Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

20231209. TẢN MẠN CHUYỆN TÊN ĐƯỜNG

  ĐIỂM BÁO MẠNG


TÊN ĐƯỜNG
NGUYỄN THÔNG/FB/TD 4>8-12-2023


KỲ 1
Với người sinh sống ở nông thôn-nhà quê, đường đi lối lại có tên hay không, không quan trọng. Vài con đường ranh nối làng nối xóm, cần gì tên. Xã quê tôi giờ đây được coi là nông thôn mới kiểu mẫu, hơn 5.000 nhân khẩu, cả 3 thôn đã khác xưa rất nhiều, đường sá rộng mở khang trang, ngày mưa đi từ đầu làng tới cuối làng không bẩn chân, vẫn không có tên đường.
Nhưng ở phố thì khác. Lắm đường nhiều lối, như bàn cờ, ngã ba ngã tư chằng chịt, nhà nào cũng na ná giông giống nhà nào, nên đường phải có tên. Lớ ngớ là lạc, chả biết đâu mà tìm. Nhân viên bưu điện đi phát thư thuộc đường hơn lòng bàn tay.
Thiên hạ hay đề lên phong bì/bì thư câu “Xa nhau tình cảm dạt dào/Nhờ anh bưu điện chuyển vào tận tay”. Anh bưu điện thời ấy rất có giá, vênh vang. Những nhà có con đi bộ đội “chiến đấu ở mặt trận phía nam” ngày ngày ngóng tiếng chuông xe đạp kính coong của “bác bưu điện”. Anh bèn điền thêm, nối dòng tình cảm nóng sốt kia “Thư này ông đếch chuyển ngay/Thử xem tình cảm chúng mày ra sao”. Lại có anh bưu điện nhận thư xong đem về tống hết vào gậm giường, đợi nhiều nhiều vài ba ký sẽ phát luôn một thể. Có trường hợp ở quê đánh điện báo cho người nhà sống tỉnh khác tin mẹ mất, khi đương sự nhận được điện tín giấy mấy chữ không dấu (kiểu vợ đẻ thành vỡ đê) về tới nhà thì đã 49 ngày bà cụ.
Có một thời, ngành bưu điện như mảnh đất vàng cho người nhà các quan chức. Kiếm được một suất bưu điện, dù chỉ nhân viên phát thư quèn, là đảm bảo “an cư lạc nghiệp”. Hồi thập niên 70, tôi nghe kể một vụ phải chạy cửa sau mất đứt chiếc xe Phượng Hoàng Trung Quốc mới cứng gần 600 đồng mới được làm ở bưu điện huyện (cần biết thêm, lương khởi điểm công nhân viên nhà nước hạng bình thường chỉ 35 đồng/tháng). Giờ thì chẳng ai gửi thư nữa, kể từ thời sinh ra cái máy fax. Bưu chính, tem, phong bì, chuyển thư… gần như chết hẳn. Trên đời, sự chi cũng vậy, tránh sao khỏi bãi bể nương dâu, thịnh suy, vang bóng một thời. Mà giả dụ giờ có đi chuyển phát thứ gì cũng chẳng cần thuộc đường, đã có Gu gồ map nó chỉ cho. (còn tiếp)
KỲ 2
Đang nói chuyện tên đường, đặt tên đường, lại nhẩn nha vòng ra mạn bưu điện bưu chính, kể cũng lẩn thẩn, nhưng khổ nỗi những thứ liên quan tới thư từ, phong bì, tem, gửi thư, chuyển thư, “đánh” điện… ở xứ này một thời cũng lắm cái hay. Thôi, để kể sau, giờ nhà cháu quay về chuyện đường sá.
Nhân tiện đây, nhà cháu nói luôn có sự khác trong ngôn ngữ. Tiếng Việt phân biệt khá rõ, đường sá, phố xá. Khi đi với đường thì dùng “sá”, với phố thì “xá”. Đường sá mở mang, phố xá đông vui. Từ “sá” trong tiếng Việt để chỉ một mạch đất thẳng được bới lên, chẳng hạn “sá cày”. Còn từ “xá” có lẽ được đọc từ chữ “xa” là xe, trên phố nhiều xe cộ đi lại nên ghép thành phố xá. Ấy, nhà cháu cứ tạm hiểu vậy, bác nào kiến văn cao rộng xin chỉ giáo rộng mở giùm.
Đường và phố ở đô thị cũng có chút khác biệt. Ngoài bắc thường dùng từ “phố”, trong nam lại hay dùng “đường” mặc dù chúng đều là lối đi nơi đô thị. Ở Hà Nội, phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Triệu Việt Vương, Trần Nhân Tông, Huế, Hàm Long… hầu hết là phố; thỉnh thoảng cũng có đường như Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh… Hình như ở thủ đô những đường nào vừa để đi lại, vừa nhà cửa san sát làm nơi sinh sống, buôn bán tấp nập, và tương đối ngắn, có từ xưa cũ thì gọi phố; còn đường mới, dài, ít nhà dân, ít buôn bán thì gọi đường. Sài Gòn lại khác, hồi năm 1977 tôi mới nhập cư đã nhận ra điều khác biệt, hầu hết là đường, dù ngắn, đông người, nhà cửa ken đặc, buôn bán tấp nập, hay dài, rộng, thưa thớt dân cư, đều đường tuốt. Đường Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt, Hai Bà Trưng, Hậu Giang, Phan Đình Phùng…, chả ai gọi phố Hàm Nghi, phố Lê Văn Duyệt bao giờ.
Việc đổi tên đường do “bên thắng cuộc” thực hiện sau 1975 rất buồn cười, sặc mùi chính trị, bất chấp những quy định cần phải tôn trọng. Họ bất cần văn hóa, lịch sử, tao thích thế thì tao cứ làm cứ đổi, làm gì nhau. Tệ tới mức, có những cái tên rất hay, đầy ý nghĩa, đã đi vào đời sống tinh thần bao thế hệ, như Công Lý, Tự Do, Cộng Hòa, Chi Lăng… cũng bị thù ghét, xóa bỏ, thay thế, "ghét đào đất đổ đi", "thương nhau thương cả đường đi/ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng", để rồi có câu vè lịch sử “Nam Kỳ Khởi Nghĩa thay Công Lý/Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do”, cực kỳ chua chát.
Rất đáng nói, dù chính quyền Sài Gòn theo thể chế cộng hòa, hoàn toàn phế bỏ phong kiến nhưng khi đặt tên đường vẫn rất tôn trọng lịch sử dân tộc, nhất là với những đấng bậc đã có công với nước, những nhân vật nổi tiếng được dân quý trọng biết ơn. Sài Gòn trước năm 1975 có những con đường mang tên Nguyễn Hoàng, Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái, Đồng Khánh, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại… bên cạnh những Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Trương Định…, nhân vật lịch sử tồn tại cùng nhau, không để thứ chính trị nhỏ nhen áp đặt chen vào hoạt động cần sự công bằng, khách quan này. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
KỲ 3
Trong bài kỳ 2, tôi có nhắc lại một thực tế khách quan mà hàng triệu người biết chứ không phải chuyện bịa, không phải nghe hơi bắc nồi chõ, là chính quyền Việt Nam Cộng hòa (người ta quen gọi chính quyền Sài Gòn) trước năm 1975 đã rất công bằng, tôn trọng lịch sử khi đặt tên đường.
Ông anh trai tôi sinh thời từng bảo, đâu chỉ tên đường, “nó” còn khá đàng hoàng, tử tế khi vẫn cho tồn tại, cho phép hương khói thờ tự mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, dù biết người nằm đó là ai. Rồi ở mấy tỉnh miệt Nam Bộ vẫn có nhà thờ cụ Hồ do dân tự lập năm 1969, dù có lúc binh lính thấy ngứa mắt, định phá, nhưng chả kiên quyết lắm, nên vẫn cứ còn.
Hồi thập niên 60 - 70 đám chúng tôi còn nghe kể ông luật sư Trịnh Đình Thảo có khu biệt thự cực rộng ở trung tâm Sài Gòn, ông ngang nhiên đặt tên một con đường trong dinh cơ của mình là đường Hồ Chí Minh, nhưng chính quyền cũng chỉ khó chịu chứ không làm gì.
Khi ông ra R (rừng) làm chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (thực chất do Việt Cộng lập ra), chính phủ cũng chỉ tuyên án tử hình khiếm diện và tuyên bố tịch thu tài sản nhưng thực ra cũng chả lấy gì, kể cả đường HCM bởi con cháu người nhà ông còn ở đó. Tội ai làm người nấy chịu.
Sau tôi được biết, khi ở R về, mặc dù giữ chức trọng làm to nhưng ông Thảo lại bị mất nhà vào tay chính quyền cách mạng. Đòi mãi đòi mãi, khiếu nại các kiểu, rồi mất luôn, chả biết sang thế giới bên kia có đòi tiếp không.
Ảnh: Sổ Điền Thổ căn nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của ông Trịnh Đình Thảo, sau 45 năm vẫn không đòi được. Hiện căn nhà này thuộc khu đất vàng, nằm trong tay một công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, xây chung cư cao tầng. Nguồn: SGGP
Nhắc chuyện chính quyền Việt Nam Cộng hòa không phân biệt đối xử trong đặt tên đường và nhiều việc khác, có nhẽ đừng quên cách họ cư xử với văn nghệ sĩ. Tác phẩm văn nghệ như tiểu thuyết, thơ ca, âm nhạc của nhà văn, văn nghệ sĩ cộng sản đang tòng sự chính quyền miền Bắc vẫn được xuất bản, in ấn, phát hành, thậm chí được dạy trong nhà trường. Bài hát của Lưu Hữu Phước vẫn được chọn làm quốc ca. Những thơ của Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm…, văn của Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… chả bị cấm đoán gì bởi đó là giá trị văn hóa, người viết ra nó không có tội.
Giữa năm 1977, tôi lần mò lên những “sạp lề” bán sách cũ ở đường Lê Lợi, Đặng Thị Nhu, thấy cơ man tác phẩm văn chương tiền chiến, nhưng ít tiền nên chỉ dám nhặt vài cuốn mình thật thích, như Vang bóng một thời, Điêu tàn, Thơ thơ, Thi nhân Việt Nam… (và cả Số đỏ, Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân nữa). Điều trớ trêu là, chính tác giả của mấy cuốn ấy, những ông kễnh văn nghệ ngoài Bắc trước 1975 lại bị chế độ mà họ phục vụ cấm in tác phẩm, “rút phép thông công”, cho rằng đó là thứ đồi trụy, hư hỏng, không giá trị.
KỲ 4
Ở xứ này, mỗi tỉnh thành (hiện có 63 tỉnh thành, còn sắp tới gộp tách thế nào thì tôi không rõ, chứ trong đời mình tôi đã chứng kiến nhiều vụ khắc nhập khắc xuất rồi) đều có hội đồng đặt tên đường. Ấy là tôi nói dưới chế độ đương thời. Đủ ban bệ, thành phần, cứ nghĩ con ruồi bay không lọt. Cũng giống như những hội đồng xét giải thưởng (Hồ Chí Minh và nhà nước), xét danh hiệu (nhân dân và ưu tú), phong học hàm (giáo sư và phó giáo sư), giám khảo tinh những ông nọ bà kia, còn kết quả thế nào chắc thiên hạ đã rõ. Lúc nào rảnh, tôi sẽ biên mấy chữ về vụ bình chọn sắp đặt này.
Nước ta, mỗi lần có biến cố lịch sử lại thêm lần đặt lại tên đường. Đổi tên đường đi lối lại còn đỡ, chứ có thời phá sạch sành sanh. Thế kỷ 16, nhà Mạc ngoài chính đô Thăng Long còn xây hẳn trên đất thang mộc huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) bây giờ một kinh đô nữa gọi là Dương Kinh, vua tôi quần tụ và làm việc ở đây. Khi nhà Mạc thua trận phải rút lên Cao Bằng, chúa Trịnh Tùng đã kéo quân về phá sạch bách mọi thành quách lâu đài trên cả vùng rộng lớn, đến cái móng cũng đào đem đổ ra sông Văn Úc. Hoàng thành Thăng Long thời Lý thời Trần nằm dưới mấy mét đất cũng là một ví dụ về sự tàn phá.
Mà chả riêng gì chúa Trịnh, sau năm 1954, cơ man đền đài miếu mạo, công trình dinh thự ở miền Bắc trong tay chính quyền mới cũng bị chung số phận, nhất là những di sản họ coi là tàn dư phong kiến. Trịnh phá Mạc thì sau này cộng sản lại phá Trịnh, rõ nhất là phủ Trịnh ở Vĩnh Lộc xứ Thanh, rồi cả Gia Miêu ngoại trang bên huyện Hà Trung nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn nữa. Khắp miền Bắc, đình đền chùa bị phá tan hoang. Có hẳn bài hát kêu gọi “phá đình đi, phá đình đi”. Làng tôi có 3 cái đình cả thảy, là đình Cả từ thời nhà Mạc, đình Phúc, đỉnh Con Dơi thời nhà Nguyễn (có cái do dòng họ lớn xây dựng riêng, không muốn chung với những họ khác), thờ vua và hoàng hậu nhà Mạc, thờ thành hoàng, bị xóa sổ cả ba.
Ông anh tôi bảo may mà ranh giới bắc - nam ở vị tuyến 17, chứ lùi vào tận đèo Hải Vân thì kinh thành Huế và những lăng mộ vua chúa, lâu đài, ngọ môn… có khi chỉ còn đống gạch vụn. Ai ở miền Bắc khi ấy chắc còn nhớ câu thơ của ông Chế Lan Viên “Rồng năm móng vua quan thành bụi đất/Mỗi câu thơ đều dội tiếng ta cười”, tiếng cười ha hả, hả hê, lạnh lẽo trước sự tàn phá.
Sự đổi tên đường ở xứ này thường đậm màu sắc chính trị. Bên thắng cuộc luôn áp đặt đường lối, quan điểm, thái độ của mình vào việc đặt tên đường, thông qua cái gọi là “Hội đồng đặt tên đường”. Cũng cần nhắc thêm, lịch sử và xã hội cần phải cảm ơn nhà báo Huy Đức (Trương Huy San, Osin) về cụm từ, thuật ngữ “bên thắng cuộc”. Một diễn đạt chung mà lại rất cụ thể. Tài. Cũng như cứ nói “vang bóng một thời” là người ta lại nghĩ ngay tới Nguyễn Tuân. Hành sự trên đời, để lại được một vài chữ cho thiên hạ dùng là điều cực khó, chỉ rất ít người làm được.
Gọi là “hội đồng” cho ra vẻ nghiêm túc, khoa học, chứ thực ra trong cái thể chế đảng lãnh đạo toàn diện, các thành viên hội đồng cũng chính là đảng chứ ai vào đây. Họ đặt tên là gì, tên lửa, kênh nước đen, bánh bơ đậu... dân cũng phải chịu. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
KỲ 5
Nhân chuyện đặt tên đường có nhẽ phải nhắc ngay tới cụ Trần Văn Lai, người đã để lại dấu ấn đặc biệt trong vụ đổi lại tên đường cho Hà Nội giữa năm 1945. Mà đã nêu tên cụ Lai thì lại nhớ ngay một nhân vật lẫy lừng khác, cụ Trần Trọng Kim.
Chính hôm nay 2.12, cách đây tròn 70 năm, cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim mất. Bữa trước, khi sang thăm Nhật Bản, ông trẻ Võ Văn Thưởng đã rủ rỉ lẫn cao giọng trước người Nhật rằng “nếu dùng một câu thật khái quát, ngắn gọn và cảm xúc về quan hệ hai nước chúng ta, tôi xin nói đó là “lương duyên trời định”. Ta cứ tạm hiểu lời ông trẻ, như có duyên tiền định. Chả biết đứa nào gợi ý hay mách bảo mà ra câu lập ngôn ấy, nhưng đúng thực bức tranh Việt - Nhật từng có những nét chạm khắc đáng kể. Chẳng hạn cụ Sào Nam Phan Bội Châu và bậc thân vương Kỳ ngoại hầu Cường Để đã từng có thời gian khá dài ở Nhật để học hỏi, mở mang đầu óc, tìm cách phục quốc. Và không thể nhắc, chính người Nhật thời còn nắm quyền ở Việt Nam đã chọn cụ Trần Trọng Kim làm thủ tướng chính phủ, cái chính quyền sau đó bị Việt minh cướp mất.
Trần Trọng Kim là người thế nào, rồi lịch sử còn tốn nhiều giấy mực, nhưng tài năng, danh tiếng, trước tác do cụ để lại thì chẳng ai (trừ cộng sản) có thể phủ nhận. Đất nước này phải lâu lắm mới đẻ được con người vạm vỡ như vậy. Chả hạn gần thế kỷ nay, có ai làm được cái việc một mình soạn ra bộ lịch sử Việt Nam đầy đủ chi li như bộ Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim. Tất nhiên bộ sử này chưa hẳn đã đúng cả, như phần biên về nhà Mạc còn sai lệch, lấn cấn, thiếu khách quan. Vậy nhưng sử quốc doanh sau khi cụ chết chỉ đáng xách dép cho ngọn núi tác giả và tác phẩm đồ sộ ấy. Nếu đặt tên đường một cách công tâm, chính xác, thì Trần Trọng Kim là cái tên xứng với những con đường hoành tráng nhất ở thủ đô hoặc các đô thị lớn, trong đó có thành phố Vinh xứ Nghệ quê ông.
Cụ đốc lý (thị trưởng, đô trưởng) Trần Văn Lai chỉ có hơn tháng đứng đầu bộ máy cầm quyền thủ đô nhưng đã kịp làm được điều tầm quốc gia: đổi tên những con đường, đưa chúng từ nỗi ám ảnh thực dân trở thành vinh dự dân tộc. Những cái tên Pháp gợi một thời thuộc địa đau thương bị xóa bỏ, thay bằng những sự kiện lịch sử, danh nhân vốn là niềm tự hào của đất nước này. Thay đổi, nhưng không để yếu tố chính trị xen vào. Một mình cụ Lai làm được và làm tốt cái điều sau này những hội đồng nhân dân, hội đồng đặt tên đường không làm được. Chỉ tiếc mỗn điều, khi thực thi sự đổi mới, cụ Lai lại hơi quá tay, cho phá bỏ nhiều bức tượng-công trình văn hóa, ví dụ tượng đài canh nông, tượng nữ thần tự do... Ông anh tôi bảo cũng đừng trách cụ Lai, bởi nếu cụ không phá thì đám tượng quý ấy cũng không thể nào sống sót sau năm 1954. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
KỲ 6
Cần phải coi đường, đường sá, phố xá, đường giao thông là tài sản chung của nhân dân, chứ không phải của riêng một tổ chức chính trị, đảng phái, đoàn thể nào. Nó cũng không phải của riêng nhà nước, chính quyền, bởi chính quyền chỉ thay mặt dân quản lý nó thôi. Vì vậy, đặt tên cho mỗi con đường, tiêu chuẩn tiên quyết phải là “dân”.
Từ lâu lắm rồi, ở xứ này, việc đặt tên đường bị chính trị chi phối. Lẽ dĩ nhiên đó không phải là sự áp đặt tuyệt đối nhưng gần gần như vậy. Phe nắm quyền, bên thắng cuộc, cụ thể là người cộng sản, cứ lấy những ai, những gì họ thích, họ đề cao, ca ngợi, có lợi cho họ để đặt tên đường. Mỗi con đường đều “làm nhiệm vụ chính trị”. Vì thế, dù tên cũ đã rất ổn rồi, ăn sâu bắt rễ vào đời sống rồi, được dân chúng tán đồng rồi, vẫn bị đổi thay. Những tên đường Điện Biên, Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, 3 Tháng 2, Ấp Bắc, Chiến Thắng B52, 29 Tháng 3, 30 Tháng 4, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng 8… ra đời từ nguyên tắc đặt ấy. Rồi danh nhân, trước hết cũng cứ xét lý lịch có phải cán bộ đảng viên, anh hùng, liệt sĩ, lãnh đạo của bộ máy từ trước tới nay thì đặt, chứ nếu “người ngoài” dù lừng lẫy, nổi tiếng bao nhiêu chăng nữa, dân chúng biết kỹ mấy chăng nữa, cũng bị lờ đi.
Chính vì thế, hầu hết những cái tên, nếu hỏi dân thì dân cũng chả biết, chẳng hạn Hồ Hảo Hớn, Trần Đình Xu, Nguyễn Thị Nhỏ, Hồ Thị Kỷ, Đoàn Văn Bơ, Huỳnh Văn Bánh, Kha Vạng Cân, Võ Văn Tần, Lý Chính Thắng... Đành rằng dân chúng không thể biết hết lai lịch mọi “danh nhân”, nhân vật lịch sử, nhưng ít ra người được đặt tên đường phải được số đông tỏ tường. Tôi dám cam đoan có những tên đường, nếu hỏi người tại chỗ rằng “danh nhân” đó là ai, phần lớn đều ú ớ tắc tị, bởi nào có biết.
Đổi tên đường, đặt tên đường theo cảm quan chính trị thường dẫn tới hành vi vô văn hóa, phi lịch sử, lúng túng, quẩn quanh. Do ghét phong kiến, căm thù nhà Nguyễn nên họ dẹp hết cả Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Nguyễn Hoàng, Ngô Tùng Châu, Võ Tánh, Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản… đã đi một nhẽ, dù đó là những nhân vật lịch sử, công lao thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi, sống trong lòng dân. Đằng này, những Trần Quốc Toản, Cường Để, Duy Tân, rồi Trần Quý Cáp, Yên Đổ, Phan Đình Phùng (tên người), Chi Lăng (tên đất)… tội tình gì mà phải thay bằng: 3 Tháng 2, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần, Lý Chính Thắng, Hai Bà Trưng, Phan Đăng Lưu… Không nói tới sự tốn kém, hành chính phiền hà, làm khổ dân, chỉ riêng chuyện vô văn hóa, ngu dốt lịch sử dân tộc, thiếu sự kính trọng tiền nhân có công đã rất đáng lên án rồi. Tôi chỉ nêu một ví dụ: Hà cớ gì mà phải xóa bỏ Trần Quý Cáp để thay bằng Võ Văn Tần?
Ngu dốt, chính trị thô thiển thì không thể bền. Đã xảy ra những loanh quanh đèn cù, phải trả lại hoặc phục hồi những tên đường có giá trị bền vững, ví dụ đường Lê Văn Duyệt, đường Thành Thái, Duy Tân, mà cũng chả thấy xin lỗi, rút kinh nghiệm gì. Bộ máy cai trị này là vậy, kinh tế tập trung quan liêu bao cấp là họ, đổi mới phá bỏ bao cấp cũng là họ, chả hề xin lỗi ai, thậm chí còn tự nhận có công. Họ đặt tên đường theo chủ quan của nhà cai trị chứ không theo ý dân. Đó là thói phán xét một chiều, thiên kiến, thù dai, thiếu văn hóa, bất cần lịch sử, bất cần dân, thậm chí độc tài, chỉ cho mình là đúng.
Đã tới lúc cần phải khách quan, văn hóa, khoa học, tôn trọng nhân dân trong chuyện đặt tên đường. Có những nhân vật lịch sử đã được đánh giá lại công bằng, vượt ngoài thiên kiến hủ lậu của quan điểm cách mạng vô sản, như Gia Long, Nguyễn Hoàng, Phan Thanh Giản… phải được tôn vinh bằng tên đường. Có những con người kiêm đủ tài đức, đóng góp rất nhiều cho đất nước, nhân dân, ghi dấu ấn không phai trong lịch sử nước nhà, như Trần Trọng Kim, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Hoàng Xuân Hãn, Trương Tửu, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh… phải có những con đường mang tên họ. Và ngay cả những danh nhân mà tên tuổi chỉ thoạt nhắc tới đã có đông đảo dân chúng hiểu biết tường tận như Bùi Giáng, Hữu Loan, Phùng Quán, Nguyễn Hiến Lê, cả Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Khái Hưng, Phạm Duy, Thích Tuệ Sỹ… hà cớ gì bộ máy cầm quyền này không chịu tôn vinh họ.
Tôi cho rằng ngay cả cái nguyên tắc máy móc người đã khuất cứ phải sau 10 năm mới được xét đặt tên đường là rất vớ vẩn, duy lý. Để đánh giá người nào đó tốt hay xấu, có công hay không có công, xứng đáng hay không xứng đáng, khi người ta còn sống đã tương đối rõ rồi, tới khi “cái quan định luận” thì cơ bản xong, không còn gì phải lăn tăn nữa. Chẳng hạn, hai ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, cứ hỏi dân Hà Tĩnh, Bến Tre, Quảng Bình xem có biết là ai không, có xứng đáng đặt tên đường không, thì rõ ngay. Cần chi phải 10 năm trôi. Tới giờ mà thành phố Hà Tĩnh, thành phố Bến Tre vẫn chưa có tên đường/phố Nguyễn văn Tý, thành phố Đồng Hới chưa có đường Hoàng Vân là khí muộn, vô tâm, vô tình.
Có những danh nhân gắn với vùng đất, địa phương nhất định bởi quê quán, nơi sinh sống nên đã có tên đường tại nơi ấy, là chuyện thường tình. Nhưng thủ đô Hà Nội thì không thể hà tiện thái độ văn hóa được, cần phải gương mẫu trong đặt tên đường. Chả hạn cụ Nguyễn Hữu Đang dù quê Thái Bình nhưng tên cụ xứng đáng đặt cho một đại lộ gần quảng trường Ba Đình. Sài Gòn cũng vậy, con đường nào nên thơ nhất hãy cho nó mang tên Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn. Dân chúng lại chả vỗ tay rầm rầm. Đó mới thực đường trong lòng dân.
Tôi nói thật, nếu các vị thấy khó quá, phức tạp quá thì nên bắt chước nhiều nước trên thế giới, chả cần tên tiếc, danh nhân danh nhiếc, địa danh địa diếc gì sất, cứ đặt đại tên theo số 1, 2, 3, 4, 40, 41, 51, 52… là xong. Khỏi ý kiến ý cò.
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét