Không có tính sáng tạo thì khó có thể gọi là trí thức. Tuy nhiên, một trí thức chân chính, ngoài phẩm chất say mê lao động sáng tạo, thì còn phải có lòng tự trọng, đồng thời phải biết đồng hành, gắn bó thủy chung với cộng đồng, dân tộc, đất nước đã sinh ra, nuôi dưỡng mình lớn khôn, trưởng thành.
Thời gian qua, trong khi phần đông trí thức Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình và có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, thì vẫn còn một số trí thức có những hành vi làm tổn hại đến sự nghiệp chung, gây bất lợi cho ổn định chính trị và sự đồng thuận xã hội.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: TTXVN
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về những sai phạm rất nghiêm trọng của một trí thức, đó là ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Theo thông tin của cơ quan chức năng cung cấp, từ năm 2005 đến 2018, với vai trò là Giám đốc-Tổng biên tập, ông Chu Hảo đã để Nhà xuất bản Tri thức xuất bản 29 cuốn sách có nội dung sai phạm; trao giải thưởng một số đầu sách có nội dung phức tạp, nhạy cảm. Là một đảng viên, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhưng từ năm 2011 đến nay, ông Chu Hảo đã tham gia ký tên, soạn thảo và trực tiếp soạn thảo 7 kiến nghị, thư ngỏ với nhiều nội dung chưa đúng, không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Không chỉ vậy, ông Chu Hảo đã “Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm này là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”-như thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, đáng ra ông Chu Hảo phải bị thi hành kỷ luật từ lâu, vì vi phạm của ông diễn ra trong thời gian dài. Mặc dù đã được các cơ quan cấp trên, cơ quan chức năng, tổ chức nghề nghiệp nhiều lần chân thành góp ý, nhắc nhở, nhưng ông vẫn không khắc phục khuyết điểm. Tuy nhiên, vì ông Chu Hảo từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo của một bộ, lại là một trí thức có ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội, nên cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm đã rất thận trọng trong xử lý, xem xét toàn diện ở mọi khía cạnh rồi mới thống nhất đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật. Tất nhiên, phải quyết định kỷ luật đối với một trí thức là việc không ai mong muốn. Nhưng như người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã từng khẳng định: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Qua sự việc này, chúng ta mới thấy không phải cứ là trí thức thì sẽ được mọi người vị nể, trọng vọng. Tài năng đến mấy nhưng không mang tài năng ấy ra phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, mà lại lợi dụng khả năng, vị thế công tác của mình để làm phương hại đến sự nghiệp chung, tác động xấu đến dư luận xã hội, niềm tin trong nhân dân, thì rất đáng phê phán. Không riêng ông Chu Hảo, thời gian qua, nhân danh “kẻ sĩ yêu nước”, “trí thức thương nòi”, một số tri thức, văn nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi của mình, lợi dụng bầu không khí tự do sáng tạo, đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó nổi lên các biểu hiện như: Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”; nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội; sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng…
Trí thức trước hết là một công dân, nên phải có ý thức, bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với xã hội như bao công dân khác. Trong xã hội pháp quyền lại càng đòi hỏi mọi công dân có ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đối với trí thức là đảng viên thì còn phải chấp hành điều lệ, kỷ luật Đảng. Không những vậy, người trí thức-đảng viên chân chính còn phải tham gia xây dựng, giữ gìn và làm lan tỏa ảnh hưởng vị thế, uy tín, danh dự của Đảng trong xã hội, góp phần làm cho hình ảnh của Đảng ăn sâu vào tình cảm, niềm tin trong nhân dân.
 Là người lao động trí óc, có trình độ học vấn, chuyên môn cao, có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến bộ xã hội phát triển. Bất cứ một quốc gia nào muốn phồn vinh, hưng thịnh thì cũng phải đề cao vị thế, vai trò và biết khơi nguồn tiềm năng to lớn, sức mạnh dồi dào của đội ngũ trí thức. Nhận thức rõ vấn đề đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có quan điểm nhất quán là “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Một mặt, Đảng ta khẳng định, thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì những mục tiêu tốt đẹp của đất nước, xã hội; mặt khác cũng mong muốn đội ngũ trí thức có bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Bầu không khí tự do vừa là bệ đỡ, vừa là động lực nuôi nguồn cảm hứng và thúc đẩy tài năng sáng tạo cho trí thức. Nhưng cần hiểu tự do ở đây không phải là tự do vô giới hạn, mà là tự do có giới hạn và giới hạn đó không gì khác chính là ranh giới cần thiết để phòng ngừa những lệch lạc có thể làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của trí thức và tác động không thuận đến sự ổn định, phát triển lành mạnh của xã hội, đất nước. Nói như một nhà văn, đối với trí thức và văn nghệ sĩ chân chính, không có tự do nào tuyệt đối bằng tự do tuyệt đối phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc, phục vụ nhân dân. Khi tâm huyết, tài năng của mình được thể hiện tự do trong tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân, tình yêu dân tộc thì nhất định công trình, tác phẩm của trí thức, văn nghệ sĩ sẽ được xã hội công nhận và đi vào lòng công chúng. Nếu không nhận thức thấu đáo vấn đề này, trí thức, văn nghệ sĩ sẽ đi chệch khỏi "đường ray" cuộc sống và dễ bị đào thải.
Lịch sử đã chỉ ra rằng, một khi trí thức giàu lòng tự trọng, trách nhiệm, tâm huyết với nhân dân, với Tổ quốc, biết giải quyết hài hòa giữa thực hiện vai trò, sứ mệnh của trí thức với đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong cuộc sống và trong hành trình sáng tạo của mình thì mới để lại danh thơm tiếng tốt cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu để “cái tôi” cá nhân lấn át “cái ta” cộng đồng, thiếu sự thủy chung, tinh thần xây dựng và ứng xử tiền hậu bất nhất... thì khó có chỗ đứng trong lòng công chúng.
THIỆN VĂN
THƯ NGỎ
NGUYỄN TRUNG/ viet-studies 27-10-2018
Kính gửi bạn bè gần xa,
Tôi là Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xin thưa với bạn bè gần xa như sau:
          Một thời gian sau khi có bức thư ngày 09-08-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị BCHTƯ ĐCSVN, nhất là sau khi các anh Lê Hồng Hà (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công An), anh Hà Sỹ Phu (tức Nguyễn Xuân Tụ) và anh Nguyễn Kiên Giang bị bắt và bỏ tù về tội “làm lộ bí mật nhà nước” – lí do thật là 3 anh đã đọc và giữ bản sao bức thư 09-08-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, do một ai đó trong những người ở cương vị được nhận thư chuyển cho đọc, – tôi hiểu ra những hệ lụy của bức thư và những khó khăn gây ra cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngay lâp tức tôi trình bầy bằng thư và nói miệng với Thủ tướng quyết định cá nhân của tôi: Vì không thể chấp nhận cách bức thư 09-08-1995 bị đối xử như vậy, tôi quyết định từ chức trợ lý Thủ tướng, và xin nghỉ hưu ngay tức khắc.
Trao xong thư từ chức và quyết định cá nhân về nghỉ hưu, từ hôm sau trở đi tôi không đến nhiệm sở cơ quan nữa.
          Sau đó tôi được mời với tư cách chuyên gia tham gia Tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại của Văn phòng Chính Phủ (gọi tắt là Tổ Kinh tế đối ngoại, do Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân làm tổ trưởng, làm nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề  kinh tế đối ngoại). Sau một thời gian, tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại giải thể theo quyết định của Văn phòng Chính phủ. Ngày 21-11-2006 đảng ủy Văn phòng Chính phủ làm hồ sơ chuyển đảng tịch của tôi về đảng ủy Quận Ba Đình – nơi tôi cư trú; nhân dịp này tôi đã xin nghỉ sinh hoạt đảng với lý do đưa ra là tuổi tác, lý do không nói ra: Tôi muốn làm người tự do. Từ đó tôi không còn là đảng viên ĐCSVN, và không tham gia sinh hoạt đảng.
          Cả hai câu chuyện xin thưa trên đây đều là chuyện riêng tư cá nhân của tôi, và cho đến nay tôi lặng lẽ sống như vậy.
Thế nhưng mấy ngày qua, Ban Kiểm tra Trung ương của ĐCSVN có kết luận quyết định kỷ luật PGS TS Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phụ trách nhà xuất bản Tri Thức. Án kỉ luật đưa ra nhiều lý do, nhưng theo tôi mục đích thật là nhằm trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của PGS  TS Chu Hảo về những vấn đề nóng bỏng của đất nước, đồng thời qua việc ra tay này muốn răn đe và bóp nghẹt những nỗ lực của giới trí thức cả nước – những người ngày đêm mong mỏi góp phần mở mang dân trí nước nhà cho sự nghiệp xây dựng dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.
Tình thế nói trên buộc tôi viết thư ngỏ này nói ra 2 chuyện riêng tư cá nhân mà ngay từ đầu tôi đã có ý thức xếp lại một bên. Hôm nay sở dĩ phải thưa thốt như thế, cốt chỉ để biểu thị sự đoàn kết của tôi với PGS TS Chu Hảo, và đồng thời bầy tỏ sự bất bình với kết luận sai trái của Ban Kiểm tra Trung ương.
Đất nước ta đang đứng trước thách thức cực kỳ hiểm nghèo chưa từng có sau 43 năm độc lập thống nhất, song cơ hội cũng vô cùng to lớn, do bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay tạo ra. Tôi đã nhiều lần viết ra trên công luận chia sẻ suy nghĩ của mình về nội dung này với cả nước, kể cả với ĐCSVN – người có trách nhiệm ràng buộc pháp lý và đạo lý không thể thoái thác về hưng vong và thịnh suy của đất nước. Bài mới đây nhất là “Đại hội XIII…”[1]
Tôi tự hỏi, trước tình hình và nhiệm vụ của đất nước như nêu trên, chẳng lẽ không có việc nào đáng làm hơn là từng ly từng tí chăm lo vun đắp sự quần tụ của dân tộc như chăm lo cho con ngươi của mình, khơi dậy ý chí và trí tuệ cả nước, tất cả với nỗ lực hợp quần cao nhất, quyết giành bằng được một vị thế đáng sống cho quốc gia trong thế giới hỗn loạn hôm nay hay sao - nhất là lúc này khu vực Biển Đông đang cận kề miệng hố chiến tranh! - mà lại đi làm những việc chia rẽ dân tộc, phân tán nỗ lực đất nước như kết luận quyết định kỷ luật PGS TS Chu Hảo hay sao? Ban Kiểm tra Trung ương chẳng lẽ vô cảm hết mức, hay không thấy gì trước những thách thức sống còn đối với vận mệnh đất nước, mà lại đưa ra một quyết định kỉ luật như vậy hay sao?
Tôi mong cả nước cùng nhau suy nghĩ và tìm câu trả lời, để nhân dân cả nước chúng ta nhất trí hành động. Nhất là mong ĐCSVN với trách nhiệm ràng buộc không thể thoái thác của mình đối với đất nước cũng cùng suy nghĩ như vậy, để cùng với nhân dân cả nước nhất trí hành động!
Nguyễn Trung
Viết tại Hà Nội – Võng Thị, ngày 27-10-2018
[1] Tìm xem: Nguyễn Trung, http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_DaiHoiXIII.html
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 27-10-18

KỶ LUẬT GIÁO SƯ CHU HẢO: ĐẢNG TỰ CỞI TRUỒNG

JB NGUYỄN HỮU VINH/ VOA 27-10-2018

Có lẽ, trong hàng ngũ cán bộ cao cấp của hệ thống chính trị cộng sản mà tôi đã gặp, Giáo sư Chu Hảo để cho tôi nhiều ấn tượng nhất.
Ấn tượng đầu tiên, là dưới mái tóc bạc trắng phau của ông, luôn thường trực một nụ cười thân thiện và dễ mến. Và sau đó, khi nói chuyện, là một tấm lòng luôn đau đáu với vận mệnh đất nước, với những tiến bộ xã hội, với những đau khổ của người dân Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản.
Dù khi đó, ông vẫn là một đảng viên cộng sản.


Tôi gặp Gs Chu Hảo khá nhiều lần. Mỗi lần gặp, câu chuyện ông trao đổi vẫn là câu chuyện về hiện tình đất nước, một thao thức với tấm lòng nhiệt huyết và trăn trở với thực tại xã hội, nhất là những khi nói về những việc cần làm để cho xã hội có nhiều tiến bộ, cải thiện tình hình đất nước trước nguy cơ nô lệ, trước những vấn nạn khó giải thoát dưới ách cộng sản, với những người đang phải tù tội vì dám cất tiếng nói của mình cho sự thật, công lý, hòa bình... ông như trẻ hơn nhiều so với tuổi tác và mái tóc bạc phơ của ông.


Nói về những cống hiến cho đất nước của ông, có lẽ nhiều người đã nói. Kể từ khi tham gia xây dựng Viện Vật lý Việt Nam, tiền thân của Viện Khoa học Việt Nam, rồi Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho đến khi ông về hưu làm Giám đốc nhà xuất bản Tri thức, những đóng góp của ông trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật rất lớn lao cho nước nhà.
Trong đó, có cả việc ông là một trong những người đã góp phần quan trọng cho việc đưa Internet vào Việt Nam, một lối mở tri thức cho người dân Việt Nam thoát khỏi bức màn sắt thông tin một chiều của Cộng sản – một nỗi sợ hãi của nhà cầm quyền độc tài, nhưng là một lối đi lên văn minh, tiến bộ theo hướng đi của nhân loại.
Trong các câu chuyện hoặc các cuộc trao đổi, ông luôn điềm tĩnh và khách quan, biết kiềm chế trong lời nói, cũng như sự thuyết phục của ông đối với người khác khá lớn bởi tri thức, bởi những kinh nghiệm sống và sự chính xác của một nhà khoa học.
Thế nhưng, điều cần nói, điều nổi bật ở ông, là ngay cả khi đã có thể “kê cao gối mà ngủ” sau khi đã về hưu, lẽ ra, ông chỉ cần im lặng, chỉ cần ngậm miệng nếu không muốn rầy rà, được yên ổn, được xưng tụng và nhiều thứ khác nhau được ban từ đảng, thì ông lại không như muôn ngàn quan chức cộng sản khác. Trái lại, ông vẫn muốn cống hiến những gì có thể cho đất nước, xã hội được tốt đẹp hơn bằng sự hiểu biết, bằng sự ôn hòa và đoàn kết, bằng cách cung cấp tri thức cho người dân được “thông não’.
Từ rất lâu, tôi đã có một nhận định rằng: Đừng hy vọng gì ở các quan chức cộng sản có những người tốt. Bởi trong một cỗ máy rệu rã, tàn tạ và mục nát này, thì một chiếc đinh ốc tốt, tự nó cũng sẽ phải văng ra ngoài vì không thể tồn tại trong cỗ máy đó, nếu nó vẫn giữ nguyên tính chất của nó.
Khi gặp Giáo sư Chu Hảo, đã có lúc tôi nghĩ rằng, với một người mang thẻ đảng như ông, thì khó có thể kết luận rằng đã quan chức cộng sản thì đều đểu giả, bẩn thỉu và thiếu liêm sỉ.
Thế nhưng, đến hôm nay, thì những suy nghĩ hiếm hoi đó của tôi đã bị đánh đổ hoàn toàn khi ông vừa bị đảng hăm he kỷ luật vì “tự diễn biến”.
Thế là đã rõ, cỗ máy cộng sản độc tài không thể dung dưỡng một người có nhân cách và liêm sỉ như Giáo sư Chu Hảo, con ốc vít kia đã phải văng ra khỏi bộ máy chính trị đầy bất nhân và bạo tàn.


Việc đảng cộng sản kỷ luật một người có nhân cách, có tri thức và nhất là có một tấm lòng với quê hương, đất nước, biết đau nỗi đau của dân tộc trước họa nô lệ, biết lo lắng tìm cách để dân tộc thoát sự tăm tối của nạn thiếu tri thức, biết tìm cách để đưa đất nước ra khỏi bất công, bần hàn và quyền con người được tôn trọng, được đông đảo người dân yêu mến như Giáo sư Chu Hảo đã nói lên một điều: Rõ ràng, hệ thống độc tài man rợ này không thể chấp nhận những con người tốt, những con người có nhân cách và liêm sỉ. Nó chỉ dung dưỡng những tên rước voi về dày mả tổ, những tên cướp cạn bằng chính sách, bằng cái miệng với công cụ của “nhà nước chuyên chính vô sản” nhằm vinh thân, phì gia cho đám quan chức trong đó. Nó cũng không khác mấy với đám băng đảng lục lâm thảo khấu trong các câu chuyện cổ tích năm xưa.
Chính việc nhà cầm quyền CSVN cho rằng: “Giáo sư Chu Hảo đã tự diễn biến”, “trái với đường lối, chủ trương của đảng” đã thú nhận một điều mà xưa nay nhiều người dù đã thấy, đã nghe nhưng chưa hẳn đã được chứng minh cụ thể như trường hợp này: Đó là cái đường lối, chủ trương của đảng là những thứ gì mà nó đối nghịch với quyền con người, với sự tiến bộ của xã hội cũng như việc đưa đất nước thoát vòng nô lệ?


Cái gọi là “chống tự diễn biến”, tai ác thay lại chính đảng cộng sản đang tự vả vào mồm mình khi tuyên thệ “lấy Chủ nghĩa Mác – Lenin làm kim chỉ nam, làm nền móng tư tưởng cho xã hội Việt Nam”. Bởi chính Chủ nghĩa Mác – Lenin đã cho rằng: Con người, sự vật luôn luôn vận động, đứng im có nghĩa là chết, là không thể tồn tại và nó luôn vận động theo hình xoáy trôn ốc, nghĩa là mức độ lặp lại ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Bởi khi “lượng” đổi, dẫn đến “chất” đổi, đó là một quy luật.
Thế cho nên, khi đảng đã cố gắng chống lại quy luật, thì điều tất yếu là đảng sẽ bị quy luật nghiền nát – Điều này cũng chính Chủ nghĩa Mác – Lenin khẳng định.
Đó cũng chính là hành động tự cởi truồng của đảng trước quốc dân đồng bào, trước bàn dân thiên hạ.
Và hậu quả đã ngay lập tức hiển hiện trước mặt đảng. Hàng loạt các đảng viên đua nhau bỏ đảng không thương tiếc. Họ là nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn, là sĩ quan quân đội, là đảng viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Họ đã vứt bỏ không thương tiếc một cách công khai, khi việc Kỷ luật một con người như Gs Chu Hảo là một minh chứng cụ thể nhất rằng: Cái đảng này đã thật sự phản bội lại dân tộc, đất nước và nhân dân này. Cái đảng này cũng đang chống lại các nguyên tắc, quy luật mà chính nó tuyên truyền, rao giảng bấy lâu nay để thực hiện bằng được việc cướp bóc, trấn lột người dân. Thực chất, nó là một băng đảng của bóng tối và ma quỷ.
Vậy thì không có lý do gì, để những người có lương tri, có nhân cách lại có thể đứng chung hàng ngũ với những kẻ tham nhũng, cướp bóc, dối trá và chỉ bao gồm những thành phần cơ hội, cặn bã trong xã hội vô luân, vô pháp mang danh XHCN.
Nhìn hiện tượng bỏ đảng rầm rộ những ngày qua, sự hân hoan của cộng đồng mạng trước việc các đảng viên “quay đầy về với nhân dân”, người ta mới thấy rõ một điều: Lòng dân đã như sóng cuộn tràn bờ.
Và cơ ngơi, số phận của đảng cộng sản đang dần đến ngày được định đoạt từ chính người dân Việt Nam.
Ngày 27/10/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh