Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

20190718. QUANH ĐỀ XUẤT DÙNG LU CHỐNG NGẬP CỦA PGS HỒNG XUÂN

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHÓ GIÁO SƯ HỒNG XUÂN, NGƯỜI HIẾN KỄ DÙNG LU CHỐNG NGẬP XIN NGHỈ PHÉP DÀI NGÀY

ĐỖ HƯNG /GDVN 16-7-2019

Ngày 16/7, Phó Giáo sư Phan Thị Hồng Xuân – Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa IX, Trưởng khoa Đô thị học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến việc xin nghỉ phép dài ngày của mình.
Phó Giáo sư Hồng Xuân chia sẻ, rất cần nghỉ ngơi sau biến cố quá lớn đối với bản thân.


Phó Giáo sư Phan Thị Hồng Xuân. (Ảnh: Báo Điện tử Sài Gòn Giải Phóng)

Cô Xuân cũng đã có báo cáo với Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh những phát biểu trước Hội đồng nhân dân Thành phố vừa qua.
Phó Giáo sư Hồng Xuân cũng có nói rõ những ý tứ mà dư luận chưa hiểu và phân tích tích cực.
Trước những biến cố này, cô Xuân rất buồn vì bị hiểu sai ý và bị cho là ngớ ngẩn.
Liên quan đến vụ việc, ngày 12/7, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 15, đại biểu Hội đồng nhân dân – Phó Giáo sư Hồng Xuân đã đề xuất trang bị lu nước để chống ngập.
Ngay sau đó, đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội và một số cơ quan truyền thông.   
Đỗ Hưng

CÁI LON TRONG LỜI BÀ CỤC VÀ CÁI LU CỦA BÀ NGHỊ

XUÂN DƯƠNG/ 15-7-2019

“Lon bà Cục” là câu chuyện râm ran từ ngõ hẻm ra đến đường cái quan về lý giải của bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, rằng chữ “lon” “nếu bị thêm dấu thêm mũ trong các quảng cáo ngoài trời sẽ rất khủng khiếp”.
Còn “Lu bà Nghị” là câu chuyện vị Đại biểu Hội đồng nhân dân (đơn vị quận Gò Vấp) Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Hồng Xuân nêu sáng kiến trang bị cho mỗi gia đình chiếc lu to chứa nước mưa để chống ngập cho thành phố.
Được biết vị đại biểu trên có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư và là Phó Trưởng khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghe nói hội trường cuộc họp được phen tỉnh ngủ không biết có phải vì đề xuất rất “xã hội nhân văn” của vị Phó trưởng khoa này hay còn vì lâu lắm cử tri mới thấy được đóng góp của một nhà khoa học cho chính quyền thành phố.
Dụng cụ bằng đất nung dùng để đựng nước có nhiều tên gọi: ang, vại, lu, khạp, vò,…
Về phương diện ngôn ngữ, việc dùng từ “lu” không có gì phải bàn luận trừ trường hợp có những suy luận lệch lạc như chuyện thêm mũ thêm dấu vào chữ “lon” theo lý giải của bà Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở.
Được biết ngoài Bắc, cơ quan cùng “chủng loại” với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh là “Học viện Khoa học xã hội” được báo chí tặng cho cái tên là “lò” ấp tiến sĩ!
Cái “lò ngoài Bắc” đã đào tạo ra vô số tiến sĩ với những đề tài như: “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”; "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”;… 
Dùng cụm từ “Lò ngoài Bắc” để bà con có cái mà mắng mỏ giống như “Lon Việt Nam”, còn nếu viết “Lò ấp tiến sĩ ngoài Bắc” thì “tiến sĩ” nào chẳng viết được.
Có điều, Hội đồng nhân dân thành phố là nơi bàn những vấn đề hệ trọng liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội, đời sống khoảng 10 triệu người, cao hơn nhiều dân số những quốc gia nhỏ như Lào, Mông Cổ, Singapore,… 
Đưa ra sáng kiến hay kiến nghị phải có tính khả thi chứ không phải nói để khỏi bị quy là “nghị gật”.
Để hiểu vì sao những bình luận “bảo vệ” quan điểm của vị Phó Trưởng khoa Nhân học lại bị phản bác trên mạng xã hội, chỉ xin nêu một ví dụ:
Số liệu quan trắc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy trận mưa ngày 25/11/2016 đo được tại quận Tân Bình là 407,6mm, tại trung tâm thành phố là 301mm, huyện Nhà Bè là 345mm, huyện Cần Giờ là 293mm… Bình quân toàn thành phố là 336,5 mm. [1]
Cũng nên biết “lượng mưa” là lượng nước rơi xuống thiết bị hứng nước đặt trong trạm quan trắc.
Lượng mưa 300 mm có nghĩa là nếu đất không thấm nước hoặc nước không thoát ra kênh rạch, ao, hồ thì mặt đất sẽ bị ngập 30 cm.
Số liệu của Tổ chức khí tượng thế giới cho thấy lượng mưa trung bình tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 5 đến tháng 10 từ trên 200 mm đến trên 300 mm (xem bảng)
Tháng123456789101112Cả năm
Lượng mưa (mm)13,84,110,550,4218,4311,7293,7269,8327,1266,7116,543,31.931
Nguồn: Số liệu thống kê của Tổ chức khí tượng thế giới

Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích gần 2.100 km2 tức là khoảng 2,1 tỷ mét vuông, với lượng mưa 0,336 mét thì lượng nước mưa đọng trên mặt đất (ngày 25/11/2016) sẽ vào khoảng 700 triệu mét khối. 
Cứ cho rằng nước thoát ra kênh rạch, ao hồ gần hết, chỉ còn 1/10 đọng trên mặt đất và giả sử mỗi cái lu chứa được 1 mét khối thì theo đề xuất của bà Nghị nọ, Thành phố Hồ Chí Minh cần 70 triệu cái lu để chứa nước. 
Giả sử mỗi cái lu chiếm diện tích 1 mét vuông thì thành phố phải dành ra 70 triệu mét vuông (70 km2) làm chỗ đặt lu. 
Diện tích này lớn gấp gần 10 lần diện tích quận 1 (7,73 km2), gấp gần 20 lần ba quận nhỏ nhất là quận 3 (4,92km2), quận 4 (4,18 km2) và quận 5 (4,27 km2).
Đấy là chưa nói đến giá tiền mua một chiếc lu.
Có thể người hoạt động trong lĩnh vực “xã hội nhân văn” thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia chậm hơn lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng chắc chắn đã làm đến Phó khoa của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì không thể không biết lời dạy của cổ nhân “Bảy lần đo, một lần cắt”.
Làm nhà giáo mà chỉ biết “cắt”, không biết “đo” thì học trò sẽ biết gì?
Về trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ Việt Nam hiện tại, thiết nghĩ không gì chính xác hơn là dẫn ý kiến trong bài: “ “Thiếu” giáo sư, tiến sĩ (?!)” đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam:
“Nếu nói rằng chúng ta đang “quá tải” hay “lạm phát” giáo sư, tiến sĩ thì cũng không hẳn, nhất là khi chỉ có vài trăm giáo sư là đang có cống hiến cho sự nghiệp khoa học, giáo dục…
Chính phủ rất cần sự đóng góp của “giới tinh hoa”, đó là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ” nhưng ngược lại cũng cần “Tránh việc đào tạo tiến sĩ và xét công nhận giáo sư, phó giáo sư không thực chất, hình thức, háo danh ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của những nhà khoa học chân chính”. [2]
Theo bài báo, cả nước chỉ có “vài trăm” giáo sư là có cống hiến cho sự nghiệp khoa học, giáo dục vậy số còn lại “cống hiến” cho cái gì?
Chuyện cái lon, cái lu và cái lò liệu có phản ánh mặt bằng trình độ cán bộ, công chức và đội ngũ “tinh hoa” hiện nay hay không?
Đoán rằng không ai dám xúc phạm các “nguyên khí quốc gia”, có điều nhân bàn về vần “l” trong các phát kiến kể trên, mấy “chuyên gia” trà đá vỉa hè được phen cười sái quai hàm khi biến báo câu thơ:
“Lạy trời cho thổi gió Nồm; Ðể cho thuyền Chúa thuận buồm về kinh” như sau:
“Lạy trời cho thổi gió “Lồm”; Em mà “lói” ngọng, anh chồm vào … “nu””.
Tài liệu tham khảo:
[1]//tuoitre.vn/dem-qua-sai-gon-hung-luong-mua-ky-luc-400mm-20181126094958512.htm
[2] //dangcongsan.vn/noi-hay-dung/thieu-giao-su-tien-si-499315.html
Xuân Dương


CƠ CHẾ NÀO ĐẺ RA NHỮNG ĐẠI BIỂU GÂY CƯỜI ?

LÊ TRƯƠNG/ RFA 14-7-2019

Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng-năm 2014.
“Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi”-Cầm Ngọc Minh, chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
“Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”- Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp HCM.
“Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”-Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ.
Quan to còn đanh thép như thế thì chị LON với chị LU cũng có đã đáng gì mà phải cười.
Nếu rảnh liệt kê hết các phát ngôn gây cười của các quan chức Việt Nam, có lẽ phải được cuốn từ điển.
Nhưng thú vị nhất là cho dù có cả một lịch sử phát ngôn ngô nghê của các vị nhưng chúng ta cứ chờ mà xem, không biết chừng chỉ trong nay mai lại tiếp tục có những phát ngôn ngô nghê hơn nữa, “vươn lên tầm cao mới”.
Vì bản chất vấn đề không nằm ở cá nhân các vị kể trên. Nguyên nhân cốt lõi ở chỗ cơ chế nào đã gầy dựng họ trở thành những người được đại biểu cho nhân dân. Và không may thay, họ tưởng mình được nhân dân tin tưởng cử làm đại biểu thiệt, nên rất cố gắng phát ngôn giùm cho nhân dân, mặc dù nhân dân không có nhờ, cả trong những lĩnh vực mà hiểu biết của họ là số không.

Hội đồng nhân dân nhưng chẳng có ông dân nào

Đầu tiên phải xét cơ chế bầu cử của Hội đồng nhân dân.
Trong 105 vị (hiện tại là 104, do một vị bị bắt hồi đầu năm nay vì tội tham ô) đại biểu Hội đồng nhân dân Tp HCM (viết tắt là HĐND) khóa 2016-2021, có 96 vị là đảng viên và đang giữ các chức vụ lớn nhỏ trong hệ thống nhà nước. Bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch các quận huyện, bí thư, phó bí thư quận ủy, Thành đoàn, quận đoàn, giám đốc và phó giám đốc các sở ngành, trưởng phó các phòng ban thuộc các sở; chủ tịch, phó chủ tịch một vài hội đoàn, doanh nghiệp, viện nghiên cứu trực thuộc nhà nước, tổng biên tập báo, công an và sĩ quan cao cấp trong quân đội.

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, người có phát biểu dùng lu chứa nước để tránh lụt lội trong thành phố
Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, người có phát biểu dùng lu chứa nước để tránh lụt lội trong thành phố Courtesy of Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
Với các chức vụ như trên, các vị này không thể là “dân”.
Còn lại 9 người trong lý lịch không thấy ghi là đảng ủy viên hay bí thư, phó bí thư chi bộ, bao gồm 1 nghệ sĩ cải lương, 1 hòa thượng, 1 ni sư, 1 linh mục, 1 giảng viên đại học, một trưởng ban Bạn đọc của một tờ báo, một tổng giám đốc công ty Bachy Soletanche chuyên về xây dựng, 100% vốn của Pháp; một giám đốc HTX chuyên trồng hoa lan và một bác sĩ.
Xét theo tiêu chí phổ quát, thì chỉ có 9 người này thực sự là dân đúng nghĩa.
Tức có đến 91,4 % đại biểu HĐND Tp HCM đang là quan chức và đảng viên.
Thế thì tổ chức HĐND của bà Phan Thị Hồng Xuân có đại diện thực sự cho dân không? Hỏi là đã trả lời.

“Cho đẹp đội hình”

Trong Luật tổ chức chính quyền địa phương, quyền lực của HĐND rất lớn. Họ quyết định mọi điều, từ kế hoạch phát triển mọi mặt của địa phương cho đến nguồn và phân bổ tài chính để thực hiện những kế hoạch đó. HĐND còn đồng thời là cơ quan giám sát UBND thực hiện các nghị quyết của họ.
Nhưng, với cơ cấu cụ thể của một khóa HĐND như kể trên, nói không oan cơ chế HĐND hiện tại chỉ là cơ chế giả hiệu, mị dân, tiêu tốn ngân sách.
Một mình ông quan chức đóng cả ba vai. Ở ghế chính quyền, ông là lãnh đạo, có nhiệm vụ thực hiện các nghị quyết của HĐND. Vừa bước vào phòng họp HĐND, ông biến thêm thành hai phân thân khác : vừa là người ra lệnh cho chính ông thựchiện các quyết sách của địa phương, lại cũng là người đi giám sát việc chính ông thực hiện các quyết định đó.
Tréo ngoe và quái gở!
Chưa kể, trong một chế độ toàn trị, lợi ích của chính quyền luôn luôn nảy sinh xung đột lợi ích với những người được chính quyền “quản lý”, nhưng chính các ông cầm quyền lại tự xưng là “đại biểu của nhân dân”, thì nghe có chết cười không?

Hình minh hoạ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ở Hà Nội hôm 21/10/2013. Ông từng phát biểu "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?"

Hình minh hoạ: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ở Hà Nội hôm 21/10/2013. Ông từng phát biểu "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?" AFP

Một điểm quái gở khác. Theo luật, các đại biểu của nhân dân phải được “bầu cử” từ đủ cơ cấu thành phần trong xã hội. Phải có hòa thượng và có linh mục; có nam thì phải có nữ; có người lớn tuổi thì phải có người trẻ; có đảng viên thì phải có người ngoài đảng; phải có người dân tộc thiểu số; có doanh nhân thuộc doanh nghiệp tư nhân, có trí thức thì phải có công nhân; có quan chức thì phải có nghệ sĩ, nhà báo…
Đúng và đủ cơ cấu rồi, họ phải lọt qua các vòng hiệp thương của tổ dân phố, của cơ quan, của địa phương…, tức là họp mặt nhau lại, hỏi “Ai đồng ý bầu vị này ứng cử đại biểu HĐND hay đại biểu Quốc hội”. Nhiều người đồng ý giơ tay thì vị ấy thành ứng cử viên. Lọt qua được vòng bầu cử toàn quốc và được Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu đồng ý thì trở thành đại biểu nhân dân. Cấp đại biểu HĐND hay đại biểu Quốc hội đều tương tự như nhau.

Nhưng kết quả thực sự của số phiếu bầu thì ngoài một số người trong Ủy ban bầu cử ra, không ai biết. Không đi bầu, không bỏ phiếu nhưng trong thùng phiếu vẫn có phiếu đầy đủ bầu cho những người không biết là ai, cũng là chuyện thường ngày ở huyện.
Thế cho nên mới có những đại biểu nữ, ngoài đảng, người dân tộc thiểu số mới trên 20 tuổi, xinh như bông hoa. Nhưng khi vào họp thì tiếng Kinh còn lơ lớ chưa hiểu hết, vốn sống, trải nghiệm đều chưa có, chuyên môn càng không. Hay những công nhân, nghệ sĩ, hoặc các giáo sư tiến sĩ có thể rất giỏi chuyên môn nhưng ú ớ về pháp luật. Nhưng làm sao một người chưa sõi tiếng Kinh, hay một công nhân trình độ bình thường đọc hiểu được các báo cáo kinh tế, văn hóa, các dự án luật dày hàng chục trang, dầy đặc các vấn đề hóc búa và các thuật ngữ chuyên môn khó hiểu? Làm thế nào để họ tham gia lập hiến, lập pháp, đối nội, đối ngoại, quyết định các chính sách quan trọng của đất nước?
Trường hợp bà Phan Thị Hồng Xuân đang bị dân mạng Việt Nam chế giễu ngập trời với đề xuất mỗi hộ gia đình nên sắm lu chứa nước mưa để giảm ngập cho thành phố phản ánh rất rõ sự vô lý này. Trình độ chuyên môn của bà Xuân không hề kém cỏi. Theo đúng những gì ghi trong lý lịch đại biểu HĐND, bà là Phó giáo sư, tiến sĩ Lịch sử chuyên ngành Dân tộc học, cử nhân Luật Hành chánh, cử nhân chuyên ngành Đông Nam Á học. Nếu cần ý kiến về đúng chuyên ngành Dân tộc học, có lẽ bà sẽ đóng góp được nhiều. Nhưng, do được cơ cấu là đại biểu, và chết cái bà cũng tưởng bà là đại biểu của nhân dân thật, nên mới xảy ra vạ miệng “thợ điện đi sửa ống nước” như rứa.
Cạnh đó còn phải kể đến ngót nghét 80%-90% đại biểu HĐND và Quốc hội là đảng viên và quan chức đương nhiệm. Nhưng đảng viên thì không được phát ngôn trái với nghị quyết đảng. Vậy thì trong những vấn đề xung đột giữa lợi ích của đảng và của dân, hay giữa của dân và của ngành nghề, nhóm lợi ích mà mình đang giữ trọng trách, đại biểu sẽ nói lên tiếng của ai?
Ở Việt Nam, đại biểu quốc hội hay đại biểu HĐND lại không phải là một vị trí chuyên môn như nghị sĩ ở các thể chế khác. Tuy lá phiếu của đại biểu có thể góp phần đẩy đất nước tiến nhanh hay kéo lùi, nhưng thực chất đó không phải là công việc chính. Cho nên, giơ tay biểu quyết ra vô số điều luật sai bét nhưng cho đến nay chưa thấy đại biểu nào bị kỷ luật vì hoạt động kém hiệu quả hay phát ngôn ngây ngô vô tác dụng khi xâydựng luật cả.
Nói cho cùng, bầu cử đại biểu chỉ để cho đẹp đội hình. Làm đại biểu chỉ là một thứ vinh quang kiêm nhiệm, cho oai. Oai nhưng lại có kỳ hạn. Hết năm năm, nếu trong cơ quan vẫn chưa lên được chức cao hơn, thì đại biểu cũng chỉ về đuổi gà. Không chừng còn phải khép nép trước sếp.
***
Ở một mô hình đúng đắn, hội đồng nhân dân phải là tập hợp của những người dân thực sự. Đó là những người không giữ một vị trí, quyền lợi nào trong bộ máy chính quyền hay các tổ chức phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng từ nó. Có như vậy họ mới hiểu thấu quyền lợi và nghĩa vụ của dân. Tiếng nói của họ mới là phản ánh tiếng nói thật từ người dân.

Đối trọng với nó, cơ chế “HĐND” hiện tại của Việt Nam cần phải thay đổi thành thể chế hội đồng đô thị (hoặc hội đồng tỉnh, huyện). Để thực sự làm được những điều ghi trong luật (ban hành các quyết sách áp dụng trong nội bộ địa phương), hội đồng này phải bao gồm các nhà quản trị xã hội (không phải quản lý) có đủ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp trong lĩnh vực phụ trách. Các biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa.. v.v trong địa phương do hội đồng này đề ra phải được hội đồng nhân dân (hội đồng nhân dân thực sự), như một cách trưng cầu ý kiến và thống nhất cách thực hiện trước khi được ban hành.

Còn mô hình Quốc hội, từ lâu các nhà nghiên cứu lập pháp và báo chí trong nước đã bàn rầm rộ, nhưng rồi lại rơi vào im lặng như các cao trào tư tưởng trước đó.
Nó không gì khác ngoài việc thay thế các “đại biểu của nhân dân” tự xưng bằng chế độ nghị viện như nhiều nước đã thực hiện từ rất lâu.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do


NÉM ĐÁ 'LON BÀ CỤC', 'LU BÀ NGHỊ' : VĂN HÓA PHẢN BIỆN ĐANG BỊ BIẾN MẤT

TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 17-7-2019


Phê phán, phản đối, mạt sát và tự động "ném đá" đang là cách ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người Việt. (Ảnh minh họa: Báo Công Lý)

Trong thời đại khoa học – công nghệ phát triển như hiện nay, mỗi người có thể dễ dàng tương tác với nhau qua mạng xã hội bằng những ý kiến thẳng thắn. Và ở một góc độ nào đó, những góp ý thẳng thắn mang tính xây dựng (phê phán kèm theo giải pháp) cũng là một kênh tham khảo giúp cho các cơ quan chức năng làm việc tốt hơn. 
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có mặt trái, ở đó là tràn lan các thông tin không được kiểm chứng, nhất là khi người ta nhằm vào cá nhân, vô tư lăng mạ, đay nghiến người khác, luôn đưa thông tin tiêu cực...
Việc bày tỏ ý kiến cá nhân là quyền của mỗi người, song điều tối kỵ khi nói về quan điểm cá nhân là chê bôi, xúc phạm người khác.
Dù ở bất kỳ thời đại nào thì lối hành xử như vậy cũng chỉ mang tính "bản năng", hẳn nhiên không phải cách ứng xử của những người có văn hóa.
Không khó để nhận ra một xu hướng gần đây của cộng đồng mạng chính là phong trào “ném đá, quăng gạch” vô tội vạ vào bất kỳ ai nếu như họ có những quan điểm khác với suy nghĩ của số đông.
Gần đây nhất, câu chuyện “Lon bà Cục” và “Lu bà Nghị” đã trở thành trò chế giễu của cộng động sử dụng mạng xã hội.
“Lon bà Cục” là câu chuyện râm ran từ ngõ hẻm ra đến đường cái quan về lý giải của bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, rằng chữ “lon” “nếu bị thêm dấu thêm mũ trong các quảng cáo ngoài trời sẽ rất khủng khiếp”.
Còn “Lu bà Nghị” là câu chuyện vị Đại biểu Hội đồng nhân dân (đơn vị quận Gò Vấp) Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Hồng Xuân nêu sáng kiến trang bị cho mỗi gia đình chiếc lu to chứa nước mưa để chống ngập cho thành phố.
Những phát ngôn của bà Cục trưởng hay vị Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố có lẽ "khác thường" nên đã nhận rất nhiều phản ứng từ dư luận xã hội, trong số ấy có vô vàn lời lẽ chửi rủa thậm tệ.
Người ta cũng có lý khi nói rằng người dân có thể kém hiểu biết thì nói chưa chuẩn có thể hiểu được, còn cán bộ nhà nước có vị trí như thế mà phát ngôn "ngây thơ" không được chấp nhận. Và, ở nhiều quốc gia, sau khi "lỡ lời" thì thậm chí những vị này còn nhanh chóng từ chức.
Nhưng dẫu sao thì việc chỉ trích, thóa mạ người khác một cách thậm tệ trên mạng xã hội hoặc bằng bất cứ hình thức nào thì cũng là việc không nên. Bày tỏ ý kiến, quan điểm trái chiều cũng nên thể hiện một cách văn minh, còn chỉ nói cho sướng miệng mà không góp phần làm cho xã hội tốt lên thì cũng chỉ vô nghĩa.
Trước các ý kiến và đề xuất về “Lon” và “Lu” của các bà là những cuộc tranh luận không hồi kết về cải cách chữ viết của Giáo sư Bùi Hiền và Giáo sư Hồ Ngọc Đại hay cả vụ án có nhiều ý kiến trái chiều như vụ Nữ sinh giao gà ở Điện Biên, hay một vài biểu hiện tiêu cực của nền giáo dục Việt Nam, một số hình ảnh liên quan đến lực lượng Công an…
Việc phản biện những câu chuyện này sẽ không có gì đáng nói nếu những phản biện có tính văn hóa, có luận cứ, luận chứng chứng minh những cái chưa hợp lý và đưa ra những giải pháp mang tính góp ý cho vấn đề.
Tuy nhiên, thật tiếc là thay vì việc tranh luận có văn hóa, có tri thức thì một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội thích ném đá, mạt sát hơn là góp ý.
Việc “Cái Lon của bà Cục” và “Cái Lu của bà Nghị” đã chuyển thành những thứ chế giễu và tung ra những thứ rác văn hóa trên mạng xã hội, biến thành trò cười cả hang cùng ngõ hẻm, các nhà khoa  học cao tuổi như ông Hiền, ông Đại phải khốn khổ vì những lời mạt sát của thế hệ con cháu…
Những điều đó có đem lại kết quả gì không? Không gì cả! Tất cả chỉ làm những người đưa ra ý tưởng thêm tổn thương đau đớn.
Không một nhận ra hoặc cố tình không nhận ra rằng ý kiến đó là ý kiến cá nhân, có tính mới hay không, có áp dụng được vào thực tiễn hay không?
Được và chưa được như thế nào rất ít người đề cập đến vấn đề đó.
Văn hóa phản biện gần như đã bị giết chết trên diễn đàn của mạng xã hội.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng (Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) cho rằng: "Chúng ta đang sống trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, mọi việc đang cần đổi mới tư duy, tôn trọng mọi sáng kiến, phát minh.
Chúng ta cần tôn trọng cái mới nếu nó hợp lý hơn, tiến bộ hơn cái cũ. Mạng xã hội là thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cần tôn trọng nhau, không nên thoải mái “ném đá”, nhất là những chuyện mình không nắm vững.
Phản biện là rất cần thiết nhưng phản biện phải có văn hóa và mang tính xây dựng. Văn hóa phản biện là nói đúng sự thật, nói có lý, không phải “a dua” một cách tùy tiện..."[2]
Nói về nguyên nhân việc thiếu văn hóa phản biện hiện nay, Phó giáo sư Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hoá nghệ thuật quốc gia cho rằng: "...Theo một số cuộc điều tra xã hội học, người Việt Nam đến thư viện đọc sách, học tập, nghiên cứu vì say mê khoa học không nhiều mà chủ yếu phục vụ thi cử hay hoàn thành một chứng chỉ, bằng cấp nào đó.
Vì thế trong nghiên cứu, học tập người Việt nặng về giáo điều, sao chép và học thuộc lý thuyết có sẵn.
"Lối học tầm chương, trích cú đó trói buộc những sáng kiến của con người, kìm hãm lối tư duy phản biện, dẫn tới thiếu tự tin, không dám vượt bỏ quá khứ". [2]
Có lẽ do vậy nên việc hình thành văn hóa phản biện của đa phần người Việt bị hạn chế rất nhiều. Chưa muốn nói là không có như hiện nay.
Nói về văn hóa phản biện, tại hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai năm học 2018-2019 của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy đã nêu quan niệm: “Bản chất của tranh luận, phản biện chính là khoa học tìm tòi cái mới, cái tiên tiến, cái tốt hơn. Xây dựng “thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi” có nghĩa là cần có sự sáng tạo, phát triển nhưng vẫn giữ được “tôn sư trọng đạo”, thầy cô vẫn được tôn trọng, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc”.[3]
Chính người lớn, những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội hàng ngày cũng kêu gào đòi hỏi phải có tính phản biện trong trường học, trong giáo dục và trong đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, thực tế rất ít bài viết, ý kiến có tính phản biện được nêu lên từ trên các phương tiện thông tin chính thống đến mạng xã hội.
Chúng ta muốn xây dựng, muốn tìm tòi cái mới thì tất phải xây dựng văn hóa phản biện nếu không cái mới, cái tiến bộ có thể chết ngay từ khi là ý tưởng ban đầu.
Sự thiếu văn hóa trong phản biện và bằng những hành động ném đá, mạt sát người khác có lẽ để thỏa mãn dục vọng nào đó của bản thân người ném đá mà thôi.
* Tài liệu tham khảo: 
[1] //baoquocte.vn/gs-nguyen-lan-dung-phan-bien-phai-co-van-hoa-77899.html
[2] //vnexpress.net/thoi-su/vien-truong-van-hoa-nguoi-viet-qua-tin-vao-may-rui-3895502.html
[3] //www.dangcongsan.vn/khoa-giao/xay-dung-van-hoa-tranh-luan-phan-bien-494028.html
Trần Phương

AI ĐÃ QUY HOẠCH NHỮNG NGƯỜI  NHƯ BÀ XUÂN ?

NGUYỄN NGỌC CHU / BVN 19-7-2019

Bà Phan Thị Hồng Xuân dẫu sao cũng là “nữ nhi liễu yếu đào tơ”, không quá đáng trách. Đáng chê trách là kẻ đã quy hoạch bà Xuân đứng vào hàng ngũ lãnh đạo. Đáng chê trách hơn nữa là những đấng mày râu, quyền cao chức trọng hơn bà Xuân mà còn phát biểu ngô nghê hơn cả bà Xuân.
AI ĐÃ QUY HOẠCH BÀ PHAN THỊ HỒNG XUÂN VÀO HÀNG NGŨ LÃNH ĐẠO?
“Sáng kiến LU” của bà Phan Thị Hồng Xuân chưa chết ai. Vì chưa được triển khai vào cuộc sống. Cái tai hại lớn đã có rồi, là bà Xuân học dân tộc học mà lại dẫn dắt cả khoa Đô thị học của trường Đại học KHXH &NV, và gieo rắc kiến thức què quặt của bà cho sinh viên. Trình độ như bà Xuân mà lãnh đạo và giảng dạy thì thật là đại họa.
Vì bà Xuân mà chợt nhớ ra điều khác.
KHÔNG NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ CỦA NƯỚC MÌNH LẠI ĐI NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ CỦA NƯỚC KHÁC
Đề tài nghiên cứu khoa học phần lớn là không có giới hạn quốc gia – chẳng hạn như toán học. Và người nước này vẫn có thể nghiên cứu về vấn đề của nước khác. Nhưng 2 trường hợp dưới đây thì phải đặt dấu hỏi.
1. Ông Phùng Xuân Nhạ đã làm Tiến sĩ nhờ vào Malaysia mà người Malysia không biết.
Năm 1999, ông Nhạ bảo vệ Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế với luận án có tên "Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quá trình công nghiệp hóa ở Malaysia" tại Viện Kinh tế thế giới, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
Đúng ra "Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quá trình công nghiệp hóa ở Malaysia" là của người Malaysia, thì phải là người Malaysia nghiên cứu và đánh giá. Hà cớ chi người Việt Nam ở xa lắc xa lơ lại vơ lấy làm đề tài nghiên cứu khoa học cho mình?
Lỡ rồi, nếu chí ít cũng gửi cho các nhà khoa học Malaysia phản biện, thì cũng còn có chút khách quan; đàng này mấy người Việt tự đánh giá, rồi tự phong cho nhau học vị Tiến sĩ!
2. Nay đến lượt bà Phan Thị Hồng Xuân theo bước ông Phùng Xuân Nhạ, cũng lấy đề tài Malaysia: “Cộng đồng người nhập cư và mối quan hệ tộc người ở Liên bang Malaysia” để làm Luận án Tiến sĩ. Rõ ràng luận án của bà Xuân cũng không được giới khoa học Malaysia phản biện. Nên vô ích cho Malaysia. Càng vô ích hơn cho Việt Nam.
Thiết nghĩ bây giờ mà đem Luận án Tiến sĩ của ông Phùng Xuân Nhạ và bà Phan Thị Hồng Xuân cho các nhà khoa học Malaysia đánh giá, thì sẽ là một scandal, với kết cục muối mặt ê chề cho phía Việt Nam.
3. Sao không lấy đề tài của nước mình mà phải lấy đề tài của nước khác? Ấy là để tránh kiểm chứng. Ấy là vì không muốn có thước đo.
4. Không bàn về trình độ chuyên môn của bà Xuân. Đề tài Luận án Tiến sĩ là do thầy hướng dẫn khoa học quyết định. Từ đó để thấy nguyên nhân số 1 là lỗi ở các thầy hướng dẫn khoa học. Còn có các nguyên do khác nữa, nhưng không phải là đối tượng thảo luận ở đây. Mà chỉ muốn lưu ý rằng, những người như bà Xuân thì đừng tranh làm cán bộ. Chức tước của bà Xuân song hành với quyền quyết định, thì sẽ cõng tai họa về cho cộng đồng.
AI ĐÃ QUY HOẠCH VÔ SỐ BÀ XUÂN TRONG HÀNG NGŨ LÃNH ĐẠO?
Chúng ta không chỉ có một bà Phan Thị Hồng Xuân trong hàng ngũ lãnh đạo, mà có cả hàng ngàn người như thế.
Bà Phan Thị Hồng Xuân dẫu sao cũng là “nữ nhi liễu yếu đào tơ”, không quá đáng trách. Đáng chê trách là kẻ đã quy hoạch bà Xuân đứng vào hàng ngũ lãnh đạo. Đáng chê trách hơn nữa là những đấng mày râu, quyền cao chức trọng hơn bà Xuân mà còn phát biểu ngô nghê hơn cả bà Xuân. Đừng yêu cầu phải viện dẫn ra đây, nếu không muốn cười đến vỡ bụng.
Câu hỏi “Tại sao có vô số ông bà như Phan Thị Hồng Xuân trong hàng ngũ lãnh đạo”? – mới là điều day dứt tê tái của mỗi chúng ta!
Hàng ngàn ông bà như Phan Thị Hồng Xuân trong hàng ngũ lãnh đạo là hậu quả thảm hại của chính sách quy hoạch cán bộ. Quy hoạch cán bộ là phương thức chủ quan giáo điều, phi khoa học, đi ngược với tự do cạnh tranh, nên không bao giờ chọn được người tài đích thực.
Còn quy hoạch cán bộ thì còn hàng ngàn ông bà như Phan Thị Hồng Xuân đua nhau kìm hãm trí tuệ và tàn phá sinh lực Đất nước.
Trong hình ảnh có thể có: 3 người, trong nhà
N.N.C.

Nguồn: FB Nguyễn Ngọc Chu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét