Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

20220823. BÀN VỀ HỌC PHÍ TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

 ĐIỂM BÁO MẠNG


NHIỀU ĐẠI HỌC TĂNG HỌC PHÍ KỊCH TRẦN

MINH GIẢNG/ TT 6-8-2022

TTO - Học phí năm học 2022-2023 của nhiều trường đại học công lập tự chủ tăng kịch trần. Tuy nhiên, cũng có trường tính toán học phí ở mức vừa phải nhằm chia sẻ với người học.

Nhiều đại học tăng học phí kịch trần - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học 2022 do Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: Duyên Phan

Năm 2021, Bộ GD-ĐT có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo giữ học phí ổn định năm học 2021-2022 như mức học phí năm học trước. Học phí các trường có một năm bình yên. Tuy nhiên, năm học 2022-2023 sắp tới, học phí các trường đại học tự chủ sẽ đồng loạt tăng mạnh dựa vào nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Tăng vài chục phần trăm

Theo thông tin từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM, mức học phí 20,5 triệu đồng/năm được duy trì ổn định trong hai năm (năm học 2020-2021, 2021-2022). Từ năm học 2022-2023, học phí được quy định bởi nghị định 81/2021/NĐ-CP, theo đó học phí được điều chỉnh ở mức 31,25 triệu đồng/năm. Như vậy, mức học phí hệ đại trà năm học mới tăng 10,75 triệu đồng so với năm học trước.

Tại Trường đại học Luật TP.HCM, năm học 2021-2022 trường dự kiến thu học phí từ 30 đến 45 triệu đồng/năm học, tùy ngành. Tuy nhiên, do Bộ GD-ĐT yêu cầu giữ ổn định học phí nên trường vẫn thu học phí hệ đại trà từ 18 đến 36 triệu đồng/năm tùy ngành. Năm học tới, học phí hệ này của trường sẽ tăng lên từ 31,25 đến 39 triệu đồng/năm. Như vậy, ngành có mức tăng cao nhất lên đến 13,25 triệu đồng. Riêng hệ chất lượng cao, ngành quản trị luật có học phí tăng hơn 24,6 triệu đồng so với năm học trước.

Cũng trong năm học tới, học phí Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tăng từ 12 đến 13 triệu đồng/năm tùy ngành. Trong đó các ngành y, dược và răng hàm mặt có học phí hơn 44 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại có học phí 43 triệu đồng. Trong khi đó, học phí năm học tới của Trường đại học Y dược TP.HCM có sự tăng, giảm tùy theo ngành so với năm học trước. Trong đó, răng hàm mặt, y tế công cộng, dinh dưỡng tăng 7 triệu đồng, y khoa tăng 6,8 triệu đồng/năm. 

Ở chiều ngược lại, một số ngành lại có học phí giảm mạnh so với năm học trước như kỹ thuật phục hình răng giảm 18 triệu đồng, từ 55 triệu đồng xuống còn 37 triệu đồng/năm.

Ở khu vực phía Bắc, theo thông báo của Trường đại học Luật Hà Nội, từ năm học 2022-2023, học phí hệ đại trà là 572.000 đồng/tín chỉ trong khi năm học trước là 280.000 đồng/tín chỉ. Nhiều ngành tại Trường đại học Y Hà Nội có học phí tăng mạnh từ 14,3 triệu đồng của năm học trước lên 24,5 triệu đồng/năm, tăng 71,3%. 

Đây là mức học phí trần của nghị định 81. Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022 là 42 triệu đồng/năm, so với mức 35 triệu đồng/năm/sinh viên của năm học trước.

Thu không đủ chi?

Năm 2021, Khoa y (Đại học Quốc gia TP.HCM) dự kiến mức học phí từ 55 đến 85 triệu đồng/năm học tùy ngành cho khóa tuyển năm 2021. Dự kiến năm 2022 tăng lên 60,5 đến 98 triệu đồng/năm. Tuy nhiên thực tế đơn vị này chỉ được thu mức 37 đến 49 triệu đồng/năm.

Ông Lê Văn Quang - phó trưởng Khoa y - cho biết do trường chưa kiểm định nên theo quy định không được tăng học phí. Mức thu hiện tại không đủ trang trải chi phí đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM phải cấp bù kinh phí.

"Thực tế đào tạo các ngành sức khỏe chi phí rất lớn. Nếu tính đúng, tính đủ học phí phải trên 100 triệu đồng/năm" - ông Quang cho hay.

Trường thu kịch trần, trường chỉ tăng nhẹ

Đa số học phí được các trường lấy theo mức trần (mức cao nhất) nghị định 81. Ông Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM - cho biết do trường tự chủ hoàn toàn, không còn được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước nên học phí được tính đúng, tính đủ theo mức trần nghị định 81.

"Đáng lẽ trường thực hiện tăng học phí khóa mới từ năm 2021 theo nghị định 81 nhưng Bộ GD-ĐT chỉ đạo giữ ổn định học phí nhằm chia sẻ khó khăn với người học nên trường vẫn giữ nguyên học phí như năm 2020. Mức tăng học phí năm nay được tính theo năm 2021 chứ không phải năm 2021 cộng thêm 10%" - ông Hiển nói.

Lý giải việc học phí nhiều ngành tăng, giảm so với học phí năm trước, ông Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết học phí năm nay được xác định theo nghị định 81 nên có một số thay đổi dẫn đến học phí được điều chỉnh tăng so với năm học trước.

Trong khi đó, nhiều trường không áp mức trần học phí theo quy định mà tính toán, xác định học phí ở mức thấp hơn. Ông Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết trường không áp dụng mức trần học phí mà tính toán nhiều mức học phí khác nhau. 

Với những ngành có nhu cầu ít, trường xác định mức học phí thấp hơn, được Đại học Quốc gia hỗ trợ 35% học phí để người học có thể theo học được. Chẳng hạn những ngành có học phí 16 triệu đồng, được hỗ trợ 35% học phí nên học phí sinh viên thực đóng chỉ trên 13 triệu đồng/năm. Trường thu học phí kịch trần với những ngành có nhu cầu lớn.

Chia sẻ với người học

Ông Nguyễn Minh Hà - hiệu trưởng Trường đại học Mở TP.HCM, một trong 23 trường tự chủ hoàn toàn - cho biết học phí năm học tới của trường tăng từ 5-7% tùy theo ngành. "Mức tăng này tính toán theo mức trượt giá. Trường không tăng học phí nhiều vì thực tế các dịch vụ giáo dục cũng không thay đổi nhiều so với năm trước.

Sinh viên khóa mới và khóa cũ, cùng hưởng dịch vụ giáo dục như nhau nhưng người đóng 18 triệu đồng, người đóng 28 triệu đồng rõ ràng có sự bất bình đẳng. Hơn nữa, mức học phí tăng cũng được tính toán đảm bảo sức chịu đựng của người học và đó cũng là trách nhiệm chia sẻ với người học và xã hội" - ông Hà nói.

Đắn đo xếp nguyện vọng đại học vì học phíĐắn đo xếp nguyện vọng đại học vì học phí

TTO - Từ 22-7 đến 17h ngày 20-8, thí sinh cả nước đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học.

MINH GIẢNG

TỰ CHỦ ĐẠI HỌC VÀ HỌC PHÍ: ĐỂ TRĂM DÂU KHÔNG ĐỔ ĐẦU...HỌC PHÍ

MINH GIẢNG/ TT 16-8-2022

TTO - Tăng nguồn thu từ các hoạt động khoa học công nghệ, tài trợ sẽ giúp giảm áp lực tài chính lên người học trong khi vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả của trường.

Tự chủ đại học và học phí: Để trăm dâu không đổ đầu... học phí - Ảnh 1.

Máy cắt vớt lục bình là sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa tốt nhất của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, góp phần mang lại nguồn thu cho trường - Ảnh: TRUNG THÀNH

Cả nước hiện có tổng cộng 141/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2, điều 32 Luật giáo dục ĐH (không tính các trường ĐH thuộc khối công an, quân đội; các trường ĐH quốc tế). 

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và đào tạo, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỉ lệ rất thấp, chủ yếu nguồn thu của nhà trường vẫn là nguồn học phí. Nghị định 81 là cơ sở để nhiều trường ĐH tăng học phí, trong số này nhiều trường tăng kịch trần.

Tác động tiêu cực

PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy - trưởng ban kế hoạch tài chính ĐH Quốc gia TP.HCM - nhận định mặt trái của việc tăng học phí trong các trường ĐH công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH. 

Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của đất nước cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng học phí. Hiện nay, với cùng một mức chi trả học phí, người học bắt đầu giảm lựa chọn học các ngành khoa học cơ bản để theo học các ngành mang tính "hot", bởi vì cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn.

Ông Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT - cho rằng tài chính của trường ĐH có thể đến từ nhiều nguồn, từ học phí người học (tự đóng hoặc vay tín dụng), từ ngân sách nhà nước, từ hiến tặng, từ các nguồn thu qua hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ và đầu tư. 

"Việc quá nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ, trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế sẽ dẫn đến một nền giáo dục ĐH xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học. Nền giáo dục này sẽ như thế nào và đi về đâu?" - ông Tùng đặt vấn đề.

Trong khi đó, theo TS Ellie Phương Nguyễn - giảng viên ĐH bang Oklahoma, Hoa Kỳ, nguồn thu các trường ĐH ở Mỹ không chỉ đến từ học phí mà từ rất nhiều nguồn như: đóng góp từ cựu sinh viên và các nguồn từ thiện để lập quỹ đầu tư cho trường. 

Trường càng có danh tiếng và cựu sinh viên thành công thì nguồn này càng lớn, lên đến vài trăm triệu hay vài chục tỉ đôla như Havard. Ngoài ra còn có tiền hỗ trợ từ liên bang tùy vào trường công hay tư, tiền đóng vào từ quỹ nghiên cứu của giáo sư...

Đa dạng nguồn thu

Máy cắt vớt lục bình có lẽ là sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa tốt nhất của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đến thời điểm này. Đó không chỉ là thành quả nghiên cứu khoa học mà còn là sản phẩm giúp giải quyết các vấn đề của cộng đồng cũng như gia tăng nguồn thu cho trường. Từ đặt hàng hai máy ban đầu của UBND TP.HCM, đến nay sản phẩm này của trường đã qua nhiều lần cải tiến, nâng cấp và được thương mại hóa rộng rãi. Nhiều đơn vị, tỉnh thành đã đặt mua.

Ở thời điểm hiện tại, giá mỗi máy dao động từ 3 đến 5 tỉ đồng, phí đào tạo 100 triệu đồng. Trong khi đó, giá nhượng quyền công nghệ và bản vẽ thiết kế cũng có giá 3 tỉ đồng. PGS.TS Trịnh Ngọc Nam - trưởng phòng quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết đây là sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao và thương mại thành công nhất của trường.

Theo PGS.TS Lâm Quang Vinh - trưởng ban khoa học công nghệ ĐH Quốc gia TP.HCM, mỗi năm các trường, đơn vị thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đã chuyển giao công nghệ với doanh thu hàng trăm tỉ đồng. Riêng năm 2017 đạt hơn 249 tỉ đồng, năm 2016 đạt hơn 257 tỉ đồng. Số liệu năm 2017 cho thấy gần 60% doanh thu đến từ dịch vụ kỹ thuật cho công nghiệp, 25% từ dịch vụ tư vấn, 9% từ chuyển giao công nghệ, 2% từ đào tạo, 5% còn lại từ các dịch vụ khác.

Tính riêng tại Trường ĐH Bách khoa, mỗi năm doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ, thực hiện đề án khoảng 150 tỉ đồng trong tổng số 700 tỉ doanh thu của trường. PGS.TS Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết khi tự chủ, các trường bị cắt kinh phí từ Nhà nước nên việc tăng học phí là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng như thế nào tùy thuộc vào mỗi trường.

"Trường xác định tăng nguồn thu từ nhiều nguồn khác để bù vào đảm bảo các hoạt động của trường, không phải tăng học phí quá nhiều. Phần học phí tăng thêm kia sẽ quay trở lại phục vụ sinh viên, đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo" - ông Phúc nói.

Ngoài học bổng do các trường ĐH thành viên vận động trực tiếp từ cựu sinh viên, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, ĐH Quốc gia TP.HCM còn vận động các chương trình học bổng thông qua quỹ phát triển của ĐH này. Từ năm 2019-2022, quỹ đã huy động được tổng cộng 113,38 tỉ đồng. Quỹ đã tài trợ, cấp học bổng và cho sinh viên vay lãi suất 0%. Thời gian vay tối đa 8 năm, giá trị vay bằng học phí tại cơ sở đào tạo. Sinh viên ra trường 1 năm sau mới bắt đầu trả tiền vay.

Tinh giản chương trình đào tạo

Van hien 2(Read-Only)

Những năm qua, Trường ĐH Văn Hiến thực hiện chính sách hỗ trợ một phần học phí cho thí sinh trúng tuyển nhập học vào trường - Ảnh: V.H.

Trong bối cảnh nhiều trường chưa đa dạng được nguồn thu để giảm gánh nặng lên việc tăng học phí, ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và đào tạo - cho rằng trường ĐH cần cải thiện năng suất và hiệu quả quản lý, khi đó giảm chi phí.

"Chương trình đào tạo quyết định chi phí lao động của giảng viên và cán bộ quản lý, chi phí không gian, chi phí cơ hội, chi phí năng lượng, vật tư... Nếu chương trình không được thiết kế tinh giản, lược bớt những môn học không giúp cải thiện cơ hội việc làm cho sinh viên mà hạch toán tính vào chi chí là không công bằng. Trước mắt cần rà soát lại chuẩn đầu ra và cấu trúc lại chương trình để giảm chi phí cho nhà trường và thực chất là giảm học phí cho người học" - ông Vinh đề xuất.

Trong khi đó, tiến sĩ xã hội học Lê Minh Tiến cho rằng việc tăng học phí ĐH chắc chắn tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH. Ông Tiến kiến nghị Nhà nước dù trao cho các trường ĐH tự chủ nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ tài chính cho các trường. Nhà nước cũng có thể lập một quỹ cho các trường ĐH vay với lãi suất thấp để đầu tư, khi đó áp lực hay biên độ tăng học phí của các trường sẽ giảm và điều này cũng giảm áp lực học phí lên vai người học.

Có lộ trình cắt giảm ngân sách

Để giảm áp lực tài chính cho sinh viên, ông Nguyễn Ninh Thụy đề xuất cần có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường ĐH đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường ĐH tự chủ phải theo lộ trình.

Huy động nguồn hiến tặng

Theo ông Lê Minh Tiến, điểm yếu của các trường ĐH Việt Nam là khả năng thu hút được nguồn tài chính từ hiến tặng từ cựu sinh viên và doanh nghiệp quá khiêm tốn. Nếu có thì chủ yếu đến từ các mối quan hệ cá nhân của lãnh đạo các trường chứ chưa trở thành một chiến lược, một chính sách xuyên suốt của các trường.

Để làm được điều này thì dĩ nhiên, các trường phải có sự minh bạch về tài chính và phải có trách nhiệm giải trình trước xã hội. Các trường có thể ký kết hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp hỗ trợ tài chính và các trường hỗ trợ lại bằng cách đào tạo nhân lực hoặc các khóa ngắn hạn cho doanh nghiệp và ưu tiên chuyển giao công nghệ, những kết quả nghiên cứu mới của các trường cho doanh nghiệp...

"Để học phí không đè nặng người học"

Đây là chủ đề của tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 18-8 với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, chuyên gia giáo dục, đại diện các trường ĐH. Tọa đàm nhằm chia sẻ các giải pháp tăng nguồn thu cho các trường từ các hoạt động ngoài học phí để giảm áp lực lên việc tăng học phí, giảm gánh nặng tài chính cho người học cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên.

Từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi email tới giaoduc@tuoitre.com.vn để đặt câu hỏi hoặc chia sẻ quan điểm, góc nhìn, giải pháp với các khách mời của tọa đàm.

MINH GIẢNG

TỰ CHỦ ĐẠI HỌC VÀ HỌC PHÍ: NGUỒN THU ĐẠI HỌC CÁC NƯỚC 

ĐẾN TỪ ĐÂU ?

MINH GIẢNG ghi /TT 18-8-2022

TTO - Ở nhiều quốc gia, chính phủ vẫn hỗ trợ tài chính cho trường ĐH, dù là công hay tư. Nguồn thu từ học phí chiếm phần không quá lớn trong tổng doanh thu.

Tự chủ đại học và học phí: Nguồn thu đại học các nước đến từ đâu? - Ảnh 1.

Trường ĐH cần đa dạng nguồn thu để giảm gánh nặng học phí cho sinh viên. Trong ảnh: sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong một giờ học thực hành - Ảnh: NGỌC NGA

Tuổi Trẻ ghi ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, giảng viên đang làm việc tại các trường ĐH trên thế giới về chủ đề này.

GS NGUYỄN VĂN TUẤN (ĐH New South Wales, Úc):

Nhà nước hỗ trợ tài chính ĐH

Ở Úc, các ĐH có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học theo chiến lược mà chính phủ hoạch định. Do đó, nguồn thu nhập chính của các ĐH Úc là từ tài trợ của chính phủ liên bang, và số tài trợ cho mỗi ĐH tùy thuộc vào số sinh viên mà ĐH thu nhận mỗi năm.

Chẳng hạn như năm 2020, các ĐH Úc có tổng thu nhập là 34,6 tỉ đôla Úc, trong số này 12,1 tỉ đôla (gần 35%) là tài trợ của chính phủ cho việc đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh. Số còn lại là học phí từ sinh viên nước ngoài (9,2 tỉ đôla), học phí sinh viên nội địa (khoảng 6 tỉ đôla), tư vấn cho kỹ nghệ (2 tỉ đôla), các nguồn thu nhập từ tài trợ cho nghiên cứu khoa học và tiền lời từ đầu tư tài sản và tài chính (gần 1 tỉ đôla).

Học phí là do chính phủ liên bang ấn định, nên ĐH không có quyền tăng hay giảm. Cứ mỗi hai năm, các ĐH quy tụ với nhau và gây áp lực lên chính phủ nên điều chỉnh học phí để phù hợp với lạm phát, nhưng chính phủ thì rất cẩn thận trong việc này vì liên quan đến việc bầu cử. Tuy vậy, chính phủ lúc nào cũng có các chương trình hỗ trợ cho sinh viên. Có nhiều sinh viên không có khả năng tài chính thì chính phủ đứng ra "cho vay" và khi sinh viên tốt nghiệp, họ có thể trả dần dần. Nói chung, học phí cho sinh viên nội địa không cao so với thu nhập bình quân ở Úc. Chẳng hạn như để theo học chương trình bác sĩ y khoa, học phí cho sinh viên nội địa khoảng 10.000 đôla mỗi năm (còn cho sinh viên nước ngoài thì khoảng 50.000 - 70.000 đôla mỗi năm).

Tôi ngạc nhiên khi biết nguồn thu nhập chính của ĐH ở Việt Nam là từ học phí của sinh viên. Tôi nghĩ ĐH là một thiết chế của nhà nước có nhiệm vụ đào tạo nhân tài, thì nhà nước phải có trách nhiệm tài trợ cho ĐH ở một mức độ thích hợp. Dĩ nhiên, ĐH vẫn phải thu học phí từ sinh viên, nhưng tôi vẫn nghĩ không nên đẩy tất cả gánh nặng tài chính vào sinh viên, vì đa số sinh viên Việt Nam xuất thân từ các gia đình nghèo.

Tôi nghĩ với cơ chế hiện nay, các ĐH rất khó đa dạng hóa nguồn thu nhập. Chẳng hạn như các ĐH khó có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán. Còn nguồn thu nhập từ nghiên cứu khoa học và tư vấn cho kỹ nghệ thì tôi nghĩ chẳng là bao. Do đó, nhà nước phải tài trợ cho các ĐH, còn tài trợ theo mô hình nào, công thức nào thì đòi hỏi phải có nghiên cứu cẩn thận.

GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH (ĐH Utah, Hoa Kỳ):

Học phí chỉ chiếm 20% doanh thu

Không như các ĐH Việt Nam, nguồn thu của các trường ĐH Hoa Kỳ đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó học phí chỉ là một phần. Các loại doanh thu bao gồm học phí, ngân sách hỗ trợ của chính phủ và tiểu bang, từ các khoản tài trợ từ tư nhân, lợi tức đầu tư... Ở các trường công, thông thường các hỗ trợ từ chính phủ, tiểu bang và chính quyền địa phương chiếm hơn 50% tổng doanh thu. Nguồn thu từ học phí chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu của trường.

Đối với các trường tư, các khoản tài trợ và trao tặng chiếm phần lớn doanh thu của trường. Nguồn thu cho các trường ĐH tư tăng trưởng khá ổn định, trong đó có nguồn từ học phí, tài trợ liên bang. Doanh thu từ học phí của trường tư rơi vào khoảng 30 - 40% tổng doanh thu của trường. Ở Mỹ, không chỉ trường công mà trường tư cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ và chính quyền tiểu bang, địa phương. Rất nhiều trong số này đến dưới dạng trợ cấp và các hợp đồng.

Các trường ĐH Việt Nam cũng có thể đa dạng nguồn thu của mình nhưng phải biết cách vượt qua cái khó vì hiện tại các ĐH chỉ biết tìm doanh thu từ học phí là chính.

"Để học phí không đè nặng người học"

Đây là chủ đề của tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 18-8, với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường ĐH. Tọa đàm nhằm chia sẻ các giải pháp tăng nguồn thu cho các trường từ các hoạt động ngoài học phí để giảm áp lực lên việc tăng học phí, giảm gánh nặng tài chính cho người học cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên. Từ bây giờ, bạn đọc có thể email tới giaoduc@tuoitre.com.vn để đặt câu hỏi hoặc chia sẻ quan điểm, góc nhìn, giải pháp với các khách mời của tọa đàm.

ThS LÊ THIÊN TÂM (ĐH Otago, New Zealand):

Nhà nước kiểm soát việc tăng học phí

Các trường ĐH New Zealand có nguồn thu khá đa dạng bao gồm hỗ trợ từ chính phủ, học phí từ sinh viên trong nước và quốc tế, tài trợ nghiên cứu, các hoạt động thương mại... Theo thống kê của Universities New Zealand - tổ chức đại diện cho 8 trường ĐH của New Zealand, 42% thu nhập của các trường ĐH là từ chính phủ thông qua trợ cấp học phí, 28% từ sinh viên thông qua học phí, 30% từ nghiên cứu khoa học, thương mại hóa và doanh thu khác.

Bên cạnh trợ cấp từ chính phủ, các trường ĐH đã tiếp tục mở rộng nghiên cứu và kết nối ngành, đa dạng hóa nguồn thu nhập hơn nữa, tăng thu nhập từ nghiên cứu và thương mại hóa, doanh thu từ các hoạt động thương mại liên kết. Bộ Giáo dục ĐH, kỹ năng và việc làm giới hạn bất kỳ khoản tăng nào đối với học phí sinh viên trong nước. Năm 2021, mức tăng tối đa được quy định là 1,1%.

Tránh xu hướng nhà trường tối đa hóa lợi nhuận

Theo kết quả nghiên cứu về tự chủ tài chính công bố năm 2018 của GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - đi kèm với các chính sách cắt giảm nguồn tài trợ, chính phủ các quốc gia châu Á cũng nới lỏng các quy định về nguồn thu để tạo điều kiện cho trường ĐH tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn thu. Tuy nhiên, chính phủ các quốc gia châu Á chưa thực sự mở rộng chính sách thu học phí cho trường ĐH mà vẫn còn những quy định khá chặt chẽ và thậm chí là áp dụng trần học phí. Nguyên nhân là họ sợ các trường ĐH vận hành hoạt động theo cơ chế thị trường với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà xa rời các mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nền kinh tế.



Học phí luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của học sinh, phụ huynh khi tham gia Ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2022 của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: MINH DUY


Các trường ĐH Trung Quốc tìm kiếm các nguồn thu tư nhân từ cựu sinh viên, tài trợ của xã hội, học phí và hợp đồng nghiên cứu khoa học. Kết quả là trong giai đoạn 2000 - 2008, tỉ trọng của nguồn thu tư nhân trên tổng nguồn thu của các trường ĐH ở Trung Quốc tăng từ 34,8% lên thành 49,2%; phần còn lại của nguồn thu (50,8%) được tài trợ bởi chính phủ, trong đó có một phần từ chính quyền địa phương.Với Nhật Bản, vào năm 2004, các trường ĐH quốc gia được chuyển đổi thành các công ty cổ phần ĐH quốc gia. Theo đó, trường ĐH trở thành một pháp nhân độc lập và hoạt động quản lý tài chính của các trường này chuyển từ cơ chế kiểm soát chi tiêu dựa trên tiền mặt truyền thống thành cơ chế kiểm soát thu chi dựa trên việc tích lũy. Cụ thể, học phí là nguồn thu của riêng trường ĐH, thay vì trước kia phải nộp về cho nhà nước. Điều này có nghĩa là trường ĐH có quyền kiểm soát việc thu chi.

Các trường ĐH tại Indonesia được tự do tìm kiếm các nguồn thu khác như học phí, hoạt động tư vấn, liên kết với doanh nghiệp. Dù trường ĐH có quyền quyết định mức học phí nhưng chính phủ vẫn quy định nguồn thu từ học phí không được cao hơn 30% tổng chi của trường ĐH. Đồng thời, chính phủ cũng quy định ít nhất 20% nguồn chi của trường ĐH phải dành cho sinh viên nghèo.


MINH GIẢNG

NGUỒN THU NHẬP CỦA CÁC ĐẠI HỌC VIỆT NAM VÀ ÚC

NGUYỄN VĂN TUẤN / BVN 19-8-2022

clip_image002

Báo Tuổi Trẻ chạy một loạt bài về "Tự chủ đại học và học phí", trong đó có câu hỏi nguồn thu đại học đến từ đâu [1], với vài thông tin đáng ngạc nhiên.

Đáng ngạc nhiên là vì ở Việt Nam ngày nay, nguồn thu chánh của các đại học là học phí. Điều này rất ngạc nhiên đối với tôi, bởi vì làm như vậy là dồn gánh nặng tài chánh sang sinh viên. Vai trò của chánh phủ ở đâu?

Còn ở Úc thì sao? Tôi nghĩ ở Úc các đại học có vai trò giống như là một 'nhà thầu' đào tạo chuyên gia, và 'chủ thầu' là chánh phủ liên bang. Theo mô hình này, đại học thu nhận càng nhiều sinh viên thì được chánh phủ trả tiền càng nhiều. Chẳng hạn như năm 2020, số tiền mà chánh phủ liên bang trả cho đại học đào tạo là 12.1 tỉ đôla, chiếm 35% tổng thu nhập của các đại học Úc.

Ở Úc, học phí từ sinh viên ngoại quốc năm 2020 là 9.2 tỉ đôla, chiếm gần 27% tổng số thu nhập của đại học. Còn sinh viên nội địa chỉ đóng góp 6 tỉ đôla, tức 17% tổng số thu nhập của đại học.

Vậy còn các nguồn khác thì sao? Các đại học Úc có thu nhập từ đầu tư tài sản, đầu tư chứng khoán, nghiên cứu khoa học, tư vấn cho kĩ nghệ, v.v. Nhưng các nguồn này cũng chỉ chiếm 15% tổng thu nhập của đại học. Tóm lại, thu nhập của đại học Úc chủ yếu vẫn là từ chánh phủ liên bang và du học sinh (xem biểu đồ).

Nhưng ở Việt Nam, sinh viên lại là nguồn thu nhập chánh, nhưng tôi không rõ là bao nhiêu. Tại sao chánh phủ không tài trợ cho đại học nếu họ muốn có một nguồn chuyên gia chất lượng cao? Tại sao đẩy gánh nặng về cho sinh viên?

_____

[1] https://tuoitre.vn/tu-chu-dai-hoc-va-hoc-phi-nguon-thu...

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn


HỌC PHÍ NGÀNH Y DƯỢC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TĂNG RA SAO TRONG NHỮNG NĂM QUA ?
NGÂN CHI/GDVN 22-8-2022

Vấn đề tăng học phí trong năm học tới tại các trường đại học trên cả nước vẫn đang nhận nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, năm học 2022-2023, học phí đối với khối ngành Y dược của nhiều trường đại học dự kiến tăng mạnh, có ngành tăng đến hơn 70% so với năm trước.

Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh:

Học phí năm học 2019-2020 là 1,43 triệu đồng/tháng, tương ứng 14,3 triệu đồng/năm.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh tự chủ học phí. Học phí chi tiết của năm học này như sau:

Ngành Răng Hàm Mặt (70 triệu đồng/năm). Y khoa (68 triệu đồng/năm). Ngành Kỹ thuật phục hình răng (55 triệu đồng/năm). Dược học (50 triệu đồng/năm).

Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Hộ sinh, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng (40 triệu đồng/năm).

Ngành Y học dự phòng, Y học cổ truyền (38 triệu đồng/năm). Ngành Dinh dưỡng, Y tế công cộng (30 triệu đồng/năm).

Như vậy, có những ngành tăng học phí gấp 4-5 lần so với năm học trước (Răng Hàm Mặt, Y khoa...).

Năm học 2021-2022, học phí không tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Học phí ngành y dược các trường ĐH tăng ra sao trong những năm qua? ảnh 1

Sinh viên Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh được thầy cô hướng dẫn làm quen với các thiết bị chuyên dụng tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19. (Ảnh: ump.edu.vn).

Năm học 2022-2023, học phí dự kiến cụ thể của các ngành như sau:

Ngành Răng Hàm Mặt (77 triệu đồng/năm). Ngành Y khoa (74,8 triệu đồng/năm). Ngành Dược học (55 triệu đồng/năm). Ngành Y học dự phòng, Y học cổ truyền (41,8 triệu đồng/năm).

Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Y tế công cộng (37 triệu đồng/năm).

Học phí ngành y dược các trường ĐH tăng ra sao trong những năm qua? ảnh 2

Trường Đại học Y dược Cần Thơ được phê duyệt đề án tự chủ từ năm 2017.

Năm học 2017-2018, mức học phí của Trường Đại học Y dược Cần Thơ được tính theo ngành đào tạo, có những ngành đào tạo 6 năm, 4 năm và 5 năm, tùy thuộc từng ngành mà có mức học phí khác nhau. Trung bình mức học phí của trường được thu theo đúng với quy định của nhà nước, mức thu học phí của trường là 980.000 đồng/tháng, bình quân mỗi năm học là khoảng 10 triệu đồng.

Năm học 2019-2020, với sinh viên trúng tuyển từ năm học này, học phí bình quân tối đa cho chương trình đại trà của trường là 19,2 triệu đồng (theo Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của chương trình đại trà).

Năm học 2020-2021, học phí bình quân tối đa cho chương trình đại trà là 24,6 triệu đồng một năm (theo Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động).

Năm học 2021-2022, mức học phí không đổi so với năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Năm học 2022-2023, dự kiến các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học (44,1 triệu đồng/năm). Ngành Y học cổ truyền, Y học dự phòng (39,2 triệu đồng/năm). Các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học (34,3 triệu đồng/năm).

Ngành Hộ sinh, Kỹ thuật hình ảnh y học, Y tế công cộng (29,4 triệu đồng/năm).

Như vậy học phí bình quân các ngành là 36,75 triệu đồng/năm, (tăng 12,15 triệu đồng, tương đương gần 53% so với năm học trước). Những ngành có mức học phí cao nhất tăng so với năm học trước 19,5 triệu đồng (khoảng 79%).

Học phí ngành y dược các trường ĐH tăng ra sao trong những năm qua? ảnh 3

Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên)

Lộ trình tăng học phí của Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) cũng áp dụng từ năm học 2022-2023 với mức từ 1,85-2,45 triệu đồng/tháng.

Học phí ngành y dược các trường ĐH tăng ra sao trong những năm qua? ảnh 4

Lộ trình tăng học phí Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên).

Trước đó, mức học phí của Đại học Y dược Thái Nguyên năm học 2017-2018 là 1,07 triệu đồng/tháng. Tổng mức học phí một năm là 10,7 triệu đồng.

Năm học 2019-2020, học phí đào tạo đại học là 1,3 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 13 triệu đồng/năm.

Năm học 2020-2021, học phí chung cho 6 ngành (Y khoa, Dược học và Răng Hàm Mặt, Y học dự phòng, Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học là 14,3 triệu đồng/năm.

Năm học 2021-2022, học phí không đổi so với năm trước do dịch Covid-19 (tức 14,3 triệu đồng/năm).

Năm học 2022-2023, theo lộ trình tăng học phí, chi tiết dự kiến như sau: Học phí đối với các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Hộ sinh là 1,85 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 18,5 triệu đồng/năm).

Học phí đối với các ngành Y khoa, Y học dự phòng, Răng Hàm Mặt, Dược học là 2,45 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 24,5 triệu đồng/năm).

Vậy so với năm học trước, ngành học phí cao nhất tăng khoảng 10,2 triệu đồng (tương đương tăng khoảng 71%).

Học phí ngành y dược các trường ĐH tăng ra sao trong những năm qua? ảnh 5

Trường Đại học Y Hà Nội

Năm học 2019-2020, mức học phí của Trường Đại học Y Hà Nội đối với tất cả các chương trình là 1,18 triệu đồng/tháng. Riêng chuyên ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến, mức học phí dao động từ 2,6-2,9 triệu đồng/tháng. Học phí được thu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm học 2020-2021, học phí trường đối với sinh viên chính quy năm 2021-2022 vẫn theo Nghị định 86 của Chính phủ tức 14,3 triệu đồng/năm.

Năm học 2021-2022, học phí không đổi do dịch COVID.

Năm học 2022-2023, các ngành Răng Hàm Mặt và khối ngành Y dược của Trường Đại học Y Hà Nội (gồm Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng) sẽ có mức học phí là 2,45 triệu đồng/ tháng; Khối ngành Sức khỏe (gồm Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng) sẽ có học phí là 1,85 triệu đồng/tháng).

Như vậy, so với năm học trước, một số ngành có mức học phí cao nhất đã tăng lên 10,2 triệu đồng (tương đương tăng khoảng 71%).

Học phí ngành y dược các trường ĐH tăng ra sao trong những năm qua? ảnh 6

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Năm 2017, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có dự kiến mức học phí khi được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đề án tự chủ tài chính theo nhóm trường tự chủ tài chính toàn phần. Theo đó, học phí sẽ khác nhau tùy ngành đào tạo, trong đó cao nhất là 4 ngành: Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Dược sĩ đại học, cử nhân Khúc xạ với 4,4 triệu đồng/tháng. Ngành cử nhân Xét nghiệm y học thu 3,6 triệu đồng/tháng, cử nhân Y tế công cộng 2,5 triệu đồng/tháng. Các ngành cử nhân Điều dưỡng (hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học), cử nhân Kỹ thuật y học thu 3 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2019, đề án tự chủ của trường vẫn chưa được phê duyệt, nên mức học phí qua các năm như sau:

Năm học 2018-2019, học phí đối với thí sinh có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh như sau:

Học phí ngành y dược các trường ĐH tăng ra sao trong những năm qua? ảnh 7

Còn đối với thí sinh không có hộ khẩu thành phố Hồ Chí Minh, học phí được tính như sau:

Học phí ngành y dược các trường ĐH tăng ra sao trong những năm qua? ảnh 8

Năm học 2019-2020, sinh viên có hộ khẩu thành phố Hồ Chí Minh: 305.000 đồng/tín chỉ, tương đương 11,8 triệu đồng/năm.

Sinh viên ở địa phương khác: 605.000 đồng/tín chỉ, tương đương 23,6 triệu đồng/năm.

Năm học 2020-2021: Đối với sinh viên có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh, đơn giá học phí là 14,3 triệu đồng/năm.

Đối với sinh viên có hộ khẩu tại các tỉnh thành khác, đơn giá học phí mà mỗi sinh viên phải đóng là 28,6 triệu đồng/năm.

Năm học 2021-2022: Các ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt (đóng 32 triệu đồng/năm). Các ngành Y tế công cộng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Dinh dưỡng, Điều dưỡng (đóng 28 triệu đồng/năm).

Theo Đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đơn giá học phí trong năm học 2022-2023 dự kiến sẽ tăng lên khoảng 5% so với năm trước.

Theo đó, đối với các ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt, mức học phí cao nhất không vượt quá 44,368 triệu đồng/năm.

Đối với các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Khúc xạ Nhãn khoa, Y tế công cộng, mức học phí cao nhất không vượt 41 triệu đồng/năm.

Thống kê vậy để thấy cùng một ngành đào tạo nhưng học phí ở mỗi cơ sở giáo dục đại học đang có sự khác nhau.

Theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ có các mức khác nhau tùy thuộc vào từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.

Trong đó quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ.

Ngân Chi
HỌC PHÍ Y, DƯỢC CÁC ĐẠI HỌC CHÊNH NHAU VÀI CHỤC TRIỆU/NĂM, CHẤT LƯỢNG KHÁC RA SAO ?
NGÂN CHI/GDVN 23-8-2022
GDVN- Mỗi trường đại học áp dụng mức học phí khác nhau trong năm học 2022-2023, vậy, điều kiện và chất lượng đào tạo sinh viên khối ngành sức khỏe liệu có giống nhau?

Bắt đầu từ năm học 2022-2023, nhiều trường đại học áp dụng việc tăng học phí, đặc biệt tăng mạnh ở khối ngành sức khỏe.

Cùng đào tạo khối ngành y dược, song, mỗi trường đại học lại dự kiến những mức học phí với tỉ lệ tăng so với năm học trước khác nhau. Vậy chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học này có khác nhau?

Để thấy được chất lượng đào tạo, có thể thông qua so sánh điều kiện đảm bảo chất lượng hằng năm và tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp.

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 1

So sánh điều kiện đảm bảo chất lượng và tỉ lệ sinh viên có việc làm các trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe. (Bảng thống kê dựa vào đề án tuyển sinh năm 2022 của các trường được công bố công khai)

Với Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023, học phí dự kiến cụ thể của các ngành như sau:

Ngành Răng Hàm Mặt (77 triệu đồng/năm). Ngành Y khoa (74,8 triệu đồng/năm). Ngành Dược học (55 triệu đồng/năm). Ngành Y học dự phòng, Y học cổ truyền (41,8 triệu đồng/năm). Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Y tế công cộng (37 triệu đồng/năm).

Theo Đề án tuyển sinh năm 2022 (văn bản số 888/ĐATS-ĐHYD ngày 22/6/2022), điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo bậc đại học tại Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô 11.284 người học, trong đó có 11.167 sinh viên đại học chính quy thuộc lĩnh vực sức khỏe (tính đến ngày 31/12/2021) như sau:

Thống kê số lượng, diện tích đất, diện tích sàn xây dựng, ký túc xá gồm: Tổng diện tích đất của trường (65.545,9m² - không bao gồm bệnh viện). Số chỗ ở ký túc xá của sinh viên (nếu có): 300. Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 3,4m²/sinh viên.

Cụ thể:

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 2

Trường có tổng số 939 giảng viên cơ hữu.

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm:

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 3

Với mức học phí thấp hơn, năm học 2022-2023, Trường Đại học Y dược Cần Thơ dự kiến các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học (44,1 triệu đồng/năm). Ngành Y học cổ truyền, Y học dự phòng (39,2 triệu đồng/năm). Các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học (34,3 triệu đồng/năm). Ngành Hộ sinh, Kỹ thuật hình ảnh y học, Y tế công cộng (29,4 triệu đồng/năm). Như vậy học phí bình quân các ngành là 36,75 triệu đồng/năm, (tăng 12,15 triệu đồng, tương đương gần 53% so với năm học trước). Những ngành có mức học phí cao nhất tăng so với năm học trước 19,5 triệu đồng (khoảng 79%).

Theo Đề án tuyển sinh năm 2022 (văn bản số 1221/ĐHYDCT ngày 22/6/2022), điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo bậc đại học tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ với quy mô 9.321 người học, trong đó có 8.455 sinh viên đại học chính quy thuộc lĩnh vực sức khỏe (tính đến ngày 31/12/2021) như sau:

Thống kê số lượng, diện tích đất, diện tích sàn xây dựng, ký túc xá gồm: Tổng diện tích đất của trường (30,95 ha = 309.500m²). Số chỗ ở ký túc xá của sinh viên: 100 phòng. Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 3,10m²/sinh viên. Cụ thể:

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 4

Tất cả hội trường và phòng học được trang bị cố định máy tính, máy chiếu/màn hình LCD phục vụ giảng dạy và học tập.

Trường có 15 phòng thực hành khoa học cơ bản, 15 phòng thực hành tiền lâm sàng và 102 phòng thí nghiệm, thực hành các môn cơ sở ngành các khoa Y, răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Dược, Điều dưỡng - Kỹ thuật y học, Y tế công cộng.

Tổng số lượng giảng viên cơ hữu trong toàn trường là 485 (trong đó, 29 giáo sư và phó giáo sư; 456 bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ).

Tình hình sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp:

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 5

Học phí năm học 222-2023 tại Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) cụ thể như sau: Đối với các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Hộ sinh, học phí là 1,85 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 18,5 triệu đồng/năm). Học phí đối với các ngành Y khoa, Y học dự phòng, Răng Hàm Mặt, Dược học là 2,45 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 24,5 triệu đồng/năm). So với năm học trước, ngành học phí cao nhất tăng khoảng 10,2 triệu đồng (tương đương khoảng 71%).

Theo Đề án tuyển sinh năm 2022, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo bậc đại học tại Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) với quy mô 6.491 người học, trong đó có 5.903 sinh viên đại học chính quy thuộc lĩnh vực sức khỏe (tính đến ngày 31/12/2021) như sau:

Thống kê số lượng, diện tích đất, diện tích sàn xây dựng, ký túc xá gồm: Tổng diện tích đất của trường (10,8 ha = 108.000 m²). Số chỗ ở ký túc xá của sinh viên: 592 chỗ. Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 5,6m²/sinh viên. Cụ thể:

Trường có hệ thống các bệnh viện thực hành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình,...

Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) có tổng số 776 giảng viên cơ hữu đang giảng dạy khối ngành VI (sức khỏe).

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm:

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 6

Tương tự mức học phí trên, năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội cũng thu học phí theo các ngành, như sau: Các ngành Răng Hàm Mặt và khối ngành Y dược (gồm Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng) sẽ có mức học phí là 2,45 triệu đồng/tháng; khối ngành Sức khỏe (gồm Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng) sẽ có học phí là 1,85 triệu đồng/tháng. So với năm học 2021-2022, một số ngành đào tạo tại trường có mức học phí cao nhất đã tăng lên 10,2 triệu đồng (tương đương khoảng 71%).

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 7

Chương trình tham quan, trải nghiệm thực tế tại Trường Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: Trường Đại học Y Hà Nội).

Theo Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2022 (văn bản số 1329/ĐA-ĐHYHN ngày 2/6/2022), ­đính kèm file công khai thông tin cơ sở vật chất Trường Đại học Y Hà Nội năm học 2020-2021 với quy mô đào tạo (tính đến thời điểm đó) là 6.017 sinh viên đại học chính quy khối ngành VI. Các số liệu được kê khai tính đến này 22/11/2021 cụ thể như sau:

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 8
Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 9
Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 10

Tổng số giảng viên cơ hữu toàn trường có là 817, cụ thể:

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 11

Tình hình sinh viên có việc làm sau 1 năm của Trường Đại học Y Hà Nội theo số liệu năm học 2020-2021 như sau:

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 12

Đối với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đơn giá học phí trong năm học 2022-2023 dự kiến sẽ tăng lên khoảng 5% so với năm trước. Theo đó, đối với các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt, mức học phí cao nhất không vượt quá 44,368 triệu đồng/năm. Đối với các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Khúc xạ Nhãn khoa, Y tế công cộng, mức học phí cao nhất không vượt 41 triệu đồng/năm.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2022 (văn bản số 2702/ĐA-TĐHYTPNT ngày 22/4/2022), điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo bậc đại học tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với quy mô 7.534 sinh viên đại học chính quy thuộc khối ngành VI.

Thống kê diện tích đất, diện tích sàn xây dựng, ký túc xá:

Tổng diện tích đất của trường: 147.491,6m². Bao gồm: Khu hiện hữu (20.391,6m²) + đất dự án (126.600m²).

Tổng diện tích sàn xây dựng của trường: 36.518,88m². Bao gồm: Diện tích khu A1 (3 tầng) là 4.613,4m². Diện tích khu A2 (7 tầng) là 13.300m². Diện tích khu A3 (6 tầng, 1 tầng hầm, 1 tầng KT) là 3.715,5m². Diện tích khu B là 3.112,088m². Diện tích khu C (9 tầng, 2 tầng hầm, 1 tầng KT) là 11.777,892m².

Trong đó: Tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường là 29.654,9m², cụ thể theo bảng:

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 13
Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 14

Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 4,0m²/sinh viên.

Số chỗ ký túc xá: Không.

Toàn trường có 521 giảng viên cơ hữu.

Tỉ lệ sinh viên có việc làm (theo thống kê hai khóa tốt nghiệp gần nhất) của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là 100%. Số liệu cụ thể:

Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? ảnh 15

Từ những số liệu trên, có thể phần nào hình dung chất lượng đào tạo khối ngành sức khoẻ tại một số trường đại học khác nhau.

Ngân Chi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét