Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

20190729. BÀN VỀ ĐỀ ÁN THU HÚT NHÂN TÀI

ĐIỂM BÁO MẠNG

'ĐÂU CỨ PHẢI ĐẢNG VIÊN THÌ MỚI LÀ NHÂN TÀI, TRỌNG DỤNG HỌ LÀ ĐÚNG ĐẮN'

TRINH PHÚC/GD 21/7/2019

Ngày 17/7, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” và Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, có nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước, họ đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách này trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, phát biểu tại hội thảo khoa học "Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công" - nguồn Bộ nội vụ.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài còn một số hạn chế, bất cập như: chưa có văn bản quy phạm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; chưa được thực hiện một cách đồng bộ, còn tùy thuộc vào khả năng của từng bộ, ngành, địa phương; các chính sách chủ yếu thu hút những người có trình độ cao về bằng cấp…
Vì vậy, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài;
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về “tìm người tài đức”
Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước [1].
Quan điểm trọng dụng nhân tài không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài của Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” là một quan điểm tiến bộ.
Xung quanh quan điểm mới này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, ông rất ủng hộ quan điểm tiếp cận của đề án này.
Bởi theo ông Lê Quý Đức: “Đâu cứ phải Đảng viên thì mới là nhân tài. Bất cứ người Việt Nam nào dù trong nước hay nước ngoài nếu có tài năng và đức độ, có lợi cho đất nước, cho nhân loại thì được trọng dụng không cần phải là Đảng viên.
Theo Phó Giáo sư Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) thì quan điểm thu hút nhân tài không phải là Đảng viên, người Việt Nam ở nước ngoài là đúng đắn (ảnh nguồn giaoduc.net).
Cha ông ta ngày xưa bao nhiêu nhân tài như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Trãi … đâu có ai là Đảng viên.
Do đó, Bộ Nội vụ đưa ra như vậy là đúng”.
Để thu hút nhân tài Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng, phải làm sao để người tài phát huy được tài năng.
“Tất nhiên, những người tài phải là người chân chính và hết lòng hết sức với đất nước và cũng phải thông cảm với đất nước.
Đất nước cũng cần tạo điều kiện cho nhân tài phát triển, đóng góp cho đất nước cho nhân loại.
Nhân tài chân chính cũng phải biết khó khăn cho đất nước và nhân dân.
Tài đức phải đi liền với nhau và tài ấy mới đáng tôn vinh” - thầy Lê Quý Đức nhấn mạnh.
Cùng với đó, đánh giá thực trạng các chính sách thu hút, trọng dụng cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị, địa phương và các nhóm giải pháp nhằm thu hút và trọng dụng nhân tài.Được biết, đề cương Đề án: “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”  gồm 05 phần, nội dung khái quát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài; kinh nghiệm trọng dụng nhân tài của thời kỳ phong kiến ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.
Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây đựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ;
Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, từ đó nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện việc thu hút, trọng dụng nhân tài mang lại hiệu quả.
Cùng với đó, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút, trọng dụng nhân tài;
Góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tài trong các cơ quan của Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở.
Tài liệu tham khảo: 1. //www.moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/hoi-thao-khoa-hoc-chien-luoc-thu-hut-trong-dung-40913.html
Trinh Phúc
ĐÁNH GIÁ, NHẬN DIỆN NHÂN TÀI QUA BẰNG CẤP ĐÃ LỖI THỜI RỒI !
ĐỖ THƠM ghi/ GDVN 25-7-2019
Vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong khu vực Nhà nước đã được bàn thảo nhiều năm qua, tuy nhiên đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Kim Sơn – nguyên Trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia) đã phân tích 3 yếu tố quan trọng về nhân tài.
"Điều đầu tiên chúng ta phải xác định cụm từ mà chúng ta gọi là “nhân tài” là người như thế nào đối với Nhà nước?
Theo Tiến sĩ: “Nhà nước cần người như thế nào để thực thi “đúng, đủ, tốt” rồi nâng dần lên tốt hơn, tốt hơn nữa, đáp ứng đủ yêu cầu của hiện tại và cả đòi hỏi trong thời gian tiếp theo.
Đừng để như trường hợp ông Đinh La Thăng đưa lên tới làm Ủy viên Bộ Chính trị nhưng ít sau đó bị khởi tố. Thế là hỏng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Kim Sơn nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Kim Sơn. Ảnh: thuongtin.hanoi.gov.vn
Nhân tài là người mà Nhà nước cần để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà nước, của từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức bộ máy. Người đó phải đáp ứng "đúng, đủ, tốt" yêu cầu của hiện tại và đáp ứng "đúng, đủ, tốt" cho cả tương lai.
Vấn đề thứ hai là phải nhận diện được nhân tài. Có hai bước để tiếp cận vấn đề này.
Bước thứ nhất là phải nhận diện được ở đâu, nơi nào có người mà Nhà nước, bộ máy đang cần.
Muốn nhìn ra được, chúng ta phải "thử đoán" xem ai có khả năng, tiềm năng làm được “đúng, đủ, tốt” các yêu cầu của Nhà nước. Đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam cũng như của thế giới, các doanh nghiệp… nhìn ra được tiềm năng của người làm được ra những điều chúng ta cần.
Muốn nhìn ra nhân tài thì phải có cái gì có thể nhìn ra được. Chúng ta gọi đó là các tiêu chí, tiêu chuẩn để nhìn. Đây cũng là thách thức lớn.
“Vừa rồi, chúng ta mới đưa ra được một vài tiêu chí như Kết luận 86/KL-TW, Nghị định 140 mới đưa ra 1, 2 tiêu chí như thủ khoa, tốt nghiệp xuất sắc, người có nghiên cứu, có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế…ta tạm gọi đó là người có tiềm năng.
Nếu chỉ xem xét khía cạnh trên là không đủ, thế giới họ có rất nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn khác.
Nhiều nơi họ xây dựng 100 tiêu chí…đó là những đặc điểm của người có khả năng làm việc tốt.
Tôi nhớ trước kia cơ quan có trách nhiệm từng có đề xuất tiêu chí như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm trở lên.
Đề xuất này sau vứt đi, với cách đánh giá cán bộ công chức, viên chức như thời gian qua thì gần như 100% cán bộ đều đạt. Thế là hỏng.
Nếu cán bộ đều tài giỏi thì sao có lo ngại về số lượng cán bộ sáng cắp ô đi tối cắp ô về?”, Tiến sĩ Sơn nói.
Theo ông, thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu tiêu chí để nhận diện người có tiềm năng đáp ứng "đúng, đủ, tốt" nhiệm vụ của Nhà nước, các đơn vị, tổ chức.
“Việc đánh giá, nhận diện qua bằng cấp là đã vứt đi rồi. 20 tổ chức lớn trên thế giới như Apple, Google…đã không quan tâm đến việc người làm việc cho họ học đại học hay không. Họ chỉ cần tuyển người làm được công việc họ cần, yêu cầu”, Tiến sĩ Sơn chia sẻ.
Tìm ra được người có tiềm năng rồi nhưng không phải kéo họ về làm việc ngay mà theo Tiến sĩ Sơn phải trắc nghiệm, xem xét họ có hội nhập được với cơ quan, tổ chức bộ máy Nhà nước không.
Vấn đề thứ ba là giữ chân được họ, phát triển họ để đúng là hôm nay họ "đúng, đủ, tốt" theo yêu cầu , sau là "đúng, đủ, tốt" cho yêu cầu 3,5,10 năm sau.
Đây cũng là một thách thức của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, bộ máy nào trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.
“Nếu sử dụng không khéo, môi trường làm việc không hấp dẫn thì dù trả lương cao họ vẫn đi.
Có nhiều người nhấn mạnh đến tiền lương trong việc thu hút, giữ chân nhân tài.
Đúng là tiền lương quan trọng nhưng tất cả các học giả viết về những người có tiềm năng trên đều nhấn mạnh đến người tài mong muốn môi trường làm việc tốt.
Nhưng yếu tố tiền lương không phải là “mấu chốt, là khóa” để giữ họ ở lại”, Tiến sĩ Sơn phân tích.Môi trường làm việc có 10-15 yếu tố thì trong đó có yếu tố tiền lương.
Bên cạnh đó, nếu người tài được phát hiện, thể hiện được hiệu quả thì bất cứ lúc nào cũng có người “đi săn” họ. Đối xử với họ không tốt, không có cơ hội phát triển, không thoải mái thì họ cũng đi.
Vì thế thu hút họ rồi thì bố trí công việc, phân công công tác phải hợp lý, đúng khả năng của họ. Làm sao để họ phát triển được con người, khả năng của họ.
“Xem xét tổng thể trong việc thu hút nhân tài thì thách thức là phải xác định rõ nhân tài trong một tổ chức là người mà tổ chức cần.
Nhà nước cần ở lĩnh vực nào thì xác định rõ để thu hút người mình cần. Bước tiếp theo là phải nhận diện được người có tiềm năng.
Cuối cùng là phải sử dụng họ hiệu quả. Nếu 3 yếu tố này làm được rõ, làm tốt thì mới thay máu được đội ngũ cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà chúng ta đã nhắc đến nhiều thời gian qua”, Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.
Đỗ Thơm
NGƯỜI TÀI LÀM VIỆC NƯỚC THÌ PHẢI TRÁCH NHIỆM, TINH THẦN DÂN TỘC VÀ CÓ TRÍ TUỆ
TRINH PHÚC / GD 27-7-2019
Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” Bộ Nội vụ đang chủ trì soạn thảo lấy ý kiến để trình Chính phủ đang thu hút sự quan tâm của tầng lớp nhân sĩ, trí thức.
Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước” – cho thấy được sự cấp tiến trong việc nhìn nhận và phát huy thế mạnh vai trò của con người Việt Nam trong thời đại mới.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (ảnh nguồn quochoi.vn).
Xung quanh quan điểm này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hòa, (đại biểu đoàn Đồng Tháp).
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa thì chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam cần thiết phải mở rộng, nhất thiết không phải là người trong Đảng mà cần thu hút người ngoài Đảng, những người Việt Nam ở nước ngoài có tinh thần dân tộc, yêu nước.
Việt Nam đang trong thời kỳ mở cửa hội nhập với bè bạn quốc tế, năm châu nên việc thu hút nhân tài để phục vụ, cộng sự cho đất nước, cho nhân dân là tất yếu.
“Tôi cho rằng, đây là việc hệ trọng để phát triển kinh tế của Việt Nam lâu dài, củng cố nâng cao vai trò, vị trí của hệ thống chính trị của Việt Nam” – đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa khẳng định.
Do đó, theo ông Hòa: “Chính sách thu hút nhân tài ngoài thành phần là cán bộ, Đảng viên thì cần có người ngoài Đảng.Cũng theo vị này, hiện trong các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có rất nhiều là nhân sĩ trí thức, rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, có những người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên nhưng họ là người ngoài Đảng.
Nhưng những người ngoài Đảng phải là những người có trách nhiệm cao, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, nhiệt huyết để giúp cho Việt Nam, cùng với Việt Nam, Chính phủ Việt Nam xây dựng kinh tế.
Thu hút nhân tài mà chỉ thu hút người trong Đảng không có người ngoài Đảng là bỏ sót nhân tài.
Cho nên quan điểm của Bộ Nội vụ - “Trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài” thì tôi rất ủng hộ".
Để thu hút nhân tài, vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh: “Hệ thống chính trị của chúng ta cần đổi mới hơn nữa.
Phải tìm và phải biết nhân tài đó là người giỏi chuyên môn, có tâm huyết.
Nhân tài thực sự khi tuyển dụng không cần phải thi tuyển mà tuyển thẳng vào các cơ quan nhà nước, các tập đoàn nhà nước. Cải cách chế độ chính sách tiền lương đãi ngộ xứng đáng để giữ chân người tài”.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh quan điểm mới này, Phó Giáo sư Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, ông rất ủng hộ.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về “tìm người tài đức”
Bởi theo ông Lê Quý Đức: “Đâu cứ phải Đảng viên thì mới là nhân tài. Bất cứ người Việt Nam nào dù trong nước hay nước ngoài nếu có tài năng và đức độ, có lợi cho đất nước, cho nhân loại thì được trọng dụng không cần phải là Đảng viên.
Cha ông ta ngày xưa bao nhiêu nhân tài như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Trãi … đâu có ai là Đảng viên.
Do đó, Bộ Nội vụ đưa ra như vậy là đúng”.
Để thu hút nhân tài Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng, phải làm sao để người tài phát huy được tài năng.
“Tất nhiên, những người tài phải là người chân chính và hết lòng hết sức với đất nước và cũng phải thông cảm với đất nước.
Đất nước cũng cần tạo điều kiện cho nhân tài phát triển, đóng góp cho đất nước cho nhân loại.
Nhân tài chân chính cũng phải biết khó khăn cho đất nước và nhân dân.
Tài đức phải đi liền với nhau và tài ấy mới đáng tôn vinh” - thầy Lê Quý Đức nhấn mạnh.
TRINH PHÚC

SỢ NHẤT, HÔM NAY GIAO AI XÁC ĐỊNH NGƯỜI TÀI, HÔM SAU CON, CHÁU HỌ THÀNH NHÂN TÀI

ĐỖ THƠM/ GDVN 28-7-2019

Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” và Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, có nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước, họ đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách này trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Thực tế này đã được nhiều chuyên gia nêu ra từ lâu.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn. Ảnh: Hữu Chí
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, chủ trương thu hút người tài cho đất nước có mấy trăm năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới có.
Nói vậy để thấy ngày xưa các cụ đã chú ý đến điều đó. Ngay Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra và vận dụng rất tốt, rất hay chủ trương này từ khi thành lập Nhà nước mới.
"Hiện nay, nói thu hút nhân tài thì ai cũng ủng hộ cả nhưng đi sâu vào thực hiện thì lại rất lúng túng, có khi lại bị lợi dụng, bẻ cong, xuyên tạc.
Có mấy vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách này. Đầu tiên phải xác định rõ thế nào là nhân tài? Ai là người xác định nhân tài? Cơ chế, chính sách để thu hút, mời gọi người ta vào đóng góp, cống hiến như thế nào? Và môi trường, vị trí làm việc ra sao?
Nếu đã là nhân tài thì cần xác định rõ là thu hút người đó vào chỗ nào, vị trí nào? Cái này liên quan đến xác định vị trí việc làm trong bộ máy chứ không thể chung chung được. Nôm na là đúng người, đúng chỗ", Tiến sĩ Sơn nói.
Theo Tiến sĩ Sơn, vấn đề nữa là cách thức, cơ chế sử dụng. Nhân tài là người giỏi. Nhưng nhân tài nhiều khi cũng khá vụng về, ngây ngô trong ứng xử đời thường.
Thậm chí, có khi họ thường có những biểu hiện khác thường (theo chuẩn đánh giá chung của một tập thể hay nhóm người nào đó) “Khác người”,“ Chí khí” hay“ Ngạo khí” cũng là ở đây dù không phải tất cả đều như vậy.
Nhưng Nhân tài rất cần có không gian, môi trường thuận lợi cho họ tồn tại và cống hiến. Cần cho người ta cơ chế làm việc phát huy tối đa tư chất, trình độ cá nhân chứ đừng khống chế bằng các cơ chế hành chính thông thường.
Mặt khác, phải có cơ chế chính sách để người được thu hút yên tâm phục vụ. Họ phải được đánh giá, đãi ngộ xứng đáng như được trả lương đúng với năng lực cống hiến, đúng cho người có đóng góp xuất sắc,“nhả những sợi tơ vàng”.
Vậy họ mới yên tâm, có điều kiện để phục vụ, cống hiến tốt cho xã hội, cho Nhà nước. Cần nói thêm cho rõ là điều quan trọng không chỉ nhăm nhăm vào lương cao.
"Lương lậu chỉ là một trong nhiều yếu tố để thu hút và giữ được nhân tài.
Có khi là sự tôn trọng, thái độ thực sự cầu thị của tập thể, của người trực tiếp sử dụng lại là quyết định". Tiến sĩ Sơn nói.
Theo ông, chủ trương này tốt, điều đó không cần phải bàn. Cái khó nhất bây giờ là thực thi nó.
“Vậy bây giờ ai xác định nhân tài? Sợ nhất giao cho ai xác định nhân tài hôm trước, hôm sau họ đưa con cháu ông vào bảo đấy là nhân tài.
Cái quan trọng nhất, khó nhất là đặt đúng, nêu trúng các tiêu chí thế nào là “ Nhân tài”. Có tiêu chí chung, nhưng cũng có tiêu chí rất cụ thể, đặc định, riêng biệt ở từng công việc, từng vị trí.
Có những trường hợp không phải nhân tài, đồng nghiệp đều biết cả, nhưng “đấu tranh”,” kỳ đà cản mũi” có khi lại thành không biết “tránh đâu”, vì đụng chạm đến lợi ích riêng chi phối.
Ta đã có nhiều ví dụ về thực trạng này rồi", Tiến sĩ Sơn chia sẻ.
Ông nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt nhất vẫn là ở yếu tố con người. Ở những người cầm chịch trong thực hiện chủ trương này.
Nó bị lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu chi phối, quyết định hành vi của người thực hiện”, Tiến sĩ Sơn đánh giá.“Hiện nay, theo tôi, không chỉ riêng trong vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài mà ở đa số các chính sách khác thì dở nhất là việc thực thi.
Ông chia sẻ thêm: “Nhiều người cho rằng với cơ chế, điều kiện hiện nay bị ràng buộc bởi quá nhiều thứ, thì “ Siêu nhân tài” có vào trong các cơ quan Nhà nước cũng khó sống, khó tồn tại, sớm muộn rồi cũng bị bật ra thôi bởi nếu không bị vướng cái này, cũng bị vướng cái khác.
Thậm chí bị phe nhóm cô lập, vô hiệu hóa, bị cài bẫy, bị “khoanh”, không thể làm được gì.
Trái lại, những thứ kiểu như “Hòa đại nhân”, uốn éo, xoay xở, nịnh bợ lại có cơ phát triển, leo cao, luồn sâu. Thực tế vừa qua có nhiều vụ việc xảy ra đã chứng minh rằng nhận định này, lo lắng này không phải không có căn cứ.
Vấn đề mấu chốt vẫn là ở “Yếu tố con người thực thi”".
Đỗ Thơm
TÀI ĐẾN MẤY MÀ KHÔNG ĐƯỢC TRỌNG DỤNG THÌ CŨNG VỨT

ĐỖ THƠM / GDVN 29-7-2019


Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, có 2 điểm nghẽn lớn hiện nay trong vấn đề thu hút, sử dụng nhân tài ở khu vực công. Đó là nhận thức thế nào là nhân tài và sử dụng nhân tài.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet
“Thế nào là nhân tài?. Theo tôi đầu tiên phải hiểu tài là thế nào. Rõ ràng, tài học hành và tài làm việc là khác nhau.
Chúng ta mới đang thiên về tài học hành. Tức là nhận ra người tài qua bằng cấp, bằng bằng cấp.
Như vừa qua chúng ta có các chính sách thu hút, trọng dụng những người là thủ khoa xuất sắc, các hay nhà khoa học…vào khu vực công làm việc.
Những người là tiến sĩ, thậm chí hơn cả tiến sĩ đi nữa đó mới là tài về học hành.
Ở đây, chúng ta nói về những người học giỏi thật, bằng cấp thật nhưng đó mới chỉ là học tài”, Tiến sĩ Chức nhấn mạnh.
Theo ông, đúng là học tài phải khuyến khích sử dụng. Những người học tài làm việc thực tế trong bộ máy, các cơ quan, đơn vị Nhà nước chắc chắn họ phát huy được tài ngay lập tức trong làm việc khi được giao đúng chuyên môn.
“Tuy nhiên, nếu những người học tài mà cho làm quan chức ngay thì chưa tài được đâu.
Có những người chưa làm công chức, viên chức ngày nào mà bổ nhiệm luôn trưởng phòng hay vụ phó, vụ trưởng thì theo tôi là sai ngay trong nhận thức về người tài.
Điều này làm nảy sinh chuyện một tiến sĩ khoa học giỏi nhưng lại là một nhà quản lý tồi.
Người ta tài trong học hành nhưng chưa biết là có tài hay không trong quản lý, hoạt động thực tiễn. Vì vậy phải có thời gian, tạo điều kiện cho người học tài thể hiện.
Tôi tin rằng phần lớn người đã có tài trong học hành thì sẽ có tài khi làm việc ở đúng vị trí chuyên môn như được đào tạo”, Tiến sĩ Chức nêu quan điểm.
Vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Phải đúng ngành nghề, đúng chuyên môn. Nếu tài cấy mà cho sang tài cày thì học tài mấy cũng không làm tốt được”.
Vấn đề này liên quan đến chuyện sử dụng nhân tài. Lâu nay, chúng ta thu hút nhân tài bằng căn hộ, lương, tuyển đặc cách, thậm chí bổ nhiệm có cấp bậc luôn. Chúng ta gọi đó là trọng dụng nhân tài.
Theo tôi cái quan nhất là người tài được trọng dụng.“Đã là tài thực thường đi liền với đức thì người ta lại không xem đó là điều quan trọng nhất.
Trọng dụng bằng lương tiền, căn hộ, cấp bậc chỉ là một phần của trọng dụng, trọng dụng còn là lắng nghe ý kiến khác lạ, tài của người ta. Trọng dụng các sáng kiến của họ, cho phép áp dụng vào thực tiễn.
Có thể có cái thành công và không thành công. Nếu thành công thì là xuất sắc. Đấy gọi là sử dụng nhân tài đúng.
Phải nhận thức rõ thế nào là tài, sử dụng nhân tài cho đúng. Làm được 2 điều này mới gỡ điểm nghẽn về chuyện sử dụng, bồi dưỡng, phát triển người tài vào khu vực công.
Nếu các chính sách như cũ tôi e rằng người tài rồi cũng chạy đi”, Tiến sĩ Chức bày tỏ băn khoăn.
Ông cho rằng, người tài cũng phải sống trong một xã hội bình thường, sống như những người bình thường khác.
Người tài đích thực rất thích sống được bình thường như tất cả mọi người và công hiến những điều xuất sắc cho xã hội. Đó là người tài đích thực. Còn nhân tài dởm thì thường khoa trương, hô hào ầm ĩ.
“Chúng ta đôi khi là người chưa tài đo bụng người tài để ứng xử thì rất khó chính xác.
Vì vậy, cá nhân tôi mong rằng, sắp tới các chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài sẽ có những đột phá để khu vực công sẽ có nhiều cán bộ giỏi vì dân, vì nước làm được nhiều điều xuất sắc”, ông nói.
Đỗ Thơm

LẠM BÀN VỀ 'CHIẾN LƯỢC NHÂN TÀI'
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 8-8-2019
Trong công cuộc phát triển, VN tuy có đạt vài kết quả về kinh tế, nhưng đã phạm phải một số sai lầm và gặp nhiều bế tắc. Một trong những nguyên nhân chính là “thiếu nhân tài”, đặc biệt là ở cấp chiến lược. Vì thế mà ĐCS loay hoay với việc “Quy hoạch CB”. Gần đây Bộ Nội vụ lại làm đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút trọng dụng nhân tài”. (gọi tắt là Chiến lược nhân tài).
Ngày 5/6/2019, ra Quyết định số 470/QĐ-BNV 2019 về “Chiến lược nhân tài”
Ngày 17/7- tổ chức Hội thảo khoa học về “Chiến lươc nhân tài”, công bố thành lập Ban chỉ đạo, gồm 12 thành viên do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân làm trưởng ban. Dự kiến tháng 10/2019 sẽ trình Dự thảo lên Thủ tướng. Kế hoạch thực hiện từ năm 2020 đến 2025.
Tìm hiểu kỹ về Quy hoạch CB của ĐCS và Chiên lược nhân tài của Bộ Nội vụ tôi thấy rằng Đảng và Nhà nước, nếu không thay đổi thể chế chính trị, vẫn theo con đường hiện nay thì không có cách nào tìm và dùng được các nhân tài chân chính.Thường chỉ tìm được những kẻ cơ hội, tuy có bằng cấp này nọ nhưng thiều trung thực, thiếu tài năng, chỉ có nhiều mưu mô. 

Vì sao vây?

Trong Kế hoạch xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia, tiết b, mục 1 (Mục đích) viết rằng: “Đề án bảo đảm đúng quan điểm, đường lối của Đảng,…”. Đường lối đó thể hiện rõ trong Quy hoạch CB. Tôi và nhiều người khác cho rằng Quy hoạch đó phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ (*). Theo đường lối như thế làm sao tìm ra nhân tài.
Phải chăng trong nhân dân Việt Nam không có nhân tài. Không phải ! Không những có mà có nhiều, nhưng những người tài chân chính đã bị Quy hoạch của Đảng loại bỏ ngay từ vòng đầu tiên. Họ bị loại vì không đạt được tiêu chuẩn cơ bản nhất của Đảng là “Tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác Lê”. Một số ra nước ngoài, số khác bị bắt nhốt vào tù hoặc bị trừ khử, số nữa bị quy là thế lực thù địch, là phần thử “Tự diễn biến”, bị chống đối kịch liệt. Riêng những người có bằng cấp cao, có kiến thức sâu rộng, nhưng bưng tai, bịt mắt, ngậm miệng, buông tay trước thế sự thì cũng chưa phải là nhân tài chân chính.
Hội thảo khoa học về Chiến lược nhân tài (HT) do Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa điều hành. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc, bà Lê Minh Hương công bố Chiến lược, các ông TS Dương Quang Tung, GSTS Phạm Hồng Thái, PGSTS Lê Minh Thông đã có các tham luận về phát hiện và sử dụng nhân tài. Tuy rằng trong các tham luận có đề cập một vài ý cần quan tâm như nhân tài rất cần môi trường tự do để hoạt động, để sáng tạo, còn lại trong phần lớn tham luận chỉ trình bày những điều mà những người có hiểu biết thông thường phải thốt lên: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Ngoài ra cũng còn có phát biểu của vài người khác, tập trung ý kiến vào việc ca ngợi và minh họa Chiến lược nhân tài.
Về nhân tài TS Phan Hồng Giang có bài “ Đừng để tiểu nhân trà trộn hãm hại người tài” (GD 30-7-19). Khổ thay cho Nhà nước VN, không phải tiểu nhân trà trộn mà là giữ địa vị then chốt, quyết định. Về hình thức người ta ra nghị quyết, lập chiến lược tìm người tài để sử dụng, nhưng trong thực tế, khi phát hiện được người có thực tài thì họ tìm cách khuất phục, bắt quỳ gối khom lưng, cúi đầu, nếu không khuất phục được thì tìm cách vô hiệu hóa. Một trong những tội ác của đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản là loại bỏ, hủy diệt tầng lớp tinh hoa của dân tộc. Tầng lớp đó phản biện sự độc tài toàn trị chuyên chính vô sản.
Nhân tài sinh ra từ chỗ cha mẹ hấp thu được khí thiêng sông núi hoặc có di truyền tốt. Môi trường gia đình và xã hội là hết sức quan trọng để nhân tài phát triển hoặc bị làm thui chột.
Dân tộc Việt hiện nay, tuy lâm vào môi trường xã hội và chính trị khá bất lợi, tinh hoa bị hủy hoại, nhân tài chân chính bị vùi dập, nhưng khí thiêng sông núi vẫn còn , di truyền tốt vẫn còn, vì vậy nhân tài vẫn tiếp tục được sinh ra, vấn đề là làm sao thay đổi được môi trường để nhân tài phát triển mà không bị hủy hoại.
Phan Hồng Giang cho rằng có nhân tài nhưng không sử dụng được vì sự đánh giá chủ quan, thiếu dân chủ, quyền đánh giá nằm trong tay một số người. Tôi cho rằng điều hết sức quan trọng của đánh giá là trình độ, phẩm chất của người đánh giá chứ không phải số lượng. Không phải “một số người” mà chỉ một người thôi, khi có trình độ và phẩm chất thì vẫn có thể đánh giá đúng. Một số người mà ông Giang nêu ra, phải nói rõ là kém cỏi, tư lợi và độc đoán.
Về thu hút nhân tài, vừa qua Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam công bố sách chuyên khảo “Thu hút kiều dân trình độ cao để phát triển khoa học và công nghệ- Lý luận chung, thực tiễn Hàn Quốc và hàm ý cho Việt Nam” (NXB Khoa học xã hội 2019). Tôi đã viết bài phản biện, cho rằng nội dung có nhiều sai lầm về cơ bản.
Ngạn ngữ có câu “Đất lành chim đậu”. Đất lành cho nhân tài là môi trường chính trị-xã hội thật sự tự do dân chủ. Với VN bây giờ điều kiện tiên quyết để có môi trường như vậy là cải cách thể chế chính trị, xóa chuyên chính vô sản, từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê, ĐCS trả lại quyền làm chủ cho nhân dân hoặc “Lập Quyền Dân” như Trung tâm Minh Triết chủ trương. Không làm được như thế thì “Chiến lược quốc gia về thu hút trọng dụng nhân tài” chỉ là trò diễn kịch để tuyên truyền mà thôi.
(*)- Tôi đã công bố bài : “Phản biện đường lối cán bộ cộng sản”. Tôi sẵn sàng thuyết minh về tính chất phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học của Quy hoạch CB, xin lấy danh dự và tính mạng để bảo vệ các ý kiến đó.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét