Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

20231218. NỘI HÀM CỦA 'CỘNG ĐỒNG CHIA SẺ TƯƠNG LAI'?

   ĐIỂM BÁO MẠNG

'CỘNG ĐỒNG CHUNG VẬN MỆNH'
TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ FB 10-12-2023


Nếu ai đó có ý tìm hiểu ý nghĩa về "cộng đồng chung vận mệnh" của TQ là gì chắc người đó sẽ phải ngẩn ngơ, nếu họ coi các clip video của "báo lớn" VN hải ngoại. Đa số các học giả nói chung quanh về chuyện này với "giả định" rằng người nghe cũng hiểu nội dung "cộng đồng" này giống như họ. Các bài báo cũng vậy. Mỗi học giả bàn về cộng đồng này "theo cách hiểu" của họ. Riêng GS Alexander Vuving trên BBC có ví von Tập Cận Bình thuyết phục các quốc gia gia nhập "cộng đồng chung vận mệnh" tương tự việc làm quảng cáo rao bán cái bình không rượu. Ý của GS A. Vuving là nội dung của "cộng đồng chung vận mệnh" của TQ hoàn toàn chưa có.
Theo tôi, nếu ta hiểu biết ít nhiều lịch sử hiện đại của TQ, ta thấy nước này không có thói quen "lập liên minh". Trong thời kỳ chiến tranh lạnh TQ không "xếp hàng sau lưng" Liên Xô mà đứng riêng rẽ trong một "khối" gọi là "khối phi liên kết". Theo tôi trong tương lai TQ cũng sẽ không lập "liên minh", kiểu Tây phương như NATO. TQ sẽ có những "sáng kiến" khác hẳn, có thể gây nhạc nhiên cho nhiều người.
Văn minh Trung hoa có quan niệm khác biệt với phần còn lại của thế giới về "tình bạn". Nếu ta có coi phim chưởng hay đọc truyện kiếm hiệp, ta thấy khi hai người kết bạn "tâm giao" luôn có những câu thề thốt kiểu : "có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia" hay "hai bên không sinh cùng năm cùng tháng cùng ngày nhưng nguyện chết cùng ngày cùng năm cùng tháng" v.v....
Vấn đề ở đây là quan hệ giữa "quốc gia với quốc gia". Mà quan hệ giữa hai nước độc lập có chủ quyền luôn phải là bình đẳng và "lợi ích" của các bên phải được tôn trọng.
Theo tôi nội dung của "cộng đồng chung vận mệnh" của TQ sẽ đặt nền tảng trên quan niệm tình bạn khi kết giao thì "có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia".
"Có phúc cùng hưởng" nói về kinh tế. Kinh tế phát triển thì cả cộng đồng cùng phát triển theo. "Có họa cùng chia" nói về an ninh chiến lược. Cộng đồng bị đe dọa tất cả các thành viên đều bị đe dọa. Cái "họa" các bên cũng chia sẻ.
Ta thấy quan niệm "cộng đồng chung vận mệnh" theo nghĩa này không hoàn toàn đúng với các liên minh quân sự, như phe Trục (Đức-Ý-Nhật) thời Thế chiến II, hay NATO hiện thời.
Tuy nhiên VN là trường hợp đặc biệt. Từ khi VN lập quốc đến hậu bán thế kỷ 20, TQ luôn coi VN là một "chư hầu". Cái nhìn của TQ về VN không thay đổi, trong thời kỳ "chiến tranh lạnh", hay thời kỳ hai bên "có vận mệnh tương quan" như hiện thời.
VN là một mô hình thu nhỏ của TQ. Trên mọi mặt, từ ý thức hệ chính trị, về mô hình xây dựng và quản lý quốc gia cũng như hai bên đều có đảng cộng sản lãnh đạo... VN tự nguyện rập khuôn TQ. TQ có sáng kiến gì VN cố gắng học sáng kiến ấy. Đảng viên CS được đào tạo tại TQ. Sĩ quan VN cũng vậy. Rõ ràng VN là một "chư hầu" thời hiện đại của TQ.
Tức là VN có gia nhập hay không gia nhập "cộng đồng chung vận mệnh" với TQ, sẽ không bao giờ VN được TQ đối xử "bình đẳng" và lợi ích của VN được TQ tôn trọng.
Tình hình là VN lệ thuộc vào TQ như người đã bị ngập nước tới cổ. Các tỉnh miền Bắc đã "gắn liền" với TQ qua dự án "hai hành lang một vành đai". Hà nội, Hải phòng và các tỉnh ven Vịnh Bắc Việt "phát triển đẹp".
Cách đây không lâu tôi có nói rằng VN sau này ra sao, tiến về phía trước (như Nhật, Hàn, Đài loan...), lùi về phía sau (như Bắc hàn, Cuba...), qua phải, qua trái... sẽ đều do người dân miền Bắc quyết định. Chỉ có Mỹ mới có khả năng giúp VN trở thành một quốc gia độc lập, tự chủ, có khả năng "tự lực tự cường". Và tôi hy vọng sự thay đổi VN sẽ đến từ người ngoài Bắc, "ngoài đảng".

VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆC 'XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG CHIA SẺ TƯƠNG LAI VN-TQ'

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/FB 13-12-2023
Ông Tập Cận Bình đã gặt hái những thành quả quan trọng cho TQ qua chuyến đi thăm VN 12/13 tháng 12 năm 2023. Cùng với người đồng cấp Tổng bí thư đảng CS Nguyễn Phú Trọng, ông Tập đã thành công trong việc chính thức đưa VN vào vòng kềm tỏa của TQ. Từ nay VN sẽ cùng TQ “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai”.
Một cách tiệm tiến. Từ tâm điểm của các Tuyên bố chung 2017 và 2022, hai ông Tập và Trọng đã chia sẻ tầm nhìn chiến lược về một “cộng đồng chia sẻ vận mệnh chung” cho hai nước VN và TQ. Từ Hội nghị Thành đô 1991 đến nay là một quảng đường dài.
Về ngôn từ, cụm từ “cộng đồng chia sẻ tương lai” có ý nghĩa không khác “cộng đồng chia sẻ vận mệnh”. Chỉ có vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau mới có thể cùng chia sẻ một tương lai, cùng chia sẻ một vận mệnh, cùng có “vận mệnh tương quan”.
Từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, do lo ngại sụp đổ dây chuyền cùng với các quốc gia Đông Âu, đảng CSVN quyết định xuống nước làm hòa với TQ. Bề mặt nói là để cùng đảng CSTQ “bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa”.
TQ chấp nhận sự cầu hòa của VN dĩ nhiên với nhiều điều kiện. VN nhượng Campuchia lại cho TQ đồng thời chấp nhận “thập lục tự phương châm” làm nền tảng quan hệ giữa hai đảng và hai nước. Đó là 16 chữ "Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan".
Về địa lý, VN và TQ núi liền núi, sông liền sông - sơn thủy tương liên. Về ý thức hệ chính trị, VN và TQ có cùng đảng cộng sản lãnh đạo. Về văn hóa, VN và TQ cùng chia sẻ văn hóa Khổng Mạnh. “Vận mệnh tương quan”, hai nước có cùng chung vận mệnh. Là điều cuối cùng, hơn ba thập niên sau, đảng CSVN đã thực hiện để hoàn tất các cam kết của họ với TQ.
Quan hệ hai bên VN và TQ vì vậy là quan hệ “đũa lệch”, chiếc cao chiếc thấp. Mô hình xây dựng và quản lý quốc gia VN rập khuôn TQ. Hai bên có cùng đảng CS lãnh đạo. TQ trấn an VN việc xây dựng cộng đồng sẽ dựa lên “nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi”. Nhưng sẽ không bao giờ có sự bình đẳng giữa “thần tử với thiên triều”. TQ có quan niệm từ sau Hội nghị Thành đô 1991, VN là một thứ “lãng tử hồi đầu”, một đứa “con hoang” đi lạc bây giờ hồi tâm về chầu dưới bệ rồng.
Bài hôm qua tôi có tóm tắt tình hình thế giới vô cùng thuận lợi cho TQ thực hiện các tham vọng đja chính trị của mình.
Ukraine đang gặp khó khăn vì Mỹ (tạm) ngưng viện trợ. Các quốc gia Châu u đang bị khủng hoảng kinh tế, việc giúp Ukraine chống Nga trở thành một gánh nặng. Viễn ảnh “giải phóng các lãnh thổ” hiện nằm trong tay Nga ngày một thêm xa.
Vai trò "cảnh sát quốc tế" của Mỹ bị đặt lại sau khi đại cường này tích cực ủng hộ các cuộc hành quân và dội bom của quân Do thái vào dãi Gaza, ngay cả khi việc này khiến Mỹ có thể bị thế giới phê phán là đồng lõa với các hành vi diệt chủng và tội ác chiến tranh. Nạn nhân Palestine đến nay đã trên 17 ngàn người, trong đó ít ra 1/3 là trẻ em.
Mỹ không thể một mặt giúp Ukraine chống lại Nga xâm lược và gây tội ác chiến tranh, với danh nghĩa bảo vệ luật lệ và trật tự quốc tế. Đồng thời Mỹ lại chà đạp lên luật lệ và phá vỡ trật tự quốc tế khi ủng hộ Do thái xâm lược và (có thể) gây tội ác diệt chủng đối với dân Palestine.
Luật lệ quốc tế, nền tảng của trật tự quốc tế từ 1945 đến nay không được Mỹ, quốc gia đã góp tay khai sinh ra nó, tôn trọng.
Hệ quả làm cho từ nay một quốc gia mạnh có thể xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác.
Venezuela vừa lên tiếng yêu sách lãnh thổ và hải phận của quốc gia lân bang Guyana, với sự đe dọa dùng vũ lực để chinh phục.
TQ thừa dịp đem tàu bè đe dọa Phi ở các khu vực thuộc hải phận kinh tế độc quyền của Phi. TQ muốn thăm dò phản ứng của Mỹ để có quyết sách về vấn đề Đài loan.
Luật lệ và trật tự quốc tế từ nay đảo lộn.
Mỹ khó có lý do chính đáng để can thiệp vào Venezuela, trong khi Mỹ một mặt ngưng (hay tạm ngưng) viện trợ cho Ukraine chống quân Nga xâm lược, một mặt ủng hộ Do thái trong việc bành trướng lãnh thổ và (có thể) gây nạn diệt chủng đối với dân Palestine. Mỹ cũng sẽ khó khăn khi lên tiếng bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ của Phi” cũng như bảo vệ Đài loan với danh nghĩa củng cố quyền lựa chọn thể chế chính trị của dân Đài loan.
Các quốc gia Châu Á, trong đó có VN, nhìn đại cường Mỹ bằng con mắt hoài nghi.
Vì vậy TQ có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để thuyết phục các quốc gia như VN theo mình.
Tương lai VN từ nay gắn liền với tương lai TQ. Vấn đề là TQ hiện nay đang gặp khủng hoảng xã hội, đến từ sự trì trệ về kinh tế.
TQ thúc đẩy VN đưa dự án “hai hành lang một vành đai” gắn kết vào sáng kiến “Vành đại, con đường”, qua một số thỏa thuận về xây dựng hạ tầng cơ sở, các tỉnh từ Lào cai đến Hải phòng và từ Lạng sơn, Cao bằng, Hà giang đến Quảng ninh. Hai bên cũng có thỏa thuận hợp tác về phát triển đường sắt.
Nếu thành công các tỉnh miền Bắc sẽ phát triển mạnh mẽ.
Nhìn lại VN trên tổng thể, ta thấy dường như hai bên VN và TQ không đá động gì tời miền Nam (dưới vĩ tuyến 17). Không có một kết ước nào đề cập đến khu vực này.
Theo tôi, các tranh chấp về lãnh thổ và hải phận ở Biển Đông có thể từ nay sẽ “giữ nguyên trạng” - statut quo. TQ sẽ không làm áp lực đối với VN, như hiện nay đối với Phi. Và VN từ nay sẽ im lặng về các yêu sách lãnh thổ Hoàng sa và Trường Sa. VN và TQ có thể “cùng khai thác” ở một số khu vực mà TQ đã lựa chọn từ trước.
Theo tôi, quyết định của VN gắn kết vào TQ sẽ đem lại cho Mỹ một cảm giác lo âu chừng mực nào đó.
Tôi cũng thấy điều cần ghi nhận là sự hiện diện của Thủ tướng Hun Manet của Campuchia trong thời gian ông Tập có mặt ở VN. Đây chắc chắn không phải là một sự tình cờ. TQ và Campuchia gắn bó với nhau về căn cứ quân sự Ream và dự án kinh đào (kinh tế chiến lược) Phù Nam Techo. Trong khi VN lại hết sức quan ngại về hai dự án này. Ngoài ra còn có dự án “Vành đai, con đường” của TQ liên quan đến cả Campuchia và VN. Tôi nghĩ rằng có lẽ có một sự trao đổi nào đó giữa TQ và VN, về dự án kinh đào Phù nam hay một ích kinh tế nào đó, để VN dễ dàng chấp nhận “ngả vào lòng TQ” như đã thấy.

NGUỒN GỐC TỪ KHẨU HIỆU CỦA HỒ CẨM ĐÀO
GS. NGUYỄN VĂN TUẤN/ FB 17-12-2023
Nhiều khi chúng ta phải tìm đến tiếng Anh để hiểu tiếng Việt (và tiếng Hoa).
Mấy hôm nay, chúng ta hay nghe mệnh để “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, mà không rõ nó có nghĩa gì. Tôi lờ mờ dịch sang tiếng Anh kiểu ‘’Community of Shared Future’. Hỏi bác sĩ Google thì quả thật tôi dịch cũng khá gần, và vậy là có dịp tìm hiểu.
Mệnh đề này có tên (tiếng Anh) là ‘Community of common destiny for mankind’ (có nghĩa là cộng đồng vận mệnh chung cho nhân loại). Thế nhưng mấy người bên China dịch là ‘một cộng đồng chia sẻ tương lai cho nhân loại’ hoặc ‘cộng đồng nhân loại chia sẻ tương lai.’ Ngày nay, các quan chức China không nói đến ‘vận mệnh’ (destiny) nữa, mà thay vào đó là ‘tương lai’ (future).
Còn Việt Nam thì dịch là 'Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc'. Nhưng trong thực tế, họ (China) nghĩ tới thế giới, chớ chẳng riêng gì Việt Nam đâu.
Nguồn gốc của nó là một khẩu hiệu chánh trị do Hồ Cẩm Đào chế ra. Nhưng vài năm gần đây thì cái khẩu hiệu này được Tập Cận Bình nói thường xuyên và nâng lên thành một học thuyết. Từ một khẩu hiệu thành một học thuyết. Thiệt tình!
Vậy cái ‘học thuyết’ chia sẻ tương lai này là gì? Chẳng ai rõ. Có thể ngay cả ông Tập cũng không rõ. Có thể người chế ra khẩu hiệu này (Hồ Cẩm Đào) cũng không biết mình muốn nói gì. Thành ra, giới học giả và nhà báo tha hồ diễn giải. Kí giả người Anh Bill Hayton diễn giải rằng học thuyết ‘chia sẻ tương lai’ là một sự tấn công vào các tổ chức và liên minh đa phương quốc tế nhằm quản lí thế giới từ 1945.
Cụ thể hơn, cái ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ của China là một tuyên ngôn rằng China sẽ thay đổi trật tự quốc tế hiện tại. Trật tự thế giới hiện nay được xây dựng dựa trên các quốc gia tự do và chủ quyền tuân theo luật pháp quốc tế chung. China muốn thay đổi trật tự này bằng tập hợp các quốc gia phụ thuộc kinh tế vào China, và theo thời gian các quốc gia này phải chấp nhận các yêu sách chánh trị của China.
Có lẽ chính vì vậy mà phương Tây, đặc biệt là Mĩ, không chấp nhận cái khái niệm ‘chia sẻ tương lai’ của Tập. Người thì nói cái khái niệm đó trống rỗng, kẻ thì xem là một loại chủ nghĩa bá quyền mới. Nhưng dù sao thì chánh khách China cũng thuộc loại tầm cỡ, có khả năng đưa ra một tầm nhìn xa và làm cho phương Tây phải chú ý.
Cái note này không muốn bàn về ý nghĩa của khái niệm / học thuyết / viễn kiến ‘Chia sẻ tương lai’, mà chỉ nhân câu chuyện để nói rằng muốn hiểu tiếng Việt thì chúng ta phải học tiếng Anh. Nếu chỉ đọc báo tiếng Việt thì chưa chắc chúng ta biết ‘Chia sẻ tương lai’ là cái gì, nhưng tiếng Anh là phương tiện mở cánh cửa tri thức để chúng ta có một cách hiểu khác và phong phú hơn. Vậy mà có người xúi con em chúng ta học tiếng Hoa!

CỘNG ĐỒNG CHUNG VẬN MỆNH VỚI AI PHẢI LÀ LỰA CHỌN CỦA DÂN

LƯU TRỌNG VĂN/ FB 11-12-2023
Ngày 12.12 ông Tập Cận Bình qua Hà Nội với sứ mệnh được các cơ quan truyền thông Trung Quốc và Việt Nam gọi là “Nâng cấp quan hệ đối tác”.
Nghe nói, phía Trung Quốc muốn gọi quan hệ được nâng cấp trên cả “Đối tác Chiến lược Toàn diện” hiện nay là “Cộng đồng chung vận mệnh”.
Rất nhiều người không hiểu được “Cộng đồng chung vận mệnh” thực chất là gì? Và nó hơn quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” thế nào?
Thậm chí, giáo sư Trần Ngọc Vương một người am hiểu Trung Quốc và lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cũng đặt câu hỏi: Cộng đồng chung vận mệnh là gì?
Xin khẳng định, hơn bao giờ hết người Dân Việt Nam khát vọng có một Dân tộc Trung Hoa là láng giềng thân thiện. Hơn bao giờ hết người Dân Việt Nam mong muốn tình cảm hữu nghị, minh bạch, chân thành, tử tế với người Dân Trung Quốc.
Nhưng tất cả không bởi các lời nói, ước muốn mà bằng hành động. Sự thật nhiều năm qua cũng như suốt chiều dài lịch sử, người Việt Nam luôn cảm nhận sự bất an, xáo trộn niềm tin trước hành động bá quyền của các triều đại trong quá khứ cũng như hiện nay của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Chính vì vậy nhiều người không khỏi lo ngại, e dè khi chưa thể biết cái cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh” là thế nào?
Nó có được áp vào để thể hiện việc nâng cấp quan hệ Trung - Việt trong cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng hay không? Và, ông Nguyễn Phú Trọng có quyết định ghi tên mình vào lịch sử khi chấp nhận cụm từ đó, nếu có, hay không?
Nhưng, theo suy đoán thực tế mối quan hệ Việt - Trung với rào cản khó gỡ là an ninh Biển Đông cùng tham vọng “Đường lưỡi chó” mà Trung Quốc tự coi là “giá trị cốt lõi của Trung Quốc”, đồng thời với chiến lược 4 không minh bạch của quốc phòng Việt Nam, kiểu quan hệ gì thì quan hệ Trung Quốc - Việt Nam không thể là đồng minh hoặc liên minh được.
Nên, khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh” không thể hiểu là đồng minh hay liên minh.
Vậy thì cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh” nếu xuất hiện sẽ được hiểu thế nào?
Phải chăng, có khả năng “Cộng đồng”chỉ là một khái niệm lỏng, còn “vận mệnh” cũng chỉ là một khái niệm lỏng khi không đi kèm với các chỉ dẫn rành mạch về chính trị, thể chế, an ninh… như một thứ Hiệp ước?
Một phiên bản của “Cộng đồng” đã có đó là “Cộng đồng các quốc gia độc lập” với tên gọi SNG, ra đời vớt vát khi Liên bang Xô viết tan rã. Tuy mang tên “cộng đồng” có cùng chung vận mệnh an ninh, kinh tế, chính trị, văn hoá nhưng thực chất vẫn rất lỏng lẻo trên nền tảng cò cưa níu kéo nhau giữa các nước từng chung một liên bang. Thực tế, sau đó nhiều thành viên của “Cộng đồng”thành kẻ thù của nhau, chém giết nhau.
Một mô hình na ná “Cộng đồng” đó là “Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)”. Đây là một tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập năm 2001 gồm các quốc gia thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Vậy thì “Cộng đồng chung vận mệnh”nếu có giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ na ná mô hình đã có nào? Hay sẽ là một mô hình chưa từng có để thể hiện một mối quan hệ chưa từng có?
Nếu nó là mô hình chưa từng có trong quan hệ giữa đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Trung Quốc dù khắng khít mức cao nào, thì đó chỉ là sứ mệnh riêng của hai đảng. Nhưng, một khi nó là mối quan hệ có tính ràng buộc có tính “Hiệp ước” về tương lai giữa hai đất nước, hai dân tộc nếu hiểu đúng nghĩa vận mệnh - số mệnh - kiếp mệnh lâu dài, thì tính pháp lý của nó chỉ có thể có được qua bỏ phiếu của quốc hội (nếu quốc hội đó thực sự do Dân lựa chọn dân chủ bầu ra), hoặc qua Trưng cầu Dân ý.
Tương lai, vận mệnh lâu dài của Dân tộc không thể chỉ được quyết định bởi một đảng cầm quyền, cho dù đảng cầm quyền đó được đa số người Dân ủng hộ, hoặc cá nhân nào, cho dù cá nhân đó là lãnh tụ được người Dân tôn vinh.
Đó là Quy luật đương nhiên của Lịch sử của bất cứ quốc gia nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét