Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

20190712. PHÁP LUẬT DO AI, VÌ AI ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐỂ LÂU HÓA BÙN

NGUYỄN DUY XUÂN/ TVN 10-7-2019

Chỉ còn vài ngày nữa, vụ gian lận thi 2018 chấn động dư luận tròn một năm. Những tưởng sau khi vụ việc bị phát lộ, chuyện xử lý sẽ “nhỏ như con thỏ”, bởi nếu so với những vụ trọng án khác, lực lượng chức năng không đến nỗi phải “mò kim đáy bể” để tìm cho ra “đích danh thủ phạm” cùng chứng cứ. 
Thủ phạm ở đây là một loạt cán bộ có chức quyền trực tiếp làm công tác chấm thi đã tham gia vào đường dây chạy điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Các nghi can này cũng đã thừa nhận hành vi phạm pháp của mình. Các thủ phạm cũng là phụ huynh của những thí sinh tham gia chạy điểm.
Chứng cứ là hàng trăm bài thi có danh tính chủ nhân bị nâng điểm, những mẩu giấy viết tay có địa chỉ, số báo danh, những cú điện thoại, tin nhắn,… và tiền mặt mà các nghi phạm đã nhận để lo lót.
Chứng cứ phạm tội còn là sự buông lỏng quản lý, là những lỗ hổng chết người trong khâu chấm thi.
Tưởng chừng mọi thứ ‘rõ như ban ngày’, vậy mà một năm sắp trôi qua… 


‘Để lâu hóa bùn’

Vụ gian lận thi cử gây bao nhức nhối xã hội

Có những kẻ trực tiếp nhúng tay vào vụ gian lận đã bị khởi tố, nhưng còn đó hàng trăm phụ huynh dính líu chạy điểm cho con - những đối tượng mà suốt thời gian quan dư luận đòi phải công khai danh tính và xử nghiêm - vẫn bình yên vô sự.
Ở Sơn La, Hòa Bình nhiều tên tuổi phụ huynh liên đới đã bị lộ. Họ đều là những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có vị thế nơi cơ quan công quyền. Nhưng, kỳ lạ thay, tất cả họ từ giám đốc sở cho đến nhân viên đều tấu rất hoàn hảo bản đồng ca “nhờ xem điểm”, trong khi chẳng ai ngu tới mức cho họ “xem điểm” để mình ngồi bóc lịch.
Tại Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: “Với những cán bộ đảng viên, công chức, viên chức có con được nâng điểm, tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để xem xét thi hành kỷ luật theo đúng quy định. Các cá nhân liên quan đều đã viết kiểm điểm và làm việc với các đoàn kiểm tra". "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tinh thần chỉ đạo là làm rõ trách nhiệm, khuyết điểm. Sai phạm đến đâu, xử lý đến đó", vị đại diện UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định.[1]
Tại Sơn la, bị can hoàn lại tiền, gia đình thí sinh không thừa nhận.
Ở Hà Giang, trong số 210 phụ huynh liên đới, chỉ duy nhất có ông Phạm Văn Khuông, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lộ danh tính có lẽ vì ông là nghi can bị khởi tố. Còn 209 vị khác cùng có con được nâng điểm thì vẫn bặt vô âm tín.
Chính xác hơn còn có một vị nữa bị lộ nhưng lại không được nêu danh trong bản kết luận điều tra. Đấy là cựu Bí thư tỉnh, ông Triệu Tài Vinh (ông vừa được bổ nhiệm là Phó Ban Kinh tế Trung ương). “…Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”.[2] Ông cựu bí thư lật ngược vấn đề.
Về vai trò của bản thân với tư cách là phụ huynh có con gái “bị” nâng điểm, bên hành lang Quốc hội, khi trả lời phóng viên, ông Vinh khẳng định: "Tôi thì dư luận phán xét xong rồi".[3] Vậy là yên?
Dư luận không khó để hiểu, tại sao việc xử lý gian lận thi ở Hà Giang ít “sôi động”, thậm chí có lúc lắng xuống nếu so với Sơn La, Hòa Bình mặc dù ông Vinh đã từng chỉ đạo từ xa: “Tôi vừa gọi điện về bảo khẩn trương làm cuộc kiểm điểm đi”.
Nhưng ngặt nỗi, cái quy trình nào đó không cho phép. Nó đã từng gây khó ông khi không thể kỷ luật nổi một cấp dưới sai phạm và bây giờ, với vụ gian lận thi liên quan tới cả con gái mình, một lần nữa ông bí thư tội nghiệp lại bị “quy trình” cản trở: “Cái gì cũng có quy trình của nó, khởi tố vụ án còn liên quan đến người nào, trách nhiệm thế nào”.[4]
Sức cản của “quy trình” lớn đến nỗi nó khiến cơ quan chức năng dẫu có thu giữ được tại nhà ông Nguyễn Thanh Hoài một mẩu giấy khổ 10x9cm, trên đó ghi "P.T.H.Tr. (xin phép viết tắt tên thí sinh - PV), SBD: 070389; P: 17; HĐT Hùng An (Lão phật gia nhờ)" cũng không thể tìm ra kẻ mang biệt danh “lão phật gia” ghê gớm kia là ai?
Bởi thế, xem qua bản kết luận điều tra của Hà Giang, dư luận không khỏi băn khoăn.[5]
Liệu có phải cơ quan điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án?
Rằng đã đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm! Các bị can chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân!
Rằng, ngay cả trường hợp con ông Triệu Tài Vinh cũng không hề xuất hiện trong kết luận điều tra!
Còn 210 phụ huynh liên quan được gắn cho một cái tên chung "đang làm việc trong các cơ quan, ban ngành sự nghiệp, đơn vị kinh doanh và làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do... tại tỉnh Hà Giang và tỉnh khác".
Chuyện ông Triệu Tài Vinh không có tên trong danh sách phụ huynh có con “bị” nâng điểm đã đành, ngay cả việc ông bức xúc vì “nghi” ai đó cố ý đưa cha con ông vào tròng cũng không hề được điều tra làm rõ để trả lại sự “trong sáng” cho ông.
Hồi tháng 5/2019, đăng đàn trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đạo tạo khẳng định: "Quan điểm của chúng tôi là phải xử lý nghiêm khắc các sai phạm của các cá nhân. Sẽ cho ra khỏi ngành những cá nhân trong ngành mà có học sinh, con em gian lận qua điều tra, xác minh của cơ quan công an", và cá nhân ông "xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót".
Lời Bộ trưởng, lời Bí thư, lời các giám đốc sở,… ai nấy đều tỏ ra hết sức nghiêm khắc trong chỉ đạo xử lý. Lời văn trong cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Giang cũng rất hùng hồn. Nào là gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài; nào là hành vi phạm tội của các bị can gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội,…
Tuy nhiên, cho đến bây giờ, hình như chưa một ai có con em gian lận bị “cho ra khỏi ngành”. Ở Hà Giang, theo cáo trạng, Cơ quan điều tra xác định không xét tình tiết tăng nặng mà chỉ xem xét tình tiết giảm nhẹ, bởi cả 5 bị can đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích trong quá trình công tác.
Còn với lãnh đạo, thôi thì ba mươi sáu chước, chước "xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót" là thượng sách, bởi từ mấy chục năm nay đã có ai mất chức vì “xin chịu trách nhiệm” đâu. Thật nhẹ nhàng, thật thanh thản.
Nhưng sao thấy đắng lòng!

Nguyễn Duy Xuân
 [1]. https://laodong.vn/giao- duc/can-bo-dang-vien-co-con- duoc-nang-diem-o-hoa-binh-se- bi-xu-ly-ra-sao-742427.ldo
[2].  //dantri.com.vn/xa-hoi/ bi-thu-ha-giang-trieu-tai- vinh-noi-gi-ve-viec-con-gai- duoc-nang-diem- 20180719102644601.htm
[3]. //tuoitre.vn/vu-gian-lan-thi- cu-ong-trieu-tai-vinh-toi-thi- du-luan-phan-xet-xong-roi- 2019052307584509.htm
[4]. https://vietnamnet.vn/vn/ thoi-su/quoc-hoi/ong-trieu- tai-vinh-toi-goi-dien-yeu-cau- kiem-diem-vu-gian-lan-thi-cu- 533729.html
[5]. https://nld.com.vn/phap- luat/gian-lan-diem-thi-ha- giang-khong-thu-thap-duoc- chung-cu-co-yeu-to-vu-loi- 20190703165105934.htm 

TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

ĐỆ ĐỆ...MẶT TRỜI

XUÂN DƯƠNG / GDVN 10-7-2019

Nhật là mặt trời, nguyệt là mặt trăng, tiếng Tày nói hiện tượng nhật thực là “Cốp kin tha vằn” nghĩa là “Cóc ăn mặt trời”.
Loài người chỉ có thể nhìn mặt trời khi bình minh hoặc hoàng hôn, khi mặt trời ở đỉnh cao chói lọi, nhìn trực diện là hỏng mắt.
Cứ tưởng chỉ có dân Mỹ mới nghĩ ra chuyện viễn tưởng biến gã ảo thuật “rởm” Oscar Diggs, kẻ ba hoa, màu mè chuyên pha trò tại các phiên chợ Kansas thành phù thủy vĩ đại, người trong mộng của nàng công chúa xinh đẹp và sau đó trở thành Quốc vương xứ OZ (phim “Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng”).
Cứ tưởng chỉ giới giải trí Hàn Quốc mới giỏi tạo ra những bộ phim đánh vào thị hiếu người trẻ kiểu như “Hậu duệ mặt trời”,…
Thế giới ngày nay vượt xa sự viễn tưởng của người Mỹ, cũng như nghệ thuật quảng cáo của dân Hàn.


Ảnh minh họa: smallbiztrends.com

Ukraine là quốc gia đông Âu đang trong tình trạng chia cắt, các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự đều tụt hậu so với các nước tách ra khỏi Liên Xô như Ba Lan, Séc, thế nhưng phụ nữ đất nước này lại được bình chọn “đẹp nhất nhì thế giới”.
Tại đây người ta chả cần gì phim viễn tưởng kiểu Mỹ, cũng chẳng chọn hậu duệ của mặt trời, người ta hiện thực hóa câu chuyện xứ OZ bằng cách bầu một diễn viên hài làm Tổng thống.
Có vùng đất một thời được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn đông”, không chỉ người trong nước mà lân bang cũng phải ngước nhìn.
Dân chúng ở đó hiền lành, chất phác sống trong hòa bình gần nửa thế kỷ. Thói quen của các bố mẹ gọi con trai cả là “thằng hai”, mặt trời đáng lẽ gọi là “Nhật” thì lại nói là “Nhựt”.
Thế nhưng một nửa quãng thời gian của hơn 40 năm, một bộ phận không nhỏ dân chúng của “Hòn ngọc” này dường như phải sống trong “Thế giới ngược”.
Xét về tổng thể, Nhà nước là của dân theo Hiến pháp, nhưng họ bị mất đất, mất nhà, mất kế sinh nhai bởi chính những đày tớ của mình, bởi những người họ đã ủy quyền đại diện cho mình tại các cơ quan.
Nói về quyền lực thì ở đó từng xảy ra tình trạng “dưới bảo, trên phải im”, chẳng hạn chính quyền thành phố ra văn bản hủy bỏ quyết định của Thủ tướng.
Chuyện xảy ra suốt mấy nhiệm kỳ không thấy quân sư nào nhắc Thủ tướng cho ý kiến, phải đến 20 năm sau, nhờ dân chúng phát giác nên vụ việc mới đổ bể.
Trong nội bộ xứ “Hòn ngọc” một ông cấp phó “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp,…” nhưng không thấy các ông bà cấp trưởng nói gì, chỉ đến khi đất Phước Kiển đã bán xong, 1.000 tỷ làm 1 km đường đã duyệt xong, truyền thông phát giác, dân chúng kêu trời thì mới xác định là “sai phạm rất nghiêm trọng”?
Tại đây mới xảy ra chuyện người ta luân chuyển một lãnh đạo quận lên chức mới tương đương lãnh đạo sở, người này không ưng nên viết đơn xin từ chức, thế là lập tức bị bề trên mắng cho té tát, lại còn bới móc ra hàng đống sai lầm khi người đó còn lãnh đạo quận.
Nếu chịu nhận chức vụ cao hơn, lương nhiều hơn, ngồi im đó mấy năm cho đến khi lĩnh sổ hưu thì đâu đến nỗi bị “đánh hội đồng” như vậy!
Gần đây xứ “Hòn ngọc” xuất hiện mấy chuyện tầm cỡ chẳng kém ở quốc gia người đẹp Ukraine, nào là chuyện một vị “vua con” bỗng dưng biến thành nghệ sĩ hài khi đăng đàn diễn thuyết về đạo đức, rồi chuyện một ông “vi phạm rất nghiêm trọng” bị cách các chức vụ lãnh đạo trong Đảng lại được phân công làm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo biên soạn Lịch sử Đảng bộ và Lịch sử thành phố?
Nghe nói có thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố không thi môn Lịch sử, thế là học sinh xé đề cương ôn tập vứt trắng cả sân trường, chắc lãnh đạo muốn thay đổi nếp nghĩ của con trẻ nên mới cử người “tầm cỡ” như vậy biên soạn lịch sử thành phố?
Được biết có ông Bộ trưởng chủ biên cuốn sách chuyên khảo đề tài chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, ít lâu sau khi sách được quảng bá, ông Bộ trưởng ấy được mời “nghỉ mát” ở trong “lò”!
Người đời bảo lúc mặt trời mọc là bình minh, nhưng với hàng trăm hộ dân xứ “Hòn ngọc” đã dành tới 20 năm cuộc đời cho khiếu kiện, bình minh là chút ánh sáng cuối con đường hầm hun hút chứ không phải lúc mặt trời ló dạng.
Suốt mấy chục năm, khi “mặt trời” ngễu nghện trên cao, nhiều người dân bị mất đất, mất nhà, phải tha phương cầu thực, không ít người phải đi xa hàng ngàn cây số lập xóm tạm tại nơi Kẻ Chợ để tiến hành cuộc “Trường kỳ khiếu nại”.
Tại đây “Những ai theo dõi không thể không nghẹn lòng khi chứng kiến hình ảnh nhiều cử tri cao tuổi gào thét, uất nghẹn bật khóc khi trình bày sự bất công, vô lý trong việc cưỡng chế trái phép để giải phóng mặt bằng”. [1]
Cũng tại đây, một người từng giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân buộc phải thốt lên:
“Về mặt nhân tâm, tôi phải nói thẳng một câu: quy hoạch trước hết phải là vì dân, không thể vì quy hoạch mà người dân bỗng chốc trở thành cùng đinh, mất tài sản, mất sinh kế”. [2]
Vậy phải chăng đó là lý do vì sao chỉ đến khi “mặt trời” lặn, dân “cùng đinh, mất tài sản, mất sinh kế” mới thấy le lói ánh bình minh?
Ở những phương trời khác mà nói “mặt trời lặn mới thấy bình minh” thì bị cho là tâm thần, nhưng nếu quý vị chịu khó đọc lại bài viết biết đâu lại đồng ý, rằng đó là sự thật.
Cũng tại nơi này dân chúng vừa chứng kiến câu chuyện “Đệ đệ mặt trời”.
Phải thừa nhận, rằng dân chúng bàn tán quá nhiều chuyện “con cháu các cụ” nhưng lại quên hoặc không để ý đến chuyện “Đệ đệ” của các “Ca ca, Tỷ tỷ”.
Đầu tiên phải kể đến vị “Đệ đệ chổi đót” ở Yên Bái, vị này sau khi bị mất chức Giám đốc sở đã chuyển khẩu về Kẻ Chợ làm việc cho một tổ chức “ngoài quốc doanh” nào đó.
Tiếp theo là chuyện “Đệ đệ điểm thi”, dân chúng đồn đại rằng Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La, ông Phạm Văn Thủy - người bị cảnh cáo trong vụ gian lận thi cử ở một tỉnh miền núi phía bắc năm 2018 - vốn là “Đệ đệ” của một “Ca ca” địa vị cao ngút trời ở đất kinh kỳ.
Còn chuyện “Đệ đệ mặt trời” là nói về một “Đệ đệ” của một “Mặt trời” mới bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) bắt tạm giam về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 điều 219, Bộ Luật Hình sự 2015.
Vị “Đệ đệ mặt trời” này bị buộc phải “chuyển khẩu” từ Nam ra Bắc không biết vì lý do gì, chẳng lẽ là để tránh chuyện đêm dài lắm mộng.
Nếu mở rộng câu chuyện “đệ đệ” thì chắc chắn không thiếu dẫn chứng chẳng hạn bài báo “Cả nhà Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang làm quan” đăng trên Nld.com.vn ngày 17/09/2016; bài “Chuyện lạ: 3 anh em ruột cùng trong ban chấp hành huyện ủy” đăng trên Vietnamnet.vn ngày 08/05/2018.
Nhiều năm trước có một bài viết lúc đầu lấy tít là “Tiền và … thế giới ngược” sau đổi thành “Nước Việt ta, dân đang ngồi … đỉnh tháp”. [3]
Hóa ra câu chuyện “Thế giới ngược” nói mãi vẫn không mất tính thời sự. Vậy nên “Đệ đệ mặt trời” chẳng qua cũng chỉ là một nét “văn hóa quan trường”, đừng cho là lạ.
Tài liệu tham khảo:
[1] //vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/de-cam-nuoc-mat-thu-thiem-547856.html
[2] //tuoitre.vn/cuu-chu-tich-tp-hcm-vo-viet-thanh-noi-ve-quy-hoach-thu-thiem-20180507081347535.htm
[3]//giaoduc.net.vn/goc-nhin/nuoc-viet-ta-dan-dang-ngoidinh-thap-post143866.gd
Xuân Dương

THỦ THIÊM: NHỮNG QUAN CHỨC ĂN ĐẤT NÀO ĐÁNG LÊN GIÁ TREO CỔ ?

MINH QUÂN/ BVN 6-7-2019

ttps://1.bp.blogspot.com/-2lXJHY1tZjg/XR2kplz3xVI/AAAAAAAAe-c/HFxeOcY_Abg44YSfWIxKWEswneaF5k9nQCLcBGAs/s1600/download.jpg

Tháng 6 năm 2019, ngay sau khi Thanh tra chính phủ có kết luận thanh tra về vụ khiếu tố khổng lồ ở Thủ Thiêm, quan chức Lê Thanh Hải, cựu bí thư thành ủy, cựu chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh, cùng cơ quan Thành ủy TP.HCM đã công khai thách thức công luận và lương tâm xã hội.
Trong phát biểu tại “Hội Thảo Khoa Học 50 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh” do Thành ủy TP.HCM tổ chức, Lê Thanh Hải thậm chí còn ‘lên lớp’: ‘còn có một bộ phận cán bộ đảng, đảng viên dao động về phẩm chất chính trị, “tự diển biến”, “tự chuyển hóa “, suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức…”
Dư luận phải chua chát mỉa mai: “Ngược đời chuyện người sai phạm công khai ‘lên lớp’ về đạo đức đảng viên!”
Ở Sài Gòn, cái tên Lê Thanh Hải bị người dân và cả một số công chức gọi là “Hải Heo,” là một trong những kẻ bị dư luận xã hội căm ghét nhất và lên án nhiều nhất. Vào thời còn là chủ tịch thành phố, Lê Thanh Hải đã “dọn đường” cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 hécta đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Tiếp đến là Nguyễn Văn Đua – cựu phó chủ tịch ủy ban nhân dân TP.HCM. Sau khi từ Phó chủ tịch thành phố trở thành Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM vào thời Lê Thanh Hải làm bí thư, Nguyễn Văn Đua đã nắm khối an ninh nội chính và mau chóng trở thành một “sát thủ” đối với giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Sài Gòn. Nguyễn Văn Đua bị “tố” là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của thủ tướng chính phủ.
Tiếp đến là Tất Thành Cang – người được xem là “đệ ruột” của anh Hai (Lê Thanh Hải), bị người dân tố cáo là có công giúp Lê Thanh Hải cướp đất Thủ Thiêm và đàn áp dã man dân oan nơi đây. Sau khi Lê Thanh Hải về hưu, Tất Thành Cang trở thành phó bí thư thường trực TP.HCM và lại dính đậm ở một vụ “ăn đất” khác: Cang là người chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của thành ủy TP.HCM bán trái phép với giá bèo 32 hécta đất Nhà Bè cho tư nhân.
Gần đây đã xuất hiện trên mạng xã hội một số bức ảnh được chụp từ cự ly gần về những “lều đày tớ” quá đồ sộ và hoàng tráng của Tất Thành Cang và Nguyễn Văn Đua, hay cảnh Sáu Cang ăn nhậu với một số quan chức và báo chí cánh hẩu ngay trong nhà khách thành ủy… Chỉ có người trong nội bộ “‘đảng ta” mới có thể chụp gần như vậy.
Trong khi đó, Lê Thanh Hải kín đáo tung tích hơn. Nhưng rất nhiều người dân và công chức ở Sài Gòn cho rằng đây mới là “chuột cống” với vô số nhà cửa và đất đai tích góp được qua 15 năm làm chủ tịch thành phố và bí thư thành ủy. Nhiều tờ báo đã bắt đầu nêu đích danh trách nhiệm Lê Thanh Hải trong vụ Thủ Thiêm.
Thế nhưng bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ vào tháng 6 năm 2019 chỉ quy trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước… mà không nêu một cái tên cụ thể nào phải chịu trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự.
Phải chăng ý đồ của Nguyễn Phú Trọng và ‘đảng ta’ là chỉ muốn bắt các quan tham phải ‘ói ra’ nhằm ‘thu hồi tà sản tham nhũng’, rồi sau đó cho những kẻ ‘ăn đất’ này hạ cánh an toàn?
Trong khi đó, rất nhiều người dân Thủ Thiêm lẫn dư luận xã hội đã dậy lên phản ứng đối với cơ quan này nói riêng và với đảng cầm quyền nói chung bởi bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ đã không nói gì đến thân phận của hàng ngàn dân oan đất đai và việc bồi thường cho họ. Đặc biệt trong Kết luận thanh tra trên không nói gì về 115 người dân đang khiếu kiện ở Hà Nội nằm ở 5 khu phố ở 3 phường ngoài ranh theo Quyết định 367. Kết luận này cũng không trả lời được những câu hỏi như “Cơ sở nào kết luận 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh?”, “160 ha tái định cư biến đi đâu và rơi vào túi những kẻ nào?”, “Tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm biến đi đằng nào?”…
M.Q.
VNTB gửi BVN


ĐỂ CẦM NƯỚC MẮT THỦ THIÊM

NGUYỄN HUY VIỆN / BVN 8-7-2019

Để cầm nước mắt Thủ Thiêm

Để cầm nước mắt Thủ Thiêm cần thấu hiểu nỗi niềm người dân

Để “nước mắt Thủ Thiêm” không còn chảy ròng như 20 năm qua, trước hết phải thấu hiểu nỗi niềm của người dân, để thành thật trả lời đầy đủ những câu hỏi và giải quyết thấu đáo những yêu cầu chính đáng của người dân nơi đây.
Trong vòng chưa đầy một năm, Thanh tra Chính phủ hai lần công bố kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh, lần thứ nhất ngày 7/9/2018, lần thứ hai ngày 26/6/2019.
Nhưng cả hai lần vẫn chưa trả lời thỏa đáng những câu hỏi đầy ấm ức đã theo họ khiếu kiện đằng đẳng tới tất cả các cấp từ quận đến Trung ương suốt hơn 20 năm qua.
Trong suốt chặng đường 20 năm ấy, đã có không biết bao nhiêu cuộc tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh, HĐND Quận 2 với đồng bào Thủ Thiêm. Và mỗi cuộc tiếp xúc cử tri đó có không biết bao nhiêu tiếng nói bất bình, uất nghẹn đầy nước mắt khi nhà cửa, đất đai của người dân bị cưỡng chế thu hồi phi lý, đẩy cuộc sống của họ đến khốn cùng. Dưới đây là một số trích dẫn trong các cuộc tiếp xúc xử tri như vậy.
Ngày 29/6/2019, tức 3 ngày sau công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong buổi tiếp xúc cử tri Quận 2, trước kỳ họp HĐND TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Đức, phường Cát Lái, bày tỏ nỗi niềm: Suốt 20 năm qua, người dân Quận 2 phải ly tán khắp nơi, vậy mà "Kết luận của Chính phủ chỉ nói đến cơ quan nào vi phạm, tổ chức nào làm sai, chứ chưa nhắc gì đến đời sống người dân. Đây là đại án của cả nước, chứ không phải của riêng Quận 2". [1]
Cử tri Nguyễn Thị Hà, phường Bình An, cho rằng, cả hai kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án Thủ Thiêm chưa ghi tên các cán bộ, lãnh đạo sai phạm cần kiểm tra. Cử tri này yêu cầu: "Thành phố đã sai phạm nhiều năm như vậy nhưng vì sao với quyền giám sát của mình, các đại biểu HĐND không phát hiện ra? Chúng tôi cần Thanh tra Chính phủ làm rõ các sai phạm của lãnh đạo, sau đó làm rõ vấn đề ranh quy hoạch rồi mới đến đền bù cho dân". Cử tri Hà kiến nghị, phải khởi tố vụ việc chính quyền cưỡng chế, thu hồi 4,3 ha đất của Khu phố 1, phường Bình An, nằm ngoài ranh quy hoạch; và hơn 160 ha đất tái định cư bị giao cho các doanh nghiệp...[2]
Sự bức xúc, bất bình của người dân Thủ Thiêm không chỉ trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, mà lần nào tiếp xúc cử tri cũng bức xúc, căng thẳng như vậy.
Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 19/6/2019 của Tổ đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh với cử tri Quận 2, ông Nguyễn Tấn Cứu, phường Bình Khánh, bức xúc đặt vấn đề: "Chỉ cần trưng quy hoạch của Thủ tướng ra, một phút thôi, sẽ giải quyết được vấn đề của chúng tôi. Vậy tại sao 20 năm nay không giải quyết được, có thế lực nào đứng đằng sao bảo kê, bao che?" [3]
Còn buổi tiếp xúc với cử tri Quận 2 của đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh được VTV1 tường thuật trong Chương trình Thời sự tối ngày 9/5/2018 và Tuổi trẻ TV ngày 10/5/2018 [4], làm cho tất cả những ai theo dõi không thể không nghẹn lòng khi chứng kiến hình ảnh nhiều cử tri cao tuổi gào thét, uất nghẹn bật khóc khi trình bày sự bất công, vô lý trong việc cưỡng chế trái phép để giải phóng mặt bằng.
Cử tri Trần Thị Mỹ, 76 tuổi, ở phường An Khánh, đau đớn bày tỏ nỗi niềm: “Chúng tôi về hưu chỉ với đồng tiền lương, cùng với tiền chắt chiu của các con mua đất, nhà… mà bây giờ thu hồi đất của tôi mà không có tên tôi, không có trong quy hoạch, nhà tôi không nằm trong diện thu hồi mà thu hồi, như vậy là cướp đất. Đền bù cho tôi chỉ có 200.000đồng/m2, tôi đi kiện cả chục năm nay, nhiều nơi tiếp tôi nhưng không ai giải quyết”. [5]
Một cử tri hơn 75 tuổi, giọng khàn đục vì bức xúc đặt câu hỏi: “Hiện nay, dân thì không nhà cửa, tứ tán khắp nơi. Khu tạm cư thì như chuồng heo nằm cạnh các khu đô thị xây trên đất thu hồi của dân đẹp lung linh. Đại biểu của dân có đau lòng hay không, có thấu hiểu nỗi khổ của dân không?” [6]
Trước sự mệt mỏi, bức xúc tột độ cửa cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, phải thừa nhận: "Chúng tôi không bao giờ quên những giọt nước mắt, những gương mặt mệt lả, những lời nói khan giọng của bà con. Bởi thời gian vụ Thủ Thiêm kéo dài quá sức chịu đựng của mọi người." [8]
Không biết bao nhiêu lần các quan chức TP. Hồ Chí Minh chia sẻ sự thấu hiểu, cảm thông như rút ruột rút gan với người dân Thủ Thiêm và kèm theo đó cùng vô số những lời hứa hẹn.
Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở sự thấu hiểu, chia sẻ, hứa hẹn mà chưa được phúc đáp bằng việc làm cụ thể của các cấp chính quyền. Chính vì vậy sự bức xúc, bất bình của người dân Thủ Thiêm bị dồn nén đến tột độ.
Người dân Thủ Thiêm càng phẫn nộ hơn khi những người có thẩm quyền ở TP. Hồ Chí Minh và một số bộ, ngành liên quan bất nhất trong việc giải thích về sự “biến mất” khó hiểu của bản đồ quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm.
Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc và ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng "không tìm thấy bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm", với lý do bản đồ này đã được phê duyệt cách nay hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm nên không lưu trữ…[9]
Còn ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ, khẳng định: “Chúng tôi đã đối thoại với Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh, họ xác định là không tìm thấy (bản đồ quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm) ... bởi làm gì có mà tìm!” [10]
Nhưng ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng lại cho rằng: “Quy hoạch chung là năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch 2005”; và “… Thủ Thiêm có rất nhiều bản đồ quy hoạch.” [11]
Theo cách giải thích của ông Hùng: "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP.Hồ Chí Minh tháng 5/1995" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bị điều chỉnh bằng Quyết định 6565, ngày 27/12/2005 của UBND TP. Hồ Chí Minh, do Phó chủ tịch UBND Thành phố lúc đó là ông Nguyễn Văn Đua ký thay Chủ tịch UBND TP. [12]
Như vậy, Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định quy hoạch lại KĐTM Thủ Thiêm, ồng nghĩa phủ nhận "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm” được Thủ tướng phê duyệt tháng 5/1995. Đây là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.
Còn những biện minh, rằng “không tìm thấy” Bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm là phi lý. Vì Hồ sơ "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP.Hồ Chí Minh tháng 5/1995" (kèm theo bản đồ) do Thủ tướng phê duyệt phải được lưu giữ ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường; lưu giữ ở Văn phòng UBND, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch & Kiến trúc, Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Hồ Chí Minh.
Theo Khoản 1, Điều 17 Luật lưu trữ, tài liệu về dự án, nhà đất là tài liệu được bảo quản vĩnh viễn. Bản đồ quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm thuộc loại tài liệu phải bảo quản theo quy định điều luật này. Thế mà tất cả các cơ quan chức năng của Chính phủ và của TP. Hồ Chí Minh đều “đánh mất” hoặc “không tìm thấy”.
Rất may, trong khi các cơ quan nhà nước “không tìm thấy” nhưng có một người đã tìm thấy. Theo báo Tuổi trẻ, ngày 06/5/2018, ông Võ Viết Thanh nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cung cấp đầy đủ cho Bản báo này 13 tấm bản đồ trong Hồ sơ "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP.Hồ Chí Minh tháng 5/1995". [13]
Vì vậy công luận không thể không nghi ngờ về sự bất thường khi các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh và các bộ ngành liên quan đều “không tìm thấy” bản đồ quy hoạch 1/5.000 KĐTM Thủ Thiêm?


Để “nước mắt Thủ Thiêm” không còn chảy ròng như 20 năm qua, trước hết phải thấu hiểu nỗi niềm của người dân, để thành thật trả lời đầy đủ những câu hỏi và giải quyết thấu đáo những yêu cầu chính đáng của người dân nơi đây.
Thứ nhất: Tại sao gần chục cơ quan chức năng từ TP. Hồ Chí Minh đến các bộ ngành cùng để “mất” bản đồ kèm theo Hồ sơ "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP.Hồ Chí Minh tháng 5/1995" do Thủ tướng phê duyệt? Đây có phải là sự bất thường không?
Phải chăng đằng sau sự bất thường này là để che đậy hơn 160 hecta đất quy hoạch khu tái định cư cho dân Thủ Thiêm bị biến thành đất thương mại dịch vụ, và che đậy hành vi cưỡng chế trái phép 4,3 hecta đất của những hộ dân nằm ngoài ranh quy hoạch?
Nếu không làm sáng tỏ Bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm “bị mất” thì niềm tin của nhân dân cũng khó mà “tìm thấy”.
Thứ hai: Công khai danh tính và truy cứu trách nhiệm những cán bộ Quận 2, các sở ngành và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh liên quan đến những sai phạm trong vụ Thủ Thiêm; xem xét trách nhiệm của những lãnh đạo Thành phố đã không giải quyết dứt điểm, thấu đáo những vấn đề người dân khiếu kiện trong 20 năm qua.
Thứ Ba: UBND TP. Hồ Chí Minh phải có trách nhiệm đền bù thỏa đáng, kịp thời những tổn thất về vật chất và tinh thần cho hàng trăm hộ dân bị cưỡng chế thu hồi nhà, đất trái pháp luật.
Những cán bộ sai phạm trong vụ Thủ Thiêm, những cán bộ không giải quyết thỏa đáng để người dân khiếu kiện trong suốt thời gian dài phải xin lỗi Người dân Thủ Thiêm.
Để giải quyết thỏa đáng những bức xúc của người dân Thủ Thiêm cán bộ các cấp cần đồng quan điểm với ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: “Về mặt nhân tâm, tôi phải nói thẳng một câu: quy hoạch trước hết phải là vì dân, không thể vì quy hoạch mà người dân bỗng chốc trở thành cùng đinh, mất tài sản, mất sinh kế”. [14]
Vụ việc Thủ Thiêm là một đại án đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, xã hội. Bởi vậy các cơ quan Trung ương, nhất là Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cần vào cuộc làm sáng tỏ bản chất của vụ việc, chỉ mặt, vạch tên những quan chức bất chấp lợi ích và cuộc sống của người dân, lợi dụng quy hoạch đô thị, lợi dụng đền bù giải phóng mặt bằng để trục lợi.
Có như vậy mới có thể lấy lại công bằng cho người dân Thủ Thiêm, và cũng chỉ có như vậy mới giữ được niềm tin của nhân dân.
N.H.V.
Ghi chú:
[1],[2].https://vnexpress.net/thoi-su/nguoi-dan-thu-thiem-thanh-tra-chinh-phu-chua-chi-ro-ca-nhan-sai-pham-3945532.html
[3],[8].https://vnexpress.net/thoi-su/ong-phan-nguyen-nhu-khue-cuoi-thang-6-co-ket-luan-tranh-tra-vu-thu-thiem-3940515.html
[4].https://tuoitre.vn/dan-thu-thiem-roi-nuoc-mat-kien-nghi-voi-dai-bieu-quoc-hoi-20180510074215117.htm
[5],[6].http://danviet.vn/tin-tuc/ban-chat-cau-chuyen-khu-do-thi-thu-thiem-la-co-loi-ich-nhom-874083.html
[9].https://tuoitre.vn/can-dieu-tra-vu-mat-ban-do-quy-hoach-thu-thiem-20180503134020063.htm
[10].https://laodong.vn/kinh-te/danh-mat-ban-do-quy-hoach-thu-thiem-dung-long-vong-lam-kho-nguoi-dan-604939.ldo
[11], [12].https://tuoitre.vn/thu-thiem-co-rat-nhieu-ban-do-quy-hoach-20180503190732539.htm
[13],[14].https://tuoitre.vn/cuu-chu-tich-tp-hcm-vo-viet-thanh-noi-ve-quy-hoach-thu-thiem-20180507081347535.htm

DÂN THỦ THIÊM: NGHỊ QUYẾT BỒI THƯỜNG 'CÓ HỢP LÒNG DÂN' ?

BEN NGÔ /BBC/ BVN 12-7-2019

Thủ Thiêm

Ý kiến nói người dân Thủ Thiêm "đã chịu đựng và tổn thương suốt hơn 20 năm qua"
Người phụ nữ trong vụ "ném giày" nói với BBC rằng Hội đồng Nhân dân "chỉ có thể đại diện và giám sát chứ không thể thay thế người dân Thủ Thiêm" khi thông qua chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Ý kiến này được đưa ra trong lúc có tin chính quyền TP Hồ Chí Minh sắp trình Hội đồng Nhân dân thông qua chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân Thủ Thiêm.
"Trong lúc chờ trung ương kết luận về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố đã gặp người dân, xây dựng chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư, sắp tới trình Hội đồng Nhân dân thông qua," Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân được tờ Người Lao Động dẫn lời.
Các báo ở Việt Nam không đưa thêm chi tiết về chính sách bồi thường được căn cứ trên cơ sở nào.

'Nghị quyết có hợp lòng dân?'

Người phụ nữ trong vụ "ném giày" nói "HĐND chỉ có thể giám sát, không thể thay dân Thủ Thiêm thông qua chính sách bồi thường".

Người phụ nữ trong vụ "ném giày" nói "HĐND chỉ có thể giám sát, không thể thay dân Thủ Thiêm thông qua chính sách bồi thường".

Trả lời BBC hôm 10/7, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, người phụ nữ trong vụ "ném giày ở Thủ Thiêm" năm ngoái, nói:
"Hội đồng Nhân dân thực chất là một Quốc Hội thu nhỏ tại các tỉnh thành. Là một cơ quan lập pháp có chức năng giám sát và thông qua các nghị quyết và chủ trương. Họ đại diện cho tiếng nói của người dân. Nên việc Hội đồng Nhân dân đưa ra nghị quyết về chính sách đền bù mới là quyền được hiến định."
"Tôi nhấn mạnh là đền bù chứ không phải hỗ trợ. Vì đây là phần người dân đáng được nhận chứ không phải dân đi xin và Chính phủ "thương tình" nên cho. Nhưng chúng ta phải xem lại Hội đồng Nhân dân dựa trên cơ sở nào để thông qua nghị quyết. Không thể để một nhóm người quyết định quyền lợi và số phận của hàng ngàn, hàng chục ngàn người theo tính chủ quan được."
"Muốn thông qua nghị quyết, trước tiên Hội đồng Nhân dân phải lấy ý kiến của chính những người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch giải tỏa ở khu Công nghệ cao quận 9 và cả Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở đây, tôi chưa thấy có sự thống nhất ý kiến giữa người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Hội đồng Nhân dân thì nghị quyết thông qua đường nào?"


nhân

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân

"Có hợp lòng dân không? Có đúng với giá trị tài sản người dân bị mất không? Chỉ có người dân Thủ Thiêm mới có quyền được quyết định vận mệnh của họ. Hội đồng Nhân dân chỉ có thể đại diện và giám sát chứ không thể thay thế họ. Có vị nào trong Hội đồng Nhân dân đã phải sống cuộc đời đau khổ của họ đâu?"
"Với tư cách là một người theo đuổi và quan sát vụ việc này khá lâu. Tôi yêu cầu chính quyền TP.Hồ Chí Minh giải quyết được đúng với những giá trị mà người dân đáng được nhận. Chính quyền thành phố phải biết tôn trọng người dân của mình chứ không phải giải quyết cho xong để "xếp xó".
"Người dân có trách nhiệm xây dựng đất nước chứ không phải làm mồi nuôi sống tham nhũng. Trong trường này cần đặc biệt chú trọng vai trò giám sát và kết nối người dân của Hội đồng Nhân dân đúng với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra."

Nếu chính quyền không thể đưa ra được cơ sở pháp lý và các bằng chứng thuyết phục để phản bác lại các cáo buộc của người dân thì chính quyền cần phải tôn trọng sự thật và hành động có trách nhiệm là có các quyết định để trả lại công bằng cho người dân.
Luật sư Phùng Thanh Sơn
  
Bà Thùy Dương cũng cho biết thêm:
"Đối với các quan chức sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tôi nghĩ không chỉ là kỷ luật mà cần phải thanh tra, kiểm toán toàn diện quy hoạch, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án về việc sai phạm khi thực hiện quy hoạch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm như đề nghị của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, hành vi xâm hại tài sản của Nhà nước và người dân đã được thể hiện rất rõ."
"Ở Thủ Thiêm có rất nhiều nhóm dân khác nhau. Có nhóm người bị xua đuổi, có nhóm người bám trụ lại, có những người bị lưu lạc do chính sách đền bù... Họ đã chịu đựng và tổn thương suốt hơn 20 năm nay rồi. Tôi nghĩ chính quyền TP Hồ Chí Minh nên đưa ra các quyết sách phù hợp với từng nhóm khác nhau làm sao để đáp ứng được tinh thần nhân văn mà Quyết định 367 của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt khi thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm."

Thủ Thiêm


'Tôn trọng sự thật'

Cũng trong hôm 10/7, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC:
"Quyền lợi của người dân Thủ Thiêm không thể giải quyết bằng nghị quyết của Hội đồng Nhân dân. Bởi Hội đồng Nhân dân không phải là cơ quan hành chính nhà nước, cũng không phải là cơ quan giải quyết tranh chấp. Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân chỉ có thể mang tính an sinh xã hội cho người dân Thủ Thiêm chứ không thể thay thế quyết định hành chính, phán quyết của tòa án."
"Quyền và lợi ích chính đáng của người dân Thủ Thiêm phải xem xét đánh giá một cách toàn diện. Các thiệt hại phải căn cứ vào số liệu, bằng chứng cứ và được xem xét đánh giá công khai chứ không thể bằng cảm tính của các đại biểu Hội đồng Nhân dân. Nếu chính quyền Thành phố chỉ giải quyết quyền lợi của người dân Thủ Thiêm trên cơ sở của Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thì chẳng khác nào người dân bị buộc phải nhận tiền "bồi thường" như vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển trước đây."
"Trong vụ Thủ Thiêm theo tôi có hai nhóm sai phạm:
  • Sai phạm gây thiệt hại trực tiếp cho người dân có đất bị thu hồi;
  • Sai phạm gây thất thoát ngân sách, tài sản nhà nước.
"Đối với các sai phạm gây thiệt hại cho ngân sách, tài sản Nhà nước, có thể phải cần đến việc thanh tra vì những thông tin liên quan đến các sai phạm này người dân không thể kiểm tra, giám sát."
"Riêng đối với việc thu hồi đất ngoài phạm vi quy hoạch, sử dụng quỹ đất tái định cư cho mục đích thương mại thì không cần vì không ai có thể thanh tra, giám sát tốt hơn người dân Thủ Thiêm. Việc này nó liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân Thủ Thiêm nên họ phải chuẩn bị đầy đủ thông tin và kiến thức để kiểm tra, giám sát."
"Khi người dân đưa ra cơ sở pháp lý và bằng chứng cho các cáo buộc của mình đối với chính quyền. Chính quyền có nghĩa vụ đưa ra các cơ sở pháp lý và bằng chứng hợp pháp để phản bác lại các cáo buộc của người dân."
"Nếu chính quyền không thể đưa ra được cơ sở pháp lý và các bằng chứng thuyết phục để phản bác lại các cáo buộc của người dân thì chính quyền cần phải tôn trọng sự thật và hành động có trách nhiệm là có các quyết định để trả lại công bằng cho người dân."
"Với các quy định pháp luật trước đây cũng như hiện nay, chính quyền thành phố hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các sai phạm tại Thủ Thiêm một cách công bằng cho người dân Thủ Thiêm mà không cần phải chờ đợi kết luận hay chủ trương gì từ trung ương. Vấn đề nằm ở chỗ người có trách nhiệm giải quyết có đủ bản lĩnh để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật hay không."
"Theo tôi, đảm bảo nguyên tắc công bằng thì toàn bộ lợi nhuận từ việc sử dụng quỹ đất tái định cư cho mục đích kinh doanh thương mại phải được trả về cho những người dân Thủ Thiêm đủ điều kiện được tái định cư. Đối với đất ngoài quy hoạch bị thu hồi thì phải trả lại đất cho dân hoặc bồi thường theo giá thị trường hiện nay."
B.N.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48933003

TUYÊN BỐ THỦ THIÊM 

       CẬP NHẬT ĐẾN 12/7/2019 CỦA BVN

I. Tình hình
Sau hai mươi năm ròng rã đợi chờ và đấu tranh đòi công lý, sau hai năm đợi chờ theo hứa hẹn của nhà nước, của bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với câu nói nổi tiếng “tôi không gạt bà con đâu”, ngày 26 tháng 6 năm 2019, người dân Thủ Thiêm cùng với toàn thể quốc dân mới chứng kiến việc công bố bản thông báo của Thanh tra Chính phủ mang số 1041 TB-TTCP. Nội dung bản thanh tra này gồm hai vấn đề:
1. Khẳng định sai lầm, vi phạm cố ý của UBND thành phố HCM và các ban ngành kể cả trung ương đã không thực hiện dự án đô thị mới Thủ Thiêm theo quy hoạch của chính phủ, cố ý vi phạm pháp luật và các quy định của thủ tướng chính phủ; tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích băm nát dự án đô thị mới Thủ Thiêm thành các dự án bất động sản manh mún để kinh doanh kiếm lời.
2. Khẳng dịnh sai lầm, vi phạm nói trên đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 26 ngàn tỷ đồng và nhiều thiệt hại khác
Tuy nhiên, bản thông báo đã không đề cập gì đến việc 15 ngàn hộ dân bị di dời ở 5 khu phố 3 phường nằm ngoài ranh theo Quyết định 367; không đề cập gì đến 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh qui hoạch; không đề cập gì đến 160 ha tái định cư biến mất; không đề cập gì đến việc 115 người dân ký tên khiếu kiện tập thể, một núi đơn khiếu nại kiện tụng của nhân dân Thủ Thiêm đã xếp xó.
Rõ ràng là: Thông báo thanh tra vẫn chỉ đề cập đến cách điều hành quản lý nhà nước trong nội bộ Đảng và nội bộ chính quyền mà không đề cập gì đến nguyện vọng và những khiếu kiện của người dân Thủ Thiêm. Thêm một điều khó hiểu: vì sao, sau khi đã có kết luận thanh tra thể hiện qua thông báo 1041 TB- TTCP, Thanh tra Chính phủ đã không làm công việc phải làm là chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý theo luật pháp? Ai cũng có quyền nghĩ rằng bản thông báo này chỉ có mục đích tiếp tục xoa dịu nỗi thống khổ của người dân theo kịch bản quen thuộc “cứt trâu để lâu hóa bùn” và cũng để phục vụ việc tranh quyền đoạt lợi trong nội bộ nhà cầm quyền.
Người dân Thủ Thiêm phải kêu gào kiện tụng đến bao giờ nhà cầm quyền mới trả lại mảnh đất mà cha ông họ đã khai phá canh tác từ xa xưa, đã được chinh quyền Thực dân Pháp và các chính quyền kế thừa chứng nhận? Chừng nào người dân Thủ Thiêm mới được bồi thường thiệt hại mà chính quyền hiện nay đã gây ra trong 20 năm qua? Còn gì cay đắng và vô đạo hơn khi chính quyền tước đoạt mảnh đất mà trên đó đời ông đời cha và chính họ đã che giấu bảo vệ nhiều lớp người mệnh danh là “Cộng sản”?

II.  Nguyên nhân

Sự “kiêu ngạo Cộng sản” của những người lãnh đạo khi có chính quyền trong tay đã không còn đặt quyền lợi của người dân là trung tâm của mọi chính sách, áp đặt chính sách ruộng đất sai lầm phi thực tế, phản dân chủ phản tiến bộ.
Sự vụ lợi và vô trách nhiệm của nhiều tầng lớp lãnh đạo qua nhiều thời kỳ, đã thấy sai nhưng vì quyền lợi bản thân phe nhóm nên không chịu sửa. Khi đất nước chuyển qua kinh tế thị trường thì đất đai trở thành nguồn lợi to lớn, trong khi nguyên tắc mang tính hình thức “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” và thể chế lãnh đạo độc tôn đã tạo nên hệ thống tham ô làm giàu bất chính.
Tòa án xử theo nghị quyết của chính quyền sở tại, luật pháp thực thi tùy tiện trở thành công cụ bảo vệ bè lũ tham nhũng và đàn áp những người dân đen.

III. Tuyên bố

Trước tình hình trên, các cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự có tên dưới đây, tuyên bố:
1. Chính quyền thành phố HCM phải khẩn trương giải quyết đơn khiếu nại của 115 người dân Thủ Thiêm, trả lại đất hoặc đền bù theo giá thị trường hiện nay cho những hộ nằm ngoài ranh qui hoạch; bồi thường hỗ trợ cho những hộ dân trong quy hoạch; trả lại 160 ha đất tái định cư cho dân để dân xây dựng lại nhà cửa ổn định cuộc sống.
2. Phải có luật sư độc lập do dân chọn làm đại diện trong ban bồi thường hỗ trợ tái định cư. Chính quyền phải thường xuyên đối thoại với dân giải quyết khiếu nại.
3. Phải chuyển ngay thông báo 1041 TB – TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019 cho cơ quan điều tra xử lý theo luật pháp. Phải trừng trị những ai đã vi phạm pháp luật gây đau khổ, mất đất mất nhà, thiệt hại về  tinh thần và vật chất cho người dân Thủ Thiêm dù những kẻ đó ở bất kỳ cấp nào, còn làm việc hay đã về hưu. Phải trừng trị những tên sử dụng quyền lực và cơ chế vơ vét tài sản làm giàu bất chính cho cá nhân và phe nhóm.
4. Phải sửa lại luật đất đai, xác lập chế độ đa sở hữu về đất đai bao gồm sở hữu cá nhân, sở hữu tập thể, và sở hữu nhà nước. Xóa bỏ vĩnh viễn nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”.
***
Các tổ chức và cá nhân đồng ý ký tên xin ghi rõ: Tên tổ chức và tên người đại diện/ Tên cá nhân và chức danh/nghề nghiệp (nếu có), tỉnh/thành (và quốc gia nếu ở nước ngoài) đang cư trú. Gửi về địa chỉ email: tuyenbothuthiem4@gmail.com
Bản Tuyên bố sẽ chấm dứt nhận chữ ký vào hồi 24h00 ngày 20/07/2019  (giờ Việt Nam)  ***
Ngày 07 tháng 7 năm 2019

A. Các tổ chức XHDS

1. CLB Lê Hiếu Đằng, Đại diện Lê Thân/Chủ nhiệm CLB
2. Diễn đàn xã hội dân sự, Đại diện Tiến sĩ Nguyễn Quang A
3. Nhóm Lập Quyền Dân, Đại diện Nguyễn Khắc Mai
4. Hội Bầu bí Tương thân: Đại diện Nguyễn Lê Hùng
5. Diễn Đàn Dân chủ Đuốc Việt, Đại diện: KS Lưu Hoàn Phố. San Jose, CA Hoa Kỳ
6. Nhóm Hoạt Động Ủng Hộ Quốc Dân Việt, San Jose, CA Hoa Kỳ, Đại Diện: Đoàn Văn Lập
7. Diễn đàn Bauxite Việt Nam, đại diện GS Phạm Xuân Yêm

B. Các cá nhân

1. TS Nguyễn Quang A, Hà Nội
2. Nguyễn Đăng Quang Đại tá, nguyên cán bộ Bộ Công an, Hà Nội.
3. Nguyễn Khắc Mai, TT Minh triết, Hà Nội
4. Đào Công Tiến, PGS nguyên Hiệu trưởng đại học Kinh tế TP.HCM, TV CLB LHD
5. Hoàng Hưng, nhà thơ- dịch giả, Sài Gòn
6. Trần Bang, kỹ sư, thành viên CLB LHĐ, Sài Gòn
7. Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM
8. Trần Minh Thảo, viết văn, Bảo Lộc, Lâm Đồng, (CLB Phan Tây Hồ)
9. Nguyễn Đăng Hưng. Giáo sư danh dự Đại học Liege, Bỉ. Sống ở Sài Gòn
10. Trần Tiến Đức, Nhà báo độc lập, đạo diễn truyền hình và phim tài liệu, Hà Nội
11. Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ, Hà Nội
12.André Menras-Hồ Cường Quyết, Nhà giáo Pháp Việt, TV CLB LHĐ, Pháp.
13. Hà Văn Thùy, Nhà văn, Sài Gòn
14. Phan Đắc Lữ, Nhà thơ, TV CLB LHĐ
15. Nguyễn Ngọc Lãnh - Nguyên GS học Y Hà Nội, NGND
16. Nguyễn Thị Khánh Trâm, Hưu trí, Sài Gòn
17. Kha Lương Lợi, Hưu trí, Sài Gòn
18. Võ Văn Thôn, nguyên GĐ Sở Tư pháp TPHCM, TV CLB LHĐ, SG
19. Nguyên Ngọc, Nhà văn, Hội An
20. Phan Hồng Giang, TSKH, Hà Nội
21. Tôn Quang Trí, cán bộ hưu trí - nguyên PGĐ sở Công nghiệp tp HCM
22. Huỳnh Sơn Phước, Nhà báo, nguyên Phó TBT báo Tuổi Trẻ, TV CLB LHĐ
23. Tô Linh Giang, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội
24. Tô Lê Sơn, Kỹ sư, TV CLB LHĐ, SG
25. Nguyễn Phú Yên, hưu trí, Sài Gòn
26. Trần Hữu Quang, PGS-TS xã hội học, Sài Gòn
27. Võ Văn Tạo. Nhà báo tự do. Nha Trang, Khánh Hòa
28. Mã Lam, Nhà thơ, Sài Gòn
29. Hà Quang Vinh, hưu trí ở tại Q11
30. Phan Quốc Bình, Nhà thơ, TP Vinh -Nghệ An
31. Nguyễn Thái Minh, Kinh Doanh, Nha Trang
32. Vương Quốc Toàn - Nhiếp ảnh gia ở tại Hải Phòng
33. Nguyễn Công Hiệp, Kinh doanh, Sài Gòn
34. Inrasara, Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, Sài Gòn
35. Nguyễn Kế Quang, KSXD, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
36. Nguyễn Trọng Bách, Kĩ sư, Nam Định
37. Trương Minh Thủy, người lao động, quận Tân phú, TPHCM
38. Đỗ Duy, Chuyên viên kỹ thuật, Bà Rịa - Vũng Tàu
39. Trần Vũ Việt Trung, Kỹ sư cơ khí, TP HCM
40. Trần Thế Việt, nguyên Bí thư Thành ủy, Tp.Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng.
41. Nguyễn Thanh Trúc, KD, Hà Nội
42. Trần Đăng Quang, quản lý tại dịch vụ, Hà Nam
43. Phạm Đình Trọng, Nhà văn, Thành viên CLB Lê Hiếu Đăng
44. Nguyễn Tiến Dân, giáo viên, Hà nội
45. Trần Trung Hậu, Giảng viên, TP.HCM
46. Nguyễn Văn Lịch, nghỉ hưu, phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội.
47. Hồ Quang Huy, Cty CP Đường sắt Phú Khánh, Nha Trang.
48. Phạm Mai Hiền, Hà Nội
49. Kha Lương Ngãi, nhà báo, nguyên Phó TBT báo Sài Gòn Giải Phóng, TV CLB LHD
50. Thuỳ Linh, Nhà văn, Hà nội
51. Đinh Văn Chinh, Nhà văn ở Hà Nội
52. Ngô Kim Hoa (Sương Quỳnh) - Nhà báo tự do - Sài Gòn
53. Lại Thị Ánh Hồng - Nghệ Sĩ - Sài Gòn
54. Cao Lập, Hưu trí, California, Hoa Kỳ
55. Trần Thanh Cảnh, Nhà văn, Hà Nội.
56. Nguyễn Hải Sơn, Công nhân, Cộng hòa liên bang Đức
57. Phan Quốc Tuyên, Kỹ sư tin học, Genève, Thụy Sĩ
58. Mai Thanh Sơn PhD, Viện KH & XH; XH vùng Trung bộ-Viện Hàn lâm KH-XH VN
59. Nguyễn Khắc Bình, Kỹ sư, Q.Tân Binh, TP.HCM
60. Tô Minh Chánh, Sài Gòn
61. Hồ Ngọc Nhuận, nhà báo Sài Gòn, thành viên CLB LHĐ
62. Đỗ Anh Tài, cựu giáo chức Sài Gòn – VNCH
63. Nguyễn Tuệ Hải, Hưu trí, Canberra-Australia
64. Nguyễn Lương Thịnh, Hưu trí, Q.Thủ Đức ,Tp HCM
65. Lê Khánh Luận TS, nguyên giảng viên Đại học Kinh tế Tp.HCM, TV CLB LHĐ
66. Vũ Trọng Khải, PGS TS, nguyên Hiệu trưởng Trường QLCB, Bộ
NN&PTNT, TPHCM, TV CLB LHĐ.
67. Vũ Thư Hiên, Nhà văn, Pháp
68. Trần Công Thạch, Nhà giáo về hưu, Quận 5, Tp HCM
69. Nguyễn Chí Công, TS, Hà Nội
70. Lê Văn Tâm, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản
71. Nguyễn Trọng Hùng, P.Đông Vệ, Tp.Thanh Hóa
72. Trần Tư Bình, Cựu giáo viên, Sydney - Australia.
73. Đoàn Khắc Xuyên, Nhà báo, Tp HCM.
74. Nguyễn Văn Đức, San Jose, California. USA
75. Phạm Thế Cường, Chủ nhiệm CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng.
76. Nguyễn Hồng Kiên, Nghiên cứu viên, Hà Nội.
77. Trần Khuê, chuyên gia NC Văn hoá, TP.Hồ Chí Minh
78. Nguyễn Xuân Thọ, Kỹ sư truyền thông, 50858 Cologne - CHLB Đức.
79. Võ Xuân Tòng, hội viên Hội nhà văn Hà Nội, hiện cư trú Sài Gòn
80. Dương Khánh Lâm, Kỹ thuật, Q.10-Tp.HCM
81. Thái Kế Toại, Nhà văn, Đại tá an ninh Bô Công an
82. Đặng Bích Phượng, Hưu trí, ở Hà Nội
83. Phạm Nguyên Trưởng, Dịch giả, Vũng Tàu
84. Hà Trọng Tấn, TV CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn
85. Nguyễn Thị Kim Chi, NSUT - TV CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn
86. Nguyễn Nguyên Bình – Nhà văn, Hà Nội
87. Mạc Văn Trang, TS Tâm lý học, Hà Nội
88. Nguyễn Kim Khánh, Nhà báo, Tạp Chí Thương Gia
89. Lương Cao Nam Khánh, Hưu trí, Sài Gòn
90. Lê Trần Nhật Quân, Kỹ Sư, Bắc Ninh

Đợt 2

91. GS Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã Hội Học VN, Sài Gòn
92. Bến Văn Nguyên, viết văn
93. Trần Ngọc Sơn, Kỹ sư, Pháp
94. Nguyễn Thanh Hằng, Dược sĩ, Pháp
95. Nguyễn Tường Thụy, nhà báo độc lập, Hà Nội
96. Vinh Anh, CCB, Đống Đa-Hà Nôi
97. Đỗ Thị Bắc Giang, Kế toán, Quận 1
98. Nguyễn Mai Oanh, Sài Gòn
99. Nguyễn Quang Nhàn, CB Hưu trí-Đà Lạt
100. Lê Thị Phương Mai, q.Hai Bà Trưng, TP Hà Nội
101. Trương Minh Tuấn, Kinh doanh tự do, Tp. Biên Hoà. Đồng Nai
102. Trần Viết Tuyên, kiến trúc sư, Hamburg, CHLB Đức
103. Phạm Duy Hiển; CCB phường hội thương, Tp pleiku
104. Đặng Doan - kinh doanh, ở Gia Nghĩa, Đăk Nông
105. Hoàng Dũng, PGS TS, TP HCM
106. Nguyễn Tâm, Kỹ sư Cơ điện. Tp HCM
107. Nguyễn Giáng Vân, nhà thơ, Hà Nội
108. Huỳnh nhật Hải, hưu trí-Dalat
119. Huỳnh nhật Tấn,hưu trí –Dalat
110. Lê Thăng Long, Cựu TNLT, tư vấn quản trị chiến lược, Sài Gòn.
111. Trần Kế Dũng Electrolux  Australia
112. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội
113. Đặng Thị Hảo, TS Văn học, Hà Nội
114. Nguyễn Đình Nguyên, TS Y khoa, Australia
115. Chu Sơn  - nhà thơ tự do - Thủ Đức - Sài Gòn
116. Nguyễn Thị Kim Thoa - Bác sĩ - Thủ Đức - Sài Gòn
117. Trần Hưng Thịnh, Kỹ sư,đã nghỉ hưu, Hà Nội
118. Ngô Thị Kim Cúc, Nhà văn- Nhà báo, Sài Gòn
119. Phạm Ngọc Trường, Tours FRANCE
120. Võ Ngọc Ánh, Cựu phóng viên, bang Washington, Hoa Kỳ.
121. Nghê Lữ, Phóng Viên, San Jose, California, Hoa Kỳ
122. Ý Nhi, Nhà văn, TP HCM
123. Trần Công Tâm, hưu trí, sài gòn
124. Nguyễn Đông Yên, Giáo sư Toán học, Hà Nội
125. Mai Thái Lĩnh, nhà nghiên cứu, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt.
126. Huỳnh Ngọc Chênh, Nhà báo, Sài Gòn
127. Đoàn Nhật Hồng, nguyên Giám độc Sở GDĐT Lâm Đồng, hưu trí ở Đà Lạt
128. Lưu Hồng Thắng -công nhân - Hoa Kì
129. Nguyễn Thị Ngọc Trai, Nhà văn - nhà báo, Hà nội.
130. Văn Hiền, Lập trình viên, Bình Thuận
131. Nguyễn Đào Trường, Hưu trí, Hải Dương
132. Hà Trần Phương, Hà Nội
133. Nguyễn Quốc Thắng, Hà Nội.
134. Nghiêm Sỹ Cường, Kinh doanh, Hà Nội
135. Nguyễn Anh Tuấn, Giáo viên, Nha trang
136. Trần Quốc Trọng, Diễn viên, đạo diễn điện ảnh, Hà Nội
137. Trần Vũ Việt Trung, Hà Nội
138. Vũ Ngọc Tiến, Nhà văn, Hà Nội
139. Trần Thanh Cảnh, Nhà văn, Hà Nội
140. Hà Thúc Huy, TS Hóa học, Sài Gòn  
141. Nguyễn Trọng Hoàng, Bác sĩ, Paris – Pháp
142. Nguyễn Huỳnh Giang, Kỹ Sư, Bạc Liêu
143. Lê Hữu Trí, Công nhân, Sài Gòn
144. Hồ Minh Di, Giáo Viên nghỉ hưu, Tây Ninh
145. Nguyễn Minh Phụng, Nhà Thơ – Họa Sỹ, Bình Dương
146. Ngô Gia Kiều, Kinh doanh tự do, Bình Dương
147. Lê Nam Hà, Hưu trí, Sài Gòn
148. Lê Nam Long, Hưu trí, Sài Gòn
149. Cao Văn Lộc, Diễn viên, Lâm Đồng
150. Sầm Tú Lâm, Nghệ nhân, Sài Gòn
151. Đỗ Thị Nga, Kinh doanh tự do, Đồng Nai
152. Đồng Văn Nam, Luật gia, Bình Phước.

Đợt 3

153. Linh mục Đặng Hữu Nam, Đại diện Giáo xứ Mỹ Khánh, Giáo phận Vinh
154. Nguyễn Huy Chương, Nhà báo, Hà Nội
155. Lê Hữu Trí, Giảng Viên đại học, Sài Gòn
156. Nguyễn Văn Trí, Công nhân, Perth bang Western Australia
157. Phạm Thị Lan, Công nhân, Sài Gòn
158. Nguyễn Hoàng Sơn, nhà hoạt động xã hội, Hà Nội
159. Hoàng Mười, Cán bộ hưu trí, Hà Nội.
160. Ks Doãn Mạnh Dũng, Hưu trí, Tp HCM
161. Lý Minh Trí, giáo viên, Albury, Australia
162. Võ Ngàn Sông, Viết báo, San Diego,Hoa Kỳ
163. Vũ Linh Huy, Bác sĩ , Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ.
164. MS Nguyễn Hoàng Hoa, Hội Trưởng Giáo Hội Cộng Đồng LuTheran VN-HK.
165. Nguyễn An Cơ, cán bộ hưu trí, Sài Gòn
166. Hồ Minh Lan, công nhân, Sài Gòn
167. Lê Bảo Toàn, kinh doanh tự do, Đà Lạt
168. Nguyễn Danh Thành, họa sĩ, Vĩnh Long
169. Chánh Trị Sự, Hứa Phi. Cao Đài – Lâm Đồng
170. Lê Quang Hiển/Chánh Thư ký BTS Trung Ương- GH.Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý
171. Nguyễn Đạt Dũng, giáo dân, Sài Gòn
172. Lý Thị Lan Anh, công nhân, Sài Gòn
173. Bùi Văn Giang, Giảng viên đại học, Huế
174. Đào Minh Châu, Tư vấn Hành chính công & Chính sách công, Hà nội
175. Lê Phước Sinh, Lao động tự do, Sài Gòn
176. Ngụy Hữu Tâm, dịch giả, Hà Nội
174. Huỳnh Đắc Khương, Cao Đài, Tây Ninh
175. Lý Đình Lộc, Cao Đài, Tây Ninh
176. Nguyễn Minh Luyện, tài xế, Long An
177. Phạm Phú Nhân, kỹ sư sinh học, Sài Gòn
178. Mai Duy Cẩn, Bác sĩ đa khoa, Cần Thơ
179. Giáp Bình An, hưu trí, Hà Nội
180. Vũ Trần Luân, Dịch giả, Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét