Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

20190727. THẤY GÌ TỪ SÁCH TRẮNG BỘ KH-ĐT ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẾN LÚC VIỆT NAM CẦN THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN QUỐC GIA

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 26-7-2019


Ngày 10/6/2019 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phổ biến Bạch thư (Sách trắng) doanh nghiệp Việt Nam, nhờ đó chúng ta thấy rõ hơn thực trạng kinh tế và sự cần thiết phải thay đổi toàn bộ chiến lược phát triển quốc gia.
Tư nhân nhiều nhưng nhỏ
Theo Bạch thư vào thời điểm 31/12/2017, nhà nước có 2.486 doanh nghiệp đang hoạt động, với 1.204 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước đều lớn hay rất lớn cả về nguồn vốn lẫn quy mô hoạt động.
Có 16.178 doanh nghiệp trong khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng đều lớn hay rất lớn, với nhiều công ty đa quốc gia sản xuất phục vụ xuất cảng.
Trong khi khu vực tư nhân có 541.753 doanh nghiệp, thì đa số đều nhỏ hay rất nhỏ. Chỉ trên 1% doanh nghiệp đủ lớn.
Tư nhân chịu thua thiệt
Đến 31/12/2017, khu vực nhà nước đạt 9,5 triệu tỷ đồng vốn, với tổng doanh thu 3,1 triệu tỷ đồng, 200.900 tỷ đồng lợi nhuận, tạo 1,2 triệu công việc.
Khu vực tư nhân có 17,5 triệu tỷ đồng vốn, 11,7 triệu tỷ đồng doanh thu, 291.600 tỷ đồng lợi nhuận, tạo 8,8 triệu công việc.
Tính trung bình nhà nước cần hơn 3 đồng vốn mới tạo được 1 đồng doanh thu, tư nhân chỉ cần một nửa, nghĩa là 1,5 đồng vốn đã tạo được 1 đồng doanh thu.
Cứ 2 tỷ vốn tư nhân lại tạo được 1 công ăn việc làm, nhưng phải cần bốn lần, tức 8 tỷ vốn đầu tư nhà nước mới tạo ra 1 công việc.
Tư nhân tạo công ăn việc làm gấp 7,3 lần nhà nước, nhưng phải cần 60 đồng đầu tư mới có được 1 đồng lợi nhuận, tỷ lệ lợi nhuận quá thấp để có thể đầu tư sản xuất và có lợi nhuận tái đầu tư sản xuất.
Năm 2018, có tới 48% doanh nhiệp tư nhân bị thua lỗ, với 90.651 doanh nghiệp ngừng hoạt động vì thiếu vốn, trong đó có 18.795 doanh nghiệp chờ giải thể.
Nghịch lý là tỷ lệ đóng góp vào thuế của khu vực tư nhân chiếm đến hơn 41%, cao hơn tỷ lệ đóng góp của các khu vực khác.
Hầu hết doanh nghiệp tư nhân không thể tự đề ra chính sách và chiến lược cạnh tranh, rất ít đủ lớn để có khả năng đầu tư sản xuất hàng công nghiệp, không thể cạnh tranh một cách hiệu quả ngay tại Việt Nam, nên rất khó vươn ra cạnh tranh ở xứ người.
Tham gia CPTPP và EVFTA, Việt Nam phải cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, nếu Hà Nội không sớm đưa ra chiến lược thích hợp thì nhiều doanh nghiệp tư nhân khó có thể sống còn.
Xã hội bất bình đẳng
Tiền lương hằng tháng trả cho người lao động khu vực tư nhân là 7,4 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 60% hay 11,9 triệu đồng trả cho người làm công trong khu vực nhà nước.
Năm 2018, cả nước có 714.000 doanh nghiệp, thì Tp. HCM có 228.267 doanh nghiệp còn Hà Nội có 143.119 doanh nghiệp, hai thành phố chiếm quá nửa số doanh nghiệp toàn quốc.
Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hoá và Bắc Ninh thu hút được số lớn các doanh nghiệp còn lại.
Còn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có rất ít doanh nghiệp hoạt động, chỉ từ trên 600 tới khoảng 2.000 doanh nghiệp cho mỗi tỉnh.
Đầu tư thiếu kế hoạch và mất quân bình tạo chênh lệch lợi tức giữa lao động làm việc trong và ngoài nhà nước, giữa nông thôn và thành thị, làm chậm đà phát triển xã hội.
Nhà nước kém hiệu quả
Khu vực nhà nước kém hiệu quả còn thấy rõ qua chỉ số nợ là 4,1 lần trong khi tư nhân chỉ 2,3 lần, còn chỉ số vòng quay vốn nhà nước là 0,3 lần thì tư nhân là 0,7 lần, nhưng vẫn được coi là khu vực kinh tế chủ đạo.
Doanh nghiệp nhà nước được hưởng mọi ưu đãi về vốn, đất đai, chính sách hỗ trợ, được nắm giữ độc quyền kinh doanh nên vẫn ỷ lại, lãng phí tài nguyên, lãng phí của công, lợi ích nhóm, tham nhũng, trục lợi, thiếu cải tiến, chậm cải cách.
Theo Báo cáo của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, có tổng doanh thu 1,304 triệu tỷ đồng thì cũng mắc nợ lên tới 1,3 triệu tỷ đồng, với 12 dự án ngàn tỷ bị thua lỗ.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, song vẫn ỷ lại cơ chế xin cho, tìm cách trục lợi từ các chính sách nhà nước.
Muốn tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho việc phát triển đất nước, Hà Nội phải tuân thủ nguyên tắc thị trường không được bù lỗ, chấm dứt mọi trợ cấp, không giảm trừ thuế, không cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, xóa nợ, không ưu đãi nguồn đất và tài nguyên.
Hà Nội phải chấm dứt can thiệp vào hoạt động của khu vực nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước phải bình đẳng cạnh tranh với khu vực tư nhân.
CPTPP và EVFTA buộc Hà Nội phải tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng như mở cửa khu vực dịch vụ công cộng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào khai thác.
Các doanh nghiệp nhà nước, thay vì bán cho người nước ngoài, nên được bán cho dân chúng, từ trẻ đến già mỗi người được mua một ít cổ phần, vừa thu vốn tư nhân vừa giữ doanh nghiệp trong tay người Việt.
Nước ngoài hưởng lợi
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hầu hết có quy mô lớn, thu hút 6 triệu tỷ đồng vốn, doanh thu thuần đạt 5,8 triệu tỷ đồng với 384.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Các doanh nghiệp FDI được ưu đãi từ thủ tục hành chánh, thuê mướn đất, thuê mướn nhân công, trợ giúp xuất nhập cảng, trợ giúp vay thêm vốn, đến các chính sách vĩ mô về hối đoái, tiền tệ hay ký kết CPTPP và EVFTA mở rộng xuất cảng.
Được ưu đãi nên mặc dầu đầu tư ít hơn các khu vực khác doanh nghiệp FDI lại hưởng lợi nhuận nhiều hơn. Năm 2017, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 43,8% của 876,7 nghìn tỉ đồng tổng lợi nhuận trước thuế.
Tính trung bình một đồng lợi nhuận doanh nghiệp FDI chỉ cần 15 đồng vốn đầu tư, trong khi doanh nghiệp nhà nước cần 47 đồng còn doanh nghiệp tư nhân phải cần tới 60 đồng.
Chưa kể các doanh nghiệp FDI còn được miễn thuế, nên khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng đặt Việt Nam vào tầm nhắm của Mỹ trong thương chiến Mỹ-Trung.
Mỹ đe dọa đánh thuế
Chiến lược tăng trưởng dựa trên FDI tạo ra một nền kinh tế với sản xuất có vốn FDI chiếm hơn 25% GDP và trên 70% giá trị xuất khẩu.
Hàng hóa thường chỉ qua sơ chế, gia công hay lắp ráp mang lại thật ít giá trị gia tăng cho Việt Nam, nhưng Hà Nội buộc phải luôn giữ đồng tiền yếu, giúp xuất cảng nhiều hơn, nên bị Mỹ đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ cần theo dõi.
Xuất cảng tăng, chênh lệch thương mãi Mỹ-Việt ngày càng mở rộng, nhiều lần Tổng thống Trump phải nhắc nhở và gần đây lên tiếng chỉ trích Việt Nam "lợi dụng Mỹ còn tệ hơn cả Trung cộng".
Mỹ vừa thông báo đánh 456% thuế chống bán phá giá lên thép nhập cảng từ Việt Nam có xuất xứ từ Đại Hàn và Đài Loan.
Chiến lược tăng trưởng dựa trên FDI đã được Trung cộng sử dụng cùng lúc với việc kiểm soát chặt chẽ chính trị.
Khi Việt Nam ký các hiệp ước CPTPP và EVFTA, cùng với chiến tranh thương mãi Mỹ-Trung, thì đầu tư và hàng hóa từ Trung cộng tràn vào Việt Nam.
Nhiều loại hàng sản xuất tại Trung cộng được chuyển sang Việt Nam sơ chế hoặc thay nhãn “Made in Vietnam”.
Thậm chí có mặt hàng sản xuất tại Trung cộng dán nhãn “Made in Vietnam”, mượn đường Việt Nam xuất cảng sang Mỹ tránh thuế.
Nếu Hà Nội không chịu thay đổi, sẽ bị Mỹ đánh thuế, nhiều mặt hàng Việt không thể tiếp tục sản xuất, người làm công bị mất việc, ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Cần thay đổi
Phát triển kinh tế phải dựa vào nội lực quốc gia, phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân thì Hà Nội bắt chước Trung cộng dựa vào tư bản nước ngoài.
Hậu quả là khu vực tư nhân không thể cạnh tranh, nên sau 30 năm mở cửa, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế dựa trên tiểu thương và tiểu nông.
Muốn phát triển kinh tế điều kiện cần là Hà Nội phải thay đổi chiến lược, chính sách và luật pháp sao cho rõ ràng, minh bạch, hợp lý để mọi doanh nghiệp cạnh tranh một cách bình đẳng.
Điều kiện đủ là Việt Nam phải có tự do kinh doanh, quyền tư hữu tài sản và đất đai phải được Chính phủ bảo đảm và tự do chính trị để tầng lớp doanh nhân có quyền tự do chọn người đại diện trong Quốc hội và Chính phủ bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Melbourne, Úc Đại Lợi
25/07/2019
N.Q.D.
Tác giả gửi BVN.

ÔNG NGUYỄN VĂN BÌNH: TƯ NHÂN VÀ NHÀ NƯỚC 'MƠ' VỀ NHAU

TRÚC DIỄM /TBKTSG 26-7-2019



Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi hội nghị- Ảnh: Ban kinh tế Trung ương


Sáng 26-7, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức hội nghị lần thứ 17 sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Hội nghị đã thảo luận, đánh giá kết quả, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Khối và các đơn vị. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đánh giá cao Nghị quyết số 12 hội nghị TW5 khóa 12 ban hành ngày 3-6-2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với phạm vi rất toàn diện, bao trùm cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, hội nghị cũng đề xuất kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ cần sớm có kiểm tra, đánh giá về kết quả triển khai Nghị quyết này để góp phần tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng Đảng với chất lượng và hiệu quả được nâng lên; phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng có nhiều đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp được khẳng định và nâng cao; đồng thời biểu dương những đóng góp quan trọng của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương vào những thành quả phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2019.
Các chỉ tiêu kinh doanh toàn Khối so với cùng kỳ năm 2018 đều có sự tăng trưởng, tổng doanh thu tăng 6,1%, tổng lợi nhuận trước thuế tăng 0,4% và nộp ngân sách tăng 1,62% so với cùng kỳ năm 2018. Công tác sắp xếp, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp được đẩy mạnh, theo sát tiến độ được phê duyệt; thực hiện kịp thời việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và các quy chế quản trị nội bộ sau khi sắp xếp lại doanh nghiệp.
Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước ddax trình bày những khó khăn mà ngành đang gặp phải và đề xuất kiến nghị để thực hiện được mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp than, khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, hiện nay TKV gặp khó khăn liên quan tới quy hoạch. Quy hoạch hầu như bị phá vỡ bởi quy hoạch kinh tế xã hội của địa phương. Chính vì không thể thực hiện được các dự án khai thác than, nên nguồn cung than cung cấp cho nền kinh tế đang rất hạn chế. “Cách đây 3 năm, lượng than dự trữ luôn đạt 7 – 8 triệu tấn than, nhưng 2 năm nay đã không có than tồn trữ, chúng ta phải đưa than nhập khẩu về mới đủ cung cấp”, ông Chuẩn nói.
Trong khi đó, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho hay, lĩnh vực viễn thông được dự báo còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng các thị trường viễn thông thấp hơn GDP các nước. Chính vì thế, VNPT đã chuyển đổi sang phát triển chuyển đổi số, cũng như tham gia vào chính phủ điện tử.
VNPT hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực mà các cơ hội đi qua rất nhanh. Do đó, đầu tư vào các startup công nghệ ngay từ ban đầu là cách làm hiệu quả nhất vì khi đó giá trị các startup này chỉ vài chục tỉ đồng. Nếu đầu tư sớm, giá trị mang lại rất cao. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước muốn chuyển đổi số, cần phải có công nghệ cao thì lại không sở hữu được những công ty công nghệ này.
“Đây cũng là một nguy cơ cao đối với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp”, ông Hùng nói.
Lãnh đạo VNPT đề xuất, đây là những khoản đầu tư và nếu giao cho chủ tịch hội đồng thành viên phân cấp, quyết định sẽ đơn giản các thủ tục, giúp các doanh nghiệp nhà nước đuổi kịp doanh nghiệp tư nhân.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho hay, lợi thế của khu vực nhà nước là được hưởng cơ chế phân bổ các tài nguyên và nguồn lực.
Nhưng nếu được giao nguồn lực nhưng cơ chế không cho phép doanh nghiệp nhà nước sử dụng thì nguồn lực đó cũng không phát huy được hiệu quả. Do đó, nếu doanh nghiệp nhà nước có nguồn lực và được hưởng cơ chế như tư nhân là điều mà khu vực doanh nghiệp nhà nước mơ ước.
“Qua cái mơ đó mới thấy rằng, có điều gì đó là điểm chung, có gì đó là lợi thế, nếu chúng ta biết tận dụng thì ta phát huy được”, ông Bình nói và cho biết thêm: Nghị quyết 12 giải quyết mơ ước của doanh nghiệp nhà nước, trong khi Nghị quyết số 10 giải quyết ước mơ của khu vực tư nhân.
Mời đọc thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét