Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

20200804. VÌ SAO COVID-19 BÙNG PHÁT TẠI ĐÀ NẴNG?

ĐIỂM BÁO MẠNG
VÌ SAO COVID-19 BÙNG PHÁT TẠI ĐÀ NẴNG  THÁNG 7/ 2020
NGUYỄN QUANG DY/ viet-studies 2-8-2020
Với dân số 97 triệu người, liền kề Trung Quốc, Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch Covid-19. Trong hơn ba tháng đến gần cuối tháng bảy, Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, và trong số hơn 450 ca lây nhiễm ở Viêt Nam, không có có ca nào chết. Nhưng thành tích đầy ấn tượng đó đã kết thúc ngày 25/7 khi có ca lây nhiễm mới. Đến 2/8, đã có 142 ca lây nhiễm mới, và có ba ca chết, trong tổng số 586 ca lây nhiễm tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Long (Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế), có khoảng 1,4 triệu du khách đã đến Đà Nẵng trong vòng một tháng (từ ngày 1 đến 29/7). Dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng đã được xác định là virus chủng thứ 6, từ ngoài xâm nhập vào, xuất hiện lần đầu ở Việt Nam từ đầu tháng 7/2020, và đang lan nhanh ra cả nước gồm Hà Nội và Sài Gòn.  
Ông Long nhấn mạnh “dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do khiến Bộ Y tế đã hành động quyết liệt như vậy”. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch bùng phát ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử ba đoàn cán bộ tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm, và điều trị, do một thứ trưởng đứng đầu, để tăng cường cho Đà Nẵng. Đây là một quyết định ứng phó “chưa từng có tiền lệ”. 
Theo truyền thống, nhiều người Việt tin rằng tháng bảy âm lịch “là tháng cô hồn”. Cuối tháng bảy dương lịch đã có nhiều chỉ dấu báo hiệu điềm không lành cho cuối năm, sau thành công ban đầu đến cuối tháng bảy. Nay Việt Nam lại phải bắt đầu lại “chống dịch như chống giặc”. Nhưng vì sao dịch lại bùng phát ở Đà Nẵng, và tại sao lại vào tháng bảy?
***
Đà Nẵng không chỉ là thành phố lớn nhất Miền Trung, mà còn là một địa bàn chiến lược được các nước lớn (như Mỹ, Nga, Trung Quốc) chú ý. Năm 1965, Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng để bắt đầu cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson cập bến Đà Nẵng,  không chỉ là hình ảnh tượng trưng mà còn có ý nghĩa chiến lược. 
Để “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam tuy có khả năng vượt trội để truy tìm (tracking)   người lây nhiễm và cách ly (quarantine), nhưng vẫn ẩn tàng nhiều nguy cơ khó lường, đặc biệt là từ Trung Quốc. Sau thành công ban đầu khi Việt Nam kiểm soát được Covid-19, thì nay lại ở thế “thập diện mai phục”, như trong một bộ phim của Trung Quốc.
Trong khi đại dịch đang hoành hành khắp thế giới mà chưa có vac-xin và thuốc đặc trị, Việt Nam đối diện với nhiều rủi ro nếu để dịch bùng phát sớm và lan ra khắp cả nước. Tuy Việt Nam sản xuất và xuất khẩu được các thiết bị phòng dịch như khẩu trang, quần áo bảo hộ, máy trợ thở, nhưng vẫn phải nhập các bộ xét nghiệm đắt tiền với số lượng hạn chế.  
Tuy đường biên giới Việt-Trung dài 5.000km, nhưng không đủ các chốt phòng dịch tại các cửa khẩu. Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, từ 1/6 đến nay đã bắt giữ 4.360 người vượt biên trái phép. Nhưng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì hàng ngàn người Trung Quốc đã được các đường dây người Việt dẫn đường vượt biên trái phép vào Việt Nam.
Việc đưa người vượt biên trái phép là “con ngựa thành Troy”, để giúp người Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam, rồi lén lút đưa họ đến Đà Nẵng và các nơi khác. Những người Trung Quốc đó có thể gồm tội phạm hình sự (buôn ma túy và cờ bạc) rủi ro về an ninh và dịch bệnh. Một số đường dây người Việt còn ngang nhiên quảng cáo dịch vụ “bao biên”.   
Một lỗ hổng khác là các “đặc khu kinh tế”. Theo Tuổi Trẻ (26/11/2019), Quốc Hội đã thông qua luật xuất nhập cảnh sửa đổicho phép người nước ngoài được miễn thị thực nhập cảnh vào các “khu kinh tế đặc biệt” với thời hạn tạm trú 30 ngàyLuật này được thông qua ngày 25/11với 404 đại biểu tán thành (tương đương 83,64% )có hiệu lực từ 1/7/2020.
Luật xuất nhập cảnh này sẽ mở rộng cho người nước ngoài được vào “các khu kinh tế ven biển do chính phủ quyết định”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 về việc miễn thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài (Trung Quốc) được vào các khu kinh tế ven biển như Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang)…
***
Theo các chuyên gia phân tích, việc miễn thị thực đã tạo điều kiện cho Vân Đồn và Phú Quốc trên thực tế trở thành đặc khu cho người Trung Quốc vào mà không cần thông qua “luật đặc khu”. Nói cách khác, quy định mới về miễn thị thực tạo thuận lợi cho người Trung Quốc được “tự do ra vào Vân Đồn và Phú Quốc mà không cần phải xin thị thực”.
Dư luận cho rằng các nhóm lợi ích cuối cùng đã đạt được mục đích của họ, dù phương hại đến lợi ích quốc gia. Nhiều người Trung Quốc đến Vân Đồn không chỉ dừng lại ở đó mà họ còn di chuyển đến các nơi khác ở Việt Nam như Đà Nẵng. Trong khi kiểm soát đường biên giới hai nước rất khó, thì kiểm soát ranh giới các khu kinh tế biển còn khó hơn. 
Vào cuối tháng 7 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng và lan rộng ra cả nước là lúc nhiều người Trung Quốc xuất hiện tại Đà Nẵng và các nơi khác, trong khi hàng vạn khách du lịch nội địa đổ về Đà Nẵng du lịch với giá rẻ. Gần đây, Bộ Quốc phòng đã cảnh báo rằng nhiều người Trung Quốc đã chiếm nhiều khu đất nhạy cảm ở Đà Nẵng và các nơi khác. Đó là “hiểm họa đúp” về an ninh và dịch bệnh mà người Việt phải đề phòng cảnh giác.  
Việc dịch bùng phát tại Đà Nẵng vào tuần cuối tháng bảy đúng lúc Việt Nam chuẩn bị nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế và đúng lúc du lịch nội địa đang tăng mạnh. Nay Đà Nẵng buộc phải thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố từ 0h ngày 28/7, và phải dừng tổ chức lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020” dự kiến diễn ra từ 31/7 đến 5/8. Nói cách khác, chủ quan mở cửa du lịch quá sớm là một sai lầm mà sớm muộn sẽ phải trả giá đắt.
Theo thống kê, trong tổng số 12.000 người Việt nhập cảnh từ các nước/vùng có dịch để được cách ly theo dõi sức khỏe, thì có 232 người cách ly tại bệnh viện, có 10.900 người cách ly tập trung tại các cơ sở của nhà nước, và 800 người cách ly tại nơi ở của họ. Trong khi chính phủ cố gắng đón người về, thì các đường dây ngầm đưa người Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam, gây ra nhiều tai họa khó lường cho đất nước về an ninh và dịch bệnh.
Với hàng ngàn người Trung Quốc gần đây bị phát hiện đang cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam, dư luận đang bức xúc yêu cầu Chính quyền phải mở chiến dịch truy quét để nghiêm trị người Trung Quốc nhập cảnh trái phép trước khi trục xuất họ về nước theo “thỏa thuận dẫn độ”. Cần phải xử thật nặng để răn đe những người Việt nào “nối giáo cho giặc”.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (Thứ trưởng Bộ Công an) cho biết (ngày 25/7), nếu căn cứ vào các vụ việc mà Công an Đà Nẵng và Quảng Nam đã phát hiện và xử lý thì tình hình quản lý nhập cảnh còn lỏng lẻo. Tuy chưa xác định được nguồn lây nhiễm đối với các bệnh nhân dương tính Covid-19 ở Đà Nẵng, nhưng khoảng trống về quản lý đối với người nhập cảnh trái phép là một lỗ hổng an ninh rất nguy hiểm mà nay “mất bò mới lo làm chuồng”.
NQD. 2/8/2020


Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-8-20

ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ  LỖ HỔNG AN NINH BIÊN GIỚI
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 1-8-2020
1. Mối đe doạ an ninh biên giới
Chính phủ Việt Nam đã thành công trong phòng chống dịch Covid 19 cho đến tháng 6/2020. Nhưng lỗ hổng biên giới đã đưa Việt Nam rơi vào một tình trạng lây lan virus corona Vũ Hán mới vào cuối tháng 7/2020, rộng hơn và nguy hiểm hơn tất cả các đợt lây lan trước đây. “Đốn củi 3 năm đốt 1 giờ”. Chủ quan buông lỏng kiểm soát biên giới đã đưa đến hậu quả vô cùng đắt giá. Nhưng hy vọng rằng, với các biện pháp quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân, Việt Nam sẽ vượt qua làn sóng dịch mới.
Phải ý thức xuyên suốt rằng, Việt Nam sẽ không thể an toàn khi dịch bệnh đang tồn tại ở nước khác. Việt Nam không thể mở cửa biên giới cho đến khi có vaccine mới đặc trị dịch bệnh.
Thực tế đã chỉ ra việc Việt Nam cho phép nối lại đường bay với Trung Quốc là nóng vội. Phía Trung Quốc từ chối mở lại đường bay. Nhưng hàng chục ngàn người Trung Quốc vượt biên bất hợp pháp, trốn tránh cách ly đã mang đến cho Việt Nam tai họạ mới. Dù nguyên nhân gây ra làn sóng dịch mới này đến từ nước nào, thì xuất phát điểm đầu tiên cũng là từ virus Vũ Hán.
Nhưng không chỉ nguy hiểm về gieo rắc đại dịch, mà điều bất an lớn khác đang hiện ra, là dịch virus Hán đã đục thủng hàng ngàn lỗ hổng an ninh biên giới.
Đợt truy lùng quyết liệt vừa qua “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” đã đưa đến kết quả là hầu hết các tỉnh thành đều có nhiều người Trung Quốc vượt biên trái phép đến cư trú sinh sống hoạt động tại Việt Nam. Con số mà VTV đưa tin 13 ngàn người Trung Quốc vượt biên bất hợp pháp từ đầu năm cho tới 06/7/2020 là còn thấp xa so với thực tế (https://vtv.vn/xa-hoi/phat-hien-13000-truong-hop-nhap-canh-trai-phep-tron-cach-ly-20200706173030756.htm).
Chỉ cần nhìn vào giá đưa một người Trung Quốc sang Việt Nam chỉ mất có 250 ngàn đồng Việt Nam, thì ước lượng được con số người vượt biên rất lớn và rất nhiều nguồn tổ chức cho người Trung Quốc vượt biên. Xin không bàn về con số cụ thể ở đây. Điều cần bàn là hậu quả.
Khi Trung Quốc giúp Việt Nam làm đường trong chiến tranh ở thập niên 60 thế kỷ 20, Trung Quốc đã để lại địa đạo ngầm và kho ngầm mà đến cuộc chiến tranh tháng 2/1979 là lúc họ sử dụng.
Điều gì sẽ xẩy ra cho Việt Nam khi hàng chục ngàn người Trung Quốc vượt biên qua biên giới sống nhiều tháng ở khắp các tỉnh thành Việt Nam mà phía Việt Nam không thể biết?
Mỹ đã đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston tuần trước vì phát hiện Trung Quốc hoạt động gián điệp. Với Mỹ, khó khăn là thế, mà Trung Quốc còn cử hàng ngàn sinh viên sang để ăn cắp công nghệ, thì dễ như Việt Nam, mối đe doạ sẽ lớn như thế nào?
2. Mười một (11) điểm khác biệt của người Trung Quốc trong hoạt động qua biên giới so với người Việt Nam
Việt Nam đã ký với Trung Quốc Hiệp định Quản lý Biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Tử huyệt đối với Việt Nam trong hiệp định này là điều khoản dẫn độ. Theo đó người Trung Quốc đến Việt Nam vi phạm pháp luật Việt Nam, phạm tội trên đất Việt Nam sẽ không xử theo luật pháp Việt Nam mà trao trả cho Trung Quốc. Chẳng hạn Quảng Ninh vừa trao trả 5 người Trung Quốc vươt biên giới trái phép bị bắt giữ hôm 13/7/2020, tốn công của cho 5 người này cách ly 14 ngày, rồi trao trả hôm 28/7/2020 (https://thanhnien.vn/thoi-su/trao-tra-5-nguoi-trung-quoc-nhap-canh-trai-phep-vao-viet-nam-1257539.html).
Đừng biện hộ là hiệp định song phương có đi có lại, rằng Trung Quốc cũng thực hiện như thế đối với Việt Nam.
Nên khắc cốt ghi tâm “Trung Quốc là nước bất thường”. Bởi thế, phải đối xử với Trung Quốc theo cách bất thường. Sau đây là 11 điểm khác biệt của người Trung Quốc trong hoạt động qua biên giới so với người Việt Nam:

  • Trung Quốc chủ trương đưa người sang Việt Nam hoạt động bất hợp pháp mà Việt Nam thì không;
  • Lượng người Trung Quốc sang Việt Nam đông gấp hàng trăm lần số người Việt Nam sang Trung Quốc;
  • Phạm vi hoạt động của người Trung Quốc trù mật khắp mọi nơi trong Việt Nam, trong khi người Việt Nam hoạt động hạn chế chỉ ở một số điểm sát biên giới Việt Nam hay chỉ một số địa điểm ở một số địa phương nhất định;
  • Người Trung Quốc hoạt động và phạm tội ở mọi lĩnh vực, bao gồm cả ma tuý, cướp bóc ngân hàng, và xã hội đen, trong khi người Việt Nam không thể làm gì trong lãnh thổ Trung Quốc;
  • Người Trung Quốc tiềm lực tài chính lớn, nhiều công nghệ, nhiều phương tiện hơn người Việt nam. Nên phạm vi và mức độ hoạt động của người Trung Quốc lớn hơn nhiều so với người Việt Nam;
  • Người Trung Quốc có nhiều tổ chức, có số lượng người hợp tác đông đảo nhiều lần hơn so với người Việt Nam;
  • Người Trung Quốc có hệ thống người gốc Hoa ở địa phương VN đông đảo, điều mà người Việt Nam không thể có ở đất Trung Quốc;
  • Người Trung Quốc sang sinh con đẻ cái ở Việt Nam;
  • Người Trung Quốc được hệ thống gián điệp và Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, bảo vệ;
  • Tội phạm Trung Quốc nham hiểm tàn bạo và lắm mưu mô;
  • Người Trung Quốc sang hoạt động ở Việt Nam tác động được lên hệ thống công quyền, “mua” được cán bộ và người Việt Nam, trong khi người Việt Nam không thể làm như thế ở Trung Quốc.
Từ đó để thấy, không thể ký một Hiệp định quản lý biên giới đất liền thông thường với Trung Quốc.    
3. Chín (9) bất lợi do điều khoản dẫn độ gây ra
Điều khoản dẫn độ mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc là điều khoản rất bất lợi cho Việt Nam. Nội dung dẫn độ đã bị phía Trung Quốc áp đặt theo ý thích của Trung Quốc, không giống như nội dung dẫn độ mà các quốc gia khác ký kết với nhau.
Trong quan hệ song phương, Trung Quốc luôn lấn át đối phương, nhất là nước bé. Vì thế Trung Quốc luôn đòi hỏi đàm phán song phương mà lẩn tránh đa phương. Sau đây là 9 bất lợi do điều khoản dẫn độ gây ra cho phía Việt Nam:
  • Việt Nam không trị tội phạm người Trung Quốc đã gây ra tội ác cho người Việt Nam, thì người Trung Quốc không chỉ coi thường luật pháp Việt Nam, mà còn bất chấp luật pháp Việt Nam vì không có hiệu lực đối với họ, không trừng phạt được họ. Vì thế họ sẽ tiếp tục sang lại Việt Nam gây tội mà không sợ;
  • Người Việt Nam không biết Trung Quốc xử tội những kẻ phạm tội như thế nào. Có thể xử nhẹ hơn. Có thể tha bổng;
  • Trung Quốc chủ trương, khuyến khích, làm ngơ cho người Trung Quốc sang Việt Nam phạm tội;
  • Việt Nam và Trung Quốc không trị tội phạm người Trung Quốc gây tội trên đất Việt Nam, thì sẽ thúc đẩy người Trung Quốc theo nhau sang Việt Nam hoạt động phi pháp;
  • Vô cùng bất công cho người Việt Nam. Chẳng hạn, người Việt Nam đưa người Trung Quốc vượt biên trái phép chỉ lấy được 250 ngàn đồng, bị khung hình phạt 1-15 năm tù, trong khi người Trung Quốc được tha bổng trao trả về Trung Quốc (https://tuoitre.vn/2-phu-nu-viet-dua-9-nguoi-trung-quoc-nhap-canh-trai-phep-20200728102603256.htm);
  • Đây là cơ hội vàng cho Trung Quốc hoạt động gián điệp;
  • Tội phạm Trung Quốc sẽ gây cho Việt Nam nhiều tai hoạ, tàn phá và làm suy yếu Việt Nam;
  • Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam phải căng mình chống tội phạm Trung Quốc cho đến kiệt sức mà cũng không trừ được tội phạm Trung Quốc. Đó là mắc vào kế không đánh mà làm cho địch kiệt sức của Trung Quốc;
  • Trung Quốc không tuân thủ hiệp định như phía Việt Nam tuân thủ.
4. Phải ký lại hiệp định quản lý biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc
11 điểm khác biệt của người Trung Quốc trong hoạt động qua biên giới so với người Việt Nam cũng như 9 bất lợi do điều khoản dẫn độ gây ra - khẳng định sự cần thiết phải ký lại một hiệp định mới về quản lý biên giới với Trung Quốc. Ý thức được rằng, Trung Quốc sẽ cản trở và trì hoãn điều này.
5. Thông qua các đạo luật mới

Trong khi chưa ký được hiệp định mới, thì phải thông qua các đạo luật mới để áp dụng. Tình hình đặc biệt luôn có các đạo luật đặc biệt phù hợp với tình hình. Bởi thế Quốc hội cần thông qua các đạo luật mới, giúp cho Chính phủ bảo vệ được an ninh biên giới. Lấy thí dụ là 2 đạo luật sau đây:

1. Phạt tù và lao động cưỡng bức với tất cả những ai vượt biên giới trái phép. Thời hạn 2 năm tù và lao động cải tạo cho lần vượt biên trái phép đầu tiên. Thời hạn 5 năm tù và lao động cải tạo cho lần vượt biên trái phép thứ 2. Tù chung thân và lao động cải tạo cho lần vượt biên trái phép thứ 3 trở lên;

    Đảm bảo rằng, điều luật này đưa ra, người Trung Quốc vượt biên trái phép sang Việt Nam sẽ giảm đột ngột. Quân đội và công an sẽ không mất nhiều công sức tiền của để đối phó như hiện nay;
    2. Tất cả những người nước ngoài phạm tội trên đất Việt Nam, dù là tội gì, đều xử theo pháp luật Việt Nam. Những điều luật trước đây trái với luật này bị vô hiệu.
    Đừng sợ rằng Trung Quốc sẽ đáp trả, và người Việt Nam sẽ bị cầm tù ở Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc thích thì vẫn cầm tù những người Việt Nam vượt biên bất hợp pháp mà phía Việt Nam không thể biết. Trung Quốc nói và làm là hoàn khác nhau.
    Ở mặt khác, người Trung Quốc bị cầm tù vì vi phạm pháp luật Việt Nam sẽ đông gấp trăm lần so với người Việt Nam vi phạm pháp luật Trung Quốc. Đừng sợ phải nuôi. Lao động khổ sai sẽ đảm bảo;
    Quốc Hội cần xem xét để thông qua các đạo luật mới này mới phù hợp với hoàn cảnh bất thường hiện nay.    
    6. Phải xây tường biên giới
    Trung Quốc đã xây những đoạn tường biên giới trên đất Trung Quốc. Việt Nam phải xây tường biên giới trên đất Việt Nam. Đây là điều bắt buộc. Lợi ích của tường biên giới không phải bàn cãi. Nhiều nước đã xây tường biên giới.
    Đừng đổ lỗi cho kinh phí. Hiện nay bê tông cốt thép không thiếu, không đắt. Xây dần, được đoạn nào tốt nơi đó, cho đến khi hoàn tất toàn bộ chiều dài biên giới với Trung Quốc. Một chính sách quyết liệt thì không quá 5 năm.
    7. Chỉ có kẻ thù, không có thế lực thù địch
    • Đứng ở cương vị lãnh đạo phải có tầm nhìn cái thế. Người cái thế nhìn thấy kẻ thù. Người cái thế không nhìn thấy thế lực thù địch;
    • Thế lực thù địch là một khái niệm mơ hồ, không đếm được, không chỉ rõ ra được;
    • Kẻ thù chỉ rõ ra được. Kẻ thù đếm được;
    • Cuộc đấu tranh khác chính kiến là cuộc đấu tranh về đường lối chính sách. Cuộc đấu tranh về đường lối chính sách có thể dẫn đến thay đổi đường lối phát triển, thay đổi người cầm quyền, nhưng không bao giờ là cuộc chiến tranh xâm lược tổ quốc. Người cái thế không nhìn đồng bào khác chính kiến là kẻ thù;
    • Người Việt khác chính kiến, dù sinh sống ở đâu, đều không phải là kẻ thù. Họ là “máu của máu Việt Nam”. Họ là “thịt của thịt Việt Nam”
    • Một quốc gia có thể có kẻ thù, nhưng không có thế lực thù địch. Kẻ thù của một quốc gia là giặc ngoại xâm. Những quốc gia không mưu toan xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam thì không phải là kẻ thù của Việt Nam.
    Việt Nam làm bạn với tất cả. Việt Nam không muốn gây xung đột với bất cứ ai. Nhưng Việt Nam sẽ khó tránh khỏi xung đột nếu không chịu thay đổi, ngoại trừ chịu bị lấn chiếm dần trên biển và bị phụ thuộc.
    Con virus Vũ Hán là giặc. Nhưng giặc virus Vũ Hán rồi có vaccine đặc trị. Chỉ có mối đe doạ từ Bắc Kinh là chưa có phương thuốc chữa trị.
    N.N.C.


    CHỐNG DỊCH COVID-19, CẦN MỘT CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ
    XUÂN DƯƠNG / GDVN 4-8-2020
    Người phương Tây có một câu có vẻ hơi buồn cười: “Bố vợ và khách không mời chẳng khác nào kẻ thù”!
    Người Việt thời Covid-19 có lẽ cũng đến lúc phải nói “Hàng nhập lậu và khách không mời không phải là bạn”.
    Khách không mời ở đây chính là hàng đoàn người (trong đó có nhiều người Trung Quốc) nhập cảnh trái phép qua biên giới phía Bắc và Tây Nam vào các địa phương trọng điểm về kinh tế, chính trị như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc các địa điểm nhạy cảm về an ninh, quốc phòng như Nha Trang, Đà Nẵng,...
    Một nhóm người Trung Quốc nhập cảnh từ đầu năm 2020 sinh sống ở thôn Phú Cường, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang tới nửa năm, cho đến tận ngày 14/07/2020 (hết hạn visa) mới bị cơ quan chức năng xử lý qua sự phát hiện của nhân dân.
    Một nhóm 27 người Trung Quốc trốn tại Đà Nẵng, 21 người tại Quảng Nam đa số không có giấy tờ, thậm chí có nhóm người khi bị công an phát hiện thì bỏ chạy tán loạn,…
    Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai với ổ dịch tại thành phố Đà Nẵng nguy hiểm hơn lần thứ nhất rất nhiều.
    Sự bùng phát trở lại của Covid khiến một “đại dịch” khác đang hé lộ, đó là số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị phát hiện ở rất nhiều địa điểm nằm sâu trong nội địa, thậm chí cách biên giới phía Bắc hàng nghìn cây số.
    Cùng với đó là sự lộ diện những kẻ tiếp tay cho người Trung Quốc vượt qua biên giới, tránh né chốt kiểm tra và chuẩn bị phương tiện để những người này xâm nhập trót lọt vào tận Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh,…
    Hình ảnh tuyên truyền phòng chống virus Corona
    Hiện tượng này tiềm tàng những hiểm họa không khó nhận diện và vì thế người dân hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
    “Các trường hợp nhập cảnh trái phép phải được coi như các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định”. [1]
    Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cơ quan chức năng phải “điều tra, truy tố những kẻ tổ chức, tiếp tay và các đối tượng nhập cảnh trái phép” song người viết cho rằng cần phân biệt người Việt và người nước ngoài.
    Những đồng bào mình vì sinh kế ra nước ngoài làm ăn nay vượt biên trở về nên đưa đi cách ly, kiểm tra y tế và nếu không nhiễm bệnh thì cho về địa phương.
    Với người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, nếu chỉ đưa họ vào khu cách ly, phạt hành chính rồi trả về Trung Quốc có phải là hơi chủ quan?
    Bản thân họ có thể âm tính trong các xét nghiệm virus corona song lấy gì bảo đảm đồ vật họ dắt theo người không mang theo mầm bệnh vào Việt Nam?
    Việc cơ quan chức năng bắt, khởi tố một số đối tượng dẫn mối cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại thời điểm hiện tại cho thấy số người Việt này không chỉ hám lời mà thực sự hành vi của họ cần phải xem là tội ác, phải bị trừng trị thật nghiêm khắc.
    Việc người nước ngoài - chiếm đa số là người Trung Quốc - xâm nhập trái phép vào Việt Nam với lý do du lịch, tìm việc làm, tránh dịch,… không thể coi chỉ là hoạt động tự phát, đơn lẻ bởi không ít trong số đó đã từng gây những hậu quả khôn lường về trật tự xã hội và an ninh quốc gia.
    Trên địa bàn Đà Nẵng, từ tháng 6 đến tháng 9/2019 đã phát hiện 69 người Trung Quốc sử dụng mạng internet tổ chức đánh bạc và “thao túng thị trường chứng khoán bị cấm ở Trung Quốc”.
    Tại Hải Phòng khoảng 400 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc nhiều tháng không bị phát hiện,…
    Mới đây, một đợt kiểm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 72 người nhập cảnh trái phép trong đó có 66 người đến từ Trung Quốc, 6 đến người từ Campuchia.
    Cùng lúc với những nhóm người Trung Quốc lẩn trốn tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam,…), cùng lúc với sự tái phát Covid-19 lần thứ hai mà tâm dịch là Đà Nẵng, Trung Quốc đã diễn tập bắn đạn thật “hỏa lực mạnh” tại vùng cửa ngõ đi vào Biển Đông, thuộc khu vực Vịnh Bắc Bộ, máy bay quân sự được thấy trên đảo Phú Lâm mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam,…
    Nhiều tín hiệu không thể xem là bình thường chẳng hạn khi Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao thì Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc cho dịch sang tiếng Việt và đăng bài viết của Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu (được quản lý bởi Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc) trong đó nói rằng “chúng tôi sẽ phản đối việc sử dụng quan hệ Việt – Mỹ để chống Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào”. [2]
    Trước đó “Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý lợi dụng dịch Covid-19 để đăng bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông trên trang Facebook chính thức của cơ quan đại diện ngoại giao, khiến cộng đồng mạng phẫn nộ”. [3]
    Mặt khác, việc nhiều nhóm người Trung Quốc xâm nhập trái phép, lẩn trốn tại các thành phố lớn cho thấy không chỉ có sự lơi lỏng trong công tác quản lý đường biên mà còn cả quản lý địa bàn nội địa.
    Một vị lãnh đạo bộ đội biên phòng cho rằng “với 5.000 km đường biên, với 1.600 tổ, chốt và 7.000 bộ đội biên phòng bám biên là khá mỏng”! [4]
    Tính bình quân một chiến sĩ phải quản lý chừng 700 mét, mỗi chốt 4-5 người phải quản lý khoàng 3 km đường biên với địa hình hiểm trở suốt ngày đêm.
    Nếu thực sự lực lượng là quá mỏng thì Bộ Quốc phòng và chính quyền các địa phương có chung biên giới với Trung Quốc, Campuchia, Lào cần phải làm gì hỗ trợ bộ đội biên phòng?
    Bên cạnh việc kiểm tra con người còn phải nói đến hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, hoa quả nhập lậu từ Trung Quốc.
    Báo chí đưa tin: “Đưa những quả dâu tây Trung Quốc ngâm tẩm hoá chất, trong đó có những hoạt chất độc hại để 20 ngày không hỏng - vào Đà Lạt - không chỉ là đầu độc đồng bào mà còn phá hoại rất lớn đến kinh tế… Không chỉ dâu tây, khoai tây Trung Quốc đã từng được trộn đất để giả khoai Đà Lạt”. [5]
    Ngoài dâu tây, khoai tây, còn vô số hoa quả như đào mỏ quạ, kiwi, táo, lê, mận, nho Trung Quốc,… nhập lậu bán đầy rẫy các sạp hàng và trên xe đẩy khắp mọi ngõ ngách phố phường, làng quê,…
    Các nhà khoa học Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo vius corona có thể lan truyền qua thực phẩm:
    “Virus có thể sống trên bề mặt các bao bì thực phẩm. Tuy nhiên, chúng chỉ sống được vài giờ đến vài ngày, tùy thuộc chất liệu. Dù không được coi là nguồn lây lan chính nhưng chạm vào bề mặt có mầm bệnh, sau đó đưa tay lên mặt cũng có thể gây nhiễm bệnh”. [6]
    “Virus COVID-19 có thể tồn tại trên các loại trái cây và rau quả được xử lí bởi người nhiễm bệnh” là thông tin cảnh báo đã được các nhà chuyên môn đề cập.
    Chính phủ Trung Quốc từng quyết định ngừng nhập khẩu cá hồi từ các nhà cung cấp châu Âu do lo ngại nguồn thực phẩm này có thể liên quan đến ổ dịch mới xuất hiện tại chợ bán buôn hải sản ở Bắc Kinh.
    Có thể tìm thấy rất nhiều cảnh báo về sự lây lan Covid-19 từ nguồn thực phẩm tươi sống trong đó có hoa quả.
    Rõ ràng là việc để lọt quá nhiều hoa quả, thực phẩm,… chưa được kiểm dịch vào Việt Nam cũng cần phải được xem là nguồn lây lan dịch bệnh và do đó cũng phải được quản lý nghiêm ngặt như trường hợp con người vượt biên trái phép.
    Người dân đồng lòng, ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch nhưng không thể phủ nhận vẫn có những kẻ vì đồng tiền mà bất chấp tất cả.
    Cơ quan chức năng phát hiện Công ty cổ phần quốc tế Royal Việt Nam, (số 20 khu Villa 2 Hyundai, phường Hà Cầu, Hà Đông) tàng trữ 24.000 găng tay cao-su chưa xuất trình được công bố tiêu chuẩn sản phẩm và vi phạm về nhãn; 142 kg găng tay cao-su không rõ nguồn gốc xuất xứ;
    Tại Công ty Cổ phần Hoàng Long Bắc Cạn (số 43 Biệt thự Lâm Viên, Khu đô thị Đặng Xá - Gia lâm - Hà Nội) phát hiện tới 9,5 tấn gang tay cao-su cũ, có dấu hiệu đã qua sử dụng được tập kết tại đây.
    Cần phải xếp các thương nhân buôn bán lậu hoa quả từ Trung Quốc, những kẻ sản xuất khẩu trang kém chất lượng cùng nhóm với những kẻ tiếp tay, tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và phải áp dụng tình tiết tăng nặng đối với hành vi của những người này.
    Vấn đề nữa cũng cần xem xét là hoạt động của ngành Y tế.
    Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội và một số bệnh viện tại Đà Nẵng trở thành tâm dịch có phải là có sự chủ quan của chính lãnh đạo các bệnh viện này?
    Một số y, bác sĩ và nhân viên y tế tại các bệnh viện bị nhiễm bệnh cho thấy họ chưa được bảo vệ đúng mức cần thiết, do thiếu trang thiết bị hay do sự chủ quan của chính cán bộ ngành Y?
    Người viết cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần ban hành “Quy định an toàn nghề nghiệp” với cán bộ y tế phải tiếp xúc với nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh.
    Nên ban hành chính sách đãi ngộ với những người tham gia chống dịch Covid-19 như chiến sĩ lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc. Nếu chẳng may có ai đó ngã xuống, họ cần được công nhận là liệt sĩ,…
    Cảnh giác, xử lý người vượt biên trái phép, hoa quả nhập lậu rõ ràng là chưa đủ nếu muốn chống dịch Covid-19 thành công./.
    Tài liệu tham khảo:
    [1] https://plo.vn/dich-covid-19/thu-tuong-dieu-tra-duong-day-dua-nguoi-trai-phep-vao-viet-nam-926405.html
    [2] https://www.tienphong.vn/the-gioi/viet-nam-binh-luan-ve-phat-bieu-cua-tbt-thoi-bao-hoan-cau-ve-quan-he-viet-my-1689258.tpo
    [3] https://thanhnien.vn/the-gioi/trung-quoc-loi-dung-covid-19-de-tuyen-truyen-duong-luoi-bo-1197328.html
    [4] https://tuoitre.vn/ngan-chan-16-000-nguoi-nhap-canh-trai-phep-vao-viet-nam-20200731183650665.htm
    [5] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dau-tay-trung-quoc-co-hoat-chat-doc-pha-hoai-ca-suc-khoe-lan-kinh-te-824223.ldo
    [6] https://thanhnien.vn/suc-khoe/virus-corona-co-lay-lan-qua-thuc-pham-hoac-bao-bi-khong-1203661.html
    Xuân Dương
    TIN LIÊN QUAN:

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét