Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

20181015. BÀN VỀ TINH GIẢN BIÊN CHẾ

ĐIỂM BÁO MẠNG
TINH QUÂN, GIẢM QUAN, LÀM MỘT LẦN CHO XONG, HAY CỨ... TỪ TỪ ?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 15-10-2018
Giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách và nâng cao hiệu quả sử dụng tiền thuế của dân là những vấn đề nổi cộm bên cạnh việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, loại bỏ các “nhóm lợi ích”,...
Nếu phải nêu đặc điểm nổi bật nhất của quản lý nhà nước thời kỳ vừa qua, có lẽ không gì hơn là nhắc lại ý kiến của Hồ Chủ tịch về những người được giao trọng trách quản lý nhà nước:
Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm”. [1]
Một vị từng là lãnh đạo cao nhất Hà Nội có phát biểu đã trở thành giai thoại: “Hà Nội không vội được đâu”!
Những người được giao trọng trách từ cấp xã đến trung ương đại bộ phận đều là đảng viên, vậy nên mấu chốt để giải quyết vấn đề “đổi mới thể chế chính trị” theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW nằm ở hoạt động của các cơ quan đảng và những người đứng đầu tổ chức đảng các cấp.

Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Việc Ban chấp hành Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước “không phải vì nhất thể hoá, đây là tình huống” như lời Tổng Bí thư trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm và Ba Đình - Hà Nội ngày 8/10/2018.
Vấn đề nằm ở chỗ nếu đó là việc phù hợp với mong muốn của dân, nếu nhờ đó mà hoạt động của các cơ quan nhà nước được cải thiện, đẩy lùi được suy thoái, biến chất trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao vị thế quốc gia thì có nên xem là chuyện bình thường của thể chế chính trị từ nay về sau?
Xin nêu vài ý kiến:
Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính” ban hành ngày 25/5/2016 cho đến nay đã được gần hai năm rưỡi, sẽ cần bao lâu nữa để việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh bắt đầu thực hiện và đến bao giờ thì xong?
Theo số liệu công bố của Bộ Nội vụ ngày 27/3/2018, tổng số đơn vị hành chính Việt Nam như sau: Cấp tỉnh - 63; Cấp huyện - 713; Cấp xã - 11.162; Số thôn (tổ dân phố) - 136.824. [2]
Nếu thực hiện phương châm Bí thư làm Chủ tịch từ xã lên tỉnh, (cấp thôn Bí thư chi bộ làm Trưởng thôn) thì sẽ giảm được 148.762 chức danh.
Thực hiện việc ghép văn phòng cơ quan đảng với văn phòng chính quyền thì số văn phòng dôi ra sẽ là 11.938 (chi bộ thôn và tổ dân phố không có văn phòng riêng).
Trong trường hợp chủ trương bỏ Hội đồng nhân dân cấp xã, huyện được thực hiện trên toàn quốc thì sẽ giảm được 291.273 đại biểu cấp xã, 25.179 đại biểu cấp huyện, ngân sách chi thường xuyên cho hai nhóm đối tượng này mỗi năm tiết kiệm được khoảng 85 tỷ đồng. [3]
Hợp nhất các tổ chức chính trị xã hội, trước mắt là 6 tổ chức lớn (Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân) cũng sẽ giảm đáng kể số tiền ngân sách phải chi cho hoạt động của các tổ chức này.
Số liệu được một lãnh đạo Bộ Nội vụ đưa ra cho thấy, dựa vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay có 259 huyện, 6.191 xã trong cả nước chưa đạt 50% tiêu chuẩn. [4]
Chưa thấy vị lãnh đạo cấp vụ của Bộ Nội vụ đề cập đến những tỉnh chưa đạt tiêu chí, do vấn đề phức tạp hơn cấp huyện hay chưa có chủ trương chỉ đạo?
Dẫu sao cũng có thể lọc ra danh sách các tỉnh chưa đạt một hoặc nhiều tiêu chí quy định tại điều 1 Nghị quyết 1211/2016, theo đó tiêu chuẩn của tỉnh như sau:
1. Quy mô dân số:
a) Tỉnh miền núi, vùng cao từ 900.000 người trở lên;
b) Tỉnh không thuộc điểm a khoản này từ 1.400.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên:
a) Tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000 km2 trở lên;
b) Tỉnh không thuộc điểm a khoản này từ 5.000 km2 trở lên.
3. Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 11 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất 01 thành phố hoặc 01 thị xã.
Trong số 33 tỉnh có diện tích nhỏ hơn 5.000 km2, chỉ bốn tỉnh có thể coi là vùng cao gồm Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Kạn nhưng diện tích lớn nhất chỉ đạt 50% so với tiêu chí.
Đặc biệt có những tỉnh diện tích nhỏ hơn 1.000 km2 như Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên.
Có 44 tỉnh không đạt quy mô dân số (900.000 - 1.400.000 người).
Nghị quyết của Quốc hội được ban hành dưới sự lãnh đạo của Đảng nên việc thực hiện cũng phải có sự chỉ đạo, chậm trễ hay nhanh chóng đều nằm trong “quy trình” và không thể nói những “quy trình” đó đáp ứng tốt nhất đòi hỏi của thực tiến khi từ lời nói đến việc làm vẫn còn là là “con đường xa nhất Việt Nam”!
Nhiều ý kiến “tâm tư” về chuyện sáp nhập đơn vị hành chính, những mâu thuẫn mang tính địa phương ở các tỉnh đã sáp nhập sau đó phải giải thể cho thấy thực hiện đổi mới không hề đơn giản, nhất là đổi mới nhận thức của những người “tâm” thì chưa biết nhưng “tư” thì rất rõ.
Việc chấm dứt hoạt động của ba Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ vừa qua cho thấy quyết tâm của Tổng Bí thư và Trung ương trong đổi mới hệ thống chính trị.
Vậy nên chấm dứt chuyện “phân mảnh” địa danh hành chính, “phân mảnh” chức vụ lãnh đạo là việc không thể chậm trễ, phải làm một lần cho xong chứ không thể “dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy”.
Theo quy định tại khoản 4 điều 9 Điều lệ Đảng thì: “…Cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương” như vậy gần như chắc chắn là Quốc hội sẽ thống nhất bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước bởi 95,8% đại biểu quốc hội khóa 14 là đảng viên.
Nếu xem sự kiện này là cột mốc đánh dấu chính thức quá trình đổi mới thể chế thì có nên đặt vấn đề về hợp nhất các cơ quan tương ứng?
Có một sự phân biệt nên được hiểu rõ thế này, lãnh đạo Đảng là do đảng viên bầu, lãnh đạo Quốc hội và chính quyền về nguyên tắc là do dân bầu chọn theo quy định của pháp luật.
Khi thể chế chính trị chọn định hướng thượng tôn pháp luật thì những người đảm nhận “hai vai” sẽ phải đặt “thượng tôn pháp luật” ở vị trí cao nhất.
Một khi bí thư làm chủ tịch, muốn hoàn thành nhiệm vụ dân trao gửi thì thời gian dành cho chức năng chủ tịch phải chiếm tỷ lệ cao nhất nếu không nói là tuyệt đối.
Ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, về việc Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước thì Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước vẫn giữ nguyên, không đặt vấn đề sáp nhập 2 văn phòng này. [5]
Hiện có 4 văn phòng lớn tương đương cấp bộ là Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ, ngoài ra Tổng Bí thư có Văn phòng Tổng Bí thư gồm các trợ lý và thư ký.
Việc ghép 2 văn phòng cấp cao nhất không giải quyết được vấn đề tinh giản biên chế bởi nhân sự hai cơ quan này không nhiều và chức năng, nhiệm vụ khác nhau.
Tuy nhiên nếu tiến hành ở cấp thấp, cụ thể là hợp nhất trụ sở cấp ủy và chính quyền cấp tỉnh và huyện thì sẽ có khoảng gần 800 trụ sở có thể chuyển sang sử dụng cho các mục đích công ích khác như trường học, bệnh viện,…, bên cạnh đó cũng giảm được đáng kể số lượng nhân viên, phương tiện phục vụ.
Nghị quyết 18-NQ/TW phần tiêu đề ghi: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Vấn đề là việc “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” cần phải có lộ trình cụ thể, đến năm nào kết thúc chứ không thể kéo dài triền miên chưa biết lúc nào hoàn thành.
Nhân dân hoan nghênh chủ trương của Đảng và mong muốn công cuộc đổi mới thể chế chính trị làm một lần dứt điểm và làm ngay, đừng để vài năm lại một lần xáo trộn, càng không nên cứ đưa vào văn bản rồi để đó như một số điều ghi trong Hiến pháp từ năm 1946 đến nay vẫn chưa được luật hóa.
Xin nhắc lại ý kiến đã nêu trong bài “Con đường tất yếu”:
Nếu trong giáo dục Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” thì cũng nên đặt lịch trình ban hành một nghị quyết “Về đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống chính trị…”.[6]
Tài liệu tham khảo:
[1] Hồ Chí Minh toàn tập (1996), tập 6, trang 345
[2]https://www.moha.gov.vn/danh-muc/linh-vuc-chinh-quyen-dia-phuong-dia-gioi-hanh-chinh-26074.html
[3] http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=1526
[4] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/259-huyen-6-191-xa-trong-ca-nuoc-co-the-bi-sap-nhap-462073.html
[5] http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/pho-chanh-van-phong-trung-uong-dang-tong-bi-thu-lam-chu-tich-nuoc-la-viec-tu-nhien_t114c1014n139611
[6] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Con-duong-tat-yeu-post191448.gd
Xuân Dương
TIN BÀI LIÊN QUAN:
CHÚNG TA THIẾU LOẠI NGƯỜI TÀI NÀO ?

TS NGUYỄN MINH HÒA/ THE LEADER 13-10-2018

Chúng ta thiếu loại người tài nào?
TS Nguyễn Minh Hòa (ảnh TLNDH)
Những doanh nghiệp lớn đều có trong tay vài ba nhà tổ chức giỏi. Họ chính là hạt nhân quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp, do vậy họ luôn là hàng hiếm trên thị trường quốc tế và trở thành mục tiêu của hoạt động “săn đầu người”
Thiếu người tài đặc biệt
Ở Việt Nam hiện nay quá ít những người vừa có tầm bao quát đủ rộng vừa có khả năng tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Có người có nhiều ý tưởng hay, nhưng không biết phải làm thế nào hiện thực hóa nó, có người lại chỉ biết thừa hành như là các kỹ thuật viên theo kiểu chỉ đâu đánh đấy mà không biết đầu quân vào đâu.
Kiến tạo nguồn nhân lực tài năng ở Việt Nam vẫn là một bài toán khó giải. Ảnh minh họa (Nguồn VNU)
Chính quyền của các tỉnh thành như Đà Nẵng, Hà Nội, TP. HCM, và nhiều địa phương khác đều trải thảm đỏ chào mời những người tài năng và tài năng đặc biệt với những ưu đãi hấp dẫn, nhưng mức độ thành công rất hạn chế, không muôn nói là thất bại. Vấn đề đặt ra là cần thu hút loại người tài nào trước tiên và sử dụng họ ở những lĩnh vực nào, nếu không hạ màn của một kịch bản sẽ lại như cũ.
Người có tài, có năng lực dễ thấy ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng được coi là tài năng đặc biệt phục vụ trong bộ máy công quyền và cả ở trong các tập đoàn kinh tế lớn đòi hỏi một vài phẩm chất rất khác. Cách nay vài năm, một trường đại học lớn ở TP.HCM có mời về một số chuyên gia được quảng bá là “cực tài” ở một vài lĩnh vực khác nhau, nhưng rồi cuộc “hôn phối” sớm chấm dứt.
Một vài người có tài, nhưng họ không chơi được với ai, và ngược lại không ai chơi với họ. Họ nhận được đề tài khủng, được đầu tư lớn, nhưng ôm một mình, không chia sẻ quyền lợi và cả kiến thức cho ai, họ tự toả sáng một mình, chưa kể một vài người tài năng chừng mực nhưng nổ quá, khiến cho các đồng nghiệp tẩy chay, kết cục là không còn ai trụ lại được.
Dường như lời nhận xét rằng người Việt Nam không có truyền thống làm việc nhóm cho lợi ích kinh tế là chí lý!
Một bác sĩ xuất chúng, một chuyên gia công nghệ thông tin siêu hạng, một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng, một vận động viên thể thao đỉnh cao, thậm chí là một bác học được giải Nobel đầu quân cho TP. HCM là điều tốt, họ sẽ phát huy trong lĩnh vực hẹp của mình (giả định là mọi chuyện hanh thông) nhưng thực tế cho thấy một bác sĩ giỏi chưa chắc đã làm thay đổi được đơn vị (bệnh viện, khoa) nơi anh ta làm việc, chưa kể hoàn cảnh làm hỏng anh ta, hoặc anh ta làm hỏng cái tổ chức đó.
Trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM (và nhiều quốc gia nghèo trên thế giới) cần những người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực “tổ chức”. Họ là “nhà tổ chức” thực thụ, tài năng. Họ là những người giỏi chuyên môn (tất nhiên rồi, nhưng không hẳn là người thuộc top đầu) nhưng điều quan trọng nhất là họ có khả năng tập hợp xung quanh mình những người tài, rất tài, và tài năng hơn cả mình nữa, lập thành một ê kíp mạnh (nhóm, đội, trường phái).
Cá nhân đó có ảnh hưởng lớn không chỉ trong nước và quốc tế, đủ tầm thu hút được những người xuất sắc trong lĩnh vực của mình, thu hút được các nguồn lực (con người, vật chất, tài chính, thiết bị, công nghệ) để thực hiện được những dự án, kế hoạch lớn, có thể tạo ra sự đột biến hay đổi mới trong một một lĩnh vực hay toàn bộ cho một địa phương.
Nhà tổ chức giỏi là người có khả năng phát kiến ra ý tưởng mới, biết tìm hướng đi cho nó sao đúng qui trình pháp lý, biết bày binh bố trận, biết tìm kiếm nguồn lực tài chính, lôi kéo mọi người phù hợp vào cuộc chơi, biết tìm kiếm sự hỗ trợ từ các phía (chính quyền, nhà tài trợ, đối tác) đồng thời tổ chức triển khai từ A đến Z để hiện thức hoá ý tưởng đó trong thực tế, kể cả việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Trần Thanh Vân, không hẳn là nhà vật lý xuất sắc nhất, nhưng theo tôi, ông là nhà tổ chức khoa học xuất sắc ở Việt Nam hiện nay. Với ảnh hưởng, uy tín và tài năng của mình, ông đã tổ chức thành công Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành Qui Nhơn (ICISE) nổi tiếng toàn thế giới với một cơ ngơi bề thế trên diện tích 20ha, có đầy đủ không gian làm việc cho hàng trăm nhà khoa học như hội trường, phòng làm việc, thư viện, khách sạn, công viên, quán cà phê,…
Nơi đây đã tổ chức được 14 lần “Gặp gỡ Việt Nam”, thu hút hàng nghìn nhà khoa học nổi tiếng thế giới, rất nhiều trong số họ là những nhà khoa học đoạt giải Nobel. Họ không chỉ tự bỏ mọi chi phí cho mỗi lần đến Qui Nhơn mà còn đóng góp kiến thức, uy tín và cả tài chính cùng GS. Trần Thanh Vân thực hiện dự án của mình.
GS Vân thực sự là một nhà tổ chức lớn, một thủ lĩnh tài ba. Nếu TP.HCM thu hút được dăm người như vậy ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao thì tự khắc sẽ hình thành nên mạng lưới những người tài, người có năng lực, những người có khả năng sáng tạo ở các cấp độ khác nhau.
Phải biết dụng tài
Câu hỏi là: Các cấp quản lý hành chính và quản lý nhà nước như phường, quận và các sở ngành có cần người tài và người tài đặc biệt? Thực tế ở Đà Nẵng cho thấy hầu hết các thạc sĩ, tiến sĩ học bài bản ở nước ngoài về làm việc ở các cơ quan này một thời gian rồi bỏ việc, chấp nhận đền bù chi phí đào tạo. 
Thực tế cho thấy nhiều công việc ở các đơn vị này không cần đến người có bằng cấp cao, bởi bộ máy đó nó hoạt động theo chức năng, quy chế, qui định có sẵn theo luật định, không cần phải sáng tạo hay đổi mới, một người học trung cấp cũng là đủ để hoàn thành tốt nhiều công việc ở phường hay quận. Những người có năng lực rất dễ bị qui cho là “phá đám” khi đưa ra những sáng kiến làm thay đổi một qui trình đã có.
Do vậy mà nơi thu nạp người tài năng và tài đặc biệt trước hết là các trường đại học và viện nghiên cứu, còn với cơ quan công quyền thì thường là ở các bộ phận và vị trí đóng vai trò “tham mưu”. Với một quốc gia, cũng như thành phố, bộ phận và cá nhân đảm nhiệm là tham mưu đóng một vai trò vô cùng quan trọng, bởi họ là người tham gia trực tiếp vào việc nghiên cứu ban hành các chính sách mới, ra các quyết sách, các quyết định quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh.
Nhà tham mưu giỏi không chỉ là người tài ba, nhìn xa trông rộng mà còn phải có phẩm chất của nhà “phản biện”, chứ không phải mỗi khi lãnh đạo cao nhất đưa ra một ý tưởng là các vị lãnh đạo cấp dưới đón nhận, tung hô, tán tụng, không ai cãi, không ai nói lại, cho dù khá nhiều những ý tưởng mới đó chưa chín, mới lóe lên. “Vua là con trời”, nhưng họ cũng cần có một “nghị gián đại phu” bên cạnh để can gián vua tránh sai lầm đáng tiếc.
Trong xã hội hiện đại, bên cạnh thị trưởng, hội đồng thành phố bao giờ cũng có hội đồng cố vấn đóng vai trò tham mưu. Bên cạnh Tổng thống Mỹ có hàng chục cố vấn danh tiếng là vậy. Nhìn sang Singapore, chúng ta sẽ thấy các đời lãnh đạo đều thu hút những người cực tài từ các quốc gia khác nhau vào bộ máy tham mưu cho chính phủ (60% thành viên trong bộ máy tham mưu của ông Lý Quang Diệu là người nước ngoài); ngoài ra chính phủ khuyến khích các trường đại học các doanh nghiệp, công ty thu hút người tài thông qua các chính sách về thu nhập, đào tạo, nhập cư, sở hữu bất động sản,…
Lịch sử đã cho thấy có không ít chính quyền sụp đổ, có quá nhiều vị lãnh đạo thân bại danh liệt chỉ vì những người tham thì nhiều mà mưu thì ít diễn.
Việc “chiêu hiền, đãi sĩ”, thu hút người tài không chỉ dành cho bộ máy công quyền mà còn cho toàn thể xã hội. Các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cũng cần và trọng dụng người tài. Những doanh nghiệp lớn đều có trong tay vài ba nhà tổ chức giỏi. Họ chính là hạt nhân quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp, do vậy họ luôn là hàng hiếm trên thị trường quốc tế và trở thành mục tiêu của hoạt động “săn đầu người”.
Mới đây Tập đoàn Vingroup thành lập 4 đơn vị nghiên cứu lớn nhằm thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước cho thấy một tín hiệu tốt là các doanh nghiệp tư nhân đã xúc tiến mạnh mẽ để thu hút người tài vào khu vực ngoài nhà nước.
Nguyễn Trãi từng nói rằng: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”; vấn đề là ở chỗ có tìm ra người tài và biết sử dụng người tài hay không thì cần phải có người thực tài và hơn hết là một tấm lòng cầu hiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét