Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

20200828. QUANH CHUYỆN 2 QUỐC TỊCH CỦA ĐBQH PHẠM PHÚ QUỐC

   ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐBQH PHẠM PHÚ QUỐC: TÔI CÓ QUỐC TỊCH CỘNG HÒA SIP, NHƯNG DO GIA ĐÌNH BẢO LÃNH
ANH PHƯƠNG/ SGGP 25-8-2020
SGGPO  
Công nhận việc ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018, song ĐBQH Phạm Phú Quốc cho hay: “Quốc tịch này do gia đình tôi bảo lãnh, thông tin về việc tôi mua quốc tịch thứ hai là không chính xác”.

Tin liên quan

ĐBQH Phạm Phú Quốc. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐBQH Phạm Phú Quốc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 25-8, ĐBQH Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TPHCM) đã trao đổi với báo chí xung quanh việc ông được cho là có quốc tịch Cộng hoà Síp (Cyprus).

Công nhận việc ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018, song ĐBQH Phạm Phú Quốc cho hay: “Quốc tịch này do gia đình tôi bảo lãnh, thông tin về việc tôi mua quốc tịch thứ hai là không chính xác”.

Ông Quốc cho biết thêm, thời điểm ứng cử đại biểu Quốc hội (tháng 5-2016), ông chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Sau đó, do một số thay đổi về công việc và hoàn cảnh cá nhân, nên năm 2018 gia đình ông đã thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Cộng hoà Síp cho ông để thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình.

Được biết, vợ và con trai ông Quốc đều doanh nhân. Con trai ông học tập làm việc lâu dài tại Anh từ năm 2013. Năm 2017, vợ và con gái ông Quốc thực hiện các thủ tục xin quốc tịch cho ông tại đảo Síp. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch mà không phải thôi quốc tịch Việt Nam.

Ông Quốc cho biết đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

ANH PHƯƠNG

'KHÔNG CÓ BÁO CÁO NÀO CỦA ĐẠI BIỂU PHẠM PHÚ QUỐC VỀ VIỆC CÓ 2 QUỐC TỊCH'

VIỆT THẮNG/ ĐĐK 26-8-2020

“Tôi có đọc báo thấy đại biểu Phạm Phú Quốc xác nhận việc có 2 quốc tịch. Tôi đã chỉ đạo cơ quan giúp việc của Ban Công tác đại biểu xác minh thông tin này", Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội cho hay.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Tuý cho biết ông chưa nhận được báo cáo chính thức nào về việc sở hữu 2 quốc tịch của đại biểu Phạm Phú Quốc, mà mới tiếp nhận thông tin qua báo chí và mạng xã hội.

“Tôi có đọc báo thấy đại biểu Phạm Phú Quốc xác nhận việc có 2 quốc tịch. Tôi đã chỉ đạo cơ quan giúp việc của Ban Công tác đại biểu xác minh thông tin này. Trước hết, cơ quan quản lý hộ chiếu phải có thông tin chính thức là đại biểu Quốc có 2 hộ chiếu hay không, rồi trên cơ sở đó mới đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị Uỷ ban MTTQ VN TP.HCM phát biểu quan điểm, vì Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức hiệp thương bầu cho đại biểu này. Sau đó, toàn bộ hồ sơ sẽ được trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền giải thích pháp luật. Bởi vì đại biểu có quyền bất khả xâm phạm nên tất cả các thủ tục phải được tiến hành rất chặt chẽ”.

Cũng theo ông Túy, trong nhiệm kỳ của mình, nếu ĐBQH có thay đổi về lý lịch thì phải báo cáo, nhưng cơ quan có thẩm quyền không hề nhận được báo cáo của đại biểu Phạm Phú Quốc. Do đó, vấn đề phải làm hiện nay là tìm hiểu rõ xem thời điểm đại biểu Quốc nhận hộ chiếu Cộng hòa Síp là bao giờ. “Nếu là một cán bộ hành chính thì việc xem xét đơn giản hơn. Nhưng đây là đại biểu Quốc hội, phải hết sức trân trọng những cử tri đã bầu ra họ, nên chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục phù hợp với quy định”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn đại biểu TP HCM, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tháng 5/2016.
Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn đại biểu TP HCM, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tháng 5/2016.

Trước đó, hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) đã đưa ra một tài liệu cho thấy Đại biểu Quốc hội TP HCM Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách những người mua hộ chiếu của Cyprus- một quốc gia châu Âu.

'Trao đổi với phóng viên Đại đoàn kết, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho hay, bà cũng chưa nhận được thông tin từ cơ quan chức năng về việc đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch SIP'. 

Việt Thắng.

Cụ thể,  hãng tin này cho biết chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này. Điều này đồng nghĩa với việc cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.

Theo Al Jareeza, hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua thứ gọi là “hộ chiếu vàng” (golden passport) này từ thời điểm cuối 2017 đến cuối 2019 (thời điểm mà Al Jazeera thu thập được hồ sơ, còn chương trình này của Cyprus đã được thực hiện từ 2013), trong đó có cả quan chức chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và anh/em trai của cựu Thủ tướng Lebanon.

Đại biểu Quốc hội TP HCM Phạm Phú Quốc được Al Jazeera điểm tên trong danh sách này. Al Jazeera cũng cho rằng, Cyprus đã “bán” hộ chiếu cho cả tội phạm, những người đào tẩu, các chính trị gia (PEP - politically exposed persons) dễ dính vào tham nhũng để trốn tránh trách nhiệm tại nước sở tại.

Trong tài liệu hãng tin Al Jazeera chụp, đăng tải là, người nộp đơn xin nhập quốc tịch, hàng năm phải nộp giấy chứng nhận về tiến độ xây dựng dự án đầu tư tại Síp. 

Trao đổi với báo chí về sự việc trên, đại biểu Phạm Phú Quốc  cho biết ông chưa nghe tin này, và cho biết thông tin trên “không chính xác”.

Theo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua vào tháng 6 năm nay, đại biểu Quốc hội Việt Nam chỉ được phép có 1 quốc tịch.

Vào năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cựu đại biểu Quốc hội của Hà Nội, đã bị bác tư cách đại biểu vì sở hữu 2 quốc tịch nhưng không khai báo trong lý lịch.

TIỀN ĐÂU ĐBQH VIỆT NAM 'CHẠY' HỘ CHIẾU NƯỚC NGOÀI ?

RFA 25-8-2020

Hai người Việt Nam trong Hồ sơ Cyprus, công bố ngày 24/8/2020 gồm Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và doanh nhân Phạm Nhật Vũ.

Hai người Việt Nam trong Hồ sơ Cyprus, công bố ngày 24/8/2020 gồm Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và doanh nhân Phạm Nhật Vũ.

Nhập tịch Cộng hòa Cyprus với giá ít nhất 2.5 triệu USD

Bản tin phóng sự điều tra của Al Jareeza loan đi vào ngày 24/8, phổ biến  một danh sách tên tuổi của hàng chục quan chức cấp cao và gia đình mua “hộ chiếu vàng” Cyprus từ năm 2017 đến năm 2019, với giá ít nhất 2.5 triệu USD.

Quốc gia Cyprus cho phép người nước ngoài nhập quốc tịch qua chương trình đầu tư vào nước này với mức đầu tư thấp nhất là 2.5 triệu USD. Công dân Cyprus có thể tự do đi lại, làm việc, giao dịch ngân hàng trong khối Liên minh Châu Âu và được miễn thị thực ở 174 quốc gia. Do đó, quyển “hộ chiếu vàng” của Cyprus được cho là một món hàng có giá trị đối với rất nhiều người mong muốn sở hữu được nó.

Dư luận nói gì?

Nhóm phóng viên thực hiện điều tra Hồ sơ Cyprus đưa ra vấn đề rằng làm thế nào mà các quan chức có thể có số tiền lớn lên đến hàng triệu USD để đầu tư vào Cyprus và tại sao những người được giao phó các vị trí quan trọng ở quốc gia của họ lại mua quốc tịch thứ hai cho bản thân và gia đình?

Để giải đáp cho hai câu hỏi quan trọng vừa nêu, Al Jareeza dẫn nhận định của tiến sĩ Nigel Gould-Davies, chuyên viên cấp cao tại Viện Chiến lược Quốc tế của Vương quốc Anh cho rằng ở nhiều quốc gia, chỉ có quan hệ và làm ăn bất chính mới có thể sở hữu khối tài sản lớn như vậy và một khi họ đã có khối tài sản lớn thông qua cách mà ông nghĩ là rất có vấn đề thì họ chắc chắn sẽ muốn được an toàn bằng cách chuyển tài sản sang nước ngoài, nơi mà tài sản đó trở thành hợp pháp.

Chuyên viên cao cấp của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, bà Laure Brillaud, cũng được Al Jareeza dẫn lời rằng các quan chức có quyền kiểm soát tài nguyên quốc gia, có thể điều tiết các hợp đồng của chính phủ cũng như có quyền ra quyết định. Vì thế, việc này phản ánh rủi ro tài chính cao vì họ dễ tham nhũng và nhận hối lộ hơn bao giờ hết.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, vào ngày 25/8 lên tiếng với RFA rằng không phải chỉ một trường hợp của Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc vừa được nhắc tên tên trong Hồ sơ Cyprus mà đó là một xu hướng chung của giới quan chức tại Việt Nam trong những năm vừa qua.

Từ Đức quốc, luật sư Nguyễn Văn Đài nhấn mạnh thêm:

“Một trong những biểu hiện rõ nét nhất là tôi thấy vào năm 2014 khi giàn khoan HD 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông. Sau sự kiện đấy, báo chí đã đăng tải công khai lời phát biểu công khai của ông Nguyễn Phú Trọng, chỉ trích rằng có một số cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, khi xảy ra sự kiện HD 981, đã vội vàng đề xuất mang tài sản và đưa vợ con ra nước ngoài. Ông Trọng đã phát biểu như thế. Hiện tượng đó không phải bây giờ mới xảy ra mà đã luôn luôn xảy ra từ trước rồi.”

Hồi năm 2016, truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin Chính quyền Việt Nam nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu sự can dự của 189 cá nhân và 7 công ty Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama trong đợt công bố ngày 9/5/2016.

Những người có tên trong Hồ sơ Panama, được cho là dù họ đang sống ở quốc gia nào cũng bị nghi vấn là mở công ty vỏ bọc ở những thiên đường thuế, tức ở những lãnh thổ mà họ có thể né thuế, thậm chí rửa tiền hoặc che giấu tài sản.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) ghi nhận tính đến thời điểm tháng 5/2016, người Việt gửi 7,3 tỷ USD ra nước ngoài hay theo hồ sơ Panama, Việt Nam có tổng cộng 92 tỉ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài.

Nhà quan sát tình hình Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với RFA về ghi nhận của ông liên quan thông tin Hồ sơ Panama được Chính quyền Việt Nam xử lý như thế nào:

“Vụ Hồ sơ Panama thì hầu như không ai bị xử lý gì cả bởi vì có một số doanh nhân cụ thể đã giải thích rõ vì sao họ mở tài khoản đó. Ví dụ như chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Sovico, đồng thời là tổng giám đốc của Hãng Hàng không Vietjet Air là bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tài khoản ở đấy. Sau đó thì bà Hồ Thị Kim Thoa, thứ trưởng Bộ Công thương khi đó cũng nói là lúc còn là doanh nhân, chưa giữ chức thứ trưởng cũng có tài khoản như thế. Có một người làm ở khu công nghiệp và cũng là Đại biểu Quốc hội, ông Đặng Thành Tâm thì cũng nói là có tài khoản như thế. Bây giờ ông Tâm không còn là Đại biểu Quốc hội nữa. Có một vài trường hợp lên tiếng như vậy. Nhưng về sau thì tuyệt nhiên không có thông tin nào về việc xử lý gì cả.”

Đài RFA ghi nhận, liên quan thông tin Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có tên trong Hồ sơ Cyprus, có ý kiến của những người quan tâm rằng ông Phạm Phú Quốc sẽ bị xử lý bởi vì theo khoản 1a, Điều 22 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được thông qua ngày 19/6, quy định “Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng ông Phạm Phú Quốc không vi phạm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam là công dân không bị ngăn cấm có quốc tịch khác ngoài quốc tịch Việt Nam.

“Tức là với công dân thì được làm mọi điều mà pháp luật không cấm. Thế còn đối với chính khách, là Đại biểu Quốc hội thì chỉ được phép làm những việc mà pháp luật và các quy định riêng cho phép. Hai việc đó cần phân biệt khác nhau. Cho nên đấy không phải là tội. Và ông này bị phát hiện như thế thì mai mốt Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bãi nhiệm ông ấy thôi.”

Theo thiển ý của tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì có thể ông Phạm Phú Quốc và gia đình của ông sẽ bị điều tra liên quan về tài sản. Thế nhưng, đó lại là một vấn đề khác nữa đang tồn tại ở Việt Nam.


Facebooker Phạm Minh Vũ, chia sẻ ý kiến cá nhân về tình trạng giàu có không minh bạch của giới quan chức ở Việt Nam:
“Việt Nam có rất nhiều luật, nhưng về mặt thu nhập và việc khai báo tài sản đối với quan chức và công dân đều không được thực hiện một cách chặt chẽ. Cho nên rất dễ có khả năng người ta khai báo tài sản mà chính quyền phải chấp nhận. Ví dụ như gần đây, có một trường hợp cựu thanh tra Chính phủ là ông Trần Văn Truyền. Ông Truyền về hưu ở Bến Tre và xây biệt thự to như lâu đài. Khi ông Truyền bị phát hiện thì ông lên tiếng là do cô em nuôi cho tiền. Và cô em nuôi cũng đã chứng nhận rằng biếu cho ông anh nuôi ‘một ít’ tiền đủ để xây ‘lâu đài’ đấy. Thế thì ai làm gì được?”

“Bỏ qua vấn đề chính trị và quan điểm lý tưởng thì khi họ vào Đảng và họ nắm quyền rồi, họ có thể từ một bần cố nông và kinh qua các chức vụ thì không biết ở đâu mà tiền từ trên trời rơi xuống và họ trở nên rất giàu có. Chúng ta cũng biết trong thời gian vừa qua, bao nhiêu vụ việc bị phanh phui và đến khi bị báo chí vạch trần thì có người bị tống vào ‘lò’ của ông Trọng, còn có người phân trần rằng là họ bán chổi đót hay chạy xe ôm từ thuở hàn vi…Ở Việt Nam thì hầu như không có chương trình minh bạch tài chính và điều này tôi nghĩ rằng nằm trong chủ trương, đường lối của Đảng. Họ cố tình không muốn công khai minh bạch tài chính vì họ biết rõ tài sản của họ từ đâu mà ra.”

Những người trao đổi với RFA như Luật sư Nguyễn Văn Đài, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp và facebooker Phạm Minh Vũ chia sẻ đồng quan điểm rằng những vụ việc như Hồ sơ Panama và Hồ sơ Cyprus càng làm cho người dân Việt Nam mất niềm tin vào giới quan chức và Đảng CSVN lãnh đạo.

Một số danh tính nổi bật được tiết lộ trong Hồ sơ Cyprus bao gồm Chủ tịch Hạ viện Afghanistan Mir Rahman Rahmani, Phó Thủ tướng Nga Igor Reva, cựu Đại biểu Quốc hội Ukraine-ông Volodymyr Zubky…và thân nhân của các giới chức lãnh đạo như tỷ phú Taha Mikati, em trai của cựu Thủ tướng Leban Najib Mikati hay bà Hun Kimleng, cháu gái của Thủ tướng Campuchia Hun Sen…

VÀO VAI NGƯỜI ĐI MUA BĐS ĐỂ CÓ QUỐC TỊCH SIP

THÔNG CHÍ/ ĐĐK 26-8-2020

Trên các trang mạng đầu tư định cư tràn ngập thông tin về đầu tư định cư tại Síp. Theo đó, để đầu tư nhận quốc tịch Síp thì nhà đầu tư sở hữu 1 hoặc nhiều bất động sản có tổng giá trị tối thiểu là 2 triệu euro.

Vào vai người đi mua BĐS để có quốc tịch Síp
Một trang giới thiệu đầu tư định cư tại Síp.

Liên quan tới thông tin báo chí nước ngoài phản ánh, một vụ rò rỉ các tài liệu mật của Chính phủ Cộng hòa Síp cho thấy hàng chục quan chức cấp cao và gia đình tại một số nước đã mua "hộ chiếu vàng" của Síp trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019.

Đáng chú ý, các tài liệu mật rò rỉ có tên của một đại biểu Quốc hội của Việt Nam. Vậy, đầu tư để nhận quốc tịch Síp diễn ra như thế nào?

Có ít nhất có 2 triệu euro tiền mặt, chưa kể phí môi giới

Trên các trang mạng đầu tư định cư tràn ngập thông tin về đầu tư định cư tại Síp. Trong vài năm trở lại đây, khi các thị trường định cư như Mỹ, Canada, Úc siết chặt người nhập cư qua hình thức đầu tư để lấy hộ chiếu thì Síp nổi lên như thị trường giàu tiềm năng để khai thác, nhất là với các quốc gia châu Á.

Theo thông tin của PV Đại Đoàn Kết khảo sát, các trang mạng môi giới định cư đều quảng bá Sip như thiên đường của giới đầu tư. Về y tế, Síp được giới thiệu có hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn diện, tiêu chuẩn cao sánh ngang với các quốc gia phát triển trong EU.

“Công dân Síp được hưởng dịch vụ y tế công miễn phí. Thường trú nhân cũng được cấp thẻ bảo hiểm xã hội để hưởng các dịch vụ miễn phí thông qua phòng lao động của từng quận”, 1 trang đầu tư di trú quảng bá.

Về giáo dục, Síp được giới thiệu học sinh không phải đóng học phí đến năm 18 tuổi. Khi lên Đại học, sinh viên có thể được miễn giảm hoặc nhận học bổng hỗ trợ từ chính phủ. “Đây là 1 trong 3 nước chi tiêu nhiều nhất cho giáo dục trong khối EU bên cạnh Đan Mạch và Thuỵ Điển với hệ thống giáo dục từ Anh Quốc”.

Theo thông tin quảng bá, chương trình định cư Síp thông qua đầu tư được ban hành vào tháng 4/2013, cho phép nhà đầu tư trên toàn thế giới có quyền thường trú nhân hoặc hộ chiếu khi mua bất động sản Síp.

“Để đầu tư nhận quốc tịch Síp thì nhà đầu tư sở hữu 1 hoặc nhiều bất động sản có tổng giá trị tối thiểu là 2 triệu euro. Trong trường hợp cha mẹ đi cùng, nhà đầu tư phải mua thêm bất động sản trị giá 50.000 euro”, trang mạng môi giới di trú nêu.

Hàng loạt các trang mạng quảng bá về chương trình đầu tư tại đảo Síp để nhận hộ chiếu.
Hàng loạt các trang mạng quảng bá về chương trình đầu tư tại đảo Síp để nhận hộ chiếu.

Để được hộ chiếu Síp khó không?

Với những thông tin sơ lược như trên, phóng viên đã trao đổi với môi giới định cư để đầu tư nhận hộ chiếu đảo Síp. Môi giới tên Ngọc Khánh (tên đã được thay đổi -PV) có văn phóng giao dịch tại TP HCM nói luôn “hiện tại các thông tin về quan chức Việt Nam có hộ chiếu tại đảo Síp đang gây bất lợi cho quá trình đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam. Việc xét duyệt sẽ khó hơn và thời gian để lấy hộ chiếu có thể lâu hơn”, Khánh nói.

Theo môi giới, khi đầu tư bất động sản tại Síp để ở thì tiền thuế phải nộp tại Sip chỉ 5% tuy nhiên nếu nhà đầu tư uỷ thác lại tài sản bất động sản để cho thuê thì thuế sẽ cao hơn khoảng 4 lần, rơi vào 19%. Và tiền thuê bất động sản chỉ khoảng 3-5% giá trị căn nhà trong vòng 1 năm.

“Giá trị thuê sẽ thấp hơn nhiều so với đầu tư bất động sản cho thuê ở Việt Nam”, môi giới này nói.

PV Đại Đoàn Kết lược ghi cuộc trao đổi với một môi giới.

Nếu anh đầu tư định cư thì ngoài tiền đầu tư bất động sản, phí môi giới bên công ty là bao nhiêu?

- Tiền phí luật sư xử lý hồ sơ bên Síp rơi vào 20.000 euro. Ngoài ra chi phí bên Việt Nam là 15.000 euro. Tổng chi phí môi giới rơi vào 35.000 euro.

Nếu vậy nếu tháng sau anh đăng ký đầu tư và nộp tiền thì trong bao lâu có hộ chiếu?

- Thời gian xử lý rơi vào khoảng 9 tháng. Tuy nhiên, thời gian nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào lý lịch của nhà đầu tư có phức tạp hay không?. Hiện nay có một số thông tin không tốt. Nếu nhà đầu tư có lý lịch không tốt khiến việc xét duyệt sẽ chậm lại do bên Síp họ sẽ làm kỹ hơn nên thời gian có thể lâu hơn.

Nhà đầu tư như anh khi muốn đầu tư bất động sản để lấy hộ chiếu sẽ phải chứng minh nguồn tiền đầu tư?

- Chắc chắn phải chứng minh. Như anh đầu tư bất động sản 2 triệu euro thì anh phải chứng minh được nguồn tiền 2 triệu euro là hợp pháp. Có thể bất động sản, hoặc các nguồn thu nhập khác. Ví dụ như 2 triệu euro anh có từ buôn bán bất động sản thì anh phải hợp đồng thời điểm mua và thời điểm bán.

Bên em sẽ việc với công ty định giá để xác định thời điểm anh mua vào giá trị lô đất là bao nhiêu và thời điểm bán ra giá trị lô đất là bao tiền. Bên Síp sẽ kiểm tra thông này qua lời chứng của anh và công ty định giá. Hay cổ phiếu cũng vậy, sẽ có công ty định giá cổ phiếu thời điểm anh mua vào và bán ra.

Nếu anh không chứng minh được nguồn tiền lên tới 2 triệu euro là hợp pháp, bên công ty có làm hồ sơ giúp anh?

- Có anh. Bên em sẽ làm cho anh hồ sơ mua bán cổ phần công ty.

Vậy việc chứng minh nguồn tiền sẽ do bên công ty em chịu trách nhiệm?

- Vâng anh. Tuy nhiên em sẽ phải xem kỹ hồ sơ của anh để tìm phương án.

Điều tra của Al Jazeera nói gì?

Al Jazeera, một đài lớn và có sức ảnh hưởng ở Trung Đông, hôm 23/8 đã công bố loạt bài điều tra về chính sách mà họ gọi là "mua bán hộ chiếu châu Âu" của Cộng hòa Síp từ năm 2017 đến 2019. Với tên gọi "The Cyprus Papers" (Hồ sơ Síp), các bài của Al Jazeera đã hé lộ việc Síp "bán" hộ chiếu cho cả những tên tội phạm bị kết án và những kẻ đào tẩu khỏi pháp luật. Hàng ngàn trang tài liệu liên quan cũng được công bố.

Kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004, hộ chiếu Síp trở thành vật sở hữu đáng thèm muốn của nhiều người ở nhiều quốc gia, vì cho phép đi lại, làm việc và giao dịch ngân hàng trên khắp EU. Những người giữ hộ chiếu Sip cũng có thể đi lại tự do tới 174 quốc gia mà không cần xin thị thực.

Các hồ sơ xin đầu tư vào Síp đến từ Nga nhiều nhất, kế đến là Trung Quốc, Urkaine và một số nước Trung Đông, Đông Nam Á. Trong số những người đã cầm trong tay "hộ chiếu vàng" có hàng chục quan chức nước ngoài cấp cao và gia đình của họ. Các cá nhân này nằm trong diện có nguy cơ tham nhũng cao, vì dính tới hoạt động chính trị và sở hữu tài sản khủng.

VÌ SAO BỌN QUAN THAM CHỌN CYPRUS ?

ĐỖ NGÀ/ TD 26-8-2020

Được sống ở nơi chốn bình yên, môi trường trong lành, một xã hội an toàn và văn minh, có cơ hội phát triển thì đấy là những thứ vô giá. Những triệu phú đô la nhưng phải sống ở những nơi bất an, môi trường ô nhiễm, cơ hội phát triển thấp thì họ không ngần ngại móc hầu bao ra để mua một suất định cư ở những nơi có điều kiện sống vô giá ấy. Bởi vậy mà những nơi như Hoa Kỳ, EU và một số nước nằm trong khối thịnh vượng chung như Anh, Canada, New Zealand và Úc luôn là mục tiêu của những người có tiền khắp nơi trên thế giới. Họ sẽ chọn những nơi này sinh sống để hưởng thụ và phát triển tương lai cho con cháu.

Như ta biết, người di cư thì bao giờ tài sản của họ cũng di cư theo chủ. Chính vì vậy, những quốc gia có điều kiện sống tốt ấy, họ không thể không tận dụng nhu cầu này để ra chính sách thu hút những triệu phú đến đất nước họ định cư. Tuy nhiên, những con người triệu phú ấy không phải ai cũng là người tốt, vì vậy phải có chọn lọc. Ở những quốc gia có điều kiện sống càng tốt thì họ càng phải chọn lựa thật kỹ.

Như ta biết, giới có tiền được chia làm 2 loại rõ ràng, loại có tiền bẩn và loại có tiền sạch. Những người làm ra đồng tiền sạch tất nhiên là những người làm ăn chân chính, những người này xã hội nào cũng chào đón, còn những người làm ra những đồng tiền bẩn thì ngược lại, xã hội nào cũng không muốn tiếp nhận.

Vì sao? Vì những kẻ làm ra đồng tiền bẩn chính họ cũng là kẻ phạm pháp. Quốc gia nào chấp nhận những kẻ làm ăn phi pháp đến tá túc thì quốc gia đó sẽ mất uy tín với thế giới. Vậy nên những quốc gia nói Tiếng Anh như Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand và Anh Quốc họ chỉ tiếp nhận những con người làm ra đồng tiền sạch, ngoài mục đích làm tăng GDP thì họ còn muốn bảo vệ một xã hội lành mạnh ít tội phạm mà họ đã dày công vun đắp hàng thế kỷ. Chính vì vậy, những quốc gia này luôn yêu cầu các nhà đầu tư chứng minh nguồn gốc đồng tiền là vậy.

Riêng Hoa Kỳ, quốc gia này còn khắt khe hơn, họ ra luật Magnitsky sẵn sàng áp đặt trừng phạt lên bất kỳ cá nhân nào bị quy kết tham nhũng và vi phạm nhân quyền muốn nhập quốc tịch vào Mỹ, trong đó chính quyền Hoa Kỳ có thể cho đóng băng tài khoản của những người này đang gởi ở các ngân hàng ở Mỹ. Đây chính là lưỡi dao đe dọa những quan chức tham nhũng và những kẻ làm ăn phi pháp ở các nước độc tài. Vì thế thay vì vào Mỹ, họ phải tìm con đường khác, họ chọn vào các nước Tây và Bắc Âu theo đường vòng.

EU là một khối kinh tế có tổ chức chặt chẽ nhất thế giới, nó đang tiến dần đến việc hình thành một quốc gia liên bang. Nếu so với một quốc gia liên bang có tiềm lực kinh tế tương đương nó như Hoa Kỳ, thì EU còn rất lỏng lẻo. Trong khối này, các quốc gia thành viên phía Tây và phía Bắc thì giàu có nên có trách nhiệm gánh vác kinh tế cho cả khối, còn quốc gia phía đông thì nghèo hơn nên chủ yếu là ăn bám. Chính vì tình trạng này mà Anh Quốc đã quyết định ly khai khỏi EU. Những quốc gia nghèo lợi dụng mác thành viên EU để ra chính sách trục lợi. Trong đó Malta và Cyprus là những quốc gia như thế.

Môi trường sống của Malta và Cyprus không đủ sức hấp dẫn để hút những dòng tiền sạch tìm đến như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada, New Zealand nên họ chỉ có thể thu hút nguồn tiền bất minh vào nước họ mà thôi. Chính vì thế mà những quốc gia này không đòi hỏi nhà đầu tư phải chứng minh nguồn gốc tiền. Với 2,5 triệu USD thì người ta đã có hội trở thành công dân Cyprus và từ đó tiến vào những nước Tây Âu hoặc Bắc Âu định cư thì đây quả thật là thiên đường cho bọn tội phạm kinh tế và tội phạm chính trị trên khắp thế giới.

Trong danh sách mà công ty Al Jazeera đã công bố những người xin quốc tịch Cyprus thì toàn là các quan chức tham nhũng và những tội phạm kinh tế trên khắp thế giới. Trong các tên tuổi bị lộ thì Việt Nam có 2, đó là Phạm Nhật Vũ tội phạm kinh tế, và người còn lại là Phạm Phú Quốc đại biểu quốc hội CS. Với 2,5 triệu đô la, ông Quốc dư điều kiện để đầu tư sang Mỹ định cư sao ông ta không chọn Mỹ mà chọn Cyprus? Chính cách chọn nơi đầu tư quốc tịch đã tố cáo rằng, đồng tiền mà ông này kiếm được là thứ tiền bẩn không thể chứng minh nguồn gốc. Được biết, năm 2016 Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng là đại biểu quốc hội có quốc tịch Malta.

Hồ sơ mà công ty Al Jazeera công bố đấy chỉ là một phần nhỏ. Việc Phạm Nhật Vũ, Phạm Phú Quốc và Nguyễn Thị Nguyệt Hường chẳng qua là những người “xui xẻo” mà thôi. Một chính sách nhập cư thoáng không bắt buộc chứng minh nguồn gốc đồng tiền đầu tư mà được đặt chân vào EU thì đó chắc chắn là địa chỉ lí tưởng cho bọn quan tham CS tìm đường tẩu tán tài sản ăn cắp nhân dân và xây dựng tương lai cho con cái ở trời Tây. Với 2,5 triệu đô thì đó là khoản đầu tư trong tầm tay hàng vạn quan chức Việt Nam. Vì vậy chắc chắn còn nhiều quan chức khác đã có quốc tịch xứ này. Trăm thằng ăn cắp mà trốn được thì người ta tóm được mấy thằng? Chắc vài thằng là nhiều lắm rồi.

Dân đòi dân chủ thì đàn áp và bỏ tù, không những thế, chính quyền này còn xấc láo nhét chữ vào mồm dân rằng, “Việt Nam không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng”. Thế nhưng thực tế thì sao? Thực tế, những quan chức sau khi hút máu dân no nê rồi mang bụng máu ấy sang xứ dân chủ hưởng thụ. Vậy thì thử hỏi sự khốn nạn nào bằng?

_____

Tham khảo:

https://www.forbes.com/sites/kathleenpeddicord/2019/05/22/seven-best-places-to-get-residency-and-a-second-passport-in-europe/#305cf175c34f

https://www.aljazeera.com/news/2020/08/exclusive-cyprus-sold-passports-politically-exposed-persons-200823204320183.html

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45469579

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48242686

SỰ MINH BẠCH CỦA TẤM HỘ CHIẾU

TRUNG BẢO/ TD 26-8-2020

Một người quen của tôi đang làm dịch vụ đầu tư để lấy thẻ xanh (thẻ thường trú nhân) ở Mỹ, nói rằng khách hàng của anh ấy chủ yếu là doanh nhân chứ không có quan chức. Một suất đầu tư để lấy thẻ xanh ở Mỹ trước kia là 500.000 dollars còn nay là 900.000 dollars dành cho cả gia đình (vợ chồng và con dưới 21 tuổi) không phải là quá đắt để nhiều quan chức không bỏ nổi tiền mua.

Vấn đề nằm ở chỗ, Chính phủ Mỹ yêu cầu phải chứng minh tài chính, nguồn gốc tiền đầu tư. Đó là lý do tại sao những quan chức như ông Phạm Phú Quốc sẵn sàng bỏ ra tới 2,5 triệu dollars cho hai vợ chồng lấy quốc tịch đảo Síp (Cyprus).

Khi nói dối một lần, người ta phải cần thêm 10 lời nói dối khác để che đậy. Đó là lý do khiến ông Quốc nói dối trên báo Tuổi Trẻ. Hồ sơ chứng minh hai vợ chồng ông cùng vào quốc tịch đảo Síp ngày 12/12/2018. Chẳng phải vợ ông Quốc bảo lãnh ông vào quốc tịch như lời ông “chữa cháy” trên báo Tuổi Trẻ. Khó mà nói dối một việc có nhiều chứng cớ như vậy trong một môi trường thông tin như hôm nay.

Bắt đầu từ một trưởng phòng ở công ty du lịch Fiditour vào năm 1998, chỉ 6 năm sau ông Quốc đã trở thành Tổng Giám đốc công ty cổ phần dịch vụ Bến Thành. Đường thăng tiến của ông Quốc phải nói là vô cùng hanh thông khi trải qua vị trí lãnh đạo của các công ty có vốn nhà nước như Công ty đầu tư Tài chính Nhà nước, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận.

Việc ông Quốc muốn có bao nhiêu quốc tịch không có gì ảnh hưởng nếu ông không đồng thời là một Đại biểu Quốc hội Việt Nam. Người dân nào sẽ bầu ông làm đại diện nếu biết người đại biểu cho quyền lợi của dân nghèo lại âm thầm chi ra vài triệu dollar để mang một quốc tịch khác? Người dân không buộc ông Quốc phải nghèo nhưng họ cần sự minh bạch và cam kết gắn bó với quyền lợi với họ, chứ không phải một ông triệu phú dollar luôn miệng vì dân mà chi ra tiền triệu để chuẩn bị sẵn một chỗ rút lui nơi ngoại quốc.

CỘNG HÒA CYPRUS CÀI CẮM NGƯỜI VÀO QUỐC HỘI VN ?

BTV TD/ TD 26-8-2020

Vụ ĐBQH Phạm Phú Quốc mới bị phát hiện là… người của Cộng hòa Cyprus trong Quốc hội Việt Nam, mà ông Quốc đã khai với báo Tuổi Trẻ tối 25/8, đã làm cho cư dân mạng dậy sóng. Dù ông Quốc đã khai đêm qua, nhưng sáng nay, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ QH, khẳng định, Quốc hội chưa nhận được báo cáo nào nói ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, VietNamNet đưa tin.

Vụ ông Quốc có 2 quốc tịch, ông Túy cho rằng phải làm đúng “quy trình” là “chờ sự xác minh của các cơ quan quản lý hộ chiếu, hộ tịch xem đại biểu Phạm Phú Quốc có hai hộ chiếu, hộ tịch hay không”, rồi mới “tập hợp toàn bộ hồ sơ trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Và chỉ có Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng về trường hợp của ông Phạm Phú Quốc có vi phạm luật hay không”.

Zing có bài: Bộ Nội vụ Cyprus viết gì về hồ sơ Pham Phu Quoc. Ngày 12/12/2018, Bộ Nội vụ Cyprus gửi đề xuất cho Hội đồng Bộ trưởng nước này về vấn đề cấp quốc tịch Cyprus cho “bà Phan Dieu Phuong NGUYEN sinh năm 1969 tại Việt Nam còn chồng là ông Pham Phu Quoc sinh năm 1968 cũng tại Việt Nam”. Cả hai vợ chồng xin quốc tịch theo diện “Đầu tư vào bất động sản và phát triển các dự án cơ sở hạ tầng”.

Bộ trưởng Nội vụ Cyprus đã nhận định về hồ sơ của vợ chồng ông Phú Quốc: “Bà Phan Dieu Phuong NGUYEN và chồng là ông Pham Phu Quoc đáp ứng các tiêu chí và điều kiện do Hội đồng (Bộ trưởng) đề ra để được cấp quyền quốc tịch Cyprus đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các thành viên gia đình của họ”.

Bản đề xuất xin cấp quốc tịch cho vợ chồng ông Pham Phu Quoc được Bộ Nội vụ Cyprus gửi Hội đồng Bộ trưởng nước này. Ảnh: Al Jazeera/Zing

VTC dẫn lời ĐBQH Phạm Văn Hòa bình luận vụ ĐBQH nhập quốc tịch nước ngoài: Gian dối, không thể chấp nhận. Ông Hòa nói: “ĐBQH mà có quốc tịch nước ngoài thì theo tôi không đủ tư cách đại biểu. Không thể nào Quốc hội Việt Nam lại có người có quốc tịch nước ngoài, dù người đó vẫn còn cả quốc tịch Việt Nam và dù người đó có mua hay nhập quốc tịch nước ngoài bằng cách nào đi nữa”. Nhưng chuyện “không thể chấp nhận” đã xảy ra không chỉ một lần, cho thấy sự bát nháo của cái gọi là “Quốc hội Việt Nam”.

Báo Người Lao Động dẫn lời cựu Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật QH Nguyễn Đình Quyền: “Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc không thể nói có quốc tịch Síp là do gia đình bảo lãnh”. Ông Quyền phân tích, “quốc tịch là quyền luôn gắn với nhân thân của con người, quyền này chỉ được thực hiện khi cá nhân đó thể hiện ý chí muốn hay không muốn” nên ông Quốc không thể lấy vợ, con ra làm cái cớ: “Việc nhập quốc tịch sau khi đã ứng cử vào Quốc hội thì cũng cần kê khai”.


Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc. Ảnh: Lao Động.

Nhà báo Nguyễn Trung Bảo viết: Sự minh bạch của tấm hộ chiếu! Ông Bảo chia sẻ: “Một người quen của tôi đang làm dịch vụ đầu tư để lấy thẻ xanh (thẻ thường trú nhân) ở Mỹ, nói rằng khách hàng của anh ấy chủ yếu là doanh nhân chứ không có quan chức. Một suất đầu tư để lấy thẻ xanh ở Mỹ trước kia là 500k dollars còn nay là 900k dành cho cả gia đình”. Đó là cái giá rẻ hơn nhiều so với 2,5 triệu Mỹ kim mà ông Quốc phải bỏ ra để có hộ chiếu Cyprus.

Nhưng ông Quốc vẫn chấp nhận mất 2,5 triệu Mỹ kim, vì “Chính phủ Mỹ yêu cầu phải chứng minh tài chính, nguồn gốc tiền đầu tư”, nghĩa là ông Quốc không thể dễ dàng mang tiền bẩn của gia đình ông vào đất Mỹ, mà phải vào Cyprus. Ông Quốc nói dối trên báo Tuổi Trẻ, rằng ông được vợ, con “bảo lãnh” để có quốc tịch Cyprus, nhưng trong “Hồ sơ Cyprus” của đài Al Jazeera cho thấy, vợ chồng ông Quốc xin cấp quốc tịch cùng lúc.

Ông Hoàng Nguyên Vũ đặt câu hỏi về hiện tượng quan chức ôm tiền của dân chạy đi mua quốc tịch: Nhờ “ơn” ai? Ông Vũ bình luận về những kẻ thường tự xưng là “đầy tớ nhân dân”: “Vơ vét của cải tiền bạc của dân của nước cho đầy túi tham rồi lại dối dân lừa nước ôm tiền ra nước ngoài mua quốc tịch để được ‘bảo vệ’, đó là một sự sỉ nhục lớn đối với đất nước mình. Cứ lên làm quan chức vơ cho đầy túi rồi an toàn giàu sang ở một quốc gia khác mỉm cười khiêu khích kiểu ‘làm gì được nhau’ nó gây ra một nỗi đau lớn cho đất nước, cho tất cả những người dân đang còng lưng làm lụng đóng thuế mỗi ngày”.

Facebooker Phạm Hữu Quang cho biết: Ông Phạm Phú Quốc là một trong hai người VN có quốc tịch Cyprus bị Al Jazeera xếp vào danh sách “nguy cơ rủi ro cao”. Cơ quan điều tra Việt Nam được cho là giỏi nhất thế giới, nhưng lại để cho một người Cyprus vào tận Quốc hội VN, ngồi chắc ghế trong 2 năm: Suốt gần 2 năm qua, nhân dân đóng thuế để nuôi một người Síp trong cơ quan lập pháp của Việt Nam.

VTC đặt câu hỏi: Vì sao quan chức bỏ hàng triệu USD mua hộ chiếu Síp? Có hai lý do quan trọng: 1. Cyprus dù chỉ là hòn đảo nhỏ nhưng vẫn là một phần của châu Âu, thậm chí là “cửa sau” để vào châu Âu, có được hộ chiếu Cyprus là “trở thành công dân EU và được sống, đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên và có thể nhập cảnh vào 174 nước mà không cần thị thực”; 2. Cyprus là “thiên đường trốn thuế”, là địa điểm lý tưởng để những kẻ tham nhũng và tội phạm có thể rửa tiền.

Mời đọc thêm: Xác minh việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có ‘hộ chiếu triệu đô’ Cyprus (TN). – Luật hiện hành chưa quy định cụ thể về quốc tịch của đại biểu Quốc hội (ĐĐK). – Đại biểu Phạm Phú Quốc ‘phạm vào điều cấm’ khi có quốc tịch Cyprus (Zing). – Doanh nhân Phạm Phú Quốc là ai? (ANTT). – Dấu ấn của ông Phạm Phú Quốc tại HFIC và Benthanh Group (VNBiz). – Có nỗi ê chề mang tên “hộ chiếu” (FB Đoàn Kiên Giang). – Những đại biểu Quốc hội dính lùm xùm mang quốc tịch nước ngoài (VTC). – “Hộ chiếu vàng” Cyprus giá triệu đô vì sao hút người nước ngoài? (KT). – Tổ chức Minh bạch Quốc tế yêu cầu EU dứt khoát với chương trình ‘hộ chiếu vàng’ (VNF).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét