Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

20230106. TƯỞNG NHỚ VUA BÓNG ĐÁ PELE VỪA QUA ĐỜI

    ĐIỂM BÁO MẠNG


“ĐÁM TANG 200.000 NGƯỜI THAM DỰ”

BS. TRẦN VĂN PHÚC/ FB / BVN 4-1-2023



“Bi kịch Maracana” diễn ra ngày 16 tháng 7 năm 1950, còn gọi là “Đám tang 200 ngàn người tham dự”, khi ấy Pele tròn 10 tuổi, chứng kiến nỗi đau quá lớn của dân tộc, cậu bé đã thề với cha mẹ rằng sẽ đưa Brazil vô địch World Cup.
Pelé tên đầy đủ là Edson Arantes do Nascimento.
Sinh ngày 23 tháng 10 năm 1940, trong một gia đình nghèo tại khu ổ chuột thuộc thị trấn Tres Clasans, các tài liệu thường ghi nhầm Pele sinh ngày 21 tháng 10.
Vào thời điểm đó, có một thủ môn nổi tiếng tên là Billy sống ở bang Bailey, cậu bé Pele thường nhắc đến cầu thủ này khi chơi bóng với bạn bè, nhưng vì phát âm không chính xác nên gọi chệch thành "Pele". Nghĩa thông tục của Pe-le là “sút đi”, nên mỗi lần Pele sút trượt bạn bè lại chế nhạo “cứ gọi nó là thằng Pele".
Tiếng Do Thái Pele là "phép màu".
Mặc dù bố là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, nhưng thể trạng Pele lúc bé gầy gò suy dinh dưỡng vì đói nghèo, hay bị bạn bắt nạt. Người mẹ quyết không cho con trai theo nghiệp cha. Sau ca chấn thương nặng của chồng, đặc biệt là cái chết của đứa trẻ cùng tuổi ngay trên sân, người mẹ đã cấm Pele đá bóng, yêu cầu con trai tập trung chăm chỉ học hành.
Nhưng Pele quyết không buông bỏ đam mê.
Cậu bé tìm hiểu cái chết của bạn, tự mình rèn luyện cách kiểm soát sức mạnh, vượt qua nghịch cảnh. Ở trường học, Pele thành lập “Đội bóng không giày” tổ chức thi đấu, tự nghĩ ra phong cách chơi bóng độc đáo chưa được công nhận ở Brazil khi đó.
Người mẹ đành phải tìm thầy dạy bóng đá cho con.
Năm 1950, Brazil với tham vọng lần đầu tiên vô địch World Cup, quốc gia này dốc toàn lực đăng cai tổ chức giải đấu, xây dựng sân vận động quốc gia Maracana với 200 ngàn chỗ ngồi lớn nhất thế giới. Hình thức thi đấu vòng bảng chọn ra 4 đội vào đá vòng tròn tính điểm để xác định nhà vô địch. Tại sân vận động này, Brazil thắng Thuỵ Điển 7-1, thắng Tây Ban Nha 6-1, nên chỉ cần hoà Uruguay là nâng cúp vô địch. Trận đấu diễn ra ngày 17 tháng 7 năm 1950. Cả hiệp 1 đội Uruguay lép vế hoàn toàn không thể lên nổi bóng, đến phút thứ 47 Friasa ghi bàn cho Brazil, chiến thắng với đội chủ nhà dường như là tất yếu, người Uruguay chỉ còn biết chờ đợi 200 ngàn cổ động viên người Brazil reo hò ăn mừng. Lúc này, cầu thủ số 5 người Uruguay da ngăm đen, cao to và khoẻ nhất đội, anh cầm bóng tiến về phía vòng tròn giữa sân. Cầu thủ này ngửa mặt lên trời, dùng hết sức bình sinh hét lên giữa các đồng đội đang trong cơn bĩ cực, hoảng hốt, bối rối và thất vọng.
“Hãy vùng lên chiến đấu và chiến thắng!”
Cầu thủ đội tuyển Uruguay gầy gò ốm yếu, họ mặc áo vest màu xanh da trời đang rất bạc nhược, nghe thấy tiếng hét của người đội trưởng, bỗng chốc họ vụt dậy lao về phía trước. Phút 66 Uruguay gỡ hoà. Đúng 13 phút sau, một cầu thủ gầy gò mặc áo vest xanh khác bắt vô lê, khung thành Brazil rung lên bần bật, sân Maracana 200 ngàn khán giả lập tức chết lặng.
Đây là bàn thắng “tàn ác” nhất thế giới.
Brazil lại bỏ lỡ cúp vô địch, nhưng lần này là canh bạc tất tay, cả đất nước đặt cược vào canh bạc đó không chỉ với số tiền hàng chục tỷ đô la, mà Brazil còn đặt cược từ chính trị cho tới văn hoá xã hội và kinh tế, vậy mà giấc mơ vô địch World Cup tan thành mây khói. Sân vận động Quốc gia Maracana trở thành nấm mồ tự chôn, tất cả người dân Brazil xác định bỏ cuộc. Chỉ có Pele, lúc đó vẫn là đứa trẻ 10 tuổi, đã không bỏ cuộc, cậu bé quyết tâm vượt qua nghịch cảnh, hứa với cha mẹ sẽ đưa Brazil vô địch World Cup.
Người cha ôm Pele quỳ dưới chân tượng Chúa và khóc.
Ngay sau “Bi kịch Maracna”, cậu bé Pele thành lập đội bóng với bạn cùng lớp học, lấy tên “Lữ đoàn 97” để kỷ niệm Quốc khánh Brazil ngày 9 tháng 7. Thay mặt đội bóng, Pele tới đăng ký tham gia giải đấu trẻ của thị trấn, nhưng vì cầu thủ đá chân đất do không có tiền mua giày nên bị ông thị trưởng từ chối. Pele phải đi tìm tài trợ. Một gia đình khá giả có 3 con mê bóng đá nhận bảo trợ. Pele đổi tên thành “Đội bóng 4 thành viên”. Đến năm 1953, đội bóng của cậu bé Pele 13 tuổi một lần nữa đổi tên thành Ameriquinha theo ý người tài trợ, rồi thi đấu giành cúp vô địch thị trấn, Pele trở thành vua phá lưới của giải đấu thiếu nhi này.
Từ đây Pele bắt đầu làm những điều phi thường.
15 tuổi gia nhập CLB Santos, ghi bàn ở ngay trận ra mắt đội 1, Pele chính thức trở thành ngôi sao ở tuổi 16 với danh hiệu vua phá lưới của giải đấu. Hồ sơ y tế tiết lộ, Pele có khả năng hô hấp yếm khí kỳ lạ, khi tập luyện với cường độ cao, vậy nhưng nhịp tim không quá 58 lần/ phút, trong khi giới hạn của các cầu thủ là 90 lần/phút. Với khả năng hô hấp bất thường như vậy, Pele có thể tái thực hiện một hành động gắng sức chỉ sau 45 giây, chạy 100 m hết 11 giây, nhảy cao 180 cm, thi đấu với phong độ đỉnh cao 20 năm.
Người trần mắt thịt không ai làm được vậy.
Facchetti, hậu vệ cánh tấn công đầu tiên trong lịch sử, là một trong 20 người làm thay đổi bóng đá thế giới, cũng là ông vua bật cao, nhưng Facchetti phải kinh ngạc về khả năng bật cao của Pele. Hãy nghe Facchetti nhận xét: “Tôi nhảy lên với Pele để tranh bóng, tôi cao 191 cm, cao hơn anh ấy một cái đầu và xuất phát tốt hơn, nhưng khi tôi tiếp đất, tôi nhìn lên và choáng váng - Pele vẫn ở trên không, như thể anh ấy không biết mình muốn ở trên đó bao lâu mới trở lại mặt đất”.
Pele muốn làm điều gì, kể cả thể chất và tư duy, đều thực hiện ở mức độ thiên tài.
Là cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất thế giới, mặc dù chiều cao chỉ khiêm tốn 173 cm không đủ tiêu chuẩn với một cầu thủ Nam Mỹ, nhưng Pele có tầm vóc mà các thế hệ sau không thể sánh bằng. Ở cấp câu lạc bộ, Pele giành được 2 chức vô địch Cúp Libertadores Nam Mỹ, 2 chức vô địch Cúp Liên lục địa và 6 chức vô địch Quốc gia Brazil. Năm 1957, Pele khi đó chưa tròn 18 tuổi đã được chọn vào đội tuyển quốc gia Brazil, sau đó ông đã cùng đội tuyển này giành 3 chức vô địch World Cup vào các năm 1958, 1962 và 1970, giúp Brazil giữ vĩnh viễn Rimit Cup. Ông cũng được phong tước “Vua bóng đá”. Ở đội tuyển quốc gia, Pele chơi tổng cộng 92 trận, ghi 77 bàn thắng. Uỷ ban Olympic Quốc tế đánh giá, cả sự nghiệp của Pele đã ghi 1283 bàn sau 1366 trận, màn trình diễn xuất sắc này đã đạt đến giới hạn cuối cùng mà con người có thể đạt được.
Pele có rất nhiều giai thoại.
Một trong số những giai thoại kể rằng, trận giao hữu giữa CLB Santos của Pele và ĐTQG Colombia, diễn ra ngày 17 tháng 7 năm 1968. Khi đó, cả sân vận động El Campin ở thủ đô Bogota của Colombia đều được lấp đầy chỗ ngồi. Ai cũng háo hức mong đợi được chiêm ngưỡng màn trình diễn của "Vua bóng đá" Pele. Thế nhưng trong một tình huống va chạm trên sân, trọng tài Guillermo Velasquez đã rút thẻ đỏ đuổi Pele. Quyết định của trọng tài gây ra một khung cảnh náo loạn chưa từng có trên thế giới. Mọi cổ động viên Colombia đều la ó, các quan chức lãnh đạo quốc gia này cũng phản đối kịch liệt, cổ động viên quá khích lao xuống sân và đuổi đánh trọng tài. Cuối cùng, một quyết định hy hữu nhất được đưa ra. Trọng tài Guillermo Velasquez bị thẻ đỏ đuổi khỏi sân. BTC đã thay thế một trọng tài khác còn Pele được xoá thẻ, trở lại sân thi đấu.
Thực ra giai thoại này không đúng.
Thẻ đỏ chỉ được FIFA đưa vào áp dụng từ năm 1970, trong khi trận đấu giao hữu diễn ra năm 1968. Đội tuyển Colombia lúc đó là Olympic chứ không phải ĐTQG. Trọng tài điều khiển trận đấu là Chatto. Ông đuổi Pele ra khỏi sân không rõ lý do. Pele khiếu nại đòi giải thích, liền bị trọng tài này gọi cảnh sát, cả đội bóng Santos bị tạm giữ. Đây là chuyến Santos du đấu châu Âu và châu Mỹ từ 19 tháng 6 đến 17 tháng 7, nằm trong chương trình Pele quảng bá bóng đá ra thế giới, Pele ghi 13 bàn sau 15 trận, Santos có 12 trận thắng và 3 trận thua. Trong chuyến du đấu này, Pele phát hiện ra rằng, người Mỹ không biết gì về ông, huống chi Colombia, việc trọng tài Chatto thấy ông thi đấu kỳ lạ nên đuổi khỏi sân và báo cảnh sát cũng là chuyện bình thường.
Pele nổi tiếng thế giới từ World Cup 1958.
Giải đấu này diễn ra ở Thuỵ Điển, vì chấn thương khớp gối nên Pele không thể ra sân 2 trận đầu. Trận thứ ba đá với Liên Xô, Pele còn đau nhưng vẫn ra sân, ông kiến tạo 1 bàn. Tứ kết đấu với Xứ Wales rất khó khăn, Pele phải nén đau, ghi 1 bàn quyết định. Bán kết Brazil thắng Pháp 5-2, Pele ghi 3 bàn trong vòng 23 phút, làm cả thế giới sửng sốt. Trận chung kết, Pele ghi 2 bàn giúp Brazil thắng Thuỵ Điển với tỉ số 5-2, riêng bàn thắng “trái xoài quê hương” của ông ở phút 55 được xếp vào “không ai có thể làm nổi”. Bàn thắng xuất phát từ những ký ức đau buồn thời ấu thơ, cái chết của đứa bạn cùng tuổi bị quả bóng đập vào ngực, đã giúp Pele quyết tâm rèn luyện bằng cách lấy trái xoài đập vào ức và giảm lực để nó rơi tự do xuống chân, sau đó thực hiện cú tâng bóng, móc bóng hoặc sút. Ở trận đấu với Thuỵ Điển, phút thứ 55, một đồng đội thực hiện đường chuyền tìm đến Pele trong vòng cấm. Hậu vệ Thuỵ Điển áp sát ngay phía sau. Pele loé lên trong đầu hình ảnh “trái xoài quê hương”. Ông dùng ngực khống chế trái xoài. Đối mặt với Pele là một hậu vệ Thuỵ Điển khác, cầu thủ này đang ở trong tình trạng “ngã hổ phốc thực”, đúng bản chất hổ đói lao vào kiếm ăn. Pele tung trái xoài lên theo phương thẳng đứng. Hậu vệ Thuỵ Điển phá hụt bóng nên đá một cú mạnh vào đầu gối. Pele không hề biết gối mình bị đau. Ông cứ đứng trơ mắt nhìn trái xoài quê hương rơi vuông góc với mặt phẳng tiếp tuyến của trái đất, rồi ông vung chân phải, như một vũ điệu capoeira trong chiến tranh của người Brazil, quả bóng chuyển hướng đột ngột xé rách lưới Thuỵ Điển.
Cú sút mang tên “trái xoài rơi về đất”, được thế giới ví như bàn thắng “truyền kỳ đích đản sinh”, nó chính thức đánh dấu sự ra đời của một ông vua huyền thoại hơn 17 tuổi, là một trong 6 bàn thắng của Pele ở kỳ World Cup đầu tiên năm 1958, khởi đầu cho 5 kỳ World Cup Brazil vô địch, từ đó xây dựng nên một đế chế bóng đá Brazil đứng đầu thế giới mà ở đó Pele làm vua.
Vào ngày 14 tháng 11 năm 1969, trận đấu giữa Santos và Botafogo được cả nước Brazil trông đợi, cổ động viên hai đội ùn ùn kéo đến sân chờ Pele ghi bàn thắng thứ 1000. Khi đội Santos được hưởng một quả penalty, Pele đề nghị Carlos Alberto thực hiện quả phạt đền, nhưng Alberto ngay lập tức từ chối. Alberto nói với Pele rằng: "Anh biết đấy, tất cả cầu thủ đội bạn, tất cả khán giả của đội bạn trên sân, họ đang chờ mong Pele ghi bàn thắng thứ 1000. Nếu anh không thực hiện quả phạt đền, tôi và tất cả mọi người sẽ bước ra khỏi sân vận động này". Pele miễn cưỡng thực hiện qủa đá phạt, nhưng người hâm mộ và truyền thông đã ăn gian, nói rằng đó mới chỉ là bàn thắng 999.
Ngày 16 tháng 11 năm 1969, cơn sốt 1000 bàn tiếp tục. Trong trận đấu với Bahia, Santos hòa 1-1. Pele không ghi bàn. Cú sút của Pele vô cùng đẹp mắt, nhưng lại bị thủ thành Aldo cản phá thành công, lập tức cổ động viên đội Bahia la ó pha cản phá đẹp mắt của đội nhà, thủ thành Aldo trở thành tâm điểm bị chỉ trích của chính những người hâm mộ Bahia.
Ngày 19 tháng 11 năm 1969, trận đấu giữa Santos và Vasco da Gama diễn ra tại sân vận động Maracana, đội khách vì sốt ruột muốn chứng kiến bàn thắng thứ 1000 của Pele, nên đã cố tình phạm lỗi trong vòng cấm. Pele lại miễn cưỡng đứng lên chấm phạt đền và ghi bàn. Lần này, thủ môn Andrade cố tình để thua nên được tôn vinh như anh hùng. Trận đấu phải hoãn 25 phút, khán giả hâm mộ cả hai đội tràn xuống sân, vây quanh Pele và thủ môn để chúc mừng họ.
Ngày 3/1/1970 Chính phủ Brazil tổ chức lễ vinh danh kỳ tích 1000 bàn.
World Cup 1970, Pele trả lời phỏng vấn giới truyền thông, đây là kỳ World Cup cuối cùng ông chơi cho đội tuyển quốc gia, ông dự định dừng thi đấu vào năm 1974.
Vào ngày 21 tháng 6 năm 1970, tại sân vận động Aztec ở Mexico, Brazil đã đánh bại Ý 4-1 trong trận chung kết lúc 12 giờ, Pele đã mở tỷ số bằng một cú đánh đầu ở phút thứ 18 (bàn thắng thứ 100 trong lịch sử World Cup của Brazil), ông còn kiến tạo giúp đồng đội thêm hai bàn trong hiệp 2. Đội tuyển Brazil 3 lần vô địch World Cup, FIFA trao quyết định Brazil giữ mãi chiếc cúp vàng Rimet. Các cổ động viên Ý tại sân vận động Aztec, họ bất ngờ tràn lên và giật tung áo của Pele, chiếc áo bị xé tan. Trước khi trận đấu diễn ra, hậu vệ người Ý Rosato đề nghị trao đổi áo đấu với Pele, nhưng ông không kịp thực hiện ý nguyện, nên đã phải gọi cảnh sát để lấy lại áo đấu. Thật tiếc không ai chịu nhường nhau. Chiếc áo đã bị xé không còn một mảnh. Burnish, người đã kèm Pele, cho biết: "Trước trận đấu, tôi đã tự nhủ rằng Pele cũng là người bằng xương bằng thịt như tôi mà thôi, nhưng giờ tôi biết mình đã sai, Pele đã chạm đến trái tim của những người hâm mộ Ý, ông đã vươn lên đến mức bất tử".
Người Mỹ không biết Pele là ai.
Có lẽ vì thế mà sau khi tuyên bố giải nghệ năm 1974, Pele lại quyết định đến New York đá bóng cho đội “Vũ trụ”, tên tiếng Anh – Mỹ của đội này là Cosmos.
Vũ trụ lập tức trở thành đội bóng hấp dẫn nhất thế giới.
Pele gánh Team cho đến năm 1977, khi đó ông xác định giải nghệ sau mùa bóng, nên CLB Cosmos đã bỏ ra núi tiền mua tất cả các siêu sao của nước Mỹ, rồi mua các siêu sao thế giới như cầu thủ chạy cánh Jomo Sono được mệnh danh là “Hoàng tử đen của Nam Phi”, tiền vệ người Nam Tư nổi tiếng Dimitrievic, rồi cho người tán tỉnh “Hoàng đế” Franz Beckenbauer.
Tổng thống Hoa Kỳ Carter gặp Pele ngày 30/3/1977.
Pele, một cậu bé nghèo Brazil với ước mơ trở thành phi công vũ trụ, cha mẹ lấy tên nhà bác học Edson làm nguồn cảm hứng, nhưng lại rẽ sang nghiệp đá bóng, sau chưa đầy 4 năm đầu quân cho Vũ trụ ở Mỹ, ông tự học tiếng Anh và đủ năng lực nói chuyện với Tổng thống Carter mà không cần sự hỗ trợ của chuyên gia ngôn ngữ.
Sau buổi gặp Carter, mùa giải ở Mỹ bắt đầu với 17 đội tham dự, các trận đấu hướng tới thông điệp “Hoa Kỳ chia tay Vua bóng đá Pele”.
Ở trận đấu ngày 15 tháng 5 năm 1977, Vũ trụ gặp Fort Lauderdale Strikers, nhà vua bóng đá Pele đối đầu với thủ thành Gordon Banks, người đã có pha cứu thua “bất khả thi” ở World Cup 1970 từ pha đánh đầu “không thể cản phá” của Pele. Sau pha bóng đó Banks trở nên nổi tiếng. Nhưng ở trận đấu này Pele không có ý định đánh đầu. Sau 3 bàn thắng Pele sút tung lưới bằng chân thì Banks chỉ biết lắc đầu thất vọng: “Khi Pele tiếp cận khung thành, anh ấy không bao giờ phạm sai lầm”.
Hiệu suất ghi bàn của Pele khi đó = 0,5 bàn/trận.
Nhìn vào con số đó vẫn thấy Pele đang ở đỉnh cao, nhưng tuổi tác là thứ không thể nói dối, ở trận đấu sau đó với Chicago Spurs, trọng tài rút thẻ vàng Pele, lỗi dùng tiểu xảo đánh nguội thủ môn, ông không phục thẻ phạt này, mặc dù Pele ghi bàn nhưng đội Vũ trụ của ông vẫn thua 3-1.
Florida không chấp nhận để New City vượt mặt.
Vào ngày 29 tháng 5, lúc 2 giờ chiều giờ địa phương, nhiệt độ gần 40 độ dưới những tán cây và mặt sân được lát bằng cỏ nhân tạo, đội bóng của thành phố Florida gồm tất cả những thợ đào vàng tuyển mộ từ 11 quốc gia trên thế giới, nghênh chiến với đội Vũ trụ của Pele có sự xuất hiện của “Hoàng đế” Beckenbauer. Nhà phê bình văn học người Đức Hector Karasek đã phải thốt lên với một giọng điệu u ám và buồn bã, để mô tả trận chiến của Pele và Franz Beckenbauer trên đất Mỹ. Trận đấu này được truyền hình trực tiếp ở các đài truyền hình Mỹ, ở Tây Đức, Pháp và Nhật Bản, dưới sự chứng kiến của 45.288 người hâm mộ trên sân, vậy mà đội bóng Vũ trụ toàn sao đã bị thua.
Mùa hè năm 1977, New York tồi tệ như chưa bao giờ tồi tệ hơn thế, nhiệt độ cao liên tục trên 40 độ, làm cho lưới điện quá tải, nhiều khu vực phải thực hiện "cắt điện luân phiên". Vụ giết người hàng loạt "Son of Sam" đã khiến người dân New York vô cùng hoảng sợ. Quảng trường Thời đại ở New York tràn ngập những cuốn sách tục tĩu rất mất dạy. Khi mọi người đang hoảng loạn và mất niềm tin, thì màn trình diễn bóng đá của đội Vũ trụ lại mang đến niềm vui cho người dân New York. Trong mỗi trận đấu, đội Vũ trụ không chỉ giành được hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, mà từng trận đấu thực sự rất mãn nhãn, Pele trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho người dân New York.
Từ khi Pele đến Mỹ, thế giới đã bàn luận về khái niệm “Bóng đá mang tầm Vũ trụ”, trình độ của Cosmos có thể cạnh tranh với tất cả các đội bóng trên thế giới, họ thi đấu hoa mỹ, nhịp nhàng, xông xáo, các cầu thủ phối hợp ăn ý với nhau, điều mà trước đây ở Mỹ chưa từng có đội bóng đẳng cấp thế giới nào như vậy.
Trận đông nhất có ở vòng một có 57.828 khán giả.
Mở đầu vòng hai giải vô địch Mỹ năm 1977, trận đấu tái hiện lại đội Vũ trụ gặp đội bóng của Florida, có tổng số 77.691 người hâm mộ mua vé vào sân. Kỷ lục thế giới. Trận đấu thực sự là một lễ hội. Ngay giây thứ 97 của trận đấu, Pele nhận đường chuyền trước vòng cấm, bất ngờ ngoặt sang cánh trái rồi chuyền cho Steve Hunter thực hiện cú sút, thủ thành Banks phải vào lưới nhặt bóng. Trận đấu này, Pele làm nền cho Hoàng đế Beckenbauer ghi 2 bàn thắng. Banks là một trong những thủ môn vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng trong những ngày đầu sự nghiệp ông gặp Pele, đến khi đỉnh cao sự nghiệp lại gặp hai ngôi sao quả tạ giáng xuống là Vua bóng đã Pele và Hoàng đế Beckenbauer.
Tỉ số trận đấu 8-1 là con số bàng hoàng.
Kết thúc trận đấu trong im lặng, vì tất cả 77.691 khán giả trên sân đều bị khản tiếng, còn Vua bóng đá Pele khóc như một đứa trẻ, ông không tưởng tượng nổi nước Mỹ có một mùa hè cảm xúc đến như thế.
Trận “chung kết” diễn ra ngày 28 tháng 8 năm 1977.
Sân vận động Portland vượt quá 200% công suất, tất cả mọi người từ huấn luyện viên, cầu thủ, nhân viên, người hâm mộ của cả hai đội bóng, ai cũng muốn tiễn Pele kết thúc sự nghiệp bằng chức vô địch. Ở trận đấu này, mặc dù Pele không ghi được bàn thắng, nhưng ông đã thi đấu như chưa bao giờ được thi đấu, chung cuộc đội Vũ trụ giành chiến thắng, Pele đoạt chức vô địch bóng đá Mỹ năm 1977.
Trước khi Pele đến Mỹ mỗi trận đấu < 6.102 khán giả.
Sự có mặt của Pele làm cho các sân vận động luôn chật kín người. Đỉnh cao nhất trận đấu có Pele, tổng số khán giả 77.691 là cuộc đối đầu giữa New York và Florida, đó là con số không tưởng với bất kỳ nền bóng đá ở nơi đâu trên thế giới. Chỉ tiếc sau khi Pele nghỉ thi đấu, bóng đá Mỹ lại ảm đạm hơn so với trước đó, đội bóng Vũ trụ với tên tiếng Anh là Cosmos giải tán vào năm 1985.
Vào ngày 1 tháng 10 năm 1977, đội Cosmos đã tổ chức "Trận đấu chia tay Pelé" tại Sân vận động Giants ở New Jersey của Mỹ. Tổng thống Hoa Kỳ Carter, ngoại trưởng Kissinger và năm đội trưởng vô địch World Cup (Bellini, Mauro, Moore, Alberto, Beckenbauer), Muhammad Ali đều có mặt. Pele kêu gọi khán giả hô to "Love, love, love – Yêu, yêu, yêu" ba lần trước trận đấu. Trong hiệp một, Pele thay mặt đội Cosmos ghi một quả phạt trực tiếp, là bàn thắng thứ 1283 trong sự nghiệp, sau đó Pele chính thức rút lui trong hiệp hai. Ca sĩ người Brazil Caetano Veloso đã viết bài hát "love love love" dựa trên lời kêu gọi "tình yêu" của Pele.
Pele là một người cầu toàn.
Đúng 20 năm thi đấu đỉnh cao, từ 17 tuổi đến 37 tuổi, thực tế kết quả trên sân cho thấy Pele vẫn có thể thi đấu tiếp tục. Nhưng ông đã dừng lại. Brazil vẫn muốn Pele đá World Cup 1978. Nhưng ông kiên quyết từ chối, vì Pele là người cầu toàn, ông luôn hướng tới sự hoàn hảo. Khi mới trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, Pele dành phần lớn thời gian tập luyện chân trái, vì lúc đó chân trái của Pele không nhạy bén và mạnh mẽ như chân phải. Để tăng khả năng giữ thăng bằng, Pele tập thể dục dụng cụ. Để tăng sức chiến đấu, Pele tập karate và judo. Pele muốn trở thành cầu thủ hoàn hảo số 1 thế giới.
Vua bóng đá Pele đã trở thành nhạc sĩ.
Giống như nhiều người Brazil khác, Pele có năng khiếu âm nhạc từ trong xương tuỷ, ông vừa chơi ghi ta rất hay vừa sáng tác nhạc rất giỏi, giọng hát của ông đặc biệt với đủ mùi vị Mỹ Latinh. Đi tới đâu ông cũng mang theo cây đàn ghita và cuốn sổ. Ông ghi lại tất cả những giai điệu bật lên trong đầu ngay lúc thi đấu. Bất cứ ai nghe giọng hát và tiếng đàn của Pele sẽ quên hết mọi ưu phiền trên thế gian. Album đầu tay 'Pelé Ginga' phát hành vào năm 2006, với sự góp mặt của ngôi sao nhạc rap samba Rappin' Hood và các huyền thoại Tropicália Gilberto Gil và Elis Regina. Một thập kỷ sau, ông cho ra đời đĩa của riêng mình "Esperança" đánh dấu sự khởi đầu của Thế vận hội Olympic mùa hè 2016 tại Rio de Janeiro. Ngoài ca hát và sáng tác nhạc, Pele còn đóng phim, viết tự truyện, cuốn sách ông viết nhanh chóng trở nên best seller trên thế giới.
Nhiều người so sánh Pele với Maradona.
Phép so sánh này thực sự ngớ ngẩn, vì Pele và Maradona không cùng thời đại, không thể so sánh được. Họ là những cầu thủ vĩ đại nhất trong thời đại của họ. Việc so sánh Pele với Maradona, chẳng khác nào mang Trần Quốc Tuấn ra so với Võ Nguyên Giáp, cả hai đều là những thiên tài quân sự. Trần Quốc Tuấn hai lần đánh tan quân Nguyên Mông. Võ Nguyên Giáp được cả thế giới biết đến với uy tín trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai, là “Mãnh hổ Điện Biên Phủ”, là “Napoleon đỏ”. Giả sử Trần Quốc Tuấn mang vũ khí lạnh giáo mác phóng lợn thời nhà Trần, Võ Nguyên Giáp mang vũ khí nóng súng trường đại bác và tên lửa thời đại Hồ Chí Minh, cả hai du hành xuyên thời gian và không gian để chiến đấu với nhau trong điều kiện chiến tranh hiện đại hôm nay, chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra.
Bởi vì thời gian đã thay đổi tất cả.
Bóng đá ở thời đại Pele, vẫn là những thước phim đen trắng, luật bóng đá chưa hoàn hảo, chưa có thẻ vàng và thẻ đỏ, không có những phân tích khoa học nghiêm ngặt, đào tạo bóng đá không có hệ thống, chiến thuật bóng đá chưa đủ thuần thục, mỗi trận đấu chủ yếu phát huy tinh thần tự giác mỗi cầu thủ và đội bóng; tóm lại bóng đá thời Pele theo xu hướng bản năng, lấy tinh thần thể thao Fairplay là chính. Pele thi đấu thiên về sức mạnh và những kỹ năng cơ bản, đó là nền tảng để Ronaldo, Messi, Neymar và Mbappe dựa vào đó phát triển thành những kỹ thuật không tưởng sau này.
Thời đại Maradona gần giống như ngày nay, bóng đá dưới tác động của khoa học, đã có những thay đổi kinh thiên động địa, các giải đấu đã bị thương mại hóa, đối đầu mạnh mẽ hơn, phòng thủ chặt chẽ hơn, thắng và thua là rất quan trọng, đề cao tính chuyên nghiệp, mỗi trận đấu luôn có sự toan tính, sử dụng mọi tiểu xảo để giành được thành tích. Maradona là cầu thủ có cảm giác bóng đáng sợ, khi ông rê bóng, quả bóng như dính chặt vào chân không chịu lăn thêm một cm nào, từng đường bóng có sự kết hợp giữa tốc độ và sức mạnh của Ronaldo, sự xuất sắc của Messi, tiểu xảo tinh quái của Neymar, tài năng vượt trội của Mbappe.
Pele định nghĩa bóng đá bằng trực quan, đó là ranh giới về bề rộng của bóng đá mà nó có thể tiếp cận, từ phạm vi địa lý, đến thể thao, phi thể thao, ý nghĩa bóng đá và phi bóng đá, cách thức bóng đá ảnh hưởng đến thế giới.
Maradona định nghĩa bóng đá bằng cảm xúc, ông đã cho cả thế giới biết tại sao bóng đá lại có thể lay động lòng người đến vậy, màn trình diễn của ông cho thấy bóng đá không liên quan gì đến sống chết, bóng đá cao hơn cả sự sống và cái chết.
Đóng góp của Pele là quảng bá bóng đá hiện đại, đóng góp của Maradona là thẩm mỹ của bóng đá hiện đại.
Nếu là một đội bóng giàu có như Cosmos của Mỹ, câu lạc bộ này sẽ thích Pele hơn, bởi Pele là một cỗ máy bắn súng đỉnh cao, phía sau ông có một hệ thống hùng hậu chuyên tiếp đạn. Nhưng nếu một đội bóng không có sức mạnh của một người khổng lồ, thì sẽ cần Maradona hơn, bởi Maradona sẽ tự mình tổ chức các đợt tấn công ngay từ cầu môn sân nhà.
Đứng về vai trò cá nhân với đội bóng, ĐTQG Brazil, CLB Santos hay Cosmos đều có nhiều cầu thủ tài năng, Pele không phải là nhân vật cần thiết để Brazil giành cúp vàng thế giới, hay các câu lạc bộ giành chức vô địch giải đấu. Maradona thì khác. Không có Maradona thì Argentina không thể vô địch World Cup 86, không có Maradona thì Napoli không thể vô địch giải đấu. Cứ nhìn cách người dân Argentina và Napoli tôn sùng Maradona, sẽ thấy mức độ đóng góp của Maradona cho bóng đá. Trong buổi họp báo trước thềm World Cup 86, huấn luyện viên Argentina nói với các phóng viên rằng, đội tuyển Argentina chỉ có một chiến thuật duy nhất là ngôi sao Maradona và toàn đội chơi chặt chẽ xung quanh. Sau trận đấu, huấn luyện viên đội tuyển Anh nói rằng, ông cũng như huấn luyện viên tất cả các đội bóng đều biết chiến thuật ngôi sao của Argentina, mọi người đã chú ý vô hiệu hoá Maradona, nhưng họ vẫn thua Maradona. HLV Bỉ nói: “Chúng tôi không thua Argentina, chúng tôi chỉ thua Maradona, hãy cho tôi Maradona tôi đảm bảo đội bóng hạng hai của Bỉ cũng vô địch World Cup”.
Pele thuộc tầng lớp chính trị gia như Tổng thống Carter, thuộc về các nhà chức trách như Chủ tịch FIFA, thuộc thế giới phương Tây như CLB Cosmos của Mỹ. Maradona đứng về phía những người cách mạng như Fidel Castro hay Che Guevara, những người cộng sản, những người thuộc thế giới thứ ba nghèo và rất nghèo. Maradona là một chiến binh và một vị thần chiến tranh, trong khi Pele chỉ là một cầu thủ bóng đá đẹp trai và đa tài. Maradona được những người vô sản công kênh ông lên ngai vàng rồi hiển Thánh ở tuổi 26, Pele bằng đôi chân tài năng của mình bước đến ngôi Vua rồi trở nên bất tử ở tuổi 30.
So sánh giữa Pele và Maradone là không thể.
Nhưng theo quan điểm của người Việt, thì Pele chắc chắn hơn Maradona, bởi vì, khi Pele từ biệt mọi người đã lĩnh đủ 22 năm lương hưu không thiếu một ngày, còn Maradona phải hơn tháng nữa mới đến tuổi về hưu thì đã qua đời.
Hai năm trước Pele từng viết lời từ biệt đầy nụ cười và nước mắt trong lễ tang Maradona: “Ngày hôm nay thật buồn. Tôi vừa mất đi người bạn thân thiết và Thế giới bóng đá mãi mãi vĩnh biệt một huyền thoại. Còn nhiều điều để nói nhưng giờ xin Chúa ban sức mạnh cho gia đình cậu ấy. Một ngày nào đó, hy vọng tôi và Maradona sẽ chơi bóng cùng nhau trên thiên đường".
Rạng sáng 30/12/2022, theo giờ Hà Nội, Pele đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Albert Einstein ở Sao Paulo, Brazil, hưởng thọ 82 tuổi.
Trước lúc nhắm mắt, Pele vẫn kịp lướt Facebook, trang cá nhân của ông đã đăng dòng trạng thái bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh, đó là những lời từ biệt cuối cùng.
"Vua bóng đá Pele đã ra đi thanh thản hôm nay. Tình yêu và nguồn cảm hứng là biểu tượng của cả cuộc đời ông. Pelé đã dùng tài năng của mình trong lĩnh vực thể thao để chấm dứt chiến tranh, ông đã đi khắp thế giới để tham gia các hoạt động xã hội và truyền bá chìa khóa cho mọi vấn đề mà ông tin tưởng - đó là tình yêu. Một di sản cho các thế hệ mai sau. Yêu, yêu và yêu, mãi mãi".
Chính phủ Brazil công bố quốc tang 3 ngày.
Thành phố Santos để tang Pele 7 ngày.
Sân vận động Maracana và Santos đã chất đầy hoa…
Đội trưởng ĐTQG Brazil Neymar đã viết: "Trước khi có Pelé, số 10 chỉ đơn giản là một con số. Câu này tôi đã nghe ở đâu đó vào một thời điểm nào đó trong đời. Câu nói này rất đẹp, nhưng chưa đủ. Tôi sẽ nói rằng trước khi có Pelé bóng đá chỉ là một môn thể thao. Pelé đã thay đổi tất cả. Ông đưa nghệ thuật và tính giải trí vào bóng đá. Ông đã mang lại tiếng nói cho những người nghèo, những người da màu và đặc biệt là, ông đã khai sáng cho Brazil. Bóng đá Brazil đã được nâng tầm nhờ vào công lao của nhà Vua! Ông ấy đã ra đi nhưng những phép màu mà ông ấy để lại sẽ còn mãi".
Năm mới, vĩnh biệt Người, Pele!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét