Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

20190722. 'DÒ ĐÁ QUA SÔNG' ĐẾN BAO GIỜ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHÚNG TA ' DÒ ĐÁ QUA SÔNG' ĐẾN BAO GIỜ ?

ĐINH ĐỨC SINH/ TVN 18-7-2019

Vào khung độ cuối của nhiệm kỳ XII của Đảng, Việt Nam vừa khởi động cuộc Cách mạng 4.0, mà có thể và cần được đặt thành Đổi Mới giai đoạn II, sau giai đoạn I từ năm 1986 đến nay. 
Tất nhiên, toàn dân đang chờ mong ở những quyết định cuối cùng của Đại hội XIII của Đảng xem liệu cuộc Cách mạng 4.0 có được đặt mục tiêu trở thành Đổi Mới giai đoạn II. 
Nói toàn dân đang chờ mong như trên là bởi vì ở Đổi Mới giai đoạn I, phải tới phút cuối cùng, những người Đổi Mới mới chiếm được đa số trong nghị trường của Đại hội VI. Sự kiện lịch sử này cho thấy Đổi Mới và Trì Trệ luôn song hành, mà sự vượt lên của Đổi Mới không hề dễ dàng đối với từng cán bộ, từng đại biểu và tập thể đại biểu của Đại hội Đảng, kể cả đại hội ở cấp cao nhất. 
Như đã thấy, sau khi công cuộc Đổi Mới chính thức được khởi động năm 1986, thì phương thức “Dò đá qua sông” đã được lựa chọn để triển khai thực hiện hàng loạt chủ trương, chương trình, dự án Đổi Mới. Ở đây không phải chỉ vì trên nóng dưới lạnh, mà còn có cả trên lạnh dưới nóng, hoặc cả hai đều lạnh. Qui tụ lại, dò đá qua sông trở thành phương thức chung của bộ phận Trì Trệ tồn tại trong mỗi người, mỗi cán bộ, mỗi đại biểu trước công cuộc Đổi Mới. 
Về hình thức, phương thức này nêu mục tiêu bảo đảm an toàn, tránh xẩy ra rủi ro trong thực hiện Đổi Mới. Nhưng thực tiễn của hơn 30 năm qua đã chứng tỏ rằng phương thức dò đá qua sông cùng lắm thì cũng chỉ phòng tránh được được những rủi ro ngắn hạn, trong khi đó lại tạo ra hàng loạt rủi ro dài hạn cho phát triển  đất nước nói chung, cho nền kinh tế nhiều thành phần nói riêng.

Chúng ta ‘dò đá qua sông’ đến bao giờ?
Đại hội XIII được mong chờ.
Cục xương khó nuốt 
Thật vậy, dò đá qua sông đã tạo ra nhiều rủi ro trong thực hiện Đổi Mới đối với khu vực Doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Sau nhiều thập niên phát triển, khu vực DNNN đã đạt tới đỉnh điểm vào năm 1990 với trên 12 nghìn doanh nghiệp hoạt động rộng khắp trong các ngành, các cấp của nền kinh tế. 
Tại thời điểm đó, đã có quá nhiều áp lực từ khu vực DNNN đặt ra mà Nhà nước không thể giải tỏa được, trừ một tia sáng cuối đường hầm, đó là phải sắp xếp lại khu vực này với nhiều giải pháp như: cổ phần hóa, bán, khoán, thoái vốn, cho thuê, cho phá sản. 
Mặc dù đã nhận ra tia sáng đó từ năm 1990, nhưng khi thực hiện, phương thức được chọn lại là dò đá qua sông. Kết quả là, tới nay, sau 29 năm, khu vực này sắp xếp vẫn chưa xong.
Để tránh rủi ro, phương thức đó hầu như loại bỏ tất cả các giải pháp đã được đặt ra trên đây, chỉ tập trung vào giải pháp cổ phần hóa. Thậm chí, khi triển khai, cổ phần hóa đã được cài cắm vào đó những ranh giới đỏ với đặc trưng chung là “Cổ phần hóa, không tư nhân hóa". 
Tưởng là tránh được rủi ro, nhưng chính phương thức dò đá qua sông được áp dụng trong sắp xếp lại DNNN đã và đang tạo ra những rủi ro dài hạn cho toàn bộ khu vực kinh tế này, trong đó: hàng loạt “quả đấm thép” là Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập bằng sáp nhập nhiều doanh nghiệp nhỏ, yếu kém vào một doanh nghiệp được coi là mạnh để nhanh chóng có qui mô lớn, được hưởng nhiều ưu đãi, đến nay nhiều đơn vị bị rơi vào phá sản, hoặc “đã chết mà chưa được chôn”; hơn chục đại án thua lỗ đã qua nhiều đợt vượt lỗ, nay vẫn lỗ lớn; trên 3 triệu tỷ đồng tài sản công của 17 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nắm giữ, dù đang đẩy mạnh cổ phần hóa, nhưng đã qua 4 năm của kế hoạch 5 năm (2016-2020) mà chỉ thực hiện được trên 27%... 
Những rủi ro này như những cục xương vừa khó nuốt vào, vừa khó nhả ra khiến nền kinh tế đã ra đường băng từ lâu mà vẫn không thể cất cánh được. 
Luẩn quẩn và vừa-nhỏ-li ti
Dò đá qua sông đã tạo ra rủi ro không chỉ với khu vực kinh tế nhà nước mà cả với khu vực kinh tế tư nhân. 
Một trong những chủ trương nổi tiếng của Việt Nam khi khởi động công cuộc Đổi Mới năm 1986 là “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần”, trong đó  có “kinh tế tư nhân”. 
Nhưng khi thực hiện, chủ trương này đã chọn phương thức dò đá qua sông. Trên thực tiễn, sau 20 năm, kinh tế tư nhân mới nhận được một điểm cộng (+) mới, khi được xác định là có “vị trí quan trọng” trong nền kinh tế; phải 5 năm sau nữa mới được xác định là “một động lực” của nền kinh tế; và gần đây mới được cộng thêm cụm từ “quan trọng” vào động lực trên. 
Vậy là, từ khi có chính danh trong các thành phần kinh tế của đất nước, phải dò đá qua sông tới 33 năm, kinh tế tư nhân mới được xác định là “một động lực quan trọng” của nền kinh tế. 
Việc công nhận theo từng nấc và rất muộn màng này đã đẩy khu vực kinh tế tư nhân tới thực trạng phát triển như hiện nay. Trong đó, hơn 5 triệu hộ kinh tế gia đình đã phát triển theo động thái nhúc nhích; hơn 500 nghìn doanh nghiệp hoạt động (trong hơn 700 nghìn doanh nghiệp đăng ký) với qui mô vừa và nhỏ, được cộng thêm động thái mới, đó là li ti hóa; 5 doanh nghiệp tỷ USD trong danh sách thế giới, nhưng chỉ một, hai Tập đoàn đang hướng tới trở thành quả đấm thép của nền kinh tế mở của Việt Nam; đặc biệt, hơn chục nghìn Hợp tác xã được xác định là kinh tế tập thể, từ nhiều năm qua luôn kỳ vọng trở thành kinh tế doanh nghiệp mà vẫn không thành.
Cùng trong thời gian 3 thập kỷ, kinh tế tư nhân của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã kịp tạo ra một Thần kỳ, một Rồng, một Hổ kinh tế, còn tư nhân Việt Nam vẫn luẩn quẩn với vừa-nhỏ-li ti, mang trong mình những rủi ro hiện hữu trong nền kinh tế toàn cầu hóa. 
Nền kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam có duy nhất một thành phần “ngoại” là Kinh tế đầu tư nước ngoài, còn lại tất cả đều là các thành phần kinh tế “nội”. 
Trong Đổi Mới giai đoạn I, các thành phần kinh tế nội đều nhất loạt chọn phương thức dò đá qua sông để thực hiện các phương án, chương trình, chính sách đổi mới. 
Kết quả là: Kinh tế cá thể, tiểu chủ, gia đình chưa có chính danh trong hệ thống kinh doanh; kinh tế hợp tác nhưng đất đai trước đây thuộc sở hữu tập thể, nay thuộc sở hữu toàn dân; kinh tế tư nhân chưa kịp được làm động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế nhà nước chưa sắp xếp xong; kinh tế tư bản nhà nước đã lâu không còn được nhắc tới. 
Chỉ riêng kinh tế đầu tư nước ngoài không chọn phương thức dò đá qua sông, đã phát triển trở thành một điểm sáng trên thế giới, một độc đáo của Việt Nam so với các quốc gia khác. 
Nếu ngay từ đầu, sự độc đáo này được lan tỏa ra tất cả các thành phần kinh tế của đất nước, thì Việt Nam ngày nay không phải là quốc gia đã ra đường băng mà không biết cất cánh, “chưa giầu đã già”. Nếu Đại hội XIII của Đảng sắp tới là dịp kết thúc Đổi Mới giai đoạn I, mở ra Đổi Mới giai đoạn II với đặc trưng của cuộc Cách mạng 4.0, thì đây là lúc phương thức dò đá qua sông, đại diện của những thế lực Trì Trệ trong Đổi Mới, cần được đặt cáo chung với nội hàm thật rõ ràng.

Chúng ta ‘dò đá qua sông’ đến bao giờ?
Cách mạng 4.0 có phải là Đổi mới II?
Cáo chung cho phương thức dò đá qua sông
Trước hết, đặt một kế hoạch ngắn hạn để kết thúc quá trình sắp xếp lại khu vực DNNN, không thể tiếp tục chấp nhận kéo dài tới vô tận. Việc sắp xếp này đã từng giao cho hệ thống hành chính nhà nước thiết kế và tổ chức thực hiện trong Đổi Mới giai đoạn I nhưng không thành. 
Nay, trong Đổi Mới giai đoạn II, Kế hoạch kết thúc trên đây cần được coi là một đại sự của quốc gia, do Quốc hội quyết định, và được tổ chức thực hiện từ một cơ quan đặc biệt do Quốc hội thành lập và giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Cơ quan này được giao đủ thẩm quyền để triển khai thực hiện kế hoạch kết thúc trên, và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các quyết định của mình. Cho dù chưa có tiền lệ về một “Kế hoạch kết thúc” như trên, nhưng vì là một quốc gia đại sự, Quốc hội vẫn có thẩm quyền theo Hiến định để quyết định một kế hoạch như thế. 
Thứ hai, đặt một Chương trình thực hiện chủ trương Đổi Mới phát triển Kinh tế tư nhân với chính danh là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó: 
i/Ban hành một luật về Danh mục các Điều kiện kinh doanh áp dụng cho thành phần Kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, đồng thời xóa bỏ tất cả các Điều kiện kinh doanh được đặt ra trong Đổi Mới giai đoạn I (hiện đang còn trên 6 nghìn Điều kiện kinh doanh chính, chưa kể các điều kiện phi chính thức, trá hình,…).   
ii/ Ban hành cơ chế kiến tạo những Tập đoàn kinh tế tư nhân với tư cách là những quả đấm thép của nền kinh tế.
Thứ ba, đặt khu vực kinh tế cá thể, tiểu chủ, hộ gia đình vào hệ thống kinh doanh của nền kinh tế. Theo đó, khu vực kinh tế này không tiếp tục bị gạt khỏi Luật Doanh nghiệp như trong Đổi Mới lần I. Từ đòi hỏi đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp để kinh tế hợp tác, cá thể, tiểu chủ, hộ gia đình đều có thể trở thành đối tượng được điều chỉnh từng phần của luật này. 
Thứ tư, đặt khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài vào giai đoạn phát triển mới phù hợp với nền kinh tế Việt Nam và thế giới đã, đang thay đổi theo cuộc Cách mạng 4.0, thích ứng với trật tự thế giới đang được sắp xếp lại. Theo đó, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo hướng: công nghệ cao, ô nhiễm môi trường thấp, không gây rủi ro về an ninh quốc phòng.   
Xây dựng và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là một sáng tạo của Việt Nam ngay từ khi khởi động công cuộc Đổi Mới năm 1986. Sau 3 thập kỷ thực hiện Giai Đoạn I, công cuộc Đổi Mới này đã kịp tạo ra một độc đáo được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, đó là mở cửa thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài với dấu ấn về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 200%GDP và cán cân đang thăng bằng tích cực. 
Tuy nhiên, giai đoạn này lại không đạt được một thành tựu ấn tượng nào tương tự như vậy đối với phát triển các thành phần kinh tế trong nước kể cả với  Kinh tế nhà nước, tập thể, tư nhân, cá thể-tiểu chủ-hộ gia đình. Thực tiễn này đã thể hiện khá sinh động cán cân giữa Đổi Mới và Trì trệ. 
Trong dư luận xã hội đã không ít ý kiến cho rằng hơn 3 thập kỷ qua cần được khép lại với tên gọi là Đổi Mới lần I với nhiều trì trệ, để mở ra Đổi Mới lần II. Tuy nhiên, nếu xem xét Đổi Mới là một quá trình liên tục, phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu, thì những gì đã qua nên được coi là Đổi Mới giai đoạn I với sự hiện diện của phương thức dò đá qua sông. 
Việc đặt cáo chung cho phương thức dò đá qua sông trong Đổi Mới giai đoạn II sẽ làm cho Việt Nam không chỉ nổi tiếng trên thế giới về phát triển Kinh tế đầu tư nước ngoài mà còn cả về phát triển các thành phần kinh tế trong nước. Giấc mơ cất cất cánh của nền kinh tế Việt Nam sau nhiều lần lỡ dịp sẽ sớm trở thành hiện thực trong Đổi Mới giai đoạn II này. 
TS. Đinh Đức Sinh

NHỮNG NGÔI SAO LÓE SÁNG TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ
TRÚC NGUYỄN/ TVN 20-7-2019
Với tỉ lệ 41/42 phiếu đồng ý miễn nhiệm, ngày 11/7 ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chính thức thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng, đặt dấu chấm hết quan lộ của một hạt giống đỏ, người từng được phân công đảm nhiệm một lúc nhiều chức vụ quan trọng. 
Trước đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng xác nhận ông Trần Văn Mẫn, Trưởng phòng Đấu thầu - Thẩm định và giám sát có đơn xin thôi việc. Ông Mẫn là con của vị nguyên chủ tịch UBND thành phố, Phó Ban tổ chức Trung Ương đang bị cơ quan điều ra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam do “Vi phạm quy định về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng”. Mặc dù ông Mẫn tự ý xin thôi chức chứ không phải bị kỷ luật nhưng ông từng bị tai tiếng du học bằng tiền ngân sách với một bộ hồ sơ không tương xứng. 
Năm 2017, ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi chức Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. Ông Anh là con trai của một vị nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 
Tỉnh Quảng Nam thì có Lê Phước Hoài Bảo, con trai của nguyên Bí thư tỉnh ủy Lê Phươc Thanh; Bộ Công Thương có Vũ Quang Hải, con trai của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng; TP. HCM có ông Lê Tấn Hùng, em trai của một nguyên UVBCT, Bí thư thành ủy... cũng lâm hoàn cảnh tương tự. 
Những ngôi sao lóe sáng và công tác cán bộ
Những ngôi sao lóe sáng đặt ra nhiều câu hỏi về công tác cán bộ
Khá nhiều hạt giống đỏ tuổi đời còn trẻ, từng được dư luận đánh giá là ngôi sao chính trị đang lên bị kỷ luật, cách chức là trái đắng của một cơ chế quản lý cán bộ lạc hậu, thiếu công khai, "nhất hậu duệ”, chứng tỏ dư luận về nâng đỡ, chạy ghế trong công tác nhân sự các cơ quan bộ ngành là có cơ sở. 
Cây gia phả làm quan ở các tỉnh như Hà Giang, Bắc Ninh, Hải Dương,... mà việc xử lý "để lâu hóa bùn" cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực, cũng là một biến thể khác của  tệ nạn này. 
Một nữ đại biểu Quốc hội có lần nói: "Con em cán bộ lãnh đạo được các đại hội Đảng tín nhiệm giao trọng trách là điều hạnh phúc của dân tộc, của Đảng". Câu nói ấy đã trở thành chủ đề nóng của dư luận xã hội vì liên hệ với tình hình thực tiễn của đất nước làm nổi bật lên mâu thuẩn giữa lý thuyết và thực tế, khuấy động bức xúc trong dân. 
Thế giới cũng có hiện tượng "dòng dõi chính trị" nhưng thể chế của họ khác ta, pháp luật của họ là bất vị thân nên các hạt giống phải kinh qua chọn lựa công khai, sàng lọc khắc nghiệt, và bất kỳ ai dính phốt đều bị  xử lý, khởi tố. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, cựu Thủ tướng Malaixia Najib Razak đã bị bắt và đang ngồi tù do bê bối tài chính, lạm quyền. Trường hợp tự động từ chức do scandal diễn ra thường xuyên vì sĩ diện dẫn đến tự sát cũng không hiếm - những ứng xử chưa có tiền lệ ở chính trường Việt Nam. 
Nước ta, thế hệ những lãnh đạo có bản lĩnh tôi rèn qua chiến tranh theo quy luật thời gian phần nhiều đã qua đời, xuất hiện một bộ phận các lãnh đạo thuộc thế hệ "thái tử". Đa số họ lớn lên trong nhung lụa, được che chắn bởi cái bóng của cha mẹ, người thân, được giao quyền lực mà không kinh qua tôi luyện thử thách, vì thế họ sẽ dễ lâm vào nhiều rủi ro như sớm sinh lòng tự mãn, lạm quyền, coi thường luật pháp. Ai cũng có bằng cấp cao nhưng phần nhiều là để hợp thức hóa thủ tục, cho đẹp hồ sơ, giải quyết khâu oai, còn chất lượng thì khó kiểm chứng, thậm chí rất ảo. 
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cải cách thể chế về công tác cán bộ là vấn đề cấp thiết. Một cơ chế quản trị khoa học tiến bộ sẽ loại trừ những kẻ cơ hội, tham nhũng, kém tâm và tầm ngay từ nguồn. Sau đó trong quá trình công tác tiếp tục thử thách sàng lọc, loại trừ những người làng nhàng, ăn may, bản lĩnh yếu kém để chọn được người ưu tú, làm việc vì dân vì nước. 
Nếu không đưa được người tài đức vào các cấp lãnh đạo, cơ quan dân cử thì mục tiêu phát triển thành một nước công nghiệp hiện đại, tiến hành Cách mạng 4.0 dù có tuyên truyền bao nhiêu cũng khó mà thành công. 
Nước ta có xuất phát điểm thấp lại đang trong thời kỳ vàng của dân số trẻ nên GDP tăng vài điểm phần trăm cũng như một cơ thể lớn lên về mặt sinh học, còn tăng trưởng về chất như y tế giáo dục phát triển, xã hội an toàn văn minh, môi trường bền vững mới là điều đáng kỳ vọng thì chuyển biến không đáng kể, thậm chí có lĩnh vực chiều hướng xâu đi. 
Những giải pháp chúng ta đã bàn nhiều mà làm chưa tới nơi tới chốn như pháp luật nghiêm minh, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, kiểm tra giám sát công khai đa chiều, minh bạch tài sản lương bổng cán bộ, quay phim ghi hình người làm công vụ, nơi hỏi cung, công đường, nếu áp dụng rốt ráo cũng sẽ phát huy tính hiệu quả.
Còn duy trì cách làm hiện nay rồi ngồi chờ cán bộ tốt lên cho dân nhờ là bất khả thi. Một ứng xử căn bản như bắt dân chúng tuân thủ luật giao thông đường bộ, nhưng xe biển xanh biển đỏ chạy ngoài đường vi phạm luật vô tư và ngang nhiên thì thật khó biện minh. Giữa thanh thiên bạch nhật, "quan trên trông xuống người ta trông vào" mà không chấp hành thì ở những nơi không ai nhìn thấy, sau cánh cửa phòng đóng kín, tự giác được chăng! 
Trước đây tôi đi từ Huế ra Quảng Bình với một người nước ngoài làm nghiên cứu sinh đề tài lịch sử Việt Nam, đoạn đến sông Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị chúng tôi dừng xe ở cầu Bến Hải để nghỉ chân, chụp hình. Nói về cây cầu và dòng sông dày dấu tích văn học sử này tôi đọc những câu thơ: "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm / Có tuổi 20 hòa sóng nước"... Như chạm vào dòng điện của anh linh trăm ngàn liệt sĩ, đọc và chép xong bốn câu thơ chủ và khách không thể kiềm chế được sự xúc động. 
Theo truyền thuyết của Nhật Bản, những người sống có nghĩa khí, hy sinh vì đất nước khi chết sẽ hóa thành những ngôi sao ngụ trên bầu trời quan sát việc chúng ta làm. Những người dấn thân vào con đường quyền lực mà không mang tâm thế phục vụ, vì dân vì nước nên biết như vậy. 
Trúc Nguyễn 
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-nguyen-ba-canh-thoi-lam-nhiem-vu-dai-bieu-hdnd-tpda-nang-1102278.html
(2) https://news.zing.vn/con-trai-ong-tran-van-minh-duoc-cu-di-du-hoc-du-khong-du-chuan-post845649.html
(3) http://soha.vn/5-uy-vien-trung-uong-dang-duong-nhiem-bi-ky-luat-20181227152216963rf20181227152216963.htm
(4)https://laodong.vn/archived/vu-lo-dien-58-can-bo-ca-nha-lam-quan-tai-9-tinh-thanh-vo-bi-thu-em-chu-tich-deu-co-ghe-673926.ldo
(5) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/con-lanh-dao-lam-lanh-dao-la-hanh-phuc-cua-dan-toc-269501.html

AI SẼ CHỊU TRÁCH NHIỆM ?

ĐỖ NGỌC THỐNG/ BVN 20-7-2019

Vài ba năm lại đây, hàng loạt cán bộ trung, cao cấp liên tiếp phạm sai lầm, không ít đã vào nhà đá ngồi bóc lịch, đếm kiến; chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương ngày càng xuống cấp, như người xưa vẫn nói: “phú quý giật lùi”. Ở đâu cũng có đảng lãnh đạo, về logic đảng phải chịu trách nhiệm. Nhưng đảng không phải là 1 người cụ thể, vậy ai là người chịu trách nhiệm về tình trạng ấy?
Chưa bao giờ người ta thấy lãnh đạo các cấp, những quan chức nhà nước "mũ cao áo dài" mà phát ngôn tùy tiện, bừa bãi, toàn như trò hề, vị nào cũng để lại nhiều “ranh ngôn” độc đáo. Các phiên chất vấn tại nghị trường QH hoặc truyền trực tiếp các sự kiện là một dịp để người dân được cười thỏa thích mà không mất tiền đến rạp xem hài.
Làm sai, vi phạm pháp luật nếu bị lộ thì phải kỉ luật đã đành, nhưng còn vô số cán bộ chưa bị lộ có đầy đủ phẩm chất và năng lực yếu kém vẫn ngồi ghế lãnh đạo các cấp mới là thực trạng đáng sợ. Có thể nói đó là lực cản lớn nhất để đất nước tiến lên. Vì ai cũng biết dù công nghệ, khoa học có hiện đại đến đâu, cách mạng 4.0 hay 10.0 đi nữa, con người vẫn đóng vai trò quyết định đối về chất lượng cuộc sống và tạo nên sức mạnh của 1 đất nước. Làm sao chọn được người có năng lực vẫn là vấn đề cốt tử của một chính thể.
Tình trạng chạy chức chạy quyền, cài cắm người nhà, con ông cháu cha là phổ biến. Chất lượng cán bộ xuống cấp, yếu kém đến thảm hại như thế do nhiều nguyên nhân nhưng trực tiếp phải chịu trách nhiệm là những người giữ trọng trách làm công tác cán bộ. Các phòng tổ chức, vụ tổ chức, ban tổ chức từ trung ương đến địa phương đã tham mưu không đúng, đề xuất “quy hoạch” cán bộ không đúng.
Tôi không hiểu tại sao để tình trạng chất lượng cán bộ yếu kém như thế mà hầu như ít có vị nào làm công tác cán bộ phải chịu trách nhiệm trước đất nước và nhân dân. Theo tôi phải kỉ luật những cá nhân và cơ quan đã đề cử quy hoạch những cán bộ kém chất lượng, vi phạm pháp luật. Ví dụ điển hình nhất là vụ ông Đinh La Thăng và gần đây hàng loạt vị nguyên ủy viên TW vi phạm pháp luật. Nếu những ông bà ấy bị kỉ luật thì theo đó ít nhất là các vị có liên quan, từ thủ tướng CP đến lãnh đạo ban tổ chức TW phải chịu trách nhiệm và chịu hình thức kỉ luật thích đáng chứ. Không có lí gì khi tiến cử 1 lãnh đạo yếu kém, gây hậu quả nghiêm trọng, hại dân, hại nước… mà người tiến cử lại không phải chịu trách nhiệm gì. Thế còn gì là nghiêm minh, còn gì là kỉ cương phép nước?
Theo tôi, công tác cán bộ là một trong những hạn chế và yếu kém nhất trong mấy chục năm qua. Nếu không nhìn nhận vấn đề ấy một cách nghiêm túc và nghiêm minh thì mãi mãi chỉ thu được những đồ đồng nát; sẽ chỉ có được một dàn lãnh đạo tham lam, ngu dốt và hống hách một cách vô sỉ…
Ở ta cái gì cũng khẳng định đã làm “đúng quy trình”. Đúng quy trình nhưng kết quả vẫn thảm hại thì hoặc là phải xem lại quy trình hoặc là người thực hiện cái quy trình ấy không đúng, phải cách chức, loại bỏ.
Ảnh lấy từ FB Nguyễn Quang Cương
Đ.N.T.
Frankfurt 17-07-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét