Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

20190705. BÀN VỀ CỐ NGOẠI TRƯỞNG UNG VĂN KHIÊM

ĐIỂM BÁO MẠNG

UNG VĂN KHIÊM - KIÊN TRUNG VỚI LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG

LÊ VĂN HIẾU/ HỒN VIỆT 10-6-2019

Hình ảnh của HV137 - UNG VĂN KHIÊM - Kiên trung với lý tưởng cách mạng

Đồng chí Ung Văn Khiêm (1910-1991)
Đồng chí Ung Văn Khiêm sinh ngày 13-2-1910 tại làng Tấn Đức, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc tỉnh An Giang); mất ngày 22-3-1991, thọ 81 tuổi. Là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, 3 lần bị địch bắt, bị tù, vẫn với ý chí bất khuất trước kẻ thù…, đồng chí đã được Đảng tin cậy giao nhiều trọng trách.
Nhen nhóm ngọn lửa cách mạng từ nhà trường
Từ những năm 1925-1926, khi còn là học sinh trường Collège Cần Thơ, sau một trận đá banh quyết liệt, các bạn kéo về trường mở nước tắm “thả ga”. Chủ sự điện nước tên là Tison xách cánh tay bạn Nguyễn Văn Phát ra đánh. Không chịu nổi, Ung Văn Khiêm nhảy vào bảo vệ bạn, đá đít Tison! Từ sự việc nhỏ xé ra to, Khiêm bị mách lên thầy hiệu trưởng Maniène. Khiêm bị đuổi khỏi trường. Nhưng đó chỉ là cái cớ. Nguyên nhân chính khiến anh bị đuổi học là do anh tham gia nhóm học sinh đấu tranh để tang nhà ái quốc Phan Châu Trinh trong cuộc mít tinh có hàng ngàn người dự vào ngày 23-6-1926.
Lớp trí thức, thầy giáo, học sinh vốn nhạy cảm chính trị. Trong số học sinh này, Ung Văn Khiêm tỏ ra có bản lĩnh. Anh đi tìm các loại báo chí mà bọn Tây cho là quốc cấm như: L’Humanité (Nhân đạo), Le Paria (Người cùng khổ) và Bản án chế độ thực dân Pháp do Nguyễn Ái Quốc viết, bí mật đưa vào phòng ngủ để các bạn đọc.
Năm 1927, đồng chí Nguyễn Ngọc Ba chính thức kết nạp Châu Văn Liêm và Ung Văn Khiêm vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCM) tại quê nhà ở làng Tấn Đức, cù lao Giêng.
Ngọn lửa cách mạng bùng cháy
Khi tổ chức VNTNCM ra đời từ Sài Gòn phát triển nhanh đến các tỉnh Nam Kỳ, Ung Văn Khiêm may mắn được gặp đồng chí Nguyễn Văn Côn cũng là hội viên VNTNCM về Cần Thơ tuyên truyền, giáo dục kết nạp phát triển hội viên. Khiêm cùng các đồng chí đi vận động quần chúng làm cách mạng. Anh cùng các anh Hà Huy Giáp, Ngô Gia Tự mướn xe kéo đi làm “vô sản hóa” tại các khu dân lao động Sài Gòn. Đây là phương thức công tác mới của Đảng nhằm đi sâu vào đời sống dân lao động, để hiểu sâu sắc thêm nỗi khổ của họ, vừa để tìm cách tránh sự theo dõi của địch, vừa thông tin mật cho nhau tình hình.
Đầu năm 1928, tổ chức VNTNCM lập Ban chấp hành Tỉnh bộ Cần Thơ. Đồng chí Trần Ngọc Quế được cử làm Bí thư, Ung Văn Khiêm và Bùi Văn Sinh phụ trách công nhân, Lê Văn Sô phụ trách nông dân. Sau đó anh Khiêm được cử đi học chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc). Cùng học lớp đó và về nước có Ngô Gia Tự, Lý Tự Trọng. Tháng 9-1929, Hội nghị thành lập Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng, do đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì, bầu Ban chấp hành Đặc ủy đầu tiên gồm có: Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Tây, Lê Văn Sô, Nguyễn Văn Trí; đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bí thư.
Tháng 2-1930, sau khi thống nhất 3 tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, Xứ ủy Nam Kỳ được thành lập, đồng chí Ung Văn Khiêm được bầu làm Xứ ủy viên.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, ngày 15-10-1945 Hội nghị cán bộ toàn Xứ bàn việc thống nhất hai nhóm - Đảng bộ Tiền phong và Giải phóng ở Nam Bộ - để đủ sức lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hội nghị đã bầu một Xứ ủy hợp nhất gồm 11 đồng chí, đồng chí Ung Văn Khiêm được bầu lại làm Xứ ủy viên mới. Đầu năm 1946, đồng chí được cử làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, phụ trách nội vụ, và là người ký chỉ thị ngày 22-5-1947 kêu gọi mọi thành phần công dân bất hợp tác với giặc Pháp, hãy ra bưng biền kháng chiến. Bản chỉ thị này có ý nghĩa rất to lớn làm cho lực lượng kháng chiến từ thành thị đến nông thôn, đến chiến khu phát triển nhanh chóng, lớn mạnh, thế của địch càng bị cô lập.
Ba lần bị tù đày, ý chí kiên trung bất khuất
Lần thứ nhất, chúng bắt giam anh ở Khám lớn Sài Gòn. Tháng 5-1933, Tòa Đại hình Sài Gòn xử một vụ án “khổng lồ” những người yêu nước, các đảng viên cộng sản gồm 121 người tù chính trị trong đó có Ung Văn Khiêm. Sau đó chúng đày anh ra Côn Đảo. Ở tù, với Ban học tập chính trị, văn hóa cho bạn tù do anh Phạm Văn Đồng và anh Nguyễn Kim Cương lo, anh Khiêm lén đưa thư, sách báo chính trị, văn học vào trại tù để chia nhau đọc. Các anh còn phân công nhau dịch cuốn Trưởng giả học làm sang (của kịch tác gia Molière, Pháp), rồi tổ chức diễn kịch; anh Khiêm trắng trẻo, thư sinh đóng vai nữ rất đạt. Tại đây anh Khiêm gặp anh Hai Thắng (Tôn Đức Thắng), vừa là đồng chí chiến đấu mà cũng vừa là đồng hương. Anh Khiêm háo hức muốn được nghe anh Hai kể về sự kiện anh kéo cờ đỏ phản chiến trên chiến hạm France ở Biển Đen, đòi bọn chỉ huy quay tàu về Pháp, để tỏ thái độ ủng hộ Hồng quân Liên Xô. Sau đó anh Hai được trả về Sài Gòn tham gia tổ chức Công hội Đỏ.
Năm 1936, anh Khiêm mãn hạn ra tù, tìm lại người vợ thân yêu là đồng chí Trần Thị Thơ, anh bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở Long Xuyên - Châu Đốc, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Anh tham gia cuộc vận động Đông Dương đại hội, lập Ủy ban hành động, đấu tranh đòi tự do, dân chủ.
Anh Khiêm bị địch bắt lần thứ hai và bị đày giam ở Sa Đéc.
Đầu năm 1940, anh bị bắt lần thứ ba, chúng đày giam ở Tà Lài. Ở trại giam này, thừa lúc địch sơ hở, anh đã trốn thoát được về Đồng Tháp Mười bắt liên lạc với Đảng tiếp tục hoạt động.
Những trang sử khẳng định về anh
Lòng trung kiên với lý tưởng cách mạng của Đảng, đấu tranh xây dựng sự đoàn kết thống nhất nội bộ, ý chí kiên quyết không khuất phục trước kẻ thù, nên trong suốt cuộc đời làm cách mạng anh được tín nhiệm cao, được giao nhiều chức vụ quan trọng qua các thời kỳ:
Bí thư Đặc ủy An Nam cộng sản đảng toàn miền Hậu Giang gồm 9 tỉnh (1929-1930); Bí thư Xứ ủy Đảng Cộng sản (1930), thay đồng chí Ngô Gia Tự bị bắt; Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (1945); Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau (1951-1953); Ủy viên Trung ương Đảng khóa II (1951); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng (1955); Ủy viên Trung ương Đảng khóa III (1960); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1961-1963); Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1963-1971); đại biểu Quốc hội khóa I, II, III.
Dù ở bất cứ cương vị nào, hoàn cảnh nào, đồng chí Ung Văn Khiêm luôn thể hiện bản lĩnh của người cộng sản, người lãnh đạo năng động, sáng tạo. Do công lao cống hiến suốt đời cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Ung Văn Khiêm đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương Lênin.

VÀI LỜI VỚI LÊ VĂN HIẾU

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG / BVN 3-7-2019

Lê Văn Hiếu vừa viết bài: “UNG VĂN KHIÊM - Kiên trung với lý tưởng cách mạng” ( Viet-Studies ngày 1/7/2019, đăng lại của HV 10/6/19). Bài  viết ca ngợi ông Khiêm là một chiến sĩ cộng sản tuyệt vời. Ông Khiêm đã từng bị địch bắt, bỏ tù 3 lần, đã làm Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nội vụ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là Ủy viên Trung ương Đảng và Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.
Bài báo viết về hoạt đông của ông Khiêm là đúng sự thật, nhưng chưa phải toàn bộ, mà chỉ trên 95%. Còn dưới 5% nữa đã bị bỏ qua, mà phần đó mới chứa đựng bản chất. Đó là Ông Ung Văn Khiêm, cơ bản  là một chiến sĩ yêu nước kiên trung. Danh hiệu đảng viên CS đối với ông chỉ là cái vỏ.
Tôi xin bổ sung phân ít ỏi, dưới 5%, nhưng đó mới là bản chất của một con người có trí tuệ, có dũng khí, thực lòng vì nước vì dân.
Tháng 1 năm 1963 lúc đang là Bộ trưởng Ngoại giao ông Khiêm cùng với Hồ Chí Minh tiếp chủ tịch Tiệp Khắc Novoti và cùng ký Tuyên bố chung . Bản tuyên bố ấy bị nhóm của Đảng gồm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh cực lực lên án, cho rằng đã làm trái đường lối của Mác Lê, đã phụ họa bọn xét lại Liên Xô. Vì việc này mà Ông Khiêm mất chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Trong một cuộc họp của Trung ương Đảng khóa 3 để thảo luận và thông qua đưởng lối chiến tranh cách mạng ở Miền Nam, ông Khiêm là một trong vài người  phản đối đường lối chiến tranh, bỏ phiếu chống.
Năm 1967, ông Khiêm bị quy kết thuộc nhóm chống Đảng, tuy không bị bắt giam dài ngày không xét xử (như Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Lê Hồng Hà, Lê Trọng Nghĩa v.v…), nhưng cũng bị khai trừ Đảng.
Những việc làm của ông Khiêm chứng tỏ trí tuệ cao, dũng cảm lớn, rằng đó là vì dân, vì nước chứ hoàn toàn không phải vì chủ thuyết cộng sản, không phải vì Đảng.
Như vậy bài của Lê Văn Hiếu tưởng rằng đề cao Ung đại nhân, nhưng đề cao kiểu cắt xén như thế thuộc loại “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”. Việc kể công với Đảng chỉ là ngắn hạn. Tình cảm, tinh thần đối với đất nước, với dân tộc mới trường tồn.
Chê ai mà chê sai là tạo nguy hiểm, khen ai mà khen sai có khi lại làm hại họ. Giả thử sau này có gì biến đổi, cộng sản bị sụp đổ, hậu thế đọc bài của Lê Văn Hiếu sẽ hiểu sai về một Ung Văn Khiêm, một người yêu nước chân chính.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét