Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

20221224. SỰ CỐ TRUYỀN THÔNG Ở 2 ĐẠI HỌC KỶ NIỆM 22/12

   ĐIỂM BÁO MẠNG

BANNER TÌM HIỂU NGÀY 22/12 CỦA TRƯỜNG ĐH TÔN ĐỨC THẮNG

 IN HÌNH LÍNH MỸ

LÊ HUYỀN/ VNN 21-12-2022

Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) đang làm rõ trách nhiệm việc cơ sở ở Bảo Lộc đăng trên fanpage banner tìm hiểu truyền thống ngày 22/12 nhưng in hình lính Mỹ.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cơ sở ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) đăng banner với nội dung tìm hiểu truyền thống ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng in hình lính Mỹ. 


Banner tìm hiểu truyền thống ngày 22/12 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cơ sở ở Bảo Lộc, in hình lính Mỹ

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho hay sáng nay nhà trường đã họp tập thể lãnh đạo và nghe cơ sở của trường ở Bảo Lộc báo cáo về việc này.

Phía cơ sở thông tin rằng đây là một hoạt động của sinh viên tìm hiểu về ngày 22/12. Trong nhóm tổ chức hoạt động này có một sinh viên thiết kế banner đã lên Internet chọn hình thiết kế. Sinh viên này giải trình rằng thấy hình ảnh người lính nên thích và chọn để thiết kế banner. Thiết kế xong, sinh viên tự ý đưa banner lên fanpage của cơ sở mà không xin phép người phụ trách. Cơ sở Bảo Lộc phát hiện ra sự việc, yêu cầu sinh viên rút banner xuống.


Đây là tấm hình gốc, một lính Mỹ đang cho trẻ em trái táo đỏ

Ông Đạo khẳng định, việc này không phải là kế hoạch của Trường ĐH Tôn Đức Thắng mà là một hoạt động của sinh viên ở cơ sở Bảo Lộc. Trường không đưa banner này lên website chính thức của trường cũng như website của cơ sở Bảo Lộc. Nhà trường đang yêu cầu cán bộ phụ trách cơ sở, cá nhân sinh viên giải trình lý do chọn hình ảnh này và xem xét trách nhiệm cụ thể. 

Theo ông Lê Phúc, Trưởng Ban truyền thông, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hôm qua, cơ sở ở Bảo Lộc tổ chức cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngày 22/12 trong sinh viên bằng hình thức trực tuyến. Ban tổ chức phân công cho nhóm sinh viên thực hiện việc truyền thông về cuộc thi trên trang fanfape của cơ sở.

Sinh viên đã tìm và chọn một bức ảnh đã được làm mờ trong kho ảnh miễn phí của phần mềm thiết kế để sử dụng giới thiệu cuộc thi trên mạng xã hội. Sinh viên đã chủ quan đưa hình ảnh lên trang khi chưa được kiểm tra, chưa được sự đồng ý của lãnh đạo cơ sở.

Sau khi phát hiện, cơ sở đã yêu cầu gỡ hình ảnh trên trang, nhưng hình ảnh này đã được chia sẻ và lan truyền trên các trang mạng xã hội khác. Theo ông Phúc, hiện nay tất cả thành viên của nhóm sinh viên tham gia và lãnh đạo cơ sở Bảo Lộc đã có báo cáo giải trình về sự việc. Dựa trên các báo cáo này, nhà trường sẽ có hình thức xử lý các cá nhân liên quan. 

 LÊ HUYỀN


CÔNG AN VÀO CUỘC LÀM RÕ BANNER ĐH TÔN ĐỨC THẮNG Ở BẢO LỘC IN HÌNH LÍNH MỸ

XUÂN NGỌC/VNN 21-12-2022

Cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đang làm rõ động cơ sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng ở TP Bảo Lộc làm banner in hình lính Mỹ cho hoạt động tìm hiểu ngày 22/12.

Lãnh đạo Sở TT&TT Lâm Đồng, cho biết, các đơn vị liên quan, trong đó có Công an TP Bảo Lộc đã vào cuộc để làm rõ việc banner cuộc thi tìm hiểu ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam có sử dụng hình ảnh lính Mỹ.

Theo Sở, báo cáo của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cơ sở TP Bảo Lộc cho biết, hôm qua, trường tổ chức hoạt động tìm hiểu về truyền thống ngày 22/12 bằng hình thức trực tuyến. Nhóm sinh viên được phân công làm công tác truyền thông về cuộc thi trên fanpage của cơ sở này. 

Trong quá trình thiết kế hình ảnh, một sinh viên đã gõ cụm từ “người lính” để tìm hình ảnh tạo poster. Sinh viên khác chọn ngẫu nhiên về hình ảnh “người lính” để thiết kế banner giới thiệu cuộc thi, rồi gửi cho giáo viên phụ trách. 

Đến 10h sáng qua, sinh viên chưa thấy giáo viên phụ trách phản hồi, nhưng vẫn đăng hình ảnh lên fanpage của cơ sở. Khoảng 5 giờ sau, Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Bảo Lộc phát hiện hình ảnh không không phù hợp đã gỡ khỏi mạng xã hội, nhưng lúc này hình ảnh đã bị lan truyền trên nhiều diễn đàn. Công an TP Bảo Lộc đã vào cuộc để xác minh, điều tra xử lý.

Banner tìm hiểu truyền thống ngày 22/12 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cơ sở ở Bảo Lộc, in hình lính Mỹ.

Trước đó, trao đổi với VietNamNet, ông Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, sau khi phát hiện sự việc đã họp tập thể lãnh đạo trường, cũng như nghe cơ sở tại Bảo Lộc báo cáo.

Trường đã yêu cầu cán bộ phụ trách cơ sở, cá nhân sinh viên giải trình lý do chọn hình ảnh này để xem xét trách nhiệm cụ thể.

"Hiện, tất cả thành viên của nhóm sinh viên tham gia và lãnh đạo cơ sở Bảo Lộc đã có báo cáo giải trình về sự việc. Căn cứ vào các báo cáo này, nhà trường sẽ có hình thức xử lý các cá nhân liên quan".

XUÂN NGỌC

TREO ÁP PHÍCH IN CỜ TRUNG QUỐC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIẢI TRÌNH LỖI SAI NGHIÊM TRỌNG

THANH HÙNG/VNN 21-12-2022

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã họp khẩn cấp và có thông báo xử lý ban đầu việc sử dụng áp phích in cờ Trung Quốc sai quy định tại hội thao quân sự ở cơ sở Từ Sơn, Bắc Ninh.

Trường này cho biết, sáng 20/12, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh áp phích chào mừng tại cơ sở Từ Sơn có một phần hình ảnh lá cờ nước ngoài.

Ban giám hiệu đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để yêu cầu Ban chủ nhiệm khoa Giáo dục quốc phòng - an ninh và cá nhân liên quan báo cáo cụ thể vụ việc. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hà Nội và Công an quận Hai Bà Trưng.


Áp phích từng được đặt tại cơ sở 2 của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ở TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Tại cuộc họp, khoa Giáo dục quốc phòng - an ninh cho hay, giữa tháng 12 có trình kế hoạch tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 22/12 với các giảng viên thỉnh giảng, kết hợp với chương trình hội thao quân sự của sinh viên tại cơ sở Từ Sơn. 

Đối với hội thao quân sự, Phó chủ nhiệm khoa phụ trách bộ môn Quân sự đã tự quyết định phối hợp với cán bộ của Phòng Quản trị B cho in và treo áp phích trên thao trường mà không báo cáo xin phép Chủ nhiệm khoa và trường. 

Trong quá trình thuê in áp phích, đơn vị dịch vụ in quảng cáo có đề xuất sửa lại thiết kế do phông chữ quá nhỏ. Do Phó chủ nhiệm khoa và cán bộ của Phòng Quản trị B chỉ kiểm tra nội dung phần chữ mà không kiểm tra cẩn thận lại phần phông nền đã bị thay đổi, nên đã đồng ý cho in và treo tại thao trường vào sáng 19/12. Khi phát hiện sai sót, khoa đã tháo dỡ khỏi thao trường. 

Sau khi nghe giải trình, ông Nguyễn Công Nghiệp, Phó hiệu trưởng kết luận, đây là một sai phạm rất nghiêm trọng về trách nhiệm an ninh chính trị, có tác động tiêu cực tới tâm tư tình cảm, tinh thần yêu nước của cán bộ giảng viên, sinh viên và dư luận xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của trường. 

“Do thiếu ý thức kỷ luật và thiếu tinh thần trách nhiệm, Phó chủ nhiệm khoa và cán bộ trực tiếp thực hiện sẽ phải chịu hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc trước nhà trường”, ông Nghiệp nói. 

Trước mắt, nhà trường quyết định đình chỉ công tác đối với Phó chủ nhiệm khoa Giáo dục quốc phòng - an ninh Trịnh Mạnh Hùng và nhân viên Phòng Quản trị B Ngô Văn Công. Trường yêu cầu Ban chủ nhiệm khoa và Trưởng Phòng Quản trị B cùng các cán bộ liên quan tự nhận hình thức kỉ luật và có báo cáo để trường quyết định hình thức kỷ luật chính thức. 

Đối với đơn vị làm dịch vụ quảng cáo bên ngoài có liên đới trách nhiệm, trường đề nghị cơ quan công an hỗ trợ điều tra làm rõ nguyên nhân, mục đích đưa phông nền sai trái vào áp phích để có căn cứ đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật. 

THANH HÙNG 

ÁP PHÍCH IN CỜ TRUNG QUỐC, BANNER CÓ LÍNH MỸ:CẦN COI TRỌNG GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG

LÊ HUYỀN, THANH HÙNG/VNN 23-12-2022

Sự việc áp phích in cờ Trung Quốc, banner lấy hình lính Mỹ ở 2 trường ĐH cho thấy sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người liên quan, đồng thời báo động việc giáo dục tư tưởng, truyền thống dân tộc đang bị xem nhẹ.

Cẩu thả, thiếu trách nhiệm

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận sự việc xảy ra ở Trường ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng chứng tỏ người trực tiếp thực hiện rất cẩu thả, còn người đứng đầu thì thiếu trách nhiệm.  

Còn ông Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, những sai sót này rất phản cảm, bởi xảy ra trong dịp cả nước hướng tới kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Dù xảy ra sai sót không phải chủ ý của các trường, nhưng theo ông Đáng, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên được giao phụ trách là rất lớn. Đó là sự thiếu cẩn trọng, kiểm tra và giám sát các sự kiện cũng như các kênh truyền thông liên quan đến cơ sở của mình, dẫn tới hậu quả là những sản phẩm truyền thông lệch chuẩn xuất hiện đầy phản cảm. 



Áp phích của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội in cờ Trung Quốc

“Hậu quả và tác động của những vụ việc này tuy vô hình nhưng sẽ rất nghiêm trọng nếu tiếp tục xảy ra. Bởi vấn đề này tác động đến nhận thức chính trị của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ về quá khứ cũng như hiện tại.

Những bàn luận, suy diễn lệch lạc có thể khiến nhiều người nhận thức sai về lịch sử đất nước hay hình thành những quan điểm không phù hợp với quan điểm chính thống trong xã hội”- ông Đáng nói. 

Ông Đáng cũng nhấn mạnh, sinh viên có tri thức nhất định nhưng chưa trưởng thành về trải nghiệm sống, bản lĩnh. Sinh viên là lực lượng trí thức trong tương lai, nên nếu nhận thức sai lệch về chính trị thì hệ lụy rất lớn sau này. 

Ở góc độ của người từng làm truyền thông, ông Phùng Quán, Phó chủ tịch công đoàn, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng việc thiết kế các áp phích, banner hiện nay thường vay mượn hình ảnh trên mạng, trong khi người thực hiện lại không hiểu nguồn gốc những hình ảnh này, thiếu các kiến thức về sở hữu trí tuệ, bản quyền nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. 

Cần xây dựng quy tắc ứng xử của giảng viên, sinh viên


Theo ông Phạm Thái Sơn, để xảy ra sự việc áp phích in cờ Trung Quốc, banner lấy hình lính Mỹ cho thấy cần báo động về việc giáo dục tư tưởng, lịch sử truyền thống dân tộc cho sinh viên, giảng viên. Việc này rất quan trọng nhưng lâu nay đang bị các trường đại học xem nhẹ và nếu có làm thì rất sơ sài.

“Trách nhiệm đầu tiên thuộc về thầy cô giáo. Muốn sinh viên hiểu được thì các thầy cô phải truyền được 'tính lửa' trong bài giảng của mình”.  


Banner fanpage Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở cơ sở Bảo Lộc lấy hình lính Mỹ

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, các ngày Thương binh liệt sĩ, ngày Quốc khánh 2/9, 30/4..., sinh viên cần được đi thực tế ở các căn cứ cách mạng.

Mặt khác, sự tham gia của báo chí, đặc biệt là truyền hình trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thống dân tộc rất quan trọng. Chúng ta nên có những gameshow về truyền thống cách mạng để thu hút sinh viên tham gia.

Việc giáo dục tư tưởng, truyền thống dân tộc phải đi sâu hơn vào thực tế, phải thấy được thế hệ gen Z đang cần gì để có cách làm họ thẩm thấu và hiểu rõ các truyền thống dân tộc. Các trường đại học cũng nên đổi mới cách dạy những môn Triết học, Lịch sử... để thu hút sinh viên.

Ông Phùng Quán thì cho rằng, các trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho giảng viên, sinh viên, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, suy thoái đạo đức.

Theo ông Nguyễn Văn Đáng, rất nhiều bài học cần được nghiêm túc rút ra. Trước hết, lãnh đạo nhà trường và giảng viên phải ý thức hơn về nguy cơ xảy ra khủng hoảng truyền thông trong các hoạt động từ giảng dạy, ngoại khóa, hay sự kiện kỷ niệm...  

Nhà trường cũng cần xây dựng các quy tắc ứng xử của giảng viên, sinh viên, định kỳ phổ biến đến tất cả sinh viên trong trường. Trước mỗi sự kiện nào đó, cần phân tích kỹ tính chất, các yêu cầu đối với sự kiện để có thể đặt sự kiện trong tầm kiểm soát, tránh để xảy ra những tình huống bột phát, thậm chí vô ý thức

“Cần ý thức rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số. Mọi lời nói, hành vi, hình ảnh… đều có thể được ghi lại và lan truyền rất nhanh chóng. Do đó, mỗi trường đại học cần có sự giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động cá nhân cũng như tập thể diễn ra trong không gian cơ sở, hoặc liên quan đến nhà trường”- ông Đáng nói. 

 THANH HÙNG, LÊ HUYỀN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét