Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

20181023. QUANH VỤ NÉM GIÀY Ở THỦ THIÊM

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUANH VỤ NÉM GIÀY Ở THỦ THIÊM

BEN NGÔ/ BBC 22-10-2018

dương

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương nói rằng bà "ném giày do bức xúc lâu năm"

Người phụ nữ trong vụ ném giày ở Thủ Thiêm nói với BBC rằng bà "làm việc đó do bức xúc lâu năm" và "không có bất kỳ sự đền bù nào có thể bù đắp cho những mất mát của nhân dân".
Trong khi đó, một nhà quan sát nói "lãnh đạo đừng hứa suông nữa mà hãy dũng cảm nhặt chiếc giày lên và trân trọng gửi lại cho người ném giày".
Khi tường thuật về buổi tiếp xúc cử tri quận 2 vào sáng 20/10/2018, các báo ở Việt Nam không hề đề cập đến sự kiện một phụ nữ trong khán phòng đã ném thẳng chiếc giày về bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.Hồ Chí Minh.
Người phụ nữ sau đó ngay lập tức bị đẩy ra khỏi khán phòng.

'Không có quan điểm chính trị'

Hôm 22/10, trả lời BBC, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, tên của người phụ nữ này, nói: "Tôi là một người nội trợ, biết làm bánh. Anh em trai của ông bà cố và bà ngoại của tôi từng nuôi giấu người của cách mạng."
"Nhưng sau chiến tranh biên giới Tây Nam, gia đình tôi bắt đầu không cho con cháu theo nghề công an."
"Về vụ ném giày, tôi làm việc đó do bức xúc lâu năm, nhất là sau bài phát biểu của một cử tri về việc chồng cô ấy treo cổ tự tử."
"Gia đình tôi bị thu hồi đất ruộng đang tranh chấp năm 1990, khi tôi bắt đầu hành trình đi kiện tụng."


dương

"Thoạt đầu, tôi nghĩ chỉ có mỗi gia đình mình bị oan nhưng càng đi sâu thì càng thấy rất nhiều người cùng hoàn cảnh bị thu hồi đất nông nghiệp."
"Người dân ở đây bức xúc vì Ủy ban nhân dân quận 2 mập mờ trong việc đền bù cho người dân trong việc xây trụ sở Ủy ban Nhân dân quận."
"Tôi vốn không có quan điểm chính trị. Chỉ là mình không chấp nhận được việc sai trái."
"Lúc bị đưa ra khỏi hội trường, tôi chỉ thấy mình khác người."
"Họ không giống tôi. Khi tôi phạm lỗi thì xin lỗi, hối lỗi và khắc phục hậu quả của người bị tổn hại."
"Chỉ có một chiếc giày mà tôi được cả chục nhân viên an ninh hộ tống thì họ khác tôi quá."
"Sau vụ này, tôi bị phạt 750.000 đồng về tội "ném vật dụng vào người khác" và đã nộp phạt rồi."


thủ thiêm
Một trong những người dân Thủ Thiêm không nén nổi bức xúc trong buổi tiếp xúc cử tri

Từ góc độ người dân quận 2, bà Thùy Dương bình luận về tin lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh gần đây xin lỗi và cam kết xử lý sai phạm vụ đất đai Thủ Thiêm trong tháng 11/2018:
"Theo tôi, việc xin lỗi không giải quyết được gì. Việc xin lỗi thì ai chẳng làm được."
"Chẳng lẽ cướp ngân hàng xong thì tôi xin lỗi vì lỡ cướp ngân hàng rồi hứa sẽ kiểm điểm?"
"Huống chi đây không phải là ngân hàng, mà là nhân mạng, là hạnh phúc, nỗi đau của nhân dân vô tội."
"Nói thật là không có bất kỳ một sự đền bù nào có thể bù đắp cho những mất mát của nhân dân trong vụ này."
"Trong nhóm nạn nhân vụ Thủ Thiêm, phải đặc biệt lưu ý là trẻ em."

"Các em lớn lên tâm lý và các nhìn nhận cuộc đời sẽ ra sao khi chứng kiến gia đình mình bị cưỡng chế?"
"Còn về việc cam kết sẽ xử lý thì cụ thể là khi nào."
"Chữ "sẽ" nguy hiểm lắm. Tôi nghe ông Nhân từng hứa hạn chót là 15/6/2018."

Cảnh TP HCM
                                              Cảnh TP Hồ Chí Minh

'Lỗi thuộc về người đại biểu của nhân dân?'

Cùng thời điểm, ông Võ Đức Phúc, Phó tổng Thư ký tòa soạn Báo Người Tiêu Dùng, bình luận với BBC: "Vụ người phụ nữ ném chiếc giày vào các đại biểu quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh khi họ đang tiếp xúc cử tri là hành động khó có thể chấp nhận, có biểu hiện vi phạm pháp luật."
"Nhưng dường như hành động đó được cộng đồng mạng hưởng ứng, đồng tình thậm chí là hả hê. Dư luận đồn đoán rằng, chiếc giày đó có lẽ hướng về phía bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhưng không trúng đích."
"Tôi cho rằng, đã là đại biểu Quốc hội và còn là đại biểu Hội đồng Nhân dân mà bị cử tri ném giày thì không còn gì để nói. Người đại biểu của dân phải biết nhìn lại mình."
"Vì sao là đại diện của dân mà lại bị người dân coi như "thế lực thù địch" như vậy? Không ai mang giày đi sỉ nhục một người đại diện cho mình để nói lên tiếng nói có lợi cả. Có lẽ người đại biểu của nhân dân chỉ hứa mà không làm đã khiến họ quá mất niềm tin, đẩy bức xúc của người dân đến tận cùng."
"Tôi cho rằng, để xảy ra trường hợp như vậy, lỗi thuộc về người đại biểu của nhân dân chứ không phải lỗi của dân. Đại biểu của dân nhưng đã một thời gian dài không làm gì để cho người dân hết bức xúc, không làm tròn bổn phận mà người dân gửi gắm niềm tin thì trách nhiệm đó thuộc về người đại biểu của nhân dân."
"Nỗi bức xúc trong lòng người dân đã dồn nén lâu ngày như nước trong một cái ly đã đầy. Nó đã lên tột đỉnh và những gì xảy ra ở Thủ Thiêm như một giọt nhỏ làm tràn ly nước đó. Chiếc giày của người phụ nữ ở Thủ Thiêm dành cho một số đại biểu quốc hội TP.Hồ Chí Minh là một hiện tượng không hay, chưa từng xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đất nghĩa tình Sài Gòn."
"Bởi người miền Nam vốn sống xuề xòa, sởi lởi. Phải căm phẫn lắm họ mới làm như thế. Đặc biệt là người dân ở vùng đất Thủ Thiêm, nơi xảy ra quá nhiều sai phạm của nhiều cá nhân từng là lãnh đạo chính quyền thành phố, để lại quá nhiều oan trái, làm cho người dân Thủ Thiêm mất đất, mất nhà khiến họ phải khóc cạn nước mắt, đẩy nhiều phận người mất đất phải ra đường thì họ bức xúc cũng là lẽ thường tình."
"Thay vì sốt sắng giải quyết cho người dân thì gần đây Hội đồng Nhân dân TP.Hồ Chí Minh lại triệu tập một cuộc họp bất thường để thông qua kế hoạch xây Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch với số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng ngay chính trên mảnh đất mà người dân vừa bị mất, giống như trêu ngươi, hát cười trên nỗi đau của người Thủ Thiêm."
Tôi là một người làm báo ở Việt Nam, tôi không đồng tình và lên án hành động ném giày của người phụ nữ đó về phía đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm."
"Nhưng tôi nghĩ rằng, người đại biểu không chỉ cúi đầu xin lỗi người dân Thủ Thiêm mà cần phải hành động để giải quyết quyền lợi chính đáng cho họ."
"Đừng hứa suông nữa mà hãy dũng cảm nhặt chiếc giày lên và trân trọng gửi lại cho người ném giày. Hãy nói chính xác một cái thời hạn trả đất cho dân, cho dù là đợi chờ 1 năm hay 10 năm đi chăng nữa. Làm được điều đó thì người dân sẽ tin, sẽ không ném giày nữa mà không cần phải nhọc công xin lỗi họ."

thủ thiêm
Người dân Thủ Thiêm bức xúc khi trao đổi với các đại biểu Quốc Hội ngày 9/5

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, bà Thùy Dương cũng bình luận về tin xây nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm: "Đầu tiên hãy xây dựng nhân tính trước khi bàn đến xây dựng văn hóa."
"Nhà hát có thể xây. Nhưng là 20 năm nữa hoặc khi nào giải quyết hết khuất tất cho nhân dân."
"Đồng thời phải xem xét về kinh phí khi xây dựng, cũng như tỷ lệ đội vốn là bao nhiêu."
Trước đó, một luật sư nói với BBC rằng việc HĐND TP.HCM đồng ý xây dựng nhà hát giao hưởng trị giá 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm cho thấy "không phải mọi nghị quyết của HĐND đều thể hiện đúng ý chí của người dân" trong lúc một nhà quan sát nói đây là "quyết định bất thường ở kỳ họp bất thường".
TIN BÀI LIÊN QUAN:

NGƯỜI PHỤ NỮ NÉM GIÀY TẠI BUỔI TIẾP XÚC CỬ TRI BỊ PHẠT 750.000 ĐỒNG

HƯNG NGUYÊN/NLĐ 22-10-2018

(NLĐO) - Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính với số tiền trên đối với người phụ nữ, do hành vi ném giày tại buổi tiếp xúc với cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM vào ngày 20-10

Ngày 22-10, Công an quận 2, TP HCM cho biết đại diện Công an phường Bình Trưng Tây, quận 2 đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Thị Thùy Dương với số tiền 750.000 đồng về hành vi ném vật lạ vào người khác.

Người phụ nữ ném giày tại buổi tiếp xúc cử tri bị phạt 750.000 đồng - Ảnh 1.
Đoàn ĐBQH TP HCM trong buổi tiếp xúc cử tri ở quận 2

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, bà Dương đã có hành vi ném giày lên hội trường nhưng không trúng ai.
Tham dự buổi tiếp xúc này có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM.
Theo bà Dương, nhà bà nằm trong diện bị giải tỏa ở phường Cát Lái. Một số người khác cũng gửi hồ sơ nhờ bà phản ánh giùm trong buổi lãnh đạo TP HCM tiếp xúc cử tri ở quận 2. Vì quá bức xúc, bà không kiềm chế được nên mới ném giày lên hội trường.
Bà Dương cho rằng từng phản ánh về việc trụ sở UBND quận 2 được xây dựng trên diện tích đất chưa được đền bù, có dấu hiệu gian dối, làm giả giấy tờ nhưng TP không giải quyết.
Hưng Nguyên
KHI LÃNH ĐẠO ĐƯỢC NGƯỜI DÂN NÉM GIÀY
TẠ DUY ANH/FB Lao Ta/ BVN 23-10-2018
Cách đây ít năm, tôi từng muốn đề xuất một sáng kiến: Tại thành phố HCM và thủ đô Hà Nội nên xây dựng mỗi thành phố một căn nhà, tạm gọi là Nhà xả hận. Trong mỗi ngôi nhà ấy nên treo một loạt mặt các loại quan chức của ta, cả đượng chức lẫn đã nghỉ, bằng đất nung (số lượng mặt của mỗi quan chức không hạn chế), để thỉnh thoảng người dân tột cùng oan ức nào đó (phải thông qua chọn lựa) được dịp xả hận bằng cách vào trong phòng đó và thỏa sức dùng gậy phang thẳng vào mặt các quan chức, cho nó vỡ tan vỡ nát ra (Phòng xả hận cần được thiết kế sao cho thật an toàn cho người xả hận). Sau đó cứ cộng số mặt quan chức bị đập vỡ lại mà tính tiền theo giá thị trường, có cộng thêm phí dịch vụ. Người xả hận phải chi trả một phần số tiền đó (coi như vé mua trò chơi). Số còn lại lấy từ tiền ngân sách chi cho việc giải quyết khiếu kiện. Gộp tất cả hai khoản lại rồi nộp vào quỹ hỗ trợ người nghèo. Tôi tin rằng việc đó có mấy cái lợi: Thứ nhất, người dân, sau khi xả hận vào mặt giả của các quan, họ sẽ nguôi ngoai nỗi bức xúc, để không manh động chọn các hình thức khác bạo lực hơn. Cái lợi thứ hai là tạo công ăn việc làm cho các lò gốm thất nghiệp (mặt quan chức là sản phẩm dễ làm và không kén chất liệu, có thể làm hàng loạt); cái lợi lớn nhất là nhắc nhở đám quan “phụ mẫu” phải liệu bề mà tu tỉnh, phục vụ dân, chứ nếu chỉ biết vơ vét và nói dối thì thể nào cũng có ngày dân họ đập vỡ mặt thật. Và thứ tư, tại sao không coi đó là cách kiểm tra uy tín của lãnh đạo (Sau vài tháng, thống kê số mặt ông quan nào bị đập nhiều, tức ông quan đó bị dân ghét, một kiểu lấy phiếu tín nhiệm cũng hay đấy chứ, mà lại vui?).
Tất nhiên đề xuất của tôi vẫn nằm trong đầu. Tôi đã định quên đi, thì lại phải nhớ nhân vụ chị Nguyễn Thị Quyết Tâm, bị một phụ nữ trẻ oan ức ném giầy vào mặt (việc trúng hay chưa không còn quan trọng nữa). Giá sáng kiến của tôi được đề xuất công khai và thành hiện thực, thì sẽ có vài vạn cái mặt chị Tâm làm bằng đất nung bị đập (còn với anh Hải, anh Đua, anh Cang… và một số anh khác, thì mảnh vỡ từ mặt các anh vun lại chắc chắn to bằng dăm bảy cái gò Đống Đa là cái chắc), nhưng chị Tâm (và các anh) sẽ không bị ăn một cái giầy vào mặt thật và các “thế lực thù địch” không có cớ bảo đấy là cái giầy ném thẳng vào mặt chế độ!
Nhưng thôi, những gì tôi vừa nói chỉ là đùa các vị một chút. Giờ tôi nói thật: Chị Quyết Tâm và lãnh đạo thành phố HCM đừng sụt sịt mách Trung ương là dân họ ném oan giầy vào mặt chúng tôi, trong khi kẻ đáng bị ném thì đã “biệt thự YÊN lâu đài ĐẸP”. Các vị nên coi đó là phần thưởng của dân, là “được” chứ không phải “bị”. Cổ nhân có câu: “Yêu cho roi cho vọt”. Các vị tự nhận là đầy tớ của dân, là con em nhân dân, là những con ở của dân… thì việc dân cáu tiết lên cho ăn đòn, tức là họ vẫn còn chưa muốn các vị thành kẻ thù. Là kẻ thù thì họ cho các vị ăn thứ khác lâu rồi.
Cho nên, tôi khuyên các vị, thay vì thù hận cô gái ném giầy rồi lập mưu trả thù, lãnh đạo thành phố HCM nên nài nỉ mời cô ấy nắm một chức vụ gì đó, chẳng hạn tham gia giải quyết oan ức mất đất của người dân Thủ Thiêm, thậm chí có thể thay ngay vào vị trí của bà Quyết Tâm. Cứ mạnh dạn thử xem (Thủ tướng Áo cũng chỉ hơn cô ấy chưa đầy hai tuổi chứ mấy). Cô ta có thể còn non nớt, nhưng sẽ hết lòng vì dân và không dối trá.

https://scontent.fbed1-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/44643462_2198651387049674_4157532233768370176_n.jpg?_nc_cat=103&_nc_ht=scontent.fbed1-1.fna&oh=b56d17cd48439de159d9788108c80f6f&oe=5C82B0D8
Ảnh: sưu tầm trên mạng - BVN
Còn cái giầy, để tôi nghĩ xem. À, nó xứng đáng là một hiện vật đặt tại một vị trí trang trọng trong bảo tàng, để ghi nhớ một thời tàn mạt về đạo đức của quan chức. Cũng là một cách giáo dục chứ sao.
T.D.A.
Nguồn: FB Lao Ta

CHIẾC GIÀY CỦA CHỊ DƯƠNG

MẶC LÂM/ VOA/ BVN 23-10-2018

Chân dung chị Thuỳ Dương tại một buổi tiếp xúc cử tri tháng 6/2018, người được cho là đã ném giày vào bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trong buổi tiếp xúc cử tri vào sáng ngày 20/10. (Ảnh chụp màn hình trên kênh Youtube Dân Oan Việt Nam)
Chân dung chị Thuỳ Dương tại một buổi tiếp xúc cử tri tháng 6/2018, người được cho là đã ném giày vào bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trong buổi tiếp xúc cử tri vào sáng ngày 20/10. (Ảnh chụp màn hình trên kênh YouTube Dân Oan Việt Nam)
clip_image002
Ảnh: sưu tầm trên mạng
Chị Nguyễn Thùy Dương 28 tuổi, ngụ tại Q.2 vừa có một hành động vượt qua mọi suy nghĩ của người dân cả nước. Chị ném chiếc giày của mình đang mang vào bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vào sáng ngày 20 tháng 10 trong một cuộc họp của thành phố với người dân oan Thủ Thiêm, khi bà Tâm trên bục giảng thuyết, cố gắng xoa dịu người dân oan trong giải pháp đền bù cho họ bằng việc tiếp tục hứa hẹn những điều mà họ đã nghe không biết bao nhiêu lần từ hơn hai mươi năm qua.

clip_image004
Ảnh: sưu tầm trên mạng
Chiếc giày của chị Dương không trúng bà Tâm nhưng lại trúng vào tâm điểm của cả guồng máy chính trị mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên người dân ném giày dép vào lãnh đạo, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chiếc giày của chị Dương được chú ý nhiều đến thế. Chiếc giày như một thứ vũ khí của người dân đen, nó đơn sơ như thời kỳ Đảng Cộng sản vận động người dân dùng tầm vông vạt nhọn để chiến thắng quân thù. Chiếc giày tuy không nhọn và làm nguy hiểm tính mạng như tầm vông nhưng nó lại mang hình ảnh của những gì tệ hại nhất, mọi thứ nhơ bẩn đều nằm dưới gót của nó, vì vậy, nó mặc nhiên được xem là thứ vũ khí cần thiết khi người ta muốn hạ bệ một hình tượng, một chủ thuyết hay ngay cả một chế độ. Chiếc giày là hình ảnh gây ấn tượng khi nó được ném vào ai đó. Ở đây chị Thùy Dương ném vào bà Quyết Tâm, người phụ nữ quyền lực nhất thành phố. Bà Tâm được người dân xác định là không thuộc phe nước mắt bởi bà không biết khóc, vụ Nhà hát Giao hưởng là ví dụ mới nhất sau một loạt tuyên bố đầy tai tiếng của bà.
Nhưng chiếc giày của chị Dương không chỉ nhắm vào bà Quyết Tâm. Nó nhắm vào cả hệ thống quyền lực của Việt Nam. Thông điệp của nó là bọn dân cùng khổ của chúng tôi không còn sợ hãi guồng máy này nữa. Chiếc giày là tiếng nói chính thức không những của dân oan Thủ Thiêm mà là dân oan khắp nước. Những người sống không ra sống, chết không ra chết, đang vật vã trong những công viên, khu phố ngập ngụa sình lầy, dưới gầm cầu, trong nhà lồng chợ… những con người ấy đã và đang kêu gào khản cổ nhưng không một ai trong guồng máy trả lời cho họ. Thủ Thiêm hai mươi năm. Đồng Nai hai mươi sáu năm, Long An, Bà Rịa, Văn Giang, Dương Nội, Nam Định… không biết bao nhiêu năm nữa. Chất chứa lâu và dày như thế liệu một chiếc giày có làm cho hệ thống này tỉnh giấc hay không?
Nếu chính quyền không tỉnh thì người dân sẽ tỉnh.
Bởi họ sống quá lâu trong sợ hãi. Người dân không thể tưởng tượng ra được vào một ngày nào đó trong một buổi họp quan trọng, trong một công sở nguy nga lại có một phụ nữ 28 tuổi cũng cùng khổ như mình dám ném chiếc giày vào lãnh đạo thành phố. Người phụ nữ ấy là ai mà bạo gan như thế? Đơn giản lắm, cô chẳng phải là anh thư nữ kiệt gì, cô chỉ là một người dân oan Thủ Thiêm mất đất, bị chính quyền lừa lọc quá lâu, quá nhiều lần. Sự nóng giận nhiều ngày đã biến thành phẫn nộ và từ đó chiếc giày được phóng ra bằng sức mạnh của sự oan ức, lầm than trong bao nhiêu năm tích tụ.
Chính quyền thành phố lần này tỏ ra khôn ngoan hơn khi không bắt giam chị như những lần khác, bởi họ biết bắt người dân oan Thủ Thiêm lúc này sẽ không khác nào đẩy sự cuồng nộ trở thành bão tố.
Chiếc giày của chị Dương làm người dân bình thường chợt tỉnh sau hơn bốn mươi năm sợ hãi chỉ biết cặm cụi mưu sinh và âm thầm tuân theo quy luật do người Cộng sản đưa ra, bất kể quy luật ấy bất công đến thế nào chăng nữa.
Nhiều năm qua, người dân đã biết chống lại công an giao thông khi bị bắt xe xử phạt những lỗi mà họ không vi phạm. Người dân đã biết bất tuân dân sự khi những BOT được dựng lên cốt để thu tiền một cách bất công nhưng ra vẻ hợp pháp. Người dân đã biết biểu tình chống ô nhiễm môi trường bất kể những hậu quả tàn độc mà họ phải nhận. Người dân cũng đã biết họ có quyền từ chối một tờ giấy triệu tập bất hợp pháp của công an cũng như không chấp nhận mở cửa cho an ninh khám nhà khi không có trát tòa. Họ đã biết dạy dỗ công an khi bị canh giữ tại nhà cũng như tố cáo hành vi bất hợp pháp của lực lượng an ninh bằng cách livestream công khai trên mạng xã hội.

clip_image006
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (áo vàng) tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chuyến thăm của ông tới Việt Nam vào tháng 5/2016. Ảnh: AP Photo/Carolyn Kaster
Những cái biết ấy tuần tự xảy ra, nay họ biết thêm một điều nữa: người dân có thể ném giày dép vào lãnh đạo, giữa đám đông và giữa ban ngày.
Chiếc giày của chị Dương được ném đi bằng sức đẩy của bất công và bạo lực từ chính quyền thành phố. Bất công khi lấy đất của dân mà tiền bồi thường như của bố thí. Bạo lực khi cưỡng chiếm hàng ngàn căn nhà và đẩy người dân vào đường cùng của đêm tối. Chiếc giày của chị Dương không làm ai bị thương dù có bị ném trúng, nhưng chiếc giày có khả năng sát thương cả một chế độ khi chế độ ấy tiếp tục con đường bắt người dân hy sinh cho đảng trường tồn.
Chiếc giày của chị Dương rồi đây sẽ được người dân nhớ tới trong các cuộc trà dư tửu hậu. Bên gánh hàng rong, trong những quán cà phê chật chội cáu bẩn, hay trên những bàn nhậu vỉa hè. Người dân thấp cổ bé miệng tự dưng cảm thấy lớn lên bởi họ phát hiện rằng những người Cộng sản cũng là con người như họ, cũng biết sợ hãi và đầy dẫy hèn mọn, nhất là khi bị dân chúng nổi lên chống lại.
Đối với người trí thức, chiếc giày của chị Dương làm họ bứt rứt, bất an. Mặc cảm trước một người đàn bà 28 tuổi làm cho họ nhỏ bé và tổn thương. Nhỏ bé vì bất lực, tổn thương vì tự ái. Và biết đâu chiếc giày của chị Dương sẽ khiến họ bừng tỉnh và bước ra khỏi căn chòi “cầu an” mà họ tự nhốt mình bao năm nay một cách tự giác và đầy những bao biện.
M.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét