Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

20181012. PHẢN ỨNG VỀ DỰ ÁN NHÀ HÁT 1.500 TỶ Đ TẠI THỦ THIÊM

ĐIỂM BÁO MẠNG
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH,  'NHÚC NHÍCH HAY ... RÚC RÍCH' ?

XUÂN DƯƠNG / GDVN 11-10-2018

Sân khấu nhà hát Bến Thành kích thước 12,5m x 13m, cao 8m (nguồn [1])
Thành phố Hồ Chí Minh đang có chủ trương chi ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng xây nhà hát giao hưởng nhạc và vũ kịch (nhà hát giao hưởng) tại khu đô thị Thủ Thiêm.
Nhà hát được xây với quy mô 1.700 chỗ, kinh phí thực hiện dự án lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất ở số 23, Lê Duẩn, quận 1.
Hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh có 3 nhà hát: Nhà hát thành phố xây dựng từ thời Pháp thuộc với 476 chỗ ngồi; Nhà hát Hòa Bình khai trương năm 1985 với 2.500 chỗ ngồi; Nhà hát Bến Thành có sức chứa 1.041 chỗ ngồi, gồm 2 tầng: Dưới nhà 753 ghế, trên lầu 288 ghế.
Theo giới thiệu thì “Nhà hát Bến Thành tọa lạc tại vị trí trung tâm Thành phố, với sức chứa 1.041 chỗ ngồi là nơi lý tưởng để tổ chức các chương trình Ca - Múa - Nhạc; Thời trang; hội nghị, hội diễn, hội thi... vừa được đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị hiện đại...”. [1]
Nếu nhà hát Bến Thành hiện đại như thế thì vì sao ông Giám đốc Nhà hát giao hưởng lại cho rằng “Nhà hát Bến Thành thì không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của một nhà hát mà chỉ là rạp để biểu diễn”? [2]
Cũng xin nói thêm với ông Giám đốc Nhà hát giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát lớn Hà Nội được xây vào năm 1901, phòng khán giả chính chỉ có diện tích 24x24m và chứa được khoảng gần 900 chỗ ngồi trước khi cải tạo nâng cấp vào năm 1995. [3]
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong: “Dự báo dân số Thành phố đến năm 2025 là 10 triệu người, nhưng thực tế năm 2017 đã đạt đến con số 13 triệu người đang sinh sống trên địa bàn (con số thống kê hơn 8 triệu)”. [4]
Giả sử Nhà hát được xây dựng và “chạy” hết công suất, nghĩa là mỗi ngày có 3 sô diễn thì với sức chứa 1.700 chỗ ngồi, mỗi ngày chỉ phục vụ được khoảng 0,04% cư dân thành phố.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh xe còn nhúc nhích nên không gọi là ùn tắc (ảnh: Plo.vn)
Vậy đó có phải là nhu cầu bức thiết của người dân Thành phố Hồ Chí Minh?
Câu trả lời là không.
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh cần gì, và cần chính quyền thành phố làm gì tại thời điểm này?
Thứ nhất, tình trạng ùn tắc giao thông
Năm 2015, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh giải thích:
Ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí là xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, có thể hiểu rằng các vụ việc kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ, vì xe vẫn có thể di chuyển nhúc nhích được”.
Ba năm sau phát biểu của ông Cường, nhất là sau khi vụ việc khu đô thị Thủ Thiêm bị dư luận mổ xẻ và Thanh tra chính phủ vào cuộc, văn hóa “nhúc nhích” hình như đã được cải thiện đáng kể qua câu chuyện “rúc rích” về nhà hát nhạc giao hưởng thành phố.
Người cần đầu tiên có lẽ là vị Giám đốc nhà hát này bởi theo lời ông “Tới thời điểm hiện tại, trụ sở làm việc HBSO (nhà hát giao hưởng - NV) vẫn đang là ở tầng hầm Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài việc không có trụ sở làm việc ổn định thì khi chuẩn bị những vở lớn hay các chương trình đều phải đi thuê, mượn điểm tập”. [4]
Vẫn biết giao hưởng nhạc vũ kịch là loại hình “văn hóa cao siêu”, cả người biểu diễn lẫn người thưởng thức đều phải có sự “thẩm thấu văn hóa” khác người.
Tuy nhiên giá như ông Giám đốc Nhà hát giao hưởng biết rằng phía dưới tầng hầm Nhà hát thành phố vẫn còn hệ thống cống ngầm mà các “Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố phải khóc khi thấy công nhân ngâm mình dưới cống rác” [5] thì ông có nên chê “tầng hầm Nhà hát Thành phố”?
Thứ hai, tình trạng ngập úng
Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tức là thời kỳ người ở độ tuổi lao động chiếm khoảng 70%. Với 13 triệu người sinh sống trên địa bàn, mỗi ngày có khoảng 9 triệu người phải rời nhà đến nơi làm việc.
Khi Trịnh Công Sơn sáng tác câu hát “Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng”, Sài Gòn đâu đến nỗi cứ mưa là ngập?
Đường ngập như sông là sản phẩm mà chính quyền và người dân thành phố tạo ra suốt mấy chục năm sau ngày giải phóng.

“Sông” trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh cắt từ clip trên Vietnamnet.vn)
Vậy nhu cầu của những người dân “lội sông” trên đường phố có phải là muốn một nhà hát giao hưởng hay đơn giản chỉ là những con đường khô ráo?
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của thành phố từ tháng 4/2018 đến nay đắp chiếu vì mâu thuẫn giữa các đơn vị tham gia, vậy đây có phải là việc cần ưu tiên hay chỉ là thứ yếu?
Thứ ba, tình trạng tội phạm xã hội
Tình trạng nghiện hút, cướp giật trên đường phố, các băng nhóm tội phạm thanh toán công khai bao năm qua đã được cải thiện?
Báo Nhân dân điện tử trong bài “Người dân thành phố lo tội phạm lộng hành” viết:
“Tình hình tội phạm tại thành phố còn diễn biến phức tạp. Số vụ cướp giật giảm xuống nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm lại gia tăng. Bọn tội phạm sẵn sàng dùng hung khí chống trả quyết liệt.
Vụ trộm xe SH mới đây hay vụ chặt tay nạn nhân ở cầu Phú Mỹ (quận 7), cướp ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) là những thí dụ điển hình”. [4]
Thư tư, tình trạng thiếu lớp học
Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam viết:
Dù Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng số phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, nhiều khu đô thị mới xây dựng không có quy hoạch trường học…  
Nhiều khu đô thị mới mọc lên ngay nội thành quy tụ cả ngàn hộ dân nhưng trường học không có”.
Những người chịu trách nhiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh có biết thiếu trường học cho thế hệ tương lai của đất nước mang lại hậu quả tai hại thế nào?
Nếu đem 1.500 tỷ đồng xây nhà hát để xây dựng trường học thì được bao nhiêu ngôi trường?
Chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ cấp thiết hơn hay nhà hát giao hưởng cấp thiết hơn?
Khi đời sống vật chất khấm khá, khi mặt bằng dân trí được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ, giải trí thay đổi thì việc xây dựng nhà hát giao hưởng là tất yếu.
Khi những nhu cầu tối thiểu là học tập, đi lại, trật tự xã hội,… của người dân còn chưa được cải thiện thì vội gì nghĩ đến nhà hát giao hưởng?
Đối với người dân Thủ Thiêm nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, đòi hỏi cấp thiết lúc này là công khai cho nhân dân biết những ai đã góp phần tạo nên oan trái cho người dân suốt 20 năm kể từ khi bắt đầu giải tỏa xây dựng khu đô thị này.
Công khai tên tuổi và công khai biện pháp xử lý chứ không phải chỉ là những lời hứa khi tiếp xúc cử tri.
Có một ý kiến lan truyền trên mạng xã hội trích dẫn lời cố Thủ tướng Phan Văn Khải về vai trò quản lý nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Thành tựu kinh tế của Sài Gòn là hiệu số giữa sự phát triển tự thân mà lẽ ra nó phải có trừ đi những tổn thất do sự quản lý mà chính quyền gây ra”.
Tuy chưa có nguồn kiểm chứng chính xác lời nói của cố Thủ tướng Phan Văn Khải song thực tế cho thấy những gì nêu trong bài viết này chính là kết quả của sự quản lý, điều hành mà chính quyền thành phố mang lại từ 1975 đến nay.
Muốn thành phố phát triển thì phải xóa được việc dân mỗi khi ra đường phải “nhúc nhích”; cán bộ, dân biểu phải từ bỏ thói “rúc rích” mỗi khi lấy ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.nhahatbenthanh.com.vn/Nha-hat-Ben-Thanh/testing/Gioi-thieu-Nha-hat-Ben-Thanh.aspx
[2]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/du-an-xay-nha-hat-giao-huong-1-500-ty-o-thu-thiem-co-tu-khi-nao-482321.html
[3] http://www.hanoioperahouse.org.vn/vi/hanoi-opera-house-history
[4]http://plo.vn/thoi-su/tphcm-hien-nay-co-bao-nhieu-nguoi-bao-nhieu-xe-co-721690.html
[5]http://www.nhandan.com.vn/tphcm/item/36419202-nguoi-dan-thanh-pho-lo-toi-pham-long-hanh.html
Xuân Dương
TIN BÀI LIÊN QUAN:

DỰ ÁN NHÀ HÁT THỦ THIÊM: TIẾNG OAN CHO NHÀ HÁT GIAO HƯỞNG ?

NGUYỄN THẾ THANH/ TVN 12-10-2018

Tôi công tác ở Sở Văn hóa Thông tin từ năm 2001, báo cáo của Sở cho biết chủ trương xây nhà hát giao hưởng có từ năm 1999, Sở năm lần bảy lượt báo cáo về các giải pháp triển khai thực hiện nhưng chẳng lần nào xong. Có lần, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã đồng ý cho mời đơn vị tư vấn có kinh nghiệm quốc tế để tổ chức thi kiến trúc bên trong và bên ngoài nhà hát, cho phép một công ty của Đức báo giá thiết bị đàm bảo tối ưu nguyên tắc âm học. Đến đó thì tưởng như nhà hát đã sắp từ mơ chuyển thành thực. Nhưng rồi, lời phán của lãnh đạo thành phố khi ấy đã dập tắt mọi hi vọng “Gì mà kinh phí dự trù lên tới 1.000 tỷ đồng! Lớn tiền quá, giảm, tối đa 400 tỉ thôi!”. Số tiến ấy không nhỏ đối với ngân sách, nhưng đối với một nhà hát yêu cầu đặt ra là phải đạt chuẩn quốc tế về nhiều mặt thì chỉ tạm đủ cho tổ chức thi quốc tế về thiết kế kiến trúc. Các đơn vị ra đi không trở lại. Và nhà hát tiếp tục nằm trên giấy cho đến ngày tôi về hưu, cách nay đúng 10 năm.
Những đơn vị nghệ thuật và quản lý nghệ thuật có khoanh tay thụ động chờ nhà hát đạt chuẩn quốc tế không? Không. Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức sự kiện âm nhạc hàn lâm hàng năm vào tháng 8, mang tên “Giai điệu Mùa thu” với mục đích chính là thu hút các nhân tài âm nhạc là người Việt Nam đang học tập và làm việc tại các nước phát triển để họ tham gia biểu diễn định kỳ tại Việt Nam trước và sau khi có nhà hát. 

Dự án Nhà hát 1500 tỷ tại Thủ Thiêm:  Tiếng oan cho Nhà hát giao hưởng?
Khu đất nơi TP.HCM dự định xây dựng nhà hát tầm cỡ quốc tế, nằm liền kề dự án Nhà triển lãm TP.HCM hiện đang được thi công. Ảnh: Tuấn Kiệt
Thành phố cũng đã chi tiền ngân sách mua mới gần như toàn bộ nhạc cụ loại tốt cho dàn nhạc và đã tạo điều kiện để Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch (HBSO) được nhiều lần giao lưu biểu diễn và trao đổi nghề nghiệp tại các nước phát triển. Các chương trình giao hưởng, múa và hợp xướng mà HBSO nỗ lực “sáng đèn” mỗi tháng từ hai đến ba lần được đánh giá ngày càng có chất lượng hơn.
Bằng tài năng cá nhân và sự hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền về quản lý, đào tạo, nhiều tên tuổi trẻ nổi bật đã xuất hiện trong những năm qua: Tăng Thành Nam, Nguyễn Phúc Hùng, Trần Nhật Minh, Thanh Tuyền, Anh Bằng…, tạo niềm tin cho những người luôn kỳ vọng vào sự phát triển của âm nhạc hàn lâm non trẻ của thành phố lớn bậc nhất ở phía nam đất nước. Những cố gắng kể trên đều là hướng tới mục tiêu khi có nhà hát đạt chuẩn quốc tế của thành phố là có nghệ sĩ, nhạc cụ và chương trình từng bước ngang tầm.
Thế thì, có vấn đề gì ở nhà hát 1500 tỷ đồng mà HĐNDTP HCM vừa thông qua trong phiên họp bất thường ngày 8.10.2018 ? Theo tôi, có mấy vấn đề sau đây.
Thứ nhất, thực hiện một dự án nhà hát đã kéo dài gần 20 năm từ khi có chủ trương thì có gì cấp bách đến mức phải tổ chức một phiên họp bất thường khiến cho mối quan tâm của xã hội lẽ ra bình thường đã trở nên “bất thường”? Bất thường ở chỗ, nhiều năm qua dư luận và công luận đã nhiều lần nhắc đến dự án nhà hát giao hưởng như một món nợ khó đòi của chính quyền thành phố.
Biết bao lời chì chiết đã ném đi “đầu tư cho thương mại thì nặng, đầu tư cho văn hóa thì nhẹ - nhẹ cả cơ sở vật chất lẫn đào tạo nhân lực”, “một thành phố lớn như thành phố HCM mà bao nhiêu năm không xây nổi một nhà hát xứng tầm”! Nói cho công tâm, những câu ấy nói ra vào lúc đời sống của số đông khó khăn, eo hẹp hơn bây giờ nhiều chứ? Vậy mà có ai bảo vì cơm chưa no thì không nên xây nhà hát! Nay, với việc HĐNDTP HCM bất thường thông qua dự án nhà hát giao hưởng thì dường như bao nhiêu nỗi niềm cay đắng về việc đầu tư không đâu vào đâu cho văn hóa – trong đó có cơ sở vật chất, đã biến cả thành sự chỉ trích cay độc cho việc xây cái nhà hát này.  Số tiền 1500 tỷ để xây dựng nhà hát đạt chuẩn quốc tế đáng băn khoăn thật, nhất là lấy từ tiền bán công sản 23 Lê Duẩn.
Nhưng điều đáng băn khoăn hơn số tiền lớn kia lại chính là những người được giao trọng trách thực hiện có làm đúng quy chuẩn để có một thiết chế văn hóa đạt chuẩn quốc tế không, từ việc chọn lựa vị trí xây nhà hát ít bị ảnh hưởng địa chấn nhất đến kiến trúc, thiết kế âm học, thiết kế không gian biểu diễn nhiều loại hình, kể cả tổ chức thư viện âm nhạc hàng đầu phục vụ tra cứu, nghiên cứu…
Thứ hai, có đúng là vì dồn tiền cho việc xây nhà hát giao hưởng rồi nên thành phố không còn tiền để xây thêm trường học, xây thêm bệnh viện cho trẻ em, cho bệnh nhân ung bướu?
Thứ ba, Nhà hát đạt chuẩn quốc tế này dứt khoát phải xây theo tiêu chuẩn biểu diễn của loại hình nghệ thuật đỉnh cao là giao hưởng, nhưng nó cũng đồng thời là nơi mà các loại hình nghệ thuật khác, yêu cầu thấp hơn, có thể biểu diễn. Như vậy, vừa tránh được lãng phí trong sử dụng mặt bằng, vừa thỏa mãn được nhu cầu giao lưu quốc tế giữa các dàn nhạc trên thế giới khi đến Việt Nam biểu diễn. Và như vậy, thay vì gọi tên theo loại hình nghệ thuật là nhà hát giao hưởng, tại sao không gọi nhà hát này bằng một cái tên khác dung dị hơn, dễ gần hơn đối với cả nghệ sĩ và khán giả ? Nhà hát Bến Nghé chẳng hạn. Ở Nga có nhà hát ba lê mang tên Ban Sôi. Ở Singapore có nhà hát Esplanade.
Thứ tư, tại sao lại chọn thời điểm công bố xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm đúng vào lúc Thủ Thiêm đang nóng bỏng nỗi oan ức nặng nề của người dân suốt hai mươi năm bị đối xử bất công ? Vào lúc mà các câu hỏi về bảo tồn di sản kiến trúc tôn giáo có giá trị ở đây chưa có lời giải đáp rõ ràng? Vào lúc mà những con người và cơ quan có trách nhiệm cụ thể đối với tình hình đen tối ấy chưa một ai chính thức bị khoác vào người ít nhất một án kỷ luật?
Đấy, vấn đề là ở chỗ: không phải tại cái nhà hát 1.500 tỷ đâu. Nó bị oan đấy. Và nó thực sự vẫn cần cho sự phát triển đời sống tinh thần của người dân như các công trình dân sinh khác. Vấn đề theo tôi là tại sao ở Thủ Thiêm và tại sao lúc này.
Nguyễn Thế Thanh
TIN BÀI LIÊN QUAN:
20 NĂM NƯỚC MẮT

NGỌC VINH/ FB Ngc Vinh/ BVN 12-10-2018

1- Một giờ khuya đêm qua, ảnh hưởng bởi thời sự "nhà hát lớn" qua miệng lưỡi của một người đàn bà nói nhiều bị công chúng ghét cay ghét đắng, tôi cùng vài anh em vượt hầm Thủ Thiêm qua bên kia quận 2, để ngắm khu đô thị Sa La lộng lẫy ánh đèn cùng các đại lộ mới toanh rộng rãi.
Phải công nhận là nó đẹp, nếu so với một vài khu đô thị cũ nằm bên kia sông. Nếu nhà hát 1500 tỷ cùng quảng trường thành phố mọc lên, quả tình đây là khu đô thị đáng mơ ước đối với những kẻ ít tiền, thuộc thành phần ăn lương nhà nước như tôi.
Nếu được ở đây, tôi sẽ ở chứ?
Vâng, dĩ nhiên tôi sẽ ở - tôi tự hỏi và trả lời với chính mình.
Nhưng làm sao tôi có thể đặt chân mình vào khu đô thị đắt tiền này được khi giá đất của nó mấy trăm triệu đồng/m2, lại ko có xe hơi để đi lại?
Vậy thì chắc có lẽ để đến kiếp sau vậy!
Chỉ là một người ngoạn cảnh, nhìn ngắm Thủ Thiêm qua con mắt không có ký ức gì với mãnh đất này, nên tôi chẳng phải nặng lòng trước ánh đèn của các khu đô thị giống như Sa La sẽ mọc lên trong tương lai, có khi còn vui thích nữa vì cái đẹp của nghệ thuật kiến trúc. Nhưng, giả dụ như tôi là một người dân Thủ Thiêm, bị cưỡng ép rời khỏi nơi cư trú một cách vô lý, nhìn thấy cái nền nhà của mình bây giờ biến thành cái nền của một khu đô thị mới, thì sao nhỉ? Tôi sẽ tức tối? Uất hận? Hay nguyền rủa?
2- Trong những hình ảnh mà nhà báo trẻ Trương Châu Hữu Danh quay được về Thủ Thiêm, tôi ấn tượng nhất với đoạn phim bà cụ già cùng con chó nhỏ của bà, đã lang thang 20 năm ròng rã sau khi mất đất mất nhà, để rồi cuối cùng, chủ và chó cùng dắt díu nhau chui vào một cái gầm cầu thang trú ngụ.
Còn trong "bút ký Thủ Thiêm" của nhà báo về hưu Võ Đắc Danh, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là hình ảnh viên thiếu tá công an đang có tương lai sáng lạn trong guồng máy chuyên chính vô sản, đảng viên, cũng vì phản ứng trước việc bị tước đoạt nhà cửa đất đai oan ức của gia đình nên bị giáng cấp, ra khỏi ngành để rồi cuối cùng kết thúc thân phận bi thảm của mình bằng một sợi dây treo cổ.
Khi màu sắc ánh đèn của mỗi khu đô thị hào nhoáng nào đó vừa mọc lên (hay sẽ mọc lên) bị ám bởi máu và nước mắt của những người dân vô tội, thì sự lung linh của nó bỗng dưng mất đi. Tinh thần cái đẹp kiến trúc của nó sẽ bị hoen ố bởi những oan khốc mà cường quyền vô lý đã gây ra cho những cuộc đời người ở Thủ Thiêm như cụ già có con chó và viên sĩ quan công an kia...
3- Khi Ủy ban nhân dân TP HCM tổ chức họp báo để xin lỗi nhân dân Thủ Thiêm sau 4 nhiệm kỳ chủ tịch thì người dân Thủ Thiêm đã trải qua nỗi đau của 20 năm bị đẩy đuổi khỏi căn nhà thân yêu của mình, ra khỏi nơi chốn mà họ đặt bàn thờ ông bà và chôn nhau rốn của nhiều đứa trẻ. Cũng trong khoảng thời gian dài đó, tại Hà Nội, có một khu nhà trọ được đặt biệt danh là "làng Thủ Thiêm", nơi những người dân Thủ Thiêm khăn đùm cơm gói từ Sài gòn ra thủ đô tá túc để tìm cách cất lên tiếng nói oan ức của mình. Nhưng một hệ thống chính quyền lớn mạnh cùng với Đảng quang vinh đã ko lắng nghe tiếng nói của họ.
4- Lời xin lỗi của UBND TP HCM hôm nay được đánh đổi bằng nước mắt trong 20 năm dài của người dân Thủ Thiêm - khoảng thời gian bằng với cuộc chiến Bắc Nam mà TCS đã phản ảnh trong ca khúc "Gia tài của mẹ".
20 năm đủ để giải quyết xong (một) cuộc chiến VN tàn khốc bậc nhất ảnh hưởng đến cục diện chính trị toàn cầu nhưng vẫn không đủ để giải quyết 1 ổ ung nhọt bé nhỏ Thủ Thiêm của Sài Gòn, thật là vô cùng nghịch lý!
Một lời xin lỗi nhẹ hều, thoáng qua với một câu ghi chú thòng theo: "Không thể tùy tiện nêu danh tính của những người gây ra lỗi lầm".
Quá thông minh, kính thưa quí vị, danh tính những kẻ gây lỗi lầm quan trọng hơn nước mắt, nỗi đau, thân phận khổ ải của hàng ngàn người dân trong 20 năm của cuộc đời họ! Có thứ công lý nào nghiệt ngã bần cùng như vậy trên thế giới này không? Chắc là chỉ có ở Việt Nam chúng ta.
5- Năm 2010, khi làm trưởng Ban thời sự Xã hội của TT, tôi có chỉ đạo PV phụ trách nhà đất tìm hiểu về vấn đề đất đai ở Thủ Thiêm. Đó là phận sự của tôi, của vị trí mà tôi phụ trách.
Một tuần sau, cậu PV 11 năm tuổi nghề báo cáo: "Thưa anh, không làm được đâu anh ơi, vì có làm báo cũng không dám đăng; nếu đăng cũng sẽ không đi đến đâu, vì đất ở đó đại gia đình "anh Hai" đã thâu tóm hết rồi".
Chúng tôi, và rất nhiều nhà báo nữa đã không làm tròn được cái gọi là "sứ mệnh" của kẻ được xã hội gọi là nhà báo, nhưng trong hệ thống đó, lúc ấy, một thằng nhà báo như tôi, như cậu phóng viên nọ sẽ làm được gì khi Tổng biên tập mới được cử về là phó Ban tuyên giáo thành ủy, là đệ tử ruột của anh 3Đ - người đã ký quyết định số 6565 ngày 27-12-2005 chỉnh sửa quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, dẫn đến nỗi đau của hàng ngàn người?
Báo chí hầu như im lặng. Mà im lặng là đồng lõa. Thời điểm đó, nỗi đau của người dân Thủ Thiêm đã kéo dài được 12 năm! Chỉ có súc vật mới thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại - đó là câu nói khá nặng nề của ông tổ chủ nghĩa cộng sản. Vậy mà ở đất nước cộng sản này, có quá nhiều quan chức quay lưng lại trước nỗi đau của con người…
6- Mất 20 năm, mất rất nhiều thứ, từ tài sản vật chất và tinh thần, mất những năm tháng hạnh phúc quý báu của đời người, mất niềm tin và… rất nhiều nước mắt, thì một lời xin lỗi mới được đưa ra từ phía chính quyền. Những kẻ gây tai họa cũng là những kẻ cầm nắm chính quyền trong tay. Sau lời xin lỗi đó, người dân Thủ Thiêm sẽ được đền bù gì cho những tổn thất của họ?
Hay chỉ vỏn vẹn là một lời xin lỗi?
Với người dân Thủ Thiêm, nhà hát 1500 tỷ đồng không phải là một cách đền bù. Họ cần được trả lại (và phải trả lại họ) những gì họ đã mất đi và… có lãi.
Vay thì phải có trả, và trả thì phải có lãi như luật nhân quả và luật của ngân hàng, đất nước của tôi ạ!

clip_image002 
N.V.
Nguồn: FB Ngc Vinh

TỪ THỦ THIÊM, NHÌN LẠI CÁC DỰ ÁN NHÀ HÁT NGHÌN TỶ 'CHẾT YỂU' Ở HÀ NỘI

HƯƠNG QUỲNH/ VNN 11-10-2018

Vào tháng 5 vừa qua, trong thông báo sau khi nghe báo cáo của Sở KH-ĐT và ý kiến của các đại biểu dự họp, tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã thống nhất dừng triển khai dự án nhà hát Hoa Sen.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền giải thích, nhà đầu tư không có nhu cầu đầu tư nữa.

Từ Thủ Thiêm, nhìn lại các dự án nhà hát nghìn tỷ 'chết yểu' ở Hà Nội
Phối cảnh nhà hát Hoa Sen
Trước đó, năm 2017, TP Hà Nội dự kiến xây dựng nhà hát Hoa Sen tại khu công viên hồ điều hoà CV1 - khu đô thị mới Cầu Giấy (được khởi công đầu năm 2017, có tổng diện tích gần 32ha).
Theo Sở QH&KT, nhà hát này được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa và được cho là nhà hát lớn nhất Thủ đô. Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 4ha, có quy mô 6 tầng, cao 54m, được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước.
Nhà hát Hoa Sen dự kiến có công suất 2.000 chỗ ngồi, xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hàng ngày. Trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí.
8 năm vẫn “dậm chân tại chỗ”
Từ năm 2010, vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, TP dự định động thổ nhà hát Thăng Long nằm trong trong quy hoạch khu đô thị mới Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ), quy mô khoảng 22ha.
Nhà hát Thăng Long bao gồm một khối biểu diễn hoà nhạc cổ điển từ 1.200-1.500 chỗ, một khối biểu diễn đa chức năng 1.800 chỗ. Ngoài ra, có không gian tổ chức biểu diễn ngoài trời.

Từ Thủ Thiêm, nhìn lại các dự án nhà hát nghìn tỷ 'chết yểu' ở Hà Nội
Một trong 2 phương án thiết kế nhà hát Thăng Long được lấy ý kiến
Thời điểm đó, TP Hà Nội khái toán tổng mức đầu tư dự án nhà hát Thăng Long hơn 2.398 tỷ đồng, với dự định nguồn vốn đầu tư cả giai đoạn chuẩn bị và thực hiện đều do ngân sách nhà nước cấp.
Năm 2013, cử tri quận Tây Hồ đã có đề nghị TP nghiên cứu không xây dựng nhà hát Thăng Long vào khu đông dân cư của phường Xuân La.
Trả lời kiến nghị này, TP Hà Nội cho rằng vị trí dự kiến xây dựng nhà hát Thăng Long hoàn toàn thuộc phạm vi dự án đầu tư khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây đã được giao cho nhà đầu tư Hàn Quốc từ năm 2006.
Đồng thời, việc xác định vị trí chính xác xây dựng nhà hát đã được nghiên cứu trên tổng thể tại đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Tây Hồ Tây.
Theo TP, vị trí nhà hát Thăng Long thể hiện được vị trí xứng tầm cho một công trình mang tính biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tạo giá trị cảnh quan khu vực Hồ Tây, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, đã 8 năm trôi qua, nhà hát này vẫn chưa được động thổ.
Năm 2017, theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, dự án nhà hát Thăng Long là một trong những dự án chậm triển khai vì ngân sách TP có hạn nên Sở muốn chuyển hình thức đầu tư.
Giám đốc Sở VH-TT Tô Văn Động mới đây cho biết, TP đã tạm dừng dự án này và lý do ông được biết là gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.
Chờ nhà hát opera tiêu chuẩn thế giới ở Hồ Tây
Tại cuộc gặp gỡ giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô đầu xuân năm 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiết lộ kế hoạch xây dựng nhà hát opera tiêu chuẩn thế giới ở Hồ Tây.
Theo ông, từ năm 1954 tới nay, Hà Nội chưa xây được thêm nhà hát nào. Nhà hát opera dự kiến được xây dựng tại phường Quảng An, quận Tây Hồ bằng nguồn xã hội hóa.
Đến tháng 9/2017, nhà đầu tư cho biết, kiến trúc sư nổi tiếng của Ý được mời để thiết kế nhà hát.
Chủ đầu tư hy vọng nhà hát sẽ trở thành một biểu tượng văn hóa, kiến trúc, một điểm đến văn hóa khi nhắc tới Hà Nội giống như nhà hát con sò của người Úc.
HƯƠNG QUỲNH
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét