Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

20221219. TRÒ CHUYỆN KINH TẾ CUỐI NĂM 2022 (2)

    ĐIỂM BÁO MẠNG

TĂNG TRƯỞNG PHỤC HỒI NHƯNG KHÔNG THỂ CHỦ QUAN

TRẦN THUỶ/TVN 15-12-2022

“Chống lạm phát trở thành mục tiêu ưu tiên số một; ổn định kinh tế vĩ mô phải được duy trì bằng mọi giá; chính sách tiền tệ và tài khoá tiếp tục thắt chặt”. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung đã nhận xét như vậy khi nói về nền kinh tế hiện nay.

Tăng trưởng phục hồi nhưng đầy thách thức

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 cho thấy nền kinh tế phục hồi ấn tượng, nhanh và kỳ diệu, đặc biệt là trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, những yếu tố tạo nên sự hồi phục là nhất  thời và đang giảm dần từ quý IV/2022 và có thể trong năm 2023. Vì thế, chúng ta không nên quá lạc quan với thành tựu vì khi đánh giá quá lạc quan, sẽ nhìn nhận thực tế không đúng và sẽ có chính sách không phù hợp.

Những khó khăn bên ngoài ngày càng rõ ràng. Kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát gia tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới, lãi suất tăng, đồng đô la lên giá, cầu tiêu dùng suy giảm.

Các yếu tố này làm cho cầu nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thu hẹp. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng lên, doanh thu giảm khiến các doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động. Các động lực tăng trưởng đều suy giảm: xuất khẩu suy giảm, nhu cầu suy giảm, đầu tư tư nhân suy giảm, giải ngân đầu tư công kém... Chính phủ ưu tiên chống lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi vay tăng cao, tiền đồng mất giá khoảng 10% so với đô la Mỹ.


Đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.
 Ảnh TTXVN.

Chống lạm phát trở thành mục tiêu ưu tiên số 1; ổn định kinh tế vĩ mô phải được duy trì bằng mọi giá; chính sách tiền tệ và tài khoá tiếp tục thắt chặt.  

Thị trường tài chính nhiễu động mạnh, niềm tin của nhà đầu tư bị thách thức, thanh khoản thị trường ở mức thấp. Thị trường chứng khoán suy giảm mạnh và nhanh. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị dứt gãy. Việc huy động vốn qua tất cả các kênh thị trường trở nên khó khăn hơn. 

Thị trường bất động sản chuyển nhanh từ nóng sang lạnh và thậm chí đóng băng cục bộ; thanh khoản suy giảm; vốn đọng lại trong bất đông sản lớn; hàng loạt công ty, nhà đầu tư bất động sản mất thanh khoản, mất khả năng thanh toán; và giải thể, phá sản.

Hệ thống tổ chức tín dụng vừa hồi phục sau khủng hoảng 2009-2012, thì nay đang bị lung lắc mạnh; thành quả của 10 năm hồi phục, xử lý nợ xấu có nguy cơ bị hao mòn nghiêm trọng.

Đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí khó khăn hơn 10 năm trước(2010-2012).

Trong khi đó, các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cũng suy giảm. Có biểu hiện cho thấy, xu hướng thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính tăng lên hơn là kiến tạo. Hơn 10 năm trước Chính phủ đã nhấn mạnh, 1 năm doanh nghiệp chỉ bị thanh tra, kiểm tra tối đa 1 lần. Giờ đây cứ có vấn đề gì xảy ra, câu đầu tiên là: tôi sẽ lập đoàn thanh tra, tôi sẽ lập đoàn kiểm tra, như câu chuyện xăng dầu vừa qua.

Các báo cáo nghiên cứu độc lập, có chiều sâu, kiến nghị có hệ thống, được thảo luận ở cơ quan cấp cao cũng đang ngày càng thiếu vắng. Những khái niệm “Chính phủ kiến tạo”, “Nhà nước kiến tạo”, đang giảm dần trong các cuộc thảo luận về chính sách. Việc quản lý, xử lý một số trường hợp ở thị trường xăng dầu, trái phiếu doanh nghiệp tỏ ra thiếu nhạy bén, thậm chí can thiệp thô bạo vào thị trường dù có chỉ đạo “không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự”.

Một hiện tượng chưa từng thấy suốt 30 năm qua là công chức không dám làm, không dám quyết định, do lo sợ trách nhiệm. Điều này phản ánh tâm trạng thiếu vắng cải cách đột phá về môi trường kinh doanh để tạo ra luồng sinh khí mới cho phát triển.

Hành động của Nhà nước

Trước hoàn cảnh này, theo ông Nguyễn Đình Cung, cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững và giải quyết vấn đề xã hội. Sau 10 năm thì đến nay cần bỏ trần tín dụng chuyển sang điều hành linh hoạt hơn để theo các quy chuẩn an toàn vốn; cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ đối với doanh nghiệp; mở rộng và cung ứng tín dụng có mục tiêu, duy trì chế độ quản lý tỷ giá như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần xem xét miễn, giảm thuế, phí với quy mô lớn cho đến hết năm 2025; giảm và ổn định tiền thuê đất. Phân bố lại nguồn lực các chương trình quốc gia và chương trình an sinh trong gói phục hồi để hỗ trợ nhiều hơn, kịp thời hơn cho người lao động mất việc làm.
Cần tập hợp, đánh giá và phân loại các nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công đã tồn tại nhiều năm, trên cơ sở đó, nên có nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2022-2025.

Cải cách thể chế đủ mạnh, nhất quán hướng theo thị trường. Không hình sự hoá quan hệ kinh tế - dân sự. Quản lý, điều tiết thị trường bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính, thay đổi luật pháp theo lối “giật cục”, khó đoán định, làm đứt gãy hoạt động bình thường của thị trường. Hoá giải các nỗi sợ của công chức Nhà nước, nhất là ở địa phương, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm.


Nhà nước cần xem xét miễn, giảm thuế, phí với quy mô lớn  đến hết năm 2025, cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh Trần Chung.

Mở cửa, khôi phục lại và bình thường hoá hoạt động du lịch quốc tế. Tiếp tục tạo thuận lợi thương mại nhất là trên lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Hỗ trợ cho sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn. Khơi thông, đón đầu dòng vốn đầu tư FDI thế hệ mới. Đa dạng hoá và nâng tầm quan hệ với các cường quốc đang lên.

Thực hiện chuyển đổi số, chuyển nhanh sang áp dụng mô hình kinh doanh mới, nhất là thương mại điện tử; giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh

Thực hiện chuyển đổi số, chuyển nhanh sang áp dụng mô hình kinh doanh mới, nhất là thương mại điện tử;  giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực. Gia tăng xuất khẩu nông sản thực phẩm, và phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm; phát triển kinh tế tuần hoàn trong linh vực nông nghiệp. Đổi mới hệ thống quản trị, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ tốt, phù hợp nhằm nâng cấp và nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả và hiệu lực quản lý.

Thực hiện đào tạo cho cổ đông, người quản lý và người lao động bằng các hình thức, cách thức và kiến thức, kỷ năng phù hợp, nhất là quản lý, nghiên cứu và phát triển thị trường, chuyển đổi số,.v.v….

Với các doanh nghiệp Nhà nước, cần mở rộng một bước quyền tự chủ đầu tư kinh doanh của họ. Xin lấy ví dụ: Cần mở rộng có chọn lọc mô hình kinh doanh đa ngành, nhất là những ngành nghề trong hệ sinh thái của ngành kinh doanh chính, hoặc/và các ngành nghề mà dnnn có thể sử dung tài sản, nguồn lực hiện có một cách hiệu quả hơn. Tự chủ cơ cấu lại danh mục tài sản, danh mục đầu tư, chuyển đổi sang mua sắm loại tài sản tạo giá trị gia tang cao hơn.

Hiện tại doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý và sử dung nguồn lực rất lớn nhất là đất đai, những không thể mở rộng kinh doanh sang các ngành nghề tận dung hết các nguồn lực đó; vì vậy, nguồn lực lớn đã để đóng băng  không tạo ra giá trị cho xã hội. Nếu mở rộng thêm quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp Nhà nước như kiến nghị trên, thì danh mục tài sản, danh mục đầu tư được cơ cấu lại, được sử dung có hiệu quả hơn, từ đó nâng cao được hiệu quả hoạt động DNNN, góp phần thêm vào tang trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Trần Thủy (lược ghi)

NHẬN DIỆN THÁCH THỨC TRONG NĂM 2023

LAN ANH/ TVN 16-12-2022

Tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2023 dưới tác động trực tiếp của suy giảm kinh tế thế giới cũng như những nút thắt nội tại của nền kinh tế nước ta.

Năm 2023 gặp nhiều thách thức hơn

Nhiều đại diện tổ chức quốc tế, các nhà kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam bên thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2023 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ phối hợp tổ chức hôm nay đã có một số phân tích và bình luận về mức tăng trưởng Việt Nam năm 2023.

Ông Andrew Jeffries Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng tầm 6.3% trong năm 2023. Tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại quý 3 năm 2022 đã có sự phục hồi mạnh mẽ tuy nhiên quý 4 lại đang chững lại.


Việt Nam sẽ tăng trưởng tầm 6.3% trong năm 2023

Xuất khẩu tăng trưởng 15% đang có những dấu hiệu chậm lại, chủ yếu là do sự chững lại của nền kinh tế các nước phát triển vì đây là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Điển hình là việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và những Ngân hàng trung ương khác khiến nền kinh tế thế giới bị thắt chặt và đây sẽ là một rủi ro lớn cho Việt Nam.

Trong tháng 11, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI (Purchasing Managers’ Index) của Việt Nam giảm còn 47 - 48%. Con số dưới 50% là những dấu hiệu đầu tiên của sự suy thoái trong sản xuất.

Phân tích thêm về tình hình kinh tế hiện nay, ông Andrew Jeffries cho biết, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần tăng lãi suất trong năm nay và nới rộng biên độ dao động tỷ giá từ 3% lên 5% nhằm giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối. Từ đầu năm đến nay, đồng Việt Nam đã mất giá so với đô la Mỹ khoảng 9%. Đó là nguy cơ làm tăng thêm lạm phát do Việt Nam nhập khẩu nhiều nhiên liệu. Đây cũng là rủi ro đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam do Việt Nam nhập khẩu nhiều bán thành phẩm để lắp ráp và tái xuất khẩu.

Tuy nhiên, trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào – ông Francois Painchaud dự báo tăng trưởng Việt Nam năm sau khoảng 5.8% do sức cầu của thị trường thế giới co hẹp, chính sách tiền tệ thắt chặt và kéo dài hơn. Nhưng dù sao đây cũng vẫn được xem là mức tăng trưởng nhanh so với nhiều quốc gia khác.

Lấy lại động lực cho thị trường bất động sản

Bất động sản là một trong những lĩnh vực khó khăn trong năm 2023. Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM lo lắng, hiện tại, thị trường bất động sản đang đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, nhưng phải đi đôi với nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu của từng doanh nghiệp bất động sản về đầu tư, sản phẩm hướng đến nhu cầu thực của thị trường bất động sản.

Bởi lẽ dễ nhận thấy hiện nay, đã có một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn; lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí bị lỗ; một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản…


Bất động sản là một trong những lĩnh vực khó khăn trong năm 2023. Ảnh: Hoàng Hà

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ quy định pháp luật, vướng mắc từ quy định pháp luật và dưới luật. Hơn 70% khó khăn của thị trường bất động sản là do vướng mắc về pháp lý. Các quy định dưới luật lại không phù hợp với quy định của luật hoặc xung đột với nhau. Thủ tục hành chính cũng tác động làm khó khăn vướng mắc cho thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, có chuyện một số cán bộ công chức có liên quan đến thị trường bất động sản thoái thác trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, đùn đẩy hồ sơ, không dám ra quyết định nên dự án bất động sản gặp khó khăn về thủ tục. Đó là nguyên nhân thuộc về phía nhà nước cần được xem xét giải quyết, ông Châu phân tích.

Về phía doanh nghiệp bất động sản, có tình trạng không thực hiện được đầy đủ các quy định pháp luật đối với dự án hay đầu tư dàn trải, không phù hợp với năng lực của mình. Một doanh nghiệp có thể chỉ có khả năng đầu tư 2, 3 dự án nhà ở nhưng lại đầu tư hàng chục dự án nên vượt quá tầm kiểm soát cũng như năng lực tài chính của chính mình. Có những trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ chấp hành pháp luật, thậm chí có trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật và phải xử lý như thời gian vừa qua.

Giữ chân người lao động

Người lao động cũng là vấn đề báo động. Nhiều doanh nghiệp đang tìm mọi cách để giữ được chân người lao động, như ông Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Giày Gia Định nói hiện nay doanh nghiệp phải xoay tua lao động, có nghĩa là người lao động chỉ làm việc 50%, đây là một việc bất đắc dĩ nên doanh nghiệp phải cố gắng tìm những đơn hàng nhỏ lẻ của khách hàng không phải truyền thống để giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động.

Như vậy, Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ và quyết đoán hơn để nâng cao năng suất, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nâng cao tay nghề và kĩ năng của người lao động khi đối diện với những khó khăn nội tại của nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực, để đạt được mục tiêu trung hạn đến năm 2035 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao và năm 2045 thành nước thu nhập cao.


Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm được triển khai với mục đích tập hợp ý kiến các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế để phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc về các kết quả, hạn chế tồn tại của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022.

Nhận diện được cơ hội và những rủi ro và thách thức cả trong nước và từ bên ngoài, mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023, cũng như dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023. Qua đó đề xuất các định hướng, khuyến nghị các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa cơ hội, để Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức.


LAN ANH


BA 'CƠN GIÓ NGƯỢC' VÀ NHIỀU BÀI TOÁN TẠI DIỄN ĐÀN KINH TẾ 

VIỆT NAM 2023

TƯ GIANG/TVN 16-12-2022

Những dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản, của thị trường vốn, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng, khả năng chống chịu của nền kinh tế,... và nhiều vấn đề khác đặt ra nhiệm vụ rất lớn và khó khăn cho năm 2023.

Các nhà điều hành kinh tế của đất nước có thể thở phào với mức tăng trưởng kinh tế từ 8 - 8,2% cùng với nhiều chỉ số thống kê tích cực khác về kinh tế xã hội khi những ngày cuối cùng của năm 2022 hậu Covid đang dần qua đi.

Một mặt, nền kinh tế hội nhập sâu rộng của Việt Nam phải đối diện với những tác động rất nhanh và trực tiếp của môi trường quốc tế “không có tiền lệ”, “không dự báo được”. Một mặt, nền kinh tế phải xử lý những nghịch lý ngặt nghèo khi các hoạt động bị “đông cứng” tích tụ sau hơn hai năm Covid.

Những thách thức nội tại hiện nay và cho năm tới, biện pháp xử lý và nhiều nội dung khác sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ đồng chủ trì tổ chức vào mai (17/12) tại Hà Nội.


Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 ngày 5/06/2022

Trước Diễn đàn này, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nói: “Việt Nam chúng ta dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023 trong bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp và khó lường”.

Tăng trưởng giảm sút, lạm phát cao, đồng tiền phá giá, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, giá nhiên liệu biến động, và nhiều nguyên nhân khác ở các thị trường quốc tế, theo ông Tuấn Anh, sẽ gây ra tác động và hệ lụy rất tiêu cực đến các nền kinh tế, nhất là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ông nhận xét, Việt Nam đang đối diện với rất nhiều vấn đề kinh tế mang tính nội tại và chưa được giải quyết. Ví dụ, những dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản, của thị trường vốn, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng, khả năng chống chịu, năng lực tự chủ của nền kinh tế... Tất cả những điều này sẽ đặt ra nhiệm vụ rất lớn và khó khăn cho để giải quyết trong năm 2023.

Ông cho biết, Diễn đàn sẽ giúp phân tích, dự báo các kịch bản cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, và đưa ra các đề xuất chính sách, các giải pháp nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giúp giải tỏa các điểm nghẽn trên các thị trường.

“Chúng ta sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023, năm bản lề của kế hoạch 5 năm, góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước như Đại hội Đảng XIII đã thông qua”, ông nhấn mạnh.

Trước thềm Diễn đàn, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào, ông Francois Painchaud đánh giá: “Chúng tôi đánh giá có 3 “cơn gió ngược” với kinh tế Việt Nam: Thứ nhất, điều kiện về tài chính toàn cầu đang thắt chặt hơn. Thứ hai, xung đột Nga – Ukraina. Thứ ba, sự giảm tốc trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc…”.

Ở bên ngoài, theo IMF, nền kinh tế Mỹ dự báo sẽ bước vào suy thoái kinh tế từ cuối năm 2022 với tăng trưởng giảm từ 5,7% trong năm 2021 xuống 1,6% vào năm 2022 và dự báo 1% vào năm 2023. Tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm còn 3,2% năm 2022, mức thấp nhất trong 40 năm qua. Tăng trưởng kinh tế của EU chậm lại với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 3,1% vào năm 2022 và chỉ còn 0,5% vào năm 2023.

Trước sức cầu của thị trường thế giới co hẹp, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ kéo dài nên IMF dự báo, năm sau Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, đây cũng vẫn là mức tăng trưởng nhanh so với nhiều quốc gia.

Ông Francois Painchaud cho biết, trong nước, IMF nhận thấy hai rủi ro với Việt Nam: Thứ nhất, lạm phát sẽ tiếp tục tăng dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt và thận trọng hơn. Thứ hai, tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện nay. Vì vậy điều hành chính sách phải xuyên suốt, linh hoạt và hài hoà để quản lý rủi ro, tối ưu hiệu quả chính sách giữa tăng trưởng và lạm phát, giảm thiểu ảnh hưởng của sự giảm tốc.

“Rõ ràng đây là yêu cầu lớn với chính sách tiền tệ tập trung vào bài toán lạm phát, có thể thắt chặt hơn nếu lạm phát tăng cao, giữ vững ổn định tài chính”, ông khẳng định.

Trong khi đó, khu vực FDI đặt dấu ấn ngày càng sâu đậm lên nền kinh tế khi đóng góp tới hơn 20% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Doanh nghiệp FDI chi phối 12/24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đóng vai trò chi phối ở 4/5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ đồ gỗ.

Năng lực sản xuất của Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp; khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam chủ yếu là gia công và càng ngày mức độ gia công càng cao hơn.

Thực tế này cho thấy nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực FDI và một số thị trường lớn. Trước tình thế này, Việt Nam sẽ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ như thế nào?


Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm cấp cao, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 tại TP.HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, người sẽ chủ trì Diễn đàn này, từng nhấn mạnh, Chính phủ kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột hay điều hành giật cục.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sát thực tiễn tình hình. Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ. Chính phủ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong năm 2022 nhưng cả giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng trưởng bình quân xấp xỉ khoảng 5,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025.

Vì vậy, năm 2023 được xác định là năm bản lề quyết định để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025 mà Đại hội XIII, đặc biệt là trong khi bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và các tổ chức quốc tế đang từng ngày tác động tiêu cực đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tất cả các bài toán trên đây và hơn nữa sẽ được đặt ra tại Diễn đàn “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” ngày 17/12/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

TƯ GIANG

TRIỂN VỌNG TÍCH CỰC CHO NỀN KINH TẾ VIỆT NAM TRONG NĂM 2023

MẠNH HÀ/ TVN 18-12-2022

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo có triển vọng tích cực trong năm 2023 sau khi ghi dấu sự ổn định vào cuối năm 2022, với nhiều chỉ số vĩ mô tươi sáng trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, bất định.

Ổn định vào cuối năm 2022

Thị trường tài chính Việt Nam chuyển biến tích cực trong vài tuần cuối cùng của năm 2022, căng thẳng tỷ giá được giải quyết gần như dứt điểm, lạm phát tiếp tục ở mức thấp. Thị trường trái phiếu lùi bước để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn sẽ giúp Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức.

Trong hơn hai tuần cuối tháng 11, đầu tháng 12, tỷ giá USD/VND giảm rất nhanh. Đồng USD giảm gần 4,8% so với mức đỉnh ghi nhận hôm 25/10, từ mức 24.888 đồng/USD (Vietcombank) xuống còn 23.700 đồng/USD hôm 15/12.

“Tình hình đảo ngược nhanh chóng. Tỷ giá không còn căng thẳng. Đến giai đoạn này việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cũng không còn khiến thị trường quá lo ngại”, một chuyên gia tài chính chia sẻ.

Khi đồng VND mạnh lên, dòng vốn quốc tế sẽ đảo ngược mạnh mẽ, chảy mạnh hơn vào Việt Nam.


Tỷ giá USD/VND tại Vietcombank giảm mạnh từ 25/10. (Biểu đồ: Mạnh Hà)

Sáng 16/12, lần đầu tiên trong 3 tháng rưỡi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã niêm yết trở lại giá chào mua USD ở 23.450 đồng/USD, sau khi ngừng công bố giá mua tại hội sở NHNN từ cuối tháng 8/2022.

Tín hiệu rõ ràng rằng, NHNN sẽ mua vào đồng USD (sau khi đã bán USD ra để ổn định tỷ giá trong thời gian trước đó).

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, dự báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể được cải thiện trong năm 2023, từ mức 89 tỷ USD hiện tại lên 102 tỷ USD vào cuối năm. NHNN đã bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá trong tháng 10/2022.

Trong năm 2023, bà Hiền kỳ vọng thặng dư thương mại đạt mức 12,0 tỷ USD (cao hơn so với mức dự kiến 10,4 tỷ USD trong năm 2022).

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát tại Việt Nam có xu hướng tăng nhưng vẫn ở mức khá thấp. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước.


Lạm phát tính đến tháng 11/2022. (Biểu đồ: Mạnh Hà)

Với tình hình vĩ mô ổn định như hiện tại, hôm 5/12, NHNN đã nâng chỉ tiêu tín dụng lên thêm 1,5-2%, qua đó sẵn sàng bơm thêm khoảng 240 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế. Số tiền này góp phần giải quyết vấn đề thanh khoản, giúp các doanh nghiệp thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023.

Với nhiều chuyên gia, việc đồng USD giảm mạnh và NHNN mua USD là một tín hiệu tốt. Điều đó cho thấy Việt Nam đang quay trở về với thời kỳ "bơm tiền" ra để đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế.

Bà Thái Thị Việt Trinh - chuyên viên phân tích vĩ mô đến từ SSI Research, cho rằng, việc NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là nhằm cung cấp thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp đang cấp thiết vào cao điểm cuối năm. Trong đó, dòng vốn được kỳ vọng sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.

Động thái này cho thấy chính sách linh hoạt của NHNN để giải quyết vấn đề thanh khoản ngay khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt và lạm phát được kiểm soát, sau những sự kiện gây xáo trộn các cân đối vĩ mô trong 2 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, việc nới tín dụng ngay đầu tháng cũng sẽ giúp NHTM và các DN chủ động chuẩn bị hồ sơ và nguồn vốn sớm hơn để giải ngân, tránh bị lặp lại tình trạng như cuối năm 2021 (và là một trong những lý do khiến tín dụng tăng mạnh ngay trong tháng 1/2022).

Triển vọng kinh tế 2023 tích cực

Hôm 14/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm 2022 (từ mức 6,7% theo dự báo trước đó). Đồng thời, lạm phát được dự báo xuống còn 3,5%.

Trong năm 2023, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu. Đây là mức cao hơn dự báo của tổ chức này đưa ra hồi tháng 4/2022.


Một số tổ chức vẫn dự báo GDP Việt Nam tăng khá cao trong năm 2023. 

(Biểu đồ: Mạnh Hà)

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định rằng, châu Á và Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng các điều kiện toàn cầu đang xấu đi.

Đại diện ADB cho rằng, thách thức đối với Việt Nam đang giảm đi nhanh chóng. Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất cũng tích cực đối với Việt Nam. WB cũng thừa nhận, đồng USD yếu đi giúp giảm nhẹ áp lực đối với tỷ giá. 

Trước đó, bà Pemba Tshering Sherpa, phụ trách truyền thông IMF, cho rằng, năm 2023, Việt Nam phải đối mặt với một môi trường bên ngoài đầy thách thức, nhưng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm vẫn đạt khoảng 5,8%.

Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng. Ở kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7%. Kịch bản 2, con số chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.

Thị trường chứng khoán được dự báo khá tích cực. Theo ACBS, triển vọng toàn cầu sẽ tích cực hơn trong năm 2023, đặc biệt nửa sau của năm. Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ vượt đỉnh cũ để tiến lên 1.550 điểm vào cuối năm 2023.

Bà Trần Thị Khánh Hiền cũng cho rằng, nửa đầu 2023 TTCK có thể còn nhiều thăng trầm nhưng cuối năm sẽ tích cực. Theo đó, đầu năm, lạm phát có thể lên do áp lực từ giá điện, vận tải, học phí... Dù vậy, đây đều là các yếu tố có thể kiểm soát được.

Một số mục tiêu kinh tế năm 2023

Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Các chỉ tiêu chính được xác định: GDP tăng khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. CPI tăng bình quân khoảng 4,5%.

MẠNH HÀ


LẤY LẠI ĐÀ CHO CẢI CÁCH


TRẦN THUỶ/ TVN 18-12-2022


Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Và ngược lại.

Vướng mắc thủ tục là lớn nhất

Gần đây, không ít ý kiến đã lên tiếng về môi trường kinh doanh tiếp tục lâm vào tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hơn 70% khó khăn của thị trường bất động sản là do vướng mắc về pháp lý, trong khi các quy định dưới luật lại không phù hợp với quy định của luật hoặc xung đột với nhau. “Một số cán bộ công chức có liên quan đến thị trường bất động sản lại thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm, đùn đẩy hồ sơ, không dám ra quyết định, nên dự án bất động sản gặp khó khăn về thủ tục”, ông phản ánh.


Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển. Ảnh Thiện Chí.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng kể với chúng tôi, tình trạng công chức không muốn, không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Có những công chức tâm sự với ông: “Em thà chịu bị phê bình làm chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ còn hơn là bị kỷ luật, có thể bị truy cứu hình sự”, “Em làm cũng sai, mà không làm cũng sai”, “Bây giờ em đọc các văn bản pháp luật có liên quan, em thấy các quy định đó như những cái bẫy đối với chúng em, và em sợ”.

Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, từ đó tạo thêm việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Và tất nhiên là ngược lại.

Quy chuẩn kỹ thuật bị cài cắm thành điều kiện kinh doanh

Xin kể một vài câu chuyện ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bị cài cắm và thông tư đang nổi lên gần đây.

Dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với bến xe hàng” của Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến đã đưa ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với bến xe hàng. Theo đó, bến xe phải đáp ứng các quy chuẩn như khu vực đỗ xe dành cho phương tiện khác; khu vực làm việc của bộ máy quản lý; bãi hàng hóa; khu vệ sinh; có hệ thống camera giám sát 24/7 và dữ liệu được lưu giữ tối thiểu 1 tháng; phải có hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung; phải đảm bảo phòng cháy, nổ theo các yêu cầu tối thiểu; phải có hệ thống chiếu sáng; an toàn vệ sinh thực phẩm. Những quy định này có vẻ đã trùng lắp với nhiều quy định hiện hành về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, chiếu sáng, thoát nước, an toàn thực phẩm… mà các bến xe hàng vốn dĩ phải đáp ứng. Vì thế, sẽ gây ra sự chồng chéo và phức tạp khi thực hiện.

Một số quy định trong Dự thảo giống như điều kiện kinh doanh bắt buộc phải thực hiện. Chẳng hạn như quy định, bến xe hàng phải có hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường chỉ quy định, các bến xe hàng có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải thôi, chứ không cần phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Hay quy định phải có hệ thống camera giám sát 24/7 và dữ liệu được lưu giữ tối thiểu 1 tháng. Việc bắt buộc lắp camera và có hệ thống lưu trữ dữ liệu sẽ gây tốn kém, tạo ra chi phí lớn cho các bến xe hàng.

Việc đưa ra các quy chuẩn mà về bản chất như điều kiện kinh doanh như trường hợp trên không phải cá biệt. Vào tháng 7/2022 vừa qua, dư luận đã xôn xao với Dự thảo “Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại” do Bộ Công thương soạn thảo.

Dự thảo này yêu cầu tất cả các siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Các siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng. Cùng với đó là một loạt những quy định định tính khác như: cần có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận, mua bán hàng hoá; công trình kiến trúc vững chắc, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại…

Xin trích quan điểm từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): các quy định này đã can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và tạo ra sự không minh bạch, gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh.


Có xu hướng đáng lo ngại, khi nhiều dự thảo văn bản pháp luật đang được soạn thảo theo hướng siết chặt hơn điều kiện kinh doanh. Ảnh Trần Chung.

Lấy lại đà cải cách môi trường kinh doanh

Sau nhiều nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh, giúp môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho người dân và doanh nghiệp, giờ đây xuất hiện trở lại tình trạng "cài cắm" các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào các thông tư, văn bản pháp luật cấp bộ, ngành.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI nhận định, có xu hướng đáng lo ngại, khi nhiều dự thảo văn bản pháp luật đang được soạn thảo theo hướng siết chặt hơn điều kiện kinh doanh. Tư duy cũ, ưu tiên quản lý Nhà nước bằng công cụ “điều kiện kinh doanh” đang tạo ra những rào cản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn đến cả nền kinh tế.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét rằng, đang có xu hướng các điều kiện kinh doanh bắt đầu quay trở lại và phát triển thêm ra.

Còn ông Nguyễn Đình Cung thì lo ngại, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 và chưa kịp phục hồi thì những khó khăn mới lại diễn ra như chi phí đầu vào tăng cao, đơn hàng giảm, dòng tiền cạn kiệt, vì vậy cải thiện môi trường kinh doanh càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, thậm chí có ý nghĩa nhiều hơn so với các gói hỗ trợ. Nó giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, an toàn, giảm thiểu chi phí.

Ông đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khi ban hành hay sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật mới không được đặt thêm các rào cản, không đi ngược lại những cải cách đã có, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Ngoài ra, lúc này cần tập trung và dành nguồn lực, để hoá giải phần nào sự kháng cự lại xu thế cải cách. “Tôi cho rằng cần rất cảnh giác trước những nỗ lực nhen nhóm nhằm phục hồi các công cụ quản lý đã lỗi thời, những quyền lợi, lợi ích đã từng bị cắt giảm trong quá trình cải cách trước đây”, ông nói.

Kiến nghị của các vị chuyên gia là rất đúng tinh thần của các Nghị quyết. Đó là “tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…”

TRẦN THUỶ

THỦ TƯỚNG: 'KẾT QUẢ 2022 ĐÁNG TỰ HÀO, CHÚNG TA KHÔNG TÔ HỒNG CŨNG KHÔNG BÔI ĐEN'

LƯƠNG BẰNG/VNN 17-12-2022

Thủ tướng cho rằng những thành tựu kinh tế của năm 2022 là đáng tự hào, không tô hồng nhưng cũng không bôi đen.

Chiều 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023".

Đáng tự hào

Dành 1 tiếng phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã lắng nghe và thu hoạch được rất nhiều nội dung rất đúng, rất trúng.


Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: BTC)

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp, "tất cả đều phải vào cuộc". Càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

“Lợi ích thì hài hòa, rủi ro, khó khăn thì chia sẻ. Tinh thần như vậy chúng ta mới làm được”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ về các yếu tố nền tảng để phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, phát huy tối đa yếu tố quyết định là yếu tố con người. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Nhấn mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), Thủ tướng cho rằng: Sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.000 USD năm 2021; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới.

Phân tích thêm về những kết quả của năm 2022, Thủ tướng nêu rõ, đây là những điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. 

“Chúng ta không tô hồng nhưng cũng không bôi đen”, Thủ tướng khẳng định.


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 (Ảnh: BTC)

Tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích tình hình, nguyên nhân và định hướng lớn trong xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập cần tiếp tục giải quyết liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng tín dụng, thị trường lao động, cũng như tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vừa qua.

Thủ tướng lấy ví dụ, thị trường chứng khoán dễ bị "thổi" lên. Nhiều trái phiếu doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm, lãi suất cao đi kèm rủi ro nhưng không tư vấn cho khách hàng... Lĩnh vực ngân hàng có tình trạng sở hữu chéo. Thị trường bất động sản tập trung vào phân khúc cho người giàu.

Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề xuất hiện trong quá trình vận động và phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau.

"Đã có bệnh thì phải chữa, nhưng chúng ta cùng lúc xử lý nhiều vấn đề trong điều kiện khó khăn nên càng khó khăn. Song dứt khoát phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan. Chữa bệnh thì phải mất thuốc, mất thời gian, mất công sức và phải chờ thời gian để ngấm thuốc", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tôn trọng  quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết. Các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ. Tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tránh tình trạng "lúc thuận lợi thì không sao, lúc khó khăn lại kêu Nhà nước".

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật.

Về thị trường bất động sản, phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp... "Nhà nước có chính sách nhưng các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều hơn thời cơ thuận lợi, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

"Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp", Thủ tướng khẳng định.

LƯƠNG BẰNG


SOI THÂN CÂY MỤC
ĐỖ NGÀ/FB.SOI/ BVN 18-12-2022

Tính trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 673,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 342,19 tỷ USD; nhập khẩu đạt 331,51 tỷ USD, thặng dư thương mại 10,68 tỷ USD vượt xa năm ngoái cùng kỳ. Tuy nhiên, đằng sau con số khả quan đó thì thực chất sức mạnh nền kinh tế Việt Nam là gì?
Theo con số của Cục Thống kê thì trong 11 tháng qua của năm 2022, khối FDI đã xuất 252,64 tỷ USD và nhập 216,06 tỷ USD. Như vậy khối FDI mang về cho nền kinh tế Việt Nam đến 36,58 tỷ USD. Trong khi đó, khối nội xuất 89,55 tỷ USD và nhập 115,45 tỷ USD. Như vậy khối nội làm chảy máu ngoại tệ một lượng là 25,9 tỷ USD.
Năm ngoái, khối FDI chiếm 69% tổng giá trị xuất khẩu cả nước và năm nay tỷ lệ khối FDI trong xuất khẩu lại nhảy lên 73,8%. Con số này nói lên thực tế rằng, năm 2022 (năm mà không còn dịch Covid-19 hoành hành) khối nội đang mất dần thế tự chủ của mình đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tính trong 11 tháng đầu năm 2021, khối FDI mang về cho nền kinh tế Việt Nam 22,87 tỷ USD trong khi đó khối nội lại làm chảy máu một lượng ngoại tệ 22,64 tỷ USD. Như vậy sau 12 tháng (từ Tháng 11/2021 đến Tháng 11/2022), khối FDI mang về cho nền kinh tế Việt Nam thêm 13,71 tỷ USD trong khi đó khối nội làm cho nền kinh tế mất thêm 3,26 tỷ USD. Khối ngoại tiến rất nhanh trong khi khối nội đi giật lùi dù cho Covid đã qua.
Nếu nói nền kinh tế Việt Nam đang đứng trên hai chân trụ, chân trụ ngoại (tức FDI) và chân trụ nội, thì rõ ràng chân trụ nội đang bị mất dần vị thế và nền kinh tế Việt Nam đang ngày một phụ thuộc nước ngoài.
Nếu cứ đà này, nền kinh tế Việt Nam chẳng khác nào “cây tầm gởi”, ký gởi số phận của mình lên khối FDI, vậy thì nền kinh tế Việt Nam tự lực tự cường thế nào được?
Nền kinh tế Việt Nam đang như anh què, trong đó khối nội rõ ràng là đôi chân bị què còn khối ngoại là đôi nạng gỗ. Đôi nạng này thuộc quyền sở hữu của người khác, họ chỉ cho mượn để anh què dưỡng chân nhằm sau này có thể tự đứng. Với tình hình đôi chân ngày một yếu đi như thế này thì rõ ràng, “một ngày đẹp trời” chủ của những chiếc nạng gỗ đòi lại thì nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?
Câu hỏi đặt ra là, khi đã hết dịch tại sao doanh nghiệp nội lại yếu đi trong khi doanh nghiệp ngoại lại lớn mạnh?
Sao ngược đời vậy?
Câu trả lời là do chính sách kinh tế Việt Nam đang có vấn đề.
Doanh nghiệp bị yếu đi do dịch không nghiêm trọng bằng việc các doanh nghiệp bị đánh gục bởi chính sách do chính quyền Cộng Sản ban ra.
Cái mục nát của nền kinh tế Việt Nam nó bắt đầu từ rất lâu. Vì những chính sách kém cỏi, vì những cơ chế yếu kém được duy trì và nuôi dưỡng mà bên trong khối nội đang có rất nhiều “sâu đục thân” đang đục khoét nền kinh tế.
Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC, Trí Việt, Egroup... trước đây nó khoác lên thân nó một hình ảnh “lá cờ đầu đàn” của nền kinh tế nhưng đến khi khui ra thì toàn là sâu mọt. Những con sâu này có thể sống một thời gian để vét cạn túi nhà đầu tư là bởi thể chế này đang cung cấp dinh dưỡng cho nó.
Hậu Covid-19, quốc gia nào cũng dùng chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát bởi thời kỳ Covid-19, quốc gia nào cũng bơm tiền quá trớn và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế khác thắt chặt tiền tệ thì ở xứ họ cũng không lòi ra một bầy sâu nhung nhúc như Việt Nam hiện nay đâu?
Ngay cả Vin Group – một doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam cũng đang bị đuối sau Covid với việc lập doanh nghiệp VMI để vét tiền nhà đầu tư không qua thị trường chứng khoán. Công ty mẹ Vin Group thì nợ gấp 2,85 lần vốn chủ sở hữu, còn công ty con Vinfast thì lỗ lũy kế đến 4,7 tỷ USD trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ có 4,4 tỷ USD. Con là “Chúa chổm” thì cầu cứu đến mẹ, nhưng mẹ cũng là “Chúa Chổm” thì con cầu cứu ai? Vin là doanh nghiệp đang có hậu thuẫn mạnh của thế lực chính trị mà cũng khốn khó như thế thì các “tép riu” chịu sao nổi với chính sách của ông Chính quyền này?
Nói cho cùng, các doanh nghiệp nội vốn dĩ đầy rẫy loại doanh nghiệp “sâu đục thân”, sâu chỉ chỉ lộ ra khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước ban ra như siết room tín dụng, nâng cao lãi suất điều hành...
Đó là thực tế đáng buồn.
Khối nội đã què mà còn đầy sâu bọ thì bền vững thế nào được? Nền kinh tế Việt Nam, nền kinh tế rỗng.
Đ.N.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét