Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

20231225. TẢN MẠN CHUYỆN UỐNG TRÀ

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHUYỆN UỐNG TRÀ

NGUYỄN THÔNG/ FB/ TD 14>25-12-2023



KỲ 1

Chè là thức uống lâu đời ở nhiều quốc gia, nhất là những nước châu Á, trong đó có Việt Nam ta. Miền Bắc gọi là chè, miền Nam gọi trà, cũng do thói quen thôi, chứ đều chỉ một. Tuy nhiên, cách của miền Nam hợp lý hơn bởi phân biệt trà là thức uống, chè thức ăn. Năm 1977, hồi tôi mới vào Nam, tối pha ấm chè móc câu rủ mấy thầy người nam “tới uống chè”, gọi là làm cuộc ra mắt, thầy Trần Mạnh Hảo dạy toán cười bảo chè thì ăn chứ uống gì mà uống.
Uống chè đủ trăm phương nghìn cách. Với người bình dân, chỉ cần cái ca sắt tráng men cũ kỹ và siêu nước sôi là có “bình” trà ngon cùng nhau khề khà ven đường trong một sáng mùa đông rét mướt. Tầng lớp trên thì cứ phải bày vẽ này nọ, thậm chí chè đã pha rồi còn mời mọc nhau mỏi mồm, cung cách trang trọng như đang uống thuốc tiên trường sinh bất tử, ngồi nơi bàn cao ghế đẹp, thậm chí phải có cây trúc cây tre uốn cong queo làm cảnh chả ăn nhập gì với chè, chẳng như bác thi sĩ Nguyễn Duy đúc kết “Nòi tre đâu chịu mọc cong/Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”. Uống như thế không phải uống chè, không thẩm được cái ngon của nó, mà làm màu, diễn là chính. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo, chẳng thà uống Coca cho gọn.
Người Nhật so với người nhiều nước nghiện trà đã nâng uống chè/trà lên thành nghệ thuật, thành văn hóa, đặc trưng ẩm thực của nước này, được gọi là trà đạo. Cầu kỳ lắm. Đợi được hớp chè của họ cũng chả khác gì chuyện chúa Trịnh xơi món mầm đá. Tôi có ông bạn giáo sư (giáo sư thật chứ không phải giả như hằng hà sa số giáo sư ở nước này) từng đi Nhật xoành xoạch, bọn nó mời uống chè theo kiểu trà đạo liền xì bốc. Có lần tôi ngậm ngùi hỏi (bởi mình chả được uống kiểu thế bao giờ) uống chè “trà đạo” Nhật có ngon không. Y cười phì phì, cũng đ.éo hơn gì chè chén vỉa hè Hà thành, nhưng được cái tha hồ ngắm bọn trà nương, đứa nào cũng đẹp, yểu điệu như tiên nga giáng trần, da trắng bóc, mặc bikini, quên, kimono tha thướt. Tôi bảo lão, thế thì uống gái chứ đếch phải uống trà.
Lúc tôi đang gõ mấy chữ mấy dòng này, y đang ở Hà Nội. Hỏi có rét không, y cười năm nay đã giữa tháng 12 tây mà vẫn nóng bỏ mẹ. Ừ, Sài Gòn cũng vậy, mọi năm cứ trước Giáng sinh một tuần là se se, nhưng Giáng sinh 2023 vẫn toát mồ hôi. Các chị có vào nhà thờ dự lễ nhớ đem theo cái quạt. Lại nhớ đúng nửa thế kỷ trước, mùa đông năm 1973, mấy thằng học trò nghèo mặt mũi vêu vao, người gầy gò tinh xương là xương, da thịt lặn đâu mất cả, tụ nhau trong cái quán lá của bà u cô Xuyến nép cổng sau trường ngoại ngữ Thanh Xuân uống chè móc câu loại… 3, chỉ 5 xu một chén, trong gió rét kinh người. Có lần năm 1976 cô Xuyến con bà u còn lấy ra khoe một tá coóc sê đủ màu mới nhờ người mua từ miền Nam giải phóng, hỏi đẹp không đẹp không. Bà bô cười, mấy anh đứa nào rước được nó thì tôi cho không đấy, suốt ngày chỉ vú mới chả vê. (còn tiếp)
Nguyễn Thông

KỲ 2

Cần nói ngay điều này: Người bắc quen uống nước chè, còn người nam chuộng cà phê. Chè mang tính cổ truyền, truyền thống, dân tộc đậm đà; còn cà phê văn minh, hiện đại, mới lạ. Chỉ đồ uống đã phần nào thể hiện chất người vùng miền. Tôi cảm nhận được sự khác biệt ấy khi vào Sài Gòn nhận việc năm 1977. Hai miền tuy cùng một nước nhưng có lẽ do thời thế tác động nên quá nhiều sự khác nhau. Chẳng hạn, ngoài bắc mà mời ăn cơm thì nên hiểu đó là lời chào, còn trong nam đã mời là ăn, không phải mời “rơi”, đừng khách sáo từ chối. Nhiều nét riêng vậy lắm, để thong thả tôi sẽ kể. Vì vậy, tôi nhắc “chuyện uống chè” thì bạn hãy hiểu rằng đang nghe chuyện bắc, từ một ký ức cũng chưa xa lắm.
Miền Bắc thập niên 60 - 70. Nông thôn, nghèo, lại còn bị chiến tranh đòi “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Biết bao nhiêu gạo và người bị ném vào cuộc tương tàn. Sống được đã là sự phi thường bởi hầu như thứ gì cũng thiếu. Kể cả gói chè.
Miền Bắc trước năm 1975 có những vùng trồng chè nổi tiếng là Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang. Câu “chè Thái gái Tuyên” để nói về độ ngon của chè Thái Nguyên. Đầu thập niên 70, hồi sinh viên, tôi đã lên Phú Thọ (lúc ấy bị gộp với Vĩnh Phúc thành Vĩnh Phú) chơi nhà bạn, ngó bạt ngàn đồi chè. Ngoài chè, đất bắc những năm đó còn có cả những nông trường chuyên canh như trồng cà phê ở Phủ Quỳ, Quỳ Châu (Nghệ An), hồ tiêu ở Vĩnh Linh. Ông nhà thơ Tế Hanh từng ca ngợi nông trường cà phê “Nông trường ta rộng mênh mông/Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài”. Cũng đủ cả, chỉ có điều dân chúng không được hưởng. Lý do, gom hết thu hết xuất bán cho Liên Xô, Trung Quốc mua vũ khí về đánh nhau. Số còn lại bị tuồn vào hệ thống cửa hàng Tôn Đản, Nhà Thờ, Giao tế Intershop… để phân phối cho cán bộ. Quán cà phê ở Hà Nội suốt mấy chục năm, kiểu “Cà phê Lâm” chỉ đếm trên đầu ngón tay, dành cho tay chơi, người có tiền, văn nghệ sĩ, cán bộ. Dân thường muốn uống chè ngon, chỉ có 2 cách: hoặc lê la quán trà lá vỉa hè (chè mua chui, buôn lậu), hoặc đợi đến tết được mua 1 gói Thanh Hương.
Món chè dân dã phổ biến nhất của đám đông quần chúng nhân dân vĩ đại là chè bồm. Tôi tra từ điển không có từ “bồm”, chẳng hiểu nó xuất hiện từ bao giờ, ai đặt. Nhưng người nào đã sống ở miền Bắc trước 1975, rồi cả thời bao cấp gần 2 chục năm sau đó nữa, cứ nói “chè bồm” thì ai cũng hình dung ra.
Đại loại, được gọi là chè nhưng không phải chè, mà là chè. Nó là phế phẩm thải loại từ quá trình làm ra sản phẩm chè. Ông anh tôi có lần bảo đé.o phải chè, mà là rác chè. Nó vụn gần như bột, có lẽ do máy móc công nghệ kém nên phế phẩm thứ phẩm hơi bị nhiều. Nhẽ ra rác ấy, nhà sản xuất hót đem đổ đi, thì họ nghĩ ngay đến dân, cho đóng gói lại, gói vuông to bằng 2 bàn tay úp, vỏ giấy xi măng, nặng khoảng 2 lạng, cũng chẳng đề chữ nghĩa thương hiệu chi cả, bán cho hệ thống HTX thương nghiệp để bán tiếp cho dân. Chè, thực chất chỉ thay cho nước vối, gọi uống chè cho sang, giấu đi cái nghèo. Tôi nói thật, sự phân chia đẳng cấp, cách biệt giàu nghèo, coi thường nhân dân một cách công khai xảy ra ở miền Bắc những năm xa ấy thật kinh khủng. Dân chúng, nhất là nông dân, bị mặc nhiên coi là dân loại 2 trong chế độ bao cấp, mà gói chè là ví dụ cụ thể. (còn tiếp)
Nguyễn Thông

KỲ 3

Miền Bắc, sống ở nông thôn, người ta uống nước vối quanh năm suốt tháng, nếu mua được gói chè “ngon” loại 2, loại 3 như chè Đại Đồng, Phú Thọ chẳng hạn thì phải để dành phòng khi có khách. Vối sẵn, hầu như nhà nào cũng trồng ít nhất một cây, góc vườn hoặc bờ ao. Uống lá tươi, cây nhiều lá quá thì bẻ cả cành vặt lá phơi nỏ cho vào bao uống dần. Nụ vối uống rất ngon, nghe nói chữa được cả bệnh liên quan tới thận, lợi tiểu, hợp với người bị bệnh đái dắt. Hồi tôi còn bé thường ăn quả vối chín, chua chua ngòn ngọt, “xơi” xong mồm miệng trông cứ như hộp đựng thuốc vẽ, lòe loẹt xanh đỏ tím vàng. Trẻ con nhà quê thứ chi cũng ăn, quả thèn đen, quả mây, quả sắn, quả bom bóp… chẳng bổ béo gì nhưng bớt được sự thèm bánh kẹo. Những năm 60 - 70 bánh kẹo là của hiếm, đường lại càng hiếm, hèn chi hồi ấy chả ai bị bệnh tiểu đường. Từ điển năm chưa xa không có các mục từ “bệnh tiểu đường”, “bệnh gút”, “mỡ máu”, “béo phì”. Thứ bệnh thường trực của dân bắc trước sau 1975 là bệnh… đói.
Có cây vối trong vườn, đủ uống quanh năm, chỉ có điều uống nó không oai vệ như uống chè, bởi nó bình dân quá. Trên đời, nghiệm thấy cứ hiếm mới quý, dù của hiếm chưa chắc đã tốt bằng thứ có sẵn. Chè và vối là vậy. Vả lại, người ta chỉ phân phối chè cho cán bộ chứ ai phân phối lá vối. Chè là thứ thang bậc, tiêu chuẩn để xếp hạng đẳng cấp, dù lá vối có ngon mấy thì thiên hạ cũng cứ nhất định phải phấn đấu lên thành phần được uống chè.
Nhớ hồi cuối thập niên 80, tôi tò mò hỏi ông cậu vợ, dưới này (An Giang) có uống nước vối không, ổng hỏi vối là sao, tôi tả cây vối như thế như thế, không có chè thì uống thay chè. Ổng cười sao phải uống tầm bậy tầm bạ thế bay ơi, thời ông Diệm ông Thiệu, chè B’Lao thiếu gì, dưới quê cù lao miệt vườn xa xôi mà cà phê còn ê hề, ra khỏi ngõ đã có tiệm cà phê, huống chi chè.
Một thức uống quê nữa, không phải chè mà là chè. Chè tươi, hay còn gọi chè xanh. Giống chè này khác với cây chè trồng trên các nông trường chè ở Phú Thọ, Thái Nguyên, không phải loại chè Tân Cương, Suối Giàng có cây vài trăm năm cổ thụ cung cấp loại chè móc câu. Cây chè tươi trồng trong vườn nhà, mọc lúp xúp cỡ cái lồng gà. Là chè tươi rửa sạch, bỏ vào cái nồi to hoặc siêu nhôm đại Liên Xô, đun sôi già, mở vung để nguội cho đỡ đỏ nước. Mùa hè, được bát nước chè tươi, ngoáy thêm thìa đường sướng như đi Liên Xô. Mùa đông có bát nước chè tươi nóng cũng tuyệt vời. Mấy đứa làng tôi học được cách nói của bọn sơ tán, uống xong khề khà bảo “hết sảy con bà bảy”. Chỉ có điều, biết chè tươi ngon hơn nước vối nhưng ít nhà trồng nó bởi đất vườn có hạn, phải dành trồng thứ cây khác thiết thực hơn cho bữa ăn hằng ngày.
Nói đến uống chè, đừng quên những quán nước chè ven đường. Chủ quán thường là mấy bà lớn tuổi, ít khi đàn ông bán, còn gái trẻ như cô Xuyến mà tôi đã kể lại càng ít. Hình ảnh người đàn bà bán nước chè đã in đậm trong ký ức nhiều thế hệ những năm 80 trở về trước. Không công ăn việc làm, hoặc đã về hưu, hoặc phải lăn ra mà phụ đỡ tiền bạc cho chồng con để cả nhà sống qua ngày, các bà đã cần mẫn bán nước. Tôi có bà chị họ gia đình sống ngoài phố (Hải Phòng), chồng làm bốc vác bến xe, nuôi đàn con lít nhít 9 đứa đẻ năm một, sau khi nghỉ làm công nhân nhà máy xi măng, một mình bà chỉ với cái hàng nước chè vỉa hè mà lôi được cả nhà vượt qua được khốn khó thời bao cấp tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chắc nhiều người biết chuyện bà diễn viên NSƯT Lê Mai mẹ của mấy cô con gái lừng danh khi về hưu đã mở quán nước để vừa sống vừa vui. Tôi cho rằng đời bà có ý nghĩa nhất là đoạn gần kết đó.
Không thể hình dung ra “nét” của phố xá thời bao cấp đói nghèo nếu quên đi quán nước chè. “Quán” nằm bệt trên lề đường, tựa vào bức tường nào đó, hoặc nép dọc ngõ nhỏ, hai chiếc ghế dài, vài cái ghế vuông thấp cũn cỡn, chiếc bàn gỗ tạp bày bộ ấm chén sành cáu bẩn, ấm tích đựng trong chiếc bình tích đan bằng tre, trên bàn có thêm hộp kính nhỏ đựng thuốc lá cuộn hoặc Sông Cầu, Tam Thanh, Trường Sơn, bên lọ kẹo lạc hoặc kẹo vừng. Nhiều chủ quán còn chu đáo trang bị thêm cái điếu cày hoặc hẳn bình điếu có xe điếu phục vụ khách nghiện thuốc lào. Chỉ bấy nhiêu thôi, người vào người ra từ sáng sớm đến tối mịt. Lạ nhất là càng lạnh, càng mùa đông quán càng nhộn nhịp. Trong cái rét căm căm, áo quần không đủ ngăn lạnh, được ngồi hút điếu thuốc Trường Sơn, thuốc quấn rẻ tiền hoặc rít thuốc lào, hớp miếng chè móc câu nóng, ủ tay nhờ vào chiếc bình tích của cô Xuyến thì quên bẵng rét lạnh. (còn tiếp)
Nguyễn Thông

KỲ 4

Bài kỳ trước, nhà cháu nói chuyện uống nước vối thay chè, đọc lại sực nhớ quên một chi tiết. Nước vối nấu bằng lá tươi, lá khô và nụ vối đều được, nếu biết cách nấu/hãm, thậm chí còn thú vị hơn cả chè móc câu. Riêng lá vối khô hoặc nụ vối, cho thêm vài nhánh lá đăng cay khô vào thì có khi còn ngon hơn cả Coca-Cola, Pepsi bây giờ.
Từ dạo vào nam, tôi ít được uống nước vối, lại càng không có dịp nếm mùi lá đăng cay. Thứ lá nho nhỏ như chiếc ngòi bút lá tre, mọc dày hai bên nhánh, nhọn, từa tựa lá dương xỉ. Thày tôi mỗi lần nấu siêu nước vối chả bao giờ quên bỏ mấy nhánh đăng cay vào. Mùi vối đậm đà, thêm hương thơm và vị cay cay dịu nhẹ của lá đăng cay tạo thành thứ “ẩm thủy” khó tả. Gần nửa thế kỷ bặt vắng nó nhưng tôi vẫn cảm thấy mùi hương quê ấy quanh quẩn đâu đây.
Nước vối lá xanh nếu nấu không ngon bằng hãm. Tôi học được cách này khá tình cờ. Dạo cách nay mười mấy năm, đám đồng môn rủ nhau họp lớp, mà lại tận Đồ Sơn. Bọn cắm ở Hà Nội, Hải Phòng đi Đồ Sơn như đi chợ, với chúng nó chả có gì trở ngại, còn tôi phải vượt gần 2 nghìn cây số. Đồ Sơn vốn chỉ cách quê làng tôi chưa đầy chục cây số đường chim bay nhưng thú thực từ lúc bu tôi đẻ ra tới khi học xong cử nhân tôi vẫn không biết mặt mũi Đồ Sơn nó thế nào. Mãi đầu thập niên 80 mới mò ra, biết khu 1, khu 2, nhà Bảo Đại, bến Nghiêng… Lý do rất đơn giản mà cực kỳ… phức tạp: đầu tiên quan trọng nhất là tiền đâu, không có tiền, rồi không có xe đạp (thập niên 60 - 70 chiếc xe đạp là niềm mơ ước rất khó thành hiện thực của mọi nhà), quần áo lôi thôi lếch thếch, cả đời ngoài lúc học thì chỉ cắm đầu vào làm việc nhà giúp thày bu anh chị. Cuộc sống khốn khó dạy cho những đứa trẻ phải ngoan. Không cần học tập và làm theo ai cả, tấm gương nào cả. Thế hệ chúng tôi (đẻ giữa thập niên 50), cùng các anh chị sinh trước vài năm, cùng lớp đàn em sinh sau vài năm, đều như vậy cả. Nếu không bị đi lính (hồi ấy gọi là bộ đội) thì chỉ có làm và học. Gần như trong đầu không có chữ “chơi”.
Cả bọn sắp hưu tóc nhuộm nhờ sự quen biết nên thuê được chỗ tá túc ở khách sạn Điện lực với giá rẻ. Rồi kéo nhau ra đảo Hòn Dấu, trèo lên cả ngọn hải đăng cao tít, mò vào dinh Bảo Đại, leo tháp Tường Long, vội vã hưởng thụ như một kiểu dối già. Thu hoạch giá trị nhất của tôi là khi uống cốc nước vối đậm đà xanh ngăn ngắt ở phòng khách Điện lực hotel, tấm tắc ngon quá ngon quá. Một cô xinh đẹp đứng gần đó giảng giải, tận tình chỉ dẫn cách hãm sao cho đạt chuẩn nước vối thượng hạng, xong rồi còn hỏi có nhớ không, quên không. Tôi gật đầu nhớ nhớ, thầm nghĩ có thế mà không nhớ thì còn làm được trò gì. Bà bạn hơi già già ngồi cạnh bảo mày có biết cô giáo dạy mày là ai không, cái Hà giám đốc của hô teo này đấy. Lại thầm nghĩ, sao trên đời có thứ người vừa đẹp vừa giỏi vừa tốt thế không biết.
Cách hãm (không nấu trực tiếp mà chỉ ngâm bằng nước sôi thì gọi là hãm) đơn giản và hiệu nghiệm thế này: Bình thủy tinh 2 lít, lấy 5 - 6 lá vối rửa sạch vẩy ráo bỏ vào bình, cho chút nước sôi vào lắc đều thật nhanh để rửa lá rồi đổ đi, nếu có lá đăng cay khô thì thêm vài lá cho ngon hơn, còn không có cũng được. Nước đun sôi già, đổ đầy bình, đậy nắp, có thể dùng sau 5 - 10 phút. Uống nóng hoặc ấm đều ngon.
Ai có dịp đáo Đồ Sơn hơn đồ nhà, cứ thử ghé Điện lực hô teo một lần thưởng thức món đặc sản nước vối coi tôi nói có đúng không, chứ cô đốc Hà có còn quản thủ không thì thú thực tôi bặt tin. (còn tiếp)
Nguyễn Thông

KỲ 5

Mùa đông, rét như mùa đông năm nay Quý Mão 2023 ở miền Bắc chẳng hạn thì uống chè là một cái thú. Đám sinh viên nghèo chúng tôi hồi xưa, trừ mấy tiết học bắt buộc phải trên lớp, thì thời gian cắm quán có khi còn nhiều hơn ở trong căn phòng chật chội khoảng 20 mét vuông nhét tới 6 cái giường tầng vị chi chứa 12 “tù khổ sai” ký túc xá Mễ Trì. Có những đứa, mua chén chè 5 xu khề khà ngồi nửa buổi. Nhiều thằng chúa chổm, vài xu cũng không tiền trả, uống xong ghi nợ. Chủ quán biết bọn này mặt dày này chẳng qua nghèo mới vậy nên thường hỉ xả, thể tất cho.
Phải nói rằng chè chén quán ven đường ngon hơn hẳn mấy thứ chè mậu dịch Thanh Hương, Phú Thọ, có nhẽ ngang ngửa với loại Hồng Đào chỉ phân phối cho mấy ông bà cao cấp, cả đời tôi được nếm đúng một lần ở nhà ông bác chị dâu tôi, ông làm cục trưởng cảnh vệ. Chè chén quán ven đường chỉ pha từ chè móc câu, do con buôn đưa lậu từ Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang về. Chuẩn chè móc câu là phải xoăn tít nhưng không nát, được xao thủ công gia truyền, đạt 8 chữ vàng “nước xanh, cánh nhỏ, hương thơm, vị đượm”. Mấy bà chủ quán ven đường tàu điện bến Thanh Xuân hoặc lối vào trường tổng hợp, trường ngoại ngữ khá chiều khách. Chén chè luôn nóng hổi, sóng sành, đậm đà, ngào ngạt. Mấy bác khoa Sử cán bộ, bộ đội đi học có lương, có phụ cấp nên chơi sang, đòi phải pha đặc, gọi là “chè cắm tăm” (đặc đến mức cắm cái tăm vào chén nước chè mà nó không… đổ). Buổi chạng vạng sau bữa cơm, nhấp chén chè nóng cắm tăm, nhâm nhi chiếc kẹo lạc, hết hào rưỡi, tiên cũng chỉ sướng đến thế là cùng.
Lớp tôi có anh Ma Duy Giang, người Tày ở Định Hóa, Thái Nguyên. Chả hiểu gien lấy từ đâu mà cao to như tây, tôi và nhiều đứa đúng bên mấp mé vai. Chất phác, hiền lành nhất mực. Cả phòng khoái nhất yếu tố Thái Nguyên, hồi ấy gộp chung với Bắc Cạn thành Bắc Thái. Người dân tộc thiểu số, nên anh Giang được ưu tiên hơn so với đám con em bần nông Kinh. Thoắt cái lại ngược, mò về quê. Cứ tưởng y mang tâm trạng của “nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn” nhưng té ra không phải. Y tranh thủ buôn. Buôn chè, chè Thái móc câu nổi tiếng, thứ chè Tân Cương bây giờ. Tôi lần đầu tiên được nghe nhắc tới cái danh Tân Cương, được nhấp môi chè Tân Cương là nhờ lão Ma. Có nhẽ y còn rủng rỉnh, khá giả hơn cả mấy ông cán bộ, bộ đội đi học, những Lê Tài Thuận, Nguyễn Ngọc Xuân, Bùi Trọng Cường, cả nhóm Lê Xuân Sang, Lê Quốc Lập, Đặng Quốc Khánh băng xứ Thanh nữa. Giang là vua chè. Vua tất nhiên phải hơn mọi người, dù học có kem kém. Đám Nguyễn Huy Hoàng, Trần Ngọc Vương, Xuân Ba, Phạm Văn Bích, Nguyễn Sĩ Đại dù học giỏi nổi tiếng cũng chỉ hạng xách dép cho Giang Ma, còn bọn lau nhau như tôi, Lương Ngọc Bính… thì Ma không thèm liếc.
Nhưng có đầu óc con buôn, nhạy làm ăn như Trần Ngọc Hồng thì khác. Y nhìn ra tiềm năng thế mạnh của Ma, lại tháo vát tinh thông mưu mẹo hơn Ma (dân xứ Nghệ đứa nào chả vậy) nên cứ dăm bữa nửa tháng hai gã lại mò ra ga Trần Quý Cáp bắt tàu ngược Thái. Trên đó đã có cơ sở chuẩn bị sẵn hàng, giống như những băng buôn ma túy thời nay vậy. Cuộc làm ăn kinh tế thị trường chui lủi diễn ra mấy năm liền. Khá khen cho liên minh kinh tế xã hội Hồng - Giang nhìn xa hơn người cùng thế hệ mấy tầm. Lớp tôi học văn nhưng thành phần sĩ nông công thương đủ cả. Doanh nhân thành công nhất là Trần Ngọc Hồng, về tầm cỡ thời đại có thể so với Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương bây giờ, ha ha. Tôi chỉ thắc mắc, với hai lão ấy thì chè Thái đã là sự thành công, tốt nghiệp xuất sắc, nhưng gái Tuyên không thấy kể, cứ nín thinh tới bây giờ. (còn tiếp)
Nguyễn Thông

KỲ 6

Nhắc chuyện buôn chè của mấy ông sinh viên giỏi buôn hơn học, lại bần thần nhớ hồi bu tôi buôn chè, xé rào, bươn chải bằng mọi cách để sống sót trong một nền kinh tế ngày càng lụn bại những năm thập niên 70 - 80 ở miền Bắc.
Nhà tôi làm ruộng, đất đai bị trưng thu, góp hết vào hợp tác xã (thực chất là cướp, rồi mấy chục năm sau HTX tan rã vẫn không được trả lại một mét nào). Sau năm 1975 nhà nước tiếp tục áp dụng cách cướp này ở nông thôn miền Nam, với tên gọi tập đoàn sản xuất (thay cho HTX đã quá nhiều tiếng xấu) để tiến lên nền nông nghiệp sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. May mắn thay, nông dân miền Nam không mặn mà với trò hình thức nên nó bị chết yểu.
Không còn ruộng, chỉ làm công ăn điểm rồi quy ra thóc, mỗi vụ tính đầu người được vài chục ký thóc, xay thành gạo đủ ăn 2 - 3 tháng nên đói triền miên. Bu tôi tháo vát, ngoài việc cấy hái trên đồng, thường thức khuya dậy sớm làm hàng xáo, tranh thủ buôn bán lặt vặt, mở quầy hàng nho nhỏ nép gian đầu hồi, trông ra đường, giao cho thày tôi và con cái trông nom. Thày tôi học nho vụng việc cày bừa nên nhận lĩnh trọng trách cứu nhà, vừa lo cơm nước vừa trông coi “cửa hàng”, nhưng sự mua hàng thì vẫn phải bu tôi.
Hàng của cái quán xóm ven đường chủ yếu là chè và thuốc lá, về sau có thêm chút bánh kẹo, mì chính, giấy bút học trò, cái kim sợi chỉ. Đại loại thứ nào dân làng có nhu cầu thì mua về, bán khi người ta cần. Trong nền kinh tế tập trung, mọi thứ nhất nhất do nhà nước quản lý, thì bất cứ hàng hóa nào lưu thông ngoài hệ thống nhà nước đều là hàng lậu. Chè và thuốc lá cũng vậy, bị kiểm soát gắt gao. Bất cứ bến xe hoặc chiếc xe chở khách nào cũng bị phòng thuế, cán bộ nhân viên quản lý thị trường lục lọi từng khe ngách. Nửa ký chè cũng bị tịch thu, thuốc lá cũng vậy. Làm ăn, kinh doanh cá thể, kinh tế tư nhân hồi ấy không có đất sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa.
Người ta giải thích phải cấm như thế để có đủ hàng xuất khẩu cho Liên Xô, Trung Quốc và cả phe xã hội chủ nghĩa, để trả ơn sự viện trợ vũ khí và hàng hóa khác. Ai cũng phải thắt lưng buộc bụng, dù chỉ ấm chè điếu thuốc, để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dân khi ấy đều nghĩ như vậy, nhưng chẳng mấy ai dám nói ra cái điều lăn tăn, rằng dân chúng bị cấm tiêu dùng để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước nhưng cán bộ lại được nhà nước công khai phân phối cho đủ loại, từ gói chè điếu thuốc tới cân đường hộp sữa, ký thịt, chiếc xe đạp, cái đồng hồ… Ông anh tôi có lần bảo chả nhẽ chỉ dân mới “bị” xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn các ông bà ấy được miễn, hay là họ xây xong rồi.
Dân uống nước vối, chè tươi, nhưng quan cán bộ hằng tháng đều có chè gói, cấp thấp thì Phú Thọ, Thanh Hương, cấp cao thì Hồng Đào, Tân Cương. Chè được chia thành loại 1, loại 2, loại 3, mà ngay cả loại 3 dân cũng không có tiêu chuẩn. Thuốc lá cũng vậy, dân hút thuốc lào, thuốc cuộn, còn cán bộ bét ra cũng được mấy gói Nhị Thanh, Trường Sơn, Đồ Sơn, khá hơn thì Tam Thanh, Tam Đảo, đẳng cấp cốp phải Thủ Đô, Điện Biên, Hồ Gươm, hạng cao sang hơn thì loại có đầu lọc. Những thứ những món ấy nếu dân thèm phải mua ở chợ giời, kể cả gói chè gói thuốc, thì cán bộ đã có hệ thống Nhà Thờ, Tôn Đản, Intershop bán rẻ như cho. Bộ máy cung cấp đặc quyền đặc lợi ngang nhiên coi chỉ cán bộ mới cần uống chè hút thuốc, còn dân không có quyền lợi. Chế độ miền Bắc trước 1975 và mươi năm sau đó mặc nhiên chia con người thành 2 hạng: cán bộ và dân, thậm chí phó thường dân.
Thói cư xử tệ hại ấy, cứ tưởng theo dòng lịch sử sẽ bị xóa bỏ hoặc thay đổi, nhưng không phải, thậm chí nó còn ngang ngược, lộ liễu hơn. Tình trạng đẳng cấp ngày càng tệ hại, những ông bà lãnh đạo được mặc nhiên cấp nhà cửa, xe cộ, người phục vụ, chế độ chăm sóc… theo tiêu chuẩn do chính họ đặt ra. Sống thì ở nhà cao cửa rộng, bệnh vào nhà thương riêng, chết cũng phải linh đình nghĩa trang lăng mộ, đều chi tiền ngân sách. Về nghỉ hưu cũng vẫn hưởng chế độ ông này bà nọ.
Làm quan lãnh đạo, đương nhiên phải được hưởng chế độ hơn người thường, kể cả ấm chè. Nhưng xin nhớ rằng lương quan cũng luôn cao hơn của người lao động thường, lương ấy để trả hậu hĩnh cho công việc mà họ gánh vác. Đòi gì mà đòi lắm thế. Không muốn làm thì xê ra để người khác thay. Đâu có cái thói tạo ra chế độ đãi ngộ riêng, đặc quyền đặc lợi để cướp đoạt quyền lợi của dân chúng. Cướp từ gói chè. Trong chén/tách nước chè có cả một xã hội. (còn tiếp)
Nguyễn Thông

KỲ CUỐI

Sinh thời thày (cha) tôi rất thích uống chè. Sở thích này có lẽ hình thành từ hồi trẻ làm thư lại (một dạng thư ký) ở phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An. Tỉnh này về sau được chính quyền mới sáp nhập vào Hải Phòng, giờ thị xã Kiến An cũ chỉ là một quận. Nói gì thì nói, tôi vẫn thích cái địa danh “thị xã” để gọi những đô thị các tỉnh, chả hạn thị xã Lạng Sơn, thị xã Hồng Gai, thị xã Tây Ninh, thị xã Vĩnh Yên… giản dị, hiền lành, chứa đầy yêu thương.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh con giai cụ Đặng Văn Ngữ, nổi tiếng với bộ phim “Thị xã trong tầm tay” về Lạng Sơn thời đánh nhau với cộng sản Tàu năm 1979. Cứ thử nghĩ, nếu là “Thành phố trong tầm tay” thì nó chuồi chuội thế nào ấy, chắc chả được người đời yêu thích mấy.
Thủ phạm xóa gần sạch các tên thị xã đầy gắn bó, bắt đôn lên, biến thành thành phố, thành phố Lạng Sơn, thành phố Cao Bằng, thành phố Hà Tĩnh, thành phố Cà Mau… chính là Nguyễn Tấn Dũng 3X. Dưới triều ông ta, để cho máu, cho oai, cứ “thành phố hóa” hết, dù phố xá chỉ toen hoẻn, vẫn trơ ra những ruộng đất, trâu bò, đường như đường làng.
Ông anh tôi có lần bảo, nó (3X) không vừa đâu, đổi cái tên để tăng giá trị đất đai, buôn đất đấy. Biết bao dự án bất động sản cắm vào nông thôn khi thị xã bị lên thành phố là nguyên nhân chính gây những cưỡng chế, đền bù giải tỏa, cướp đoạt đất đai, đẩy nông dân vào cảnh mất đất, hết kế sinh nhai, tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây. Thủ đoạn ấy, lại được sự trợ giúp của luật đất đai “sở hữu toàn dân”, nông dân không còn đường thoát, thành anh Pha, chị Dậu thời cộng sản.
Lại nói chuyện thày tôi. Năm 1945, cách mạng vô sản nổ ra, phủ Kiến Thụy (đặt ngay làng tôi, Trà Phương, xã Thụy Hương) bị chiếm, san bằng. Cách mạng và người cộng sản là vậy, thích phá thì phá cho bằng hết. Thày tôi chỉ làm chân thư ký cho nên không bị họ hành tội, nhưng mất việc, về làm nông dân. Sống ở nông thôn, lại nông dân, thì thích chè, nghiện chè là một thứ tội nợ. Đơn giản bởi không có chè, mà nếu có cũng không tới lượt mình, cán bộ giành hết. Chế độ phân phối thời bao cấp mặc nhiên loại bỏ nông dân, không coi họ là đối tượng được chia chác sản phẩm.
Mỗi năm, nhà nước (miền Bắc) chỉ bố thí cho nông dân một gói chè, gọi là tiêu chuẩn tết, thường là chè Đại Đồng hoặc Thanh Hương. Ai đã sống ở nông thôn miền Bắc thập niên 60 - 80 không lạ gì cái bìa mua hàng tết có in hình cành đào. Mỗi năm nhà nước chỉ phát bìa này một lần, họ bảo là sự quan tâm đến dân, đem cái tết đầm ấm, đầy đủ cho dân.
Những món hàng tết gạch đầu dòng trong bìa gồm: 1 hộp mứt vuông nửa ký, chủ yếu là mứt bí, mứt dừa, kẹo trứng chim (hột lạc bọc đường trắng); 1 gói chè 50 gam; 2 bao thuốc lá Tam Đảo hoặc Tam Thanh; 1 chai nước mắm loại 1 Cát Hải; 1 gói bóng bì (làm bằng da lợn); 1 ký đường cát trắng; 1 gói tiêu bắc (hột tiêu) khoảng 100 hột; 1 phong pháo nhỏ Bình Đà. Vậy thôi.
Nhớ năm xa ấy, tôi ra xếp hàng ở cửa hàng HTX mua bán của chị Cót mua được túi hàng tết về, bu tôi cẩn thận lấy chè và thuốc lá ra vùi sâu vào giữa chum thóc cho đỡ mốc. Kỹ quá rồi quên, không nhớ để đâu. Tết năm ấy không chè cũng chả thuốc. Mãi tới cuối tháng 3, đổ thóc gánh ra chùa Mục Đồng nộp thuế cho nhà nước, thấy tòi ra hai thằng chè thuốc, không bị mốc nhưng đã tiệt hơi.
Nước vối uống mãi cũng quen. Trên đời cái gì cũng có thể quen, kể cả nỗi khổ. Mỗi lần có gói chè ngon, thày kêu tôi lên xóm trên mời bác Ỷ bạn chè lâu năm, sai đun siêu nước sôi sùng sục thật kỹ. Tráng ấm xong, bỏ chè vào cho nở ra một chút, châm tí nước vào lắc nhanh rồi đổ đi, sau đó mới đổ nước sôi vào. Hai cụ ngồi nhâm nhi, chuyện trò về việc nhà nông, thế thái nhân tình, ôn lại những ngày xưa cũ một thời.
Hồi ấy ở miền Bắc, những cuốn sách văn học chính thống giai đoạn 30 - 45 gần như bị cấm tiệt. Đám chúng tôi được nghe kể lại, nhà văn Nguyễn Tuân có cuốn “Vang bóng một thời”, rất hay. Trong đó có truyện, tác giả kể về mấy ông nhà nho khi trà dư tửu hậu cùng uống chè, khề khà, tấm tắc khen ngon. Một anh ăn mày ngang qua mạo muội xin các cụ một ấm. Các cụ thấy lạ liền cho. Kẻ ăn mày lấy từ trong bị cói cũ rách chiếc ấm Thế Đức gan gà (Thứ nhất Thế Đức gan gà/ Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần - là 3 loại ấm chè hàng đầu trong nghề uống chè), tráng kỹ rồi cho chè, đổ nước sôi vào. Nhấm nháp uống xong, anh ta khen chè ngon, nhưng chê chè có mùi trấu. Các cụ giận kẻ “ăn cháo đái bát”, đã ăn xin còn không biết điều. Khi anh ăn mày đi rồi, một cụ tò mò bới đám bã chè ra, hoảng hồn thấy trong đó có 2 cái vỏ trấu. Vội túa đi tìm thì không thấy đâu nữa.
Nhắc tới ông Nguyễn Tuân, lại sực nhớ một tên tuổi lớn, một nhân cách vĩ đại: Phùng Cung. Cụ Phùng Cung có bài thơ “Trà” ngắn gọn kiểu thơ haiku của Nhật, hay không thể tả. Cụ viết: “Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Không đổi giọng Tân Cương”. Tại sao vậy?
Lứa chúng tôi sinh giữa thập niên 50 hầu như không biết cụ thể gì về Phùng Cung bởi mọi thông tin về cụ bị nhà cầm quyền giấu biệt. Chỉ nghe loáng thoáng cụ bị quy tội Nhân văn giai phẩm. Thực ra cụ không có tên trong nhóm Nhân văn. Người ta bắt Phùng Cung, không kết án, không đưa ra tòa, đày giam biệt xứ hơn 11 năm, tới năm 1972 thích thì thả, không một lời xin lỗi.
Một con người tài hoa, tử tế, nhưng cực kỳ bản lĩnh, khí phách, quyết không chịu cúi đầu dù chỉ một lần, như số đông văn nghệ sĩ bấy giờ. Sau này, nghe nói Phùng Cung bị bắt, bị tù chỉ vì ông viết truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” bóng gió về đám văn nghệ sĩ tài năng nhưng hèn hạ chịu khuất phục trước bạo quyền. Có người bảo con ngựa già ấy là ám chỉ nhà văn Nguyễn Tuân vang bóng một thời, bởi con ngựa già từng ở xứ Thanh trước khi được cống tiến về kinh.
Nhưng có lẽ không phải, đâu chỉ Nguyễn Tuân giống con ngựa già, mà gần như đều thế, chỉ trừ ít người nhóm Nhân văn giai phẩm. Sau khi ra tù, “Trà Tân Cương” sống và chết trong cảnh nghèo khó, nhưng đối với người đời thì ông như một tượng đài sừng sững, những Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… không thể nào bằng được.
Thật may, tôi biên đến đây, vừa hay bác nhà văn Thái Kế Toại mới đăng hai kỳ trên Facebook kể về cụ Phùng Cung, ai muốn biết kỹ hơn, mời vào đó tìm hiểu thêm.
Chào cả nhà ạ. Hết chuyện chè trà.
Nguyễn Thông
NGUỒN:

Nguyễn Thông 

https://www.facebook.com/profile.php?id=100024722048900&__cft__[0]=

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét