Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

20231202. QUANH VỤ TS 'RỞM' QUA MẶT TUYỂN DỤNG

  ĐIỂM BÁO MẠNG

NGUYÊN TRƯỞNG KHOA CĐ CÔNG THƯƠNG VN DÙNG BẰNG TS KHÔNG CÓ DỮ LIỆU CẤP BẰNG
VIỆT DŨNG/ GD 22-11-2023

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin bạn đọc phản ánh, ông Nguyễn Trường Hải được Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam bổ nhiệm Trưởng khoa Công nghệ thông tin vào ngày 18/9. Tuy nhiên, theo độc giả: "Bằng thạc sĩ, tiến sĩ của ông Nguyễn Trường Hải là bằng giả".

Theo tài liệu độc giả cung cấp, bằng tiến sĩ của ông Hải ghi là chuyên ngành Khoa học Máy tính, được cấp năm 2021, còn bằng thạc sĩ chuyên ngành Tin học (Master of Science, Computer Science) của ông Hải được cấp vào năm 2010.

Tất cả các văn bằng đều thể hiện nơi cấp là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cấp.

Điểm đào tạo tại đường Vườn Lài, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh của Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam. (ảnh minh họa: V.D)

Điểm đào tạo tại đường Vườn Lài, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh của Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam. (ảnh minh họa: V.D)

Để có thông tin khách quan về nội dung phản ánh của độc giả, ngày 21/11/2023, tại địa điểm đào tạo của nhà trường ở đường Vườn Lài, Quận Tân Phú, có sự chứng kiến của ông Đỗ Bằng Giang - Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Trọng – Trưởng phòng Truyền thông, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam (VCI) xác nhận, đúng là ông Nguyễn Trường Hải đã từng là nhân sự của nhà trường quản lý.

Theo thông tin cung cấp tại buổi làm việc với phóng viên, sau khai giảng tháng 9/2023 vừa qua, ông Nguyễn Trường Hải có được Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam nhận vào làm việc theo diện thử việc.

Vào ngày 18/9 vừa qua, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố quyết định bổ nhiệm các vị trí quản lý đơn vị trực thuộc trường, trong đó có ông Nguyễn Trường Hải được bổ nhiệm giữ chức danh Trưởng khoa Công nghệ Thông tin.

Tuy nhiên, ông Phạm Đức Trọng khẳng định rằng, việc bổ nhiệm ông Hải khi đó mới chỉ là thử việc, chứ chưa phải chính thức bổ nhiệm ông ở vị trí này.

Sau khi tiến hành bổ nhiệm ông Hải ở vị trí này, nhà trường đã tiến hành quy trình làm việc của mình, là đi xác minh các văn bằng mà ông Hải đã có khai báo với nhà trường.

Được biết, 4 ngày sau khi nhận được văn bản đề nghị xác minh của Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, ngày 13/10, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản xác nhận văn bằng tiến sĩ ngành Khoa học máy tính của ông Hải là không đúng với dữ liệu lưu trữ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện Phòng truyền thông của Trường Đại học Khoa Tự nhiên cũng xác nhận với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Trường Hải chưa từng là học viên cao học tại trường này.

Đại diện Truyền thông của Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, hiện ông Hải sau hơn 4 tháng làm việc tại nhà trường đã gửi đơn xin nghỉ việc từ đầu tháng 11/2023, với lý do bận việc gia đình.

Lãnh đạo Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh của trường cũng đã đồng ý theo nguyện vọng của ông Hải, chuyển đơn đến Ban Giám hiệu nhà trường, Phòng Tổ chức Hành chính xem xét, giải quyết.

Theo Trưởng phòng Truyền thông của Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, trong quá trình làm việc tại trường, với vai trò là trưởng khoa thì ông Hải cũng có đứng lớp giảng dạy cho sinh viên một số tiết.

Dù vậy, theo lời của ông Phạm Đức Trọng, qua thông tin do các em sinh viên kể lại, thì "ông Hải dạy các em không hiểu bài gì cả".

Do ông Nguyễn Trường Hải cũng chỉ mới dạy các em sinh viên rất ít tiết, nên ông Phạm Đức Trọng cho rằng, quá trình đào tạo của các em sinh viên cũng không bị ảnh hưởng gì cả bởi sự việc này, vì ông Hải cũng chưa được giao học phần.

Đại diện truyền thông của Trường nhấn mạnh, trong sự việc của ông Nguyễn Trường Hải thì nhà trường đã thực hiện đúng theo quy trình làm việc, có trách nhiệm, là đã có xác minh văn bằng của ông Hải từ trước.

Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam hiện có tất cả là 8 địa điểm đào tạo, trong đó tại Hà Nội có 3 địa điểm, Thành phố Hồ Chí Minh có 3 địa điểm, 1 địa điểm đặt tại Thái Nguyên và 1 địa điểm đặt tại Thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Trọng chia sẻ, tổng số sinh viên, học viên đang theo học tại 3 điểm đào tạo chỉ được hơn 300 em, trong đó bao gồm cả hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp nghề và nhiều khóa đào tạo ngắn hạn.

Theo thông tin đăng tải trên website của trường, Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam có tên viết tắt là VCI, được thành lập theo quyết định số 1394/QĐ – LĐTBXH ngày 03/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội.

Cũng theo thông tin đăng tải tại website của trường (https://vci.edu.vn) Chủ tịch Hội đồng quản trị là Tiến sĩ Lê Đại Hùng; Tiến sĩ Nguyễn Duy Đô là Hiệu trưởng nhà trường.

Hiện trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đào tạo 31 chuyên ngành liên tục của hệ cao đẳng chính quy, hệ trung cấp 13 chuyên ngành và hệ sơ cấp 12 chuyên ngành.

Mỗi năm, trường có hơn 3.000 sinh viên đào tạo liên tục ở các chuyên ngành khác nhau.

Trường đăng tải trên website các địa chỉ như sau:

Hà Nội:

1.Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội (ngay mặt đường quốc lộ 1A,cách bến xe nước ngầm 3km) 2. Khu Đô thị mới Nghĩa Đô, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ( Ngõ 106 Hoàng Quốc Việt đi vào) 3. Phường Xuân Phương, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ( Cạnh làng hữu nghị Việt Nam) cách bến xe Mỹ Đình 4km

Thái Nguyên:

Tổ 16 Thị trấn Hương Sơn - Phú Bình - Thái Nguyên

Đắk Lắk:

Số 349 Lê Duẩn - Phường Ea Tam - TP.Buôn Mê Thuột- Tỉnh Đắk Lắk

Thành phố Hồ Chí Minh:

1. Số 302A Vườn Lài - Phường Phú Thọ Hòa - Quận Tân Phú - Thành Phố Hồ Chí Minh 2. Số 108 Nguyễn Quý Anh - Phường Tân Sơn Nhì - Quận Tân Phú - Thành Phố Hồ Chí Minh 3. Số 76 Lưu Chí Hiếu - Phường Tây Thạnh - Quận Tân Phú - Thành Phố Hồ Chí Minh

Việt Dũng
'BỔ NHIỆM TRƯỞNG KHOA THỬ VIỆC', TRƯỜNG CĐ CÔNG THƯƠNG VN LÀM NHÂN SỰ LẠ THẾ
TRUNG DŨNG/GD 23-11-2023

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/11 đã đăng tải bài viết "Nguyên Trưởng khoa CĐ Công thương VN dùng bằng TS không có dữ liệu cấp bằng" phản ánh về trường hợp bổ nhiệm Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đối với ông Nguyễn Trường Hải vào ngày 18/9.

Đáng nói, theo văn bản trả lời về việc xác minh bằng cấp ngày 13/10 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ ghi trên bằng tiến sĩ của ông Hải) thì văn bằng tiến sĩ ngành Khoa học máy tính của ông Hải là không đúng với dữ liệu lưu trữ tại trường này. Trường đại học này cũng khẳng định, ông Hải chưa từng là học viên cao học tại đây.

Lý giải về điều này, trong cuộc làm việc với phóng viên Tạp chí, đại diện Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cho rằng: "Việc bổ nhiệm ông Hải khi đó mới chỉ là thử việc, chứ chưa phải chính thức bổ nhiệm ông ở vị trí này". Sau khi tiến hành bổ nhiệm ông Hải, nhà trường mới tiến hành quy trình làm việc của mình, trong đó có việc là đi xác minh các văn bằng mà ông Hải đã khai báo với nhà trường.

Được biết, sau hơn 4 tháng làm việc tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, hiện ông Hải đã gửi đơn xin nghỉ việc với lý do bận việc gia đình.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Phạm Minh
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Phạm Minh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, nhà trường lấy lý do "bổ nhiệm thử việc" để giải thích là đang bao biện cho những việc làm đã xảy ra.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói thêm: "Trong chuyện này phía nhà trường đáng lý phải mạnh dạn nhận trách nhiệm về mình chứ không nên tìm những lý do khó chấp nhận như thế. Làm gì có khái niệm "bổ nhiệm thử việc" đối với vị trí trưởng khoa.

Dù là trường cao đẳng công lập hay tư thục thì trong cơ sở giáo dục đó cũng phải có tổ chức Đảng để điều hành việc bố trí, sắp xếp nhân sự của nhà trường. Để xảy ra tình trạng "lọt" cán bộ bổ nhiệm vào vị trí quản lý mà bằng cấp người đó "có vấn đề" thì rõ ràng vai trò của tổ chức Đảng ở Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cũng đang bị xem nhẹ.

Trên thực tế, để ra được quyết định bổ nhiệm như vậy phải trải qua rất nhiều quy trình khắt khe. Người được bổ nhiệm cũng phải trải qua quá trình xác minh, lấy ý kiến và hội đủ tiêu chuẩn mới được cất nhắc, không thể dễ dàng vào vị trí đó giống như một nhân viên bình thường được".

Qua đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhấn mạnh rằng, nếu không chọn người đủ tài, đủ đức và vững về chuyên môn vào vị trí lãnh đạo thì sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy.

"Nếu đưa vào vị trí lãnh đạo chỉ để thử việc thì khi tạo ra các sản phẩm giáo dục lỗi thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Đây là một cơ sở giáo dục nên nếu tạo ra những sản phẩm lỗi thì rất khó để có thể sửa chữa được", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói thêm.

Vị này cũng bày tỏ quan điểm, cho dù nhân sự này tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đã nghỉ việc nhưng không thể xem như đó là "việc đã rồi" mà cần truy cứu trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường và những người trực tiếp làm công tác tuyển dụng đối với nhân sự nói trên.

"Trong sự việc này đối với uy tín của nhà trường cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngoài ra nó cũng ảnh hưởng đến uy tín chung của những người làm nghề giáo khi mà việc bổ nhiệm cán bộ quản lý của một khoa trong trường cao đẳng đã được thực hiện một cách "dễ dãi" như vậy", nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho biết thêm.

Để có thêm những thông tin khách quan về quy trình bổ nhiệm vị trí trưởng khoa, phóng viên đã trao đổi với một thầy đang giữ vị trí trưởng khoa tại một trường cao đẳng.

Theo đó, vị này khẳng định, để được bổ nhiệm làm trưởng khoa thì buộc phải trải qua rất nhiều quy trình khắt khe. Việc "bổ nhiệm thử việc" đối với vị trí quản lý một khoa như vậy thầy chưa nghe đến bao giờ.

Vị trưởng khoa này chia sẻ quy trình ở một trường cao đẳng công lập.

"Bản thân tôi cũng là một nhân sự được bổ nhiệm lên vị trí trưởng khoa từ một giảng viên của trường nên tôi thấu hiểu mức độ "khó" của việc vượt qua các quy trình thực hiện.

Đầu tiên, đơn vị sẽ xây dựng quy chế về việc bổ nhiệm, sau đó sẽ thực hiện đầy đủ các bước theo quy chế đó. Theo đó, việc bổ nhiệm sẽ thông qua các quy trình như sau:

Bước thứ nhất, thông qua chủ trương đơn vị sẽ tổ chức lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo đơn vị.

Bước thứ hai, tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng

Bước thứ ba, hội nghị tập thể lãnh đạo họp lại lần thứ 2

Bước thứ tư được chia làm 2 bước nhỏ, trong đó sẽ gồm lấy ý kiến của tập thể giáo viên trong khoa và lấy ý kiến cấp Ủy của khoa mà nhân sự đó sẽ được bổ nhiệm.

Bước thứ 5 là hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị lần thứ 3 để họp và đưa ra kết quả cuối cùng. Sau đó sẽ tiến hành xin ý kiến của Ban Chấp hành Đảng ủy nhà trường.

Ban Chấp hành tiếp tục họp để lấy phiếu, sau đó sẽ họp tập thể lãnh đạo nhà trường để lấy phiếu và ý kiến nhận xét đánh giá đối với viên chức đó để có thể hoàn tất hồ sơ theo quy định".

Trụ sở Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam tại Khu Đô thị mới Nghĩa Đô, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Trụ sở Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam tại Khu Đô thị mới Nghĩa Đô, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Đối với việc xác minh hồ sơ, bằng cấp của người được bổ nhiệm vào vị trí trưởng khoa, thầy cho biết việc này được thực hiện song song với các bước nêu trên và phải hoàn tất trước khi ra quyết định bổ nhiệm.

Vị trưởng khoa này nhấn mạnh thêm, ở các trường công lập: "Theo quy định thì việc xác minh hồ sơ viên chức được bổ nhiệm đối với người đang công tác tại trường sẽ dễ dàng và nhanh hơn so với việc bổ nhiệm nhân sự từ đơn vị khác chuyển sang.

Nếu người đang công tác tại trường được bổ nhiệm thì bộ phận tuyển dụng có nhiệm vụ là rà soát, kiểm tra hồ sơ người đó được lưu tại trường, tuy nhiên vẫn phải thực hiện lại khâu thẩm tra, xác minh lý lịch. Sau đó sẽ thực hiện việc xác định tiêu chuẩn, đạo đức chính trị của người đó từ cấp có thẩm quyền.

Như trường hợp của tôi thì phía nhà trường sẽ gửi nội dung xác minh sang tổ chức Đảng cấp trên để họ ra kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với đối tượng được bổ nhiệm. Sau khi có kết luận của tổ chức Đảng cấp trên và trình 5 bước đã hoàn thiện thì mới có quyết định bổ nhiệm trưởng khoa chính thức".

Đối với nhân sự được bổ nhiệm là từ đơn vị khác chuyển sang, theo vị Trưởng khoa, trước khi ra quyết định bổ nhiệm buộc phải làm thêm công đoạn là xác minh bằng cấp. Theo đó, nhà trường sẽ gửi công văn xác minh bằng cấp sang trường mà nhân sự đó từng theo học, sau đó nhận về kết quả xác minh phải trùng khớp với số hiệu, ngày, tháng và tên tuổi được ghi trên bằng phải trùng khớp.

Đối với trường tư, việc bổ nhiệm nhân sự vị trí trưởng khoa chắc chắn cũng phải đảm bảo các bước để đáp ứng được yêu cầu vị trí quản lý. Vì thế, các thông tin trả lời từ phía Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam gây rất nhiều băn khoăn cho dư luận.

Trung Dũng
TS 'RỞM' TỪNG ĐI THỈNH GIẢNG Ở NHIỀU TRƯỜNG ĐH, HƯỚNG DẪN ĐỒ ÁN MÔN HỌC SV HUTECH
VIỆT DŨNG 29-11-2023

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết phản ánh: "Nguyên Trưởng khoa CĐ Công thương Việt Nam dùng bằng TS không có dữ liệu cấp bằng".

Đáng nói, sau khi thông tin này được đăng tải, tiếp tục lộ ra ông Nguyễn Trường Hải từng thỉnh giảng ở một số trường đại học, cao đẳng.

Chiều ngày 28/11, theo thông tin mà phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có được, ông Nguyễn Trường Hải - người sử dụng cả bằng thạc sĩ và tiến sĩ không có trong dữ liệu cấp bằng của nhà trường đã từng tham gia thỉnh giảng tại một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Thậm chí, nguồn thông tin này cho biết, ông Hải đã từng là người hướng dẫn đồ án môn học cho sinh viên, với học vị là thạc sĩ.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hutech cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, ông Hải đã từng là giảng viên thỉnh giảng của nhà trường.

Khi đó, ông Hải sử dụng bằng Thạc sĩ Tin học do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cấp, có công chứng, có phụ trách đứng lớp một số môn của khoa Công nghệ thông tin.

Vào năm 2017, ông Hải đã từng hướng dẫn đồ án môn học cho sinh viên ngành Công nghệ phần mềm, khoa Công nghệ thông tin.

Về vấn đề là nay phát hiện bằng thạc sĩ của ông Hải không có trong dữ liệu cấp bằng, thì những đồ án này của sinh viên có bị ảnh hưởng gì không?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cho hay, khi sinh viên bảo vệ đồ án môn học, tốt nghiệp thì đều có một hội đồng chấm, gồm từ 2 đến 3 giảng viên trong và ngoài nhà trường đánh giá.

Bằng tiến sĩ của ông Hải được xác định không có trong dữ liệu của nơi cấp bằng (ảnh: CTV)

Bằng tiến sĩ của ông Hải được xác định không có trong dữ liệu của nơi cấp bằng (ảnh: CTV)

Muốn đồ án tốt nghiệp môn học của sinh viên được đánh giá đạt, phải trải qua quá trình đánh giá của các thành viên trong hội đồng. Như vậy, sinh viên phải có đủ kiến thức, cố gắng rất nhiều thì mới bảo vệ thành công đồ án, đáp ứng đầy đủ các năng lực cần có.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, với các môn học nằm trong chương trình đào tạo, trường đều có chuẩn về giáo trình đề cương chi tiết, đề thi và một quy trình kiểm tra đánh giá chặt chẽ, khắt khe.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh: “Qua sự việc của ông Nguyễn Trường Hải, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, rà soát kỹ hơn các quy trình khi tuyển dụng nhân sự”.

Trong khi đó, cùng ngày, đại diện cho Trường Đại học Sài Gòn cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết, trong học kỳ 1 của năm học 2021 – 2022, ông Nguyễn Trường Hải có tham gia giảng dạy tại nhà trường, với vai trò thỉnh giảng.

Do lúc đó còn học và thi trực tuyến, lại là thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nên nhà trường cũng không thẩm tra văn bằng, hồ sơ của ông Hải.

Ông Hải lúc đó chỉ mới có bằng thạc sĩ có tham gia giảng dạy 4 môn, có tham gia chấm thi kết thúc học phần một môn với một giảng viên cơ hữu trong trường.

Tuy nhiên, ông Hải cũng không tham gia hướng dẫn, không tham gia vào hội đồng đánh giá khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên của trường.

Sang tới học kỳ 2, năm học 2021 – 2022 thì ông Hải không tham gia giảng dạy tại trường.

Sang tới học kỳ 1 của năm học 2022 – 2023, khoa Công nghệ thông tin của trường có trình lãnh đạo nhà trường phê duyệt việc mời ông Hải thỉnh giảng một môn, với học vị là tiến sĩ.

Thế nhưng, lúc đó chỉ giảng dạy được một thời gian rất ngắn, phía nhà trường có đề nghị ông Hải cung cấp bản sao bằng cấp, thì ông Hải không chịu gửi và đã có đơn xin nghỉ thỉnh giảng với lý do bận việc riêng.

Đại diện khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Văn Hiến cũng cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết, ông Nguyễn Trường Hải cũng từng nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí Phó Trưởng khoa.

Vào tháng 11/2022, trường gửi thư mời nhận việc, nhưng phải thử việc, và chỉ làm được có vài ngày thì ông Hải cũng tự nộp đơn xin nghỉ việc, với lý do là không hội nhập được với nhân sự trong khoa. Khi đó, ông Nguyễn Trường Hải cũng chưa dạy ngày nào tại khoa.

Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Lê Hiếu Giang – Quyền hiệu trưởng nhà trường cho biết, cùng thời gian thỉnh giảng tại Hutech thì ông Nguyễn Trường Hải cũng có tham gia thỉnh giảng tại nhà trường, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi nghỉ.

Thời gian ông Hải thỉnh giảng đã từ rất lâu rồi, còn thời gian gần đây thì nhà trường không còn mời ông Hải tham gia giảng dạy tại trường nữa.

Còn tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, hồi đầu tháng 9/2023, ông Hải có được nhà trường nhận vào làm việc, với hợp đồng thừ việc.

Tới ngày 18/9, nhà trường công bố quyết định bổ nhiệm ông Hải giữ vị trí Trưởng khoa Công nghệ thông tin, nhưng cho thử việc trước.

Gần giữa tháng 10/2023, trường biết được thông tin những bằng cấp của ông Hải không có trong dữ liệu cấp bằng tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 11/2023, ông Hải tự nộp đơn đến nhà trường xin nghỉ việc, với lý do là bận việc gia đình.

Việt Dũng
CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM CẦN RÀ SOÁT LẠI CÁC PHẦN TS 'RỞM' ĐÃ GIẢNG DẠY
THÌ THI/GD 26-11-2023

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/11 đã đăng tải bài viết "Nguyên Trưởng khoa CĐ Công thương VN dùng bằng TS không có dữ liệu cấp bằng" phản ánh về trường hợp bổ nhiệm Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đối với ông Nguyễn Trường Hải vào ngày 18/9.

Theo văn bản trả lời về việc xác minh bằng cấp ngày 13/10 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ ghi trên bằng tiến sĩ của ông Hải) thì văn bằng tiến sĩ ngành Khoa học máy tính của ông Hải là không đúng với dữ liệu lưu trữ tại trường này. Trường đại học này cũng khẳng định, ông Hải chưa từng là học viên cao học tại đây.

Tại cuộc làm việc với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Trưởng phòng Truyền thông của Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cho biết: "Việc bổ nhiệm ông Hải khi đó mới chỉ là thử việc, chứ chưa phải chính thức bổ nhiệm ông ở vị trí này". Sau khi tiến hành bổ nhiệm ông Hải, nhà trường mới tiến hành quy trình làm việc của mình, trong đó có việc là đi xác minh các văn bằng mà ông Hải đã khai báo với nhà trường.

Được biết, sau hơn 4 tháng làm việc tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, hiện ông Hải đã gửi đơn xin nghỉ việc với lý do bận việc gia đình.

Cũng theo thông tin từ phía nhà trường, trong quá trình làm việc tại trường, với vai trò là trưởng khoa thì ông Hải cũng có đứng lớp giảng dạy cho sinh viên một số tiết.

Tuy nhiên, theo đại diện truyền thông của trường, qua thông tin do các em sinh viên kể lại, thì "ông Hải dạy các em không hiểu bài gì cả".

Trường nên rà soát tiết dạy không đảm bảo chất lượng để giảng dạy lại

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội khẳng định, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với vị trí trưởng khoa tại các trường cao đẳng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội. Ảnh: Website Nhà trường.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội. Ảnh: Website Nhà trường.

“Theo điểm 4, điều 22, Thông tư số 15/2021/TT-BLĐTBXH quy định về điều lệ trường Cao đẳng, trưởng khoa, trưởng bộ môn, phó trưởng khoa, phó trưởng bộ môn phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau đây: Có phẩm chất, đạo đức tốt; Có ít nhất 02 năm làm công tác quản lý đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và có năng lực quản lý; Trưởng khoa, trưởng bộ môn có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, nghề đào tạo tại khoa, bộ môn; Có đủ tiêu chuẩn nhà giáo giảng dạy trình độ cao đẳng; Có đủ sức khỏe; Trưởng khoa, trưởng bộ môn, phó trưởng khoa, phó trưởng bộ môn của trường cao đẳng công lập bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức lãnh đạo, quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức.

Về nguyên tắc, trước khi bổ nhiệm một vị trí nào đó thì đơn vị phải xác minh hồ sơ một cách chặt chẽ. Việc xác minh này phải làm đầu tiên chứ không phải tuyển dụng xong rồi mới tiến hành xác minh, nếu như thế là quy trình ngược”, Tiến sĩ Sang nhận định.

Trước băn khoăn của phóng viên: “Trưởng khoa giảng dạy nhưng sinh viên vẫn than không hiểu bài”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang cho rằng: “Nhà trường nên giao cho khoa chuyên môn và bộ phận đào tạo rà soát lại xem các học phần giảng dạy không đảm bảo chất lượng thì lại giảng dạy lại cho các em.

Để lọt hồ sơ không có sự thẩm định chặt chẽ thì do công tác cán bộ tham mưu cho lãnh đạo trong quá trình thẩm định đội ngũ nguồn nhân lực cũng như công tác tuyển dụng, quản lý cán bộ giảng viên đầu vào. Sau khi các ứng viên nộp hồ sơ vào vị trí tuyển dụng thì phải có trách nhiệm thẩm định lại hồ sơ, đáp ứng đủ các điều kiện thì mới có thể trở thành cán bộ của trường.

Đối với trường cao đẳng công lập hay tư thục cũng đều phải đảm bảo chất lượng giảng dạy, đảm bảo quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo quy định”.

Bên cạnh đó, thầy Sang cho rằng, trước khi một ứng viên có thể chính thức đảm nhận công tác giảng dạy thì sẽ phải trải qua quá trình thẩm định hồ sơ và giảng dạy tập sự. Hội đồng đánh giá chuyên môn của trường, khoa phải xem xét, đánh giá ứng viên đó có đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn và các chứng chỉ theo đúng quy định.

“Trong quá trình tuyển dụng, bộ phận tổ chức cán bộ có thể còn thiếu sót, chưa chặt chẽ, nhiều khi chỉ nhìn vào lý lịch kèm theo bằng cấp mà ứng viên cung cấp, chưa thẩm định lý lịch kỹ càng mà đã tiếp nhận hoặc tiến hành bổ nhiệm luôn.

Việc thẩm định bằng cấp hiện nay tương đối dễ, không có vấn đề gì khó khăn cả và trong thời gian khá nhanh. Chỉ cần gửi văn bản về các đơn vị cấp bằng hoặc tra mã số trên hệ thống là đã có thông tin rồi”, thầy Sang cho biết thêm.

Cũng theo thầy Nguyễn Xuân Sang, ở hệ thống giáo dục nghề nghiệp nếu có được đội ngũ giảng viên trình độ cao là điều rất tốt. Tuy nhiên giáo dục nghề nghiệp hướng tới kỹ năng nghề, tính thực hành cao, thế nên, mô hình trường này cần đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ tay nghề, có tính thực tiễn cao, đặc biệt là đội ngũ giảng viên có thể dạy tích hợp cả lý thuyết và thực hành.

Đối với bất cứ cơ sở giáo dục nào, dù là trường cao đẳng nghề hay đại học, dù là trường công lập hay trường tư thục thì việc đảm bảo chất lượng đào tạo phải là ưu tiên hàng đầu.

Quyền lợi học tập của sinh viên phải luôn được đảm bảo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, một cán bộ đang công tác tại Trường Cao đẳng Đà Lạt nhấn mạnh, đối với bất cứ cơ sở đào tạo nào thì quyền lợi học tập của sinh viên phải luôn được đảm bảo.

Khi được hỏi hướng xử lý tốt nhất trong trường hợp nguyên Trưởng khoa Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam bằng cấp không hợp pháp, giảng dạy nhưng sinh viên than không hiểu bài, vị này bày tỏ: "Trường nên chỉ đạo bộ phận chuyên môn và đào tạo cử một giảng viên tiến hành giảng dạy để bổ sung kiến thức cho sinh viên. Tuy nhiên, việc này cũng nên ở một mức độ nào đó thôi vì trong chương trình đào tạo nếu kéo dài thì lại không kịp tiến độ. Đồng thời tùy vào việc xây dựng kế hoạch đào tạo của các trường thì sẽ có những giải pháp khác nhau.

Các trường cao đẳng, đại học đều đang hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Vì chỉ có nâng cao được chất lượng đào tạo thì mới xây dựng được thương hiệu. Một khi trường có thương hiệu thì mới quảng bá được hình ảnh và công tác tuyển sinh sẽ tốt hơn".

Để làm tốt công tác quản lý văn bằng chứng chỉ, tuyển dụng đúng người, đúng việc, có năng lực, trình độ chuyên môn thì tất cả các cơ sở giáo dục cần chú trọng ngay từ khâu tuyển dụng đầu vào.

Đối với việc tuyển dụng giảng viên thì ngoài chuyên môn cần có thêm đạo đức, liêm chính. Người làm công tác tổ chức phải rà soát cán bộ, văn bằng, chứng chỉ và làm tốt công tác kiểm soát nội bộ. Các trường kiểm soát nội bộ bằng cách thực hiện quy trình chuẩn từ công tác tuyển dụng.

"Hàng năm Trường Cao đẳng Đà Lạt đều có cuộc đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên thông qua khảo sát học sinh, sinh viên. Nếu một giảng viên trong cùng một thời điểm, hoặc nhiều năm liên tục bị nhiều sinh viên đánh giá không tốt thì trường sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Công tác tuyển dụng giảng viên luôn được chú trọng, chặt chẽ ngay từ khâu đầu tiên. Hội đồng cũng xét tuyển, thẩm định hồ sơ nghiêm ngặt, hướng đến mục tiêu từ tuyển dụng nhân sự, công tác nội bộ, công tác đảm bảo chất lượng đào tạo, công tác học sinh sinh viên, nghiên cứu khoa học theo đúng quy chuẩn.

Muốn bổ nhiệm một vị trí nào đó thì đầu tiên phải có quy hoạch, kiểm chứng chặt chẽ văn bằng chứng chỉ đảm bảo theo đúng quy định. Trường có thể gửi văn bản, công văn đề nghị cơ sở đào tạo xác nhận bằng cấp đó là chính xác bởi vì đã có hồ sơ gốc, mã văn bằng rồi", vị này khẳng định thêm.

Thi Thi
TS 'RỞM' CÓ 6 NĂM DẠY TẠI HUTECH: HỌC PHẦN ÔNG HẢI DẠY KHÔNG THỂ ĐƯỢC CÔNG NHẬN?
VIỆT DŨNG/ GD 30-11-2023

Liên quan đến việc ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ (do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cấp) "rởm" để đi dạy ở nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn thông tin của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, ông Hải đã từng giảng dạy đến 6 năm (2016 đến 2022) tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech).

Ngày 28/11, xác nhận với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh – Phó Hiệu trưởng của Hutech cho hay, sau khi tiến hành rà soát kỹ lại thông tin đội ngũ giảng viên của trường, thì được biết là ông Nguyễn Trường Hải đã từng giảng dạy tại trường từ năm 2016 đến 2022, chứ không phải chỉ 2 năm (2016 đến 2018) như thông tin ban đầu trường kiểm tra.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh chia sẻ, trong thời gian đó, ông Nguyễn Trường Hải dạy tại Hutech với vai trò là giảng viên thỉnh giảng, chứ không được bổ nhiệm bất cứ chức vụ nào tại khoa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc, bằng thạc sĩ và tiến sĩ của ông Hải đều không có trong dữ liệu cấp bằng, thì những học phần, môn học mà ông này dạy cho sinh viên sẽ được xử lý ra sao?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh trả lời: “Giảng viên thì cũng dạy theo các giáo trình của nhà trường đã được chuẩn hóa kiến thức nhất định. Thầy cô chủ yếu mang tính hướng dẫn cho các em sinh viên là nhiều.

Còn khi thi cử, nhà trường có ngân hàng, đề thi riêng, chứ không phải thầy cô nào dạy là chấm thi, ra đề. Khi sinh viên thực hiện các đồ án môn học thì cũng có một hội đồng đánh giá, gồm từ 2 đến 3 thành viên cả trong và ngoài trường, nên nếu sinh viên đã vượt qua các kỳ thi thì chắc chắn phải đạt một chuẩn kiến thức nhất định”.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh – Phó Hiệu trưởng của Hutech nhấn mạnh: “Qua sự việc của ông Nguyễn Trường Hải, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, rà soát lại kỹ hơn quy trình tuyển dụng nhân sự về sau này”.

Còn theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, trong trường hợp này của ông Nguyễn Trường Hải là chưa đủ chuẩn giảng viên để giảng dạy bậc đại học (yêu cầu tối thiểu phải là thạc sĩ).

Do đó, làm sao các trường đại học những nơi mà ông Hải đã từng thỉnh giảng lại có thể công nhận các học phần, môn học mà ông Hải dạy được.

“Về mặt nguyên tắc là phải bắt sinh viên học lại” – Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định.

Theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, hiện nay, ở các trường đại học hay cao đẳng, khi làm hợp đồng mời giảng viên thỉnh giảng, các trường sẽ chỉ căn cứ vào hồ sơ đương sự khai báo, chủ yếu là chỉ chú ý vào lý lịch khoa học của người được mời, như là đã từng dạy trường nào, bằng cấp ra sao, có bao nhiêu nghiên cứu .

Ngoài ra, việc thỉnh giảng có khi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nên các trường đã không chú ý đến việc cần phải xác thực, kiểm tra bằng cấp.

Sau mỗi học kỳ, sinh viên sẽ đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên thỉnh giảng, nếu trình độ yếu quá thì có khi trường không ký tiếp hợp đồng.

Song song đó, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng còn cho biết thêm, với một số ngành thì số người có chuyên môn đúng ngành là rất ít. Vì vậy, một số trường đại học, nhất là với trường tư thục thì sẽ cần giảng viên thỉnh giảng rất nhiều.

Nắm bắt được tâm lý ngành học đang cần nhân lực thỉnh giảng nhiều, đối tượng làm bằng giả đã rất liều lĩnh làm cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh: “Việc này sẽ gây thiệt thòi nhiều cho các em sinh viên, vì phải học trong những tiết học mà giảng viên giảng dạy có chất lượng kém”.

Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, theo thông tin cá nhân (tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh) của ông Nguyễn Trường Hải, nhà trường đã tiến hành rà soát lại dữ liệu, kiểm tra lại thông tin thì xác nhận là ông Hải chưa từng học bất cứ một bậc học nào tại trường này.

Luật Giáo dục 2019, tại Điều 71 quy định về thỉnh giảng như sau:

"1. Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của Luật này đến giảng dạy. Người được cơ sở giáo dục mời giảng dạy được gọi là giáo viên thỉnh giảng hoặc giảng viên thỉnh giảng.

2. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 69 của Luật này. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác".

Theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2018: "Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo".

Việt Dũng
TS 'RỞM' CÓ 6 NĂM DẠY HUTECH: TRƯỜNG TUYỂN DỤNG GV LỎNG LẺO CẦN XỬ LÝ NGHIÊM
PHẠM THI/GD 1-12-2023

Tiến sĩ "rởm" dạy sinh viên Hutech, khắc phục hậu quả là bài toán không dễ

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/11 đã đăng tải bài viết "Nguyên Trưởng khoa CĐ Công thương VN dùng bằng TS không có dữ liệu cấp bằng" phản ánh về trường hợp bổ nhiệm Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đối với ông Nguyễn Trường Hải vào ngày 18/9.

Đáng nói, sau khi thông tin này được đăng tải, "làn sóng" phát hiện ra ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ "rởm" để đi dạy ở nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được nêu lên.

Đặc biệt, việc ông Hải từng thỉnh giảng đến 6 năm (2016 đến 2022) tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech) đặt ra rất nhiều câu hỏi của dư luận liên quan đến công tác thẩm định, đánh giá chất lượng giảng viên thỉnh giảng ở trường này.

Bàn về vấn đề trên, một cán bộ đang công tác tại Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: "6 năm là quãng thời gian giảng dạy khá dài nhưng trường Hutech lại không phát hiện ra bằng cấp của ông Hải có vấn đề. Có thể do người này quen biết nhiều nên tạo được lòng tin, khiến các cơ sở lơ là khâu xác minh tính chính xác của bằng cấp. Mặt khác, có thể thấy quy trình kiểm tra văn bằng ở đơn vị sử dụng giảng viên thỉnh giảng này còn lỏng lẻo - người này nộp văn bằng nhưng trường không kiểm tra chéo với đơn vị cấp bằng này mới dẫn đến chuyện suốt nhiều năm không phát hiện ra bằng giả".

Từ vụ tiến sĩ "rởm" nêu trên cũng đặt ra bài học cho các cơ sở trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, các đơn vị nên có quy định chặt chẽ với giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng.

"Ở Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng giảng viên thỉnh giảng rất ít, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số giảng viên, chủ yếu là ở khối ngành Kinh tế và trình độ từ tiến sĩ trở lên. Trường có quy định về mời giảng viên thỉnh giảng, trong đó khoa chịu trách nhiệm về bằng cấp, tư cách, giảng dạy của giảng viên. Quy trình xác minh, giảng dạy với giảng viên thỉnh giảng cũng được xây dựng chặt chẽ.

Các bước mời giảng viên thỉnh giảng như sau: Các giảng viên phải cung cấp thông tin cá nhân, văn bằng chứng chỉ, đồng thời xác nhận đã từng giảng dạy ở đơn vị nào và phòng tổ chức của trường sẽ xác minh. Sau đó trường tiến hành mời giảng và ký hợp đồng với giảng viên. Các giảng viên mời giảng sẽ sinh hoạt với phòng tổ chức để biết về các quy định. Các giảng viên mời giảng phải đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Việc xác nhận văn bằng bây giờ dễ dàng hơn ngày xưa rất nhiều. Các đơn vị tuyển dụng nhân sự chỉ cần tra cứu trên dữ liệu số hoặc phát công văn về trường cấp bằng để xác thực sẽ có ngay kết quả", vị này cho biết thêm.

Cũng theo vị này, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát lại đội ngũ giảng viên. Từ trước đến nay ông Nguyễn Trường Hải không có hợp đồng thỉnh giảng, chưa từng là nhân viên của trường.

Việc một số cán bộ, nhà giáo sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định để "chui sâu, leo cao" không phải là câu chuyện mới nhưng luôn là vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngày 23/3, báo Tuổi trẻ đăng tải bài viết "Tuyên án hàng chục cán bộ mua và xài bằng giả". Theo nội dung bài viết, từ năm 2016-2020, bị cáo Ngô Hồng Nam - 40 tuổi - Trưởng Trạm y tế phường 8, Thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã mua hộ 61 chứng chỉ, bằng giả cho 48 người, giá mỗi chứng chỉ giả từ 900.000 - 2,5 triệu đồng, tùy thời điểm.

Đáng nói, hầu hết các bị cáo mua và sử dụng bằng giả nói trên đều đang công tác tại các cơ quan, đơn vị nhà nước trong lĩnh vực y tế, giáo dục ở tỉnh Bến Tre. [1]

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn đưa thông tinngày 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã họp xem xét, thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, trong đó đề nghị kỷ luật Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh: Khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, ông đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy Công nhận văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch. [2]

Câu hỏi đặt ra là vì sao những đối tượng này lại có thể "qua mặt" các cơ quan quản lý để ngồi vào những vị trí đòi hỏi sự liêm chính, đạo đức nhất? Rồi một người sử dụng bằng tiến sĩ "rởm" lại dễ dàng lách cả hội đồng tuyển dụng, đứng lớp giảng dạy hay thậm chí suýt thành trưởng khoa?

Đồng thời, từ đây cũng gióng lên hồi chuông báo động về công tác kiểm định bằng cấp giảng viên, cán bộ của các đơn vị khi tuyển dụng, bổ nhiệm.

Liên quan đến vấn đề sử dụng dùng bằng giả đứng lớp giảng dạy, thăng chức, chiều ngày 29/11, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Theo quy định, việc xác minh văn bằng là trách nhiệm của cơ quan cấp văn bằng và cơ quan sử dụng văn bằng, không phải trách nhiệm trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi các quy định hiện hành đã giao cho các cơ sở giáo dục.

Các cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát. Điều này có trong Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT về quản lý văn bằng chứng chỉ".

Theo đó, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương cũng thông tin thêm, trong thời gian tới Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục.

Trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong công tác kiểm định bằng cấp trước khi tuyển dụng, bổ nhiệm

Cùng trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, cán bộ, nhà giáo sử dụng bằng giả là đạo đức quá tệ và không có năng lực, nếu những người này lên chức lên quyền thì rất nguy hiểm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi: Tại sao người ta đưa bằng tiến sĩ giả, trường sử dụng nhân sự mà không kiểm tra, không phát hiện ra? Người sử dụng bằng giả đó làm cách nào để "qua mặt" cả hội đồng tuyển dụng?

"Rõ ràng đơn vị tuyển dụng có thể kiểm tra trên hệ thống quản lý số của các trường. Việc xác định bằng giả hay bằng thật rất dễ dàng.

Bằng giả có loại là bằng gian lận, có loại bằng thật nhưng học giả. Chung quy lại thực chất đều là không có năng lực. Nếu trường nào tuyển dụng nhân sự sử dụng bằng giả thì rất mất uy tín và bị dư luận lên án. Đó cũng là bài học cho những trường khác tránh đi vào vết xe đổ. Ở đây không phải là câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo can thiệp mà trước hết là trách nhiệm của các nhà trường", thầy Tống bày tỏ.

Ngoài ra, thầy Tống cũng nhìn nhận một thực trạng là đặt nặng vấn đề bằng cấp quá mức, chạy đua tuyển dụng tiến sĩ để truyền thông "trường có nhiều tiến sĩ thì chất lượng cao hơn trường có ít tiến sĩ". Từ thực tế một số cán bộ, nhà giáo sử dụng bằng giả để thăng tiến cũng đặt ra vấn đề tuyển dụng, kiểm soát văn bằng chứng chỉ còn lỏng lẻo, có lỗ hổng.

Thầy Tống cho rằng, Bộ giáo dục và Đào tạo mở hệ thống tra cứu văn bằng để kiểm tra được bằng cấp đó thật hay giả từ dữ liệu thông tin đã có trong bằng cấp là chuyện có thể làm được. Việc tra cứu thông tin văn bằng trên hệ thống của Bộ sẽ giúp các đơn vị kiểm tra thông tin dễ dàng, khách quan hơn.

Trước câu hỏi cần có biện pháp răn đe, xử lý ra sao để trị căn bệnh dùng bằng giả, thầy Tống thẳng thắn nêu quan điểm: "Vấn đề không phải là răn đe thì những người đó không dùng bằng giả nữa. Họ thấy trót lọt được thì lên chức, cho nên nếu phạt thì phạt những người kiểm tra để lọt sổ, lọt trường hợp dùng bằng giả như thế. Có những nhóm làm bằng giả, bắt chước phôi bằng thật, bởi thế trước khi tuyển dụng, đơn vị cần gửi thông tin về cho cơ sở cấp bằng để xác minh chính xác. Việc này không có gì khó khăn cả".

Điều 26, Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT quy định về công bố công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên cổng thông tin điện tử

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học để phục vụ cho việc công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ. Thông tin công bố công khai về cấp văn bằng, chứng chỉ gồm các nội dung: tên văn bằng, chứng chỉ; họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, chứng chỉ; số hiệu và số vào sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ; ngày tháng năm cấp văn bằng, chứng chỉ. Thông tin công bố công khai về cấp văn bằng, chứng chỉ phải đảm bảo chính xác số với sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ, phải được cập nhật và lưu trữ thường xuyên trên cổng thông tin điện tử của cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm dễ quản lý, truy cập, tìm kiếm và phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ không áp dụng đối với cơ sở giáo dục của ngành công an, quân đội và một số trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Việc công bố công khai thông tin về cấp, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ trên cổng thông tin điện tử được thực hiện đối với cả văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước ngày Quy chế này có hiệu lực thi hành.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/tuyen-an-hang-chuc-can-bo-mua-va-xai-bang-gia-20230323174746478.htm

[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-nghi-ky-luat-chu-nhiem-uy-ban-kiem-tra-tinh-uy-119231029054926821.

Phạm Thi
CHÁNH THANH TRA BỘ GD&ĐT:  TRƯỜNG NÀO CÓ TS 'RỞM' DẠY SẼ PHẢI BÁO CÁO, GIẢI TRÌNH
PHẠM THI/ GD 2-12-2023

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/11 đã đăng tải bài viết "Nguyên Trưởng khoa CĐ Công thương VN dùng bằng TS không có dữ liệu cấp bằng" phản ánh về trường hợp bổ nhiệm Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đối với ông Nguyễn Trường Hải vào ngày 18/9.

Đáng chú ý, ngay sau khi nội dung này được đăng tải, thông tin ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ "rởm" để đi dạy ở nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng được đưa ra dư luận.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Trường Hải có 6 năm tham gia thỉnh giảng tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech), thỉnh giảng một thời gian tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Văn Hiến cũng cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết, ông Nguyễn Trường Hải cũng từng nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí Phó Trưởng khoa. Vào tháng 11/2022, trường gửi thư mời nhận việc, nhưng phải thử việc, và chỉ làm được có vài ngày thì ông Hải cũng tự nộp đơn xin nghỉ việc, với lý do là không hội nhập được với nhân sự trong khoa. Khi đó, ông Nguyễn Trường Hải cũng chưa dạy ngày nào tại khoa.

Trường Đại học Sài Gòn cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, trong học kỳ 1 của năm học 2021 – 2022, ông Nguyễn Trường Hải có tham gia giảng dạy tại nhà trường, với vai trò thỉnh giảng.

Do lúc đó còn học và thi trực tuyến, lại là thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nên nhà trường cũng không thẩm tra văn bằng, hồ sơ của ông Hải.

Ông Hải lúc đó chỉ mới có bằng thạc sĩ có tham gia giảng dạy 4 môn, có tham gia chấm thi kết thúc học phần một môn với một giảng viên cơ hữu trong trường.

Do lúc đó còn học và thi trực tuyến, lại là thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nên nhà trường cũng không thẩm tra văn bằng, hồ sơ của ông Hải.

Ông Hải lúc đó chỉ mới có bằng thạc sĩ có tham gia giảng dạy 4 môn, có tham gia chấm thi kết thúc học phần một môn với một giảng viên cơ hữu trong trường. [1]

Các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ giảng viên

Liên quan đến trường hợp giảng viên sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ "rởm" để giảng dạy ở loạt cơ sở giáo dục đại học, chiều ngày 1/12, trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin: “Cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ theo quy định của Luật giáo dục đại học 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), trong đó có nội dung tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự.

Việc giảng viên sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ có dấu hiệu như báo nêu, chúng tôi sẽ yêu cầu các trường liên quan báo cáo, giải trình và xử lý trước theo quy định. Trên cơ sở xác minh, báo cáo và kết quả xử lý của các trường, theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ, Thanh tra sẽ tham mưu làm rõ và xử lý theo thẩm quyền. Việc mua bán, sử dụng “bằng giả” theo nghĩa đen thuộc chức năng xác minh, kết luận của cơ quan công an".

Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường, các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ ứng viên (trong đó có văn bằng, chứng chỉ) khi tuyển dụng giảng viên, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến lý lịch, văn bằng chứng chỉ khi có nghi ngờ hoặc dấu hiệu không đúng.

Hiện nay có nhiều công cụ để thực hiện việc này, các cơ sở đào tạo khi cấp bằng tốt nghiệp cho người học cũng đã công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của họ. Nếu văn bằng do nước ngoài cấp thì gửi cơ quan công nhận văn bằng, chứng chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo để công nhận.

“Việc để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của những bộ phận chức năng có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ khi tiếp nhận vào trường. Khi chúng tôi đi thanh tra, kiểm tra, các trường cung cấp thông tin về danh sách giảng viên đã đóng dấu, khẳng định có hợp đồng lao động, có bảo hiểm để xác định là giảng viên cơ hữu của trường… các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ giảng viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu ngành giáo dục trong đó có việc cập nhật dữ liệu danh sách giảng viên cơ hữu của các trường, khi các trường nhập liệu vào phần mềm phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu do mình nhập. Phần mềm là một trong những cơ sở để xác định trùng lặp giảng viên cơ hữu trong các trường, ví dụ: một người đang là giảng viên cơ hữu của một trường không thể là giảng viên cơ hữu trường khác.

Tuy nhiên có một thực tế, hiện nay việc quản lý ở hai hệ thống khác nhau, có những tiến sĩ ở trường cao đẳng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý) nhưng đồng thời có tên ở trường đại học. Bên cạnh đó, số giảng viên về hưu có thể cũng có tên ở một số trường.

Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống phần mềm để xác định rõ tình trạng này, từ đó mới có cơ sở xử lý”, ông Cường cho biết thêm.

Gửi bằng cấp của người được tuyển dụng về nơi cấp bằng để xác nhận là cần thiết

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mặc dù cả cơ sở giáo dục công lập và tư thục đều có quy trình tuyển dụng nhân sự, đặc biệt với các vị trí quản lý là rất khắt khe nhưng vẫn để "lọt lưới" trường hợp dùng bằng giả thăng tiến sự nghiệp, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đặt ra thắc mắc: "Thỉnh thoảng điện thoại tôi nhận được tin nhắn quảng cáo qua điện thoại là nhận làm các loại văn bằng chứng chỉ giả. Họ công khai mua bán văn bằng, chứng chỉ giả trên các trang mạng xã hội mà chưa bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý.

Thiết nghĩ có cung ắt có cầu. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây đối với cơ quan nhà nước về việc kiểm soát về vấn đề này ra sao?".

Đối với công tác xác minh văn bằng chứng chỉ, theo bà Ánh: "Mẫu văn bằng chứng chỉ hiện nay đã thay đổi so với trước kia. Trước kia mẫu bằng có dán ảnh của người học, còn bây giờ thì không còn. Chính vì vậy, tôi thấy nhiều đơn vị tuyển dụng họ gửi bằng cấp của người được tuyển dụng về nơi cấp bằng để xác nhận thông tin. Tôi cho rằng đây cũng là việc làm cần thiết".

Cũng theo bà Ánh, có rất nhiều cách để kiểm tra chất lượng giảng viên tại các cơ sở đào tạo. Bà đưa ra ví dụ, xây dựng bộ công cụ đánh giá, trong đó có sinh viên đánh giá giảng viên sau mỗi giờ học, các giảng viên trong cùng bộ môn đánh giá nhau khi dự giờ giảng của đồng nghiệp, lãnh đạo các nhà trường đánh giá tháng, đánh giá năm đối với cán bộ, giảng viên...

Mở rộng vấn đề "cột chặt" trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc tuyển chọn và sử dụng giảng viên, bà Ánh bày tỏ quan điểm: "Trong quy định đã nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tuyển dụng. Tuy nhiên, theo tôi quy định đặt ra dù có chặt chẽ đến đâu thì cũng chỉ để "phòng người ngay chứ không phòng kẻ gian". Bởi thế, dù có biện pháp nào đi nữa thì cũng không thể bằng ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi giảng viên tự nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo thương hiệu cho chính mình và cho nhà trường".

Phạm Thi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét