Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

20181004. 'ĐẢM NHẬN HAI CHỨC DANH': KHÔNG MỚI VÀ KHÔNG DỄ

ĐIỂM BÁO MẠNG
TRÊN THUẬN Ý TRỜI, DƯỚI HỢP LÒNG NGƯỜI

XUÂN DƯƠNG/ GDVN  4-10-2018

Một trong những mục tiêu của “đảm nhiệm chức danh” là tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị. Ảnh minh họa: infonet.vn
Ngày 25/10/2017, Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam trong bài: “Kết luận của Bộ Chính trị về thí điểm hợp nhất và kiêm nhiệm chức danh” có đoạn:
Thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện…”. [1]
Việc một số chức danh bên Đảng đồng thời giữ chức vụ chính quyền không có gì lạ, từ năm 1951 đến 1969, Hồ Chủ tịch đảm nhận cả hai chức vụ Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước.
Một số bài báo, một số phát biểu sử dụng cụm từ “đảm nhiệm hai vai” như ý kiến của nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão:
“Thực tế, mô hình đảm nhiệm “hai vai” không phải là vấn đề mới, đã được triển khai thí điểm ở cấp địa phương trong hơn 10 năm với mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã”. [1]
Theo người viết, nên dùng "đảm nhiệm chức danh" để chỉ một cán bộ cùng lúc được giao hai nhiệm vụ, đảm đương hai trọng trách, kể cả về mặt Đảng và chính quyền.
Một trong những mục tiêu của “đảm nhiệm chức danh” là tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị, mục tiêu cao hơn là đổi mới thể chế chính trị, tạo nên “một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
"Đảm nhiệm chức danh” ở cấp địa phương có thể là Bí thư làm Chủ tịch Ủy ban, ở cấp cao nhất là Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước.
Việc này sẽ gắn công việc với trách nhiệm những người được bầu cử hoặc được lựa chọn giao nhiệm vụ.
Các bộ và cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ ngày nay, Bí thư Ban cán sự Đảng làm Bộ trưởng là khá phổ biến, cũng có ngoại lệ là Bí thư Quân ủy Trung ương do Tổng Bí thư đảm nhận chứ không phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Dư luận xã hội, các nhà nghiên cứu và các chính trị gia đều có chung nhận định, rằng hệ thống chính trị cồng kềnh, kém hiệu quả tồn tại nhiều năm qua là gánh nặng cho nền kinh tế, kéo theo sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào một bộ phận không còn là nhỏ công chức, cán bộ lãnh đạo và cả hệ thống.
Con đường phía trước của đất nước và dân tộc không hề bằng phẳng, thế giới trong những năm đầu thiên niên kỷ thứ ba không chỉ xuất hiện những cuộc chiến tranh bằng bom đạn mà còn những cuộc chiến kinh tế, thương mại, đặc biệt là cuộc chiến về niềm tin vào đường lối, chủ trương của lực lượng cầm quyền và uy tín của người đứng đầu.
Có thể cho rằng “Đảm nhiệm chức danh” đã có những thành công đầu tiên ở vùng mỏ Quảng Ninh, nơi in dấu những chiến tích oai hùng của dân tộc từ thời Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo đến chiến công bắn rơi máy bay và bắt sống phi công Mỹ đầu tiên trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ thế kỷ trước (vào ngày 5/8/1964).
Quảng Ninh, trong kháng chiến chống Pháp cũng là nơi đã thành lập “Chiến khu Đông Triều” (còn gọi là Đệ tứ chiến khu hay Chiến khu Trần Hưng Đạo).
Việc lựa chọn Quảng Ninh để “thí điểm” có thể xuất phát từ lý do đây là vùng lực lượng công nhân chiếm tỷ lệ cao, cũng có thể Quảng Ninh là tỉnh duy nhất không bị chia tách sau khi sáp nhập bởi những mâu thuẫn vùng miền từng xuất hiện tại một số tỉnh sau khi hợp nhất.
Mới đây Yên Bái cũng đã thí điểm hợp nhất một số cơ quan và chức danh lãnh đạo.
Vấn đề quan trọng của quá trình “Đảm nhiệm chức danh” là phải trả lời được câu hỏi: “Đảm nhiệm chức danh như thế nào và Đảm nhiệm chức danh mang lại lợi ích gì?”.
Nếu cho rằng đảm nhiệm chức danh chỉ là ghép một cách cơ học các chức danh lãnh đạo Bí thư và Chủ tịch là cách hiểu chưa hoàn toàn đúng.
Với mục đích “đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” như đã nêu trong Nghị quyết 18-NQ/TW, quá trình này được tiến hành đồng bộ theo hai hướng: “Đảm nhiệm chức danh và Hợp nhất cơ quan”.
Thứ nhất, Đảm nhiệm chức danh
Bài viết trên báo Quân đội nhân dân nêu ý kiến của một lãnh đạo cấp huyện:
Theo đồng chí Phạm Anh Minh, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Vị Thủy (Hậu Giang), chưa nên ghép hai chức danh này vì trình độ, năng lực của đa số bí thư chi bộ ấp và trưởng ấp ở địa phương còn nhiều hạn chế, một người khó có thể cùng lúc đảm nhiệm tốt hai vai”. [1]
Một người khó có thể cùng lúc đảm nhiệm tốt hai vai” chỉ là do năng lực hạn chếhay còn có vấn đề về chủ trương “Làm chủ tập thể”?
Khi không có ai “làm chủ” một cách rõ ràng thì đương nhiên cũng không khó có thể quy kết ai phải “chịu trách nhiệm” trước các sai phạm. Lý do biện minh cho yếu kém, sai phạm thường là “làm việc theo sự phân công của tổ chức”!
Vậy “khó có thể cùng lúc đảm nhiệm tốt hai vai” diễn ra chỉ trên địa bàn cấp xã hay còn ở những cấp khác, cơ quan khác và có phải “không làm tròn” chỉ do năng lực hay còn phụ thuộc vào tư cách, đạo đức của người được giao nhiệm vụ?
Để trả lời câu hỏi này, hãy xem lại vai trò của các ông Vũ Huy HoàngNguyễn Bắc Son.
Ngày 1/10/2018 tra cứu trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ vẫn thấy “Tóm tắt tiểu sử Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng”, mục học vấn ghi ông là Tiến sĩ Kinh tế, (nghe nói ông Hoàng có bằng Cử nhân Lý luận chính trị).

Ảnh chụp màn hình Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 1/10/2018
Ông Nguyễn Bắc Son, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016 cũng có bằng tiến sĩ kinh tế và Lý luận chính trị cao cấp.
Với học vấn “hoành tráng” như vậy, với việc được giao cả “hai vai” Bí thư Ban cán sự Đảng và Bộ trưởng, vì sao cả hai đều bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá là “vi phạm rất nghiêm trọng”?
Có thể thấy, “Đảm nhiệm chức danh” là rất cần thiết nhưng không phải liều thuốc chữa bách bệnh.
Khi quyền lực tập trung vào những cá nhân không đủ tâm và tầm, khi chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh thì “Đảm nhiệm chức danh” sẽ phản tác dụng, sẽ tạo nên độc quyền và hậu quả là nhà nước bị lũng đoạn.
Trên thế giới, nhiều quốc gia quy định người đứng đầu đảng cầm quyền sẽ đảm nhận vai trò nguyên thủ quốc gia hoặc Thủ tướng Chính phủ.
Tại Úc vừa qua, việc thay đổi người lãnh đạo đảng cầm quyền cũng có nghĩa là thay đổi Thủ tướng.
Tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, người lãnh đạo cao nhất của đảng cũng đồng thời là nguyên thủ quốc gia.
Tại Việt Nam thời gian qua, vì chưa “Đảm nhiệm chức danh” nên Đảng xử lý kỷ luật riêng, chính quyền xử lý riêng và thường độ trễ các quyết định của chính quyền so với đảng thường dài, gây bức xúc cho người dân.
Mặt khác, khi chính quyền kết luận một đảng viên sai phạm thì không thể xử lý ngay mà phải chờ bên Đảng xem xét, chỉ khi nào các cấp ủy đảng kết luận thì người vi phạm mới bị chuyển sang tòa xử và hầu hết trường hợp người đứng trước tòa không còn là đảng viên.
Thông thường các nước chào đón nguyên thủ quốc gia đến thăm nước mình bằng cách bắn 21 loạt đại bác.
Vậy một vị lãnh đạo được một quốc gia chào đón bằng 21 loạt đại bác có phải là nguyên thủ quốc gia?
Rõ ràng chẳng nước nào bắn 21 loạt đại bác để chào đón một lãnh đạo nước ngoài không đảm nhận vai trò quyết định (như nguyên thủ) tại quốc gia đó.
“Đảm nhiệm chức danh” Tổng Bí thư và Chủ tịch nước chính là cách gỡ bỏ khó xử cho các nước khi đón tiếp người đứng đầu Đảng thực hiện các chuyến giao lưu quốc tế.
“Đảm nhiệm chức danh” là chính thức công bố người được quyền đại diện đối thoại và cũng là người chịu trách nhiệm trong đàm phán.
Ở cấp cao nhất, nếu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thì nguyên thủ các quốc gia khác sẽ biết mình cần nói chuyện với ai, ai là người có đủ thẩm quyền quyết định trong bang giao quốc tế, đặc biệt là trong việc ký kết các hiệp định giữa hai quốc gia hoặc điều ước quốc tế.
Tại các địa phương, “Đảm nhiệm chức danh” là sự công bố cho nhân dân biết, người nào là người chịu trách nhiệm cao nhất cả về chủ trương lẫn thực hiện.
Điều này cũng gỡ bỏ một nhận thức mơ hồ lâu nay, rằng đường lối luôn luôn đúng, nhưng khi thực hiện có thể có sai sót!
Nhận định trên xuất phát từ thực tiễn là lâu nay, không ít người vẫn cho rằng bộ phận ban hành đường lối tách biệt với bộ phận thực hiện.
Lãnh đạo các tổ chức chính trị thường chỉ tiếp xúc cử tri chứ không phải là tiếp công dân trong khi khiếu nại, tố cáo của công dân lại chủ yếu gửi tới cơ quan hành pháp chứ không mấy khi gửi tới cấp ủy.
Thứ hai, hợp nhất bộ máy
Tuy nhà nước Việt Nam ngày này bao gồm tới bốn nhánh quyền lực: Đảng, Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp song thực chất - như quy định trong Hiến pháp - Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, nói cách khác Việt Nam không theo thể chế tam quyền phân lập.
Để lãnh đạo, Đảng có các ban, ngành tương đương như Quốc hội và Chính phủ (Tổ chức, Tuyên giáo, Kiểm tra, Đối ngoại, Kinh tế,…).
Bên cạnh đó còn có cánh tay nối dài là các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh,…
Một nguồn khá lớn ngân sách (chi thường xuyên) được dành cho hoạt động của các tổ chức này.
Nếu phải tính chi tiết thì có thể thấy tại bất kỳ tỉnh, huyện nào cũng tồn tại song song trụ sở cơ quan Đảng và chính quyền, Trung tâm chính trị và Trung tâm giáo dục thường xuyên, độ “hoành tráng” của các loại trụ sở này là tương đương.
“Hợp nhất bộ máy” nghĩa là sáp nhập các cơ quan cùng chức năng hoặc có chức năng gần nhau bên Đảng và chính quyền, chẳng hạn Tuyên giáo với Thông tin và truyền thông, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra,…
Một khi đã thực hiện “Đảm nhiệm chức danh” thì điều không thể không làm là “Hợp nhất bộ máy”, trong đó có các tổ chức chính trị - xã hội, chẳng hạn Ban Dân vận sẽ bao gồm chức năng của các tổ chức công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ,…
Còn nữa
Tài liệu tham khảo
[1] https://vov.vn/chinh-tri/thoi-diem-chin-muoi-de-thuc-hien-tong-bi-thu-lam-chu-tich-nuoc-821526.vov
Xuân Dương
TIN BÀI LIÊN QUAN:
CON ĐƯỜNG TẤT YẾU

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 5-10-2018
Bài 1
“Đảm nhiệm chức danh” không giúp nhiều cho tinh giản biên chế nếu không đi kèm việc sáp nhập các đơn vị hành chính, “Hợp nhất bộ máy” và “xã hội hóa” các tổ chức chính trị - xã hội.
Muốn “xã hội hóa” các tổ chức chính trị xã hội, Quốc hội cần ban hành Luật về hội, điều đã được quy định trong Hiến pháp từ năm 1946 và nhắc lại tại điều 25, Hiến pháp 2013:
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Tại điều 9 Hiến pháp 2013 danh sách 6 tổ chức chính trị xã hội là được nêu đích danh là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, tuy nhiên chỉ có Công đoàn là có những quy định cụ thể tại điều 10.
Đã là tổ chức chính trị - xã hội do công dân tự nguyện lập ra theo quy định của pháp luật thì quyền và nghĩa vụ là như nhau. Sự phân biệt không giúp cho tổ chức đó tăng uy tín hơn tổ chức khác.
Một điều đã ghi trong Hiến pháp hơn 70 năm vẫn chưa được thực hiện, điều này đặt ra các câu hỏi cần sớm có câu trả lời.
Nếu trong giáo dục Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” thì cũng nên đặt lịch trình ban hành một nghị quyết “Về đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống chính trị…”.
Đâu là nguyên nhân cấp bách cho sự ra đời một nghị quyết như vậy?
Ủy ban nhân dân phường Quang Hanh (Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) thực hiện tinh gọn biên chế, tăng hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính trên địa bàn. (Nguồn: sggp.org.vn)
Thời gian là hàng hóa
Loài người đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và hiện đã bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0).
Đây là cuộc cách mạng đang diễn ra không phải trên các đại công trường hàng trăm ha đất, hàng vạn lao động mà là những văn phòng nhỏ bé, những tòa nhà tiện nghi nằm trong “Thung lũng Silicon” (Silicon Valley - Thung lũng Điện tử) ở Hoa Kỳ.
Cuộc cách mạng này cần chất xám, cần người giỏi, cần nhân tài chứ không phải lao động cơ bắp.
Với cách mạng công nghiệp 4.0, cách điều hành và quản lý xưa cũ không còn phù hợp nếu không nói là biến thành rào cản tiến bộ xã hội.
Bỏ thói quen điều hành (lãnh đạo) và quản lý cổ hủ, bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo chỉ có thể nếu hệ thống chính trị được thay đổi đồng bộ.
Muốn thế không thể chờ vài tháng, thậm chí cả năm để nghị quyết từ văn phòng cấp ủy được thực hiện tại văn phòng chính quyền.
Chừng nào người ban hành quyết sách chỉ làm nhiệm vụ soạn thảo còn thực hiện là của người khác thì chừng đó thời gian chưa trở thành hàng hóa (nói chính xác là thời gian chưa được lượng hóa thành tiền).
Trong nền kinh tế hội nhập thời 4.0, nếu không tận dụng thời gian các đơn hàng sẽ ngay lập tức chuyển hướng sang quốc gia khác chỉ bởi một cú nhấp chuột.
Sức sáng tạo bị kìm hãm
Người Việt kém sáng tạo hay sức sáng tạo của người Việt bị kìm hãm?
Người Việt không phải là dân tộc kém sáng tạo, tuy nhiên khả năng sáng tạo không được phát huy là một thực tế không thể phủ nhận.
Với gần 100 triệu dân, Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới về dân số trong khi xếp thứ 49 theo GDP (năm 2018 khoảng 240 tỷ USD).
Nhiều năm qua, số bằng phát minh, sáng chế của Việt Nam thua cả Singapore, một nước có chưa đến 10 triệu người.
Sự phát triển kinh tế mà chúng ta coi là thần kỳ giai đoạn vừa qua chủ yếu dựa vào giá nhân công rẻ, bán nguyên liệu thô (than, dầu mỏ, khoáng sản,…).
Hàm lượng chất xám trong các sản phẩm “Made in Việt Nam” khá thấp. Lượng hàng hóa xuất khẩu do các doanh nghiệp Việt Nam làm ra chiếm một tỷ lệ nhỏ so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sự yếu kém ấy bắt nguồn từ tư duy quản trị quốc gia, từ một nền giáo dục lấy “thành tích” làm thước đo, từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhiều bằng cấp nhưng chưa (hay không?) đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và đội ngũ công chức “cắp ô” chiếm tỷ lệ khá lớn.
Rừng không còn là vàng, biển không còn là bạc trong khi tài năng, trí tuệ của con người chưa được đánh giá đúng mức, đó là thực trạng hiện tại của đất nước.
Thay đổi tư duy quản trị chỉ có thể nếu hệ thống chính trị có những thay đổi mang tính đột phá, người dân được tự mình lựa chọn và bãi miễn người lãnh đạo thông qua bầu cử trực tiếp.
Nhiều văn bản, nhiều phát biểu thừa nhận hệ thống chính trị tồn tại các “nhóm lợi ích” nhưng chỉ ra cụ thể đặc điểm nhận dạng của các nhóm lợi ích đó hình như quá khó.
Các nhóm lợi ích không thể ngang hàng theo kiểu “cá mè một lứa”, nhất định phải có “Nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn (Nhà nước - NV)” như ý kiến của một vị Phó Ban tuyên giáo được đăng trên Tạp chí Cộng sản số ra ngày 2/6/2015. [3]
Một trong những “nhóm lợi ích” nguy hại nhất hiện nay chính là nhóm lợi ích hình thành từ đội ngũ quan chức và doanh nhân mà người viết từng đề cập dưới cái tên “Tế bào quan doanh” trong bài “Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích”? [4]
Khai phóng dân trí đòi hỏi một hệ thống chính trị minh bạch, cởi mở, những người đứng đầu tài năng, dũng cảm và đương nhiên không thể thiếu một hệ thống pháp luật được thượng tôn.
Chừng nào một triệu người kê khai tài sản chỉ có vài người bị phát hiện chưa trung thực thì chừng đó niềm tin của người dân vào đội ngũ cán bộ, công chức chưa thể cải thiện.
Người không biết làm giàu cho bản thân thì không thể làm giàu cho cộng đồng.
Người sợ làm giàu thì không thể làm lãnh đạo, những điều đơn giản ấy nhiều người biết song không phải ai cũng dũng cảm thừa nhận bởi lẽ xã hội Việt Nam ngày nay tồn tại một bộ phận không nhỏ quan chức giàu có bất minh, một bộ phận (cũng không nhỏ) doanh nhân làm giàu phi pháp.
Sáng tạo khoa học yếu kém nhưng “sáng tạo” trong việc bòn rút tài sản công, che giấu các vụ làm ăn phi pháp lại rất thịnh hành. Khi nghỉ hưu mới “phát lộ” khối tài sản khổng lồ là điều mà không ít quan chức đã thể hiện.
Người giàu có một cách minh bạch làm lãnh đạo chẳng có gì phải dị ứng.
Dân số sẽ già hóa
Quy mô dân số trong vài ba năm nữa sẽ đạt con số 100 triệu người. Cơ cấu dân số thay đổi theo thời gian, nếu số người trong độ tuổi lao động (tại Việt Nam theo quy định trong Luật Lao động là từ 15-64) lớn gấp đôi số người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 và người già từ 65 trở lên) thì cơ cấu dân số đó được gọi là “Cơ cấu dân số vàng”.
Từ năm 2012, nhóm dân số có độ tuổi từ 15-64 chiếm khoảng 69% tổng số dân và đó là điểm khởi đầu của thời kỳ “dân số vàng”.
Khi tỷ lệ sinh giảm và số người già tăng thì tỷ lệ người lao động trực tiếp sẽ giảm, lúc đó muốn đảm bảo nhu cầu vật chất cho dân chúng và tốc độ tăng trưởng không có cách nào khác là phải tăng năng suất lao động, điều này chỉ có thể với nền sản xuất tự động hóa ở mức cao, máy móc thay thế phần lớn lao động của con người.
Theo Ngân hàng thế giới (World Bank):“Tốc độ già hoá tại Việt Nam hiện nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới, nhưng nó lại diễn ra trong bối cảnh mức thu nhập thấp hơn nhiều các nước cũng già hoá khác”.
Nói tóm lại, Việt Nam chưa giàu đã già và khoảng 70% người già không có lương hưu, nếu không thay đổi nền quản trị quốc gia thì đây sẽ là gánh nặng, là điểm khởi đầu cho những hệ lụy khó lường đối với thể chế chính trị.
Tệ tham nhũng trong cán bộ, công chức rất trầm trọng và chưa có chuyển biết rõ rệt theo chiều hướng giảm thiểu.
Mỗi thể chế chính trị thường chỉ có hai lựa chọn “Phân quyền” hay “Tập quyền”.
“Tập quyền” nghĩa là người lãnh đạo cao nhất có quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng của tổ chức (nhà nước) với sự tham gia rất ít của cấp dưới hoặc cố vấn.
“Tập quyền” cho phép người lãnh đạo kiểm soát các hoạt động của các thành viên và cả tổ chức dễ dàng hơn, giảm thiểu chi phí hành chính,… nhưng cũng tăng nguy cơ cho việc đầu cơ quyền lực.
Vì lý do đó, việc “Đảm nhiệm chức danh” và “Hợp nhất bộ máy” trong giai đoạn này là cần thiết, là con đường tất yếu mà hệ thống chính trị Việt Nam hướng tới, song đi kèm với nó phải là một cơ chế kiểm soát quyền lực.
Tại các nước tư bản phát triển tồn tại mô hình “Nhị tam”, đó là “Tam quyền phân lập” và “Tam vị nhất thể”.
Tam quyền phân lập là ba nhánh quyền lực Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp độc lập với nhau trong khi đó “Kinh tế thị trường”, “Xã hội dân sự” và “Nhà nước pháp quyền” hợp thành một “chỉnh thể” khác và được một số tác giả gọi là “Tam vị nhất thể”.
Bất kỳ mô hình nào cũng tồn tại những khiếm khuyết, khắc phục các khiếm khuyết đó không phải là đặc quyền của các nhà lý luận mà là trách nhiệm của người thực hiện.
Trong binh pháp cổ điển, thế chân vạc (ba điểm tựa) luôn là thế vững chãi nhất, hình học cổ điển cho thấy qua ba điểm có thể tạo nên một mặt phẳng, vậy nên “Nhị tam” cũng không phải là tối ưu mà phải là “Tam tam”, trong đó “tam” thứ ba tạm gọi là “Tam dân hợp nguyện” nghĩa là ba đòi hỏi của dân chúng: “Của dân, do dân, vì dân” phải được thực thi trong thực tế.
Đức Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Cái gì mà dân muốn thì trời cũng phải thuận theo”, suy ra “Tam dân hợp nguyện” mới là cái gốc bền vững muôn đời mà bất kỳ thể chế chính trị nào, bất kỳ vị quân vương nào cũng không được phép làm trái.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vov.vn/chinh-tri/thoi-diem-chin-muoi-de-thuc-hien-tong-bi-thu-lam-chu-tich-nuoc-821526.vov
[2]http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-4-loi-giai-nao-cho-bai-toan-nhat-the-hoa-519040
[3]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/33662/Loi-ich-nhom-va-Chu-nghia-tu-ban-than-huu-canh.aspx
[4]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Dau-la-te-bao-goc-cua-xa-hoi-nhom-loi-ich-post171210.gd
Xuân Dương
 
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét