Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

20200830. PHẢN BIỆN CHƯƠNG TRÌNH 'ĐỐI DIỆN' CỦA VTV

                                                                 ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐỐI DIỆN VỚI NGỤY BIỆN
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 27-8-2020

Khi tiếp cận thông tin từ báo chí cách mạng thì anh em cần đề phòng cẩn mật về các thủ pháp ngụy biện. Thủ pháp tuyên truyền đơn giản nhất là dùng ngụy biện. Các phương pháp thường dùng là đánh vào tình cảm biết ơn, ngụy biện đánh tráo khái niệm, quy nạp ẩu và cơ bản nhất là không cần lý lẽ gì, chỉ cần dùng cảm tính!

Chương trình Đối diện là trường hợp kinh điển. Người làm chương trình chả có cần che giấu gì các thủ pháp nói trên, nói cách khác là áp dụng rất thô thiển, nhưng vẫn rất hiệu quả, vẫn chăn được nhiều gà. Mình sẽ chỉ ra 1 số đoạn để chứng minh.

Khi đấu tố GS.TS Nguyễn Đình Cống và TS Nguyễn Đức Thành, Đối diện cố tình che tên nhân vật, chắc để tránh việc bị kiện tụng, nhưng lại cố tình để rõ các thông tin cá nhân, khiến bất cứ ai quen biết 2 người này có thể nhận ra ngay lập tức. Với nhóm “bôi nhọ” chị Sáu, họ cũng làm mờ mặt, nhưng mình vẫn nhớ mấy người đó là nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyên Ngọc, anh Trương Huy San và vài người khác mình quên tên.

Buồn cười nữa là ngay cả mấy ông quan tham, đã đi tù, như Trịnh Xuân Thanh và mấy ông tướng CA mà Đối diện cũng phải làm mờ, hèn không để đâu cho hết. Tự tin chửi người ta, nhất là khi người ta đã bị pháp luật xử lý, mà sao vẫn còn sợ? Sao không dám đối diện? Chỉ duy nhất một người bị đấu tố mà Đối diện dám để lộ mặt là tay đại tá (hay trung tá?) quân đội tên Hợi mới bị khai trừ đảng vì chém gió phét lác về biển đảo.

Khi đấu tố thầy Cống, Đối diện cố tình cắt cúp 2 đoạn stt của thầy nhận định về CM tháng 8 đại ý: “CM tháng 8 chỉ là cướp chính quyền Trần Trọng Kim chứ chả phải đánh Pháp đuổi Nhật gì cả”. Nhận định này của thầy hiển nhiên đúng, có quá nhiều căn cứ lịch sử, kể cả đúng lề, cho thấy điều đó. Người Pháp lúc đó đang ở trong tù của Nhật, còn quân Nhật thì không can thiệp vào việc cướp chính quyền của người Việt, chỉ có đụng độ duy nhất là quân ông Giáp đánh Nhật ở Thái Nguyên mãi chả thắng (đâu đó 1 đại đội Nhật). Đến ngày 26/8 thì 2 bên mới giảng hòa, do CMT8 đã thành công ở các nơi rồi! Lưu ý là dinh Toàn quyền và Ngân hàng Đông Dương cũng như các nhà tù, trại lính vẫn do Nhật kiểm soát. Làm quái gì có Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật như đã tuyên truyền!

Nhưng người dẫn chương trình là Đỗ Đức Hoàng vẫn dùng chi tiết để đấu tố, coi như là một “luận điệu sai trái”, thì, xin lỗi, quá ngu! Chả biết có ai cố vấn lịch sử cho Hoàng không mà cậu ta lại dại dột thế?

Thay vào việc chứng minh nhận định của thầy là sai thì Hoàng lại lôi ra mấy cái comment phản đối thầy ra làm ví dụ 1 chiều. Mà các comment đó cũng không hề có bất cứ một lý lẽ nào để phản biện thầy, hoàn toàn dùng cảm tính để phản đối. Có nghĩa là Đối diện không dùng bất cứ một lý lẽ, dẫn chứng khoa học nào để đập tan “luận điệu phản động” của thầy mà hoàn toàn dùng cảm tính để vu cho thầy là vô ơn.

Để chắc ăn hơn, Hoàng cho một ông tướng Quân đội về hưu tham gia đấu tố thầy Cống đại ý là vô ơn, phản bội! Ông tướng này nói, đại ý là thầy Cống được đảng và nhà nước cho đi học, trong khi những người như ông ấy đi bộ đội, hi sinh xương máu. Nhưng ông Cống đã vô ơn, phản bội lại sự hi sinh đó!

Mọi người cần biết rằng, thầy Cống là một chuyên gia đầu ngành Xây dựng, một dạng “tổ nghề” về bê tông cốt thép, thầy của các thầy trường Xây dựng (một cái nôi đầu đàn của ngành xây dựng). Nếu thầy cũng đi bộ đội, rồi hi sinh, thì ai sẽ làm công việc của thầy!? Mỗi người mỗi việc, do xã hội phân công, ai cũng có đóng góp cho xã hội, cho chế độ cả. Bao thế hệ sinh viên XD liệu có biết ơn thầy? Mấy cu sinh viên comment mắng thầy liệu có phải là vô ơn?! Phân tích vô ơn kiểu này có mà đến tết và… vô ích.

Tương tự vậy khi đấu tố TS Thành, Đối diện cũng trích dẫn một stt cách đây 2 năm của anh này, trùng hợp thay là đúng tròn 2 năm kể từ ngày viết đến ngày phát sóng, y chang Facebook kỷ niệm! Coi như Đối diện share stt phản động cho TS Thành. Người biên tập chương trình cũng chẳng buồn, hoặc chẳng có năng lực, phân tích xem stt đó sai chỗ nào, mà chỉ ngang nhiên chỉ trích cá nhân tác giả và chụp mũ rằng stt đi ngược lại quyền lợi quốc gia, coi TS Thành là kẻ bội bạc, vô ơn với những người đã ngã xuống!

Cả 2 trường hợp trên, Đối diện đã dùng thủ pháp ngụy biện đả kích cá nhân, dựa vào tình cảm biết ơn rất mơ hồ để đấu tố. Điều quan trọng nhất là phân tích xem “luận điệu” của các đối tượng sai chỗ nào thì họ không làm được, chỉ chơi trò chụp mũ. Nhận định của TS Thành cũng chẳng có gì sai, vì thực tế đã chứng minh ở các nước CS đã phải chống chịu “quả bom nhiệt hạch CNXH”. Phản biện điều này không đơn giản, phải có kiến thức kinh tế, chính trị mà chắc chắn chương trình này không làm được.

Tại sao lại gọi là tình cảm biết ơn mơ hồ?

Bài ngụy biện này mình đã phân tích rất nhiều lần, nay xin nhắc lại. Sách báo nhà nước thường dùng lặp đi lặp lại thủ pháp kích động lòng biết ơn này để chống lại người dân tự diễn biến, bản chất là tự giác ngộ.

Chúng ta cần hiểu rằng, công dân không có trách nhiệm biết ơn chế độ, thậm chí biết ơn các liệt sỹ đã chết để bảo vệ chế độ. Chúng ta chỉ có trách nhiệm biết ơn duy nhất là những bậc sinh thành. Vì chỉ có họ mới chắc chắn có thể hi sinh vì chúng ta mà hoàn toàn bất vụ lợi. Mỗi cá nhân có thể biết ơn một số cá nhân khác đã giúp đỡ, cứu mạng, cưu mang mình mà không vì lợi ích của họ.

Còn với những người khác, như với các quân nhân, giáo viên, bác sỹ, công an… họ tự chọn nghề hoặc trách nhiệm của họ là bảo vệ an ninh, cứu người, dạy người, nên trước sự hi sinh của họ, chúng ta chỉ cần bày tỏ sự KÍNH TRỌNG, nếu thấy cần thiết. Không phải sự hi sinh nào cũng dành được sự kính trọng hay biết ơn của toàn dân. Bởi vì dân cũng có nhiều ý thức hệ, tại sao con cháu những quân nhân, công chức chế độ cũ phải biết ơn các liệt sỹ CS?

Ngay cả thầy Cống, TS Thành, tuy từng hưởng lương từ nhà nước, nhưng họ học hành phấn đấu thành tài là do nỗ lực của họ, năng lực của họ, có phải đảng và nhà nước bơm được trí tuệ vào đầu họ đâu? Như thầy Cống cũng đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp GD, coi như cũng đã “trả nghiệp” cho chế độ xong rồi.

Xin mọi người nhớ cho là không có đảng và nhà nước nào cho chúng ta ăn học thành tài cả. Những người khiến chúng ta biết ơn về điều đó chỉ có thể bố mẹ, ông bà chúng ta mà thôi, vì họ sinh ra ta, nuôi ta ăn học, truyền cho chúng ta trí tuệ, năng khiếu bẩm sinh. Ngay cả thầy cô giáo cũng không thể ngang nhiên nhận công đó được, vì họ dạy HS là trách nhiệm xã hội và họ đã chọn nghề và được trả lương.

Tuyên giáo thường xuyên sử dụng thủ pháp kích động lòng biết ơn chính là áp dụng thủ pháp của Nho giáo là kích động tinh thần “trung quân, ái quốc” hòng triệt tiêu sự phản kháng của quần thần, dân chúng đối với vua. Một xã hội mà người dân chỉ biết cúi đầu phục tùng, không dám phản biện chính sách, phản biện cấp trên, xét lại lịch sử, nấp dưới lòng biết ơn mơ hồ thì chỉ có thể là xã hội phong kiến hoặc độc tài, toàn trị.

Ngay cả đối với bố mẹ chúng ta, những người mà chúng ta cần biết ơn sâu sắc nhất, khi họ làm sai thì con cháu vẫn có trách nhiệm phải can ngăn, chứ không thể vì lòng biết ơn mà bố mẹ sai, con cháu cũng phải câm.

Khi ĐỐI DIỆN với những sai trái trước mắt, thì việc cần lên tiếng là trách nhiệm của công dân, chỉ cần lên tiếng có lý lẽ, dẫn chứng, ôn hòa. Cả thầy Cống và TS Thành đều đã đáp ứng những tiêu chí đó khi lên tiếng. Nếu chính quyền biết sửa sai theo ý kiến phản biện của những người như họ thì chế độ này mới có thể quang vinh muôn năm.

Nếu không ai dám lên tiếng trước cái sai thì chế độ sẽ tự hủy hoại mình mà thôi. Chính những kẻ ngăn chặn người khác lên tiếng mới khiến cho chế độ sớm sụp đổ. Chế độ TBCN trường tồn được cũng là do họ biết sửa sai. Ngay chế độ CS như VN, TQ sống sót được cũng là do sửa sai. Mà không có ai chỉ chỗ sai thì biết đâu mà sửa?

Đỗ Đức Hoàng còn có một nhận định ngớ ngẩn nữa là vu cho mấy ông quan tham đang ngồi tù là vô ơn, bội bạc! Thực tế họ ơn đảng, ơn CP lắm lắm, nhờ có đảng, có chế độ này thì họ mới tham nhũng được như vậy chứ! Thực tế phe củi chẳng có ông nào chống đảng cả đâu.

Cuối cùng, mình chỉ đồng ý một điểm duy nhất với người biên tập chương trình. Đó là nhờ có đảng thì VN mới như ngày hôm nay

TIN LIÊN QUAN:

SAO LẠI NÓI 'VIỆT NAM KHÔNG CẦN VÀ KHÔNG CHẤP NHẬN ĐA NGUYÊN ĐA ĐẢNG' ?

BÌNH DÂN HỌC VỤ/ LK/ BVN 28-8-2020

Từ vài năm nay, các nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều bài viết với nội dung khẳng định nhất quán, dõng dạc rằng chế độ một đảng cầm quyền ở VIệt Nam “là sự lựa chọn của dân tộc, của nhân dân”.

Hà Nội, ngày 8/4/2020. Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP

Đơn cử như bài “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa Đảng” của PGS.TS. Nguyễn Xuân Tú, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 7/2018, và một bài lặp lại nguyên tựa đề này, của TS. Vũ Thị Nghĩa (trường Chính trị Đồng Nai) đăng trên báo Đồng Nai, ngày 21/7/2020.

Đặc điểm chung của cả hai bài là truyền tải thông điệp kiên quyết bảo vệ chế độ độc đảng ở Việt Nam, và sử dụng lối viết áp đặt một cách hùng hồn, dõng dạc, tuy cơ sở lý luận thì “thiếu và yếu”. Bình dân Học vụ xin có đôi lời phản biện bài lý luận gần đây nhất được biết đến, là bài của TS. Vũ Thị Nghĩa.

Đầu tiên, tác giả nói sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn “của dân tộc, của nhân dân”. Riêng kiểu viết lặp ý này đã thể hiện một văn phong có tính chất hô khẩu hiệu, là điều mà người viết chuyên nghiệp cần tránh trong các bài lý luận nghiêm túc.

Tác giả giải thích bằng lập luận, đại ý: Các cuộc đấu tranh chống Pháp đều thất bại cho đến khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo; Đảng Cộng sản lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, tiếp đến chống Mỹ; đã có thời kỳ Việt Nam đa đảng, rồi các đảng kia tự giải tán. Kết luận: Hà cớ gì khi cách mạng thành công, CHÚNG TA (Bình dân Học vụ viết hoa) giành được chính quyền rồi lại trao chính quyền ấy vào tay một đảng khác?

Trong những “lập luận” này, tác giả cũng liên tục sử dụng văn phong hô khẩu hiệu, hoặc những nội dung tuyên truyền đã in sâu vào tâm trí người đọc lâu nay (xin nhấn mạnh, đó là tuyên truyền, không phải khoa học lịch sử), ví dụ viết “chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 Châu, chấn động địa cầu”, “cuộc trường chinh 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược”, “việc ta đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ đã làm cho cả thế giới sửng sốt, ngỡ ngàng, bàng hoàng…”.

Nhưng tạm bỏ qua việc dùng văn phong tuyên truyền với rất nhiều tính từ và khẩu hiệu lộng ngôn (là điều cần tránh trong những trao đổi học thuật nghiêm túc), thì vẫn cứ phải bác bỏ lập luận và kết luận của tác giả Vũ Thị Nghĩa.

Bởi vì, cho đến tháng 8/1945, đối với nhân dân Việt Nam, đặc biệt là trí thức, thì lực lượng giành chính quyền từ tay phát xít Nhật là Việt Minh chứ không phải Đảng Cộng sản. Việt Minh là một liên minh chính trị kết nối các đảng phái, các tầng lớp nhân dân. Mặc dù Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhưng dĩ nhiên nó không đồng nhất với “duy nhất Đảng Cộng sản”, và đặc biệt, sự ra đời và tồn tại của nó thể hiện tinh thần đa nguyên, đa đảng rất rõ.

Về sau, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), nhiều trí thức như nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, học giả Hoàng Văn Chí… đã nhận ra sự chuyên quyền, độc đoán của Đảng Cộng sản, và bỏ kháng chiến về Hà Nội.

Đã có một vài đảng (mà tác giả Vũ Thị Nghĩa cáo buộc là họ “thân Pháp, thân Mỹ, công khai đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam) tồn tại và tự giải tán, như Đảng Dân chủĐảng Xã hội. Tuy thế, cho đến nay, vẫn chưa xác định được việc hai đảng này tuyên bố giải thể là tự nguyện, có chủ ý, hay là bị… Đảng Cộng sản ép?

  • Nếu là hành động giải thể có chủ ý, thì xét về lý, các đảng tự giải thể đó có quyền khôi phục và hoạt động trở lại. Trên thực tế, Đảng Dân chủ đã tuyên bố phục hoạt, nhưng bị Đảng Cộng sản… đàn áp nặng nề. Bằng chứng, nhân chứng của sự đàn áp, các ghi chép, tư liệu về sự đàn áp, thì có nhiều, nhưng tạm nằm ngoài khuôn khổ của bài viết này.

  • Nếu là sự giải thể do bị Đảng Cộng sản ép buộc, tức là Việt Nam vốn đa đảng mà cuối cùng lại trở thành độc đảng do bị đảng cầm quyền (dùng bạo lực) ép.

Phi logic, hay thứ logic của kẻ đang hưởng lợi

Ngoài ra, ngay cả khi các đảng phái khác thực sự đã tự giải tán vì những lý do nội bộ, thì đó cũng không phải là lý do để biện minh cho việc Đảng Cộng sản tuyên bố duy trì chế độ độc đảng. Rất khó thấy logic trong lập luận của tác giả: Các đảng khác tự giải tán hết rồi, nên (nhân dân?) không chấp nhận cho đảng nào thành lập nữa đâu.

Chốt lại, ý của TS. Vũ Thị Nghĩa là, ngày xưa có mình Đảng Cộng sản làm cách mạng, giành được chính quyền, hà cớ gì đảng phải chia sẻ quyền lực với đảng khác.

Theo logic này, nước Mỹ nên do hậu duệ của George Washington nắm quyền cai trị mãi mãi. Thời lập quốc ấy, ở Mỹ chưa có đảng phái nên vị tổng thống đầu tiên không thuộc về đảng nào, chứ nếu ông là thành viên đảng Cộng hòa chẳng hạn, thì đảng ấy phải là lực lượng lãnh đạo nhân dân Mỹ một cách toàn diện và tuyệt đối, hà cớ gì phải chia sẻ quyền lực với đảng nào – nếu theo logic của tác giả Vũ Thị Nghĩa. 

Tương tự, Nam Phi mãi mãi chỉ nên do một mình đảng ANC của Nelson Mandela lãnh đạo, ANC có công lớn đến thế kia mà?

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, là lập luận của TS. Vũ Thị Nghĩa đã ngầm thể hiện một quan điểm cho thấy Đảng Cộng sản rất… cơ hội chính trị: Về bản chất, đảng này làm cách mạng chỉ để giành và giữ quyền lực nhà nước. Giành được rồi thì phải giữ, âu cũng là hợp lẽ, sao lại cho đảng khác ngóc đầu lên cạnh tranh với mình?

Sự thể hóa ra là thế. Đó là thứ logic của kẻ đang hưởng lợi, không tội gì chia sẻ lợi ích cho ai khác.

Trong khi, lẽ ra, quyền lực nhà nước (bắt nguồn từ nhân dân) vốn không phải là chiếc bánh ngon để các đảng chia chác với nhau hay ban cho nhau. Nó phải do nhân dân chọn giao cho ai. Chế độ đa đảng thực chất là một cơ chế để nhân dân sàng lọc và bầu ra đảng cầm quyền, thông qua lá phiếu của cử tri. 

Vừa tụng ca, vừa hô khẩu hiệu

Tác giả dành một phần lớn của bài để ca ngợi Đảng Cộng sản từ sau năm 1975 đã thành công trên mọi mặt trận: kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội. “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đạt được những tiêu chí cao nhất trong hoạt động chính trị của một đảng cầm quyền”. Rồi bà kết luận: “Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước trên con đường đi tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(!).

Ngoài việc dùng sự tụng ca, hô khẩu hiệu để làm độc giả choáng ngợp (thay vì thuyết phục trên cơ sở logic và dữ liệu thực tế lịch sử), tác giả đi theo logic: Việt Nam đạt được những thành tựu này, suy ra Đảng Cộng sản có khả năng lãnh đạo.

Vậy, không có Đảng Cộng sản, biết đâu Việt Nam lại còn tránh được các cuộc chiến tranh và phát triển hơn thì sao?

Chỉ mới có một Đảng Cộng sản cầm quyền tuyệt đối hơn nửa thế kỷ qua, mà Việt Nam đã đạt chừng đó thành tựu. Vậy, thêm vài đảng nữa làm đối trọng, biết đâu Việt Nam đạt gấp nhiều lần thành tựu đó, thì sao? 

Tất nhiên, nêu hai câu hỏi như trên cũng là phi logic, vì… chuyện đó chưa từng xảy ra; từ ngày Đảng Cộng sản thống nhất quyền lực trên cả nước cho tới nay, Việt Nam chưa từng đa đảng. Trong tranh luận logic, không thể bàn về những kịch bản chưa bao giờ xảy ra.

Điều đáng nói ở đây là trong khi tụng ca thành tựu của Đảng Cộng sản, tác giả đã không đưa ra một chi tiết nào đối chiếu sự khác nhau giữa đa đảng và độc đảng. Cũng tức là không chứng minh được ý “Việt Nam không cần đa đảng”. Tức là không dựa trên bất kỳ một căn cứ nghiên cứu khoa học nào.

Chúng ta cũng hoàn toàn có thể nêu ra rất nhiều yếu kém, hạn chế của Đảng Cộng sản, từ tham nhũng, oan sai, môi trường ô nhiễm, giáo dục yếu kém, y tế đắt đỏ, chất lượng sống thấp kém, chủ quyền bị xâm hại… để kết luận: Đảng Cộng sản cầm quyền không có khả năng lãnh đạo đất nước. Tức là cần “đa đảng”.

Nói chung, do Việt Nam chưa có hệ thống đa đảng, nên không thể so sánh chế độ độc đảng với một cái gì đó không tồn tại. Trả lời cho câu hỏi “cần” hay “không cần” đa đảng, vì vậy, chỉ có thể thông qua những cuộc trưng cầu dân ý và/hoặc khảo sát xã hội nghiêm túc.

Duy ý chí

Chưa hết. Nhà lý luận chính trị của Đảng Cộng sản tiếp tục đi đến khẳng định: “Ở Việt Nam hiện nay, thực hiện chế độ một đảng duy nhất cầm quyền nhưng dân chủ luôn được đảm bảo và phát huy”. Lý do: Là “bởi vì mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam dân chủ”.

Lại một thứ lập luận kỳ quặc, vô nghĩa: Việt Nam dân chủ là bởi vì mục đích của Đảng Cộng sản là xây dựng dân chủ.

Ta hoàn toàn theo kiểu suy luận này để phát biểu: “Triều Tiên là quốc gia giàu có, bởi vì mục đích của Đảng Lao động Triều Tiên là xây dựng nước Triều Tiên giàu có”. Cũng giống như một ông bố say rượu rung đùi nói với ba đứa con nheo nhóc: “Chúng mày hạnh phúc, ăn sung mặc sướng, bởi vì mục đích của bố là làm cho các con hạnh phúc, ăn sung mặc sướng”!.

Thực tế, cái thực tế mà hệ thống tuyên truyền của Đảng Cộng sản không bao giờ nhắc tới, là Việt Nam bị xếp vào nhóm chế độ chuyên chế và đang đứng thứ 136/167 về chỉ số dân chủ.

Kết luận

Với bài viết “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa nguyên đa đảng”, tác giả Vũ Thị Nghĩa đã cho thấy bà rất thuộc các nội dung tuyên truyền lâu nay của Đảng Cộng sản; ngoài ra, lời khẳng định của bà chỉ là võ đoán và nhân danh nhân dân cho… có khí thế, thêm sức nặng, chứ trong toàn bài, không thấy chứng minh được “ý nguyện của dân” là ở đâu cả.

Hơn thế nữa, với văn phong và các lập luận (phi logic) được vạch ra ở trên, dường như ý tác giả đúng ra phải là “Nhà nước hiện nay không chấp nhận đa đảng”.

Nói gì thì nói, việc một nhà nước không chấp nhận đa đảng là biểu hiện phản dân chủ rõ nét, không gì khác.

B.D.H.V.

Nguồn: luatkhoa.org/2020-08

ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TD 29-8-2020

“Việt Nam không cần và không chấp nhận đa đảng”, câu nói hống hách quen thuộc của một tiến sĩ chính trị Đồng Nai vừa cất lên hôm trước, hôm sau phát lộ một Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch.

Cán bộ ta, mượn lời dân tộc nhân dân quen tới mức như một phản xạ. Đến mức, lời họ nói hệt lời thiên tử, tự cho mình quyền thay mặt tất cả, thứ mà họ quên rằng hiến định công dân có quyền tự do ngang bằng.

Nước không cần đa đảng nhưng đảng viên lại cần hai quốc tịch. Một thực tiễn chua xót, nếu tất cả những phi vụ ra nước ngoài đều thành công, hoàn toàn có thể thành lập một “nội các” gốc Việt. Chí Dũng, Xuân Thanh, Vũ Nhôm, Hải Mobifone, Kim Thoa, Huy Hoàng, Phú Quốc… và đương nhiên còn nhiều người chưa phát lộ.

Tất lượt họ đều là đảng viên cả. Và hồ đồ xét đoán, số tài sản họ nắm giữ, có thể vượt quá thu nhập của quốc gia trong một năm. Cái đau đớn không chỉ là tiền. Họ đối xử với quốc gia và nhân dân không khác gì một sự phỉ báng.

Tiến sĩ triết Đồng Nai, cũng như những cậu nhóc trên chương trình Đối Diện, tôi cho rằng họ không ngây ngô đến mức không hiểu mình đang nói cái gì. Khi sử dụng những ngôn từ sắt máu, có lẽ rằng có lợi ích thôi thúc sau lưng họ.

Tôi là một người cởi mở, luôn cố gắng duy trì một quan niệm khoáng đạt rằng quan chức phải giàu có, nhưng giàu có phải đi đôi với tâm lực. Thậm chí, quan chức có gốc gác con ông cháu cha cũng có thể chấp nhận được trong buổi giao thời này. Miễn sao có năng lực thật, có bổng lộc có cống hiến.

Ai cũng biết bí thư xã trở lên nhờ đâu mà giàu. Thậm chí trong câu chuyện của người dân, câu cửa miệng vẫn nhắc “con cháu ông đó”, “nhà đất ông kia”… Có nghĩa là người dân vẫn chấp nhận một sự thiên lệch, dù trong cán cân đó họ là bên chịu thiệt.

Trong khi đó, đảng chưa bao giờ có suy nghĩ lược bớt các tuyên ngôn kiêu ngạo hoặc học cách tôn trọng cảm xúc của người dân. Đảng vẫn cố ru lòng rằng những hiện tượng suy đồi chỉ là cá biệt, tự chuyển biến tự chuyển hoá.

Trong khi tri thức của người dân đã đến mức cho phép họ hiểu rằng đó là biến dạng của quyền lực độc tôn. Khi một bí thư phường xã không có đối trọng, người đó hoàn toàn biến cả địa phương thành của mình.

Khách quan mà nói, không phải tất cả lãnh đạo đều xấu. Nhưng không một thể chế nào vận hành dựa trên tâm đức của lãnh đạo cả. Cũng như mọi độc tôn quyền lực ở bất kỳ địa hạt nào cũng đều sinh ra tiêu cực, đó là thực tế.

Thực tế đó sẽ chứng minh rằng củi lửa đốt lò chỉ duy trì được uy lực ngắn hạn. Thể chế không thể vận hành dựa trên sự tự giác hoặc sợ hãi của quan chức khi quyền lực không có đối trọng.

Đó là điều bất cứ thường dân nào cũng có thể nhìn thấy. Và bài xích đa nguyên hoặc phỉ báng đa đảng, cho dù là ý kiến đúng, cũng đã đến lúc không được tuỳ tiện mượn lời nhân dân, dân tộc như vẫn thường làm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét