Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

20231205. CẤM TREO TRANH GÒ ĐỒNG CỦA PHẠM X TRƯỜNG?

  ĐIỂM BÁO MẠNG

HỒNG VỆ BINH VĂN HÓA
TẠ DUY ANH/ FB/TD 3-12-2023


Trong bài cách đây mấy hôm, tôi nói trước rằng, dư âm triển lãm chân dung gò đồng của Phạm Xuân Trường sẽ còn kéo dài.
Hôm nay (và sẽ còn nhiều ngày sau) mạng xã hội tràn ngập thông tin về cuộc triển lãm, kèm theo những lời bày tỏ đủ các sắc thái tình cảm về hành động lạ lùng, rất phản văn hóa, của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Chắc chắn sự kiện này sẽ ghim vào lịch sử như một vết đen, gắn với Hà Nội, không dễ tẩy xóa.
Trước khi triển lãm khai mạc một ngày, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn "cẩn thận" cử đến hai nữ "hồng vệ binh", lăm lăm trong tay bản danh sách phê duyệt các chân dung được treo và không được treo. Họ lạnh lùng rà soát từng bức chân dung. Mất đúng một buổi chiều, cuối cùng họ cũng phát hiện chân dung nhà thơ Phùng Quán thuộc diện CẤM TREO nhưng vẫn ngang nhiên "ngự" trên tường. Gỡ xuống ngay và luôn, không nói nhiều!
Danh sách văn nghệ sĩ bị Sở Van hoá Hà Nội yêu cầu gỡ tên. Ảnh trên mạng
Dư luận đang đặt câu hỏi: Việc làm đầy tinh thần "hồng vệ binh" tàn sát văn hóa như đã xảy ra liệu có phải là quan điểm của lãnh đạo Hà Nội hay chỉ là sự kém cỏi, muốn thể hiện quyền lực của cấp dưới?
Với trường hợp thứ nhất thì không còn gì để nói, ngoài từ "thảm họa".
Nhưng, cho dù không đánh giá cao năng lực của lãnh đạo Hà Nội, tôi vẫn nghiêng về giả thiết thứ hai.
Trong trường hợp đó, nếu tôi là ông Đinh Tiến Dũng hoặc ông Trần Sỹ Thanh, tôi sẽ đích thân đến thăm triển lãm, nằn nì xin phép tác giả được tự tay treo những bức chân dung bị cấp dưới cấm (trừ bức chân dung tôi, vì nó đã nằm cố định ở trên tường nhà tôi từ lâu).
Đó sẽ là hành động văn hóa đẹp ở mức siêu thăng (từ của thầy Hoàng Ngọc Hiến), đủ sức biến một thảm họa văn hóa, thành một dấu ấn của đạo đức và khôn ngoan chính trị.
Lịch sử sẽ ghi nhớ các ông theo cách nào, hoàn toàn tùy ở các ông.

'TRANH TREO'
Phạm Xuân Nguyên/ FB/TD 4-12-2023
Tranh treo không phải tranh treo nhưng là tranh treo. Nghĩa là tranh treo không phải tranh được treo. Tranh treo nghĩa là tranh không được treo. Tức thị là tranh treo.
Như là án treo.
Cuộc triển lãm tranh gò đồng chân dung văn nghệ sĩ của nhà thơ - nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) khai mạc chiều 2/12/2023 đã bị “tranh treo” như vậy.
Ông mang từ Hải Phòng lên 184 bức xin phép bày triển lãm. Nhưng Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội xét duyệt đã chỉ cấp phép cho treo 154 bức, còn 30 bức là “tranh treo”. Trong đó có người được Giải thưởng Hồ Chí Minh (Trần Đức Thảo), Giải thưởng Nhà nước (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Duy); có những người nổi tiếng như Phan Khôi (đã được tỉnh Quảng Nam đặt tên đường tại tỉnh lị Tam Kỳ), Trương Tửu (Hội Nhà văn Việt Nam vừa kỷ niệm 110 năm sinh), Dương Tường, Nguyên Ngọc, Vũ Thư Hiên, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập… Nhìn vào đây thì thấy Nhà nước đã thua Hà Nội, Hà Nội đã thua một Sở của mình. Và người dân Thủ đô thấy mình bị xúc phạm tư cách Thủ đô.
Dư luận bức xúc muốn biết nguyên nhân 30 bức “tranh treo” này. Lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội đã căn cứ vào đâu để loại chúng khỏi cuộc bày tranh của tác giả Phạm Xuân Trường? Họ đã cấm bằng văn bản chứ không phải nói miệng, đó là việc đúng quy định. Nhưng họ đã lấy quy định nào để cấm 30 tác phẩm không được treo? Nếu lãnh đạo Sở không trả lời được thì lãnh đạo Hà Nội phải có trách nhiệm giải đáp câu hỏi này cho tác giả triển lãm và 30 nhân vật trong tác phẩm.
Tôi cho là họ không có căn cứ nào cả mà chỉ là NGU DỐT và CẬY QUYỀN, căn cứ vào sự việc nực cười xảy ra ngay tại lúc khai mạc triển lãm. Trong danh sách “không cấp phép” treo tác phẩm có bức Phùng Quán. Nhưng tại phòng tranh đúng lúc khai mạc vẫn có bức đó. Thì ra ban tổ chức không biết Phùng Quán là ai nên đã đưa nhầm bức Phùng Quán treo vào chỗ một bức được treo. Khi thấy các văn nghệ sĩ xôn xao thì họ mới phát hiện treo nhầm nên đã vội tháo ngay đem cất. Và trám vào khoảng trống ấy một bức khác. Vậy đấy.
Cũng xin nhắc: Triển lãm chân dung gò đồng văn nghệ sĩ của Phạm Xuân Trường đã được ông bày lần đầu năm 2018 tại Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (1918 - 1982). Khi đó chỉ có 8 bức “tranh treo”, tức là Sở VH-TT Hải Phòng chỉ loại 8 bức trong số 108 bức xin phép.
Năm năm sau cuộc ở Hải Phòng, một năm sau cuộc hô hào chấn hưng văn hoá toàn quốc, ngay giữa Thủ đô, nhà thơ - nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường bị cú “tranh treo” vào 30 tác phẩm gò đồng của mình! Anh đã rất đau vì điều này. Càng đau hơn khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt BCHTƯ ký ban hành nghị quyết số 45 của Hội nghị Trung ương 8 về phát triển đội ngũ trí thức cả số lượng và chất lượng.
Cá nhân tôi trong cả hai cuộc bày tranh của người anh văn chương đồng Phạm đồng Xuân đều nằm trong danh sách “tranh treo”. Tôi thương anh Phạm Xuân Trường và tôi là một công dân, một người làm nghề văn, nên tôi có yêu cầu muốn biết tại sao bức gò đồng Phạm Xuân Nguyên cùng 29 bức khác đã bị “tranh treo”. Chúng tôi không có tội gì cả. Chúng tôi là những con người tự do ở một đất nước luôn hô hào độc lập tự do.
Không ai muốn tai nạn để được nổi tiếng. Nhưng chúng tôi cần được biết ai và vì lý do gì đã khiến chúng tôi bị "tai nạn" thành ra "nổi tiếng" một cách bất đắc dĩ thế này.
P/S. Tin mới nhất (12h, 3/12/2023): Một nhà báo nhắn cho tôi là Sở nó đùn đẩy không trả lời.

ĐÁNG XẤU HỔ
Lưu Trọng Văn/ FB/ TD 4-12-2023
Quyết định của Sở VHTT Hà Nội cấm treo 31 bức tranh đồng chân dung các văn nghệ sỹ trong một cuộc triển lãm bị cộng đồng mạng lên án dữ dội.
Vì sao xảy ra sự việc lẽ ra không được phép xảy ra tại ngay thủ đô - Trung tâm Văn hoá của cả nước như vậy?
Nếu trong ban giám đốc Sở VHTT Hà Nội có người có tầm văn hoá - đồng nghĩa có tầm hiểu biết văn học và sự tiến bộ chính trị xã hội thì sự việc cấm trên khó xảy ra.
Sở VHTT Hà Nội lẽ ra phải có dàn lãnh đạo có tầm văn hoá khá nhất trong 63 sở VHTT cả nước mà còn như vậy, thì có nên đặt lại vấn đề về việc cơ cấu, chọn lựa nhân sự lãnh đạo ngành văn hoá - ngành mà cụ Hồ coi trọng hàng đầu, bao năm qua và hiện nay ra sao?
Chấn hưng văn hoá không bằng tiền chứ đừng nói đến 350.000 tỷ đồng, mà cần tầm nhìn tổ chức nhân sự tuyển chọn con người lãnh đạo văn hoá và thiết lập đường lối văn hoá.
Hãy tổng rà soát toàn bộ lãnh đạo bộ, thứ trưởng văn hoá và giám đốc, phó giám đốc 63 sở văn hoá cả nước xem họ xuất thân thế nào, tầm văn hoá cơ bản về thế giới và quốc gia ra sao, trình độ hiểu biết và cảm nhận văn hoá ra sao, chúng ta sẽ biết chấn hưng văn hoá bắt đầu từ đâu và nên thực hiện ngay như thế nào.
Đó là chưa kể nhiều nước văn minh, tiêu chuẩn của một chính khách, một lãnh đạo quốc gia, một thị trưởng thủ đô hoặc đô thị lớn trước hết phải là nhà văn hoá lớn.
Trở lại sự kiện nóng 31 bức chân dung bị lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cấm treo, thể hiện trình độ hiểu biết, đọc, cảm nhận giá trị tác phẩm văn học và thời cuộc chính trị của họ quá non nớt.
Tiêu chuẩn để một văn nghệ sĩ được tôn trọng, tôn vinh hay không, không phải ở những giải thưởng của họ, họ thuộc thành phần được đảng cầm quyền ca ngợi tin dùng hay không, mà ở tác phẩm họ đóng góp cho nền văn học nước nhà có giá trị nhân văn, có tinh thần dân tộc, yêu nước, có giá trị nghệ thuật, có giá trị ngôn ngữ, có giá trị chân thực và nâng cao thẩm mỹ hay không?
Với các thước đo ấy thì các nhà văn Phan Khôi, Trương Tửu, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Nguyên Ngọc, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Dương Tường, Tạ Duy Anh, Hoàng Quốc Hải… đã cống hiến tài năng của họ cho những giá trị được nhân dân bao năm qua đón nhận, trân quý.
Rõ ràng sự việc lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội can thiệp thô bạo và không trên nền tảng pháp luật khi ra lệnh cấm treo 31 bức chân dung Văn nghệ sĩ trên là một sự việc khó chấp nhận. Sự phản ứng dữ dội của công chúng yêu văn học nước nhà là tất yếu và cũng là sự trưởng thành về ứng xử văn hoá của công chúng.
Trước sự việc này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cảm thấy: Nỗi buồn và sự thất vọng. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phải phẫn nộ thốt lên: Dở hơi và đáng xấu hổ!

NHÂN VĂN GIAI PHẨM BIS
NGUYỄN THÔNG/FB 3-12-2023
KỲ 1
Hai hôm nay, dư luận xã hội, nhất là giới văn nghệ sĩ, văn hóa văn nghệ, dậy sóng vụ Phạm Xuân Trường Phạm Xuân Trường và “án treo”. Xã hội nóng vậy nhưng tịnh không thấy một tờ báo mậu dịch quốc doanh nào hó hé nửa lời. Chắc còn chờ chỉ đạo. Làm thân phận “chim trong lồng” (tôi viết rõ là lồng) nó khổ thế đấy. Đó là thực chất của tự do báo chí ở xứ này.
Phạm Xuân Trường là ai? Bác ấy - nhà điêu khắc, nhà văn nhà thơ, cũng thuộc hàng danh sĩ ở đất Hải Phòng. Nhắc tới đất Phòng thời hiện đại đừng quên những Bùi Ngọc Tấn, Đào Trọng Khánh, Thi Hoàng, Nguyễn Thụy Kha…, dĩ nhiên có cả Phạm Xuân Trường. Tôi chỉ vinh dự là đồng hương bác Trường chứ chưa được gặp, trò chuyện bao giờ, còn các “cụ” kia thì mình từng hầu chuyện.
Là người ngoại đạo điêu khắc-hội họa, tôi không dám bàn sâu về tác phẩm của bác Trường, nhưng rất nể phục. Trên đời có những họa sĩ, chỉ vẽ bằng bút bằng cọ vào giấy vào vải cái chân dung-mặt người cho giống cũng không vẽ được, đằng này bác Trường hị hụi gò mặt người ta lên mảnh kim loại đồng mà cứ như chụp lại bằng búa bằng đe, toát ra cả thần thái “đương sự” thì quá tài. Hình như trong giới làm nghệ chưa ai đạt được điều này. Tôi cũng chơi với họa sĩ Đỗ Đức, một bậc thầy về tranh khắc gỗ. Lão này chỉ cần vài ba nét quệt là thiên hạ nhận ra ngay khắc họa về ai. Coi cứ phục lăn.
Có người trên phây búc chê cái triển lãm chân dung đồng (đồng mà trị giá hơn cả vàng) ấy của bác Trường hơi tạp nham, rằng ai lại lôi cả những vô danh tiểu tốt lên ngự cùng đấng bậc. Nghĩ thế cũng chưa đúng. Đây là nghệ thuật, là sáng tạo, gửi hồn mình vào tác phẩm, chứ không phải buổi duyệt đội ngũ người nổi tiếng. Bác í có thể gò đồng chân dung bà cụ hàng xóm, người chạy xe ôm, hoặc đứa cháu… cũng được cơ mà. Xưa cụ Trần Văn Cẩn chả từng lừng lẫy với bức tranh “Em Thúy” vẽ đứa cháu vô danh tiểu tốt đó sao. (còn tiếp, giờ hơi bận, để chiều biên nội dung chính)
KỲ 2
Biên ngắn gọn vụ việc thế này, theo chính lời kể của “đương sự” nạn nhân Phạm Xuân Trường Phạm Xuân Trường: Bác ấy tổ chức buổi triển lãm tác phẩm của mấy chục năm sáng tạo, những bức gò đồng thể hiện chân dung/gương mặt “người nổi tiếng và bạn bè” tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Bác Trường, theo đúng quy định đã gửi danh sách 185 tác phẩm cho Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội duyệt. Sở duyệt, gạt bỏ 31 tác phẩm, tức là chân dung của 29 người (bởi có 2 tác phẩm thể hiện nhiều người), cấm, không cho treo. Gọi vụ này là “án treo” bởi vậy.
Không hiểu ông bà sở nào, hiểu biết đến đâu, tầm văn hóa cỡ mấy, quyền hành mức gì, do ngu dốt hay do nhìn đâu cũng thấy nhạy cảm, thấy sự nguy hiểm, hay được ai/cấp nào chỉ đạo mà quyết diệt xóa cả những đấng bậc, những danh nhân đã có công lao to lớn với đất nước, nhân dân; với cả những người nổi tiếng được xã hội, cộng đồng ghi nhận.
Nếu những người bị “án treo” ấy là phản động, xấu xa, bị dân phỉ nhổ, căm ghét thì chả nói làm gì, đằng này họ là nhân vật lịch sử lẫy lừng, nhiều người được chính nhà nước phong tặng tuyên dương giải này giải nọ. Tôi cho rằng đám cán bộ sở quyền hành này không thể không biết những Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Trần Dần, Trương Tửu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy… Chúng biết cả đấy. Nếu thực sự không biết thì đó là nỗi nhục, là vết nhơ trong việc dùng người ở xứ này.
Chúng chả dám tự ý đâu. Phải do những kẻ trên chúng, quyền hành hơn chúng. Những kẻ luôn bị ám ảnh bởi “vụ án” Nhân văn giai phẩm dù chuyện đáng xấu hổ do họ gây ra đã qua gần 7 chục năm. Họ muốn thực hiện những vụ Nhân văn mới bởi họ luôn cảnh giác với thế lực thù địch, trong họ chỉ có con robot lập trình sẵn hoạt động, nhìn ai cũng xấu, nhìn cái gì cũng tệ hại, nguy hiểm cho sự cai trị của họ. Cứ thử đọc một dòng "Không cấp phép tác phẩm: Chân dung Trần Đức Thảo", thấy đám này thật ti tiện. Là quản lý trại hòm chứ không phải quản lý văn hóa.
Vụ cấm tranh đồng của nhà điêu khắc tài hoa và nhân văn Phạm Xuân Trường phải nói thẳng là vụ Nhân văn giai phẩm bis, vụ đấu tố, hủy diệt văn nghệ mới. Nó là sự kết hợp của chính trị thô bạo với sự quản lý ngu dốt và thói nhỏ nhen, tiểu nhân tầm thường. Nó là sự xuống dốc thê thảm của văn hóa trong tay bọn hồng vệ binh thối nát. Phải vạch mặt, chỉ ra đích danh thủ phạm chứ không thể xuê xoa mãi được. (còn tiếp)
KỲ 3
Những tác phẩm gò đồng mà nhà thơ-người thợ tài hoa Phạm Xuân Trường Phạm Xuân Trường đề nghị nhà chức việc xét duyệt là tác phẩm nghệ thuật chứ không phải thứ chính trị thô thiển để rồi muốn cấm thì cấm. Mà ngay cả dưới góc độ chính trị-xã hội, sự cấm ấy cũng rất đáng lên án. Trong bản danh sách đã được sở duyệt, rất nhiều chân dung bị cấm treo lại là những tên tuổi lẫy lừng đã làm vẻ vang cho đất nước, dân tộc, nhân dân, người Việt, văn hóa Việt. Đám quan chức sở Văn hóa thủ đô và cả những quan thầy họ đã làm chính trị một cách rất phi chính trị.
Qua vụ “án treo” này, đã đến lúc nhà cầm quyền bỏ ngay cái thói “để lâu cứt trâu hóa bùn”, lờ đi rồi cũng xong, đâu sẽ vào đấy. Phải làm rõ ngô khoai, phạt những kẻ cố tình làm sai. Cần sự giải thích rõ ràng của người, của cấp có trách nhiệm: Sở làm thế là đúng hay sai? Nếu đúng, vì sao đúng? Nếu sai, tại sao sai? Ai là người chịu trách nhiệm chính, cán bộ sở, giám đốc sở, hay còn cao hơn nữa, ban tuyên giáo trung ương chẳng hạn? Ban tuyên giáo Thành ủy HN, Ban tuyên giáo trung ương có chỉ đạo, cho ý kiến để thông qua danh sách cấm ấy không? Dư luận cho rằng, với “án treo” nhạy cảm như vậy, thách kẹo đám sở kia cũng chả dám tự ý làm. Phải truy tận gốc, tìm ra kẻ đang trốn trong đống rơm.
Cho tới nay, đã 4 ngày kể từ khi vỡ lở vụ việc tai tiếng, vẫn chưa thấy bất kỳ ông bà nào có trách nhiệm kể cả ở Hà Nội và trung ương lên tiếng. Lại càng lạ hơn nữa, ngay mấy cái hội có liên quan như Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN, Hội Mỹ thuật VN, Hội Nghệ sĩ tạo hình VN cũng cấm hó hé lấy nửa nhời. Đồng tình với cách xử sự của sở văn hóa, hay là bảo vệ người làm nghệ thuật, ít ra cũng phải cho thiên hạ biết, chứ đâu như phỗng sành cả thế. Đáng ghi nhận đã có tiếng nói thể hiện thái độ rõ ràng của ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn VN, dù với tư cách cá nhân nhưng cũng có thể coi đó là quan điểm của hội, bởi ông là chủ tịch.
Không thể cứ như mọi lần, quanh quéo đổ cho thế lực thù địch, cho thằng đánh máy, hoặc phân trần chúng tôi đâu có ý vậy, do hiểu chưa đúng, so sơ sót nhất thời… Xin thưa, lần này giấy trắng mực đen, mực rất đen, văn bản công khai sinh ra từ bạo quyền, chả thể chối được.
Ở xứ ta, đảng (chỉ có một đảng chứ làm gì còn đảng nào) luôn tự nhận quyền lãnh đạo toàn diện, mọi mặt. Vậy đảng phải có trách nhiệm về vụ “án treo”. Giả dụ cấp dưới nó không báo cáo, nó giấu, nó làm sai mà mình không biết đã đi một nhẽ. Khi việc ùm xùm, biết rồi, nắm rồi nhưng cứ lờ đi, im lặng, không có ý kiến gì thì khó chấp nhận. Nếu ông bí thư thành ủy Đinh Tiến Dũng hoặc trưởng ban tuyên giáo thành ủy không đứng ra giải quyết thì trách nhiệm thuộc về trung ương, thậm chí tổng bí thư. Đây đâu chỉ là “chuyện ngày thường ở huyện” nhỏ nhặt, lấn cấn, không đáng kể của một cuộc triển lãm, của lĩnh vực văn nghệ, mà thể hiện quan điểm chính thống của lực lượng cầm quyền đối với nhân vật lịch sử, người có công với dân với nước, người mà chính chế độ này đã tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước…
Không dám xử lý, không dám cách chức kẻ làm sai, thì chính thể chế này đã tự cách chức mình, dù luôn nói hay nói tốt về mình.
Vùi dập thù dai cả công thần hãn mã, phân biệt đối xử tệ hại với những đấng bậc như Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyên Ngọc… thì chẳng thể mong bên thắng cuộc thực tâm hòa giải hòa hợp với ai trước kia là đối phương, cựu thù, bên thua cuộc.
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét