Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

20221214. TRÒ CHUYỆN KINH TẾ CUỐI NĂM 2022 (1)

  ĐIỂM BÁO MẠNG


NỀN KINH TẾ ĐANG ĐẦY KHÓ KHĂN NHƯNG VẤN TRONG TẦM KIỂM SOÁT
LAN ANH/TVN 5-12-2022
Tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước đã bắt đầu bộc lộ, dù có độ trễ. Tuy nhiên, cả thế giới gặp khó khăn chứ không chỉ riêng chúng ta; và nền kinh tế đang có những rung động, khó khăn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - về những khó khăn và giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay.

Cả thế giới đều khó

Thưa Tiến sỹ, ở góc độ vĩ mô, nền kinh tế hiện nay tăng trưởng tốt, lạm phát thấp nhưng tồn tại những khó khăn chưa từng có và không lường được. Ông nhìn nhận ra sao về điều này?

Trước hết, tôi xin nhắc lại một ý trong bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương yêu cầu nhận thức rõ thách thức nhiều hơn hay cơ hội nhiều hơn trong năm 2023. Đứng góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng thách thức trong năm 2023 nhiều hơn nhưng những thách thức đó tác động mạnh hay nhẹ vào nền kinh tế phụ thuộc cách xử lí, điều hành.

Đến thời điểm này, chúng ta vẫn giữ được ổn định, dù có những chỉ số không được hài lòng lắm như giải ngân đầu tư công, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chỉ tiêu về thu hút vốn FDI có công nghệ cao nhưng phải liên kết với doanh nghiệp Việt Nam,…Trong khi đó, nhiều chỉ số quan trọng vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt và chỉ mới bắt đầu chững lại từ tháng 11 như chỉ số sản xuất công nghiệp, tăng trưởng xuất nhập khẩu… Điều đó cho thấy, tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước đã bắt đầu bộc lộ, dù có độ trễ. Tuy nhiên, cả thế giới gặp khó khăn chứ không chỉ riêng chúng ta; và nền kinh tế đang có những rung động, khó khăn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.


Ông Nguyễn Đức Kiên: những thách thức tác động mạnh hay nhẹ vào nền kinh tế phụ thuộc cách xử lí, điều hành

Cũng như nhiều nước trên thế giới, có điều rất đáng tiếc là chúng ta đã không dự báo được diễn biến thay đổi quá nhanh của kinh tế thế giới trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao. Hàng loạt biến động trên thế giới tác động đến chúng ta trực tiếp, chính sách kinh tế vĩ mô của các đối tác thương mại của Việt Nam đang rất khó khăn. Vì vậy, các DN cũng nên chia sẻ với Chính phủ, không thể đòi hỏi một môi trường kinh tế vừa ổn định, bất biến, vừa tăng trưởng nhanh trong bối cảnh hiện nay. 

Thưa ông, biến động lãi suất và tỷ giá đang là những khó khăn lớn của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Vì sao lại dẫn đến hoàn cảnh này?

Chủ tịch FED nói, Mỹ chấp nhận giảm tốc tăng trưởng để kìm chế lạm phát với giải pháp duy nhất là tăng lãi suất và nới lỏng điều kiện đầu tư. Chúng ta có làm vậy được hay không?!

Những chính sách đó (tăng lãi suất, hút USD về Mỹ) tác động ngay đến Việt Nam, bắt đầu là dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh giá trị xuất nhập khẩu gấp 200% so với  GDP ở Việt Nam, dự trữ ngoại hối rất quan trọng để giữ hài hoà được nhu cầu ngoại hối.

Chỉ trong mấy tuần tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra lượng ngoại hối rất lớn. Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại tăng cường ký hợp đồng cho doanh nghiệp vay ngoại tệ vì nhu cầu ngoại hối sẽ tăng lên. Cần phải tránh tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu không trả được nợ nên phải gom ngoại hối ngoài thị trường.

Vì thế, cần chủ động cho ngân hàng thương mại kí hợp đồng cho doanh nghiệp vay, đẩy áp lực ngoại hối ở hiện tại rải dần trong tương lai. Tổ chức tín dụng nào hết ngoại tệ thì ngân hàng nhà nước cho vay và trả dần chứ không để việc bán mua diễn ra trên thị trường, tránh để cung cầu ngoại tệ căng thẳng.

Kiên định chính sách chống đô la hóa

Có ý kiến cho rằng, lãi suất huy động USD cần được tăng lên chút đỉnh từ mức 0% được áp dụng lâu nay thì mới giúp các tổ chức tín dụng huy động được USD. Ông nghĩ sao?

Tôi biết có ý kiến cho rằng cần nâng lãi suất tiền gửi USD, nhưng làm như thế thì ảnh hưởng đến chính sách chống đô la hoá nền kinh tế mà chúng ta đã thực hiện rất thành công từ năm 2012 đến giờ. Nếu nâng lên lãi suất USD lên thì có thể quay lại thời kỳ đô la hoá.

Nhìn thị trường vàng 3 tháng gần đây. Việt Nam tiêu thụ 12 tấn vàng, trong đó vàng miếng và xu là 8,5 tấn, còn lại là vàng trang sức. Điều đó cho thấy dấu hiệu nhà đầu tư dùng vàng là nơi trú ẩn đã xuất hiện. Tương tự như vậy, nếu mở ra lãi suất cho USD thì có nguy cơ chúng ta đối diện với những tình thế năm 2011, 2012. Diễn biến thực tế cho thấy trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều rúng động, hiệu ứng tâm lý càng dễ tác động tới phản ứng của từng ngành nghề, lĩnh vực vi mô đơn lẻ, từ đó tác động tới diễn biến chung của kinh tế vĩ mô. Bối cảnh đó càng đòi hỏi công tác điều hành phải chắc tay, kiên định. 

Doanh nghiệp rất khó khăn sau lần điều chỉnh biên độ tỷ giá vừa rồi. Ông thấy sao?

Có 2 cách điều hành tỷ giá. Thứ nhất, kéo biên độ xuống, dùng tỷ giá trung tâm thay đổi điều hành; đây là biện pháp hành chính chủ động can thiệp thị trường. Thứ hai, nới rộng biên độ, giữ nguyên tỷ giá trung tâm để thị trường điều hành. Cả hai phương án đều đau đớn. Ngân hàng nhà nước đã chọn cách thứ hai.


Ảnh minh hoạ

Nếu nhìn ra bên ngoài, đồng Yên Nhật mất hơn 20%, các đồng tiền khác như Euro mất 13-14%, trong khi đó VND mất 5-6% so với USD là chấp nhận được. Bất cứ lần điều chỉnh tỷ giá nào đều có tác động đau đớn đến các doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu nhưng không có hàng xuất khẩu để thu ngoại tệ. Đó chính là những doanh nghiệp Việt Nam phục vụ thị trường nội địa trong ngành xăng dầu, hàng không. Vấn đề là các nhà quản lý có chấp nhận cho các doanh nghiệp đó tính đúng tính đủ vào giá thành không?

Vì sao lạm phát của chúng ta được báo cáo thấp, thưa ông?

Không rõ vì sao phóng viên lại đặt ra mệnh đề “được báo cáo thấp”? Khi hỏi như vậy, người hỏi đã hàm ý đây là số liệu được báo cáo, còn số liệu thực tế thì không thấp? Đứng ở góc độ người nghiên cứu và không trực tiếp làm công tác thu thập số liệu, tôi nghĩ lạm phát được báo cáo thấp vì thực tế nó thấp.

Vì sao thấp? Lạm phát của ta đưa ra là lạm phát bình quân, chứ không phải lạm phát so cuối kì, hai chỉ số này khác nhau. Nếu nhìn lạm phát cơ bản sẽ thấy cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam lệch thế nào, hơn 75% giá trị xuất khẩu là của khu vực FDI; khu vực này nhập nguyên liệu vào sản xuất rồi lại xuất đi, nên lạm phát được nhập khẩu rồi cũng lại được xuất đi.

Để giảm thiểu lạm phát nhập khẩu, chúng ta phải thay đổi cơ cấu kinh tế thay vì bằng các biện pháp hành chính can thiệp vừa gây sốc, vừa không bền vững.

Ví dụ, nếu ta tăng được tỷ lệ nội địa hoá, tỷ lệ hàng cung ứng của Việt Nam trong nông sản thì tốt biết bao. Năm 2022 chúng ta xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 45 tỷ đô la, nhưng thử tính lại xem chúng ta phải nhập khẩu bao nhiêu.

Nếu Việt Nam tự chủ được thức ăn gia súc và con giống thì cơ bản giảm được lạm phát nhập khẩu. Vì thế, nếu không cơ cấu lại nền kinh tế mà vẫn giữ mô hình nền kinh tế gia công, thâm dụng lao động thì thực khó phòng chống nhập khẩu lạm phát.


Để giảm thiểu lạm phát nhập khẩu, chúng ta phải thay đổi cơ cấu kinh tế. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Nền kinh tế phải “độc lập, tự chủ”

Nền kinh tế hiện nay được đánh giá khác nhau qua những lăng kính khác nhau. Lăng kính của các định chế quốc tế, của các nhà đầu tư khá là tích cực. Vì sao lại như vậy?

Trong các hội nghị Thủ tướng gặp các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp FDI vừa qua, phía nước ngoài đều thể hiện niềm tin của họ vào ổn định kinh tế vĩ mô, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam tốt và thể hiện mong muốn của họ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Đó là thành quả thu được sau đại dịch.

Sau đại dịch, các doanh nghiệp FDI ghi nhận Chính phủ Việt Nam là một trong những Chính phủ đồng hành, sẵn sàng chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp thể hiện qua việc xử lý công nhân phía Bắc theo 3 tại chỗ, phía Nam áp dụng không thành công và phong tỏa khó khăn quá thì tăng cường lực lượng khác để chia sẻ. Quan trọng nhất là hỗ trợ người lao động dù ít hay nhiều thì 1 triệu/tháng cũng cầm cự. Vì thế, khi hết dịch thì tỉ lệ lấp đầy của công nhân đạt hơn 70% và chính nhờ đó nên năm nay xuất khẩu mới tăng trên 20% vì những đơn hàng của năm nay ký lúc cả thế giới đang khủng hoảng.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới biến động lớn như vậy, cơ cấu kinh tế trong nước lại thiên lệch, theo ông Việt Nam nền làm gì để giảm thiểu tác động?

Tại diễn đàn kinh tế hồi giữa năm về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rất rõ vấn đề phải hình thành một nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng trong bối cảnh hiện nay quan niệm, nội hàm của kinh tế độc lập tự chủ phải khác trước.

Trước đổi mới, nền kinh tế độc lập tự chủ là phải tự sản xuất được công cụ sản xuất thiết yếu nhất nên Việt Nam đã đầu tư, sản xuất từ A-Z để phòng nhỡ có việc gì xảy ra thì làm chủ được tình hình. Nhưng đến nay, sau quá trình hội nhập sâu rộng, quan niệm về nền kinh tế độc lập tự chủ đã khác, phải phân công lại lao động theo thị trường quyết định, là nền kinh tế mà các doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu với đóng góp ngày càng lớn hơn trong chuỗi giá trị.

Thời kì trước 2017, chúng ta phát triển dựa trên toàn diện hoá, đa phương hoá nền kinh tế. Nhưng sau covid-19 và sau Diễn đàn kể trên, chúng ta đã nhìn lại độc lập tự chủ của nền kinh tế theo cách khác. Đó là nền kinh tế hội nhập với kinh tế quốc tế và trong đó sản phẩm của Việt Nam phải là chính, doanh nghiệp Việt Nam phải là nhân tố định ra được những chuỗi giá trị và  tham gia định ra luật chơi của chuỗi giá trị. 

Ví dụ trong dệt may, phải là sản phẩm xanh, nhà máy dệt nhuộm phải là nước tuần hoàn, không được thải nước ra môi trường để giảm tiêu thụ nước sạch, sử dụng điện áp mái hơn 20% tổng công suất điện tiêu thụ. Khi sản phẩm đó được gắn thẻ xanh thì được quyền bán cao hơn sản phẩm cùng loại 6-7% mà không có thẻ xanh ở thị trường Mỹ và EU vì họ đã chấp nhận điều đó.

Lan Anh

NẾU MUỐN CỨU PHẢI NHANH NHƯNG TRÁNH TRÀN LAN

LAN ANH/TVN 7-12-2022

Tôi cho rằng, chúng ta nếu muốn cứu phải làm nhanh, trước khi cứu phải phân loại chứ không cứu tràn lan. Trong bối cảnh này, không nên hậu kiểm các công ty phát hành trái phiếu vì hậu kiểm là gây mất niềm tin của thị trường là còn nguy hại hơn nhiều.

Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Ứng xử với thị trường bất động sản

Nhưng thưa ông, thị trường bất động sản cũng có cái lý của nó theo nghĩa tạo ra công ăn việc làm thật. Hơn nữa, mật độ dân số của ta thì đông…

Nói thị trường bất động sản là nói phân khúc nào, không nói chung chung được. Khi nói tới vướng mắc trên thị trường bất động sản, thực chất là chúng ta đang đề cập tới bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, rồi phân khúc nhà ở thương mại giá cao. Trong khi đó thị trường bất động sản còn có nhiều loại khác như bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê…

Ngoài ra còn nhiều phân khúc bất động sản đang bị bỏ ngỏ, như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…Xin đặt câu hỏi, trên thế giới có tỷ lệ công nhân mua được nhà là bao nhiêu? Khi đã sở hữu nhà rồi thì còn đâu quá trình dịch chuyển lao động? Trong khi đó, phần quan trọng nhất là chế độ lương trong thị trường lao động thì chúng ta không nói. Nhà nước áp lương cơ bản làm méo mó thị trường lao động, méo mó tiền lương để phát triển các thị trường khác như nhà ở.


TS Nguyễn Đức Kiên

Ông vừa nhắc đến bất động sản nghỉ dưỡng. Khu vực này được ước tính đang đọng 30 tỷ đô la và cũng đang rất khúc mắc về luật pháp?

Trước hết cần nhìn nhận một cách sòng phẳng. Chính phủ không bắt ép doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này, cũng không hứa hẹn sẽ có ưu đãi hay khuyến khích gì, mà là doanh nghiệp tự nhận định rằng, lĩnh vực này có triển vọng và đầu tư vào trong bối cảnh cơ chế, chính sách còn chưa hoàn thiện.

Như vậy, Luật đã quy định rồi và vướng mắc ở đâu cũng rõ rồi, nhưng doanh nghiệp vẫn cố làm rồi  tạo sức ép ngược khi có trục trặc. Trước đây, trong giai đoạn thuận lợi, họ có lợi nhuận cao thì bây giờ doanh nghiệp cần chia sẻ bớt lợi nhuận, chia sẻ bớt rủi ro. Chẳng hạn, có những doanh nghiệp đã bán shophouse ở Quảng Ninh và bây giờ phải trả lại tiền cho người mua. Đất công không qua đấu giá là sai, nếu không trả lại, doanh nghiệp sẽ vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng có những vướng mắc thuộc trách nhiệm của Nhà nước thì Nhà nước cũng cần tháo gỡ; còn những việc nào thuộc doanh nghiệp bất động sản thì họ phải giải quyết, Nhà nước chỉ hỗ trợ.

Cứu hay không cứu trái phiếu doanh nghiệp

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có vẻ như cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành đang cần bàn tay nhà nước. Ông có quan điểm như thế nào?

Theo tôi, cần phân loại trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thành 3 loại: Doanh nghiệp phát hành đúng và có khả năng chi trả thì doanh nghiệp và trái chủ tự hoạt động với nhau; Doanh nghiệp phát hành tuân thủ đúng quy định hiện hành nhưng do bối cảnh kinh tế vĩ mô thay đổi, làm mất tính thanh khoản thì Nhà nước hỗ trợ; Doanh nghiệp cố tình phát hành sai thì số này phải bị xử lí.

Ở nhiều nước, các chính trị gia sẽ có đối thoại với các doanh nghiệp phát hành nhiều nhất về trái phiếu riêng lẻ để lắng nghe, nắm hết tình hình trước khi ra quyết sách. 


Trong bối cảnh này, không nên hậu kiểm các công ty phát hành trái phiếu vì hậu kiểm là gây mất niềm tin của thị trường

Gần đây Hàn Quốc có chương trình 35 tỷ đô mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Chúng ta có thể học được gì từ đó hay không, thưa ông?

Chúng ta thấy hầu hết trái phiếu do doanh nghiệp Hàn Quốc phát hành hoàn toàn đúng quy định của Chính phủ Hàn Quốc. Tuy nhiên, do lạm phát, giá năng lượng lên cao, tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và phân hoá địa chính trị toàn cầu nên các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thì Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ.

Các doanh nghiệp bất động sản rất ít, còn các doanh nghiệp phát triển chip là phát hành trái phiếu lớn nhất. Đùng một cái, Mỹ ra luật về chip làm tất cả những doanh nghiệp chip rút về Mỹ đầu tư, khiến các doanh nghiệp sản xuất chip của Hàn Quốc lao đao. Chính phủ Hàn Quốc mua lại trái phiếu đó để tham gia vào bốn doanh nghiệp sản xuất chip lớn nhất để giữ lại quyền đàm phán chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Chỉ trong 5 ngày Chính phủ Hàn Quốc quyết định chi 35 tỷ đô la.

Tôi cho rằng, ở nước ta nếu muốn cứu phải làm nhanh, trước khi cứu phải phân loại 3 loại trên chứ không cứu tràn lan. Trong bối cảnh này, không nên hậu kiểm các công ty phát hành vì hậu kiểm là gây mất niềm tin của thị trường là còn nguy hại hơn nhiều.

Bộ Tài chính cần đánh giá và phân loại các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong quý IV năm 2022 và 2023 dựa trên đánh giá triển vọng kinh doanh và khả năng trả nợ lãi trái phiếu đến hạn.

Đối với doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp tục theo dõi việc doanh nghiệp tự thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư.

Với các nhóm không có năng lực để thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư trái phiếu; có hành vi sản xuất kinh doanh gian dối trên thị trường, thì cơ quan quản lý nhà nước tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Còn với nhóm doanh nghiệp tạm thời bị hạn chế năng lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư trái phiếu, hay chỉ hoàn trả được một phần trái phiếu đến hạn, nhưng vẫn có khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả trong trung hạn trở đi thì cơ quan quản lý cân nhắc biện pháp hỗ trợ.

Cần xem xét cơ chế cho các doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua trái phiếu của các doanh nghiệp vẫn có khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nhưng gặp khó khăn hiện tại từ các nhà đầu tư hiện hữu là cá nhân theo phương án phát hành trái phiếu của SCIC, DATC và VAMC để hoán đổi cho nhà đầu tư và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp.

Hiện nay Nhà nước tuyên bố sử dụng nguồn lực để can thiệp sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ để nhà đầu tư trái phiếu yên tâm và có thể lựa chọn có tiếp tục đầu tư trái phiếu hay không.

Về lâu dài, Nhà nước đạt được 2 mục tiêu là tham gia tái cấu trúc để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục và kiểm soát được tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, tránh việc tẩu tán, thất thoát như nhiều người lo ngại.


LAN ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét