Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

20200824. BÀN VỀ CUNG CẦU VÀ ĐỊNH GIÁ ĐIỆN SINH HOẠT

                     ĐIỂM BÁO MẠNG               

ĐIỆN SINH HOẠT MỘT GIÁ: AI THIỆT, AI LỢI ?
LƯƠNG BẰNG/ TVN 14-8-2020

Bộ Công Thương đã quyết định lấy ý kiến về phương án giá bán lẻ điện sinh hoạt 1 giá song song với việc áp dụng biểu giá bán lẻ bậc thang. Song người dùng ít không nên chọn điện một giá vì giá rất cao. 

Áp dụng song song điện một giá và điện bậc thang

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi quyết định 28/2014.

Ngoài phương án rút ngắn biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc còn 5 bậc, Bộ này đề xuất phương án áp dụng song song biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc (giảm so với 6 bậc hiện nay) và giá bán lẻ điện một giá cho khách hàng được quyền lựa chọn tùy theo mong muốn. Giá bán lẻ điện sinh hoạt dành cho khách hàng lựa chọn một giá là từ 2.700 đồng/kWh đến hơn 2.900 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Điện sinh hoạt một giá: Ai thiệt, ai lợi?
Điện 1 giá gần 3.000 đồng/kWh, người dùng 700 số trở xuống không nên dùng

Phương án Bộ Công Thương đang nghiên cứu này xét cho cùng “phù hợp với thực tế”, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng điện ở Việt Nam. Có khách hàng muốn dùng điện sinh hoạt theo giá bậc thang, có khách hàng thích dùng điện một giá. Vậy thì phương án Bộ đưa ra đã thỏa mãn được mong muốn của các đối tượng khách hàng.

Vấn đề là giá điện một giá ở mức bao nhiêu là phù hợp? Mức giá bán lẻ điện sinh hoạt dành cho khách hàng lựa chọn một giá là từ 2.700 đồng/kWh đến hơn 2.900 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) theo đề xuất của Bộ Công Thương khiến nhiều người không khỏi “sốc” bởi mức giá đó rất cao. Người tiêu dùng cần phải tính toán kỹ nếu chính thức áp dụng. 

Ước tính, với giá điện một giá kể trên, những khách hàng dùng 701 số trở lên mới nên chọn sử dụng phương án này bởi số tiền điện phải trả sẽ thấp hơn đáng kể so với việc dùng giá điện bậc thang.

Điện sinh hoạt một giá: Ai thiệt, ai lợi?
Kịch bản 1: Chênh lệch về số tiền phải trả giữa việc dùng điện một giá, điện bậc thang mới với biểu giá bán lẻ hiện hành (mức giá này chưa bao gồm 10% VAT)

Còn đại đa số khách hàng có mức tiêu thụ điện 700 số trở xuống nên dùng giá điện bậc thang để không phải chịu tiền điện tăng cao như phương án một giá.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, khách hàng dùng lượng điện từ 300 số trở xuống là hơn 22 triệu người, chiếm khoảng 72,6% lượng khách hàng với 60% sản lượng điện. Còn dùng từ 400 kWh đến dưới 700 số là khoảng 1,2 triệu khách hàng; từ 701 kWh trở lên là hơn 456 nghìn khách hàng.

Điều này có nghĩa, nếu phương án cho phép người dân được tùy ý sử dụng điện một giá hay điện bậc thang được thực thi, tuyệt đại đa số khách hàng vẫn nên dùng giá điện bậc thang. Xét cho cùng, biểu giá Bộ Công Thương thiết kế cũng không nằm ngoài mục đích duy trì sự cần thiết dùng giá điện bậc thang nhằm "tiết kiệm điện".

Nhưng chưa thay đổi được căn bản cách tính giá điện sinh hoạt

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh bình luận: “Cái tôi kỳ vọng không phải là điện một giá. Điều tôi kỳ vọng là ban hành một cơ chế song song giữa điện bậc thang và việc lắp đặt công tơ 3 giá tính tiền điện sinh hoạt theo 3 khoảng thời gian trong ngày tương ứng với các giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường”.

“Điều đó sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc quản lý phụ tải trong giờ cao điểm. Dù đã có định hướng, chỉ đạo về lắp công tơ 3 giá cho các hộ gia đình nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa triển khai được. Hy vọng chúng ta sẽ sớm nhìn thấy ban hành giá điện bậc thang và công tơ 3 giá. Như vậy sẽ hiệu quả hơn”, ông góp ý.

Điện sinh hoạt một giá: Ai thiệt, ai lợi?
Ảnh: Phạm Hải

Thực tế, việc lắp đặt công tơ 3 giá lâu nay đã và đang được áp dụng cho tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh, song vẫn chưa áp dụng cho giá điện sinh hoạt của người dân. Tiền đâu đầu tư công tơ 3 giá dường như là nút thắt khiến giải pháp này vẫn chưa được chú ý.

Ông Sơn cho rằng, dù phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới này được ban hành, vẫn luôn luôn tồn tại những ý kiến kêu ca, phản đối. Nhưng hiện nay ít nhất người dân có thể có hai phương án để lựa chọn, thay vì chỉ một như trước đây. Người dân sẽ phải tự tính toán, kiểm soát nhu cầu tiêu thụ điện của mình để phù hợp với phương án họ đã lựa chọn là dùng điện một giá hay điện bậc thang.

Mặt khác, để bớt đi những ý kiến nghi ngại việc EVN còn độc quyền cả khâu phân phối, việc đẩy nhanh thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là cần thiết.

Thực tế, lộ trình để cho các thành phần kinh tế khác tham gia vào phân phối điện cũng đã được đặt ra trong các văn bản chính thức. Theo quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày ngày 9/11/2013 của Thủ tướng, năm 2021 sẽ thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, năm 2023 sẽ chính thức vận hành thị trường này.

Trong 3 lĩnh vực sản xuất điện, truyền tải, phân phối, đến nay EVN chỉ còn độc quyền 2 khâu truyền tải và phân phối. Khâu truyền tải về lâu dài có thể vẫn là độc quyền nhà nước nhưng khâu phân phối đang được tích cực đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Khi đó, EVN sẽ không còn là người bán duy nhất trên thị trường mà sẽ có nhiều nhà phân phối cùng vào.

Chặng đường này sẽ không hề dễ dàng, nhất là khi nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021-2025 đang cận kề, ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Con đường vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam đang hướng đến rất giống cách Singapore đã làm. Singapore cũng từng có thời kỳ độc quyền tất cả mọi khâu từ phát điện, truyền tải, phân phối. Hiện tại thị trường bán lẻ Singapore có hàng chục đơn vị bán lẻ điện được cấp phép để cung cấp điện cho khách hàng. Để có được thị trường bán lẻ này, Singapore mất hơn 20 năm.

Cùng với việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, việc thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là cần thiết. Khi được vận hành theo cơ chế thị trường, câu hỏi “Giá điện Việt Nam cao hay thấp” cũng phần nào được trả lời rõ ràng hơn nếu giá điện được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí.

Lương Bằng

ĐIỆN BẬC THANG HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO...18.000 ĐỒNG/THÁNG ?
THÀNH LUÂN/ DV 20-8-2020

(Thị trường) - Thực tế cho thấy, hộ sử dụng nhiều điện chưa chắc đã phải người giàu và hộ sử dụng ít điện chưa chắc đã phải hộ nghèo.

Ngày 20/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm "Giá điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý?".

Tại buổi  tọa đàm, các chuyên gia lĩnh vực năng lượng, kinh tế đã nêu quan điểm về việc duy trì biểu giá điện bậc thang hay áp dụng điện một giá. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm sau khi Bộ Công thương lấy ý kiến dự thảo biểu giá điện mới và mới đây nhất là rút phương án điện một giá ra khỏi dự thảo.

Theo TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam), cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trong Quyết định 24/2017/QĐ-TTg có 4 nhóm khách hàng (nhóm sản xuất, khối hành chính sự nghiệp; khối kinh doanh và khối sinh hoạt). Riêng nhóm khách hàng sinh hoạt cho phép bán theo dạng bậc thang lũy tiến với mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, hỗ trợ giá cho người nghèo.

TS Ngô Đức Lâm khẳng định, một trong những nguyên tắc giá điện sinh hoạt lũy tiến nhiều bậc là người nghèo, người hưởng chính sách ưu đãi được hỗ trợ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn hộ nghèo được hưởng chính sách đã được Nhà nước xác định và được lĩnh tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Năng lượng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, khi xây dựng biểu giá này, ngành điện hướng đến nguyên lý khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và hỗ trợ hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp vốn được mặc định là những hộ dùng ít điện. Theo đó, càng sử dụng nhiều càng phải chịu giá cao và ngược lại.

Dien bac thang ho tro nguoi ngheo... 18.000 dong/thang?
Mục tiêu an sinh xã hội trong việc xây dựng biểu giá điện cần phải xem xét lại để khách quan, công bằng, minh bạch hơn. Ảnh minh họa: Dân Việt


"Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì không hẳn như vậy. Có những gia đình rất đông nhân khẩu, sử dụng nhiều điện nhưng thuộc diện thu nhập thấp, không có điều kiện tách khẩu nên buộc phải sống chung với nhau.

Trong khi đó, nhiều hộ gia đình chỉ có 1-2 nhân khẩu, đi làm cả ngày nên sử dụng ít điện và được hưởng giá thấp, song họ lại có thu nhập cao.

Như vậy, quan điểm về điện bậc thang để bảo đảm công bằng, hỗ trợ người có thu nhập thấp đã không còn nhiều ý nghĩa nếu xét trên góc độ thực tế", PGS.TS Nguyễn Minh Duệ nhận xét và cho rằng, chuyện hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, Chính phủ có thể có những cách khác mà không nhất thiết phải hỗ trợ qua giá điện, ví dụ tiền mặt, an sinh xã hội, công ăn việc làm...

Cùng chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong kinh tế thị trường, EVN cũng chỉ là một doanh nghiệp như nhiều doanh nghiệp khác. Cần tách riêng việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội khỏi chức năng, nhiệm vụ của một doanh nghiệp.

Đối với các hộ nghèo, hộ chính sách hiện nay đã có các khoản hỗ trợ an sinh của Chính phủ. Theo quy định hiện hành các hộ nghèo về thu nhập hoặc hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng. Việc hỗ trợ nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ sử dụng tối thiểu của người dân và khả năng có thể đáp ứng của ngân sách nhà nước và được chuyển thẳng tới người thụ hưởng. EVN chỉ nên chú tâm vào công việc của mình là sản xuất điện nhiều nhất, đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng, về bảo vệ môi trường và kinh doanh hiệu quả nhất.

PGS.TS Bùi Thiện Dụ, nguyên giảng viên khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét: dùng chữ "an sinh xã hội" chưa chuẩn xác. Bởi lẽ, ông tính toán, với biểu giá điện hiện nay, hộ gia đình dùng dưới 100kWh thì tiết kiệm được 10%, tức nhà nào dùng nhiều nhất trong bậc này thì tiết kiệm được 18.000 đồng, hộ trung bình dùng 50kWh thì tiết kiệm được 9.000 đồng.

"Số tiền này chia cho 1 hộ (tính trung bình là 4 người) rồi bảo họ lên phường lĩnh có khi họ còn không lên. Cho nên, nói "an sinh xã hội" nhưng phải hiểu thực tế đó là 9.000-18.000 đồng, không bằng 1 bát phở/tháng/4 người".

Từ đây, PGS.TS Bùi Thiện Dụ đề nghị ngành điện hãy thao tác và kinh doanh như một doanh nghiệp, dù loại đặc biệt thế nào chăng nữa, cần tập trung vào kinh doanh, phát triển chất lượng dịch vụ, nộp ngân sách nhà nước n gày càng nhiều. Trách nhiệm với người nghèo hãy để Nhà nước xử lý chung với xã hội. Hiện nay các hộ nghèo đã được trợ cấp thông qua ngân sách xã hội, các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo.

"Chính sách hỗ trợ người nghèo không phải là trách nhiệm của một ngành sản xuất kinh doanh nào, ngành điện không nên ôm lấy việc không phải của mình. Chưa nói, nếu ngành điện chỉ hỗ trợ cho các hộ dùng ít điện (vì tự xếp họ vào hộ nghèo mà không xét hoàn cảnh cụ thể) thì sao không hỗ trợ các hộ không được dùng điện?

Họ cũng đóng thuế để xây dựng phát triển đất nước như các hộ dùng điện, chưa kể có những vùng người dân phải hy sinh cả đất đai, ruộng đồng để xây dựng các nhà máy thủy điện, đường dây điện cao áp đi qua mà chưa được dùng điện", PGS.TS Bùi Thiện Dụ nêu vấn đề.

Thành Luân

PHÁ BĂNG ĐỘC QUYỀN ĐIỆN

NGÔ VĂN TUYỂN/ TVN 21-8-2020

Điện là hàng hoá đặc biệt nên nhà nước phải quản lý trực tiếp - đó là đủ lý do thuyết phục, về góc độ nào đó. Song, nhìn những cải cách khi đất nước thực hiện Đổi mới năm 1986 thì lý do đó chưa hẳn đã đúng. 

Lúc đó, không còn sổ gạo, không còn tem phiếu, cởi bỏ cái áo bao cấp của nhà nước mà cuộc sống chỉ có tốt lên.

Cải cách ngành điện, từ thực tế đó, có đáng lo lắng hay không? Bài viết này cố gắng phân tích chiều sâu của ngành điện, thay vì thảo luận về cải cách giá điện vì đó chỉ là cái ngọn và không bao giờ hết tranh cãi được. 

Chúng ta cùng tìm hiểu, cơ chế nào cần có để quan hệ cung cầu điện tiệm cận các quy luật khách quan của thị trường, nơi cung đáp ứng được cầu; nhà đầu tư bỏ vốn làm ăn và dân nghèo vẫn tiếp cận được đến điện chứ không bị bỏ lại phía sau.

Cải cách bắt đầu từ nguồn cung

Nói “có cầu sẽ có cung” chỉ đúng khi hình thành được thị trường. Làm thế nào để nguồn cung có thêm 5-7% hàng năm đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng GDP. Hiện các nhà máy phát điện có các chủ sở hữu khác nhau. Công ty mẹ EVN quản lý một số nhà máy lớn như Thuỷ điện Sông Đà, Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Ialy, Thuỷ điện Tuyên Quang, Thuỷ điện Trị An, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4...

Phá băng độc quyền điện
Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Phạm Hải

Các công ty con của EVN chuyên sản xuất điện như GENCO 1, 2, 3 và Nhiệt điện Thủ Đức, Phong điện Thuận Bình. Trong số này chỉ duy nhất GENCO 3 đã CPH (cổ phần hoá), số còn lại là các công ty TNHH một thành viên.

Ngoài các nhà máy thuộc Tập đoàn EVN, thì Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) và các nhà máy thuộc các thành phần kinh tế khác cũng tham gia sản xuất điện. Khoảng 2% nhu cầu là từ nguồn nhập khẩu.

Nói cơ chế thị trường thì phải theo quy luật cung cầu. Nếu để tự thị trường điều tiết thì ai sẽ đầu tư phát điện. Lượng điện tiêu thụ trung bình một ngày cả nước hiện nay ở mức khoảng 0,6 tỷ kWh tương đương 220 tỷ kWh/năm. Công suất phát điện tính ra là: 0,6 tỷ kWh/24h = 25 triệu kW (25.000 MW). Nhà máy thuỷ điện Sơn La có công suất lắp đặt 2.400 MW, còn thuỷ điện Hoà Bình 1.920 MW.

Tuy nhiên, công suất phát điện thực tế chỉ có thể bình quân ở mức hơn 50% công suất lắp đặt. Hiện thuỷ điện Sơn La cung cấp khoảng 10,2 tỷ kWh/năm, còn Hoà Bình khoảng 8,2 tỷ kWh/năm. Nhiệt điện Phú Mỹ thuộc loại lớn nhất nước với công suất phát điện đã đưa vào sử dụng là 3.900 MW, cung cấp khoảng 17 tỷ kWh/năm. 

Nếu đầu tư nhà máy mới mỗi năm tăng sản lượng thêm 10 tỷ kWh, tức là chỉ 5%, thì phải đầu tư đều hàng năm thêm 1 nhà máy thuỷ điện cỡ Sơn La, Hoà Bình hoặc 2 năm phải có thêm một nhiệt điện Phú Mỹ.

Suất đầu tư theo giá hiện tại đối với thuỷ điện cũng phải xấp xỉ 25 tỷ đồng/MW lắp đặt, nếu theo công suất phát điện thực tế thì có thể lên tới 50 tỷ đồng/MW. Đầu tư nhiệt điện càng đòi hỏi hiện đại và yêu cầu cao về xử lý môi trường, thì suất đầu tư càng lớn (khoảng 2 triệu USD/MW). Ai sẽ bỏ tiền đầu tư mỗi năm một nhà máy thuỷ điện cỡ Sơn La với suất đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5 tỷ USD?

Nếu gọi vốn đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư phải nhìn thấy lợi nhuận rõ ràng mới bỏ ra một khoản tiền lớn như thế. Nếu là vốn trong nước thì ai bỏ ra? Giả sử thành lập công ty cổ phần phát điện, phát hành cổ phiếu để có vốn đầu tư thì người dân có bỏ vốn ra không, nếu không có lãi? Nếu dùng chính nguồn vốn khấu hao để đầu tư phát điện, thì khấu hao toàn bộ hệ thống từ phát điện đến truyền tải, phân phối cũng chỉ đủ đầu tư một nhà máy phát điện.

Do đã có nguồn cung điện với chủ sở hữu khá phong phú hiện nay và tình trạng cung không đủ cầu thì đã đủ hình thành thị trường phát điện. Hiện GENCO 3 đã được cổ phần hóa, thì các GENCO 1, 2 và các công ty khác cũng cần nhanh chóng chuyển thành công ty cổ phần. Các nhà máy của công ty mẹ EVN cũng phải tách ra thành các công ty độc lập cùng với các nhà máy thuộc PVN và TKV cơ cấu thành các công ty cổ phần.

Khi cổ phần hóa các nhà máy với các giá trị sổ sách rất khác nhau theo giá trị đồng tiền ở các thời kỳ sẽ được trả về giá trị hiện tại. Giá thành của các nhà máy sẽ không quá chênh lệch để có thể dẫn đến ép giá, cạnh tranh không sòng phẳng. 

Ngoài ra, do nguồn cung không đủ và căn cứ quy luật giá trị mà giá mua của các nhà máy vẫn có thể khác nhau dựa trên giá thành của từng loại hình phát điện. Một thị trường phát điện lành mạnh phải là một thị trường có khả năng phát triển.

EVN hiện có vốn chủ sở hữu 200.000 tỷ đồng, theo giá hiện nay nếu dành cả cho phát điện thì cũng chỉ đủ đầu tư được xấp xỉ 20% nhu cầu điện hiện tại. Hiện EVN vay hơn 400.000 tỷ đồng. Nếu trả lãi chỉ với mức 6%/năm chẳng hạn đã phải chi phí tài chính hơn 24.000 tỷ đồng/năm. Chi phí lãi vay thì hạch toán trong giá thành, nhưng trả nợ gốc thì phải từ nguồn khấu hao và lợi nhuận. Khoản vay hiện tại nếu tính từ giờ phải trả trong 10 năm thì mỗi năm cần 40.000 tỷ đồng. Nếu không cân đối đủ để trả gốc theo tiến độ thì phải vay thêm các khoản vay mới. 

Vay nước ngoài có lãi suất khá thấp, nhưng vay không dễ. Vay trong nước thì nhà nước không thể bắt các ngân hàng thương mại cho vay lãi suất thấp. Các dự án lớn phải mang ra Quốc hội phê duyệt không chỉ vì các vấn đề môi trường, xã hội mà còn liên quan tiền vốn ở đâu. Nhà nước muốn đầu tư thêm cho EVN thì phải có nguồn thu từ đâu đó. Tăng thuế, phí ở các khu vực khác đều tác động vào thu nhập của người dân là không dễ dàng.

Thị trường phân phối hướng đến cạnh tranh

Các tổng công ty điện lực đang đảm đương vai trò này. Sản lượng điện dùng cho sản xuất chiếm đến 2/3, nhưng khu vực này gần như không có vấn đề gì bức xúc.

Điện sản xuất phần lớn áp dụng công tơ đo điện 3 giá trong một ngày. Giá điện khác nhau buộc các hộ tiêu thụ phải tính toán tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả. Đây là việc không dễ dàng gì nhưng do khả năng cung ứng điện buộc phải thế.

Hơn nữa, giá điện Việt Nam khá cạnh tranh, các nhà đầu tư sử dụng nhiều điện được hưởng lợi nên cũng không có lí do gì để phàn nàn với mô hình quản lý tập trung của nhà nước hiện nay.

Dư luận bức xúc mỗi năm lại rộ lên trong dịp hè và các nhà quản lý lại chạy theo xử lí chính là ở khu vực điện sinh hoạt. Một bộ phận hộ tiêu dùng phản đối chung quy lại là bởi phải trả nhiều tiền hơn do tính giá điện bậc thang khi dùng nhiều vào mùa hè. Chính vì vậy, việc đưa ra phương án điện một giá với giá cao thì chẳng giải quyết vấn đề gì, đưa ra rồi rút lại là đương nhiên.

Với mô hình các công ty điện lực 100% vốn là của các tổng công ty, các tổng công ty này lại 100% vốn của EVN, đến lượt EVN lại 100% vốn nhà nước, thì người tiêu dùng luôn nhìn nhận ngành điện là độc quyền, là đủ các thuộc tính xấu được quy về doanh nghiệp nhà nước.

Các công ty con, cháu của EVN hoàn toàn có thể chuyển thành công ty cổ phần. Khi chuyển thành công ty cổ phần và đặc biệt là công ty đại chúng thì tính minh bạch sẽ cao hơn. Khi đó nhiều người sử dụng điện vừa là khách hàng nhưng vừa là chủ sở hữu mua cổ phần tại các công ty cung ứng điện.

Việc cố duy trì mô hình cũ khi tư duy chỉ có Nhà nước mới đảm bảo được hoạt động ổn định cung ứng điện và an sinh xã hội, cộng với việc cổ phần hóa vô cùng khó khăn khi cấp nào cũng sợ trách nhiệm trong quá trình phê duyệt nên quá trình cổ phần hóa không biết bao giờ bắt đầu và bao giờ có thể kết thúc. 

Giữ lại hệ thống truyền dẫn điện 

Các công ty điện lực mua điện của các nhà máy phát điện và bán điện cho các hộ tiêu thụ thông qua hệ thống truyền dẫn từ nhà máy tới mạng lưới phân phối. Hiện vai trò này do một tổng công ty 100% vốn của EVN đảm nhận.

Với tính chất trung gian và có yếu tố an ninh, an toàn hệ thống điện thì Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) này chưa nhất thiết phải cổ phần hóa. Để đảm bảo vận hành trong cơ chế thị trường thì chi phí cho truyền dẫn phải đủ để có thể phát triển.

Hiện có những tiếng kêu của các nhà máy phát điện của các chủ đầu tư khác không thể đấu nối vào lưới điện của EVN.

Phá băng độc quyền điện
Ảnh: Phạm Hải

Thực tế hoạt động của doanh nghiệp có những nguyên tắc về tài chính. Đầu tư phải có hiệu quả mới được phê duyệt. Mọi sự chậm trễ, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu điện sẽ luôn gây bức xúc. Cơ chế tài chính của EVNNPT phải đủ tự chủ về cân đối chung hiệu quả hoạt động thì mới có thể giải quyết được những bức xúc kiểu như vậy. EVNNPT phải có quyền đàm phán với từng bên mua và bên bán điện về giá cả truyền tải. 

Khả năng cổ phần hóa công ty mẹ EVN

Giả sử EVN chuyển đổi thành công ty cổ phần đại chúng với vốn nhà nước trên 51%, các công ty con, cháu, chút, chít cũng theo tỉ lệ nắm giữ vốn như vậy.

Theo quy định của luật Kế toán và luật Chứng khoán, ngoài báo cáo tài chính riêng phải có báo cáo tài chính hợp nhất và phải công bố đúng thời hạn quy định. Với nhiều tầng nấc báo cáo như vậy, khó thể đảm bảo thực hiện đúng quy định (trừ khi các công ty con có vốn của EVN không quá 50% thì đơn giản hơn).

Rõ ràng mô hình tập đoàn EVN là khá cồng kềnh. Quản lý nhà nước nên trả các quyền vận hành doanh nghiệp về doanh nghiệp. EVN nên chia thành 3 doanh nghiệp lớn về phát điện, truyền tải và phân phối.

Các doanh nghiệp quan hệ với nhau và quan hệ với khách hàng theo cơ chế thị trường. Khi đó nhà nước quản lý bằng cơ chế chính sách để thúc đẩy khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng và giải quyết các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, chứ không can thiệp vào việc quyết định giá. Mô hình này cũng là phù hợp khi trong tương lai nhiều nhà máy phát điện không thuộc EVN.

Ngô Văn Tuyển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét