Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

20181027. BÌNH LUẬN VỀ VIỆC ÔNG TRỌNG LÀM CHỦ TỊCH NƯỚC

ĐIỂM BÁO MẠNG
VỀ VIỆC TỔNG BÍ THƯ ĐỒNG THỜI LÀ CHỦ TỊCH NƯỚC

VŨ NGỌC HOÀNG /NĐT 25-10-2018

Ông Vũ Ngọc Hoàng.
LTS: “Đổi mới hệ thống chính trị” là chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện trong Nghị quyết 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (25.10.2017). Trong đó, đề ra biện pháp thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng nhiệm vụ mà thông thường được gọi là “nhất thể hóa”. Nhân sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV bầu làm Chủ tịch nước, Người Đô Thị giới thiệu đến bạn đọc những phân tích về mô hình “nhất thể hóa”, với bài viết của TS. Vũ Ngọc Hoàng (Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) và cuộc trò chuyện với LS. Nguyễn Tiến Lập (hiện là luật sư cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự).
Vừa qua có một số cách gọi khác nhau như “nhất thể hóa”, “hợp nhất”, “kiêm chức” hay “kiêm nhiệm”… tôi nghĩ là đều chưa chuẩn, mặc dù nhiều người đã viết các từ ấy trong ngoặc kép. 
Đảng và nhà nước về bản chất và chức năng là hai chứ không phải một. Đảng lãnh đạo bằng các giá trị, chứ không phải bằng quyền lực. Cần đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng theo hướng này. Còn nhà nước thì quản lý bằng pháp luật, bằng quyền lực được nhân dân ủy quyền. Đảng không phải là nhà nước. Và nhà nước là của dân chứ không phải riêng của đảng. Không thể nhà nước hóa đảng và cũng không thể đảng phái hóa nhà nước. Vì vậy đảng và nhà nước không thể nhập lại thành một, nên không thể nhất thể hóa hay sáp nhập.
Còn kiêm chức hay kiêm nhiệm thì cũng không phải vì hai chức danh đó ở hai tổ chức khác nhau, chứ không phải trong cùng một tổ chức, và cũng không thể việc này hay việc kia là chính, còn việc khác là thứ. Việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước thực ra đó là chuyện phân công một người làm hai nhiệm vụ, một nhiệm vụ bên đảng và một nhiệm vụ bên nhà nước.
Bộ máy gọn nhẹ
Một người làm hai nhiệm vụ với rất nhiều công việc quan trọng như vậy thì liệu có làm hết không, có khả thi không? Tất nhiên là có vất vả hơn, nhưng cả hai việc này đều nhằm một mục đích phục vụ nhân dân, miễn là nhân sự cụ thể có đủ nhân cách và năng lực để thực thi nhiệm vụ. Mặt khác, lâu nay trên thực tế không ít việc cụ thể còn chồng chéo và trùng lắp giữa hai chức vụ này, một nguyên thủ quốc gia từ nước khác đến ta phải có mặt hai người để tiếp đón. Nay với cách phân công này sẽ gọn bớt bộ máy của hệ thống chính trị, thuận tiện cho sự kết hợp công việc của Đảng và Nhà nước trong đối nội và cả trong đối ngoại.
Tôi biết có những lo ngại về tập trung quyền lực vào một người như vậy liệu có dẫn đến xem nhẹ vai trò của tập thể, dễ lạm quyền, lộng quyền không? Đó là sự phân vân và câu hỏi phản biện cần thiết. Tôi không nghĩ cách phân công này sẽ làm cho vai trò lãnh đạo của tập thể bị xem nhẹ. Thử xem nếu tập thể ở đây là Bộ Chính trị thì vai trò lãnh đạo Nhà nước của Bộ Chính trị chẳng những không giảm đi mà thậm chí còn tăng hơn do có Tổng bí thư đồng thời trực tiếp làm Chủ tịch nước.
Mặt khác, tiếng nói của Chủ tịch nước trong Bộ Chính trị bây giờ cũng mạnh hơn. Vừa tốt cho mặt này và cả mặt kia, kể cả đối với Đảng và đối với Nhà nước. Còn vấn đề dân chủ nói chung ở nước ta thì đúng là còn nhiều mặt chưa tốt, phải thường xuyên nâng cao, phát huy, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội, bắt đầu từ nhận thức, rồi đến cơ chế, thể chế. Đây là một vấn đề rất lớn, là giải pháp quan trọng bậc nhất cần được tập thể và cá nhân các vị lãnh đạo hết sức quan tâm, tập trung chỉ đạo việc đổi mới, cải cách để ngày càng tốt hơn, thực chất hơn.

Tổng bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thuận tiện cho sự kết hợp công việc của Đảng và Nhà nước trong đối nội và cả đối ngoại. Trong ảnh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Obama trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 7.2015. Ảnh: TTXVN
Trở lại việc phân công nhân sự. Tôi thấy ở một số nước phát triển họ bố trí nhân sự lãnh đạo chủ chốt cấp quốc gia khối hành pháp chỉ có hai người, tổng thống và phó tổng thống, hoặc thủ tướng và phó thủ tướng, trong khi ở nước ta hiện nay nếu tính Chủ tịch và Phó chủ tịch nước, Thủ tướng và các Phó thủ tướng, rồi kể cả Tổng bí thư và Thường trực Ban Bí thư phần lớn công việc chỉ đạo thường xuyên cũng liên quan đến hành pháp, thì tổng số lên đến 10 người. Tuy nhiên, cũng không thể vì vậy mà bảo ta dân chủ hơn họ, còn họ thì dễ lạm quyền, lộng quyền hơn ta. Đó là chưa nói họ có nhiều mặt thậm chí còn tốt hơn ta vì họ đã có kinh nghiệm tổ chức nhà nước pháp quyền mấy trăm năm rồi mà ta rất nên nghiên cứu tham khảo với tinh thần thật sự cầu thị.
Trên thế giới đã và đang có nhiều nước áp dụng mô hình này, kể cả các nước ở gần và ở xa ta, kể cả nước nhỏ và nước lớn, kể cả nước tư bản chủ nghĩa và nước định hướng theo xã hội chủ nghĩa. Ta đã và đang thấy, có nhiều tổng thống hoặc thủ tướng hoặc chủ tịch nước đồng thời là người đứng đầu của đảng cầm quyền. Và ngay cả ở nước ta trước đây, lúc sinh thời, Bác Hồ vừa đứng đầu Nhà nước đồng thời đứng đầu Đảng.
Dân bầu trước Đảng bầu sau
Tất nhiên việc ủng hộ mô hình này là nói chung nhất, về mặt khoa học của công tác nhân sự, chứ không phải là một quy định cứng nhắc, máy móc bắt buộc lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều phải nhất nhất như vậy, bởi vì nó phải được thực hiện thông qua bầu cử dân chủ, tất nhiên là theo pháp luật và điều lệ. Bí thư là do Đảng bầu ra, còn chủ tịch là do dân bầu (hoặc là tổ chức đại diện của họ bầu).
Cho nên, diễn đạt chặt chẽ là, giới thiệu Tổng bí thư hoặc bí thư để Quốc hội hoặc hội đồng nhân dân các cấp xem xét bầu chủ tịch. Làm vậy không có gì là mất dân chủ, vì chẳng có cuộc bầu cử nào trên thế giới mà không có việc đề cử, giới thiệu ứng cử viên hoặc tự ứng cử.
Tất nhiên cách phân công nhân sự theo mô hình này chỉ mới là một việc cụ thể, dù là rất quan trọng, trong rất nhiều việc của quá trình đổi mới thể chế. Nhiều người tâm huyết với sự nghiệp chung của đất nước rất mong muốn ban lãnh đạo của đất nước, trước nhất là Đảng, sẽ tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là đổi mới trong lĩnh vực chính trị. Ví dụ, cho nghiên cứu, tích cực chuẩn bị về tư tưởng và khung pháp lý để khi có đủ điều kiện thì có thể tổ chức cho nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch nước và chủ tịch hội đồng nhân dân.
Việc bầu cử người vào các vị trí dân cử sẽ thực hiện thông qua thể chế có tranh cử thực chất và bình đẳng giữa các ứng cử viên. Sau khi trúng cử thì chủ tịch nước và chủ tịch các hội đồng nhân dân có quyền thật sự trong việc giới thiệu nhân sự thủ tướng và các chủ tịch ủy ban nhân dân để Quốc hội và hội đồng nhân dân xem xét phê chuẩn. Chủ tịch nước và chủ tịch hội đồng nhân dân có quyền đình chỉ và cách chức thủ tướng và chủ tịch ủy ban nhân dân khi các nhân sự ấy có các vi phạm nghiêm trọng.
Sau khi trúng cử chức danh đứng đầu Nhà nước và hội đồng nhân dân thì các nhân sự ấy sẽ được Đảng xem xét để bầu bí thư. Tức là việc bầu cử bí thư của Đảng sẽ thực hiện sau khi bầu cử chủ tịch (trước đó thì Đảng đã có giới thiệu nhân sự tham gia tranh cử chủ tịch). Các ý kiến vừa nêu là đề xuất một phương án, còn có thể có nhiều phương án khác, nên mở ra mà thảo luận để chọn phương án tối ưu cho đất nước, và cả cho Đảng nữa, không học theo nước ngoài nào một cách máy móc và cũng không bảo thủ, giáo điều. Làm việc đó chính là triển khai trên thực tế việc đổi mới thể chế.
Tổ chức Đảng có thẩm quyền cần chủ động tổ chức nghiên cứu các phương án, rồi lãnh đạo phát huy dân chủ để thảo luận và đi đến kết luận một cách dân chủ, khoa học, đó chính là lãnh đạo công cuộc đổi mới.
Đảng không phải là nhà nước. Và nhà nước là của dân chứ không phải riêng của đảng. Không thể nhà nước hóa đảng và cũng không thể đảng phái hóa nhà nước. Vì vậy đảng và nhà nước không thể nhập lại thành một, nên không thể nhất thể hóa hay sáp nhập. 
Dù áp dụng cách phân công này hay cách phân công khác (còn gọi là mô hình) thì điều đáng nói nhất trong công việc xây dựng nhà nước pháp quyền và đảng cầm quyền vẫn là nhất thiết phải thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực bằng thể chế (chứ không phải cứ nhiều cán bộ chủ chốt trong bộ máy thì càng kiểm soát tốt). Thậm chí, nếu thể chế kém thì càng nhiều người, nhiều đầu mối càng khó kiểm soát, và vì vậy càng dễ lạm quyền, lộng quyền. Việc kiểm soát quyền lực thì đến nay nghị quyết của Đảng đã nói rồi, Tổng bí thư và Trưởng ban Tổ chức trung ương đã nói rồi, đó là việc rất cần thiết, nhưng các bước triển khai để thực hiện cụ thể thì còn chậm chạp, chưa tích cực.
Phân công theo mô hình nào mà không tổ chức tốt việc kiểm soát quyền lực thì đều dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, bởi bản chất quyền lực luôn có mặt trái là vậy. Mà lạm quyền, lộng quyền thì tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa bộ máy, đó là một quy luật, không thể tránh khỏi, dù cho đảng cầm quyền và nhà nước ấy ban đầu có tốt đến bao nhiêu đi nữa. Một người đứng đầu tốt là hết sức quan trọng, nêu gương về nhân cách chính là một cách làm cho văn hóa thấm sâu để thành nền tảng, tuy nhiên vẫn là rất chưa đủ nếu không có một thể chế tốt về kiểm soát quyền lực và thúc đẩy sự phát triển năng lực của con người.
Kiểm soát quyền lực như thế nào? 
Phải kiểm soát quyền lực bằng quyền lực, trước nhất là quyền lực nhà nước, đồng thời là quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền và bằng các quy định khác về thực thi dân chủ, như quyền tham chính của dân, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí để thể hiện chủ kiến, phát huy công luận với vai trò mạnh mẽ của truyền thông và phát huy vai trò của các tổ chức dân sự trong việc nói lên tiếng nói của dân.
Trong đó, kiểm soát quyền lực bằng quyền lực là quan trọng nhất, vì người hoặc tổ chức không có quyền lực hoặc quyền lực ít thì khó (hoặc không thể) kiểm soát quyền lực của người hoặc tổ chức có quyền lực nhiều. Để thực hiện kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước thì việc phân quyền giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp phải khoa học, theo hướng không chồng chéo mà có độc lập tương đối, không tập trung cao nhất cho một nhánh nào, mà hài hòa, cân đối, có kiểm soát chéo lẫn nhau.
Người dân chỉ có thể tham gia kiểm soát quyền lực khi họ được thể chế trao quyền và bảo vệ họ. Vấn đề tòa án hiến pháp, luật trưng cầu dân ý, cũng như một ủy ban giám sát (hay kiểm tra) do đại hội bầu ra là những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện khi các cơ sở khoa học đã được làm rõ.
Có ý kiến hỏi rằng, người nắm quyền hành cao như vậy cần hội đủ những tiêu chuẩn và điều kiện gì? Theo tôi, thứ nhất là cái tâm, hết lòng với sự nghiệp vì dân, vì nước; thứ hai là sự trong sạch, liêm khiết, gương mẫu về đạo đức và lối sống, được mọi người nể trọng; thứ ba là có quyết tâm đổi mới để phát triển dân tộc và đất nước, đủ năng lực lãnh đạo công việc; thứ tư là tự học không mệt mỏi để thường xuyên tiếp cận tinh hoa văn hóa và trí tuệ của dân tộc và nhân loại. 
Vũ Ngọc Hoàng
 
VỀ VIỆC ÔNG TRỌNG LÀM CHỦ TỊCH NƯỚC

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 26-10-2018

Việc  ông TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng làm kiêm Chủ tịch nước, nhiều người cho đó là Nhất thể hóa, nhưng ông Trọng cho là giải pháp tình thế. Tôi tán thành ý kiến chưa phải nhất thể hóa mà đây chỉ là một người  làm 2 chức. Nếu định nhất thể hóa thì phải thảo luận, thông qua, thành chủ trương, thành điều luật. Và chỉ 1 lần bầu. Nên bầu Chủ tịch nước trong một cuộc bầu cử thực sự dân chủ, có tranh cử. Khi Chủ tịch là đảng viên thì tự nhận làm TBT luôn mà không cần tốn kém việc tổ chức bầu lại ở trong đảng. Nếu Chủ tịch không phải đảng viên CS thì đảng tìm cách kết nạp rồi đưa lên làm TBT. Khi không thể kết nạp được thì sẽ không thực hiện nhất thể hóa cho ĐCS.
Việc ông Trọng kiêm làm Chủ tịch nước có một số người mừng, ca ngợi và cũng nhiều người nghi và lo. Người mừng cho rằng Nhất thể hóa sẽ tiết kiệm được nhiều tiền của,  ông Trọng liêm khiết, chống tham nhũng có hiệu quả, ông sẽ tạo cho VN có sức mạnh mới. Người nghi và lo cho rằng ông Trọng vốn bảo thủ, giáo điều, lại quá bị lệ thuộc Trung cộng nên có nhiều khả năng dẫn dân tộc đi sai đường.
Từ trước tôi vẫn không tán thành phương châm “Đảng lãnh đạo, Chính quyền quản lý, Nhân dân làm chủ”. Dựa vào đó người ta  lập nên hệ thống 3 tổ chức chồng chéo, dẫm đạp lên nhau (đảng, chính quyền, mặt trận). Tôi cho rằng để thực hiện tốt việc lãnh đạo thì đảng phải hóa thân vào chính quyền. Nhất thể hóa sẽ giảm được nhiều phiền hà, tránh được lãng phí, tạo nên sức mạnh. Muốn thế phải sáp nhập  hoặc giải tán nhiều ban ngành, cấp ủy hoặc văn phòng đảng đặt bên cạnh tổ chức tương đương của Hành pháp ( hình thức là bên cạnh, nhưng thực chất nhiều nơi là bên trên). Việc nhất thể hóa 2 chức vụ người đứng đầu cơ quan Đảng và Chính quyền mà vẫn giữ lại mọi tổ chức, ban bệ của Đảng như hiện nay thì chỉ mới làm được một việc quá nhỏ bé.
Nhất thể hóa ở cấp cao nhất là một việc vô cùng hệ trọng. Ở đây phẩm chất, nhận thức của cá nhân  người đứng đầu có ảnh hưởng rất lớn. Hãy xem xét kỹ vai trò của Khơrutsep trong việc chống sùng bái Stalin và chung sống hòa bình, của Gorbatrôv trong việc giải tán Liên xô, của Trump trong việc làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại v.v… Vậy ở VN, khi Nguyễn Phú Trọng nắm toàn quyền thì đất nước sẽ chờ đón điều gì, tốt lên hay xấu đi. Để dự đoán cần dựa vào phẩm chất, năng lực, xu hướng của ông ấy là chủ yếu chứ không phải dựa vào việc  ông kiêm luôn 2 chức cao nhất.
Liệu những người ca ngợi và trông chờ vào ông Trọng  đã dựa trên những chứng cứ chắc chắn để phán đoán hay chỉ là những lời tụng ca nịnh hót. Hãy phân tích xem.
Tham nhũng ở VN hiện nay đã trở thành bệnh dịch, xẩy ra trong mọi tổ chức công quyền từ nơi hang cùng ngõ hẻm trở lên. Số người có hành động tham nhũng lên đến nhiều triệu, từ tạp vụ và hộ lý ở bệnh viện, từ cảnh sát đứng đường đến Ủy viên Bộ chính trị và quan chức cấp cao của Chính phủ. Việc đốt lò chống tham nhũng của ông Trọng tuy gây tiếng vang, nhưng giỏi lắm chỉ xử được vài chục, vài trăm vụ, còn hàng triệu  vụ khác ông Trọng không làm gì được. Sự phá hoại đất nước của bọn tham nhũng sộp, bị cho vào lò là rõ ràng, nhưng sự phá hoại nền tảng đạo đức và lòng tin do triệu triệu vụ tham nhũng, lộng quyền, dày đặc khắp nơi mới thật sự nguy hiểm, làm hủy hoại dân tộc. Với cơ chế hiện nay của ĐCSVN không có cách gì chống lại được.
Việc ông Trọng liêm khiết như thế nào còn chờ xem. Ông liêm khiết đến đâu trong khi không chấp nhận yêu cầu kê khai minh bạch tài sản. Mà liêm khiết là thuộc đời sống cá nhân. Đối với  tầng lớp lãnh đạo thì đời sống công tác quan trọng hơn rất nhiều. Đó là việc dẫn dắt tập thể đi theo con đường nào. Nếu liêm khiết mà đi sai đường, dẫn tập thể xuống hố , vào ngõ cụt hoặc đi đường đầy chông gai thì vẫn mang tội nặng. Đi sai đường mà không liêm khiết thì tội càng nặng hơn.
Về đường lối, hãy xem ông Trọng đã làm và nói như thế nào. Ông nổi tiếng bảo thủ, giáo điều, vẫn kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê lỗi thời, duy trì chế độ độc đảng, vẫn kiên trì định hướng XHCN, vẫn không chấp nhận đa nguyên, tam quyền phân lập và xã hội dân sự, vẫn chủ trương đàn áp bất đồng chính kiến, vẫn u mê khi ủng hộ 3 đặc khu kinh tế và luật an ninh mạng, vẫn chăm chú đọc một cách vô hồn những bài do người khác viết sẵn ở các diễn đàn quan trọng mà không tạo được cảm hứng cho người nghe, vẫn vô cảm với bao nỗi oan khuất của người dân, vẫn  tôn trọng phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng, chấp nhận thế yếu trong quan hệ với Trung cộng v.v… Một con người như vậy liệu có thể mang lại sức mạnh mới cho Nhà nước hay là làm cho lãnh đạo VN phạm hết sai lầm này đến tội ác khác khi tiếp tục con đường XHCN, làm cho VN trở thành “đất nước không chịu phát triển”, càng lún sâu thêm vào việc lệ thuộc vào Trung cộng để biến VN thành miếng mồi ngon cho bọn bành trướng, mang lại tai họa cho dân tộc.
Việc rồi đây ông Trọng sẽ hành động như thế nào, người ngoài chỉ có thể dự đoán. Mà  biết đâu dự đoán của tôi có thể sai. Sự đời vốn có lắm bất ngờ. Tôi xin dành lại một xác suất bé cho hy vọng vào phép nhiệm mầu, rằng nhân việc này ông Trọng  sẽ ngộ ra và chuyển biến, trở thành nhà cải cách lớn của VN. Hãy chờ xem.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Thời kỳ Khrushov, ông TBT ĐCS Liên Xô nêu khẩu hiệu “đảng toàn dân” là một nhận thức nhạy bén về tình trạng tha hóa của đảng và cố gắng chống lại sự tha hóa đó bằng một cách đánh lộn sòng: đưa đảng vào trong dân tộc hòng làm người ta nghĩ đảng và dân tộc là một.
Nhưng đấy là thời kỳ vai trò các đảng CS trên thế giới chưa ở vào thế tuyệt vọng. Chứ giờ đây, sau hơn 60 năm so với giai đoạn Khrushov, sự tan rã của LX và phe XHCN đã trở thành một bản án tử hình thực tế đối với tất cả các đảng CS rồi.
Cựa quậy của một kẻ như họ Tập mà còn không ăn thua thì gắng gượng của một lão già sức tàn lực kiệt mà trong lòng thừa  biết “khuôn xanh” chẳng bao giờ “vuông tròn” cho mình – mà không phải bây giờ mới không “vuông tròn”, từ “năm hãy thơ ngây” đã “gặp thầy tướng số” đoán biết số phận mình chẳng ra gì rồi kia mà. Vậy thì “một trong hai” hay “hai nhập một” cũng chỉ rứa cả thôi.
Ông Trọng hãy tự hỏi mình một câu và nhờ đám cố vấn tìm cho mình một lời giải đáp nghiêm túc nhất, không bị bất cứ e ngại, định kiến nào ràng buộc: “Ở tư cách đảng trưởng ĐCS, dân tin mình, tức là tin đảng đến mức nào?”.
Câu ấy dân đã trả lời mà chắc ông Trọng đến giờ vẫn chưa được nghe, thôi thì đành mách cho ông, may ra có cấp dưới nào bạo mồm bạo miệng tâu lên với ông thì quá tốt. Câu ấy gói ghém trong bài thơ mới đây nhất nhà thơ Nguyễn Duy đưa lên mạng, không thèm giấu giếm gì cả. Bài thơ mang tên CƯỚP, trong đó có những câu định nghĩa cướp là ai rõ ràng minh bạch, không chối đi đâu được: Cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi/cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa/cướp từ bàn giấy cướp ra ngoài đồng/con ơi mẹ dặn câu này/quan tham là cướp cả ngày lẫn đêm.
Thử hỏi, ông Trọng thống nhất chức Chủ tịch nước với chức TBT sẽ làm được gì khi cái đảng do ông đứng đầu đã bị nhân dân từ Nam đến Bắc nguyền rủa là… đảng cướp, và từ nay về sau sẽ đối xử với nó như một bọn cướp nguy hiểm?
Nghĩ mà ái ngại cho ông!
Bauxite Việt Nam

NGHĨ LINH TINH NHÂN TỔNG BÍ THƯ NHẬM CHỨC CHỦ TỊCH NƯỚC

TẠ DUY ANH/ FB  Nguyễn Giáng Vân/ BVN 25-10-2018

Việc ông Trọng làm thêm chức Chủ tịch nước, hoàn toàn là việc của đảng, nhưng riêng việc này thì tôi thấy được. Xin chúc mừng ngài Tân Chủ tịch nước.
Điều khiến tôi nghĩ linh tinh là ở mấy việc sau:
1- Tất cả các báo đài đều đưa tin: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kì 2016-2021, mà không chỗ nào chú thêm: Nửa cuối nhiệm kì?
Nói thế chả hóa ra ông Trần Đại Quang chưa làm Chủ tịch nước ngày nào?
2- Tiền đề của việc “một người làm 2 việc” như chính lời Tổng bí thư, là ông Trần Đại Quang ngã ác bệnh qua đời. Nhưng đọc qua báo chí và trả lời phỏng vấn của các đại biểu Quốc hội, thì việc này là do “lịch sử lựa chọn”, là “thời cơ lớn trăm năm có một”, là “ý đảng lòng dân”, là “mong muốn từ lâu của cả dân tộc”, là “đáng lẽ phải diễn ra lâu rổi”...
Nói thế có sái với văn hóa truyền thống không nhỉ? Hãy thử gắn việc ông Quang chết – “một mất mát to lớn của toàn đảng toàn dân”, với các diễn ngôn kia mà xem?
3- Ông Nguyễn Phú Trọng làm lãnh đạo cao cấp nhất từ hơn 20 năm nay (năm 1997 ông trúng Ủy viên BCT– theo như tiểu sử chi tiết đến từng tháng cuộc đời của ông, vừa công bố trên báo), thậm chí so với chức Tổng bí thư mà ông đang giữ nhiệm kì thứ 2, thì chức Chủ tịch nước bé hơn rất nhiều (về mọi mặt), thế mà nhiều đại biểu Quốc hội trả lời cứ như lịch sử dân tộc vừa phát hiện ra ông rất XỨNG ĐÁNG với cương vị Chủ tịch nước, là chức bé hơn chức ông đang nắm giữ?
Nói thế là nịnh dốt hay là nói đểu thông minh nhỉ?
4- Ngồi xem truyền hình phỏng vấn một số người, về việc ông Trọng làm Chủ tịch nước, tự nhiên thấy ngượng thay cho Tổng bí thư, Chủ tịch nước vô cùng. Tôi tin rằng Ngài tân Chủ tịch nước mà nghe những lời như vậy, chắc chắn ngài cũng sẽ ngượng chín mặt.
Nịnh thần là ruồi nhặng, hãy để nó ở bãi rác, là chỗ muôn đời của nó.
5- May nhờ Tổng bí thư cúi xuống nhận thêm chức Chủ tịch nước, báo chí mới rầm rộ vào cuộc và đồng bào mới biết ông ở nhà công vụ đơn sơ, mặc bộ véc bạc mầu, ăn uống vô cùng đạm bạc…
Nói thế chả hóa chức Tổng bí thư chỉ là chức vụ vớ vẩn chả bõ quan tâm?
Vài lời nói thêm: Cách nay gần ba mươi năm, truyện ngắn “Dịch quỷ sứ” của tôi đăng trên Tạp chí Sông Hương, sau đó được dịch ra tiếng Pháp, in chung với các tác giả khác trong tập “Xứ sở phù du”, có một đoạn nói về tuyệt chiêu nịnh của một kẻ cấp dưới cơ hội, với thủ trưởng của anh ta là ông Bí thư huyện ủy tên là Bùi N., xin trích:
“Ông Bùi N. lại hỏi tôi (nhân vật nịnh): "Anh ở giữa quần chúng anh thấy người ta nói gì về tôi?".
"Thưa có cả khen lẫn chê"
"Ừ, đã là lãnh đạo làm sao toàn bích được. Anh thấy người ta khen sao, chê sao?".
"Họ chê ông Bí thư huyện ăn mặc quá tuềnh toàng; họ chê ông Bí thư huyện không chịu để mắt đến cái xe đạp từ thời Pháp; họ chê ông Bí thư quá nghiêm khắc với đám giúp việc; họ chê ông Bí thư chẳng đoái gì đến chị và các cháu, chỉ cứ toàn lo việc thiên hạ; họ chê ông Bí thư mỗi lần về xã cứ lôi hết cái yếu kém của họ đặt lên bàn..."
"Thôi được rồi, còn họ khen sao?"
"Dạ thưa họ khen ít lắm, không bằng nửa phần lời chê. Họ bảo ông Bí thư huyện chỉ được MỖI cái thương dân, quên cả mình. Họ chỉ khen có thế thôi ạ!"
Giờ đọc lại, so với khả năng nịnh của đám quan chức và trí thức xôi thịt thời 4.0, thì trí tưởng tượng của nhà văn hóa ra thảm hại vô cùng.
T.D.A.
Nguồn: FB  Nguyễn Giáng Vân

PHẢN BIỆN MỘT SỐ VẤN CỦA HNTƯ 8 ĐCSVN

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 24-10-2018

Hội nghị họp trong 5 ngày đầu tháng 10/2018. Theo tuyên truyền thì thành công tốt đẹp,  đã thảo luận các vấn đề thiết thực, đã ra được các nghị quyết, các quyết định hết sức quan trọng và cần thiết. Tôi có theo dõi HN và đưa ra nhận xét là hiệu quả thấp và có một số vấn đề không rõ ràng.
  1. Về kinh tế- xã hội
Báo cáo đưa ra các con số như GDP tăng 6,8%, xuất cảng đạt 238 tỷ đô la. Phải chăng như thế là kinh tế phát triển. Hỏi: kinh tế phát triển tại sao phải vay thêm tiền để trả nợ (nợ hàng  trăm tỷ đô la), mà chỉ trả được tiền lãi chứ cơ bản vẫn chưa trả được vốn. Vì thế tổng số nợ càng ngày càng tăng lên. Kinh tế phát triển mà sao THU của ngân sách không đủ CHI, ngân sách thiếu hụt, lạm phát, giá cả tăng. Thì ra việc tăng GDP và tăng xuất khẩu không phản ảnh sức mạnh kinh tế của Nhà nước.
Chi ít hơn thu thì mới có tích lũy để phát triển, còn thu không đủ chi (bội chi), phải vay nợ, mà không có khả năng trả, thì đó là phát triển kiểu gì. Thì ra cách tính GDP không phản ánh đúng bản chất sự phát triển. Ở VN  số tiền tham nhũng và lãng phí là thuộc chi tiêu công cộng nên được tính vào GDP, vậy tham nhũng và lãng phí làm tăng GDP. Tiền xuất cảng khá lớn, nhưng tiền đó là của các tập đoàn kinh tế mà phần lớn là các doanh nghiệp FDI, nghĩa là của tư bản nước ngoài, đặt nhà máy sản xuất tại VN (của Samsung, Toyota v.v…), nhà nước chỉ thu được một phần rất nhỏ, đó là tiền thuế. Như vậy không nên đưa con số xuất khẩu 238 tỷ đô la để lòe bịp.
Để phát triển kinh tế, các đại biểu thảo luận các biện pháp, nào là phải tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh, sử dụng công nghệ tiên tiến, cách mạng 4.0 v.v… Phần lớn người ta nói như sáo, vẹt mà  không hiểu bản chất, không biết cách làm cụ thể. Trong các nước phát triển, những công việc đó là của các tập đoàn kinh tế. chính phủ và đảng cầm quyền không cần chỉ đạo. Chính phủ quan tâm chủ yếu đến thu thuế, ngăn chặn các tác động xấu đến môi trường.
Về xã hội. Năm 2018 nổi lên mấy vụ động trời như dân oan thủ Thiêm, biểu tình chống luật 3 đặc khu, bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. HN 8 không một câu đề cập. Phải chăng Đảng muốn dìm vào im lặng.
2-  Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
Việc này trước đây đã có  chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 22/9/1997 về Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nghi quyết số 09-QĐ/TW ngày 9/2/2007 về chiến lược biển đến năm 2000. Tinh thần cúa CT20 và NQ09 là làm cho VN mạnh về biển, giàu từ biển, kết hợp kinh tế với bảo vệ lãnh thổ.
Sau hơn 20 năm từ CT20, hội nghi TƯ 8 lại thảo luận về kinh tế biển, kế hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, với những lời lẽ nghe rất hùng hồn, rất hấp dẫn. Nào là CM 4.0, kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ vững hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế , lợi ích quốc gia, v.v…
Về Biển Đông, trong lúc ĐCSVN ra nghị quyết và hô khẩu hiệu thì cái Lưỡi bò của bọn bành trướng Đại Hán cứ tồn tại, bọn Tàu cộng cứ xây dựng đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trên lãnh hải VN, cứ ngăn cản VN hợp tác với nước ngoài thăm dò dầu khí ở nhiều nơi, cứ cho tàu lạ đâm chìm tàu đánh cá , giết hại ngư dân v.v… Thế mà Đảng không dám nói đến. Nếu Lưỡi bò được củng cố, biển của VN chỉ còn lại một dải rất hẹp gần bờ, lúc ấy mà vẫn hô hào mạnh về biển, giàu từ biển thì phải chăng chỉ là phét lác.
Hiện tại Biển Đông đang là nơi tranh chấp quốc tế. Lãnh đạo VN cần rửa sạch lỗ tai , mở rộng tầm mắt để phân tích đúng tình hình, chọn được cách hành xử thông minh. Nếu chỉ bưng tai, bịt mắt, ngồi viết nghị quyết suông thì khó tránh khỏi tai họa cho dân tộc.
Để chuẩn bị cho kế hoạch biến Biển Đông thành ao nhà, Tàu cộng đã lừa được lãnh đạo VN ký cam kết    “ Không liên kết với nước khác để chống lại nước thứ ba”. Đây là một cam kết rất ngu muội, nhưng ĐCSVN lại rất tự hào và ra sức tuyên truyền về nó. 
3. Về công tác xây dựng Đảng
HN 8 đã thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là việc làm vớ vẩn, thể hiện 2 điều tệ hại. Một là phẩm chất của các ủy viên các loại quá thấp, hai là biện pháp làm Quy định về trách nhiệm nêu gương thể hiện sự kém trí tuệ.
Về trách nhiệm nêu gương, trước đấy đã có QĐ 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012, có QĐ 55-QĐ/TW ngày 11/1/2017. Nay lại thêm QĐ mới.
Liên tục có các QĐ về nêu gương, phải chăng các ủy viên đã không biết rằng việc nêu gương là thuộc phẩm chất chứ không phải nhiệm vụ, hay họ biết nhưng không có được phẩm chất ấy. Tại sao Đảng có nhiều QĐ nhằm xây dựng và làm trong sach tổ chức và đại hội các cấp vẫn nêu cao khẩu hiệu sáng suốt lựa chọn…, thế mà các ủy viên được bầu ra lại có phẩm chất thấp, đến nỗi phải ra QĐ về nêu gương. Thì ra  khẩu hiệu sáng suốt lựa chọn chỉ là lời nói suông, các QĐ về xây dựng và làm trong sạch tổ chức, phần lớn chỉ là những giấy tờ kém giá trị, bầu cử dân chủ chỉ là giả hiệu. Thực chất Đảng đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong việc chọn lựa cán bộ, đã dùng nhiều kẻ cơ hội, bất tài, nhưng lắm mưu mẹo, nhiều thủ đoạn.
Khi đã vô tình dùng phải kẻ cơ hội, không thể làm gương thì cách hay nhất là loại bỏ, dùng người có phẩm chất cao hơn thay vào. Vẫn cứ tiếp tục dùng kẻ phẩm chất thấp rồi ra QĐ bắt phải làm gương là sự gượng ép ở trình độ quá thấp. Hỏi rằng Đảng ra QĐ bắt ủy viên các cấp thực hiện trách nhiệm nêu gương thế thì ai ra QĐ bắt các thầy cô giáo nêu gương cho học trò, ai ra QĐ bắt ông bà, cha mẹ nêu gương cho con cháu.
QĐ về trách nhiệm nêu gương đã được một số người hoan nghênh, ca ngợi. Tôi cho rằng sự ca ngợi đó là quá vội vàng, nông cạn. Hình như họ chỉ chờ Đảng đưa ra một thứ gì đó, chưa biết đúng sai, hay dở đã vội thổi phồng.
4- Vài lời kết
Tôi không phân tích, không đánh giá toàn bộ HNTƯ 8 mà chỉ phản biện một số vấn đề. Cũng còn một số vấn đề khác có thể phản biện, nhưng bài đã khá dài, tạm dừng lại. Tôi mong ước được tiếp nhận các phản bác lại các phản biện trên. Còn nếu phản biện của tôi là đúng thì xin đặt câu hỏi, tại sao lại có phản biện như vậy và liệu Đảng có cần phản biện không.
N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét