Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

20221207.VINFAST VÀ CẠNH TRANH TẠI THỊ TRƯỜNG MỸ (1)

  ĐIỂM BÁO MẠNG


VINFAST ĐỐI MẶT VỚI LOẠT CÁC ÔNG LỚN TẠI BẮC MỸ, KHÓ KHĂN

 NÀO ĐANG CHỜ ĐỢI PHÍA TRƯỚC ?

HÙNG DŨNG/ VNN 5-12-2022

Vinfast sẽ phải đối mặt với không ít các khó khăn lớn khi thâm nhập vào thị trường đặc biệt khó tính như Bắc Mỹ.

Sự kiện tàu Sliver Queen được Vinfast thuê chở 999 chiếc VF8 do Việt Nam sản xuất đi thẳng tới California của Mỹ đánh dấu lần đầu tiên, ô tô Việt Nam nói chung cũng như xe điện nói riêng "đánh thẳng" vào thị trường ô tô của xứ sở cờ Hoa đầy hứa hẹn. 

Chuyến hàng khiến nhiều người lại nhớ về những con tàu xuất khẩu đầy tham vọng năm xưa của các hãng ô tô tới từ Nhật Bản hay Hàn Quốc vào Mỹ, là tiền đề cho sự phát triển của Toyota, Hyundai, KIA như hiện nay.

Dẫu vậy, không ít các khó khăn lớn trước mắt mà Vinfast sẽ phải đối mặt ngay khi thâm nhập vào thị trường đặc biệt khó tính này. 


Những chiếc xe điện Vinfast di chuyển vào khoang tàu Sliver Queen để chuẩn bị cho chuyến hải trình vượt đại dương tới thị trường Bắc Mỹ. Nguồn ảnh: Vinfast. 

Cơ hội từ xu hướng sử dụng xe điện tăng cao ở Bắc Mỹ

Một tín hiệu cực kỳ khả quan có thể nói đến, đó chính là việc người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển sự quan tâm sang các loại xe ô tô sử dụng nguồn năng lượng xanh. 

Một phần vì những phương tiện di chuyển này chính là xu thế của tương lai, khi con người muốn giảm thiểu tối đa sử dụng năng lượng hóa thạch không thể tái tạo, giúp bảo vệ môi trường, thay thế bằng nguồn năng lượng dễ dàng sản xuất, sử dụng, hay có thể đơn giản hơn chỉ là tiết kiệm chi phí sửa chữa, nhiên liệu.

Theo số liệu phân tích từ JATO Dnamics cho biết, trong vòng 10 tháng đầu năm 2022, cứ 20 chiếc ô tô mới lăn bánh tại Mỹ, sẽ có 1 chiếc chạy hoàn toàn bằng năng lượng điện. 

Dù vẫn còn chưa chiếm thị phần lớn áp đảo, song với những chỉ số tăng trưởng đáng kinh ngạc trên, sẽ mở ra một tương lai đặc biệt hứa hẹn đối với xe điện, trong đó bao gồm cả các đại diện tới từ Việt Nam. 

Liệu "miếng bánh" thị phần xe điện Mỹ có dễ xơi?

Bên cạnh những dấu hiệu rất tích cực về một thị trường xe hơi chạy điện rất béo bở tại Mỹ, thì việc Vinfast muốn tiến sâu vào chắc chắn sẽ phải đối đầu với những "ông lớn" sản xuất ô tô quá nổi tiếng và tồn tại lâu đời.


Hàng dài ô tô Vinfast chạy điện xếp hàng chờ xuất sang thị trường “khó tính” Mỹ. Ảnh: Đình Quý

Mỹ chính là sân nhà mà hãng xe điện nổi tiếng Tesla của tỷ phú Elon Musk, đang có doanh số ô tô điện đứng đầu thị trường. Trong 9 tháng đầu năm nay, đã có 140.000 xe thuộc 2 dòng là Model 3 và Model Y đến tay người Mỹ. 

Một ông lớn khác là Ford cũng đang tích cực tham gia đường đua xe hơi chạy điện với đại diện là F-150 Lightning đang rất hút khách. Ngoài ra, Mustang Mach-E, xe thể thao chạy điện đầu tiên của Ford hiện đang "gây sốt" với 28.000 chiếc lăn bánh trong 3 quý đầu của năm 2022, theo thống kê từ Ward Intelligence. 


 Ford Mustang Mach-E, xe thể thao chạy điện 100% đầu tiên của Ford, ra mắt năm 2019. Nguồn ảnh: Ford. 

Chỉ riêng 2 "ông lớn" nêu trên đã chiếm các thị phần không nhỏ trong phân khúc ô tô chạy điện ở Mỹ. Muốn cạnh tranh, Vinfast cần phải đặc biệt chú trọng tới khâu marketing, quảng bá sản phẩm hơn nữa. Bởi lẽ, hiện nay, phân khúc xe điện đang chủ yếu đánh vào các khách hàng có nguồn thu nhập cao, trong khi đó, ở phân khúc xe điện bình dân, dường như người tiêu dùng vẫn còn khá dè dặt.

Nếu có một chiến lược quảng bá sản phẩm tốt, một định hướng phát triển hợp lý và tuân theo những kế hoạch rõ ràng, Vinfast có thể “làm nên chuyện” ở chuyến xuất ngoại lần này. 

Khó khăn đến từ chính sách của Mỹ 

Bên cạnh các lợi thế về sân nhà, các hãng xe hơi điện tại Mỹ còn có một điểm mạnh cực lớn chính là sự hỗ trợ tối đa tới từ chính quyền Washington thông qua các chính sách dè dặt với xe điện nhập khẩu và ưu tiên xe tới từ khu vực Bắc Mỹ. 

Chính bởi khó khăn trên mà ô tô điện Trung Quốc chưa đạt được bước tiến nào rõ rệt dù ở thị trường đại lục đã phát triển rất mạnh. Đây cũng là một bài học mà Vinfast cần phải đặc biệt nghiên cứu kỹ trước nếu muốn thành công tại thị trường khó nhằn này. 

Tất nhiên, khó khăn của xe Trung Quốc còn đến từ  các xung đột sâu sắc về kinh tế giữa hai cường quốc, song, đây cũng là một cơ hội để Vinfast hiểu rõ cuộc chơi, nhờ đó tạo ra những sự khác biệt lớn và không đi vào lối mòn cũ. 

Hùng Dũng

Bạn có bình luận thế nào về cơ hội và thách thức của ô tô điện Vinfast ở thị trường Mỹ ? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!


CHÍNH PHỦ CẦN CỨNG RẮN VỚI VINGROUP
NGUYỄN TRƯỜNG SƠN/ BVN 3-12-2022


Muốn biết Vingroup là ai, là kẻ làm lợi hay gây hại cho đất nước, thì hãy quan sát kỹ Dự án Cam Lâm, tuy đang phải tạm dừng lại hai năm theo kiến nghị của Khánh Hòa, nhưng vẫn đang làm thót tim tất cả những ai muốn ngăn chống âm mưu thôn tính dài lâu của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc.
Bauxite Việt Nam

*
Ở Việt Nam, chắc hẳn ai cũng biết hãng xe Hyundai, hoặc chí ít là dòng xe Kia của hãng này. Nhưng chắc ít ai biết tập đoàn này khởi sự từ ngành xây dựng ở thập niên 1940, và phải đến năm 1968 thì Hyundai mới bắt đầu mon men sản xuất xe hơi, với việc cộng tác với Ford UK để mở dây chuyền lắp ráp ở Hàn Quốc.
Bất chấp thị trường xe hơi thế giới bị các hãng của Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản thống trị, hãng xe của Hàn Quốc này vẫn chen chân vào được và trở thành một trong những hãng xe lớn nhất thế giới vào cuối thập niên 1990. Chưa đầy 30 năm kể từ khi bắt đầu tham gia sản xuất ôtô.
Ngày nay, ở nước ta thì Vingroup đang có tham vọng lặp lại kỳ tích mà các hãng xe ở Hàn Quốc và Nhật Bản đã tạo lập trước đó. Đó là trở thành một trong những hãng xe hơi thành công trên thế giới bất chấp xuất thân từ một nước đang phát triển, vốn tồn tại vô vàn bất lợi để gây dựng ngành sản xuất xe hơi. Từ thiếu vốn, thiếu nhân công chất lượng, không có nền tảng công nghệ, lẫn sự cạnh tranh khắc nghiệt mà các hãng nước ngoài tạo ra.
Cũng giống như người dân ở các nước Đông Á khác trước đây, tôi tin rằng nhiều người Việt Nam cũng đang hy vọng rằng một ngày nào đó nước ta cũng sẽ xuất hiện trên bản đồ của ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, để rũ bỏ hình ảnh của một nước kém phát triển, và làm chủ vận mệnh của mình. Cá nhân tôi cũng chia sẻ niềm hy vọng đó.
Trong một bữa tối với các bạn sinh viên Việt Nam đang du học ở Đài Loan mà tôi có cơ hội gặp gỡ, mà trong số đó có một bạn đến từ Đà Nẵng, hiện đang học công nghệ xe hơi ở một trường khá tốt của Đài Loan. Tôi có hỏi cậu rằng liệu học xong thì có về nước làm cho Vin không? Khá ngạc nhiên, câu trả lời mà cậu đáp lại là không. Lý do, theo cậu là Vin không nghiêm túc làm xe hơi.
Sau khoảng hai ly shochu nữa thì cậu giãi bày rằng sở dĩ cậu nghĩ Vin không nghiêm túc làm xe hơi đó là vì quyết định từ bỏ xe xăng của tập đoàn này. Theo cậu, xe hơi là ngành đòi hỏi rất nhiều thời gian, vốn, và công sức để làm chủ công nghệ. Mà nếu không tự chủ được công nghệ thì không thể tồn tại. Thời gian mà Vin bỏ ra để sản xuất xe xăng là không đủ để thực sự trở nên thành thục. Bằng chứng là trong số 14 linh kiện mà Vin tuyên bố là có thể tự sản xuất, thì tất cả đều là các bộ phận có giá trị thấp. Chưa kể đến việc các mẫu xe xăng của Vin hoàn toàn là được nhập dây chuyền sản xuất, lẫn thiết kế, và cả phụ tùng từ nước ngoài.
Có thể cậu sinh viên ấy quá bi quan nên sinh ra ngờ vực. Ngoài ra thì Vin cũng đã thông báo rõ, rằng họ muốn tập trung làm xe điện, tức là hướng đến tương lai. Một chiến lược có vẻ rất hợp lý ở thời điểm này, bởi xu hướng của thế giới đang là dần dần từ bỏ xe xăng để chuyển sang xe điện. Thực ra thì cho dù là xe xăng hay xe điện, thì để một hãng xe có thể thành công, công thức không hề có sự khác biệt. Nó đều xoay quanh việc phải nghiêm túc đầu tư bài bản để làm chủ công nghệ, và lấy chất lượng sản phẩm và dịch vụ làm đầu để chiếm lĩnh thị phần.
Nền công nghiệp xe hơi của Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn sơ sinh (thuật nghĩa tiếng Anh là infant industry). Ở giai đoạn này thì các hãng cần sự trợ giúp rất lớn từ nhà nước để tồn tại và cạnh tranh. Điều này đúng ở bất cứ quốc gia nào đã từng trải qua quá trình công nghiệp hoá. Từ Anh Quốc, Hoa Kỳ, cho đến sau này là Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc. Bóng dáng của nhà nước luôn rõ ràng ở giai đoạn sơ khởi của tiến trình xây dựng các ngành công nghiệp. Việt Nam hiện nay cũng không ngoại lệ. Và đây cũng là điểm mà tôi thấy chưa hài lòng nhất.
Trở lại câu chuyện của Hyundai. Tập đoàn này được chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ hết mình trong giai đoạn đầu. Từ hỗ trợ vốn cho đến bảo hộ quyết liệt (cấm nhập khẩu ôtô ngoại) để các hãng trong nước có điều kiện tốt nhất có thể để phát triển. Ở Việt Nam ngày nay, Vingroup cũng đang được nhà nước ưu đãi rất nhiều. Làm gì có tập đoàn nào mà muốn mảnh đất nào là có mảnh đất đó như Vingroup? Nhà nước cũng đang áp thuế và phí rất cao lên xe hơi nhập khẩu (kể cả xe xăng lẫn xe điện) để khiến xe ngoại trở nên đắt hơn, giúp cho xe của Vin có lợi thế về giá cả.
Nhưng chính phủ Hàn Quốc không chỉ biết cắm đầu vào giúp Hyundai, đáp ứng họ mọi thứ. Trên thực tế thì chỉ năm năm sau khi chân ướt chân ráo bước vào ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, tập đoàn này đã bị chính phủ của tổng thống Park Chung-hee đe dọa rút giấy phép hoạt động nếu không chịu nội địa hoá các sản phẩm. Tức là phải tăng cường nội địa hoá các khâu trong quá trình sản xuất. Từ thiết kế đến sản xuất các phụ tùng quan trọng, đặc biệt là động cơ. Hứng chịu áp lực rất lớn từ chính phủ, đến năm 1991 thì Hyundai đã tự thiết kế được động cơ, bộ phận quan trọng nhất và cũng đắt nhất của chiếc xe hơi.
Qua quan sát thì có thể thấy chính phủ Việt Nam chưa đủ rắn với Vingroup, như cách mà chính phủ Hàn Quốc đã cứng rắn với Hyundai. Vingroup đã nhận quá nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ nhà nước, nhưng áp lực mà tập đoàn này phải chịu thì lại không tương xứng. Trên thực tế, có dấu hiệu cho thấy nhà nước đang o bế tập đoàn này, và biến họ trở thành đứa con ngỗ ngược.
Nếu nói điều quan trọng nhất để một hãng xe thành công đó là chứng minh được chất lượng sản phẩm, và cung cấp dịch vụ thượng hạng cho khách hàng. Thì Vingroup chưa làm được điều đó. Ngược lại, cách Vin đối xử với những lời phàn nàn của khách hàng còn cho thấy hãng này không hứng thú với việc lấy lòng người mua. Đơn cử như hàng loạt vụ đe doạ, xúi công an nạt nộ, doạ kiện, và thậm chí là hành hung khách hàng khi họ nói ra điều chưa ổn về các sản phẩm của Vingroup (trong đó có xe hơi và bất động sản). Đấy là chưa kể đến việc hễ cứ có vụ lùm xùm nào là y rằng báo chí, mạng xã hội được huy động triệt để để dìm dư luận.
Đáng nhẽ ra Vingroup phải là phía đứng mũi chịu sào. Không những phải hứng chịu chỉ trích và góp ý của khách hàng, mà còn phải chịu áp lực khủng khiếp từ nhà nước. Vì nếu không có áp lực, không có chỉ trích và góp ý, thì không doanh nghiệp nào có thể phát triển được. Hyundai, SAMSUNG, HONDA, và vô số các doanh nghiệp lớn khác ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không thể có ngày hôm nay nếu chính phủ nước họ và người tiêu dùng nước họ không gây áp lực ở giai đoạn sơ khởi. Trên thực tế thì đã có không ít công ty ở Hàn Quốc và Nhật Bản bị nhà nước triệt hạ vì không đáp ứng được yêu cầu cải tiến sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Vì nguồn lực của quốc gia thì có hạn. Một chính phủ thông minh thì nên biết đầu tư vào doanh nghiệp nào nghiêm túc và có năng lực. Nhưng chỉ dựa vào sự thạo việc của lãnh đạo doanh nghiệp và uỷ thác mọi sự cho họ không thì chưa đủ. Nhà nước phải đóng vai trò ông kẹ, tức là phải luôn luôn giám sát, canh chừng, và đưa ra yêu cầu để thúc doanh nghiệp phải phát triển không ngừng. Đó là công thức để Nhật Bản, Hàn Quốc, lẫn Đài Loan phát triển.
Chính phủ Việt Nam cần phải cứng rắn hơn nữa với Vingroup và bất cứ doanh nghiệp nào đang hưởng ưu đãi. Nhận ưu đãi từ nhà nước phải là một sự ràng buộc chứ không phải là đặc quyền. Vì nếu không thì mọi nguồn lực của quốc gia sẽ bị đổ xuống sông xuống biển. Các doanh nghiệp nhận hết ưu đãi này, lợi ích khác nhưng sau cùng lại không làm được gì để nền công nghiệp đất nước đi lên. Thì đó là sự bất công rất lớn đối với toàn thể nhân dân.
Bởi vì mỗi một sự ưu ái mà nhà nước ban cho một doanh nghiệp, thì sẽ có một bộ phận dân chúng chịu thiệt. Đơn cử, người Việt Nam hiện đang phải trả nhiều tiền hơn để mua xe nhập ngoại, với mục đích tạo ra ưu thế cho doanh nghiệp trong nước. Ấy thế mà doanh nghiệp nội lại không coi người tiêu dùng nước mình ra gì. Và tệ hơn là đem con bỏ chợ thì không thể chấp nhận được.
N.T.S.
Nguồn: FB Nguyễn Trường Sơn
'IPO THÀNH CÔNG LÀ CƠ HỘI ĐỂ VINFAST MỞ RỘNG QUY MÔ TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ'
THĐỊNH/VNN 7-12-2022
“VinFast nhắm tới mục tiêu là niêm yết thành công tại Mỹ. Đây là tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho VinFast mở rộng quy mô trên thị trường quốc tế”, bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ.

Mục tiêu đầu tiên là niêm yết thành công 

- VinFast vừa có động thái khiến dư luận rất quan tâm khi công bố đã nộp hồ sơ đăng ký chính thức theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng. Cụ thể VinFast đang đi tới bước nào trong quá trình IPO tại Mỹ, thưa bà?

Việc nộp hồ sơ đăng ký chính thức này là bước tiếp theo sau khi VF nộp dự thảo hồ sơ niêm yết sơ bộ theo mẫu F-1 lên SEC hồi tháng 4/2022, theo quy trình chuẩn mực để thực hiện IPO tại Mỹ. VinFast dự định tiến hành IPO sau khi SEC tuyên bố đăng ký có hiệu lực, và điều kiện thị trường cho phép.

- Cụ thể nếu được SEC tuyên bố đăng ký có hiệu lực, VinFast sẽ tiến hành các bước tiếp theo ra sao?

Các bước tiếp theo là chào bán và phát hành cổ phiếu trên sàn giao dịch cổ phiếu NASDAQ, khi điều kiện thị trường cho phép.

- Nếu có 2 mục tiêu quan trọng nhất khi IPO là huy động được nguồn vốn lớn và được định giá cao, thì mục tiêu nào quan trọng hơn đối với VinFast, thưa bà?

Lần này VinFast nhắm tới mục tiêu là niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ. Chúng tôi hiểu rằng, định giá cũng như quy mô của đợt IPO này phụ thuộc vào các điều kiện thị trường. Một khi VinFast đã thành công niêm yết, công ty có thể tiếp tục huy động vốn từ thị trường chứng khoán quốc tế trong tương lai, và việc niêm yết cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô của VinFast trên thị trường quốc tế. 

Chúng tôi tin rằng việc đạt được các mục tiêu ngắn hạn này sẽ giúp chúng tôi tiếp tục các kế hoạch mở rộng toàn cầu và mang lại giá trị cho các bên liên quan trong dài hạn.

IPO thành công sẽ đưa VinFast lên một mốc mới

- Ở thời điểm này, thị trường thế giới đang có xu hướng không thuận lợi. Vốn hoá của các hãng xe điện lớn như Tesla hay Rivian đều đã giảm tới hàng chục phần trăm trong năm qua. Như vậy, rất nhiều khả năng việc định giá VinFast qua đợt IPO này sẽ không đạt kỳ vọng như giới phân tích từng đưa ra trước đây. Bà nghĩ sao về việc này?

Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi hiểu rõ sự khó khăn thực tế hiện nay trên thị trường toàn cầu, nhưng mục tiêu về sự phát triển đột phá của VinFast là không thay đổi. Khó khăn trên thế giới dự báo vẫn kéo dài trong khi những bước tiến của VinFast như mọi người thấy, đang rất đúng hướng. 

VinFast đã bước ra thế giới, có mặt ở Bắc Mỹ, châu Âu và những chiếc ô tô điện đầu tiên sắp tới tay người dùng. Đây là thời điểm VinFast không chỉ cần huy động thêm nguồn vốn mà còn cần khẳng định niềm tin với người dùng thế giới. Việc niêm yết sẽ giúp VinFast nâng cao vị thế, và giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin hơn về công ty, qua đó chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng thêm tính cạnh tranh cho các sản phẩm VinFast trên thị trường quốc tế.

- Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch tiếp theo của VinFast nếu việc IPO thành công? 

Như đã đề cập ở trên, việc IPO thành công sẽ đưa thương hiệu và tầm vóc VinFast lên một mốc mới trên thị trường quốc tế, và mang lại cho công ty thêm một kênh huy động vốn chủ sở hữu trong tương lai. Qua đó, VinFast sẽ tiếp tục chọn thời điểm thuận lợi để huy động vốn chủ sở hữu, khi thị trường đã quen thuộc hơn với thương hiệu và câu chuyện của VinFast.

- Một cách tổng thể, với đợt phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng này, khả năng thành công của VinFast ra sao, thưa bà?

Chúng tôi tự tin với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng của mình trong quá trình chuẩn bị cho IPO này. Với những bước đi này, VinFast tiến được một bước nữa đến cột mốc lịch sử là được niêm yết trên sàn Nasdaq Global Select Market. Đó sẽ là một dấu mốc đáng nhớ tiếp theo của VinFast trên hành trình chinh phục thế giới.

Thế Định

HÃNG Ô TÔ ĐIỆN VINFAST CỦA VIỆT NAM NỘP ĐƠN PHÁT HÀNH CÔNG KHAI LẦN ĐẦU Ở MỸ
VOA/ BVN 7-12-2022

Ảnh: VinFast vận chuyển 999 xe ô tô điện từ Hải Phòng sang Mỹ hôm 25/11/2022.
Hãng VinFast thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng thông báo hôm 6/12 rằng hãng này vừa nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), là bước đi chính thức đầu tiên tiến tới việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Mỹ (IPO) vào năm 2023.
Tường thuật của nhiều cơ quan báo chí Anh, Mỹ, trong đó có Reuters, Bloomberg và CNBC, cho hay các đối tác của VinFast gồm Citigroup Global Markets, Morgan Stanley, Credit Suisse và J.P. Morgan Securities đóng vai trò là các ngân hàng dựng sổ chính, đồng thời cũng làm đại diện cho các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt chào bán trong tương lai.
Như VOA đã đưa tin, trên giấy tờ chính thức, VinFast đã được chuyển đổi thành một công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng có văn phòng giao dịch đặt ở Singapore. Giờ đây, hãng này dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq với mã VFS, theo tin của Reuters, Bloomberg, CNBC và nhiều báo nước ngoài.
Hãng này không tiết lộ về thời điểm sẽ chính thức IPO, số lượng cổ phần sẽ chào bán và số tiền vốn mà họ kỳ vọng sẽ huy động được.
Reuters trích dẫn lại một tuyên bố hôm 7/12 của bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Điều hành VinFast, cho hay rằng hãng sẽ thực hiện IPO sau khi SEC tuyên bố là hồ sơ đăng ký có hiệu lực và các điều kiện thị trường cho phép.
Theo tìm hiểu của VOA, số vốn thu về sẽ được chi cho việc VinFast mở rộng hoạt động sang Mỹ với kế hoạch xây nhà máy trị giá 2 tỷ đô la ở bang North Carolina.
Hiện tại, toàn bộ xe của VinFast được sản xuất tại nhà máy của hãng ở Hải Phòng, Việt Nam. Hãng hy vọng nhà máy ở Mỹ, có công suất 150.000 xe/năm, sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7/2024.
Hãng ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khởi đầu với việc sản xuất xe chạy bằng động cơ đốt trong vào năm 2019, nhưng sau đó đã chấm dứt loại xe đó và tập trung hoàn toàn vào việc chế tạo ô tô điện (EV).
Hãng có tham vọng cạnh tranh với cả các hãng lâu đời lẫn các hãng khởi nghiệp ở Mỹ, bằng hai nhãn hiệu xe chủ lực trong thời gian trước mắt là VF8 cỡ trung và VF9 cỡ lớn, đều thuộc dòng xe tiện ích thể thao (SUV). Hãng hiện đang nhận các đơn đặt hàng cho hai loại xe này.
Như VOA đã đưa tin, VinFast loan báo đã nhận được 65.000 đơn đặt hàng cho hai loại xe và đặt ra kỳ vọng sẽ bán được 750.000 chiếc EV mỗi năm vào khoảng năm 2026.
Hôm 25/11, hãng đã xuất lô xe đầu tiên gồm 999 chiếc sang Mỹ và dự kiến số xe này sẽ cập cảng ở Los Angeles, California, vào ngày 25/12.
VF8 và VF9 có giá lần lượt là 57.000 đô la và 76.000 đô la. Nhưng nếu khách hàng mua xe riêng rẽ, không có pin, giá sẽ lần lượt là $42.000 đô la và 57.500 đô la. Với phương án này, chủ xe phải trả tiền thuê pin hàng tháng là 169 đô la cho xe VF8 và 219 đô la cho xe VF9.
Đứng sau VinFast là tập đoàn Vingroup vốn nổi danh ở Việt Nam chủ yếu về kinh doanh bất động sản, mặc dù tập đoàn này cũng có hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ.
Theo một bài tường thuật của CNBC, trong khi Vingroup có vị trí vững chắc ở Việt Nam, bản thân VinFast vẫn chưa có lãi – hãng này lỗ khoảng 1,3 tỷ đô la vào năm 2021 và lỗ thêm 1,4 tỷ đô la trong 3 quý đầu năm 2022.


999 CHIẾC XE VÀ LÒNG 'TỰ HÀO'-NÓI THÊM VỀ VINFAST
NGUYỄN LÊ TIẾN/ BVN 7-12-2022

Cám ơn Bauxite Việt Nam về bài viết của Nguyễn Trường Sơn: Chính phủ cần cứng rắn với Vingroup
Riêng chuyện Vinfast tôi có so sánh giá cả và rất ngạc nhiên là… bán giá đó thì có ai điên mà mua!!
999 chiếc xe gởi sang Mỹ như thế chắc không để bán mà với mục đích khác!
Tôi có viết một bài trên FB, gởi các bác đọc… thư giãn!
Thực ra, chế độ này là oligarchy.
Có đề nghị họ cứng rắn với Vin thì họ cũng chẳng làm gì.
Vì Vin chính là họ!
Kênh làm tiền và rửa tiền.
Dại gì mà ‘cứng’
🙂
*
999 chiếc xe và lòng ‘Tự hào’
Vậy là xe VInfast đang trên đường đến Mỹ.
Được toàn thể lãnh đạo lưu luyến tiễn đưa một cách long trọng.
Chắc là khá đông người Việt hiện thời đang cảm động, lòng dâng lên nỗi tự hào!
Thế nhưng, sản phẩm làm ra cốt để bán!
Không để ‘tự hào’.
Có bán được mới sống được.
Còn không thì là ‘đốt tiền‘.
Muốn bán được thì dĩ nhiên là không phải ‘hét giá’ thế nào cũng được.
Người mua sẽ so giá rất kỹ, bởi chiếc xe là cả một ‘đống của’!
VF-8 có giá 47.200, phải thuê pin.
Và 57.000 nếu mua luôn Pin.
Khách hàng sẽ so sánh giá cả và chức năng.
Với loại SUV điện tương tự như VF8, khách hàng có thể chọn:
Mỹ. – Ford. – Mach E. – 46.895
Đức – VW – ID4 – 37.495
Nhật – Toyota. – Bz4x – 42.000
Hàn – Huynda i-IOniq 5 – 41.500
Tất cả đều bán với Pin!
Thế mà giá còn rẻ hơn VF8 không pin!
Thế thì khách hàng sẽ chọn xe nào?
Của các hãng Ford, VW, Toyota, Huyndai vốn có tiếng hay Vinfast?
Các ‘ông lớn‘ này ra giá như thế là cốt cạnh tranh với Tesla.
Xe ‚hot‘ nhất bây giờ là Tesla model Y.
Cùng là SUV.
Giá của nó là cỡ 66.000
(nó quảng cáo là 58.190! nhưng ấy là đã trừ Taxcredit)
Như thế, Tesla còn đắt hơn VF-8 khoảng 9000 và hơn các xe Đức, Nhật, Hàn cỡ 25.000!
Vin có thể quảng cáo rằng… tốt như Tesla nhưng rẻ hơn!
Qua năm 2023, theo luật mới, giới hạn xe bán đẻ được taxcredit 7.500 $ được bãi bỏ.
(Luật inflation reduction act)
Hiện thời mua xe tesla, khách hàng không được taxcredit.
Trong luật mới có điều kiện là xe phải được lắp ráp chặng cuối ở Bắc Mỹ.
Điều kiện này Vinfast không có mà
Như thế, với Tax credit thì Tesla-Y, năm 2023
chỉ còn đắt hơn VF 8 vỏn vẹn 2500$.
Như thế khách hàng chọn xe nào?
Tesla Model Y hay VF-8?
Tesla có thể ‘hét giá’ cao hơn Vw, Toyota…
nhưng vẫn đắt hàng!
Bởi nó có tiềng là Tesla!
Nó đi đầu và từng ‘đốt tiền‘, chịu đựng suốt gần 20 năm mới sinh lời!
Và bán được cỡ 3.000.000 xe cho đến nay
Trong khi các hãng khác mới bắt đầu.
Khách hàng có thể trả giá cao vì nghĩ rằng nó tốt hơn, mua nó an tâm hơn!
Vinfast không hề có lợi thế đi đầu!
Cũng không có tiếng tăm gì về công nghệ!
Có lý do nào để thuyết phục khách hàng là
Vinfast tốt hơn Tesla?
Và vượt xa VW, Toyota?
Có hoạ là… điên!
Thế thì tương lai ra sao?
Với giá rẻ hơn Tesla rất nhiều, hẳn là VW , Toyots… phải ‘cắn răng’ chịu lỗ!
Đốt tiền để có thị phần!
Thế nhưng, họ còn bán xe xăng, dùng lãi xe xăng bù qua.
Họ có thêm lợi thế là có sẵn cơ sở sản xuất lớn, điều làm giá thành hạ xuống.
Ngoài ra, vốn liếng của họ cực lớn để có thể ‘đốt’!
Vin chỉ có đất!
Vin không có gì cả!
Nội địa hoá rất bé, phần lớn là đi mua.
Nếu mua với sng bé thì rất đắt.
Vin không thẻ làm giá thành rẻ hơn đối thủ.
Vậy thì chỉ có… đốt tiền.
Ông Vượng là tỷ phú, nhưng chỉ là giàu đối với VN thôi.
Với tài sản hiện nay là 4.5 tỷ.
Thực không đủ để ‘đót’ trong ‘cuộc chơi’ này!
Thế nên, là doanh nhân khôn cực kỳ, chẳng lẽ không biết tính??
Chỉ có thể đoán:
- Đốt một phần lấy… khí thế
- Phần lớn… sẽ hạ cánh an toàn ở nước ngoài.
- Tiến đó không chỉ của ông mà tiền của quan cũng sẽ bay cao!
Họ chẳng dại!
Tiến
Tác giả gửi BVN\

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét