Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

20231231. BÌNH CHỌN 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT NĂM 2023

  ĐIỂM BÁO MẠNG


TOP 10 SỰ KIỆN TRONG NƯỚC NỔI BẬT NHẤT NĂM 2023
(THEO CÁC TIT BÁO ĐÃ ĐĂNG)
VNN 23-12-2023
1- Một năm thành công vượt trội của đối ngoại Việt Nam.
2-Cháy chung cư mini khiến 56 người thiệt mạng.
3- Hàng loạt tập đoàn bán dẫn đầu tư vào Việt Nam.
4- Xuất khẩu gạo, rau quả đạt kỷ lục.
5- Ngân hàng nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm,
6-Chuẩn hóa thông tin cá nhân để xử lý vấn nạn lừa đảo, cuộc gọi rác.
7- Miền Bắc thiếu điện vào mùa hè.
8- Những con số khổng lồ phía sau những vụ án lớn bị phanh phui.
9- Xử lý vi phạm nồng độ cồn không vùng cấm, không ngoại lệ.
10- Vinfast lên sàn chứng khoán Mỹ, thương hiệu Việt lan tỏa thế giới.


10 SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ KINH TẾ XÃ HỘI NỔI BẬT NĂM 2023
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ FB 31-12-2023
1. Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ
Mình cho đây là sự kiện quan trọng nhất vì nó là sự nâng cấp vượt bậc và khá bất ngờ. Nhất là do TBT NPT chủ động đề nghị, theo nguồn tin từ 1 thứ trưởng Ngoại giao tiết lộ với các cụ hưu ở CLB Thăng Long.
2. Miễn nhiệm chủ tịch nước và 2 phó thủ tướng
Đây là hiện tượng hiếm có, khi có tận 3 lãnh đạo cấp cao, “tình nguyện” xin nghỉ hưu non! Có lẽ là hiện tượng nghỉ đồng loạt nhiều nhất sau vụ án Xét lại chống đảng năm 1967. Mình so sánh vậy vì nó nằm trong bối cảnh đốt lò (siêu vụ án) hậu Covid.
3. Cháy chung cư mini
Vụ cháu khiến nhiều người chết với lý do đơn giản là không có lối thoát nạn.
4. Vụ khủng bố ở Đak Lak
Vụ tấn công chớp nhoáng, bất ngờ và thành công rực rỡ của 1 nhóm người đồng bào cho thấy bóng ma Fulro Dega vẫn còn lảng vảng và cơ quan an ninh, tình báo tưởng là thiên hạ vô địch nhưng vẫn bị bất lực trước người đồng bào.
5. Phiên tòa sơ thẩm chuyến bay giải cứu
Phiên tòa chưa từng có trong lịch sử khi xuất hiện 1 bị can, từng là trung tá an ninh, dám cãi tòa, cãi VKS nhem nhẻm để chứng minh sự trong sáng của mình, chỉ nhận rượu chứ không nhận tiền chạy án. Phiên tòa tự nhiên mang màu sắc TB giãy chết, chứ lẽ thường thì bị can kiểu này đều ngoan như cún, xin lỗi bác Trọng, xin lỗi đảng và nhân dân.
Nhưng phiên phúc thẩm mới diễn ra cho thấy các bị can lại quay xe đúng tư thế truyền thống.
6. Vinfast IPO kiểu SPAC ở Mỹ và giá cổ phiếu VFS khiến chủ tịch Vượng vào top 30 người giàu nhất thế giới
VF đã nhấp nhổm IPO ở Mỹ từ khá lâu trước đó, nhưng không thành công theo cách thông thường nên anh Vượng đã phải chọn cách SPAC (chui vào 1 công ty rỗng đã niêm yết thành công).
Sau đó, giá CP VFS tăng dựng đứng khiến CT Vượng bị hàng trăm tỉ đô rơi vào đầu trong vài tuần! Báo chí CM được dịp hoan hỉ Việt Nam đã thực hiện được lời dạy của bác Hồ, sánh vai với các cường cuốc 5 châu. Tuy nhiên qua thời điểm cực khoái thì giá CP này còn loanh quanh 5-7$ và chủ tịch quay về với việc chiến đấu với thằng ranh Sonnie Tran chuyên đi tụt quần chủ tịch.
7. Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt – Nhật
2 sự kiện này không quá bất ngờ, vì dù sao thì mối quan hệ cũng đã mặn nồng từ trước. Nhưng vì Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ nên việc này tất yếu phải diễn ra cho đồng bộ và đỡ mất lòng đại ca.
Việt Nam vẫn kiên định hình ảnh cây tre dị dạng xoắn quẩy quay về 2 hướng nhưng vẫn chầu nén bạc.
8. Đầu tư công quá mạnh nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp. Lãi suất ngân hàng quá thấp, giá vàng quá cao, bóng ma suy thoái kinh tế
Nằm trong bối cảnh kinh tế suy thoái toàn cầu và đặc biệt là suy thoát kinh tế ở TQ. Việt Nam đã có kế hoạch đầu tư công cực kỳ mạnh từ trước đến giờ, 1 loạt đường cao tốc, sân bay được khởi công, hi vọng đốt được càng nhiều ngân sách càng tốt hòng vực dậy nền kinh tế.
Tuy nhiên, sức nóng từ lò bác Trọng tỏa ra mạnh quá nên nhiều cơ quan chấp nhận cơm không ăn thì gạo còn đó, kiên định không tiêu hết ngân sách (phổ biến tỉ lệ chỉ khoảng 50% kế hoạch). Thà không hoàn thành nhiệm vụ chứ nhất định không vào lò vì chi tiêu sai phạm.
9. Cái gọi là “Xá lợi tóc Phật” biết tự quay được trưng bày ở chùa Ba Vàng
Vụ việc vẫn chưa có hồi kết, nhưng cho thấy shark Minh thực sự có đầu óc làm kinh tế, xứng đáng là shark pagoda số 1 Việt Nam. Làm sư mà có học hành kinh tế bài bản cũng khác các sư chỉ biết kinh kệ gõ mõ. Học viện Phật giáo nên mở thêm khoa Kinh tế để phát huy tinh thần nỗ lực cày tiền vượt qua nghịch cảnh, trỗi dậy huy hoàng sau 1 năm bị đì xuống bùn vụ oan gia trái chủ.
10. Một loạt người bất đồng chính kiến vượt biên hoặc được xuất khẩu. Ông Lưu Bình Nhưỡng bất ngờ bị bắt vì “bảo kê cho bảo kê”
Năm nay có 1 hiện tượng lạ là nhiều người bất đồng chính kiến đã phải vượt biên trốn ra nước ngoài (thường qua ngả Thái Lan). Một số khác thì đi máy bay theo diện xuất khẩu PĐ, với các đối tác ngoại giao, làm quà. Điều đó cho thấy sự o ép của phía An ninh khiến cột điện mà PĐ cũng phải bỏ nước mà đi. Những người còn lại bắt buộc phải ngoan hơn, không thấy còn các vụ biểu tình, CA gác cổng nhà PĐ nữa. Nói cách khác là cơ quan AN đã thành công rực rỡ trong việc đập quả trứng vịt lộn để chúng không thể nở.
Phó ban Dân nguyện QH Lưu Bình Nhưỡng, 1 tiếng nói trái chiều đặc biệt trên nghị trường, đột nhiên bị hốt với tội danh ban đầu là bảo kê cho thằng bảo kê. Vụ án đang được mở rộng điều tra sang hướng có màu sắc chính trị, đại khái là nhận tiền để tác động, can thiệp vào 1 số vụ việc khác.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CÔNG BỐ 10 DẤU ẤN CỦA NGÀNH TRONG
NĂM 2023
THÙY LINH/ GD 30-12-2023
1. Đánh giá kết quả 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29: Ngành Giáo dục và đào tạo đang từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới, phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng
Ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).
Năm 2023 đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Sau 10 năm triển khai thực hiện, các quan điểm, định hướng lớn của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết 29 là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của thế giới và thực tiễn phát triển của nước ta.
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực đầu tư cho đổi mới giáo dục và đào tạo còn hạn hẹp, song, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương, đặc biệt là với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thực hiện phân công của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, đảm bảo đúng quy trình, chất lượng và hiệu quả, có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29

Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29
Dự thảo Đề án tổng kết Nghị quyết 29 đã nhận định rõ những thành tựu quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua. Đồng thời, đánh giá đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế và và đề xuất các định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ đó tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo sự đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2. Thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội: hiện thực hóa nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng miền
Để tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ, có tính đột phá trong phát triển của 6 vùng kinh tế - xã hội (Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long), Bộ Chính trị khoá XIII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sáu vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để triển khai các Nghị quyết.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 6 Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng, qua đó góp phần quan trọng để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.
Các hội nghị được tổ chức với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu là đại diện lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các địa phương; các sở, ban, ngành địa phương; các chuyên gia; các cơ sở giáo dục đại học, phổ thông…. Đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục của từng vùng; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua và đề ra các giải pháp để phát triển giáo dục vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Các hội nghị cho thấy sự quan tâm của các địa phương với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; sự thấu hiểu, chia sẻ của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương để đồng hành và hỗ trợ để các địa phương thực hiện thành công các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo. Cùng với 6 hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành 6 Kế hoạch hành động để xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của 6 vùng kinh tế - xã hội.
3. Đánh giá giữa kỳ quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018: phát huy thành quả, tháo gỡ khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới
Năm 2023, đánh dấu một nửa chặng đường triển khai dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá giữa kỳ việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm nhìn lại kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong những năm tiếp theo.
Một nửa chặng đường cho thấy việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bước đầu đã tạo được những chuyển biến rất tích cực, làm thay đổi chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của học sinh, thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu chứng tỏ sự phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh thông qua hơn bốn năm triển khai dạy học ở: lớp 1, lớp 2, lớp 3 (Tiểu học), lớp 6, lớp 7 (Trung học cơ sở), lớp 10 (Trung học phổ thông).
Bên cạnh những kết quả rõ nét, nửa chặng đường đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế đến từ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Quá trình triển khai cũng cho thấy các cấp, các ngành Trung ương, địa phương đang từng bước tháo gỡ các khó khăn, hạn chế.
“Phát huy thành quả đạt được và kiên trì với mục tiêu đổi mới” sẽ là từ khóa quan trọng trong nửa chặng đường tiếp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, 4 nhóm giải pháp đã được chỉ rõ trong báo cáo đánh giá giữa kỳ của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm: Tiếp tục phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa, bảo đảm đủ sách giáo khoa; tập trung thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên cho giáo dục theo quy định.
4. Phê duyệt sách giáo khoa mới: đảm bảo chất lượng, thẩm định đúng kế hoạch
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phê duyệt sách giáo khoa các môn học đảm bảo chất lượng và theo đúng kế hoạch. Tính đến cuối năm 2023, nhiệm vụ này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành.
Đến nay, sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung, chất lượng sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Sách giáo khoa mới giúp học sinh dễ tiếp cận với bài học có kênh chữ và kênh hình đẹp, dễ hiểu. Được thiết kế, trình bày bằng các hoạt động đa dạng giúp giáo viên dễ dạy, định hướng cho giáo viên lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực. Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh. Tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò.
Việc lựa chọn sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, điều chỉnh theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Các địa phương triển khai, áp dụng thực hiện linh hoạt theo điều kiện của từng địa phương. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm công khai, dân chủ trong lựa chọn sách giáo khoa.
Việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa được các nhà xuất bản thực hiện đa dạng, với nhiều phương thức và kênh phát hành. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản để cung cấp kịp thời số lượng sách giáo khoa cho các năm học.
5. Xác định phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025: Dấu ấn của đổi mới
Ngày 28/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”. Phương án này đã được công bố rộng rãi tới toàn thể xã hội.
Theo phương án, nội dung Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 được xây dựng bài bản, khoa học; bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật của nhà nước, của ngành Giáo dục và Đào tạo liên quan về công tác tổ chức thi bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; tiếp thu thành tựu và kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Quá trình xây dựng và lấy ý kiến phương án thi được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm trên cả diện rộng và chiều sâu. Các ý kiến trao đổi, phân tích từ các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân là kênh quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện phương án, đáp ứng mong muốn của đa phần xã hội.
Cùng với phương án thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công bố cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 làm căn cứ để các nhà trường, giáo viên, học sinh tham khảo cho quá trình dạy và học. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai theo kế hoạch các công việc, nhiệm vụ để việc thực hiện Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra.
6. Phát triển và chăm lo đội ngũ nhà giáo: đổi mới chính sách, bổ sung biên chế, quan tâm, chăm lo đời sống giáo viên
Tiếp nối những nỗ lực nhằm phát triển và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo đã được thực hiện trước đó, năm 2023 tiếp tục cho thấy nhiều dấu ấn trong công tác này.
Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2023 - nâng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng đã giúp cho mức lương, thu nhập của giáo viên có sự cải thiện, qua đó giúp giáo viên phần nào đảm bảo cuộc sống, yên tâm gắn bó với nghề.
Ngày 25/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý viên chức. Theo đó, chính thức bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thành xét thăng hạng. Việc bỏ thi thăng hạng viên chức đã giúp xóa bỏ những tồn tại từ thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo giáo viên.
Cũng trong năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 3/2021/TT-BGDĐT 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Nhiều điểm mới của Thông tư 08 đã khắc phục những hạn chế trước đó, tạo thuận lợi, động lực cho đội ngũ giáo viên.
Tiếp tục thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, năm 2024 các địa phương sẽ tiếp tục được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu gv ở các trường mầm non, phổ thông.
Đặc biệt, ngày 7/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP; trong đó giao Bộ GDĐT phối hợp với các Bộ, ngành trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo, tạo điều kiện để kiến tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo, nâng cao vị thế của nhà giáo và ngành giáo dục. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo - đơn vị được giao chủ trì đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để dự thảo Luật Nhà giáo, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
7. Gặp gỡ trên một triệu giáo viên cả nước: chia sẻ, đồng thuận, quyết tâm đổi mới giáo dục
Ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với trên một triệu giáo viên cả nước. Đây là lần đầu tiên, hoạt động này được tổ chức. Trước khi diễn ra, thông qua kênh của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có hơn 6.300 câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng, cho thấy sự quan tâm, mong mỏi của giáo viên được trò chuyện, được lắng nghe giải đáp trực tiếp từ người đứng đầu ngành về những vấn đề thiết thân với đội ngũ.


Ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với trên một triệu giáo viên cả nước.

Ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với trên một triệu giáo viên cả nước.
Tại cuộc gặp gỡ, hàng loạt ý kiến, câu hỏi liên quan đến chính sách nhà giáo như định mức, lương, phụ cấp nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu nghề giáo; chính sách đặc thù cho các giáo viên mầm non; chính sách, vị trí việc làm cho nhân viên trong các nhà trường; quy đinh về tự chủ đại học; các chính sách về đầu tư nghiên cứu khoa học; cơ sở hạ tầng giáo dục đại học. … đã được giáo viên gửi tới Bộ trưởng. Trong khoảng thời gian nhất định, Bộ trưởng đã trao đổi, giải đáp nhiều mong mỏi, ý kiến của giáo viên. Các ý kiến, câu hỏi của giáo viên cũng đã được tiếp nhận đầy đủ để giải đáp bằng các hình thức khác và là cơ sở để điều chỉnh chính sách.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp. Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành chúng ta. Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo.
8. Tích cực, chủ động chuyển đổi số: Số hóa đầy đủ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia
Năm 2023, ngành giáo dục lần đầu tiên đưa vào khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó có công tác tuyển sinh thực hiện trực tuyến trên HEMIS. Hệ thống Hemis đã kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và thực hiện đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023.
Trước đó, các có sở dữ liệu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã được rà soát thu thập đầy đủ, làm sạch dữ liệu, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, công chức, viên chức phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện xác thực và định danh được gần 24,21/25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh; đã đồng bộ, làm giàu cho dữ liệu dân cư thông tin (chuyên ngành Giáo dục và Đào tạo) của hơn 24 triệu công dân là giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh ngành Giáo dục.
9. Phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời
Ngày 10/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Lễ phát động với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Đề án “Xây dựng xã hội học tập” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2005 theo các thời kỳ, giai đoạn 2005-2010, 2012-2020 và 2021-2030. Việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế cho thấy còn những hạn chế, rào cản xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Sau lễ phát động, các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai thi đua sâu, rộng và thường xuyên, để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển đất nước.
10. Duy trì top 10 quốc gia đạt kết quả các kỳ thi Olympic quốc tế cao nhất
Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của giáo dục mũi nhọn, khi các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực liên tục mang về thành tích cao.
7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia, gồm: 1 đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, 1 đoàn Vật lí tham dự Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lí và Tin học.
Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về cho nước nhà thành tích xuất sắc, tất cả các thí sinh của các đoàn đi thi đều đoạt giải, với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi năm 2023 tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh đạt số điểm cao nhất.
Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của giáo dục mũi nhọn, khi các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực liên tục mang về thành tích cao.
Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của giáo dục mũi nhọn, khi các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực liên tục mang về thành tích cao.
Trong 5 năm gần đây, có 174 lượt học sinh tham dự các kỳ Olympic quốc tế và khu vực các môn Toán học, Hoá học, Vật lí, Sinh học, Tin học và mang về 170 huy chương và bằng khen. Trong đó, có 54 Huy chương Vàng, 68 Huy chương Bạc, 40 Huy chương Đồng và 8 bằng khen.
Thùy Linh

ĐẾN ĐÁY CHƯA HẢ CỤ?
MẠC VĂN TRANG/FB/TD 30-12-2023


Chiều qua đi bộ, gặp ông cụ hàng xóm. Cụ kéo tay, bảo, ngồi ghế đá chơi, hỏi chuyện tí. Cụ hỏi:
- Đến đáy chưa hả cụ?
- Cụ bảo đến đáy cái gì?
- Là tôi hỏi, cái xã hội này, mọi thứ đã xuống đến đáy chưa?
- Khó nhỉ. Cái này phải hỏi cụ Trọng, anh Thưởng chứ!
- Hỏi các ông ấy quá bằng xem tivi, mọi thứ đều tiến bộ, xã hội chưa bao giờ được thế này… Thế thì mới hỏi cụ nhìn nhận thế nào?
- Trước hết cũng phải nhìn thấy mặt tích cực chứ… Như kiều hồi gửi về tp HCM năm nay hơn 9 tỷ usd nhé. Thế là bà con ta dẫu tha phương cầu thực, vẫn thương nhớ quê hương… Việt nam nâng quan hệ với Mỹ, Nhật lên cấp đối tác chiến lược; hàng ngàn xí nghiệp ngừng sản xuất, hàng vạn công nhân không có việc làm; vậy mà dân ta vẫn xoay xoả, kiên nhẫn chịu đựng, nhiều người quay về bám ruộng vườn để sống. Thu nhập thấp, tiền chi cho y tế, giáo dục tăng, lạm phát, giá cả tăng… dân ta vẫn cắn răng chịu đựng… Dân mình nhẫn nhục, chịu khổ, chịu cực giỏi cực kỳ!...
- Cụ lại nói như Tuyên giáo ấy nhỉ? Tôi hỏi là những cái sa sút đã đến đáy chưa?
- Giáo dục chắc đến đáy rồi! Phật giáo, cứ xem những gì diễn ra ở chùa Ba Vàng và mấy Ma tăng tự tung tự tác khắp nơi thì toang hết rồi, tận đáy rồi. Y tế, văn hoá, đạo đức xã hội cũng đang rơi xuống đáy rồi!
- Thế tham nhũng, “đốt lò” đã đáy chưa?
- Nhìn vào các thành phần tham nhũng thì, giới nghiên cứu khoa học xuống đáy rồi; đạo đức, nhân cách quan chức xuống đáy rồi; các loại tham nhũng “ăn không chừa thứ gì”, đến đáy rồi!
- Thế là sự nghiệp “đốt lò” hoàn thành chăng?
- Hoàn thành sao được. Đốt lò không có đáy đâu! Đấy, sau vụ “chuyến bay giải cứu”, “Việt Á”, đến Chủ tịch nước, 2 Phó Thủ tướng, mấy Bộ trưởng, hàng trăm cán bộ cỡ bự mất chức, mà vẫn tiếp tục chứng nào tật ấy, tiếp tục bắt các chủ tịch tỉnh, cán bộ có cỡ… Cứ cơ chế này thì “củi” không bao giờ hết! Có điều, sau cụ Trọng là ai, có còn muốn “đốt lò” nữa hay không? Cho nên Cụ Trọng lo lắm đấy. Xem cái clip hôm Cụ ấy phát biểu trước Tập Cận Bình, tỏ ra lo lắng lắm. Cụ ấy nói, “đồng chí Tập Cận Bình còn trẻ, tôi già rồi’… và nghẹn ngào xúc động!
- Thế thì “cùng tắc biến” chứ cụ?
- Quy luật là vậy, nhưng ở ta chắc khó lắm. “Biến” từ dưới, chả ai mong, gây ra hỗn loạn, tang thương… Vả lại “dân nào chính phủ ấy”; hàng vạn dân chen nhau đến chùa Ba Vàng chiêm bái cái “tóc” ngọ ngoạy, rồi vái lạy, cúng dường để cầu lợi lộc thì “khai dân trí, chấn dân khí” đến bao giờ!? Mà hy vọng có những thay đổi từ bên trên càng khó. Trước Liên hiệp quốc mà họ dám ngang nhiên tuyên bố, Việt Nam sẽ thực hiện nhân quyền vào năm 2099! Trước nhân dân và nhân loại họ nói vậy, mà chẳng ngượng ngùng…Nghĩa là từ nay đến 2099, mục tiêu nhân quyền của Việt Nam “tứ khoái” là đủ rồi!
- Cụ nói cũng phải. Dân mình chịu nhẫn nhục quen rồi; công an thì tăng cường chính quy hoá tận xã, rồi dân phòng khắp nơi, người dân nào ngọ ngoạy được! Mà công an được hưởng 85 phần trăm tiền phạt khi nộp ngân sách nữa mới kinh chứ! Cho nên người ta nói, bây giờ không phải “công an chỉ biết còn Đảng, còn mình”, mà “Công an còn thì Đảng còn”! Công an là “thanh kiếm, lá chắn của Đảng” cơ mà!
- Thảo nào! Vậy nên cụ hỏi đến đáy chưa hay chưa đến đáy cũng vậy thôi. Mọi thứ cứ xuống đáy rồi lại trồi lên, trụt xuống, trườn bò, ngoi lên, ngụp xuống… “Một đất nước không chịu phát triển” mà!
- Ta già rồi sống mấy nữa, thế nào cũng được! Lo là lo các lớp trẻ…
- Rồi cái gì đến sẽ đến cụ ạ, lo cũng chả được!
Hai lão già lại bắt tay nhau cười mếu máo! Chuẩn bị đón năm 2024 xem nó trồi, sụt thế nào?
30/12/2023
Mạc Van Trang
Tiếng Dân News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét