góc độ của Dân nghèo lương thiện đang chạy từng bữa ăn, sống khốn khó chắt chiu từng đồng bạc lẻ thì chỉ có lời nguyền duy nhất:

Tụi khốn dù chúng mày là ai dù có thành tích nào đó mà nhẫn tâm ăn cướp, ăn cắp hay lãng phí tiền mồ hôi nước mắt của Dân thì trời cũng không dung, đất cũng không tha chúng mày!

Một tổng bí thư, một thủ tướng nếu làm điều xấu,điều ác với Dân, tơ hào tiền mồ hôi nước mắt của Dân thì cũng phải bị nguyền rủa, cũng phải bị gô cổ mà trừng trị.

Không có chỗ cho lòng thương xót lũ tham quan trong trái tim Dân nghèo lương thiện và trong trái tim những con người tử tế với Đồng bào, Tổ quốc một lòng yêu thương Đồng bào, Tổ quốc.

Lưu Trọng Văn

***

Tiếng tăm sự nghiệp gắn với công trạng phòng chống tội phạm được xem là lẫy lừng, vậy mà cuối cùng chính ông lại trở thành tội phạm.

Cuộc đời ông thật đúng như câu tục ngữ Hán: "Tam thập niên lộng mã kị, kim nhật bị lư phốc" (Ba mươi năm cưỡi ngựa phi như bay, hôm nay lại bị lừa đá ngã).

Hoàng Tuấn Công

             ***

Thôi thì cũng phải nói một câu cho phải lẽ: Ít ra thì Chung cũng chưa tàn hại đến cây xanh của một thủ đô vốn tự hào bốn mùa rợp bóng cây che phủ, kể từ thời người Pháp bắt đầu xây dựng thành phố hiện đại này. Chưa đến nỗi như cái vị tiền nhiệm mà người dân vẫn truyền rằng “vốn chỉ là thân phận của cỏ thôi mà vừa leo được lên ghế là liếm đến sạch cả cây”. Vâng, âu cũng phải nhớ đến chút công lao ấy, bởi tính mạng cây xanh cũng là tính mạng một loài sinh vật góp phần công sức rất lớn cho công cuộc bảo vệ môi trường sinh thái của trái đất mà mấy chục năm nay, đất nước này và thể chế này đã thả lỏng cho lũ “đao phủ” lê “máy cưa” đi khắp núi rừng từ Nam đến Bắc, làm cho sạch sành sanh.

Bauxie Việt Nam

 NHỮNG NỐT THĂNG, TRẦM CỦA ÔNG NGUYỄN ĐỨC CHUNG

HƯƠNG QUỲNH/ VNN 11-6-2020


Giám đốc Công an và dấu ấn qua những vụ án

Ông Nguyễn Đức Chung sinh năm 1967, quê quán tỉnh Hải Dương.

Ông Chung từng nhiều năm làm công tác điều tra hình sự, lần lượt giữ các chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Phó giám đốc Công an TP, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội...

Những nốt thăng, trầm của ông Nguyễn Đức Chung
Đại tá Nguyễn Đức Chung nhận quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Công an TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải

Ông từng được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang khi 37 tuổi (năm 2004) và được phong hàm Thiếu tướng ngày 13/ 7/ 2013, khi mới 46 tuổi - Thiếu tướng trẻ nhất ngành công an thời điểm được phong quân hàm.

Vào tháng 9/2012, ông được chính thức bổ nhiệm làm Giám đốc Công an TP Hà Nội khi đang mang quân hàm đại tá. Ông Chung ngồi ghế Giám đốc Công an TP Hà Nội từ 2012-2016.

Trải qua 3 năm, 5 tháng, 20 ngày trên cương vị Giám đốc Công an TP, ông Chung đã trực tiếp tham gia cũng như chỉ đạo nhiều vụ án. Vào tháng 9/2014, ông đã thuyết phục thành công kẻ khống chế bắt giữ con tin tại quận Thanh Xuân.

Những nốt thăng, trầm của ông Nguyễn Đức Chung
Thiếu tướng Chung (ngoài cùng bên trái) thuyết phục thành công đối tượng (ngoài cùng bên phải) khống chế con tin tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hải

Hay vào tháng 11/2011, khi là Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, ông cũng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khám phá thành công vụ án giả danh y bác sỹ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, do Nguyễn Thị Lệ (33 tuổi, quê  huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) làm chủ mưu.

Chuyển khỏi ngành và bước ngoặt mới

Ông Nguyễn Đức Chung được bầu làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội tại Đại hội Đảng bộ TP khóa 16 nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội tháng 12/2015, ông được bầu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Từ đây, ông chính thức chuyển khỏi ngành công an để đảm nhận chức vụ mới này.

Hơn 4 năm rưỡi làm Chủ tịch Hà Nội, ông Chung từng có một số phát ngôn khiến dư luận xôn xao.

Như tại hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của Ban Chỉ đạo 197 ngày 4/3/2017, ông Chung nói, ông thống kê hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau.

Hay: “Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả”.

Những nốt thăng, trầm của ông Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Trần Thường

Vào tháng 11/2019, câu chuyện khiến người dân bức xúc là giá nước kinh doanh của nhà máy nước mặt sông Đuống cao gần gấp đôi giá bán của nhà máy nước sạch sông Đà.

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà, trong mức giá 10.246 đồng/m3 tạm tính của nước sông Đuống có khoảng 2.003 đồng là trả lãi vay của nhà đầu tư.

Ông Chung cho rằng phát biểu trên của Giám đốc Sở Tài chính là rất sai lầm.

Ông lý giải, TP đã rất cẩn thận xin ý kiến của Bộ Tài chính, và giá 10.246 đồng/m3 là giá tạm tính, để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án đầu tư.

Còn sau khi dự án được hoàn thành, họ sẽ quyết toán toàn bộ công trình thì lúc đó mới ra giá thành cụ thể.

Ông Chung cũng khẳng định chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sông Đuống và chắc chắn không bao giờ bù. Cũng theo ông không có ai có lợi ích nhóm ở đây.

Về biến cố ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vào tháng 4/2017, vụ việc lên tới đỉnh điểm khi một số công dân xã Đồng Tâm đã giữ trái phép 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ công an tại Nhà văn hóa thôn Hoành.

Khi đó, ông Nguyễn Đức Chung đã về UBND xã Đồng Tâm đối thoại trực tiếp với người dân. Ghi nhận 21 vấn đề bức xúc của bà con và hứa sẽ chỉ đạo giải quyết công tâm nhất.

Đầu giờ chiều 22/4/2017, trước khi 19 cán bộ, chiến sĩ được thả (ngày 17/4, người dân đã thả 15 cảnh sát cơ động, 3 người khác tự giải thoát), Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã viết bản cam kết gồm 3 điều với người dân xã Đồng Tâm.

Thứ nhất, Chủ tịch UBND Hà Nội cam kết trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực, khách quan và đúng pháp luật việc "khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân Đồng Tâm, theo quy định của pháp luật".

Thứ hai, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.

Thứ ba, cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho ông Lê Đình Kình theo quy định của pháp luật.

Những nốt thăng, trầm của ông Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đi bộ từ trụ sở UBND xã Đồng Tâm xuống nhà văn hoá thôn Hoành

Bản cam kết được ký tại lán do người dân dựng, nằm ở góc sân nhà văn hóa thôn Hoành.

Tới ngày 13/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm, để điều tra về 2 tội danh: "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" và "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".

Chiều 27/8/2019, UBND TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ tổ chức buổi thông tin về kết luận thanh tra sân bay Miếu Môn. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khi đó khẳng định: “Ông Kình lợi dụng việc khiếu kiện nhằm trục lợi, gây sức ép với chính quyền với mục tiêu xem có được bồi thường hỗ trợ một tý nào không. Đây là câu chuyện có thật và chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí biết rõ, vạch trần âm mưu”.

Vào thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra nhiều nơi trên thế giới, tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của TP chiều 23/3/2020, ông Chung chia sẻ mình có con trai đang học ở Mỹ, vùng nặng nhất của Mỹ. Khi đó ông khuyên con mình nên mua dự trữ thức ăn đủ đến hết tháng 6, chấp nhận thuê  nhà vì trong trường đã cho ra hết. Thuê nhà ở yên trong đó 3 tháng.

Liên quan vụ án Nhật Cường, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến Công ty Nhật Cường để phục vụ việc điều tra.

Văn bản nêu, quá trình điều tra, Công ty Nhật Cường và công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (công ty Nhật Cường Software) đã xây dựng, đang quản trị một số phần mềm được ứng dụng trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội.

Công ty Nhật Cường là một trong 63 đơn vị đang cung cấp 135 dịch vụ phần mềm khác nhau cho UBND TP và các sở, ngành.

Thảo luận tại tổ trong kỳ họp HĐND TP chiều 3/12/2019, nói về việc xây dựng chương trình mục tiêu công nghệ thông tin của TP, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, Công ty Nhật Cường xây dựng các dịch vụ công. Đây là cái khó nhất vì phải lọ mọ vào trong từ phường, xã, gặp cán bộ để hiểu về quy trình công tác thì mới số hóa được, những cái đó chẳng ai làm.

Một số cán bộ Hà Nội đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án này gồm: Ông Nguyễn Văn Tứ - Chánh Văn phòng Thành ủy, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT; ông Nguyễn Tiến Học - nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT; bà Phạm Thị Kim Tuyến - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT.

Mới đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã bắt lái xe của ông cùng thành viên Tổ Thư ký của Văn phòng UBND TP Hà Nội. 

Ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1223/QĐ-TTg  tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.

Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác.

Hương Quỳnh

TIN LIÊN QUAN:

BIA CỎ VÀ MÓN NỢ CỦA ÔNG NGUYỄN ĐỨC CHUNG

ANH ĐÀO/ LĐ 12-8-2020

“Tôi đã thống kê, hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau. Hay có Bí thư quận, Chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi là các điểm trông giữ xe dưới phường không có người nhà không?!”

Ngoặc kép là phát ngôn “gây bão” của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngày 4.3.2017.

“Gây bão”, vì phát ngôn quá thẳng, quá thật. Vì không một chữ “lợi ích nhóm”, không nói chuyện “chống lưng” nào nhưng trúng và đúng luôn vào bản chất của câu chuyện lấn chiếm vỉa hè- một vấn nạn mà dù có tới 30 các thể loại chiến dịch từ năm 2000 đến thời điểm đó, nhưng rồi đâu cũng lại vào đó.

Hôm ấy, Hà Nội tổ chức hội nghị về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị với đầy đủ văn võ bá quan quận huyện phường xã... nhưng không ai trả lời câu hỏi của ông Chung cả.

Và chính Chủ tịch Chung tự trả lời: “Tôi xin nói các đồng chí có cả”.

“Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi. Còn nếu lần này không làm, tôi sẽ chỉ rõ, chỗ nào Bí thư quận nào, chỗ nào Chủ tịch, chỗ nào Trưởng phường, kể cả lãnh đạo sở cũng có!

Đối với việc đòi lại vỉa hè cho dân, Chủ tịch Chung nói: Chúng ta làm cương quyết, bền vững nhưng không ồn ào. Các đồng chí cứ ồn ào, ra quân, không khéo xuống lại làm ùn tắc thêm đường

Thế rồi Hà Nội ra quân

Thế rồi đâu lại vào đó.

Tháng 11 năm đó, báo Lao động ghi nhận sau những trống rong cờ mở, vỉa hè khắp nơi bị lấn chiếm giống như thể ra quân chỉ để...làm báo cáo.

Ngay đây thôi, báo Hà Nội Mới cũng liên tục có những phản ánh về chuyện vỉa hè bị lấn chiếm khắp nơi.

Và lời tuyên chiến của Chủ tịch Chung, và 150/180 quán bia được chống lưng, và lợi ích nhóm vỉa hè cũng như sự thảm hại của chiến dịch đòi vỉa hè cho dân giờ đây chỉ được nhắc lại khi... “có chuyện” thực sự đã trở thành di sản thừa kế không ai muốn nhận cả.

Người ta không thể chống lợi ích nhóm bằng cách nói xong bỏ đó, hoặc tệ hơn, thay nhóm này bằng một nhóm khác.

Hôm nay, tràn ngập khắp nơi là những chuyện cũ: Cắt cỏ đại lộ Thăng Long hết 53 tỉ đồng, trồng 1 triệu cây xanh, cho đến chuyện nhập xe quét rác và tất nhiên, cả việc làm sạch sông Tô Lịch bằng hoá chất nhập độc quyền.

Cái gì làm được cho dân, dân đều biết cả. Cái gì là món nợ thì vẫn là món nợ. Cũng như cái gì sai thì phải chịu trách nhiệm. Đó là lẽ công bằng

Chỉ mong những câu chuyện đại loại quán bia không trở thành bia miệng vì những gì phía sau.

ANH ĐÀO
VÌ SAO ÔNG NGUYỄN ĐỨC CHUNG BỊ TẠM ĐÌNH CHỈ DÙ CHƯA BỊ KẾT LUẬN SAI PHẠM?
TRÍ LÂM/ MTG 12-8-2020

Tạm đình chỉ nếu để tiếp tục công tác sẽ khó khăn cho việc xử lý

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1223/QĐ-TTg ngày 11.8.2020 tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.

Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác.

Trước dư luận thắc mắc việc một cán bộ cấp cao bị tạm đình chỉ khi chưa bị kết luận sai phạm, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp giải thích rõ hơn điều này.

Theo ông Cường, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

Theo Luật Cán bộ, công chức 2008 thì cán bộ, công chức có thành tích trong công vụ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng. Còn đối với cán bộ, công chức vi phạm quy định của Luật Cán bộ công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật.

Cụ thể các hình thức kỷ luật cán bộ bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Bãi nhiệm. Các hình thức kỷ luật công chức bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Việc áp dụng các hình thức kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo quy định tại tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17.5.2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.

Theo đó các hành vi bị xử lý kỷ luật đối với công chức bao gồm: vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức; Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra cũng bị xử lý nếu vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP thì đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo; đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức. Công chức bị phạt tù mà không được hưởng án treo thì bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

Nguyên tắc xử lý kỷ luật là khách quan, công bằng; nghiêm minh, đúng pháp luật. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu công chức có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và chịu hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm phải xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

Tạm đình chỉ 90 ngày là… trường hợp đặc biệt

Thời hiệu xử lý kỷ luật là 2 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 5 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp trên.

Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.

Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.

Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, trong một vài trường hợp đặc biệt ví dụ như tham nhũng, hối lộ thì thời hạn tạm đình chỉ công tác cán bộ công chức có thể tối đa 90 ngày theo quy định tại Điều 47 Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1.7.2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hàn luật phòng chống tham nhũng.

Cụ thể: Thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

Trí Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét