Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

20181001. BÀN LUẬN VỀ NHẤT THỂ HÓA

ĐIỂM BÁO MẠNG
HỢP NHẤT HAI CHỨC DANH VÀ CÔNG THỨC 'THẦN THÁNH'

VÕ THỊ HẢO/BBC/ BVN 30-9-2018

clip_image002
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ ba từ trái sang) trong một chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: GETTY IMAGES -
Truyền thống tính toán khác thường của thể chế toàn trị được cho là thường không thích chân lý hiển nhiên.
Chẳng hạn, họ có thể thích công thức 2+2 = 5 chứ không phải 2+2 = 4, vì 2+2 cộng một phần không phải sự thật thì sẽ bằng 5.
Cái này là theo phát hiện của một ngòi bút thiên tài, George Orwell trong tiểu thuyết vĩ đại mang tên '1984', khi ông mô tả về một xã hội giả tưởng nhưng được vô số nhà phê bình và người đọc trên thế giới nhận xét rằng nó 'rất tương hợp với mô hình' của chế độ lãnh đạo tại nước Đức hồi Thế chiến II và chủ nghĩa xã hội ngày nay.
'Đó là chốn mà các công dân của đất nước Oceania buộc phải sống trong cảnh thống khổ, sợ hãi, và tràn ngập lòng căm ghét hận thù', với sự cai trị của một 'anh Cả muôn năm', anh Cả nhòm vào tất cả mọi hang lỗ từ vi mô tới vĩ mô...", nhà văn viết.
"Trong đó, nếu nhà lãnh đạo nói về sự kiện nào đó rằng 'nó chưa hề xảy ra' – thì vâng, nó chưa hề xảy ra. Nếu ông ta nói rằng hai cộng hai là năm – thì vâng, hai cộng hai bằng năm. Viễn cảnh này làm tôi thấy kinh sợ hơn cả bom đạn".
Nói gần nói xa, chẳng qua cũng là nói tới chuyện Việt Nam hiện nay.
Với cái chết đột ngột của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, việc nhất thể hóa chức Tổng Bí thư với Chủ tịch nước, như nhiều người quan tâm, cũng có thể có khả năng nào đó biến thành sự thật, dù Văn phòng Trung ương Đảng đưa ra tín hiệu cuối tuần này rằng Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN chưa cứu xét ngay phương án bổ sung ủy viên Bộ Chính trị vào cơ cấu đầy quyền lực này, cũng như sẽ cần chuẩn bị hết sức 'chu đáo, cẩn trọng' để Quốc hội bầu người thay thế chính thức Chủ tịch Quang.
Hiển nhiên có lợi?
Và tôi xin đặt ra câu hỏi đây có phải việc hiển nhiên, có lợi cho dân nước không?
Sau khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình của Trung Quốc sửa Hiến pháp, sửa điều lệ Đảng để lên 'ngôi Hoàng đế đỏ' suốt đời nhằm không bị hạn chế bởi nhiệm kỳ, ông ta từ chỗ chỉ là đảng trưởng của Đảng Cộng sản, chỉ đại diện cho một phần nhỏ công dân – gần 90 triệu đảng viên – nghiễm nhiên nhảy lên làm 'Hoàng đế đỏ' quyền lực vô hạn, được đóng dấu hợp thức đại diện cho toàn quốc gia Trung Quốc với trên 1,4 tỉ dân. Thế phải chăng là 'một cộng một bằng ba và hơn thế nữa'?
Thể chế cộng sản đã gần như hợp nhất với sự chuyên quyền của chế độ phong kiến mà họ đã đánh đổ gần một thế kỷ nay. Kết hợp chyên chính vô sản với chế độ phong kiến, mang màu sắc chiếm hữu nô lệ, với những đầu lĩnh như Kim Nhật Thành đến Kim Jong Un, Fidel Castro ở Cuba và vừa rồi là Tập Cận Bình ở Trung Quốc, những 'mảng tường vỡ' còn sót lại của Chủ nghĩa Xã hội trên thế giới mà vừa rồi đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công trực diện, không thương tiếc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, dường như đã không thèm giấu giếm tham vọng vô biên của họ, rất mạnh bạo trong việc kéo lùi lịch sử lại vài thế kỷ!
Thế còn công thức 1+1 bằng Một thì sao?
Chức Tổng bí thư – chỉ là của một đảng – Đảng Cộng sản ở Việt Nam – chỉ đại diện cho khoảng 4,6 triệu đảng viên – rất ít so với gần 97 triệu người Việt Nam hiện nay.
Hiến pháp 2013 vẫn quy định đảng không nằm trong hệ thống Nhà nước, chỉ có Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch nước. Chủ tịch nước là chức vị do Quốc hội bầu, về nguyên tắc không phải do đảng.
Thực vậy, Điều 86 Hiến pháp năm 2013 quy định: Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chỉ có Chủ tịch nước mới là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng..., có thể tuyên bố tình trạng chiến tranh...
Vậy, nếu được thực hiện nghiêm chỉnh, tử tế, không phải là hình thức và 'phù phép', sẽ là hợp lý, tránh sự chuyên quyền độc đoán quá mức của đảng. Hợp nhất chức Chủ tịch nước vào Tổng bí thư khi đó sẽ là một việc làm gây nhiều nguy cơ.
Tổng Bí thư là một chức vụ không chính danh về phương diện hệ thống Nhà nước – như các Bàn tròn của BBC Tiếng Việt trong dịp Chủ tịch Quang qua đời cũng ít nhiều đề cập, vì Nhà nước và quốc gia với đảng không và chưa bao giờ là một. Không tin hãy thử mở trưng cầu dân ý và hỏi người dân Việt Nam một cách đàng hoàng, 'không khuất tất', 'quyền biến' mà xem.
Khi cho Tổng Bí thư kiêm luôn Chủ tịch nước, theo một số ý kiến phản biện có góc nhìn khác, là đã vi phạm Hiến pháp. Việc này sẽ là 'đánh cắp' quyền được có đại diện của gần 93 triệu công dân ngoài đảng về phương diện quốc gia.
Khi không có đảng đối lập, các đảng khác cùng cạnh tranh, nhân quyền và tự do ngôn luận 'bị bóp nghẹt', không thể minh bạch hóa thông tin để các lực lượng khác cùng giám sát, 'sự lộng quyền' này đương nhiên là không giới hạn.
Vậy là theo phương thức 1+1=1, theo góc nhìn này, thì quyết không thể bằng 2. Và những quý vị đang suy nghĩ về cái lợi 'kinh tế, tài chính, thủ tục' khi hợp hai trong một, xin hãy vui lòng nhìn xa hơn và tôi xin đa tạ.
Phương án 'Hoàng đế Đỏ'?
Trước hết, chữ 'Hoàng đế Đỏ' xuất hiện trên truyền thông quốc tế và ngay cả các nhà bình luận quốc tế của phương Tây trên nhiều tờ báo lớn sử dụng, kể cả ở châu Á, ở đây nó được dùng lại để gọi tên một mô hình quyền lực có tính tham khảo.
Theo người viết bài này, nguy cơ là sau khi hợp nhất hai chức vụ lãnh đạo cao cấp nói trên, điều gì sẽ xảy ra nếu Quốc hội Việt Nam sẽ sửa Hiến pháp để không giới hạn số nhiệm kỳ của Chủ tịch nước – nghĩa là cũng không giới hạn số nhiệm kỳ của Tổng Bí thư, như tiền lệ bên Trung Quốc. Nếu như vậy, liệu là 'Hoàng đế đỏ Việt Nam' lên ngai vàng và không chỉ một vị này mà mở đường cho cả các vị sau?
Một lần nữa, tôi lại kêu gọi các quí vị muốn tiết kiệm tiền bạc, tài chính, thủ tục hãy suy nghĩ cho thật xa, và tôi nghĩ không phải là kết hợp hay không kết hợp mà trả lại dân chủ và quyền tự quyết lập nhà nước và chính quyền cho nhân dân mới là cứu cánh, tức là mục đích cuối cùng và cao nhất, và phải được cân nhắc để làm ngay mà không trì hoãn.
Thực vậy, một Tổng bí thư đảng mà 'độc quyền', mà đang không mang tính chính danh của một nguyên thủ, bỗng qua cái chết bất ngờ của Chủ tịch nước đương nhiệm, lại được 'đóng dấu hợp thức' kiêm thêm Chủ tịch nước, dẫn đến người chỉ đại diện cho một nhóm quyền lực trong đảng trở thành một nguyên thủ đại diện cho cả quốc gia!
Kể từ 2013, khi Quốc hội Việt Nam thông qua điều 4 trong Hiến pháp sửa đổi, quy định Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đến nay e rằng có quá nhiều dẫn chứng có thể chứng minh sự tai hại của việc lạm quyền này.
Đảng đã làm thêm một việc mà theo nhiều người là trái Hiến pháp và gây tranh cãi. Đó là yêu cầu Quốc hội khóa 13 bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc và Thủ tướng của nhiệm kỳ khóa 14 – khi Quốc hội khóa 14 còn chưa có.
Đây được cho là đã trở thành 'bàn đạp hữu hiệu' cho việc ông Nguyễn Phú Trọng 'lên ngôi' bất thường tại Đại hội đảng lần thứ 12.
Chính vì sự 'liên tục vi phạm' những nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp mà tại nhiệm kỳ này, mà người ta có thể 'làm liều' nhiều việc nữa mà chẳng e sợ gì. Chẳng hạn như là chưa bao giờ số người bị bức cung, nhục hình, tra tấn đến chết trong đồn công an lại tăng nhanh đến như vậy. Như một dấu ngoặc minh họa ở đây được mở ra, năm 2017, 2018 là năm có nhiều người bất đồng chính kiến bị khủng bố, bắt giam với những bán án tù nặng chưa từng có mặc dù theo Hiến pháp và luật là họ hoàn toàn vô tội.
Và cũng từ khi sửa Hiến pháp, trong nhiệm kỳ cầm quyền sau Đại hội đảng 12 đến nay, với lãnh địa gần như tuyệt đối của phe đảng, đất nước Việt Nam đứng trước quan ngại của nhân dân và nhiều giới là 'tăng sự lệ thuộc chưa từng thấy' vàoTrung Quốc với vô số văn bản ký kết được giới quan sát coi là 'gấp gáp' khó hiểu.
Phải chăng công thức 1+1= 1, hoặc bằng 3, cũng như '2+2=5, là cái xã hội khiến nhân loại 'rùng mình ghê sợ' lại sẽ là cái mà nhà cầm quyền ở Việt Nam đang dẫn gần 100 triệu dân đi tới? - Nhà văn Võ Thị Hảo
Động thái gây chấn động gần đây, sau vụ dự luật về ba đặc khu kinh tế, hành chính là việc được cho là sự 'tháo khoán' cho đồng nhân dân tệ lưu hành song song với VN đồng tại biên giới phía Bắc, với vô số cửa khẩu, bên cạnh đó, có thể mở toang 'rước' cả triệu người Trung Quốc vào một lúc nếu muốn (thông quan, thông thủ tục nhập dư, di trú, lao động, thông tiền tệ và cả thông xe nữa).
Và người ta còn sợ là tình hình này Việt Nam sẽ cho nước láng giềng Trung Quốc sự thoải mái to lớn vào khống chế an ninh và khai thác biển Đông – mà thực sự là họ đang dọa nạt và cả xâm chiếm lâu nay, mặc cho nhân dân hết sức phẫn nộ.
Việt Nam có thể sẽ là Cuba, là Bắc Triều Tiên, cộng một phần xấu của Trung Quốc ở phần lạc hậu, nghèo đói, chậm hàng thế kỷ so với thế giới, theo tôi, nếu và khi 'Hoàng đế đỏ' lên ngôi và luật An ninh mạng, từng được Chủ tịch Trần Đại Quang chỉ vài tháng trước ký ban hành, 'bịt miệng' tất cả?

clip_image004
 Đang có các thảo luận về phương án hợp nhất hai chức vụ lãnh đạo trong 'tứ trụ lãnh đạo' ở Việt Nam, trong đó có ý kiến cho rằng đương kim Tổng bí thư nên kết hợp chức Chủ tịch nước . Ảnh: GETTY IMAGES -
Khi ấy, sẽ ra sao nếu 'Hoàng đế đỏ' ở xứ to lớn hơn đi tiếp nước cờ, không chế và nắm chặt 'yết hầu' Việt Nam, từ kinh tế, tới an ninh và chính trị?
Trước mắt, tôi nghĩ hãy canh chừng Quốc hội bằng giám sát và phản biện và nhiều công cụ khác.
Trong đó, nếu công dân không lên tiếng đủ mạnh để bảo vệ quyền chính đáng của mình và Hiến pháp, thì e rằng không có gì bảo đảm là Quốc hội sẽ không hợp nhất hóa ngay sắp tới cho hai chức nói trên, sau khi họ có thể trì hoãn trước, trong hay là sau Đại hội đảng 13 một chút.
Và công thức sẽ là 1+1=1 hoặc bằng 3. Không có chân lý, vì đảng bảo thế, để rồi bước tiếp theo, rất nhanh thôi, biết đâu Quốc hội với đa số những người vừa 'ngủ gật vừa nhấn nút' ấy sẽ có thể khai tử Hiến pháp thêm lần thứ 'n', nhằm đặt lên đầu dân tộc Việt Nam một 'Hoàng đế đỏ' cai trị vô thời hạn thì sao?
V.T.H.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nhà bất đồng chính kiến hiện sống tại Berlin, không phải của BBC.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45682402

NHÂN SỰ NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐÃ ĐƯỢC CHỐT 'CHỦ TỊCH NƯỚC KIÊM TỔNG BÍ THƯ' ?

THƯỜNG SƠN/ BVN 1-10-2018

clip_image002
Nguyễn Phú Trọng có lặp lại 'Tôi bất ngờ!' như khi tái đắc cử tổng bí thư tại đại hội 12?
Buổi sáng 28/9, trong một cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo Trung ương để thông tin về ‘Hội nghị Trung ương 8, khoá XII diễn ra vào tuần tới’, cái cách thông báo của quan chức Lê Quang Vĩnh - Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng - về “Với sự phân công này, các quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước được thực hiện bình thường, đầy đủ” (phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là quyền Chủ tịch nước) chắc chắn là ẩn số đáng mổ xẻ nhất trong phương trình mang tên ‘Ai sẽ làm Chủ tịch nước’.
Bởi cùng với phát ngôn trên là “Việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước là việc hết sức hệ trọng của Đảng và Nhà nước nên cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng theo đúng quy định. Chắc chắn Trung ương sẽ xem xét nhưng ở kỳ họp nào, có ở kỳ họp sắp tới hay không, thì chúng tôi sẽ thông báo cụ thể sau” - quan chức Lê Quang Vĩnh.
Hai phát ngôn trên đã cấu thành một mạch logic: do Đặng Thị Ngọc Thịnh đã thực hiện bình thường, đầy đủ các quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước, nên cơ chế bố trí nhân sự thay thế cho quan chức Trần Đại Quang vừa thêm từ ‘cố’ là không có gì phải cập rập. Và cơ chế này còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan – như một cách giải thích của Lê Quang Vĩnh.
Mặc dù chỉ là Ủy viên Trung ương mà không phải là Ủy viên Bộ chính trị để chắc suất Chủ tịch nước theo nguyên tắc của đảng cầm quyền, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh vẫn có thể ‘tạm quyền’ một thời gian cho đến khi tổ chức ‘cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến pháp’ tìm ra được một Ủy viên Bộ chính trị để thay thế bà Thịnh.
Nhưng câu chuyện trên sẽ mang tính quy trình đến mức nhàm chán, nếu không xuất hiện một luồng dư luận vận động khá nhiệt tình cho đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay trước khi Hội nghị trung ương 8 diễn ra:
- "Hiện giờ cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam là cuộc đấu tranh một mất một còn, chứ không phải là cuộc đấu tranh đơn giản. Nếu mà như thế nào đó, các thế lực nhóm lợi ích mà cấu kết lại thì nó trở thành cái vấn đề rất phức tạp.
"Phải chăng đã đến lúc hợp nhất hai chức danh: Tổng bí thư và Chủ tịch nước? Vừa qua tôi đã nhìn thấy ông Tổng Bí thư này [ông Nguyễn Phú Trọng], ông đã làm vai trò của Chủ tịch nước rất đầy đủ. Nào là đi thăm Pháp, thăm Nhật rồi thăm Mỹ...
"Làm cái vị trí nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch nước thì rõ ràng là ông Nguyễn Phú Trọng đã làm rồi và bây giờ đã đến lúc nên hợp thức hóa hai cái chức này."   LS Trần Quốc Thuận.
- "Việt Nam đã nhận thấy từ lâu sự cần thiết không nên để tách rời hai chức danh Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước trong cấu trúc lãnh đạo chính trị. Từ thời ông Lê Khả Phiêu đã muốn như vậy. Nhưng bởi nhiều lý do những chức danh này vẫn chưa được kết hợp làm một".
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng bày tỏ e ngại sự kết hợp có thể dẫn đến độc tài. Tôi không cho là như vậy. Độc tài hay không trước hết là tư tưởng. Trong các nước XHCN chỉ còn Việt Nam vẫn tách biệt hai chức danh này. Sự ra đi của ông Trần Đại Quang là điều kiện chín muồi. Không nên hoặc không thể chậm trễ hơn nữa. Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng là thích hợp cho cương vị Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước."  – Vũ Cao Phan, cựu Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt – Trung.
- "Thực ra, có rất nhiều việc có thể làm rồi mới cần sửa Hiến pháp, kể cả việc hợp nhất này, bởi vì, khi cần sáp nhập, mà không làm ngay, thì có thể có thay đổi, mà chờ sửa Hiến pháp thì cũng có thể phải mất 6 tháng, còn nếu hợp nhất thì chức Tổng bí thư sẽ nhập vào chức Chủ tịch nước như mô hình chính trị tại Trung Quốc" – chuyên gia Hà Hoàng Hợp.
Luồng dư luận trên hiện ra trong bối cảnh đang tồn tại hai kịch bản ‘chỉ định một Ủy viên Bộ chính trị không phải Tổng bí thư làm Chủ tịch nước’ và ‘hợp nhất Chủ tịch nước và Tổng bí thư’.
Mặc dù kịch bản thứ nhất đã khá xáo động trong những ngày qua với những cái tên được xướng lên như Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch…, nhưng lại có thông tin cho biết đến giờ phút này Bộ chính trị đảng vẫn chưa có cuộc họp chính thức nào về tìm nhân sự để trám vào ghế Chủ tịch nước.
Trong khi đó, lại có thông tin cho biết kịch bản ‘hợp nhất Chủ tịch nước và Tổng bí thư’ đang chiếm ưu thế đến 70%. Thậm chí thông tin này còn dự đoán chính ông Nguyễn Phú Trọng, chứ chẳng phải ai khác, sẽ ngồi vào ghế Chủ tịch nước.
Ngay trước mắt sẽ là phép thử tại Hội nghị trung ương 8. Tại hội nghị này, nếu bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được ‘Bộ Chính trị tiếp tục phân công giữ chức quyền chủ tịch nước’, cùng lúc hoặc chẳng bao lâu sau đó xuất hiện hiện tượng một số cựu thần, quan chức và ‘quần chúng nhân dân’ đồng loạt xướng lên quan điểm cần ‘nhất thể hóa’ hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư với lý do chủ yếu ‘có lợi cho dân tộc và nhân dân’, có thể cho rằng Quyền chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ là phương án ‘nghi binh’ trong một kịch bản kéo dài thời gian để tổ chức một chiến dịch PR cho ông Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành bản sao của Tập Cận Bình – nhân vật Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Còn ngồi chính thức vào lúc nào thì chỉ là vấn đề thời gian.
T.S.
Tác giả gửi BVN
NHẤT THỂ HÓA

HUY ĐỨC/FB Truong Huy San/ BVN 1-10-2018

Tôi không bình luận nhân sự cụ thể. Nhưng nếu quyết định để Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước lần này trở thành tiền lệ thì cũng rất có ý nghĩa. Ít nhất "biên chế" sẽ chỉ còn là Bộ Tam thay vì Bộ Tứ.
Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ “cấu thành hình thức” này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, VN sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hoà bán tổng thống.
Chủ tịch – nên là chức danh duy nhất được coi là nguyên thủ – thống lĩnh lực lượng vũ trang và đại diện Nhà nước trong các hoạt động đối ngoại. Đây là cái ghế mà chỉ ai thực sự là một chính trị gia hàng đầu mới nên ngồi vào.
Trong khi đó, Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị. Vai trò của Thủ tướng là thiết lập được một nền hành chính công chuyên nghiệp và đưa ra được các công cụ hành pháp kịp thời để phát triển kinh tế - xã hội. Không nên làm Thủ tướng mất thời gian vào các cuộc họp bàn chuyện bắt bớ hay các buổi tiếp tân hình thức.
Tuy nhiên, nếu các chính sách của ông và nội các kinh tế có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích nhóm thì ông và các thành viên mà ông chọn có thể phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ. Vì, cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với “nội các".
Tháng 9-1997, khi chuẩn bị rời nhiệm sở, ông Võ Văn Kiệt nói về người kế nhiệm, “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Trong khi ông Phan Văn Khải thừa nhận, “Về bản lĩnh chính trị tôi không thể nào so sách với đồng chí Võ Văn Kiệt”.
Cho dù bị trì hãm trong cái kiềng “Tam Nhân”, ông Kiệt đã hành động như một nguyên thủ và ông Khải thực sự là người đứng đầu “nội các kinh tế”. Ông Khải là một nhà kỹ trị. Chính phủ của ông rất khác với Chính phủ Võ Văn Kiệt và càng rất khác với Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Và, cho dù dưới thời một Tổng bí thư như Tướng Lê Khả Phiêu hay như Nông Đức Mạnh, ông Khải vẫn điều hành “nội các kinh tế” (phần mà ông có thực quyền) một cách mực thước và để lại các di sản rất là quan trọng.
Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ. Nước cũng chỉ nên có một “vua”. Ai cũng muốn đứng đầu. Ai cũng làm chính trị mà thiếu một người kỹ trị thì chính trường rất dễ thành đất “quần ngư tranh thực”; thị trường chỉ là chợ đen; hành chính rối ren và xã hội không thể nào ổn định.
Con đường để một quốc gia đi đến thịnh vượng còn rất dài. Nhưng với những gì vừa diễn ra chiều nay, nếu không phải để tập trung quyền lực mà nhằm mở ra một hướng đi thì thời gian không lúc nào là quá trễ để bàn một lộ trình đáng hy vọng hơn cho đất nước.
H.Đ.

CÁC Ý KIẾN THAM KHẢO
BVN 1-10-2018
Nhiều người muốn hợp nhất để ông Trọng chiếm luôn ghế CTN. Họ bảo như thế sẽ "tiết kiệm" được một ít chi phí.
KHÔNG, KHÔNG! Nếu để tập trung quyền lực vào tay một người sẽ có thể TỐN gấp trăm gấp ngàn số tiền "tiết kiệm" được vì rất có thể dẫn đến những quyết định gây tai hoạ cho nền kinh tế và đất nước.
Hãy để các vị ấy "cạnh tranh nội bộ" một chút và sự gầm ghè này có thể kiềm chế bớt những quyết định sai lầm chết người.
Không có chính sách gì, hay một chính sách ất ưởng có thể còn hay hơn một chính sách sai lầm gây tai hoạ cho nền kinh tế và đất nước. Và càng tập trung thì xác suất chính sách tồi sẽ càng cao.
Hãy để họ gầm ghè nhau nên còn ít thời gian để đè dân chúng và như thế để yên cho dân chúng làm ăn.

Trương Huy San hé lộ một tin "chiều nay" vừa có tín hiệu gì đó trên chính trường, nhân nói về chuyện nhất thể hóa chức tổng bí thư và chức chủ tịch nước. Sáng nay, cafe với bạn, chúng tôi cũng chém gió về chuyện thời sự này. Đây là thời điểm vàng, nếu ông Trọng ko chiếm lĩnh được chức chủ tịch nước, thì có nghĩa phe ông Trọng ko thật sự đủ mạnh như người ta nghĩ.
Tôi không thích ông Trọng, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc cần một chức danh duy nhất cho 2 cương vị khác nhau vốn đã không những làm suy yếu sức mạnh lãnh đạo mà còn tạo ra lỗ hổng trách nhiệm đối với đất nước của chức danh tổng bí thư.
Một tam đầu chế với sự phân công cụ thể sẽ phân minh hơn với công tội của từng người, phù hợp hơn với xu thế của thời đại.
Ít ra, cái hình ảnh về một đảng đứng ngoài, đứng trên luật pháp cũng bớt phần thô bỉ.
Nguyễn Viện

VỀ 'NHỨT THỂ HÓA' HAI CHỨC DANH 'TỔNG BÍ THƯ' VÀ 'CHỦ TỊCH NƯỚC'

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/FB Nhân Tuấn Trương/ BVN 2-10-2018
Có người hỏi ý kiến của tôi về nhận định của ông Trương Huy San về việc “nhứt thế hóa” hai chức danh “tổng bí thư” và “chủ tịch nước”.
Ý kiến của tôi là dè dặt trên những nhận định của nhà báo Trương Huy San. Những nhận định của nhà báo này về tính “chính danh”, về nền “cộng hòa”, về chế độ “bán tổng thống”… là chưa tương ứng với những định nghĩa thông thường.
Trong các chế độ cộng hòa, quyền lực không có kế thừa và quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Tính chính danh của quyền lực được bảo đảm bằng sự chuẩn nhận của toàn dân, qua hình thức phổ thông đầu phiếu.
Trên quan điểm này thì ở Việt Nam, tất cả các quan chức nắm quyền lực trong nhà nước không ai có “chính danh”. Chủ tịch nước, Thủ tướng… được Quốc hội bầu lên nhưng tất cả các đại biểu Quốc hội đều là người của đảng hay do đảng đề cử. Đây là nguyên tắc “dân chủ tập trung” của mô hình nhà nước Sô Viết mà VN (và TQ) áp dụng từ nhiều thập niên qua. Mọi quyền lực nhà nước đều nằm trong tay đảng.
Nhưng nếu nhận định trên bản Hiến pháp của nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, “đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Thì người đứng đầu đảng, tức vị Tổng bí thư, là người lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đây là tính “chính danh” của Tổng bí thư đảng, (theo mô hình tổ chức nhà nước Sô Viết).
Vì vậy nói rằng “Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam” của Trương Huy San là không đúng.
Ta có thí dụ là ông Nikita Khouchtchev ngày trước vốn là Tổng bí thư, chỉ nắm chức Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, tức Thủ tướng, trên nguyên tắc đứng hàng thứ ba trong hệ thống quyền lực Sô viết. Thực tế thì ông này mới là người đại diện cho Liên Xô, về mọi mặt đối nội lẫn đối ngoại.
Ý kiến về “nền cộng hòa”, theo tôi, VN (và TQ) không phải là những nhà nước xây dựng trên nền tảng “cộng hòa” đúng thực chất.
Nền “cộng hòa” được xây dựng lên nhằm đối lập với các chế độ phong kiến đế quyền. Quyền lực trong chế độ cộng hòa không có kế thừa (như trong chế độ phong kiến đế quyền).
Quyền lực nhà nước ở các quốc gia như VN và TQ đều tập trung vào đảng. Đảng thể hiện như một “chân mạng thiên tử”, các đảng viên thế hệ này qua thế hệ khác cứ thay thế lẫn nhau tiếm quyền của nhân dân “thay trời hành đạo”. Tức là quyền lực nhà nước lại được “kế thừa” trong đảng, như dưới thời phong kiến đế quyền. Điều này trái ngược với khái niệm “cộng hòa”.
Về chế độ “bán tổng thống”, đều này cần được nhà báo Trương Huy San định nghĩa rõ rệt. Bởi vì, nếu chế độ “bán tổng thống” có nghĩa như là “semi présidentiel” của Pháp. Theo đó chế độ này là chế độ hỗn hợp giữa mô hình “tổng thống chế” và “đại nghị chế”. Tổng thống được bầu theo thể thức trực tiếp và phổ thông. Tổng thống có đặc quyền riêng biệt và một nội các (chính phủ) chịu trách nhiệm trước quốc hội.
Tức là việc “nhất thể hóa” hai chức danh “tổng bí thư” cà “chủ tịch nước” của VN (và TQ) không có chút quan hệ nào với chế độ “semi présidentiel” của Pháp hết cả.
Ý kiến của tôi, việc “nhất thể hóa” hai chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, nếu xảy ra trong thời gian tới, là một quá trình “logic” từng bước rập khuôn theo mô hình tổ chức nhà nước của Trung Quốc.
VN luôn là “một bản sao không hoàn chỉnh” của TQ từ thời lập quốc cho tới nay (ngoại lệ với VNCH 1954-1975). Từ khi có cuộc chiến biên giới 1979, tâm lý người dân VN có nhiều “nhạy cảm” đối với TQ, mặc dầu quan hệ ngoại giao hai bên thiết lập lại với những cam kết của lãnh đạo cấp cao “4 tốt và 16 chữ vàng”. Vì vậy lãnh đạo CSVN cố ý “làm khác” với TQ để nhân dân không dị nghị, như duy trì nguyên tắc “tứ trụ”, quyền lực phân bổ đồng đều giữa 3 chức danh với ba miền. Vị tổng bí thư đóng vai trò “nhiếp chánh” kiểm soát và cân bằng quyền lực.
Vì vậy tôi rất hoài nghi (sẽ trở thành hiện thực) các nhận định về khả năng “cải cách chế độ” của nhà báo Trương Huy San. Việc “nhất thể hóa” của TQ đến nay đã sinh ra một Tập Cận Bình, với quyền lực tập trung trong tay như một Mao Trạch Đông thứ hai. Quyền lực (và vị thế) của Tập Cận Bình đang bị thách thức.
Cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi đầu có nguyên nhân đến từ sự “ngạo mạn” về một “TQ vượt qua Mỹ” của họ Tập. VN đi theo con đường TQ là “cải cách” ngược, là trở về thời “chống Mỹ” của Lê Duẩn.
Cái cần thiết cho VN hiện nay (để cất cánh thành rồng) là “thoát Trung”, là dân chủ hóa chế độ, chớ không phải nhứt cử nhứt động đều rập khuôn theo TQ.
T.N.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét