Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

20181024. ĐÃ CÓ THỂ BÃI BỎ LUẬT AN NINH MẠNG ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐÃ CÓ THỂ BÃI BỎ LUẬT AN NINH MẠNG ?

TRẦN THÀNH/ BVN 23-10-2018

https://2.bp.blogspot.com/-O34BQX0f014/W8sPvF6uxhI/AAAAAAAACMk/JkUkGIckl2c6MmzkiSkMB76li4Y-ki6xgCLcBGAs/s640/Nguyen_Phu_trong.jpg
TBT Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VNG
“Kiến nghị Quốc hội hoãn thi hành Luật An ninh mạng để sửa đổi” đang được thu thập chữ ký của cộng đồng mạng tại địa chỉ: http://bit.ly/2yn47OI.
Ít nhất bốn lý do
p align="justify">Theo Kiến nghị, có các lý do như sau: Thứ nhất, Luật An ninh mạng gồm nhiều điều khoản vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận của công dân, cụ thể: Khoản 1 Điều 8 Luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm một cách rất mơ hồ, như “phá hoại thuần phong, mỹ tục” và “xuyên tạc lịch sử”.
Tương tự, nội dung quy định tại Điều 16 cũng yêu cầu phòng ngừa và xử lý những hành vi mơ hồ như “xúc phạm vĩ nhân” hay “tuyên truyền xuyên tạc”. Điều này có thể trao cho cơ quan chấp pháp khả năng lạm dụng quyền lực để xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân, vốn được bảo vệ theo Điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Không chỉ vậy, Khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng còn buộc doanh nghiệp mạng phải cung cấp thông tin người dùng cho cơ quan chấp pháp, đồng thời ngăn chặn và xoá bỏ thông tin đăng tải trên mạng theo yêu cầu của cơ quan chấp pháp mà không thông qua tòa án.
Như vậy, không có bất cứ thủ tục cụ thể nào được quy định để các công dân có thể bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân của mình theo một quy trình tư pháp công bằng và minh bạch.
Thứ hai, các điều khoản nêu trên của Luật An ninh mạng đã đi ngược lại các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền quy định “mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm” tại Điều 19.
Điều 19 Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị ICCPR, mà Việt Nam tham gia từ năm 1982, cũng ghi rõ rằng “mọi người đều có quyền tự do ngôn luận”. Chính vì lý do này, 17 nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi lãnh đạo các công ty Facebook và Google “chống lại những thay đổi được quy định tại Luật An ninh mạng của Việt Nam”.

https://3.bp.blogspot.com/-qtsswFNWwTc/W8sPgvdfeJI/AAAAAAAACMg/_oW8yR3MD28QR-Nzd-wDo07V700Tew53gCLcBGAs/s640/luat-an-ninh-mang-5.jpg
Ảnh minh họa.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 5-9-2018, khi được hỏi về Luật An ninh mạng Việt Nam, đại diện Facebook đã tuyên bố “sẽ không bao giờ cung cấp thông tin cho Chính phủ Việt Nam, trừ những ngoại lệ cực kỳ hiếm hoi”, và “chỉ hoạt động tại những quốc gia nào mà Facebook có thể gìn giữ được những giá trị của mình”.
Thứ ba, việc thực thi Luật An ninh mạng sẽ tạo ra rào cản thương mại đối với các doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, khi buộc các doanh nghiệp này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, theo Khoản 3 Điều 26.
Điều khoản này đòi hỏi phải địa phương hóa dữ liệu, làm tăng chi phí của doanh nghiệp khi hoạt động tại Việt Nam. Chính vì vậy, Luật An ninh mạng sẽ trở thành một lực cản rất lớn đối việc phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam theo hướng toàn cầu hóa.
Thứ tư, Luật An ninh mạng còn đe dọa đến khả năng ký kết hiệp định EVFTA. Vào ngày 17-9-2018, 32 Nghị sỹ đến từ các đảng lớn của Liên minh Châu Âu đã gửi thư đến Cao ủy Mogherini và Ủy viên Malmstrom nhằm đặt ra các điều kiện trước khi phê chuẩn hiệp định EVFTA, trong đó yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải sửa đổi Luật An ninh mạng theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Hủy bỏ hay bãi bỏ?
Người viết cho rằng cần bãi bỏ văn bản có tên Luật An ninh mạng. Lý thuyết pháp lý cho biết “hủy bỏ” là biện pháp xử lý văn bản pháp luật có khiếm khuyết.
Còn “bãi bỏ” là nội dung văn bản không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng; nội dung văn bản không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành; phần lớn nội dung không đảm bảo quyền lợi chính đáng của đối tượng chịu sự tác động của văn bản, hoặc không phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội là đối tượng mà văn bản điều chỉnh; hay phần lớn nội dung văn bản không phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập…
Từ cách hiểu thuần lý thuyết nói trên, cho thấy với đường lối, chính sách của Đảng như tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm làm việc chính thức Vương quốc Bỉ từ ngày 16 đến ngày 18-10-2018: “Hai thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn về Quyền con người và cam kết quốc tế mà hai bên đã tham gia” [Nguồn: http://bit.ly/2PbVeBg].
Và trước đó trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tại Hà Nội ngày 16-7-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Ngay cả trường hợp chính sách, pháp luật đúng rồi mà nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cũng phải ra sức tuyên truyền, vận động, giải thích, hoặc biết chờ đợi dân, không gò ép áp đặt một cách thô bạo”. [Nguồn: http://bit.ly/2P9t0ah]
Thực hiện theo huấn thị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cá nhân người viết tin rằng nếu Đảng, Quốc hội và Nhà nước đã có căn cứ pháp lý vững chắc về sự tuân thủ Hiến pháp 2013, về Luật Điều ước quốc tế 2016… của Luật An ninh mạng, thì một mặt cần có phúc trình giải thích cặn kẽ các thắc mắc của nội dung “Kiến nghị Quốc hội hoãn thi hành Luật An ninh mạng để sửa đổi” đang được thu thập chữ ký của cộng đồng mạng tại địa chỉ: http://bit.ly/2yn47OI.
Mặt khác, thay vì trấn áp, bắt bớ, hình sự hóa các người dân phản đối Luật An ninh mạng, thì Đảng, Quốc hội và Nhà nước cần tìm mọi phương thức hữu hiệu để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về Luật An ninh mạng; kể cả việc tổ chức trưng cầu dân ý về luật này.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Cộng sản, tác giả ký tên PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn, có đề xuất rằng: “Cần phải coi trọng thích đáng việc thể chế hóa và thực hiện các quyền dân sự, chính trị, vì chúng là tiền đề trực tiếp của các quyền sống, phát triển,… Việc xử lý vấn đề này thể hiện trình độ khoa học và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, không chỉ trong việc giải quyết mối quan hệ của quyền con người với các vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo, tiếp cận thông tin…”. [Nguồn: http://bit.ly/2QZBb6g]
Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có cả hai lợi ích chính trị và kinh tế, nếu…
Hy vọng rằng nếu sắp tới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được sự tín nhiệm của Quốc hội để tuyên thệ nhận trọng trách Chủ tịch nước, thì với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ mạnh dạn đề xuất Quốc hội ra nghị quyết bãi bỏ Luật An ninh mạng, lý do “không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng”.
Một lưu ý, biện pháp ‘bãi bỏ’ không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn của chủ thể ban hành văn bản bị bãi bỏ đó. Đây chính là điều mà tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thể an tâm cho đề xuất bãi bỏ Luật An ninh mạng. Và nó còn mang lại cho cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng lợi ích chính trị của việc được lòng dân; và lợi ích kinh tế từ việc phù hợp với các thỏa thuận thương mại quốc tế, cũng như với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà kỳ họp tháng 10-2018, Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn.
T.T.
VNTB gửi BVN

NÊN XEM XÉT LẠI MỘT CÁCH TOÀN DIỆN LUẬT AN NINH MẠNG

Huy Đức/  FB Truong Huy San/ BVN 25-10-2018

Khác với người tiền nhiệm, lãnh đạo mới của Cục An ninh mạng (A05 - nhập từ A68 và C50) đã lắng nghe ý kiến của Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) và của các bộ ngành hơn. Dự thảo mới nhất của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An Ninh Mạng (ANM), vì thế, đã bỏ khá nhiều quy định xâm phạm quyền tự do kinh doanh từng bị phản đối trong 2 dự thảo trước (3-10 & 11-10-2018).
Dự thảo mới cũng đã bỏ yêu cầu “doanh nghiệp kinh doanh online phải xin phép và có sự đồng ý của Cục ANM”(một biến trướng của giấy phép con); bỏ việc thành lập trung tâm dữ liệu và tiếp nhận dữ liệu doanh nghiệp chuyển giao… Dự thảo cũng không còn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dữ liệu gốc, chưa mã hóa của người dùng cho cơ quan điều tra. Bằng cách không dùng các từ nhạy cảm như “thái độ, quan điểm…”, dự thảo có cho cảm giác thu hẹp phạm vi dữ liệu người dùng nằm trong tầm kiểm soát của Cục An ninh mạng. Thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp chuyển dữ liệu bây giờ là Bộ trưởng Bộ Công an thay vì cục trưởng cục an ninh mạng như 2 dự thảo cũ.
Tuy nhiên, bản chất của dự thảo này vẫn chưa thay đổi. Phạm vi dữ liệu người dùng bị buộc phải lưu trữ ở Việt Nam vẫn còn rất rộng - gần như toàn bộ dữ liệu của mạng xã hội và các dịch vụ online - chi phí của nền kinh tế để thi hành luật là vẫn vô cùng lớn và vô lý.
Đặc biệt, cách làm Luật ANM và các nghị định là một ví dụ điển hình vi phạm các nguyên tắc căn bản khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đòi, một luật nếu cần “văn bản quy định chi tiết” (thông tư, nghị định) thì các “dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”(Điều 11). Hậu quả của việc không tuân thủ nguyên tắc này là, không chỉ dân chúng mà cả Quốc hội cho đến tận bây giờ cũng chưa hiểu hết tầm ảnh hưởng của Luật ANM.
Đối tượng và phạm vi điều chỉnh là một trong những điểm cốt yếu nhất của một quy phạm, lẽ ra nó phải được minh định ngay trong luật, Luật lại giao cho cơ quan thi hành luật lên danh sách (doanh nghiệp được lưu chuyển dữ liệu; phải lưu dữ liệu và đặt văn phòng đại diện tại VN). Cách tiếp cận của dự thảo là đã coi các doanh nghiệp, dân chúng, những người tham gia MXH như đã là tội phạm. Cục ANM, cơ quan soạn thảo, đã tự trao cho mình quyền quản lý nhà nước đặc biệt với hoạt động kinh doanh, phần việc nếu cần thì phải thuộc về Bộ TTTT. Công an là lực lượng chống tội phạm, lẽ ra chỉ được trinh sát, điều tra khi có dấu hiệu phạm tội.
Phần quy định cụ thể về “chặn dịch vụ, gỡ thông tin người dùng trên MXH/internet…” cho đến nay vẫn nằm trong một nghị định bị đóng dấu mật, một cách làm chính sách mà không có quốc gia nào chấp nhận. Và, mặc dù đã bỏ nội dung yêu cầu cung cấp “dữ liệu đã được mã hóa” nhưng các doanh nghiệp vẫn phải “cung cấp dữ liệu cho cơ quan điều tra” trong khi không nêu rõ trình tự thủ tục để thực thi quyền đó.
Những dữ liệu mà người dùng cung cấp cho các MXH hay các dịch vụ internet thuộc quyền sở hữu của công dân, có những dữ liệu còn là tài sản của công dân; nhiều dữ liệu thuộc phạm vi “bí mật đời tư” được Hiến pháp bảo hộ. Trừ những người có hành vi phạm tội, không ai được quyền cung cấp những dữ liệu đó kể cả cung cấp cho cơ quan nhà nước. Quyền đòi cung cấp dữ liệu người dùng phải là quyền tư pháp. Cơ quan điều tra chỉ được quyền thu thập những thông tin được coi là bằng chứng đối với những người bị điều tra trong một vụ án đã bị khởi tố chứ không phải tuỳ tiện như viết trong dự thảo.
Nguyên tắc các văn bản quy phạm “không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”(Điều 5, khoản 5, Luật BHVB 2015) cũng không được Luật ANM và các dự thảo nghị định tuân thủ. Khi ký TPP và ngay cả khi ký CPTPP, VN đều cam kết “không bắt buộc đặt máy chủ tại một địa điểm xác định, kể cả lãnh thổ nước mình”. Vậy nhưng Luật và nghị định vẫn đòi các doanh nghiệp phải “lưu trữ dữ liệu người dùng tại VN”. Cái cách Tướng Võ Trọng Việt “kéo đám mây dữ liệu” về VN cho thấy ông, hoặc là không hiểu gì về iCloud và MXH nói chung, hoặc đã nghe các báo cáo không trung thực về “máy chủ và đám mây điện toán”.
Việt Nam cũng đã cam kết trong NAFTA, WTO, TPP & CPTPP, “Đảm bảo quyền tự do lưu chuyển, lưu trữ thông tin mà không bị kiểm soát, ngăn chặn (trừ liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội); không đánh thuế vào các giao dịch điện tử xuyên biên giới. Chúng ta đã hội nhập. Không như các cam kết WTO hay trong ASEAN, các hiệp định như CPTPP và EVFTA có các chế tài rất nghiêm ngặt, nếu vẫn thi hành Luật ANM với cách tiếp cận như 2 nghị định đang chuẩn bị, VN chắc chắn sẽ đối diện ngay với các chế tài.
Không phủ nhận là trên “hệ sinh thái số” đang xuất hiện khá nhiều hành vi có dấu hiệu tội phạm, nhưng BLHS đã định rất nhiều tội danh dành cho những hành vi này. Chưa kể, khác với các quốc gia văn minh, BLHS VN còn coi nhiều hành vi đơn thuần chỉ là bày tỏ chính kiến, phản đối ôn hoà… như tội phạm.
Tội phạm sử dụng MXH gây án chứ tự thân MXH không thể gây án. Lẽ ra, Luật này chỉ nên đưa ra các nguyên tắc thu thập bằng chứng điện tử và các chế tài bổ sung (gỡ bài, gỡ links… khi toà đã coi là tin xấu) khi điều tra 29 tội danh trong BLHS vừa trở thành đối tượng điều chỉnh của Luật này.
Sai một li, đi một dặm. Giao cho Bộ Công an làm Luật ANM là cái gốc của sai. Tiến trình soạn thảo, thông qua lại ít lắng nghe, lạm quyền, trấn áp những tiếng nói khác. Luật được chuẩn bị mà vừa không tuân thủ các quy định của pháp luật VN (Luật BHCVB QPPL 2015) vừa bỏ ngoài tai các cam kết quốc tế thì không sai mới lạ.
Luật ANM và các quy phạm đang hình thành trong nghị định không những không có giải pháp nào bảo vệ hữu hiệu mạng VN trước các hackers mà còn đặt nó trong những nguy cơ cao hơn khi ép lưu trữ dữ liệu cá nhân trong một quốc gia có nền tảng công nghệ thấp và đội ngũ thi hành công vụ rất dễ lạm quyền. Luật không những không giúp bảo vệ chế độ mà (sự bóp nghẹt MXH) còn làm tăng ứng chế trong xã hội, nuôi dưỡng nguy cơ cao hơn cho chế độ. Luật không những đe doạ tăng trưởng kinh tế, giảm đầu tư mà còn trình bày một hình ảnh rất xấu cho VN trong mắt cộng đồng quốc tế.
Uỷ Ban thường vụ Quốc hội, Bộ chính trị và Tân Chủ tịch nước nên nghe lại, đầy đủ và nhiều chiều. Nếu nghị định không hạn chế được các ảnh hưởng xấu của Luật thì nên hoãn thi hành nó. Tôi tin, nếu trước đây, các cơ quan thẩm quyền được nghe đánh giá đầy đủ tác động của Luật An ninh mạng thì Luật này đã không được ban hành như thế.
H.Đ.
Nguồn: FB Truong Huy San

PHẢN BIỆN MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA HỘI NGHỊ TƯ 8 ĐCSVN

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 24-10-2018

Hội nghị họp trong 5 ngày đầu tháng 10/2018. Theo tuyên truyền thì thành công tốt đẹp,  đã thảo luận các vấn đề thiết thực, đã ra được các nghị quyết, các quyết định hết sức quan trọng và cần thiết. Tôi có theo dõi HN và đưa ra nhận xét là hiệu quả thấp và có một số vấn đề không rõ ràng.
  1. Về kinh tế- xã hội
Báo cáo đưa ra các con số như GDP tăng 6,8%, xuất cảng đạt 238 tỷ đô la. Phải chăng như thế là kinh tế phát triển. Hỏi: kinh tế phát triển tại sao phải vay thêm tiền để trả nợ (nợ hàng  trăm tỷ đô la), mà chỉ trả được tiền lãi chứ cơ bản vẫn chưa trả được vốn. Vì thế tổng số nợ càng ngày càng tăng lên. Kinh tế phát triển mà sao THU của ngân sách không đủ CHI, ngân sách thiếu hụt, lạm phát, giá cả tăng. Thì ra việc tăng GDP và tăng xuất khẩu không phản ảnh sức mạnh kinh tế của Nhà nước.
Chi ít hơn thu thì mới có tích lũy để phát triển, còn thu không đủ chi (bội chi), phải vay nợ, mà không có khả năng trả, thì đó là phát triển kiểu gì. Thì ra cách tính GDP không phản ánh đúng bản chất sự phát triển. Ở VN  số tiền tham nhũng và lãng phí là thuộc chi tiêu công cộng nên được tính vào GDP, vậy tham nhũng và lãng phí làm tăng GDP. Tiền xuất cảng khá lớn, nhưng tiền đó là của các tập đoàn kinh tế mà phần lớn là các doanh nghiệp FDI, nghĩa là của tư bản nước ngoài, đặt nhà máy sản xuất tại VN (của Samsung, Toyota v.v…), nhà nước chỉ thu được một phần rất nhỏ, đó là tiền thuế. Như vậy không nên đưa con số xuất khẩu 238 tỷ đô la để lòe bịp.
Để phát triển kinh tế, các đại biểu thảo luận các biện pháp, nào là phải tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh, sử dụng công nghệ tiên tiến, cách mạng 4.0 v.v… Phần lớn người ta nói như sáo, vẹt mà  không hiểu bản chất, không biết cách làm cụ thể. Trong các nước phát triển, những công việc đó là của các tập đoàn kinh tế. chính phủ và đảng cầm quyền không cần chỉ đạo. Chính phủ quan tâm chủ yếu đến thu thuế, ngăn chặn các tác động xấu đến môi trường.
Về xã hội. Năm 2018 nổi lên mấy vụ động trời như dân oan thủ Thiêm, biểu tình chống luật 3 đặc khu, bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. HN 8 không một câu đề cập. Phải chăng Đảng muốn dìm vào im lặng.
2-  Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
Việc này trước đây đã có  chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 22/9/1997 về Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nghi quyết số 09-QĐ/TW ngày 9/2/2007 về chiến lược biển đến năm 2000. Tinh thần cúa CT20 và NQ09 là làm cho VN mạnh về biển, giàu từ biển, kết hợp kinh tế với bảo vệ lãnh thổ.
Sau hơn 20 năm từ CT20, hội nghi TƯ 8 lại thảo luận về kinh tế biển, kế hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, với những lời lẽ nghe rất hùng hồn, rất hấp dẫn. Nào là CM 4.0, kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ vững hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế , lợi ích quốc gia, v.v…
Về Biển Đông, trong lúc ĐCSVN ra nghị quyết và hô khẩu hiệu thì cái Lưỡi bò của bọn bành trướng Đại Hán cứ tồn tại, bọn Tàu cộng cứ xây dựng đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trên lãnh hải VN, cứ ngăn cản VN hợp tác với nước ngoài thăm dò dầu khí ở nhiều nơi, cứ cho tàu lạ đâm chìm tàu đánh cá , giết hại ngư dân v.v… Thế mà Đảng không dám nói đến. Nếu Lưỡi bò được củng cố, biển của VN chỉ còn lại một dải rất hẹp gần bờ, lúc ấy mà vẫn hô hào mạnh về biển, giàu từ biển thì phải chăng chỉ là phét lác.
Hiện tại Biển Đông đang là nơi tranh chấp quốc tế. Lãnh đạo VN cần rửa sạch lỗ tai , mở rộng tầm mắt để phân tích đúng tình hình, chọn được cách hành xử thông minh. Nếu chỉ bưng tai, bịt mắt, ngồi viết nghị quyết suông thì khó tránh khỏi tai họa cho dân tộc.
Để chuẩn bị cho kế hoạch biến Biển Đông thành ao nhà, Tàu cộng đã lừa được lãnh đạo VN ký cam kết    “ Không liên kết với nước khác để chống lại nước thứ ba”. Đây là một cam kết rất ngu muội, nhưng ĐCSVN lại rất tự hào và ra sức tuyên truyền về nó. 
3. Về công tác xây dựng Đảng
HN 8 đã thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là việc làm vớ vẩn, thể hiện 2 điều tệ hại. Một là phẩm chất của các ủy viên các loại quá thấp, hai là biện pháp làm Quy định về trách nhiệm nêu gương thể hiện sự kém trí tuệ.
Về trách nhiệm nêu gương, trước đấy đã có QĐ 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012, có QĐ 55-QĐ/TW ngày 11/1/2017. Nay lại thêm QĐ mới.
Liên tục có các QĐ về nêu gương, phải chăng các ủy viên đã không biết rằng việc nêu gương là thuộc phẩm chất chứ không phải nhiệm vụ, hay họ biết nhưng không có được phẩm chất ấy. Tại sao Đảng có nhiều QĐ nhằm xây dựng và làm trong sach tổ chức và đại hội các cấp vẫn nêu cao khẩu hiệu sáng suốt lựa chọn…, thế mà các ủy viên được bầu ra lại có phẩm chất thấp, đến nỗi phải ra QĐ về nêu gương. Thì ra  khẩu hiệu sáng suốt lựa chọn chỉ là lời nói suông, các QĐ về xây dựng và làm trong sạch tổ chức, phần lớn chỉ là những giấy tờ kém giá trị, bầu cử dân chủ chỉ là giả hiệu. Thực chất Đảng đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong việc chọn lựa cán bộ, đã dùng nhiều kẻ cơ hội, bất tài, nhưng lắm mưu mẹo, nhiều thủ đoạn.
Khi đã vô tình dùng phải kẻ cơ hội, không thể làm gương thì cách hay nhất là loại bỏ, dùng người có phẩm chất cao hơn thay vào. Vẫn cứ tiếp tục dùng kẻ phẩm chất thấp rồi ra QĐ bắt phải làm gương là sự gượng ép ở trình độ quá thấp. Hỏi rằng Đảng ra QĐ bắt ủy viên các cấp thực hiện trách nhiệm nêu gương thế thì ai ra QĐ bắt các thầy cô giáo nêu gương cho học trò, ai ra QĐ bắt ông bà, cha mẹ nêu gương cho con cháu.
QĐ về trách nhiệm nêu gương đã được một số người hoan nghênh, ca ngợi. Tôi cho rằng sự ca ngợi đó là quá vội vàng, nông cạn. Hình như họ chỉ chờ Đảng đưa ra một thứ gì đó, chưa biết đúng sai, hay dở đã vội thổi phồng.
4- Vài lời kết
Tôi không phân tích, không đánh giá toàn bộ HNTƯ 8 mà chỉ phản biện một số vấn đề. Cũng còn một số vấn đề khác có thể phản biện, nhưng bài đã khá dài, tạm dừng lại. Tôi mong ước được tiếp nhận các phản bác lại các phản biện trên. Còn nếu phản biện của tôi là đúng thì xin đặt câu hỏi, tại sao lại có phản biện như vậy và liệu Đảng có cần phản biện không.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét