Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

20221204. BÀN VỀ XÂY DỰNG CÁC HỆ GIÁ TRỊ VIỆT NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG: PHÁT TRIỂN HỆ GIÁ TRỊ QUỐC GIA, VĂN HOÁ, GIA ĐÌNH

TRẦN THƯỜNG/ VNN 29-11-2022

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết cần đề xuất, luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay.

Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khai mạc sáng nay (29/11) tại Hà Nội và được kết nối trực tuyến tới Thừa Thiên Huế, TP.HCM.

Hội thảo là sự kiện quan trọng nhằm nhìn lại kết quả 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24/11/2021.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có gần 500 đại biểu từ ba điểm cầu là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, Thường trực một số Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo một số cơ quan báo chí, truyền thông và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.


Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Định hướng hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".
 
Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, việc “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...."

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết tại hội thảo, các đại biểu sẽ phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó.
 
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị làm rõ nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị.

Từ đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn hội thảo sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Sau phiên khai mạc, hội thảo bước vào Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, điều hành phiên thảo luận.

Buổi chiều, hội thảo thảo luận phiên thứ hai với chủ đề: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”. GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì, điều hành phiên thảo luận.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban Tổ chức phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày Triển lãm sách và tài liệu với chủ đề: “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.

TIN LIÊN QUAN:

  • -‘Một việc làm tốt là tấm gương sáng cho rất nhiều người trong cộng đồng’

  • -Hệ giá trị văn hóa con người phải trở thành hệ giá trị công dân Việt Nam

  • -Giá trị gia đình tốt đẹp phải không ngừng được nuôi dưỡng, phát triển

  • HỆ GIÁ TRỊ VĂN HOÁ CON NGƯỜI PHẢI TRỞ THÀNH HỆ GIÁ TRỊ CÔNG DÂN VIỆT NAM

  • PHẠM VĂN DƯƠNG*/ VNN 29-11-2022

  • Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" diễn ra hôm nay tại Hà Nội nhằm nhìn lại một năm thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư tại hội nghị Văn hoá toàn quốc.

    LTS: VietNamNet giới thiệu bài viết của PGS.TS Phạm Văn Dương - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

    Mỗi cộng đồng tộc người hay một dân tộc, quốc gia trong quá trình hình thành và phát triển nhất thiết phải tạo dựng cho mình những giá trị riêng.

    Những giá trị này được bồi đắp, kết tinh thành hệ thống tinh hoa văn hóa, từ đó tạo nên bản sắc tộc người, bản sắc dân tộc và quốc gia.  

    Bản sắc này là nền tảng, điểm tựa cho phát triển ở mọi thời đại, tạo ra sự ổn định lâu dài cho quốc gia, dân tộc đó. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa, có quá trình hình thành và phát triển gắn với các biến cố lịch sử như: bị xâm chiếm, đô hộ và âm mưu đồng hóa văn hóa...

    Sức mạnh nội sinh

    Lịch sử dân tộc và văn hóa đã chứng minh, trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc và 100 năm cai trị của thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam vẫn giành lại được độc lập, vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.

    Đó chính là nhờ vào nền tảng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam được tạo dựng qua nhiều thế hệ, trở thành “bản năng văn hoá” không chịu khuất phục, nô dịch và đồng hóa.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh đương đại, dưới tác động của toàn cầu hóa và sức mạnh của công nghệ thông tin, đã và đang đặt ra những thách thức lớn về kiến tạo và giữ gìn bản sắc nhằm tạo lập những giá trị riêng của con người làm hành trang cho hội nhập và phát triển, chống lại các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” về văn hóa dẫn đến tự nô dịch về văn hóa.

    Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Trong bối cảnh xã hội lúc đó, khi “văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” thống trị, thì Đề cương là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng chỉ lối và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ cho toàn Đảng, toàn dân và cuộc đấu tranh cách mạng. 

    Khi đó, Đảng xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

    Trong đó, yếu tố dân tộc được ưu tiên số một, thể hiện tầm nhìn của Đảng đối với nguy cơ văn hóa dân tộc bị thực dân, đế quốc ngoại lai nô dịch, đồng hóa, bản sắc, bản lĩnh con người Việt Nam có thể bị xóa nhòa, từ đó tinh thần độc lập dân tộc suy yếu.

    Từ văn kiện này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, chính sách văn hóa của Đảng ngày càng được khẳng định tính xuyên suốt, hệ thống và sáng tỏ. Trong phát triển văn hóa, ở mọi giai đoạn cách mạng, Đảng luôn coi trọng yếu tố con người làm then chốt, mọi nguồn lực kinh tế, văn hóa phục vụ cho mục tiêu phát triển con người Việt Nam, kiến tạo bản lĩnh, bản sắc văn hóa con người phục vụ cho phát triển đất nước hùng cường về kinh tế và văn hóa.

    Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh: “... tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Một lần nữa, vai trò của con người được khẳng định là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất để phát triển đất nước.


  • Đây chính là nhận thức mới của Đảng về mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa văn hóa với con người, nhấn mạnh hơn đến vai trò của con người với tính chất là chủ thể, cũng là mục đích của phát triển văn hóa. Phát triển văn hóa chính là phát triển con người và ngược lại.

    Cùng với chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, sự tăng cường, gắn kết xây dựng con người và nền văn hóa trong một thể thống nhất sẽ là cơ sở vững chắc để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển, không chỉ làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, mà còn trở thành sức mạnh nội sinh cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. 

    “Đề kháng, miễn dịch” trước những tác động của toàn cầu hóa, nô dịch văn hóa

    Xây dựng các hệ giá trị, chuẩn mực trong lĩnh vực văn hóa và con người, văn kiện Đại hội Đảng 13 không chỉ đặt ra vấn đề đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, mà còn nhấn mạnh, làm rõ hơn yêu cầu về xây dựng “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” gắn với giữ gìn, phát triển “hệ giá trị gia đình Việt Nam” trong thời kỳ mới.

    Trong việc giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng con người, Báo cáo chính trị nêu rõ một nội dung mới, đó là: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.

    Đây là lần đầu tiên văn kiện của Đảng đặt vấn đề khắc phục các hạn chế trong mối quan hệ hữu cơ, không tách rời với việc giáo dục, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam đã được hình thành trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

    Đó chính là một bước nhận thức mới rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn về văn hóa và con người Việt Nam, vừa khẳng định những giá trị tốt đẹp, tích cực, có ý nghĩa căn bản và quyết định làm nên bản sắc văn hóa và con người, vừa nhìn thẳng vào sự thật với tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm khắc.

    Nhận diện giá trị văn hóa con người hiện nay là công việc khó khăn, phức tạp. Thực tế, công tác nghiên cứu, đánh giá giá trị văn hóa ở Việt Nam nói chung và giá trị văn hóa con người Việt Nam nói riêng cho thấy thời gian qua chúng ta đã có các phương pháp khoa học để nhận diện giá trị. Tuy nhiên, những nghiên cứu nhận diện thường chỉ hiệu quả với các công trình, di sản văn hóa đã bảo tồn “tĩnh”, độc lập, ít liên đới đến đời sống đương đại như: các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật.., còn với các di sản văn hóa “sống” liên quan đến bản sắc, bản tính, phẩm chất con người thì việc nhận diện chưa thật sự được nhìn nhận đầy đủ và còn nhiều tranh luận.

    Do vậy, xây dựng hệ giá trị văn hóa con người phải dựa trên nền tảng hệ giá trị chung của quốc gia; chắt lọc, kế thừa phát triển và ngày càng hoàn thiện từ các giá trị văn hóa con người Việt Nam đã được tạo dựng, thử thách và được khẳng định qua thời gian.

    Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải là sự kết tinh, hòa quyện từ các giá trị văn hóa chung, phổ quát của dân tộc, nhân loại với các giá trị văn hóa riêng có của mỗi cộng đồng, tộc người, địa phương, để từ đó khai thác, phát huy thế mạnh của những nét riêng.

    Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải được cụ thể hóa thành các tiêu chí, mục tiêu phấn đấu của mỗi con người, mỗi cộng đồng, tộc người, trở thành niềm kiêu hãnh, sức mạnh và khả năng “đề kháng, miễn dịch” trước những tác động của toàn cầu hóa và nô dịch văn hóa.

    Hệ giá trị văn hóa con người phải trở thành hệ giá trị công dân Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới. Kiến tạo con người Việt Nam với những phẩm chất, năng lực và bản lĩnh... có thể đối mặt, đương đầu với những thách thức, khó khăn trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

    *PGS.TS Phạm Văn Dương (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)


'TRÁI NÚI ĐẺ CHUỘT!'
MẠC VĂN TRANG/ TD 2-12-2022


“Trái núi đẻ chuột” là thủ pháp viết truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Truyện của ông viết, mở đầu nghe rất là quan trọng, hoành tráng, tưởng chuyện tày đình, khiến người đọc phải tò mò, nhưng hoá ra cuối cùng chỉ là chuyện tầm phào chả có gì, chẳng hạn như truyện “Thám tử Anam”...
Tôi muốn mượn đề bài này để nói cảm tưởng của mình khi đọc bản Tổng quan của Tạp chí Tuyên Giáo về Hội thảo quốc gia: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Là một trong những người nghiên cứu về đề tài “GIÁ TRỊ, ĐỊNH HƯỚNG GIÁ TRỊ, GIÁO DỤC GIÁ TRỊ” (Chương trình KHCN cấp Nhà nước, XB 1996), nay tình cờ đọc được kết quả Hội thảo này, rất tò mò xem vấn đề phát triển mới ra sao.
Theo Tạp chí Tuyên Giáo, Hội thảo quốc gia lớn lắm. TG: “Ngày 29/11/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (Hội thảo). Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và 2 điểm cầu trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế”.
Hội thảo có sự tham dự của hầu hết những quan chức các ngành liên quan, các giáo sư, nhà khoa học chuyên ngành trong toàn quốc.
Hội thảo diễn ra 2 ngày.
“Phiên Hội thảo thứ nhất: Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới”.
Kết quả là, theo Tổng Bí thư đã định hướng: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.
“Phiên Hội thảo thứ hai: Cụ thể hóa các hệ giá trị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương”.
Thú thực, tôi rất tò mò và khiêm tốn học hỏi xem Hội thảo có gì mới, xác định những giá trị Gia đình, Con người Việt Nam, Quốc gia là những Giá trị gì và làm cách nào những giá trị đó thấm vào các tầng lớp xã hội.
Nhưng hoàn toàn THẤT VỌNG! Không thấy xác định rõ ràng các hệ giá trị; Không thấy cách giáo dục các giá trị như thế nào để thấm vào thành phẩm chất nhân cách mỗi con người Việt Nam thời kỳ mới? (Đã bỏ khái niệm: “Con người Việt Nam MỚI XHCN” - tốt).
Hội thảo càng hoành tráng, oai phong bao nhiêu càng “Trái núi đẻ chuột” bấy nhiêu!
Tôi xin hỏi.
1. Tại sao không hề kế thừa những giá trị đã tồn tại bao lâu nay trong xã hội? Chẳng hạn giáo dục truyền thống hun đúc CON NGƯỜI theo những giá trị: NHÂN, LỄ, NGHĨA, TRÍ, TÍN đã hình thành biết bao NHÂN CÁCH con người Việt Nam cao đẹp làm rạng rỡ lịch sử dân tộc. Nay nên kế thừa những gì và như thế nào? Không thấy bàn đến? Hay vứt bỏ hết?
2. Giá trị GIA ĐÌNH không thấy nêu những giá trị: Yêu thương, Hiếu thảo, Hoà thuận…?
3. Giá trị QUỐC GIA quan trọng nhất được khắc bằng chữ vàng trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thấy nêu lên, đó là: ”Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”!?
4. Giá trị NGHỀ NGHIỆP rất quan trọng, không được đề cập. Nhà giáo, Bác sĩ, Luật sư, Doanh Nhân, nhà Khoa học, Nhà Nông… cần có những Giá trị gì là cốt lõi gì để làm nên NHÂN CÁCH NGHỀ NGHIỆP đặc trưng, bền vững?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý những giá trị này, như đối với QUÂN ĐỘI: “Quân đội ta TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN, NHIỆM VỤ NÀO CŨNG HOÀN THÀNH, KHÓ KHĂN NÀO CŨNG VƯỢT QUA, KẺ THÙ NÀO CŨNG ĐÁNH THẮNG”. Đạo làm Tướng phải có: Nhân, Trí, Dũng, Liêm...
Đó không phải là Khẩu hiệu nhất thời mà là những Giá trị đặc trưng của Quân nhân được cụ thể hoá để dễ thuộc, dễ thực hành, đánh giá được.
Đối với CAND, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra 6 điều phải rèn luyện, thực hiện. Đó cũng là những Giá trị đặc trưng, được cụ thể hoá đúng với nghề nghiệp CAND:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Những Giá trị mà các QUAN CHỨC phải tu dưỡng là gì? Chả Cần dài dòng đến 19 điều đảng viên không được làm, chỉ cần vài ba giá trị là đủ.
5. Giá trị Con người Việt Nam thời kỳ MỚI và Giá trị QUỐC GIA phải đặt trong Hệ GIÁ TRỊ PHỔ QUÁT của Nhân loại được UNESCO khuyến cáo. Hội thảo cũng không bàn đến vấn đề quan trọng này. Con người Việt Nam thời kỳ mới cần có những giá trị Công dân Toàn cầu mới có thể Hội nhập thành công. Giá trị Quốc gia cũng phải hoà hợp với Giá trị Phổ quát và Luật pháp quốc tế ra sao?
6. Vấn đề cốt lõi là GIÁO DỤC GIÁ TRỊ như thế nào thì không thấy bàn. Thế thì Hội thảo chỉ bàn cho vui, chứ chẳng đem lại kết quả thực tế nào!
Tóm lại Hội thảo Quốc gia
Mà đúng như là truyện Nguyễn Công Hoan.
MVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét