Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

202301221. BÌNH LUẬN CHUYỆN ÔNG PHÚC BỊ MIỄN NHIỆM CTN

    ĐIỂM BÁO MẠNG

QUỐC HỘI MIỄN NHIỆM CHỨC VỤ CHỦ TỊCH NƯỚC ĐỐI VỚI ÔNG 
NGUYỄN XUÂN PHÚC

VOV/GDVN 18-1-2023

GDVN- Quốc hội khóa XV đã thực hiện quy trình miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Chiều 18/1, Quốc hội khóa XV họp kỳ bất thường lần thứ 3 tại Hà Nội để quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc ảnh 1

Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khoá XV diễn ra chiều 18/1/2023

Tại kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc (đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh).

Các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, miễn nhiệm các chức vụ nêu trên đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Theo quy định tại Hiến pháp, Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, vì vậy, khi Quốc hội miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước thì đương nhiên thôi chức danh Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh.

Trước đó, ngày 17/1, căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026..

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá ông Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khoá tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc ảnh 3

Với đa số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội khóa XV đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông là Ủy viên Trung ương các khóa: X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa (XI, XII, XIII) và là đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV, XV.

Quá trình công tác, ông Nguyễn Xuân Phúc từng kinh qua các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Phó tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ…/.

Theo vov.vn
LỊCH SỬ CẦN SÒNG PHẲNG, RÕ RÀNG VỚI NHAU

ĐỖ THÀNH NHÂN/ TD 19-1-2023

Trung ương Đảng và Quốc hội cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Chủ tịch nước là hoàn toàn đúng. Đất nước này không thiếu người có tài năng, uy tín và đạo đức để làm người đại diện cho quốc gia.
Lần đầu tiên trong lịch sử đảng Cộng sản có vị Chủ tịch nước (bị buộc, xin) thôi chức giữa nhiệm kỳ để nghỉ hưu. Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Phúc dù sao cũng là Chủ tịch nước, về mặt đối ngoại là "nguyên thủ quốc gia" - là một nhân vật của lịch sử hiện đại, nên cũng cần sòng phẳng, rõ ràng với nhau về công và tội của ông Phúc.
Ông Nguyễn Xuân Phúc làm CTN từ tháng 4-2021, cũng có nghĩa rời ghế Thủ tướng, không còn điều hành Chính phủ tại thời điểm đó, để trao quyền cho Thủ tướng kế nhiệm là ông Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, quy cho ông Phúc "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự" là cần xem xét lại.
Thứ nhất: cần xác định rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu.
- Nếu trách nhiệm về Quản lý nhà nước trước Hiến pháp và pháp luật thì các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng thuộc Chính phủ mà Thủ tướng là người đứng đầu, chứ không phải Chủ tịch nước.
- Nếu trách nhiệm về mặt Đảng thì nhiều Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị (Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh), thì ông Nguyễn Xuân Phúc không phải là người đứng đầu.
Thứ hai: cần xác định thời gian xảy ra sai phạm.
Những Phó thủ tướng, Bộ trưởng, Cán bộ sai phạm đều là người của Chính phủ nhiệm kỳ mới được Quốc hội phê chuẩn.
Hầu hết những sai phạm của những vị nói trên đến mức phải bị truy tố, kỷ luật đều liên quan tới chống dịch Covid, tới Việt Á, tới các chuyến bay giải cứu, xảy ra chủ yếu trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, chứ không phải thời ông Phúc làm Thủ tướng Chính phủ.
Nếu nhiệm kỳ Chính phủ trước ông Phúc làm sai (hoặc không phù hợp), thì nhiệm kỳ mới, Chính phủ mới, Thủ tướng mới có quyền và phải có trách nhiệm điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Ngay cả Chủ tịch UBND Tỉnh mới cũng có quyền ban hành nhiều quyết định hành pháp thay thế quyết định của Chủ tịch cũ là hoàn toàn bình thường. Tại sao Thủ tướng Chính phủ mới lại không thực hiện?
***
Cá nhân người viết bài này, qua dư luận xã hội và chứng nhận một số vụ việc thì ông Nguyễn Xuân Phúc không xứng đáng làm CTN nữa và rất đồng thuận với Trung ương Đảng, Quốc hội cho thôi chức.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn quyền con người, quyền công dân, ông chưa có tội gì, cho đến khi Tòa án phán quyết. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng không phải là cái thùng rác để đổ hết tất cả trách nhiệm, tội lỗi vào đó, là điều không công bằng với ông ta.
Điều quan trọng là ông Nguyễn Xuân Phúc từng là "nguyên thủ quốc gia" - là con người của lịch sử nên cần đánh giá trung thực, khách quan về lịch sử.
Nói thêm:
1. Nếu cho rằng bà Trần Thị Nguyệt Thu, phu nhân nguyên CTN Nguyễn Xuân Phúc hoặc những người có quan hệ với ông Phúc "lợi dụng ảnh hưởng" để trục lợi, làm bậy, thì đây thuộc là vấn đề của thể chế, pháp luật chứ không phải riêng bà Thu.
2. Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc không phải "BỊ BUỘC thôi chức" mà "TỰ NGUYỆN XIN thôi chức" thì phải nói là ông Phúc còn hơn những "người tử tế" khác.
Đã đến lúc cần có Luật Hiến pháp và Tòa án Hiến pháp để phán quyết những trường hợp như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

CÒN TỔNG BÍ THƯ, BỘ CHÍNH TRỊ VÀ BCH TƯ ĐẢNG... THÌ SAO?

TRÂN VĂN/VOA/ TD 19-3-2023

LẼ NÀO “ĐỒNG CHÍ” NGUYỄN XUÂN PHÚC LẠI TỰ TRỌNG HƠN TỔNG BÍ THƯ, CÁC THÀNH VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ, CÁC ỦY VIÊN BCH TƯ ĐẢNG KHÓA 13?
Trong phiên họp bất thường và... bất ngờ hôm 17/1/2023 Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng khóa 13 đã... nhất trí: Để đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - an ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026 theo... “nguyện vọng của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc”.
Sở dĩ “đồng chí Nguyễn Xuân Phúc” nêu “nguyện vọng” như vừa dẫn và BCH TƯ đảng khóa 13... nhất trí... đáp ứng vì: Đồng chí chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai đồng chí Phó Thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hai đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, hai bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.
Cứ như những gì BCH TƯ đảng khóa 13 mới thông báo thì “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc tự nguyện đệ đạt nguyện vọng được... rời chức vì: Nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân nên có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu (1). Cũng vì vậy cần phải tự hỏi, chẳng lẽ đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và BCH TƯ đảng chỉ... nhất trí rồi... thôi?
***
Các Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13 được các đại biểu đại diện cho toàn bộ đảng viên đảng cộng sản trên toàn Việt Nam bầu ra hồi cuối tháng giêng năm ngoái, sau đó chính họ lựa chọn và bỏ phiếu bầu các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo... “quy trình bảy bước”, bầu Tổng Bí thư theo... “quy trình sáu bước” (2) và toàn bộ hoạt động lựa chọn - giới thiệu – bỏ phiếu được khẳng định là... “thận trọng, chặt chẽ, dân chủ”.
Kết quả của quy trình... “thận trọng, chặt chẽ, dân chủ” đó là... chỉ chưa đầy một năm, BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 phải họp... “bất thường”... ba lần (6/2022, 12/2022, 1/2023) để... giải quyết vấn đề nhân sự. Nếu tính kết quả giải quyết vấn đề nhân sự cả ở các kỳ họp chính thức và bất thường thì BCH TƯ đảng khóa này đã phải nhất trí loại bỏ... chín thành viên, trong đó có hai thành viên là Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước và Phó Thủ tướng Thường trực. Trong chín thành viên đã bị loại bỏ, phần lớn bị loại bỏ vì đã có “khuyết điểm, sai phạm” từ trước khi được lựa chọn – giới thiệu – bầu vào BCH TƯ đảng khóa 13 và tất cả những “khuyết điểm, sai phạm” ấy đều “nghiêm trọng tới mức phải xử lý kỷ luật”, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự... Lựa chọn – sắp đặt nhân sự như thế là “thận trọng, chặt chẽ” hay... ngoa ngôn?
Sự... “bất thường” trong lựa chọn – sắp đặt nhân sự của BCH TƯ đảng CSVN không chỉ nằm ở số lượng... “kỳ họp bất thường” mà còn nằm ở cách thức tổ chức những... “kỳ họp bất thường” này. Ví dụ, hai... “kỳ họp bất thường” đầu tiên còn thông báo trước nhưng “kỳ họp bất thường” vừa diễn ra thì... không thông báo, chỉ công bố kết quả. Ví dụ, tuy mục đích giống nhau (giải quyết vấn đề nhân sự) chẳng ai hiểu tại sao phải chia làm hai, lần trước (lần hai) cách lần sau (lần ba) chưa đầy ba tuần? Ví dụ, trên danh nghĩa, nhân sự là vấn đề do các thành viên BCH TƯ đảng quyết định thông qua hội họp nhưng BCH TƯ đảng chưa họp thì toàn đảng, toàn dân đã biết... kết quả chung cuộc! Nếu... “dân chủ trong đảng” chỉ là như vậy thì chi tiêu cho các... “kỳ họp bất thường” nói riêng và những kỳ họp khác của BCH TƯ đảng nói chung có khác gì lạm chi cho... quảng cáo?
Tương tự, nếu các Ủy viên BCH TƯ đảng cũng chỉ gật và lắc theo tác động của... ngoại lực thì bày ra BCH TƯ đảng làm gì cho tốn kém? Nếu không chỉ biết gật và lắc theo tác động của... ngoại lực thì làm gì có chuyện cuối tháng giêng năm ngoái, 200 ủy viên mới được bầu vào BCH TƯ đảng khóa 13 (bao gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết) công khai... vi phạm điều lệ (không để đồng chí nào đảm nhận vai trò Tổng Bí thư quá hai nhiệm kỳ) nhất trí bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp các khuyến cáo trước đó: Nếu đồng chí Nguyễn Phú Trọng muốn tiếp tục làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa sau khi đã là Tổng Bí thư hai nhiệm kỳ liên tiếp thì cần sửa đổi Khoản 1 Điều 17 trong điều lệ hiện hành của đảng CSVN (3).
Nếu không chỉ biết gật và lắc theo tác động của... ngoại lực thì tại sao hạ tuần tháng trước (12/2022), các Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13 nhất trí để “đồng chí” Phạm Bình Minh... “thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13” và nhất trí để “đồng chí” Vũ Đức Đam... “thôi giữ chức vụ Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13” không cần... lý do, cũng chẳng xác định đó có phải là ý muốn của các đương sự hay không (4) giờ, sau ba tuần lại đột nhiên xác định hai “đồng chí” này nằm trong nhóm “có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng” khiến “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc phải... tự xử. Tại sao bây giờ, sau khi “đồng chí” Phạm Bình Minh và “đồng chí” Vũ Đức Đam đã “thôi” rồi, BCH TƯ đảng mới xác định hai “đồng chí” này “xin thôi giữ các chức vụ” dù một đồng chí khác đã khẳng định với đồng chí, đồng bào là họ... “không từ chức” (5)?
Trước khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước, “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng, “đồng chí” Phạm Bình Minh và “đồng chí” Vũ Đức Đam là Phó Thủ tướng. Nếu hai “đồng chí” đó “có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng” thì “vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng” đó là những gì? Vì sao 180 “tinh hoa của đảng, của dân tộc” không thấy, không biết? Không thấy, không biết mà vẫn cử đồng chí Phạm Bình Minh vào Bộ Chính trị khóa 13, nhất trí phân công “đồng chí” Phạm Binh Minh và “đồng chí” Vũ Đức Đam tiếp tục làm Phó Thủ tướng cho chính phủ nhiệm kỳ sau thì tại sao các Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13 không tự xử? Ai cũng thấy ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam phải chịu trách nhiệm liên đới trong hai scandal “Việt Á” và “Giải cứu” xảy ra hồi năm ngoái nhưng Thủ tướng thời điểm ấy đâu phải là... “đồng chí” Phúc.
Ghép việc “đồng chí” Phạm Bình Minh và “đồng chí” Vũ Đức Đam “thôi” mọi thứ để minh họa cho việc “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc đột nhiên thấy cần... “thôi” luôn và mượn điều đó để cùng lờ đi trách nhiệm của “đồng chí” Phạm Minh Chính – Thủ tướng đương nhiệm – rõ ràng là hết sức phi lý! Không có tác động của... ngoại lực và có thêm những kỹ năng khác ngoài gật và lắc, chắc chẳng có ai điềm nhiên... nhất trí như thế!
Vài năm gần đây, noi gương Tổng Bí thư, “đảng ta” nói đi, nói lại việc buộc người đứng đầu và tổ chức đảng có nhiều đảng viên “vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng” phải chịu trách nhiệm liên đới, phải bị xử lý nghiêm khắc và khẳng định đó là một trong những bằng chứng chứng tỏ quyết tâm, nỗ lực chỉnh đốn đảng. Chín Ủy viên BCH TƯ đảng khóa này bị loại, trong đó có hai Ủy viên Bộ Chính trị phải “thôi” làm... nhiệm vụ chẳng lẽ chưa đủ để xem xét – quyết định hình thức kỷ luật Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và toàn bộ BCH TƯ đảng khóa 13? “Đồng chí” Nguyễn Phú Trọng vừa là người khởi xướng, vừa giữ vai trò tiên phong trong chỉnh đốn đảng đã hơn một thập niên, trong hơn một thập niên chỉ đạo – sắp đặt mọi thứ, đặc biệt là nhân sự, kết quả chống tham nhũng là gì ngoài hậu quả tham nhũng càng ngày càng trầm trọng?
Việc công bố “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc tự nguyện đệ đạt nguyện vọng được... rời chức vì: Nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân nên có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu... là một lựa chọn thuộc loại... lợi bất cập hại. Lẽ nào “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc lại tự trọng hơn Tổng Bí thư, các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13? Khi nào các “đồng chí” mới “nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân” đểlàm như vậy?
Chú thích

CÁN BỘ VÌ 'DANH LỢI' VI PHẠM XỬ LÝ NGHIÊM MINH TẠO THÊM NIỀM

TIN CỦA NHÂN DÂN

TRUNG DŨNG/GDVN 20-1-2023

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng thời gian gần đây đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ của Nhân dân. Đặc biệt, việc mạnh tay trong công tác xử lý cán bộ, "không có ngoại lệ, không có vùng cấm" khi nhiều cán bộ cấp cao đã bị khởi tố vì vướng vào các sai phạm, điều này góp phần củng cố thêm niềm tin của người dân cả nước.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: "Có thể nói, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ. Thậm chí, chúng ta còn có cả Nghị quyết dành riêng, chuyên đề cho công tác cán bộ.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng có nhiều văn kiện quan trọng về công tác quản lý cán bộ và việc kỷ luật cán bộ. Bên cạnh đó là các quy định cụ thể về việc bảo vệ cán bộ giỏi, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nêu cao tinh thần vì nước, vì dân.

Cán bộ vì "danh lợi" vi phạm bị xử lý nghiêm minh tạo thêm niềm tin của Nhân dân ảnh 1
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội.Ảnh: Trung Dũng

Đồng thời, nhiều văn bản để khuyến khích cán bộ mạnh dạn từ chức khi bản thân mắc phải sai phạm. Đây là điều cần thiết, then chốt để tạo ra sự thuận lợi để chúng ta phân loại và sắp xếp, bố trí lại khâu tổ chức cán bộ.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy được việc xử lý cán bộ mắc sai phạm đang được thực hiện rất quyết liệt. Vừa qua, một loạt cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, trong bộ máy từ Trung ương đến địa phương bị xem xét kỷ luật, cho thôi chức vụ, cho thôi Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương.

Qua đó, để có thể nói, công tác cán bộ đã được nhà nước ta xem xét, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và có nhiều kết quả rất tích cực. Điều này đang được cử tri và nhân dân cả nước hết sức ủng hộ. Trong việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là vị thuyền trưởng trong việc chèo lái con thuyền của Đảng và thiết lập đội thuỷ thủ trên con thuyền đó làm sao phải vừa có đức lại có tài, để đưa con thuyền đi đến thắng lợi".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu ra một số nhận định, dù Đảng đã vận dụng rất nhiều hình thức, giải pháp, trong một thời gian liên tục xử lý nhiều cán bộ ở trên nhiều mặt trận khác nhau, đặc biệt là trên những mặt trận nhạy cảm. Tuy nhiên, những "ung nhọt", mầm mống của tiêu cực trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của bộ máy Nhà nước vẫn còn tồn tại.

Cụ thể, vị Phó ban dân nguyện của Quốc hội nêu ra một vài vụ án xảy ra trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19, các vụ đại án liên quan đến kinh tế, các cán bộ bị khởi tố vì sai phạm trong điều hành công tác nhân sự ở địa phương. Ngoài ra, là các cán bộ dính vào tham nhũng trong cả lĩnh vực chính trị, kinh tế.

"Từ đó để có thể thấy rõ, trong công tác cán bộ của chúng ta trước nay đang có một số tồn tại, hạn chế, cho nên đến thời điểm chúng ta làm mạnh, kiên quyết thì nó đang dần bộc lộ ra những sơ hở, yếu điểm.

Điều này để nói lên một điều rằng, những tồn tại, yếu điểm trong công tác cán bộ đã âm ỉ trong bộ máy nhà nước từ những nhiệm kỳ trước. Nó giống như một đám cháy hay như một căn bệnh ung thư đã di căn.

Nó cho thấy, công tác cán bộ cần phải được quan tâm hơn nữa, từ khâu quy hoạch đến sắp xếp, điều động, luân chuyển, đề bạt.

Chính vì thế, trong việc mạnh tay thực hiện tổng rà soát, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ cần có sự vào cuộc tích cực và nỗ lực của cả một hệ thống thì mới có thể giải quyết được", Tiến sĩ Nhưỡng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cũng thẳng thắn cho rằng, điều cốt lõi vẫn là ý thức, quyết định từ chính bản thân của mỗi cá nhân cán bộ đó.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nêu chia sẻ: "Chúng ta không thể đổ lỗi cho cơ chế, mặc dù vẫn nhìn nhận được rằng nguyên nhân sâu xa là do công tác tổ chức. Qua đó, có thể nói một nguyên nhân chính là do bản thân cán bộ đó thiếu tu dưỡng, thiếu rèn luyện.

Đặc biệt, phần đông cán bộ khi ngồi ở vị trí cao, họ quá đặt nặng và quan tâm đến hai chữ "danh lợi", vì chủ nghĩa cá nhân. Một tập thể có vững mạnh, đoàn kết hay không, nó phụ thuộc rất lớn vào từng cán bộ trong bộ máy đó. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở vị trí đứng đầu ngành.

Tuy nhiên, vì lối suy nghĩ muốn giữ lấy "ghế" của nhiều cán bộ khi vươn lên được các vị trí cao đã khiến họ hành động bất chấp, điều này dẫn đến những tiêu cực. Đương nhiên, nếu có tiêu cực, sai phạm thì cán bộ sẽ bị xử lý nghiêm".

Trao đổi liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - Giảng viên cao cấp Khoa Triết học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc các cán bộ đầu ngành dám chịu trách nhiệm trước các thiếu sót, khuyết điểm trong ngành mình quản lý, đặc biệt là với sai phạm của cấp dưới thẳng thắn mà nói là không nhiều. Đây cũng là một nguyên nhân gây khó khi thực hiện việc cải tổ, làm trong sạch bộ máy và tuyển chọn ra những cán bộ đầu ngành có tâm, có tầm thực sự.

Chia sẻ về nguyên nhân của "văn hoá" dám chịu trách nhiệm trước những tồn tại, thiếu sót của đội ngũ cán bộ đầu ngành hiện nay không phổ biến, thậm chí là rất "hiếm", Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế nhận định: "Để thực hiện được một hệ tư tưởng văn minh, tiến bộ thì nó cần có thời gian để tích luỹ.

Trong thời gian tích luỹ đó, có thể nhiều yếu tố tác động khiến cho một hệ tư tưởng trở nên phổ biến hoặc khiến cho hệ tư tưởng đó biến mất.

Với "văn hoá" dám nhận trách nhiệm cũng vậy, nếu trong xã hội có các yếu tố tác động tiêu cực khiến cho người thực hiện việc đó thấy bất lợi cho công việc của mình thì văn hoá đó cũng có thể dần biến mất trong suy nghĩ của nhiều bộ phận cán bộ".

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế cũng cho rằng, cán bộ dám nhìn vào sự thật, đánh giá đúng mức độ và dám nhận trách nhiệm là điều đáng hoan nghênh và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là chính bản thân cán bộ đó phải tìm ra được biện pháp khắc phục những tồn tại thì đó mới xứng tầm là cán bộ đầu ngành.

Cán bộ vì "danh lợi" vi phạm bị xử lý nghiêm minh tạo thêm niềm tin của Nhân dân ảnh 3

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - Giảng viên cao cấp Khoa Triết học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

"Trong việc này, để khuyến khích, nhân rộng tinh thần dám chịu trách nhiệm, dám nhận khuyết điểm của cán bộ thì ngoài sự chỉ đạo công minh của cấp quản lý cao hơn thì cần có động lực từ phía người thân, môi trường làm việc để bản thân cán bộ đó nhận thấy việc dám nhận trách nhiệm cũng "bình thường" như bao việc khác họ vẫn làm.

Làm sao xây dựng được trong suy nghĩ của các cán bộ quản lý đầu ngành về tác phong dám dấn thân, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong bộ máy nhà nước là điều thực sự cần thiết", Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế nhận định.

Trung Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét