Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

20231213. QUANH CHUYẾN THĂM VN CỦA ÔNG TẬP CẬN BÌNH

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TBT,CT TRUNG QUỐC TẬP CẬN BÌNH ĐẾN HÀ NỘI, BẮT ĐẦU CHUYẾN THĂM VIỆT NAM
TTXVN/NDO 12-12-2023


Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trưa 12/12, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12-13/12 theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính ra Sân bay Quốc tế Nội Bài đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu Cấp cao Trung Quốc.
Cùng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu Trung Quốc tại sân bay có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.
Đại diện các tầng lớp nhân dân Việt Nam và người Trung Quốc tại Việt Nam; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phu nhân và Đoàn đại biểu Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ ba của đồng chí Tập Cận Bình đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chuyến thăm diễn ra một năm sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ giữa hai Đảng, hai nước; khẳng định sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai nước đối với việc củng cố quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển vững chắc, ổn định, bền vững, vì lợi ích của cả hai nước.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hiểu biết và tin cậy chính trị giữa hai bên được nâng cao, góp phần củng cố quan hệ chính trị giữa hai Đảng, hai nước; các chuyến thăm, trao đổi cấp cao và các cấp được tổ chức thường xuyên.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục xu hướng mở rộng tích cực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 và lớn nhất trong khu vực ASEAN của Trung Quốc, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD.
Trung Quốc đứng thứ 6 trong số 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với vốn lũy kế đạt 26 tỷ USD. Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác khác như quốc phòng, an ninh, hạ tầng, giao thông, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, đào tạo, thể thao, khoa học, công nghệ... cũng được tăng cường.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với các đồng chí Lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Hai bên sẽ điểm lại những kết quả hợp tác đạt được trong thời gian qua. Trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, hai bên sẽ đề ra những phương hướng, nhiệm vụ nhằm củng cố và phát triển Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

LỊCH SỬ TUYẾN ĐƯỜNG SẮT "VÀNH ĐAI VÀ CON ĐƯỜNG"
Ở VIỆT NAM
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ FB 11-12-2023


Báo chí ta và địch đang đồn ầm là đồng chí Tập sang Việt Nam sẽ hứa hẹn xây dựng tuyến đường sắt Lào Kai - Hà Nội - Hải Phòng, chắc theo chuẩn đường sắt TQ. Tuyến hiện có cũ rích từ thời Pháp thuộc với khổ đường ray hẹp.
Ngoài ra, TQ cũng sẽ tài trợ cho Việt Nam cải tạo tuyến đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Hà Nội và làm mới tuyến Móng Cái - Hải Phòng. Các tuyến đường sắt này nằm trong chiến lược Vành đai và Con đường của TQ. Đều nhằm mục đích vận chuyển từ các cửa khẩu lớn của TQ sang Việt Nam và ra biển.
Điều đặc biệt nữa là ngoài tuyến Móng Cái chưa xây thì các tuyến đường sắt kia đều đã có từ thời Pháp. Thời đó công ty hỏa xa Vân Nam (của Pháp) đã đầu tư đường sắt sang tận Côn Minh, từ Hải Phòng, để giao thương với TQ.
Mục tiêu ban đầu của người Pháp muốn chiếm SG và HN là nhằm mục đích tìm đường tiếp cận giao thương với miền Nam TQ. Đối với người Pháp từ thế kỷ 19 thì họ hầu như không để tâm tới Đông Dương, mà chỉ biết tới TQ.
Ban đầu, Pháp chiếm Gia Định rồi tìm đường đi ngược sông
Mekong để sang Tàu. Nhưng tuyến đường đó quá xa xôi hiểm trở. Thế là họ quay ra đi ngược sông Hồng lên TQ và điểm trung chuyển chính là Hà Nội. Nhà thám hiểm ở cả 2 tuyến đường là Jean Dupuis, cũng là 1 thương gia. Tay này chiếm chỗ trong lịch sử Việt Nam, còn được đặt tên đường thời Pháp thuộc, do có công khai phá, cũng gây nên biến cố HN, do bị quan lại HN đòi thu thuế. Quân Pháp mới được thể chiếm béng thành HN để bảo kê cho tàu buôn của Dupuis. Thế nên mới có chuyện mấy chục lính Pháp của Garnier chiếm thành HN với 2000 quân của đại tướng Nguyễn Tri Phương!
Năm 1879, Dupuis viết cuốn "Khai thông sông Hồng cho thương mại", trong đó có vẽ bản đồ Bắc Kỳ, bản đồ đầu tiên của vùng này.
Năm 1881 Dupuis được Viện Hàn lâm Khoa học Paris trao giải thưởng Delalande Guérineau cho công trạng thám hiểm và hỗ trợ chinh phục Bắc Kỳ.
Phố Hàng Chiếu đâm vào ô Quan Chưởng thời Pháp tên là Jean Dupuis.
"Vành đai và con đường" có lịch sử manh nha từ cuối thế kỷ 19 bởi con buôn Pháp, bắt nguồn từ như thế, ban đầu là đường thủy dọc sông Hồng, bắt đầu từ vịnh Hạ Long, khi còn chưa có cảng Hải Phòng. Tàu buôn Pháp sang Tàu qua ngả đó.
Con đường tơ lụa này mới chỉ thực sự trở nên hoàn chỉnh là vào thời Toàn quyền Paul Doumer. Ông này là người quyết định mở tuyến đường sắt nói trên, kết hợp với việc xây cầu Doumer (Long Biên) thì mới có sự kết nối tuyến đường sắt và đường bộ từ Hải Phòng - Hn - Lao Kay (hồi xưa gọi thế) bên cạnh đường sông. Thế mới thấy là tầm nhìn của người Pháp mới là kinh khủng, khi họ mở tuyến đường sắt này tới tận Côn Minh.
Ngày mai, khi TQ và Việt Nam họp bàn với nhau về tuyến đường này thì thực ra cũng chỉ là lặp lại ý tưởng của người Pháp mà thôi.

THỜI CƠ CỦA TRUNG QUỐC?
TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ FB 12-12-2023
Không hiểu sao các học giả, nhà nghiên cứu kỳ cựu về quan hệ ngoại giao giữa VN và TQ, trong những bài viết, hay bài phỏng vấn gần đây lại cho rằng Tuyên bố chung VN-TQ 1-11-2022 không nói gì về "cộng đồng chung vận mệnh".
Tôi thì có ý kiến ngược lại, sau khi kiểm chứng nhiều lần nội dung Tuyên bố chung 2022. Đoạn 3 Tuyên bố chung 2022:
"Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh và sự nghiệp cao cả hòa bình và phát triển của nhân loại."
Rõ ràng là "Hai bên VN và TQ chia sẻ vận mệnh chung".
"Chia sẻ vận mệnh chung" là gì nếu không phải là nội hàm của "cộng đồng chung vận mệnh" ?
Vì vậy theo tôi, nếu trong chuyến công du VN của chủ tịch Tập Cận Bình hôm nay, VN chính thức tuyên bố gia nhập Cộng dồng chung vận mệnh của TQ. Thì đây chỉ là một thủ tục nhằm chính thức hóa một thực tế đã hiện hữu từ hơn thập niên nay.
Theo tôi, tình hình thế giới trong những ngày gần đây đã thay đổi chóng mặt. Thời cơ thuận tiện cho TQ vô cùng lớn, giúp nước này dễ dàng thực hiện các tham vọng địa chính trị của mình.
Báo chí Châu Âu đặt nghi vấn về khả năng Ukraine có thể giải phóng các lãnh thổ của mình hiện nằm trong tay Nga. Vai trò "cảnh sát quốc tế" của Mỹ bị đặt lại sau khi đại cường này tích cực ủng hộ các cuộc hành quân và dội bom của quân Do thái vào dãi Gaza, ngay cả khi việc này khiến Mỹ đồng lõa với các hành vi diệt chủng và tội ác chiến tranh. Nạn nhân Palestine đến nay đã trên 17 ngàn người, trong đó ít ra 1/3 là trẻ em.
Bởi vì nước Mỹ không thể một mặt giúp Ukraine chống lại Nga xâm lược và gây tội ác chiến tranh, với danh nghĩa bảo vệ luật lệ và trật tự quốc tế. Song song đó Mỹ lại chà đạp lên luật lệ và phá vỡ trật tự quốc tế khi ủng hộ Do thái xâm lược và (có thể) gây tội ác diệt chủng đối với dân Palestine.
Luật lệ quốc tế, nền tảng của trật tự quốc tế từ 1945 đến nay bị Mỹ, quốc gia đã góp tay khai sinh ra nó, vi phạm. Hệ quả làm cho từ nay một quốc gia mạnh có thể xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác.
Venezuela lên tiếng yêu sách lãnh thổ và hải phận của quốc gia lân bang Guyana cho thấy luật lệ và trật tự quốc tế từ nay đảo lộn.
Mỹ lấy tư cách gì để can thiệp vào Venezuela, trong khi Mỹ một mặt ngưng (hay tạm ngưng) viện trợ cho Ukraine chống quân Nga xâm lược, một mặt ủng hộ Do thái trong việc bành trướng lãnh thổ và (có thể) gây nạn diệt chủng đối với dân Palestine.
Các quốc gia Châu Á, trong đó có VN, nhìn đại cường Mỹ bằng con mắt hoài nghi.
Hôm rồi TT Biden có nói về viễn tượng Thế chiến thứ 3. Đại họa này có thể xảy ra, nếu Do thái kéo Iran vào cuộc chiến.
Ta thấy Do thái, từ khi lập quốc cho đến nay, quốc gia này chưa bao giờ tuân thủ luật lệ quốc tế. Họ làm bom nguyên tử. Dọ xâm lấn lãnh thổ Jerusalem, vốn thuộc quyền quản trị của LHQ. Họ chiếm đất và xua đuổi dân Palestine. Họ bất chấp mọi Nghị quyết của LHQ về các vấn đề liên quan đến họ. Mỹ luôn bảo vệ Do thái.
Nếu Thế chiến lần nữa xảy ra, nguyên nhân bắt nguồn từ vụ Do thái xâm lược Gaza. Mỹ (sẽ cùng EU) bảo vệ Do thái.
VN nếu ngả về phía Mỹ hóa ra VN đồng lõa chống lại luật lệ quốc tế. VN là nước nhỏ, vũ khí hữu hiệu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ là luật quốc tế chớ không phải là quốc phòng. Quốc phòng của VN không đủ để bảo vệ chính mình.
Vì vậy TQ có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để thuyết phục các quốc gia như VN theo mình.
HÌNH ẢNH CÂY TRE
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/FB 12-12-2023




Trong buổi tiệc trà giữa 2 TBT Việt Nam và TQ ở 2 chuyến TBT đảng CS Việt Nam thăm TQ và Chủ tịch TQ thăm Việt Nam đều có hình ảnh cây tre.
Sự khác biệt là ở hình ảnh cây tre phía sau. Cây tre Tàu là phải thẳng, kiểu trúc quan âm (Phật bà) gì đó, mà phải ở phía sau Tập chủ tịt.
Còn Việt Nam đáp lễ bằng cây tre kiểu Việt Nam. Nó uốn éo vẹo vọ, không tự nhiên (do uốn) và nhìn rõ là rẽ theo 2 hướng ngược nhau. Nó được bài trí nằm chính giữa 2 TBT, thể hiện sự cân bằng trong quan hệ. Đấy là còn bồi thêm 1 cây tre trên bàn phía trước 2 người, chắc ý là còn có mối quan hệ fuk tạp nữa chứ không chỉ 2 đâu!
Đây là hình ảnh cây tre ở 2 buổi tiệc trà. Cái trước là ông Tập đãi ông Trọng. Cái sau là ông Trọng đáp lễ hôm nay.
Còn trường hợp cây tre thứ 3, là khi ông Biden họp báo ở Việt Nam. Cũng bày cây tre nhưng họ chọn loại tre thẳng tưng, không có uốn éo gì được hết. Mà là cây tre chết, tức là cái gậy thôi! Ý là vô hiệu hóa cái triết lý cây tre ngả nghiêng kiểu Việt Nam và biến nó thành cây gậy (người Mỹ có câu Cây gậy và củ cà rốt).
Tóm lại, TQ muốn Việt Nam là cây trúc quan âm, sống thẳng và đứng sau TQ, đừng có lang chạ. Mỹ muốn cây tre cũng thẳng, nhưng mà không còn sống, không còn khả năng ngả nghiêng. Còn Việt Nam thì đưa thông điệp cây tre uốn éo, quan hệ rất fuk tạp!
Hồi xưa học văn mình ghét nhất cái trò dựa vào 4 câu thơ mà chém gió ra 4 trang nghị luận, toàn phét lác vớ vẩn. Thế mà giờ cũng dựa vào 3 cái ảnh cũng chém gió phét lác vớ vẩn mất 3 phút đọc của anh em!

NÂNG CẤP HAY KHÔNG NÂNG CẤP ? THAT’S THE QUESTION !
TRẦN GIA NINH/FB TRẨN THANH CẢNH 11-12-2023


Chỉ còn một ngày nữa, TẬP CẬN BÌNH sẽ có mặt ở Hà Nội. Sẽ không dễ dàng cho cả hai phía chủ và khách để đạt được điều mình muốn trong cuộc thăm viếng quan trọng này.
Là thảo dân trong một nhà nước M - L total authoritarian, Mỗ chỉ bàn chuyện này cho vui thôi, chứ chẳng có ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới cả. Hãy xem đây là một bói toán thời cuộc.
1) Mỗ phải khẳng định rằng Mỗ phàn đối bất kỳ một nâng cấp quan hệ ngoại giao nào với TQ ngoài quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện như với Mỹ, Nga, Nhật, ….như hiện nay. Đó mới là thể hiện chính sách ngoại giao cây tre, làm bạn với tất cả các nước, kể cả các cường quốc.
2) Việt nam hình như lúc này đang bị áp lực vì TQ đang ép VN phải nâng cấp lên quan hệ là THAM GIA VÀO CÁI GỌI LÀ “命运共同体”tiếng Anh ( BBCdịch ) là COMMUNITY OF COMMON DESTINY (CCD) hay Community of Shared Future . Hiện nay ở Asian thì Lảo, Campuchia, Myanmar , Indonesia, Thailan đã tham gia.
3) Mặc dù hiện nay không chính thưc, thì trên mạng dịch SAI là CỘNG ĐỒNG CHUNG VẬN MỆNH, như bài hôm qua Mỗ đã phân tích, nhưng điều đó không quan trọng dù có gây hiểu lầm ( dù không quân tử cho lắm), nhưng nếu chống lại được áp lực phải tham gia thì đó là một thành công lớn. NHIỆT LIỆT HOAN NGHÊNH!
4) Mọi người bói xem, liệu VN có thoát được vụ này không ?

CỘNG ĐỒNG CHUNG VẬN MỆNH VỚI AI PHẢI LÀ SỰ LỰA CHỌN CỦA DÂN QUAN HỆ VIỆT -TRUNG TẬP CẬN BÌNH THỂ CHẾ CỘNG SẢN
Lưu Trọng Văn / FB/ BVN 12-12-2023


Ngày 12.12 ông Tập Cận Bình qua Hà Nội với sứ mệnh được các cơ quan truyền thông Trung Quốc và Việt Nam gọi là “Nâng cấp quan hệ đối tác”.
Nghe nói, phía Trung Quốc muốn gọi quan hệ được nâng cấp trên cả “Đối tác Chiến lược Toàn diện” hiện nay là “Cộng đồng chung vận mệnh”.
Rất nhiều người không hiểu được “Cộng đồng chung vận mệnh” thực chất là gì? Và nó hơn quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” thế nào?
Thậm chí, Giáo sư Trần Ngọc Vương một người am hiểu Trung Quốc và lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cũng đặt câu hỏi: Cộng đồng chung vận mệnh là gì?
Xin khẳng định, hơn bao giờ hết người Dân Việt Nam khát vọng có một Dân tộc Trung Hoa là láng giềng thân thiện. Hơn bao giờ hết người Dân Việt Nam mong muốn tình cảm hữu nghị, minh bạch, chân thành, tử tế với người Dân Trung Quốc.
Nhưng tất cả không bởi các lời nói, ước muốn mà bằng hành động. Sự thật nhiều năm qua cũng như suốt chiều dài lịch sử, người Việt Nam luôn cảm nhận sự bất an, xáo trộn niềm tin trước hành động bá quyền của các triều đại trong quá khứ cũng như hiện nay của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Chính vì vậy nhiều người không khỏi lo ngại, e dè khi chưa thể biết cái cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh” là thế nào?
Nó có được áp vào để thể hiện việc nâng cấp quan hệ Trung - Việt trong cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng hay không? Và, ông Nguyễn Phú Trọng có quyết định ghi tên mình vào lịch sử khi chấp nhận cụm từ đó, nếu có, hay không?
Nhưng, theo suy đoán thực tế mối quan hệ Việt - Trung với rào cản khó gỡ là an ninh Biển Đông cùng tham vọng “Đường lưỡi chó” mà Trung Quốc tự coi là “giá trị cốt lõi của Trung Quốc”, đồng thời với chiến lược 4 không minh bạch của quốc phòng Việt Nam, kiểu quan hệ gì thì quan hệ Trung Quốc - Việt Nam không thể là đồng minh hoặc liên minh được.
Nên, khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh” không thể hiểu là đồng minh hay liên minh.
Vậy thì cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh” nếu xuất hiện sẽ được hiểu thế nào?
Phải chăng, có khả năng “Cộng đồng” chỉ là một khái niệm lỏng, còn “vận mệnh” cũng chỉ là một khái niệm lỏng khi không đi kèm với các chỉ dẫn rành mạch về chính trị, thể chế, an ninh… như một thứ Hiệp ước?
Một phiên bản của “Cộng đồng” đã có đó là “Cộng đồng các quốc gia độc lập” với tên gọi SNG, ra đời vớt vát khi Liên bang Xô viết tan rã. Tuy mang tên “cộng đồng”có cùng chung vận mệnh an ninh, kinh tế, chính trị, văn hoá nhưng thực chất vẫn rất lỏng lẻo trên nền tảng cò cưa níu kéo nhau giữa các nước từng chung một liên bang. Thực tế, sau đó nhiều thành viên của “Cộng đồng”thành kẻ thù của nhau, chém giết nhau.
Một mô hình na ná “Cộng đồng” đó là “Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)”. Đây là một tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập năm 2001 gồm các quốc gia thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Vậy thì “Cộng đồng chung vận mệnh”nếu có giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ na ná mô hình đã có nào? Hay sẽ là một mô hình chưa từng có để thể hiện một mối quan hệ chưa từng có?
Nếu nó là mô hình chưa từng có trong quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc dù khắng khít mức cao nào, thì đó chỉ là sứ mệnh riêng của hai đảng. Nhưng, một khi nó là mối quan hệ có tính ràng buộc có tính “Hiệp ước “về tương lai giữa hai đất nước, hai dân tộc nếu hiểu đúng nghĩa vận mệnh – số mệnh – kiếp mệnh lâu dài, thì tính pháp lý của nó chỉ có thể có được qua bỏ phiếu của Quốc hội (nếu Quốc hội đó thực sự do Dân lựa chọn dân chủ bầu ra), hoặc qua Trưng cầu Dân ý.
Tương lai, vận mệnh lâu dài của Dân tộc không thể chỉ được quyết định bởi một đảng cầm quyền, cho dù đảng cầm quyền đó được đa số người Dân ủng hộ, hoặc cá nhân nào, cho dù cá nhân đó là lãnh tụ được người Dân tôn vinh.
Đó là Quy luật đương nhiên của Lịch sử của bất cứ quốc gia nào.
L.T.V.
Bauxite Vietnam



HÃY CẨN TRỌNG VỚI MỐI QUAN HỆ 'RẤT HIẾM THẤY TRÊN THẾ GIỚI'
TRÂN VĂN/VOA/TD 13-12-2023


GIỚI LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC – VỐN TỪNG ĐỀ RA “16 CHỮ VÀNG” VÀ “TINH THẦN BỐN TỐT” ĐỂ ĐỊNH HƯỚNG CHO QUAN HỆ VIỆT TRUNG – NAY ĐANG QUẢNG BÁ “BỐN KIÊN TRÌ”.

Ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc – vừa đến Việt Nam (1). Đây là lần thứ ba ông Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam với cả hai tư cách như vừa kể (lần đầu năm 2015, lần sau năm 2017). Vài giờ trước khi chiếc phi cơ chở ông Tập Cận Bình hạ cánh ở phi trường Nội Bài, tờ Nhân Dân giới thiệu một bài viết được cho là của ông Tập Cận Bình, trong đó, ông ta nhấn mạnh, ông ta cảm thấy Việt Nam “vô cùng thân thiết”, đến Việt Nam “giống như đến thăm họ hàng, láng giềng” (2).
Giới lãnh đạo Trung Quốc – vốn từng đề ra “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) để định hướng cho quan hệ Việt Trung – đang quảng bá “bốn kiên trì” (tin cậy lẫn nhau, hài hòa lợi ích, hữu nghị thân thiết, đối xử chân thành). Trong thư gửi cho tờ Nhân Dân để cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN giúp quảng bá trước chủ trương, đường lối đối ngoại của Trung Quốc, Tập Cận Bình vỗ về người Việt: “Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt”!
***
Cũng thời điểm này, Stars and Stripes giới thiệu bài tổng kết về va chạm giữa Trung Quốc và Philippines ở biển Đông trong 2023. Từ đầu năm đến nay, các tàu có vũ trang của Trung Quốc (hải quân, hải cảnh, dân quân biển) đã có năm loại hành động gây hấn đáng chú ý ở khu vực biển Đông: Phóng laser vào tàu công vụ của Philippines khiến thủy thủ đoàn quáng (tháng 2/2023). Vây tàu, vây đảo (tháng 3/2023 và tháng 12/2023). Dùng súng phun nước tấn công tàu công vụ của Philippine (tháng 8/2023 và tháng 12/2023). Lắp đặt chướng ngại vật (hàng rào nổi) để cản trở hoạt động của ngư dân Philippine (tháng 9/2023). Liên tục hăm dọa tàu đánh cá, khiêu khích tàu công vụ của Philippine.
Jonathan Malaya - Phát ngôn viên của lực lượng đặc nhiệm tại biển Đông của Philippine – nhận định: Các hành động của Trung Quốc ở biển Đông cho thấy họ thực sự muốn gia tăng căng thẳng (3). Người Việt, đặc biệt là ngư dân Việt không lạ lẫm gì với những loại hành động này của Trung Quốc. Ít nhất chúng đã xuất hiện và tồn tại trên biển Đông khoảng hai thập niên. Tuy nhiên Philippine khác Việt Nam ở chỗ công bố tất cả các hành động hung hăng của Trung Quốc và vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ bảo vệ chủ quyền, vừa hỗ trợ ngư dân nhằm duy trì “bình thường hóa” di chuyển tại biển Đông.
***
Trong “bốn kiên trì” mà ông Tập Cận Bình vừa sử dụng cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN để giới thiệu đường lối, chủ trương đối ngoại của giới lãnh đạo Trung Quốc trong “tình hình mới”, người ta không thấy Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc đề nghị hai bên cùng “kiên trì” về... “chủ quyền” ở biển Đông – yếu tố quan trọng nhất. Nếu chỉ có Trung Quốc “kiên trì” với những yêu sách về chủ quyền thì “bốn kiên trì” (tin cậy lẫn nhau, hài hòa lợi ích, hữu nghị thân thiết, đối xử chân thành) có khác gì bịp bợm?
Nếu trong các cuộc hội đàm riêng biệt giữa Tổng Bí thư đảng CSVN, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, Thủ tướng Cộng hòa XHCN Việt Nam với ông Tập Cận Bình mà tất cả cùng lờ đi, không “kiên trì” nêu ra để cùng thảo luận một cách rạch ròi, sòng phẳng về “chủ quyền” thì... chẳng lẽ đó là lý do để Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam tự tin đến mức không ngại tuyên bố với báo giới rằng: Quan hệ giữa hai đảng, hai nước là “rất đặc biệt và có thể nói là rất hiếm thấy trên thế giới” (4)?
***
Ngày 8/12/2015, khi gặp gỡ ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư đảng CSVN – như đại biểu, đại diện cho cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm của thành phố Hà Nội tại Quốc hội, nhiều cử tri vốn là cựu viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã nhắc đến những yếu tố (như Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt từ đầu tháng 5/2014 cho đến giữa tháng 7/2014,...) khiến họ cũng như nhiều người Việt khác lo ngại cho chủ quyền quốc gia.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì lúc đó ông Trọng khẳng định: Càng ngày càng thấy cách giải quyết vấn đề biển Đông của đảng CSVN là đúng đắn. Thay vì trực tiếp trả lời những cử tri dù lợi ích của cá nhân và gia đình luôn luôn gắn chặt với sự tồn vong của đảng CSVN nhưng không tránh khỏi hoang mang về cách hành xử của đảng CSVN trong quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, ông Trọng vặn lại: Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không? Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không?
Ông Trọng tỏ ra rất tự tin và tự hào khi tự trả lời câu hỏi do chính ông nêu ra: “Ta” chơi với tất cả mà họ đều phải nể trọng. Không phải vô tình mà vừa qua cùng lúc chúng ta đón ba nguyên thủ lớn cùng đến Việt Nam. Vừa đón ông Tập Cận Bình xuống sân bay lại thay cờ, trang trí ngay để đón Tổng thống Italia... (5). Không rõ ông Trọng quan niệm như thế nào về “nể trọng”, đặc biệt là sự “nể trọng” mà Trung Quốc cũng như ông Tập Cận Bình dành cho Việt Nam và cho chính ông?
Cần nhớ, cho dù ông Tập Cận Bình được Việt Nam tiếp đón trọng thể, được mời trò chuyện với Quốc hội vào ngày 6/11/2015, công khai hứa hẹn sẽ cùng Việt Nam “nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau" (6) nhưng ngay hôm sau (7/11/2015), khi đến thăm Đại học Quốc gia của Singapore, ông Tập Cận Bình khẳng định: Biển Đông của Trung Quốc, một số đảo của Trung Quốc đang bị các nước khác ‘xâm chiếm’, do vậy hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông là nhằm bảo vệ chủ quyền (7)! Hi vọng, lần này, ông Trọng và đảng của ông không mắc lỡm vì lý do khiến quan hệ giữa hai đảng, hai nước trở thành “rất đặc biệt và có thể nói là rất hiếm thấy trên thế giới”.
Chú thích

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=


TRANG PHỤC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ FB/TD 14-12-2023


Nói về "biểu tượng" thì có nhiều chuyện để nói, trong buổi diện kiến giữa Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình và giữa hai phu nhân.
Về tổng bí phu nhân: Theo tôi phu nhân cần phải qua một lớp học về trang phục "vợ lãnh tụ". Bà vợ ông Thưởng đã có tiến bộ rõ rệt sau vài tháng học hỏi (vợ tổng thống Nam Hàn). Chấm 7 điểm trên 10.
Ảnh: Bà Phan Thị Thanh Tâm (phải), vợ ông Võ Văn Thưởng và Bành Lệ Viện, vợ ông Tập Cận Bình, đang đến đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: Báo SGGP
Theo tôi, khi nào mấy phu nhân chịu bỏ cái áo dài thêu hoa hòe thì lúc đó mấy bà có tiến bộ. Hoa hòe là biểu tượng của sự quê mùa. Màu sắc là thể hiện sự nghèo nàn. Càng nghèo người ta càng chuộng màu sắc chói chang.
Về màu sắc: Không ai bận áo đen (như Trọng phu nhân) khi tiếp quốc khách. Nếu bận thì phải có áo ngoài (áo vest) màu dịu.
Cũng không ai già cả mà bận áo thêu hoa hòe, nhứt là hoa sen bự tổ chảng trước ngực. Cũng cần phải biết chút ít văn hóa của đối tượng đón tiếp. Việt Nam bày vẽ ra các ý nghĩa tốt đẹp về hoa sen nhưng Trung Quốc có quan niệm riêng của họ về hoa sen. Không phải lúc nào hoa sen cũng có ý nghĩa tốt đẹp đâu.
Ảnh: Bà Ngô Thị Mận (phải), vợ ông Nguyễn Phú Trọng; tiếp bà Bành Lệ Viên, vợ Tập Cận Bình ngày 12-12-2023, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Nguồn: TTXVN
Về ý nghĩa cây tre thấy trong tiệc trà của hai cụ Trọng và Tập. Cây tre biểu tượng cho người quân tử. Đây là quan niệm chung của Việt Nam cũng như Trung Quốc. Cây tre quân tử là cây tre thẳng. Người ta tin tưởng bậc quân tử vì sự "chính trực", không cong vẹo ngả nghiêng.
Cây tre trên bàn trà của cụ Trọng là cây tre "bonsai", tuy gốc to nhưng ngoằn ngoèo không ra hình dáng phải có của một cây tre "quân tử". Nếu cây tre này thể hiện Việt Nam thì Việt Nam là đối tác không thể tin cậy được.
Việt Nam có "ngoại giao cây tre" nhưng cây tre ở đây là cây trẻ mọc thẳng.
Theo tôi dân Hoa sẽ đánh giá thấp "trình" của phía Việt Nam về vụ này.

TNT

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

PHU NHÂN
NGUYỄN THÔNG/FB/ TD 14-12-2023


Hai hôm nay, trên mặt báo mậu dịch, từ "phu nhân" xuất hiện hơi bị nhiều.
Trước hết cần xác định đây là danh từ chung, không cần viết hoa chữ "phu". Là danh từ chung, thì nó cũng chỉ như những danh từ chung khác chỉ người, ví dụ vợ, bồ, dì ghẻ, mợ... thôi. Ở xứ này, bệnh viết hoa tùy tiện đã nặng lắm rồi, thấm vào lục phủ ngũ tạng rồi, hết thuốc chữa.
Tại sao không chữa được? Tại vì kẻ có quyền đang lộng quyền, cứ thích viết thế nào thì lại bắt người khác phải viết như thế, không theo ý thì nó đánh, phạt. Rất vô lý khi tự dưng phải viết hoa Đảng, Thủ đô, Tổ quốc, Bác, Chính phủ, Nhà nước... khi những từ ấy đứng một mình.
Mà ngay cả việc cưỡng ép như vậy, "nó" cũng rất bất nhất, bắt người ta viết "Thủ tướng Chính phủ" nhưng lại viết "Chủ tịch nước". Bắt viết hoa Đảng, Nhà nước, nhưng lại viết thường "nhân dân"... Nói chung rất linh tinh, chả ra thể thống quy tắc gì, hỏng tiếng Việt.
“Phu nhân” là từ để chỉ người đàn bà có chồng làm to. Không nhất thiết chồng phải là nhà lãnh đạo bộ máy cai trị, mà có khi làm to, chức lớn, chức vụ cao trong doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, thậm chí đại gia lắm tiền nhiều của, v.v... thì vợ của người ấy cũng được gọi là "phu nhân" cho trang trọng. Nói ngắn gọn, phu nhân tức là vợ.
Phu nghĩa là chồng, vợ chồng là phu thê (thê là vợ), phu phụ (phụ là vợ); nhân là người, nhân loại là loài người, nhân cách là tư cách con người, nhân quyền là quyền con người, tiểu nhân là kẻ bé nhỏ tầm thường… Phu nhân không phải thứ danh hiệu, chức tước ban cho ai mà chỉ để nói chung về người đàn bà có chồng làm to, vậy thôi. Báo chí quốc doanh cứ một hai viết “Tổng bí thư Tập Cận Bình và Phu nhân”, “Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân”... chẳng qua dốt dùng tiếng Việt, phần khác do thói nịnh.
Khi nói phu nhân thì nên nhớ yếu tố “phu” là chính, vì vậy không nêu chính tên của người đàn bà, mà phải tên chồng. Chả ai viết/ nói phu nhân (vợ) Bành Lệ Viên bao giờ, bởi bà Bành thì làm gì có vợ. Viết “Tổng bí thư Tập Cận Bình và phu nhân” là đúng, hoặc phu nhân ông Tập Cận Bình, chứ viết “Tổng bí thư Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên” thì sai, thừa.
Giả dụ tôi nói chuyện với Bành Lệ Viên, tôi nói thưa phu nhân, khác gì nhận bà Bành là vợ mình, ông Tập mà nghe thấy lại chả ghen lồng lộn, bởi chỉ chồng mới được nói với vợ vậy thôi.

Nguyễn Thông

https://www.facebook.com/profile.php?id=100024722048900&__cft__[0]=

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét