Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

20190702. BÌNH LUẬN VỀ SỰ KIỆN KÝ HIỆP ĐỊNH EVFTA

ĐIỂM BÁO MẠNG
EVFTA VÀ 9 NĂM TRƯỜNG KỲ

TƯ HOÀNG/ TVN 29-6-2019
Đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán từ tháng 10 năm 2010.
EVFTA và EVIPA dự kiến đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tiến trình phát triển chung của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai hiệp định này giúp nước ta có những bước chủ động đi đầu trong các cơ chế hợp tác kinh tế và diễn đàn khu vực: Từ một nước đi sau, lần đầu tiên ta đã vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế: ta là nước đồng chủ tịch cùng Nhật Bản để hình thành Hiệp định CPTPP, là nước thứ hai trong ASEAN kết thúc đàm phán Hiệp định FTA với EU v.v...
EVFTA đem lại cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, góp phần đa dạng hóa thị trường để giảm bớt các biện động của nền kinh tế thế giới đến phát triển kinh tế đất nước.
Hiệp định sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế theo định hướng kinh tế thị trường. Ví dụ nếu thực hiện các cam kết trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ (như đấu thầu công khai, minh bạch hóa ...) cũng giúp cải thiện hiệu quả đầu tư công hay các cam kết trong nhiều lĩnh vực của Hiệp định sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư.
Ở góc độ quan hệ quốc tế, EVFTA dự kiến cũng có thể giúp tạo cân bằng chiến lược trong bối cảnh các tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa một số nền kinh tế lớn trên thế giới.

EVFTA và 9 năm ‘trường kỳ’
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani.

CÁC NÉT CHÍNH CỦA EVFTA


Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
NHỮNG CAM KẾT QUAN TRỌNG
- EVFTA
Với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý-thể chế, Hiệp định EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
Thương mại hàng hóa
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Các nội dung khác liên quan tới thương mại hàng hóa: Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS, TBT, phòng vệ thương mại, v.v, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Thương mại dịch vụ và đầu tư
Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.
Mua sắm của Chính phủ
Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu, v.v, Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.
Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước.
Sở hữu trí tuệ
Cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý, v.v. Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Về chỉ dẫn địa lý, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
Các nội dung khác của Hiệp định EVFTA
Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các Chương liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai bên.
- EVIPA
Hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn, v.v...
Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một Bên và nhà đầu tư của Bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông quan tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này.
Ngày 25 tháng 6 năm 2019, Hội đồng châu Âu đã thông qua nội dung của Hiệp định EVFTA và IPA, mở đường cho việc ký kết các Hiệp định. Theo đó, dự kiến hai bên sẽ ký kết đồng thời cả hai Hiệp định này vào ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội.
Tư Hoàng 
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TỪ EVFTA

VŨ MINH / TVN 30-6-2019

Tuần Việt Nam xin giới thiệu một số nét chính từ tổng kết của VCCI nhân lễ ký kết hiệp định quan trọng này chiều nay 30-6 tại Hà Nội.
1. Cơ hội
- Về xuất khẩu, mặc dù hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam (đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá) còn hạn chế. Vì vậy, nếu được xóa bỏ tới trên 99% thuế quan theo EVFTA, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa khi nhập khẩu vào khu vực thị trường quan trọng này. Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà hiện EU vẫn đang duy trì thuế quan cao như dệt may, giày dép và hàng nông sản.
- Về nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
- Về Đầu tư: Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn.
- Về Môi trường kinh doanh: Với việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật Việt Nam sẽ có những thay đổi, cải thiện theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
2. Thách thức:
Với EVFTA, cơ hội mở ra rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít thách thức bởi:
- Các yêu cầu về quy tắc xuất xứ có thể khó đáp ứng: Thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.
- Các rào cản TBT (hàng rào kỹ thuật thương mại), SPS (Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật) và yêu cầu của khách hàng: EU là một thị trường khó tính. Khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường...của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này.
- Nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại: Thông thường khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nữa, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Và EU cũng là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ này.
- Sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU: Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA. Tuy nhiên, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
EU là một liên minh gồm 28 quốc gia ở khu vực châu Âu và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có FTA nào với các quốc gia trong khu vực này. - EU đã từng khởi động đàm phán FTA với khu vực ASEAN từ năm 2007, tuy nhiên đến năm 2009 đàm phán đã bị dừng lại. Về quan hệ song phương với từng quốc gia ASEAN, hiện EU đã ký kết FTA và IPA với Singapore, chuẩn bị ký kết FTA và IPA với Việt Nam, và đang đàm phán FTA với Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia. - Năm 2018, EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.
(Còn nữa)
Vũ Minh

EVFTA- NHỮNG CAM KẾT CẢI CÁCH MẠNH MẼ

VŨ MINH / tvn 30-6-2019

1 Thương mại hàng hóa
1.1.Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của EU
- EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU;
- Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm: 1 số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

EVFTA – những cam kết cải cách mạnh mẽ
Hai hiệp định với EU mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đặc biệt

1.2. Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam
- Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực cho hàng hóa của EU thuộc 48,5% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam;
- Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ 91,8% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam;
- Trong vòng 10 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ khoảng 98,3% số dòng thuế trong biểu thuế, chiếm 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam.
- Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam cam kết dành hạn ngạch thuế quan như cam kết WTO, hoặc áp dụng lộ trình xóa bỏ đặc biệt (như thuốc lá, xăng dầu, bia, linh kiện ô tô, xe máy).
1.3. Cam kết về thuế xuất khẩu: Việt Nam và EU cam kết không áp dụng bất kỳ loại thuế, phí xuất khẩu nào trừ các trường hợp được bảo lưu rõ (theo kết quả cam kết thì chỉ có Việt Nam có bảo lưu về vấn đề này, EU không có bảo lưu nào). Theo nguyên tắc này, trừ các trường hợp có bảo lưu (của Việt Nam), Việt Nam và EU sẽ không áp dụng loại thuế, phí nào riêng đối với hàng xuất khẩu mà không áp dụng cho hàng tiêu thụ nội địa, không áp dụng mức thuế, phí đối với hàng xuất khẩu cao hơn mức áp dụng cho hàng tiêu thụ nội địa. Bảo lưu của Việt Nam về các thuế xuất khẩu được nêu trong Phụ lục 2d Chương 2 EVFTA, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU với các nội dung chủ yếu như sau:
- Việt Nam duy trì đánh thuế xuất khẩu đối với 57 dòng thuế, gồm các sản phẩm như cát, đá phiến, đá granit, một số loại quặng và tinh quặng, dầu thô, than đá, than cốc, vàng,... Trong số này, các dòng thuế hiện nay đang có mức thuế xuất khẩu cao sẽ được đưa về mức 20% trong thời gian tối đa là 5 năm (riêng quặng măng-gan sẽ được giảm về 10%); các sản phẩm còn lại duy trì mức thuế xuất khẩu hiện hành;
- Với toàn bộ các sản phẩm khác, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 15 năm.
1.4. Cam kết về hàng rào phi thuế
- Rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT):
+ Hai Bên thỏa thuận tăng cường thực hiện các quy tắc của Hiệp định về các Rào cản kỹ thuật đối với thương mại của WTO (Hiệp định TBT), trong đó Việt Nam cam kết tăng cường sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong ban hành các quy định về TBT của mình.
+ Hiệp định có 01 Phụ lục riêng quy định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô, trong đó Việt Nam cam kết công nhận toàn bộ chứng nhận phù hợp về kỹ thuật đối với ô tô của EU theo các nguyên tắc của Hiệp định UNECE 1958 (hệ thống tiêu chuẩn Liên Hợp Quốc) sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực;
+ Việt Nam cam kết chấp nhận nhãn “Sản xuất tại EU” (Made in EU) cho các sản phẩm phi nông sản (trừ dược phẩm) đồng thời vẫn chấp nhận nhãn xuất xứ cụ thể ở một nước EU.
- Các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS): Việt Nam và EU đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc về SPS nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật. Đặc biệt, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với Việt Nam, chủ thể quản lý phía EU là cơ quan có thẩm quyền của từng nước thành viên EU cụ thể (nơi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam) chứ không phải là cơ quan chung cấp liên minh của EU. Ủy ban châu Âu chỉ chịu trách nhiệm về phối hợp chung, kiểm tra/thanh tra hệ thống kiểm soát và hệ thống pháp luật liên quan của các nước thành viên nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong toàn thị trường EU.
- Các biện pháp phi thuế quan khác Hiệp định cũng bao gồm các cam kết theo hướng giảm bớt hàng rào thuế quan khác (ví dụ về cam kết về cấp phép xuất khẩu/nhập khẩu, thủ tục hải quan…) nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai Bên.
1.5. Phụ lục về dược phẩm
Hiệp định có một Phụ lục riêng về dược phẩm (sản phẩm xuất khẩu quan trọng của EU, chiếm 9% tổng nhập khẩu từ EU và Việt Nam) trong đó:
- Hai Bên cam kết về một số biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại dược phẩm giữa EU và Việt Nam;
- Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được nhập khẩu dược phẩm nhưng không được tham gia bán buôn hay bán lẻ dược phẩm, và chỉ được bán lại cho doanh nghiệp được cấp phép quyền phân phối (bán buôn) dược phẩm ở Việt Nam;
- Việt Nam có các cam kết về việc cho phép nhà thầu EU tham gia các gói thầu dược phẩm, với một số bảo lưu riêng.
2. Thương mại dịch vụ và đầu tư
Cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA về thương mại dịch vụ đầu tư hướng tới việc tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên, trong đó:
- Cam kết của EU cho Việt Nam: Cao hơn cam kết của EU trong WTO và tương đương với mức cao nhất của EU trong các FTA gần đây của EU.
- Cam kết của Việt Nam cho EU: Cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO và ít nhất là ngang bằng với mức mở cửa cao nhất mà Việt Nam cho các đối tác khác trong các đàm phán FTA hiện tại của Việt Nam (bao gồm cả CPTPP);
3. Mua sắm của Chính phủ
- Hiệp định EVFTA bao gồm các nguyên tắc về mua sắm của Chính phủ (đấu thầu công) tương đương với quy định của Hiệp định mua sắm của Chính phủ của WTO (GPA).
- Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu…: Việt Nam sẽ thực hiện theo lộ trình; EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này. - Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước.


EVFTA – những cam kết cải cách mạnh mẽ
Một số cam kết trong mua sắm công
4. Sở hữu trí tuệ
- Phần sở hữu trí tuệ trong EVFTA gồm các cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý... với mức bảo hộ cao hơn so với WTO; tuy nhiên các mức này về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam.
- Về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam cam kết bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm. Đây là điều kiện để một số chủng loại nông sản nổi bật của Việt Nam tiếp cận và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
- Về dược phẩm, Việt Nam cam kết tăng cường bảo hộ độc quyền dữ liệu cho các sản phẩm dược phẩm của EU, và nếu cơ quan có thẩm quyền chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm thì thời hạn bảo hộ sáng chế có thể được kéo dài thêm nhưng không quá 2 năm.
5. Doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp
- Về doanh nghiệp nhà nước (DNNN):
Hai Bên thống nhất về các nguyên tắc đối với các DNNN; các nguyên tắc này, cùng với các nguyên tắc về trợ cấp, hướng tới việc bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DNNN và doanh nghiệp dân doanh khi các DNNN tham gia vào các hoạt động thương mại.
- Đối với các khoản trợ cấp trong nước: Sẽ có các quy tắc về minh bạch và có thủ tục tham vấn.
6. Thương mại và Phát triển bền vững
EVFTA bao gồm một chương khá toàn diện về thương mại và phát triển bền vững, bao gồm một số nội dung quan trọng như:
- Cam kết thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), các Công ước của ILO (không chỉ các Công ước cơ bản), các Hiệp định Đa phương về Môi trường mà mỗi Bên đã ký kết/gia nhập;
- Cam kết gia nhập/ký kết các Công ước cơ bản của ILO mà mỗi Bên chưa tham gia;
- Cam kết sẽ không vì mục tiêu thu hút thương mại và đầu tư mà giảm bớt các yêu cầu hoặc phương hại tới việc thực thi hiệu quả các luật về môi trường và lao động trong nước;
- Thúc đẩy Trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp, có dẫn chiếu tới các thông lệ quốc tế về vấn đề này;
- Một điều khoản về biến đổi khí hậu và các cam kết bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học (bao gồm động thực vật hoang dã), rừng (bao gồm khai thác gỗ bất hợp pháp), và đánh bắt cá.
- Các cơ chế tăng cường sự tham gia của xã hội dân sự vào việc thực thi Chương này, cả từ góc độ nội địa (tham vấn các nhóm tư vấn nội địa) và song phương (các diễn đàn song phương);
- Các điều khoản tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình.
7. Cơ chế giải quyết tranh chấp
- EVFTA thiết lập một cơ chế giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh giữa Việt Nam và EU trong việc diễn giải và thực thi các cam kết của Hiệp định;
+ Cơ chế này áp dụng đối với hầu hết các Chương của Hiệp định và được đánh giá trong một số mặt là nhanh và hiệu quả hơn cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO;
+ Cơ chế này được thiết kế với tính chất là phương thức giải quyết tranh chấp cuối cùng, khi các bên không giải quyết được tranh chấp bằng các hình thức khác;
+ Cơ chế này bao gồm các quy trình và thời hạn cố định để giải quyết tranh chấp, theo đó hai Bên trước tiên phải tham vấn, nếu tham vấn không đạt được kết quả thì một trong hai Bên có thể yêu cầu thiết lập một Ban hội thẩm bao gồm các chuyên gia pháp lý độc lập;
- EVFTA cũng dự liệu một cơ chế khác mềm dẻo hơn: cơ chế trung gian, để xử lý các vấn đề liên quan tới các biện pháp có ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và thương mại song phương.
(Nguồn VCCI)
Vũ Minh

CHỐT CHẶN CUỐI CÙNG MỞ RA EVFTA

TƯ GIANG / TVN 1-7-2019

Những tràng pháo tay rền vang, những nụ cười tươi và những cái bắt tay nồng nhiệt trong khán phòng của lễ ký hai hiệp định EVFTA và EVFTA khép lại 9 năm đàm phán dài đằng đẵng.
“Hai Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa hai bên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá. Ông đã bay từ Nhật Bản về Hà Nội chỉ để chứng kiến lễ ký quan trọng này và rồi lại bay sang Tokyo dự G20. Gần như tất cả các thành viên chính phủ đều có mặt.
Bầu không khí hân hoan đó thể hiện tinh thần lạc quan trong bối cảnh “chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn”, như lời Thủ tướng nói.

Chốt chặn cuối cùng mở ra EVFTA
EVFTA và EVIPA sẽ mạng lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Chín năm trôi qua, kể từ khi ý tưởng đầu tiên được manh nha bởi các lãnh đạo chính phủ Việt Nam và EU sau khi EU và Asean không thể tiến tới một hiệp định chung, EVFTA đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng phải tiếp tục kéo dài…
Cái chốt được mở ra trong chuyến đi Châu Âu của Thủ tướng tháng rồi, khi Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã gặp người đồng nghiệm Tây Ban Nha để giải quyết nốt những bất đồng liên quan đến đầu tư và thương mại của nước này. Bên cạnh đó, cách đây 10 ngày Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung trong tư cách là đặc phái viên của Thủ tướng đã đến giải trình với EU tại Bỉ về lộ trình phê chuẩn 3 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và thông qua Luật Lao động với những sửa đổi tốt hơn cho công nhân tại kỳ hợp Quốc hội cuối năm nay.
Những nỗ lực không mệt mỏi của phía Việt Nam và cả EU đã giúp tháo chốt chặn cuối cùng, mở ra việc ký kết EVFTA hôm qua, theo đánh giá của một chuyên gia trong đoàn đàm phán.
Những cam kết về lao động và công đoàn với những tiêu chuẩn rất cao theo giá trị phổ quát là ưu tiên của EU, nhưng lại là điểm khó khăn bậc nhất với Việt Nam.
Cách đây 5 năm, khi cả EVFTA và TPP còn đang trong lộ trình đàm phán, cố vấn hội nhập của Thủ tướng, ông Trương Đình Tuyển đã bay từ Washinton về Hà Nội chỉ kịp nghỉ một đêm rồi xuống ngay Hạ Long để nói 10 phút về xã hội dân sự và công đoàn tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhằm cảnh báo về những cam kết chưa từng có tiền lệ này.
Ông nói lúc đó: “Tôi đồ rằng cái mà chúng ta kỵ cụm từ xã hội dân sự cũng giống như chúng ta đã từng kỵ thể chế kinh tế thị trường, coi đó là một sản phẩm của kinh tế tư bản. Và bây giờ, chúng ta cũng đang coi xã hội dân sự như là cấu trúc chính trị của chủ nghĩa tư bản.”
Ông bình luận: “Thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay không tương thích với TPP” và giải thích, trong TPP đề cao vai trò của xã hội dân sự, đề cao sự tự do thành lập các hiệp hội. “Đây là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị với chúng ta”, ông nói thêm.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, nghị sĩ Bernd Lange đã nhiều lần nhắc đến nghĩa vụ phê chuẩn 3 công ước này như là điều kiện tiên quyết cho EVFTA.
“Đây không phải là vấn đề chính trị, mà là vấn đề mang tính nguyên tắc. Ba công ước là luật lệ quốc tế đã được công nhận rộng rãi để đảm bảo thương mại công bằng. Nghị viện châu Âu bám chặt vào các nguyên tắc này”, ông nói khi đến Hà Nội năm ngoái.
Tuy nhiên, lộ trình phê chuẩn không phải quá chặt chẽ. Ông Lange gợi ý trường hợp Canada cho Việt Nam. Quốc gia này không thể phê chuẩn kịp 8 công ước của ILO trước khi thông qua FTA với EU nhưng họ cam kết lộ trình phê chuẩn, thực hiện cụ thể. “Chưa hẳn 8 công ước này đã phải phê chuẩn ngay, nhưng ít ra họ (Canada) đưa ra cam kết về lộ trình phê chuẩn, thực thi, giám sát rất cụ thể”, ông nói với gợi ý rất rõ rệt cho Việt Nam.
Công ước 87 có 4 nguyên tắc cơ bản bao gồm: người lao động và người sử dụng lao động có quyền tự do thành lập và tham gia tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động; có quyền tự quyết công việc nội bộ của tổ chức; bảo vệ tổ chức trước việc đình chỉ tạm thời hoặc giải tán bởi chính quyền; có quyền tự thành lập hoặc tham gia liên đoàn, tổng liên đoàn và quyền liên kết với các tổ chức quốc tế.
Những cam kết này đã được tích hợp vào điều 172 “Thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở” trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội cuối năm.
Đây là những cam kết chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, dù đã trở nên phổ quát trên thế giới, nhất là Châu Âu.
Những lời nhắn nhủ của ông Tuyển, ông Lange và nhiều người khác trong quá trình dài vừa qua đã giúp xuất hiện những dấu hiệu rất tích cực.
Uỷ ban châu Âu (EC) trong thông cáo nhân lễ ký Hiệp định hôm qua khẳng định, EU hoan nghênh những bước tích cực gần đây của Quốc hội Việt Nam trong các vấn đề về lao động, cụ thể là việc phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Thương lượng tập thể cũng như kế hoạch thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp tiếp theo vào mùa thu năm 2019.
EU cũng hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ Việt Nam về việc trình Công ước 105 và 87 của ILO lên Quốc hội Việt Nam để tiến hành thủ tục phê chuẩn các công ước này vào các năm tương ứng là 2020 và 2023.
Sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình thực thi chương này ở cả phía EU và Việt Nam, thông qua Nhóm Cố vấn Trong nước (DAG), cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với hiệu quả thực thi của Chương (lao động).
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói: “Dù thế nào, chúng ta vẫn phải đổi mới hệ thống quan hệ lao động và công đoàn cho phù hợp với một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, cũng như phù hợp với xu hướng chung của thế giới”.
EVFTA là một hiệp định thế hệ mới khác hẳn các FTAs trước đây ở chỗ, chế tài của nó là mạnh mẽ và nghiêm khắc, được đưa ra sau khi có tư vấn độc lập.
Trong một thông cáo ngày 17 tháng 10 năm 2018, Hội đồng Châu Âu đã khẳng định, có một liên kết thể chế và pháp lý giữa EVFTA và Hiệp định đối tác và hợp tác EU-Việt Nam (ký năm 2012). Liên kết này cho phép các biện pháp được coi là phù hợp trong trường hợp vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc đình chỉ Hiệp định Thương mại.
Tuy nhiên, cách tiếp cận thì mềm dẻo hơn nhiều. Được hỏi liệu EU có áp dụng chế tài trong trường hợp, giả sử, Việt Nam chưa đáp ứng các cam kết trong chương Lao động của EVFTA bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU đáp: “Khi có vấn đề thì chúng ta phải đối thoại để giải quyết tranh chấp. Chúng ta có kinh nghiệm và cần giải quyết vấn đề thay vì đưa ra trừng phạt”.
Cách tiếp cận đó không làm mất mặt đối tác chiến lược của định thế này.
Tư Giang

NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU CÓ BỊ ĐỘC TÀI VIỆT NAM QUA MẶT ?

PHẠM CHÍ DŨNG / BVN 28-6-2019

https://1.bp.blogspot.com/-TSAm8jd-tFM/XRP5gDNGpVI/AAAAAAAAe3E/DNMN1C_T0owH4qNZ0NlrtedltcxmRAScQCLcBGAs/s640/81F1A8F2-A4DD-4772-8CE2-7D5E394741B8_w1023_r1_s.jpg

“Thoả thuận EVFTA: một ngày tồi tệ cho quyền lợi của người lao động” (EU-Vietnam trade deal a bad day for workers' rights) - trang EUobserver cay đắng rút tít ngay sau khi Hội đồng bộ trưởng các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã phê chuẩn vào ngày 25/6/2019 cho việc ký kết không chỉ EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu - Việt Nam) mà còn cả EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên Minh châu Âu).
Việc phê chuẩn hấp tấp hai hiệp định thương mại trên sẽ “có những hậu quả nghiêm trọng”, và “Trong khi các nhà lãnh đạo tự chúc mừng mình về một thỏa thuận đã được thực hiện, công dân châu Âu và Việt Nam không nên bỏ qua những người chiến thắng thực sự trong thỏa thuận đầu tư này: các doanh nghiệp lớn và các cá nhân giàu có, mà EU cho phép chiếm đoạt công lý và dân chủ vì lợi nhuận của họ” - EUobserver chua chát.
Nhưng thực tế còn tối tệ hơn những gì mà EUobserver đánh giá và dự báo.

Cú lừa gạt hoàn hảo

Chính thể độc tài ở Việt Nam đã giành một thắng lợi lobby đáng giá đến mức làm cho không chỉ Ủy ban châu Âu mà còn cả Hội đồng châu Âu tin rằng nó không chỉ mang lại những giá trị thương mại quyến rũ cho các doanh nghiệp trong khối EU, mà còn đang cố gắng cải thiện nhân quyền, với bằng chứng là đảng đã chỉ đạo quốc hội ‘gật’ rất nhanh với Công ước 98 về thỏa ước lao động, để được EU chấp thuận cho ký EVFTA và EVIPA.
Công ước 98 là một trong số 3 công ước quốc tế còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà chính quyền Việt Nam đã chây ì không chịu ký từ rất nhiều năm qua. Nhưng việc chính quyền này chịu ký và phê chuẩn Công ước 98 thật ra cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên: đây là công ước ‘nhẹ’ nhất, tức ít liên đới nhất về các điều kiện cải thiện nhân quyền.
Trong khi đó, chính thể Việt Nam đã gần như phớt lờ hai công ước quốc tế còn lại về lao động là Công ước 87 về việc tự do thành lập công đoàn độc lập, và Công ước 105 về chống cưỡng bức lao động. Lý do đơn giản là nếu phải chấp nhận ký hai công ước còn lại này, Việt Nam sẽ phải chính thức công nhận định chế công đoàn độc lập - luôn bị chính quyền quy chụp là ‘diễn biến hòa bình’ và ‘lật đổ chính quyền’, đồng thời phải tìm cách sửa đổi thực trạng có quá nhiều trẻ em ở Việt Nam nằm trong tình trạng phải lao động trước tuổi trưởng thành và bị cưỡng bức lao động.
Trong cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại Quốc tế châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, nhiều nghị sĩ như bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.
Còn John Sifton - Giám đốc Vận động, Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) đã cảnh báo: “Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn”.
Vào đầu năm 2018 khi các cuộc đàm phán EVFTA được khởi động trở lại, Việt Nam đã hứa với EU sẽ ký và phê chuẩn Công ước 87 trong năm 2020. Tuy nhiên trong thông cáo báo chí ngày 25/6/2019, phía EU lại tỏ ra quá chểnh mảng về mốc thời gian này khi ghi nhận Việt Nam đã ký Công ước 98, và tỏ ra hài lòng một cách khó hiểu khi Việt Nam chỉ ‘có ý định’ ký và phê chuẩn hai công ước 87 và 105 vào năm… 2023.
Một cách nào đó và bằng những thủ thuật nào đó, những doanh nghiệp châu Âu có lợi nhuận đáng kể trong EVFTA đã thành công trong việc vận động Ủy ban châu Âu - cơ quan đặt nặng lợi ích thương mại hơn là nhân quyền - trình cho Hội đồng bộ trưởng châu Âu để chấp thuận việc ký EVFTA và EVIPA.
Còn chính thể độc tài ở Việt Nam đã đạt được thành công đầu tiên về EVFTA và EVIPA mà gần như chẳng phải trả một cái giá đáng kể nào về nhượng bộ các quyền cơ bản của người dân.
Chiến thuật ‘câu giờ’ của chính quyền Việt Nam liên quan đến việc ký 3 công ước quốc tế về lao động là rất rõ. Hứa hẹn ‘sẽ ký’ từ trước cuộc điều trần ở Bỉ cho tới nay vẫn chỉ là một lời hứa chẳng có giá trị gì. Trong khi đó, Việt Nam vừa âm thầm vừa công khai vận động một số nước châu Âu nhằm tác động đến Nghị viện châu Âu để sớm thông qua EVFTA, với toan tính rằng nếu việc thông qua này diễn ra sớm trong nửa cuối năm 2019 thì Việt Nam sẽ có luôn EVFTA và EVIPA trong tay mà chẳng phải ký thêm bất kỳ một công ước quốc tế lao động nào.
Nếu mọi chuyện xảy ra đúng theo kịch bản trên, Nghị viện châu Âu - cơ quan có thẩm quyền cuối cùng và mang tính quyết định về bỏ phiếu xem xét số phận EVFTA và EVIPA - sẽ bị chính thể Việt Nam qua mặt ngọt ngào và trọn vẹn - có giá trị như một cú lừa gạt hoàn hảo.

Nhân quyền vẫn bị bóp nghẹt

Hãy nhớ lại, vào ngày 15/11/2018, tức gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra Nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755(RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016.
Toàn bộ nội dung của bản Nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Sau khi EVFTA bị Hội đồng châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019 mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền của Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính trị của ông ta đã phải tìm ra lối thoát. Một lần nữa, trong rất nhiều lần, Hà Nội lại hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’, dù đã chẳng có bất kỳ lần nào trước đó lời cam kết này được biến thành hành động, thậm chí giới công an trị Việt Nam còn hành động ngược lại khi gia tăng bắt bớ giới bất đồng chính kiến trong giai đoạn gần nhất từ giữa năm 2016 đến nay.

Vậy Việt Nam đã ‘cải thiện nhân quyền’ ra sao?

Cho tới giờ phút này, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.
Ngay sau khi Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ kết thúc vào tháng 5 năm 2019, công an Việt Nam lại gia tăng bắt bớ những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự. Nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở Nghệ An là một trong những vụ bị bắt giam mới nhất.
Trong khi đó, hầu hết các quyền cơ bản của người dân như tự do hội họp và lập hội, tự do biểu tình, tự do báo chí, tự do tôn giáo… vẫn bị nhà cầm quyền bóp nghẹt.
Ngoài việc Việt Nam phớt lờ hai công ước quốc tế còn lại về lao động mang số 87 và 105, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cũng trí trá và ma mãnh không kém khi dự thảo này tuyệt đối không đề cập đến khái niệm ‘công đoàn độc lập’, trong khi dựng lên một núi thủ tục hành chính để làm nản lòng những công nhân muốn tự tay thành lập công đoàn phi nhà nước.
Liệu Nghị viện châu Âu có biết được toàn bộ ‘quy trình’ mà chính thể Việt Nam đã tìm cách qua mặt họ hay không?

Không hề dễ ‘ăn’ EVIPA

Hy vọng còn lại cho nhân quyền Việt Nam liên quan EVFTA đang tùy thuộc vào thái độ của Nghị viện châu Âu, bởi cơ quan này sẽ bỏ phiếu quyết định có thông qua EVFTA hay không.
Thực ra, EVFTA có thể được ký kết và phê chuẩn trước EVIPA vì đây chỉ là hiệp định mang tính ‘khung’. Để EVFTA được thông qua, chỉ cần có sự chấp thuận của các cơ quan như Ủy ban Thương mại châu Âu, Cộng đồng châu Âu và cuối cùng là Nghị viện châu Âu.
Song với EVIPA thì lại nghiêm khắc hơn nhiều. Khác nhiều với EVFTA, EVIPA mới chính là cái mà một chính thể luôn muốn ‘ăn sẵn’ và ‘ăn đậm’ như Việt Nam cần kíp. Nhưng muốn có được EVIPA để mang lại lợi nhuận cụ thể chứ không phải môt thứ danh dự trừu tượng và an ủi như EVFTA, Việt Nam lại cần ‘vận động’ đủ 28 quốc gia thành viên của khối EU, mà nếu 4 trong số các quốc gia đó không đồng ý thì EVIPA không thể được ký kết và phê chuẩn, cũng đồng nghĩa với EVFTA sẽ ‘toi’ dù có được EU phê chuẩn.
Sẽ hoàn toàn không dễ dàng để một chính thể độc tài mà lươn lẹo đã trở thành bản chất có thể thuyết phục các quốc gia châu Âu thông qua EVIPA, bởi những quốc gia này đã ngày càng nhận ra bản chất đó, nhất là đã được ‘mở mắt’ qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và quá nhiều vi phạm nhân quyền đã trở thành hệ thống của chính thể Việt Nam.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét