Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

20220803. THIẾU MỤC 'NƠI SINH' Ở HỘ CHIẾU MỚI !

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TỪ CHUYỆN 'NƠI SINH' TRÊN HỘ CHIẾU, NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ NĂNG LỰC

TRÂN VĂN/ VOA/TD 31-7-2022



Thêm sự kiện hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam bị Đức từ chối tiếp nhận và giải quyết nhu cầu nhập cảnh vì thiếu yếu tố “nơi sinh” (1) cho thấy, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam có vấn đề về năng lực.
***
Hạ tuần tháng 5 năm 2019, trước Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa 14 (nhiệm kỳ 2016 – 2021), ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Đại biểu Quốc hội khóa 14, kiêm Bộ trưởng Công an, chính thức giới thiệu Dự luật về Xuất nhập cảnh (XNC). Theo đó, Bộ Công an sẽ phát hành hộ chiếu mẫu mới. Hộ chiếu mẫu mới có hai loại để công dân lựa chọn, loại có chip điện tử hoặc không. Sở dĩ có hộ chiếu mang chip điện tử vì đó là... “xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay” (2).
Nói cách khác, ông Tô Lâm chính là người trực tiếp chỉ đạo việc thay đổi mẫu hộ chiếu cho phù hợp với xu thế của “cuộc cách mạng công nghệ 4.0”. Hơn ba năm sau – tháng 7 năm 2022 – thời điểm Bộ Công an bắt đầu phát hành mẫu hộ chiếu mới, công dân nào muốn chọn loại hộ chiếu có chip điện tử thì không được cấp hộ chiếu theo mẫu mới vì Bộ Công an chưa làm được loại hộ chiếu này, Bộ Công an đã cố gắng nhưng chưa theo được “xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”. Điều đó mặc nhiên đồng nghĩa với việc Bộ trưởng Công an có hạn chế về khả năng quản trị và điều hành hoạt động của Bộ Công an trong lĩnh vực XNC.
Ngoài hộ chiếu theo mẫu mới gặp trục trặc không đáp ứng được cam kết trước Quốc hội, trước công chúng, việc thay đổi căn cước công dân (CCCD) cũng vậy. Thay đổi CCCD là một phần trong “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (do tên của đề án quá dài dòng nên được Bộ Công an chủ động gọi tắt là “Đề án 06”). Giống như hộ chiếu theo mẫu mới, “Đề án 06” cũng do ông Tô Lâm khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo thực hiện, ông tuyên bố đó là “mệnh lệnh chiến đấu và kỷ luật công tác” (3).
Cả chính phủ lẫn Bộ Công an không cho biết cụ thể việc triển khai “Đề án 06” ngốn bao nhiêu tiền nhưng tính chất (xây dựng, duy trì kho dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030), cũng như qui mô của việc thực hiện “Đề án 06” (đối với toàn dân trên toàn quốc) chắc chắn phải tính bằng ngàn tỉ. Thượng tuần tháng này, một Thứ trưởng Công an mới phân bua với Quốc hội, việc cấp phát CCCD không như hứa hẹn vì... “có nhiều lỗi” (3)...
Trước nay, thiên hạ luôn dùng hiệu quả hoạt động của một cơ quan, tổ chức làm thước đo năng lực của cá nhân lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó. Đó cũng là lý do cá nhân lãnh đạo cơ quan, tổ chức bị buộc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức mà họ quản trị, điều hành. Dựa vào tiêu chí ấy và kết quả của việc triển khai cấp phát hộ chiếu mẫu mới cũng như CCCD theo các loại kế hoạch, đề án có tính chất pháp lệnh, rõ ràng ông Tô Lâm có vấn đề về năng lực.
***
Ngoài những hạn chế về năng lực quản trị - điều hành hoạt động Bộ Công an, còn có thể tìm thấy những biểu hiện khác liên quan đến sự chủ quan của ông Tô Lâm trong chính các sự kiện liên quan đến chỉ đạo – giám sát lĩnh vực quản lý XNC mà không cần phải dụng công tìm kiếm thêm ở các lĩnh vực khác. Ví dụ đầu tiên nằm ở việc thiếu “nơi sinh” trong hộ chiếu theo mẫu mới.
Trước nay, “nơi sinh” hay “Place of birth” luôn là một trong những yếu tố cấu thành dữ liệu giúp nhận diện cá nhân để tránh những sai sót khi vận hành bộ máy quản lý hành chánh nhằm bảo vệ trật tự, trị an (4). Đó cũng là lý do mà gần như quốc gia nào cũng muốn xác định một cá nhân sinh ở đâu và ghi chú rõ ràng “nơi sinh” của đương sự trên tất cả các loại giấy tờ tùy thân. Việt Nam không khác phần còn lại của thiên hạ cho đến khi... sáng tạo mẫu hộ chiếu mới.
Trong hộ chiếu theo mẫu mới, Bộ Công an Việt Nam chủ động thay “nơi sinh” bằng mã số định danh với 12 chữ số. Từ “sáng kiến” của Bộ công an Việt Nam, khi kiểm tra “nơi sinh” của công dân Việt Nam, nếu đương sự có hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới, các viên chức hữu trách phải biết và phải có danh sách nơi sinh đã được “số hóa” để tra cứu xem đương sự sinh ở đâu - nhóm ba chữ số đầu trong 12 chữ số định danh (5). Danh sách “nơi sinh” đã được... “số hóa” theo kiểu này dài bảy trang.
Khi Bộ Công an Việt Nam quyết định như vậy, các viên chức hữu trách trong hệ thống công quyền của Việt Nam không muốn cũng phải tra hoặc học thuộc lòng danh sách đó nhưng thiên hạ thì không.
Buộc các viên chức làm việc trong hệ thống quản lý hành chánh – quản lý di trú của tất cả các quốc gia trên thế giới phải tìm danh sách xác định “nơi sinh” mà Việt Nam đã “số hóa”, rồi phải tra hoặc phải học thuộc lòng danh sách ấy chỉ để xác định yếu tố “nơi sinh” của những đương sự là công dân Việt Nam không chỉ vô lý mà còn bất khả thi. Không phải tự nhiên mà các cơ quan ngoại giao Đức loan báo, Đức không thể chấp nhận hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới và đừng dùng hộ chiếu theo mẫu mới đến Đức (6).
Chưa biết sau Đức sẽ còn những quốc gia nào từ chối giải quyết nhu cầu đi lại, di trú (thăm thân nhân, du lịch, du học, tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất - kinh doanh, định cư) của công dân Việt Nam chỉ vì “sáng kiến” bỏ “nơi sinh” và thay bằng mã số định danh nên ngoài việc cấp hộ chiếu theo mẫu mới, Việt Nam phải cấp thêm “Giấy chứng nhận nơi sinh” nhưng có thể dựa vào chính “sáng kiến” đó để nhận định, ở vị trí người có quyền lực cao nhất trong Bộ Công an, ông Tô Lâm không thể thoái thác trách nhiệm khi phê duyệt “sáng kiến”... hết ý này!
Áp dụng “sáng kiến”... hết ý ấy có khác gì buộc hệ thống công quyền các quốc gia phải tổ chức “tập huấn” cho tất cả viên chức hành chánh – di trú của họ để giải quyết nhu cầu đi lại, di trú của riêng công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam?
Riêng trong lĩnh vực quản lý XNC, sự chủ quan của ông Tô Lâm ở vị trí Bộ trưởng Công an còn thể hiện qua nhiều sự kiện khác. Ví dụ việc không nhìn ra để gỡ bỏ ngay lập tức những rào cản trong quản lý XNC – ngăn chặn công dân Việt Nam hồi hương giữa đại dịch, tạo điều kiện cho thuộc cấp câu kết với viên chức của những ngành khác (ngoại giao, y tế, giao thông – vận tải) “nhận hối lộ” từ hàng ngàn “chuyến bay giải cứu”...
Hay sự bất cập về chính sách visa (các qui định liên quan đến việc cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam cho người ngoại quốc) khiến ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung không thể phát triển, đặc biệt là hết sức khó khăn dù muốn hồi phục sau đại dịch. Ai cũng biết, chính sách visa phụ thuộc vào năng lực bảo vệ trật tự, trị an của Bộ Công an mà năng lực này lại phụ thuộc vào năng lực cá nhân của ông Tô Lâm.
Tại sao những quốc gia khác không ngừng thay đổi chính sách visa của họ theo hướng thông thoáng hơn để kích thích du lịch, thúc đẩy kinh tế phát triển mà vẫn bảo vệ được trật tự, trị an tại xứ của họ mà Việt Nam thì không? Chỉ có một câu trả lời, đó là ông Tô Lâm không thể suy tính và Bộ trưởng Công an không thể đưa ra ý tưởng nào nhằm cải thiện chính sách visa theo hướng tích cực hơn mà vẫn bảo vệ được trật tự, trị an như các đồng nhiệm ở những xứ khác đã làm cũng như đang làm.
Theo thông lệ quốc tế, chính sách visa của tất cả các quốc gia trên thế giới hình thành trên cơ sở “có đi, có lại”. Khi Việt Nam đặt ra đủ loại hạn chế trong việc xem xét cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân những quốc gia khác thì chính phủ những quốc gia đó cũng sẽ áp dụng những hạn chế tương tự đối với công dân Việt Nam. Đó là lý do giá trị sử dụng (mà nhiều cơ quan truyền thông chính thức của Việt Nam thường gọi nôm na là “ mức độ quyền lực”) của hộ chiếu Việt Nam thua xa hộ chiếu của nhiều quốc gia.
Chú thích
TV

QUÊ QUÁN VÀ NƠI SINH

HUY ĐỨC/ TD 31-7-2022



Tôi không hiểu ý đồ của những người thiết kế hộ chiếu mới không có mục nơi sinh nên không có ý kiến. Nhưng, Bộ Công an nên thiết kế lại Căn cước Công dân (ID) cũng như Chứng Minh thư (CMT) để thay thế mục "Quê quán/Nguyên quán" thành "Nơi sinh".
Quê quán, tất nhiên là rất quan trọng, xác lập "cội rễ" của một con người. Nhưng, quê quán ghi trong ID hay CMT hiện nay của ta chỉ là "quê cha". Không phải ai sinh ra có quê cha cũng đồng thời là quê mẹ. Và, cho dù được sinh ra trên quê mẹ, ID hoặc CMT cũng chỉ thể hiện quê cha. Cứ thế, nếu một nhà nhiều đời có con trai nối dõi "quê quán" chỉ còn giá trị của 1/2, 1/4, 1/8... "dòng máu" mà thôi.
Cuối thập niên 1970s, rất nhiều người Việt gốc Hoa đã chịu áp lực phải rời bỏ Việt Nam vì CMT của họ vẫn ghi "quê quán: Quảng Đông hoặc Quảng Tây...", dù họ chưa một lần về quê và từ thời ông cha đã không còn biết tiếng Quảng Đông hay Quan Thoại nữa. Phần lớn những "Nạn Kiều" này không vượt biên sang Trung Quốc và, về sau, khi "về" từ một nước thứ Ba đã không tìm tới "quê cha đất tổ" mà về Việt Nam - nơi sinh và nơi ghi những dấu ấn tuổi thơ.
Nhu cầu "quê quán" là nhu cầu của các dòng họ, gia đình. Trên ID, CMT, nên ghi "nơi thường trú" và "nơi sinh" hoặc chỉ cần "nơi sinh" - những thông tin cần thiết cho nhu cầu quản lý. Trong hồ sơ cá nhân nên ghi thêm: nơi sinh của bố, nơi sinh của mẹ. Cứ thế, lần ngược lên từng đời là biết rõ tổ tiên của cả hai bên nội, ngoại.
Cách ghi "nguyên quán" chỉ là quê nội hiện nay vừa không bình đẳng nam - nữ, điều mà nhà nước đang kêu gọi, vừa không có ý nghĩa gì với "quản lý hành chánh về trật tự xã hội". Vì, có những người tuy quê quán vẫn được ghi Thanh Hóa, Nghệ An... nhân thân của họ từ nhiều đời đã không còn liên quan gì với những vùng đất ấy.
Có những việc tưởng như rất nhỏ và thể hiện trong các thủ tục chỉ có vài từ nhưng ảnh hưởng của nó lên mỗi con người là rất lớn.


TỪ CUỐN HỘ CHIẾU THIẾU MỤC 'NƠI SINH', NGHĨ TỚI TỜ LÝ LỊCH VÀ CÁI

GIẤY CĂN CƯỚC

NGUYỄN THÔNG/ TD 30-7-2022


Nhà cháu phải đặt cái tít dài thườn thượt vậy, chứ không chỉ một hai chữ như mọi lần, thì mới tải hết được mấy thứ muốn nói ngay từ đầu. Ấy là cái sự bực lắm, cáu sườn lắm, và cũng chán nản nữa.
Nhắc lại chuyện cuốn hộ chiếu mẫu mới vừa được Bộ Công an, cụ thể là Cục Quản lý xuất nhập cảnh thiết kế, ban hành, đưa vào sử dụng. Trước khi chính thức áp dụng, họ đã ngưng việc làm hộ chiếu mới một tháng, cả mẫu cũ lẫn mẫu mới, chỉ ưu tiên những trường hợp đặc biệt. Cũng là một kiểu hành dân. Khi mẫu cũ vẫn còn giá trị, tại sao không chuẩn bị mẫu mới cho thật kỹ, rồi chỉ việc nối vào, mà lại bắt dân phải chờ một tháng. Hay là quyền trong tay tao, muốn hành thế nào bay cũng phải chịu. Hệ thống công quyền, hệ thống chính trị xứ này có đủ cả cơ quan ban bệ thanh tra kiểm tra, không hề nhìn ngó, lên tiếng, chỉnh sửa cái thái độ hách dịch, cửa quyền ấy. Cứ năm này diễn sang năm khác, triền miên. Ông hàng xóm nhà tôi dấm dẳn, cũng cùng một duộc cả.

Thôi, gác chuyện hộ chiếu lại, rồi đâu sẽ có đó. Chỉ biết hôm qua 29.7 các báo mậu dịch thông báo những ai xài hộ chiếu mới mà đến Đức sẽ được Đại sứ quán VN tại Đức cấp cho cái giấy xác nhận nơi sinh để kèm theo khi xin thị thực (visa), khi qua cửa khẩu. Hình như họ nghĩ mảnh giấy ấy của tòa đại sứ có giá trị với nhân viên công lực kiểm tra xuất nhập cảnh xứ người lắm. Chưa nói nó có tác dụng thông tuyến không, chỉ riêng việc phải đi xin giấy, kèm mảnh giấy lòng thòng vào cuốn hộ chiếu là đã chẳng giống ai rồi.
Đang yên đang lành, cải tiến hóa thành cải lùi. Vậy mà, cũng báo quốc doanh hôm qua thông tin, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an vẫn tuyên bố tiếp tục mần hộ chiếu mẫu mới (xin nói cho chính xác, họ bán hộ chiếu cho dân chứ làm gì có chuyện cấp mà báo chí cứ nói thành cấp hộ chiếu). Đâm lao theo lao kiểu này, chỉ khổ dân chứ các ông bà ấy có mất gì.
Đã bảo gác, thế mà vẫn bức xúc kéo thêm một đoạn. Giờ kể chuyện bản lý lịch với mẫu khai báo lừng danh một thời, làm khổ biết bao nhiêu người.
Trong chính thể này, làm gì đi đâu cũng phải khai lý lịch. Có thứ lý lịch rườm rà chi tiết bắt kể tới đời cụ tổ, có thứ gọn gàng vắn tắt hơn gọi là lý lịch trích ngang nhưng cũng hết sức nhiêu khê. Nhà cai trị bắt người khai phải “tôi xin cam đoan những điều khai trên là đúng sự thật, có gì sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Bút sa gà chết, đã thành thật và sợ sệt khai vào lý lịch rồi, giấy trắng mực đen, nhà chức việc căn vào đó để hành hạ đương sự. Thứ chủ nghĩa lý lịch man rợ đã mấy chục năm hoành hành, đẩy con người, nhất là những người trẻ, người có tài vào ngõ cụt, bế tắc, cùng quẫn. Nó là một trong những tội ác mà người cộng sản gây ra, duy trì ở xứ này.
Lứa chúng tôi, thời còn bé đi học không phải khai báo gì, nhưng nhớn lên, đứa nào muốn đi thoát ly (hồi ấy rời quê nông thôn, đi học đi làm việc phi nông nghiệp gọi là thoát ly) phải khai báo lý lịch. Mẫu lý lịch được nhà nước soạn thảo, quy định, ban hành thống nhất cả miền Bắc. Chỉ cần khai mục thành phần gia đình là phú nông, địa chủ, có người đi lính cho Pháp, người làm việc cho chính quyền cũ, kể như xong đời. Một chế độ chỉ coi trọng thành phần cố nông, bần nông, trung nông lớp dưới thì địa chủ, cường hào là vết nhơ, phải trị cho bằng được, dí tới đời con đời cháu. Chỗ của đám ấy không phải là trường đại học, cơ quan nhà nước, mà là vùng khai hoang phục hóa nơi biên giới, trong rừng sâu núi thẳm, và chiến trường. Ông anh rể tôi, vướng tí lý lịch địa chủ, dù thông minh giỏi giang, cả đời vẫn không ngóc lên được, ngôi thứ cao nhất sau cuộc phấn đấu không mệt mỏi là công nhân cầu đường. Như thế vẫn còn may, được thoát ly, chứ có những người học cấp 3 giỏi nổi tiếng, lừng lẫy cả vùng, cũng chỉ cắm mặt xuống ruộng, bởi bị phê “lý lịch xấu, không giải quyết cho đi đâu”. Trong đời, tôi đã biết vài trường hợp như vậy.
Những tưởng cái chủ nghĩa lý lịch tai quái ác độc bất nhân đó chỉ diễn ra ở miền Bắc, ai dè sau khi dùng vũ lực thống nhất đất nước, chính quyền cộng sản lôi luôn vào áp dụng trong Nam. Nó như con hổ dữ được thả vào rừng có nhiều mồi ngon. Miền Nam sau 1975 thiếu hàng hóa vật chất, thiếu quyền tự do, nhưng quá sẵn đối tượng “ngụy quân, ngụy quyền”. Chưa khi nào chủ nghĩa lý lịch có đất sống màu mỡ như thời ấy. Chắc nhiều người còn nhớ vụ báo Thanh Niên năm 1986 bênh vực anh học trò Nguyễn Mạnh Huy người miền Trung, Quảng Ngãi thì phải. Dù học cực giỏi, thi đại học 3 lần, lần nào cũng điểm rất cao, chính quyền địa phương vẫn quyết không cho Huy vào đại học chỉ bởi ba của cậu từng đi lính “ngụy” chết trận. Mục khai trong lý lịch “gia đình có ai làm gì cho ta và địch” bắt Huy phải khai báo trung thực, và đó thành bản án tự tuyên kết liễu sự nghiệp một con người. Miền Nam sau 1975 có hàng triệu Mạnh Huy như vậy. Điều may mắn cho cá nhân học sinh Huy, nhờ báo Thanh Niên kiên trì và kiên quyết tấn công vào chủ nghĩa lý lịch, vào những đề mục rất bất nhân trong bản khai, cuối cùng anh ấy cũng được tới trường.
Giá như chỉ là chuyện trong nước, trong nhà bảo nhau, có nhẽ vụ hộ chiếu cũng xong, khổ nỗi cái thứ giấy tờ này để đi giao dịch làm ăn thăm thú chơi bời với nước ngoài, mà người ta lại không xuê xoa dĩ hòa vi quý, đánh bùn sang ao, để lâu cứt trâu hóa bùn như mình. Chẳng chỉ nước Đức ke re két rét mà sẽ còn nhiều nước khác không chấp nhận cái pát po mẫu mới màu tím than này, bởi họ văn minh, chuẩn mực. Đến khổ, chỉ có mỗn việc thiết kế cái nội dung hộ chiếu cho ra hồn, được bên ngoài chấp nhận, mà làm cũng không xong. Nội dung cần thiết thì không có, lại cứ tớn lên khoe hình ảnh chìm nổi này nọ. Có đem vịnh Hạ Long, chùa Một Cột mài ra để thuyết phục nhà chức việc cửa khẩu được không…
Nhân vụ tấm hộ chiếu, lại nhớ tới Đức cha Tổng giám mục giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt. Một đóng góp tâm huyết chân thành về giá trị của tấm hộ chiếu, mở rộng ra là danh tiếng của đất nước và con người, đã bị nhà cai trị sổ toẹt. Vụ tấn công cha Kiệt có thể coi là vụ nhục nhã nhất của tivi quốc doanh; nhưng, xin lỗi, việc chiều ý chính quyền để dìm cha Kiệt cũng là vết nhơ của giáo hội Thiên chúa xứ này, nhất là các đấng bậc chăn chiên ngày ấy.

Lại nói chuyện tờ khai sơ yếu lý lịch. Đúng là chỉ có thứ chủ nghĩa lý lịch man rợ mới có thể gây ra những chuyện dở khóc dở cười bởi những yêu cầu cực kỳ vô lý của nó.
Tháng 9 năm 1987, nhờ sự giới thiệu có trọng lượng của một vị phụ huynh, tôi tới trường mẫu giáo - trường mầm non 26 xin cho cu con vào đó. Nhỏ vào nhà trẻ, nhớn lên mẫu giáo. Cu cậu đã hơn 3 tuổi, “tốt nghiệp” nhà trẻ hệ mầm chồi lá, giờ phải tiếp tục vào trường mẫu giáo. Trường mầm non 26 là trường điểm của quận 5 (Sài Gòn), cơ ngơi rộng rãi bề thế trên đường Lý Thường Kiệt, bây giờ là Bệnh viện phụ sản Hùng Vương mở rộng.
Cô hiệu phó, xinh lắm, đón tôi và trấn an anh cứ yên tâm, cháu tuy khác tuyến nhưng chúng em đã đưa vào danh sách rồi, cảm phiền anh khai cho cháu cái sơ yếu lý lịch để chúng em làm hồ sơ. Gì chứ, việc này quá dễ, tôi tự nhủ. Cầm cái giấy lý lịch in sẵn đọc lướt qua mới thấy không đơn giản tí nào. Tôi bần thần hỏi cô giáo, mục này, mục này, mục này… cũng phải khai sao cô. Cô gật, khai tất anh ạ, chỗ nào không có gì để khai thì cứ gạch chéo, đừng bỏ trống, quy định là vậy.
Trời ạ, tôi cắm cúi biên cho cu con mới hơn 3 tuổi của tôi các gạch đầu dòng: Bí danh - không; ngày vào đoàn, ngày vào đảng - không; trước năm 1975 làm gì, ở đâu - không; có tham gia đảng phái - không; có làm gì cho ta hoặc địch, gây tội ác - không; khen thưởng, kỷ luật - không, v.v.. Giời ạ, giờ đương sự vẫn đang ỉa đùn thì làm sao tham gia vào được những thứ xảy ra đã hơn chục năm trước. Nhưng mẫu sơ yếu lý lịch bắt buộc vậy, không thể không khai. Lại còn phải cam đoan tất cả những điều khai trên hoàn toàn đúng sự thật, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm. Xong, ký tên. Tôi đùa hỏi cô xinh, vậy tôi ký hay cháu ký, nó chưa biết chữ, chắc phải điểm chỉ. Cô cười, anh ký đi. Hôm sau, thằng con tôi thành học viên chính thức của trường mầm non 26 nổi tiếng. Giờ nhớ lại thấy vừa buồn cười vừa chua chát. Chúng ta đã từng sống với một bộ máy đầy những sự vô lý như vậy. Không cưỡng lại được. Chỉ cần anh có lý, nó sẽ gạt anh ra khỏi guồng của nó ngay. Độc tài, phát xít cũng phải gọi nó bằng cụ.
Giờ nói về cái giấy tùy thân. Những ai hay ra nước ngoài, thích đi nước ngoài thì mới cần tấm hộ chiếu, nhưng thẻ căn cước bất cứ ai cũng phải có. Thế mới gọi là tùy thân. Tùy nghĩa là theo, đi theo; phu xướng phụ tùy, chồng nói gì vợ tuân theo thế; thân là cơ thể con người. Tùy thân để chỉ thứ đồ vật luôn phải mang theo người. Giấy/thẻ căn cước còn có tên chứng minh thư, một thứ văn bản để chứng minh về bản thân mình. Mang thẻ căn cước theo người để khi cần thì chứng minh cho người ta biết mình là ai, tuổi tác, quê quán, nhận dạng… Dù là quan hay dân, cái thẻ/giấy ấy đều là căn cước.
Thế rồi, chả biết từ bao giờ, những nhà chức việc hay chữ, cuồng chữ, khoe chữ ở xứ này đổi tên tấm giấy thông hành căn cước vốn đã đầy đủ, rõ nghĩa, gọn gàng. Như các cụ bảo “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”, quả vậy. Họ gọi nó là Chứng minh nhân dân. Giời ạ, cái hội chứng “nhân dân” ta từng thấy ở quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát, nhà hát, hiệu sách, thứ gì cũng phải kèm đuôi “nhân dân”, leo vào cả thẻ căn cước. Tất cả những người trên nước Việt đều là dân nước Việt, nhưng nhân dân thì chỉ nhằm tới đối tượng đông đảo nhất thôi. Tách khỏi nhân dân là cán bộ, là đám lãnh đạo, xã hội xưa nay mặc nhiên hiểu vậy. Thời cộng sản, sự phân định càng rõ. Thế nên các quan mới khuyên nhau phải đi vào quần chúng nhân dân (mới sinh ra chuyện tiếu lâm đi sâu vào quần… chúng, nắm chắc hai điểm trên, nhấn sâu vào điểm dưới), sâu sát nhân dân, nắm được tâm tư nguyện vọng nhân dân. Vậy nhưng thẻ căn cước của quan-cán bộ cũng là chứng minh nhân dân thì rất vớ vẩn.
Dùng cái tên sai đó mãi cũng chán, các ông bà chức việc bới việc lại đổi tiếp Chứng minh nhân dân thành Căn cước công dân. Tới cái tên này thì chán ặt. Rất nhố nhăng, tùy tiện. Xin hỏi các ông bà, thẻ căn cước không cấp cho người, cho công dân, chả nhẽ cấp cho gà lợn trâu bò? Chỉ có cái tên chuẩn xác mà cũng không biết đặt, còn làm được trò gì.
Tôi đề nghị, sắp tới thẻ chứng minh nhân dân bỏ hẳn nên không cần bàn nữa, nhưng thứ mà các ngài gọi là Căn cước công dân ấy phải đổi lại tên, kẻo trâu bò chúng tị nạnh. Chỉ cần đặt ngắn gọn, chính xác là “Thẻ căn cước”, không cần rườm rà nhân dân, công dân gì sất. Chối lắm. Dù chủ tịch nước hay anh chạy xe ôm đều bình đẳng, giống nhau ở cái giấy tùy thân này, bởi đều là người cả.
Điều đáng nói, sau gần nửa thế kỷ, với bao nhiêu cải tiến cải lùi, rồi sẽ tới lúc tấm thẻ tùy thân lại phải trở về với cái tên chuẩn “Thẻ căn cước” như chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 đã mần.


SAU ĐỨC, TÂY BAN NHA, SÉC DỪNG CẤP VISA HỘ CHIẾU MẪU MỚI: TOUR

CHÂU ÂU QUAY CUỒNG BẺ LÁI

LINH TRANG/VNN 3-8-2022

Nhiều công ty du lịch Việt Nam đang "đứng ngồi không yên", tìm để cách bảo vệ quyền lợi khách hàng khi Đức, Tây Ban Nha, Séc lần lượt thông báo tạm dừng cấp visa đối với hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam.

Gần một tuần qua, kể từ khi Đức (27/7) thông báo không thể cấp thị thực vào hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới màu xanh tím than, sau đó lần lượt là Tây Ban Nha (1/8), Séc (2/8) đồng loạt dừng công nhận mẫu hộ chiếu này, các công ty lữ hành luôn trong tình trạng quay cuồng, tìm đủ cách để xử lý.

Từ tháng 6 tới nay, các tour du lịch châu Âu đang được du khách Việt Nam đặc biệt ưa chuộng. Các đơn vị lữ hành trên khắp cả nước tung ra nhiều tour châu Âu với lịch trình đa dạng, hấp dẫn. Hiện nay, các tuyến bay thẳng từ Hà Nội/TPHCM đến Frankfurt (Đức) rất thuận lợi, do đó, nhiều tour du lịch châu Âu có lịch trình nhập cảnh/quá cảnh tại Đức, tiêu biểu như tour Đức - Hà Lan - Bỉ - Pháp - Luxemburg hay Đức - Áo - Slovakia - Hungary - Séc...

Trở tay không kịp

Chia sẻ với báo VietNamNet, bà Đoàn Thị Thu Hương - Giám đốc kinh doanh của AsiaTravel cho biết, sau Covid-19, các tín hiệu tích cực về du lịch chỉ vừa xuất hiện thì việc các quốc gia châu Âu đồng loạt dừng công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam như "cú giáng" vào các công ty lữ hành.

Hiện đơn vị này có 4 sản phẩm tour du lịch châu Âu, trong đó có 3 sản phẩm có lịch trình qua Đức và Séc. 

"Ngày 7/8 tới đây, chúng tôi có một đoàn khách đi tour Pháp - Thụy Sĩ - Đức - Áo - Séc. Vé máy bay, phòng khách sạn và các chi phí liên quan đều đã được chi trả, chỉ chờ ngày khởi hành. Ngày 27/7, sau khi Đức thông báo dừng cấp thị thực vào hộ chiếu Việt Nam mẫu mới, chúng tôi lập tức rà soát thông tin khách hàng, tìm cách trao đổi với khách để điều chỉnh lịch trình", bà Hương cho biết. Thời điểm đó, AsiaTravel lên phương án để vị khách sử dụng hộ chiếu mẫu mới tách đoàn, đi theo tuyến đường khác qua Áo, thay vì lịch trình đến Đức. Để thực hiện được điều này, công ty phải bố trí thêm nguồn lực để tìm kiếm cơ sở lưu trú, dịch vụ... còn khách hàng phải chấp nhận tăng thêm chi phí.

"Thực sự việc thuyết phục và sắp xếp khách hàng thay đổi lịch trình không hề đơn giản", bà Hương cho biết. Hầu hết các khách hàng sẽ đi tour cùng nhóm bạn bè hay gia đình. Do đó, khi một vị khách sử dụng hộ chiếu mới bị ảnh hưởng, cả nhóm/gia đình sẽ cùng tách đoàn, thay đổi lịch trình. Chi phí "bẻ lái" dự kiến sẽ tăng từ 15-20% mỗi người.

"Chúng tôi vừa sắp xếp phương án hợp lý cho đoàn khách trên thì lại nhận được thông tin Séc dừng công nhận mẫu hộ chiếu mới. Chúng tôi lại tiếp tục phải lên phương án thay đổi và lần này còn phải đổi vé máy bay cho khách. Chi phí tăng lên rất lớn", bà Hương nói. "Những thông báo này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý khách hàng. Họ lo lắng, trong quá trình ở châu Âu, các quốc gia mới lại ra thông báo dừng công nhận hộ chiếu Việt Nam mẫu mới. Khi đó, chúng tôi thực sự trở tay không kịp", bà Hương bày tỏ sự lo ngại.

Cũng trong tháng 8, đơn vị này có hai tour du lịch Đức - Áo - Hungary - Séc khởi hành vào 21/8 và 29/8 nhưng việc bán tour đang bị hạn chế nhiều bởi thông tin Đức, Séc dừng công nhận mẫu hộ chiếu mới. "Công ty chúng tôi đã mua vào gần 2.000 vé máy bay từ các hãng hàng không QR, EK, QH để chạy series tour Châu Âu đến hết năm 2022. Tuy nhiên, với thông tin này, các khách hàng đang sở hữu hộ chiếu mới hoặc chuẩn bị làm hộ chiếu mẫu mới sẽ không còn ý định mua tour du lịch châu Âu (có lịch trình nhập cảnh/quá cảnh Đức) cho đến khi có thông báo mới. Các hãng hàng không cũng chưa đưa ra phương án hỗ trợ gì cho đơn vị lữ hành trước tình huống này”, bà Hương thông tin.

Thay đổi lịch trình là phương án mà nhiều công ty lữ hành tại Việt Nam áp dụng trong thời điểm một số quốc gia châu Âu thông báo dừng hộ chiếu Việt Nam mẫu mới.

Công ty Du lịch Châu Mỹ (Pan American Travel) đã phải tức tốc thay đổi lịch trình cho hai du khách sử dụng mẫu hộ chiếu mới trong đêm ngày 27/7.

"Sáng ngày 27/7, một đoàn du khách của chúng tôi đã nhập cảnh Đức mà không có trở ngại nào. Thông tin ngừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam được thông báo quá đột ngột vào chiều cùng ngày. Trong khi đó, sáng 28/7, một đoàn khách của chúng tôi, khoảng 30 người sẽ khởi hành từ Hà Nội đến Đức", ông Thỏa cho biết. 

Theo ông Thỏa, khi biết thông tin, đơn vị này đã liên hệ với khách hàng và đề xuất hai hướng giải quyết. Thứ nhất, khách hàng có thể hủy tour du lịch. Thứ hai, công ty có thể hỗ trợ khách hàng đổi lịch trình bay để nhập cảnh sang quốc gia khác, rút ngắn hành trình tới Đức trong tour.

"Đây là trường hợp bất khả kháng nên chúng tôi gặp khó khăn. May mắn là hai du khách đồng ý với phương án đổi lịch trình bay để nhập cảnh sang quốc gia khác, rồi chờ đón đoàn ở điểm đến tiếp theo sau Đức", ông Thỏa thông tin. "Chắc chắn phương án này sẽ phát sinh chi phí tuy nhiên chúng tôi đặt mục tiêu trước mắt là đem đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách", ông Thỏa khẳng định. Đối với các khách hàng sử dụng hộ chiếu mẫu mới, đã đăng kí tour du lịch châu Âu (trong đó có qua Đức) trong thời gian tới, công ty có thể hỗ trợ dời lịch trình. Đơn vị này cũng tìm các phương án để đề phòng trường hợp các quốc gia châu Âu khác cũng dừng công nhận hộ chiếu mới.

Với công ty Best Price, đơn vị này đang tính tới phương án bảo lưu tour châu Âu có lịch trình qua Đức, Tây Ban Nha hay Séc cho du khách tới khi ổn định. Với các trường hợp du khách vẫn tiếp tục muốn thực hiện tour, đơn vị này sẽ đổi lịch trình từ Hà Nội/Sài Gòn đến Pháp thay vì Đức.

Lo ngại của công ty du lịch

Nếu có du khách thuộc diện ảnh hưởng bởi sự việc trên, các đơn vị lữ hành có thể đưa ra phương án giải quyết như: Hoàn trả tiền cho khách hàng; Đổi lịch trình tour, hủy lịch trình qua Đức, Séc, Tây Ban Nha; Bảo lưu tour. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing công ty Best Price, dù xử lý theo phương án nào thì công ty cũng thiệt hại về kinh tế. Nếu hủy tour cho khách hàng, công ty sẽ mất chi phí quảng cáo, vận hành. Nếu thay đổi lịch trình thì chi phí phát sinh vé máy bay, phòng lưu trú rất lớn. 

Đại diện các công ty lo ngại, Đức, Tây Ban Nha và Séc đều là thành viên khối Schengen với những quy định chung. Do vậy, rất có thể thời gian tới cả khối Schengen sẽ ra thông báo liên quan đến hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét