Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

20190730.BÀN VỀ KHÁI NIỆM 'NGUYÊN' VÀ 'CỰU'

ĐIỂM BÁO MẠNG
'NGUYÊN' VÀ 'CỰU'

NGUYỄN VĂN MỸ/ TBKTSG 27-7-2019



Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Vậy nên gọi ông Ninh là "cựu" hay "nguyên" mới chính xác?
Từ điển tiếng Việt định nghĩa “cựu” dùng để chỉ người từng giữ chức vụ đó nhưng nay đã nghỉ hẳn rồi, không còn làm việc nữa; “nguyên” dùng để chỉ người từng giữ chức vụ đó nhưng nay đã giữ chức vụ khác (nói chung là còn làm việc, chưa nghỉ). Hai từ này đồng nghĩa trong một số ngữ cảnh. Thực tế lại không như vậy trong văn viết và nói tại Việt Nam hiện nay.
Báo chí và các thông tin chính thống khi nhắc đến những vị lãnh đạo nước ngoài không còn tại nhiệm luôn ghi là “cựu” (cựu tổng thống, cựu thủ tướng, cựu nghị sĩ, cựu thị trưởng...). Các nhà lãnh đạo khác chính kiến cũng được gọi là “cựu” (“Cựu hoàng Bảo Đại”, “Cựu Phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ”...). Ngữ cảnh tương tự, khi nói về lãnh đạo Việt Nam hiện nay, báo chí và thông tin chính thống Việt Nam lại toàn dùng chữ “nguyên”, dù người được nhắc đến đã về hưu, thậm chí đã chết. Rất nhiều người không hiểu tại sao lại như vậy, không biết nguồn gốc, không rõ tự lúc nào.
Học sinh nêu thắc mắc thì thầy cô chỉ biết... đánh trống lảng. Có thể chính thầy cô cũng không biết, không hiểu thì làm sao giải thích cho học trò. Có người suy diễn rằng “cựu” là một từ nhạy cảm. Dùng từ này là kỵ húy, là bất kính với lãnh đạo vì cựu đồng nghĩa với cũ, đã qua, hết thời... Do vậy, cần phải dùng từ nào khác hay hơn, và từ “nguyên” là chọn lựa tối ưu vì nguyên là nguyên vẹn, chưa bị sứt mẻ (dù thực tế không còn như vậy), và khi đọc nghe cũng... vang hơn, không trầm như từ “cựu”(?)
Một số người còn cho rằng chỉ những cán bộ bị kỷ luật ở mức độ cách chức trở lên mới dùng từ “cựu” khi viết hay nói về họ. Đây là cách hiểu nguy hại, đầy cảm tính và miệt thị. Hiểu như vậy, chẳng lẽ tất cả các vị “cựu lãnh đạo” trên thế giới hoặc không cùng hệ thống chính trị với Việt Nam hiện nay đều bị kỷ luật?
Các sinh viên nước ngoài học tiếng Việt càng... “bó tay” với những cách dùng từ tréo ngoe như vậy. Tiếng Việt vốn đã phức tạp. Dân ngữ văn từng nói: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Xin đừng làm cho tiếng Việt rối rắm thêm và cần phải thống nhất cách dùng chứ không phân biệt đối xử. Càng không thể suy diễn xám xịt như kiểu lý giải về chữ “lon” của bà Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa qua.

NTB BÀN THÊM: Tiếng nước nào cũng có tính phong phú, uyển chuyển: một từ có thể nhiều nghĩa dùng tùy ngữ cảnh, tùy mục đích, tùy văn hóa của người dùng, người đối thoại...Hiện không có luật dùng từ (trừ các từ liên quan đến văn bản pháp luật cụ thể). Hoàn toàn nhất trí với tác giả về sự 'tréo ngoe' trong cách dùng từ 'nguyên' và 'cựu'. Nhưng cứ để thiên hạ thoải mái dùng từ đi, sẽ dễ biết họ là ai, muốn gì...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét