Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

20220809. QUANH CHUYẾN THĂM ĐÀI LOAN CỦA BÀ NANCY PELOSI

 ĐIỂM BÁO MẠNG


LÝ GIẢI CHUYẾN THĂM ĐÀI LOAN CỦA BÀ NANCY PELOSI

NGUYỄN QUANG DY/BVN 8-8-2022


“Chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng phương tiện khác” (War is the continuation of politics by other means) - Carl Von Clausewitz.

Trong chuyến thăm 4 nước Châu Á (Singapore, Malaysia, Nam Hàn, Nhật Bản) từ 1-6/8/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (82 tuổi) đã bất ngờ đến thăm Đài Loan (2/8). Bà là quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ năm 1997. Đây là một chuyến thăm gây tranh cãi và đầy kịch tính, có thể kích hoạt cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ 4, làm cho quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng như “bên miệng hố chiến tranh”(brinkmanship). Để lý giải sự kiện bất thường này, cần phân tích nó trong bối cảnh mới.

Bối cảnh mới

Bà Peloci đã dự kiến đi thăm Đài Loan từ 4/2021, nhưng phải hoãn vì đại dịch. Đây không phải lần đầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan. Ông Newt Gingrich đã đến thăm Đài Loan năm 1997, nhưng chuyến thăm của bà Pelosi đã diễn ra trong một bối cảnh mới, không chỉ có ý nghĩa tượng trưng (symbolic) mà còn có nhiều hàm ý khác. Bà Pelosi đã giải thích trong một bài viết đăng trên báo Washington Post. (Nancy Pelosi: Why I’m leading a congressional delegation to Taiwan, Nancy Pelosi, Washington Post, August 2, 2022).

“Luật quan hệ Đài Loan” (Taiwan Relations Act 1979) khẳng định cam kết của Mỹ và lời thề long trọng phải bảo vệ Đài Loan. Nay Trung Quốc tuyên bố chuẩn bị thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, Mỹ không thể đứng ngoài. Chuyến thăm của phái đoàn Quốc hội Mỹ là một minh chứng rõ ràng là Mỹ đang sát cánh với Đài Loan để bảo vệ chủ quyền và tự do. Mỹ đoàn kết với Đài Loan lúc này có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ vì 23 triệu dân Đài Loan mà còn vì hàng triệu người khác đang bị Trung Quốc áp bức và đe dọa.

Bắc Kinh đã vứt lời hứa “một nước, hai chế độ” vào sọt rác, không chỉ ở Hong Kong mà còn ở Tây Tạng và Tân Cương. Ở Tây Tạng, họ đã triển khai chiến dịch xóa bỏ ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và đặc tính Tây Tạng. Ở Tân Cương, họ đã tiến hành diệt chủng người Hồi giáo và các sắc tộc thiểu số khác. Thế giới đứng trước sự lựa chọn giữa độc tài và dân chủ. Mỹ không thể đứng ngoài khi Bắc Kinh đe dọa Đài Loan, nhưng Mỹ cũng không thay đổi chính sách “một Trung Quốc”, theo “Luật Quan hệ Đài Loan” và “Thông cáo Chung”.

Ngay sau khi có tin bà Nancy Pelosi định đến thăm Đài Loan vào đầu tháng 8/2022, ông Tập Cận Bình đã nói với ông Joe Biden rằng “kẻ nào chơi với lửa sẽ bị lửa thiêu”, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng”. Ngay sau đó, Trung Quốc đã điều nhiều máy bay chiến đấu xâm phạm “vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) của Đài Loan, và triển khai tập trận bắn đạn thật tại 6 khu vực biển xung quanh Đài Loan. (Pelosi’s visit and the coming Taiwan crisis, Minxin Pei, ASPI, 3 August 2022).

Nhưng khủng hoảng eo biển Đài Loan không phải do chuyến thăm của bà Nancy Pelosi gây ra. Dù bà quyết định không đến Đài Loan trong chuyến thăm Châu Á, thì chủ trương thôn tính Đài Loan của Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng và kích hoạt một cuộc khủng hoảng mới trong tương lai gần. Trái với dư luận đang nổi lên hiện nay, điều đó chủ yếu không phải do Tập Cận Bình đã cam kết thống nhất Đài Loan trong nhiệm kỳ của mình. Dù thống nhất Đài Loan là một mục tiêu lâu dài, nhưng dùng vũ lực để làm việc đó sẽ phải trả giá đắt.

Nguyên nhân chính để Trung Quốc làm rùm beng vấn đề Đài Loan là do trước mắt Bắc Kinh muốn nhắn nhủ lãnh đạo Đài Loan và những người ủng hộ ở Phương Tây rằng chủ trương thách thức Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Điều đó hàm ý rằng nếu họ không thay đổi chính sách thì Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác mà sẽ leo thang. Bước ngoặt chính đã diễn ra vào tháng 1/2020 khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã dễ dàng giành được thắng lợi cho nhiệm kỳ 2 và đảng DPP của bà đã đánh bại đảng KMT.

Mỹ đã từng bước điều chỉnh chính sách đối với Đài Loan từ thời Trump, và chủ trương thách thức Trung Quốc vẫn tiếp tục dưới thời Biden. Cuộc chiến tranh Ukraine cũng góp phần làm lãnh đạo Phương Tây cho rằng Đài Loan đang gặp nguy hiểm trầm trọng và cấp bách. Nếu Tập Cận Bình không tỏ rõ sức mạnh của mình vào lúc này thì không chỉ làm tổn hại cho cơ hội đạt được mục tiêu lâu dài là thống nhất Đài Loan mà còn làm gia tăng chỉ trích rằng ông yếu đuối và làm tổn thương vị thế của ông trong nước và ngoài nước.

Có lẽ Trung Quốc không chủ định tấn công ngay Đài Loan, nhưng họ có thể quyết định lôi kéo Mỹ vào “trò chơi chọi gà” (a game of chicken) tại eo biển Đài Loan. Điều đó cực kỳ nguy hiểm vì Trung Quốc tin rằng chỉ có dùng kế sách “bên miệng hố chiến tranh” mới có thể lôi cuốn các bên vào trò chơi mạo hiểm này. Nhưng nước cờ thế đó có thể dẫn đến sai lầm khủng khiếp. Chúng ta không được quên rằng chiến tranh hạt nhân đã không xảy ra năm 1962 chỉ vì may mắn. Trong trò chơi cân não đó, ai chớp mắt trước sẽ thua.

Chuyến đi gây tranh cãi

Nhiều người Mỹ (trong đó có Tom Friedman) cho rằng chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi “trái với mong muốn của ông Biden”. Đó là hành động quá khinh suất (utterly reckless), nguy hiểm và vô trách nhiệm (dangerous and irresponsible), là một sai lầm tệ hại (awful mistake) với hệ quả khó lường (unpredictable consequences). Chuyến thăm chỉ có ý nghĩa tượng trưng, mà không làm cho Đài Loan an toàn hay thịnh vượng hơn. (Why Pelosi’s Visit to Taiwan Is Utterly Reckless, Thomas Friedman, New York Times, August 1, 2022)

Phản ứng quân sự của Trung Quốc có thể làm cho Mỹ bị xô đẩy vào xung đột trực tiếp cùng một lúc với cả hai siêu cường hạt nhân là Nga và Trung Quốc. Xung đột với Trung Quốc về Đài Loan do chuyến thăm không cần thiết của bà Pelosi kích hoạt, do đánh giá sai tình hình thế giới vào thời điểm không thể tồi tệ hơn. Nói cách khác, chuyến thăm võ đoán và tắc trách (arbitrary and frivolous) đã kích hoạt xung đột với Trung Quốc về Đài Loan. Theo quy tắc địa chính trị, không được cùng lúc xung đột với cả hai siêu cường hạt nhân.

Tổng thống Joe Biden và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã yêu cầu Bắc Kinh không nên viện trợ quân sự cho Nga để chống Ukraine. Team Biden cũng giải thích với bà Pelosi tại sao không nên đi Đài Loan lúc này. Việc Tổng thống Biden và các quan chức an ninh không thuyết phục được Chủ tịch Hạ Viện (cùng đảng Dân Chủ) về một vấn đề đối ngoại, chứng tỏ sự “phân liệt về chính trị” (political dysfunction). Tuy có thể lập luận rằng Trung Quốc chỉ hù dọa, nhưng nước cờ thế Đài Loan luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến chiến tranh.

Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi tuy không được báo trước khi rời Singapore và diễn ra rất nhanh (trong vòng 24 giờ) nhưng là chuyến thăm chính thức, được báo chí đưa tin, và trở thành tâm điểm của cả chuyến thăm Châu Á. Máy bay quân sự chở đoàn đến Đài Loan đã phải bay vòng theo lộ trình bí mật để tránh các khu vực trên biển đang bị Trung Quốc phong tỏa. Trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, bà Palosi đã liều đến thăm Đài Loan, nên chuyến đi phải tính toán kỹ vì bất chấp những lời cảnh báo và đe dọa của Trung Quốc.

Trong bối cảnh vận động tranh cử giữa kỳ tại Mỹ (vào cuối năm nay) đảng Dân Chủ và ông Biden đang bị mất điểm, nên chuyến thăm Đài Loan là một cơ hội chính trị hầu như được cả hai đảng ủng hộ, và là nước cờ thế để chứng tỏ đảng Dân Chủ vẫn mạnh. Đây còn là cơ hội cuối cùng để bà Pelosi ghi điểm trước khi kết thúc sự nghiệp chính trị lâu dài của mình với vai trò chủ tịch Hạ viện, và người thứ ba có quyền cao nhất nước Mỹ (sau Phó Tổng thống). Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có động cơ chính trị và cá nhân.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho đại hội đảng (cuối năm nay), ông Tập Cận Bình cũng phải chứng tỏ sức mạnh để củng cố quyền lực, vì gần đây uy tín của ông có phần giảm sút do hệ lụy của suy thoái kinh tế sau đại dịch và cuộc chiến tranh Ukraine. Đây là cơ hội chính trị duy nhất để ông được bầu làm “chủ tịch suốt đời” (như hoàng đế Trung Hoa). Đó là một thời điểm rất nhạy cảm. Tuy phải tỏ ra mạnh để “rung cây dọa khỉ” nhưng ông không muốn xung đột với Mỹ ngay trước đại hội đảng lần thứ 20 vào cuối năm nay.

Nói cách khác, nếu không có bầu cử giữa kỳ tại Mỹ và đại hội đảng tại Trung Quốc vào cuối năm nay, thì chưa chắc bà Pelosi đã quyết định đến thăm Đài Loan. Vì vậy, chuyến thăm Đài Loan lần này là một nước cờ thế về chính trị, trong một bối cảnh đặc biệt. Tuy chuyến thăm gây tranh cãi này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới tại eo biển Đài Loan, nhưng cả hai bên Mỹ và Trung Quốc đều hiểu ngầm rằng cuộc đối đầu (stand-off) chỉ là tượng trưng (symbolic) và có những giới hạn mà cả hai bên đều không muốn vượt qua.

Nếu xâm lược Đài Loan mà dễ thì chắc Trung Quốc đã làm rồi. Tuy Trung Quốc phản ứng mạnh, nhưng Đài Loan không phải Ukraine. Dù bà Pelosi không thay đổi được gì từ thập niên 1990, nhưng so sánh sức mạnh quân sự ở Châu Á đã thay đổi. Vấn đề là liệu khủng hoảng có xô đẩy Trung Quốc tấn công Đài Loan hay không. Nguy cơ thực sự là Trung Quốc phản ứng thế nào trước sự có mặt của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở khu vực. (Will Pelosis trip trigger the next Taiwan crisis? Adam Lockyer, Lowy, 2 August 2022) 

Dư luận phân hóa

Mỹ có thể đánh giá thấp khả năng Trung Quốc phản đối chuyến đi Đài Loan với tính toán rằng Trung Quốc không liều leo thang để tránh khủng hoảng và rủi ro cho Tập Cận Bình trước Đại hội đảng lần thứ 20 khi ông sẽ được tái cử nhiệm kỳ 3. Trung Quốc không muốn thách thức Mỹ lúc này. Chuyến thăm của bà Pelosi là tượng trưng, nhưng nhất quán với chính sách “Một Trung Quốc”. Nếu vậy thì Washington đã tính toán sai về cả ba vấn đề. (The Next Taiwan Strait Crisis Has Arrived, Paul Heer, National Interest, August 2, 2022

Theo một số chuyên gia, chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào, và chúng ta không còn thời gian để chuẩn bị. Giáo sư Hal Brands (American Enterprise Institute) lập luận rằng Mỹ có thể chuẩn bị cho một cuộc chiến sai lầm vì xung đột Mỹ-Trung thường kéo dài và mở rộng ra khu vực chứ không chỉ giới hạn tại eo biển Đài Loan. Brands đã bác bỏ quan niệm cho rằng xung đột tại Châu Á chỉ giới hạn trong phạm vi khu vực. (Time Is Running Out to Prepare for War in the Pacific, Wallace Gregson, National Interest, August 2, 2022).

Tuy ông Biden bảo vệ quyền đi thăm Đài Loan của bà Pelosi, nhưng vẫn khẳng định chính sách của Mỹ với Đài Loan không thay đổi. Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba (1995) chính quyền Clinton đã tỏ ra cứng rắn, nên sau 9 tháng căng thẳng, Bắc Kinh cuối cùng đã xuống thang để tránh khủng hoảng, làm thay đổi ván cờ chiến lược. Nay lãnh đạo Trung Quốc cũng muốn tránh đổi đầu quân sự với Mỹ về Đài Loan, ít nhất là vào lúc nảy. Phản ứng của Trung Quốc mỗi lúc một khác, không chỉ về quân sự.

Điều đó có thể thay đổi quan hệ Mỹ-Trung và làm cho vấn đề Đài Loan càng khó xử. Trung Quốc sẽ xác định những bước tiếp theo trong những ngày tới, theo một lộ trình lâu dài. Bắc Kinh có thể lợi dụng chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi như một cái cớ để thay đổi tư thế quốc phòng của họ với Đài Loan, nới rộng lợi thế quân sự của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan. Trung Quốc có thể tăng cường tấn công mạng ở Đài Loan. (The real crisis over Taiwan will start after Pelosi comes home, Josh Rogin, WP, August 2, 2022)

Bắc Kinh nói chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi “rất nguy hiểm và ngu xuẩn (very dangerous and stupid), nhưng ông Biden không làm gì để ngăn chặn. Chuyến thăm đó là một thắng lợi cho Đài Loan, và một thử thách đối với bản lĩnh ngoại giao của họ. Đó là cơ hội để thế giới ủng hộ Đài Loan, bất chấp đe dọa của Trung Quốc. Tuy Team Biden đã cảnh báo về hậu quả nhưng bà Pelosi không lùi bước. (US-China tensions flare as Pelosi leaves Taiwan, Lily KuoLyric LiYasmeen AbutalebAnnabelle Timsit, WP, August 3, 2022).

Trung Quốc tiếp tục tập trận bắn đạn thật đe dọa Đài Loan. Ngày 4/8, họ đã cho 22 máy bay chiến đấu xâm phạm “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) của Đài Loan, sau khi phóng 9 tên lửa đạn đạo “Đông phong”, trong đó có 5 tên lửa đã bay qua vùng trời Đài Loan và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Để đối phó với các hành động khiêu khích độc ác của Pelosi (vicious and provocative actions), Trung Quốc quyết định áp đặt biện pháp trừng phạt bà Pelosi và gia đình”.

Trước phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc, bà Pelosi nói với báo chí: “Chính phủ Trung Quốc không quyết định lộ trình của chúng tôi. Họ không thể cô lập Đài Loan bằng cách ngăn chúng tôi đến thăm. Các Thượng nghị sỹ của cả hai đảng đã đến thăm Đài Loan vào mùa xuân. Chúng tôi sẽ tiếp tục đến thăm. Chúng tôi không để họ cô lập Đài Loan”. Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã gây ra lo ngại rằng Mỹ có thể thay đổi lập trường “mù mờ chiến lược” (strategic ambiguity), thúc đẩy Trung Quốc chiếm Đài Loan bằng vũ lực.

Lời cuối

Cũng như các cuộc khủng hoảng Đài Loan trước đây, cuộc khủng hoảng lần này chắc nổi lên rồi lại chìm xuống, khi hai bên Mỹ và Trung Quốc đều chưa sẵn sàng chiến tranh do bối cảnh chính trị trong nước còn bất ổn và kết cục chiến tranh tại Ukraine chưa ngã ngũ. Xét cho cùng, các vấn đề đối ngoại luôn gắn liền và phụ thuộc vào chính trị nội bộ. Trong khi Mỹ và phương Tây học theo binh pháp Clausewitz thì Trung Quốc thích vận dụng Binh pháp Tôn Tử (Sun Tsu) như “bất chiến tự nhiên thành” (thắng mà không cần đánh nhau).

Kết cục tranh chấp ở Đài Loan và Biển Đông không chỉ qua đấu súng mà còn qua đấu trí. Trung Quốc đã từng bước kiểm soát Biển Đông bằng cách bắt nạt và thôn tính láng giềng như con trăn nuốt dần con mồi trong vùng xám (grey zone) mà Mỹ không thể can thiệp, để trở thành chuyện đã rồi (fait acompli). Nhưng đáng chú ý là gần đây Mỹ đã tỉnh ngộ và bắt đầu vận dụng cờ vây (chứ không chỉ cờ vua) để tăng cường liên kết các nước đồng minh và đối tác nhằm đối phó với với sự trỗi dậy của Trung Quốc như con quái vật Frankenstein.

Tham khảo

1. Nancy Pelosi: Why I’m leading a congressional delegation to Taiwan, Nancy Pelosi, Washington Post, August 2, 2022

2. Why Pelosi’s Visit to Taiwan Is Utterly Reckless, Thomas Friedman, New York Times, August 1, 2022

3. Pelosi’s visit and the coming Taiwan crisis, Minxin Pei, ASPI, 3 August 2022

4. The Next Taiwan Strait Crisis Has Arrived, Paul Heer, National Interest, August 2, 2022

5. Will Pelosi’s trip trigger the next Taiwan crisis?Adam Lockyer, Lowy, 2 August 2022

6. The real crisis over Taiwan will start after Pelosi comes home, Josh Rogin, Washington Post, August 2, 2022

7. Time Is Running Out to Prepare for War in the Pacific, Wallace Gregson, National Interest, August 2, 2022

8. US-China tensions flare as Pelosi leaves Taiwan, Lily KuoLyric LiYasmeen AbutalebAnnabelle Timsit, Washington Post, August 3, 2022

N.Q.D.

6/8/2022

Tác giả gửi BVN

TRUNG QUỐC 'TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN' KHI GIẢI QUYẾT 

CHUYỆN ĐÀI LOAN

HOÀNG VŨ/ BVN 8-8-2022

Các nhà quan sát cảnh báo rằng phản ứng giận dữ của Bắc Kinh, gồm cả các cuộc tập trận bao vây Đài Loan, tạo nguy cơ khiến các nước xa lánh.

Phản ứng giận dữ của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy giờ đây phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc có nên leo thang mọi thứ hơn nữa hay cố gắng giữ các nước láng giềng khác ở bên cạnh.

Sau chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Mỹ vào tuần trước, Bắc Kinh đã tăng cường đe dọa Đài Loan bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật chưa từng có, trừng phạt bà Pelosi và gia đình bà, đồng thời đình chỉ các đường dây liên lạc với Washington về những vấn đề như an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu.

Trung Quốc dự kiến sẽ đón Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đến thăm lần đầu tiên vào ngày 8 tháng 8, vài ngày sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol từ chối gặp bà Pelosi khi bà đến Hàn Quốc. Không giống như Nhật Bản, Hàn Quốc cố hạn chế bình luận về Đài Loan và chuyến thăm của bà Pelosi, bất chấp lập trường ủng hộ Washington của Tổng thống Yoon.

Sourabh Gupta, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ ở Washington, đã chỉ ra tình thế khó xử đối với Bắc Kinh khi họ đang cố gắng cân bằng nhu cầu tăng cường răn đe quân sự đối với Đài Loan mà không khiến các nước láng giềng châu Á xa lánh.

“Con bài mạnh nhất mà Trung Quốc có đối với vấn đề Đài Loan là tình cảm của các nước châu Á. Không ai ở châu Á muốn thấy một giải pháp phi hòa bình cho vấn đề Đài Loan. Và hầu như không ai ở châu Á muốn thấy tình hình địa chính trị của châu Á - Thái Bình Dương bị mắc kẹt ở eo biển Đài Loan giữa lúc cuộc chiến tranh Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”, Gupta nói.

“Sau khi đưa ra những lời chỉ trích gay gắt, cách tiếp cận khôn ngoan nhất của Trung Quốc trong tương lai sẽ là cử các quan chức ngoại giao đến mọi thủ đô lớn và nhỏ của châu Á và khẳng định lại nguyên tắc "một Trung Quốc" và tỉ tê với họ rằng Mỹ đã vi phạm tinh thần của chính sách ấy. Tuy nhiên, tôi cho rằng Trung Quốc quá kiêu ngạo khi lựa chọn đường lối hành động này”, Gupta cho biết thêm.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã hủy các cuộc hội đàm đã lên kế hoạch với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại Campuchia. Ông ta cũng không gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken khi cả hai bên đều khẳng định cuộc gặp không nằm trong chương trình nghị sự. Bắc Kinh cũng đã triệu tập các đại sứ từ nhóm G7 để phản đối tuyên bố chung cáo buộc Trung Quốc cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan bằng vũ lực.

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh triệu tập các đặc phái viên của G7 để giải quyết các tranh chấp ngoại giao, nhưng các nhà quan sát cho rằng hiếm khi nào Trung Quốc lại công khai những căng thẳng đó một cách quyết liệt như vậy.

Koh King Kee, Chủ tịch Trung tâm Châu Á hòa nhập mới, một tổ chức tư vấn tại Malaysia, cho biết việc ông Vương hủy bỏ cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Nhật Bản không có khả năng "dẫn đến sự tự cô lập hoặc bất lợi ngoại giao đối với Bắc Kinh".

“Trung Quốc sẽ tập trung phản ứng đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi bằng cách trừng phạt Đài Loan và phản đối Mỹ. Bắc Kinh sẽ không muốn gây bất lợi một cách không cần thiết cho các đồng minh khác của Mỹ để tránh tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với quan hệ thương mại với các nước này”, Koh cho hay.

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra tuyên bố chung hôm thứ Năm vừa rồi, kêu gọi tất cả các bên giảm leo thang căng thẳng đối với Đài Loan, đồng thời cảnh báo nguy cơ “tính toán sai lầm, đối đầu nghiêm trọng, xung đột mở và hậu quả khó lường giữa các cường quốc”.

Trong khi các quốc gia ASEAN từ chối đứng hẳn về phía nào, họ vẫn tái khẳng định sự ủng hộ đối với nguyên tắc một Trung Quốc sau chuyến công du châu Á của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết các phản ứng từ Bắc Kinh cần thể hiện sự kiềm chế và cân nhắc đối với lợi ích an ninh của các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc.

“Eo biển Đài Loan và Biển Đông là một con đường đi lại thiết yếu, do đó các cuộc tập trận sẽ kết thúc trong thời gian ngắn. Tôi tin rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động mà các nước khác phải chịu, bao gồm cả ảnh hưởng đến các chuyến bay thương mại”, Lu nhận định.

Li Mingjiang, Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, dự đoán Trung Quốc sẽ dần điều chỉnh mọi thứ vì “sự ổn định” là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trước cuộc cải tổ lớn về lãnh đạo vào mùa thu này.

“Sau khi trút giận thông qua các cuộc tập trận quân sự, trừng phạt kinh tế và ngoại giao, Bắc Kinh cần phải từ bỏ căng thẳng leo thang, điều này phù hợp với lợi ích chung của Trung Quốc. Vào thời điểm Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực gia tăng trong nước về một danh sách dài các vấn đề kinh tế và xã hội, Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác là phải thận trọng hơn khi đối phó với các thách thức bên ngoài nhằm tránh làm gián đoạn sự ổn định nội bộ”, ông Li nói.

Nick Bisley, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe ở Úc, cho biết phản ứng toàn diện của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã “gây bất ổn cho khu vực”.

“Câu hỏi đặt ra là Mỹ và các nước khác đã chuẩn bị đến đâu để đối phó Trung Quốc. Nếu Mỹ cảm thấy sự cần thiết trong việc thể hiện ​​với thế giới thấy việc họ đang cố gắng đẩy lùi Trung Quốc thì mọi thứ có thể leo thang nhanh chóng và theo những cách rất nguy hiểm”, Bisley nhận định.

Trong khi đó, Tiến sĩ nghiên cứu quốc tế John Brake từ Đại học Cambridge nhận định việc Mỹ kiềm chế tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc xung quanh vấn đề Đài Loan có thể giúp củng cố vị thế của Washington cũng như đẩy lùi một cuộc khủng hoảng với Trung Quốc.

Khi đến thăm Đài Loan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dự định báo hiệu quyết tâm của Mỹ rằng ngay cả khi đối mặt với các mối đe dọa của Bắc Kinh, Washington “sẽ không từ bỏ cam kết của mình” đối với nền dân chủ trên đảo. Tuy nhiên, những đòn trả đũa của Bắc Kinh có thể tạo ra áp lực buộc Washington phải đưa ra một số biện pháp giải quyết bổ sung, vì sợ rằng nếu không hành động sẽ làm suy yếu các cam kết vừa được thực hiện ở Đài Bắc.

Nhà Trắng đã rõ ràng muốn đối phó với một cuộc khủng hoảng này. Nhưng mối bận tâm hiện nay là việc liệu chính quyền của Tổng thống Joe Biden có quyết tâm đáp trả hay lùi lại. Chắc chắn, nếu hai bên ăn miếng trả miếng với nhau sẽ dẫn đến việc leo thang tình trạng khủng hoảng.

Brake cho rằng cách tốt nhất để Washington giải quyết căng thẳng là kiềm chế. Việc từ chối đối đầu với những lời khiêu khích của đối thủ không phải là sự yếu kém. Nó thể hiện sự kiềm chế có đạo đức.

Theo ông, vị thế và uy tín quốc tế của các quốc gia được thể hiện trong việc kiềm chế chống lại những xung động hấp tấp hoặc liều lĩnh, thể hiện sự tự tin và khả năng kiểm soát. Sẽ là cần thiết khi áp dụng một chính sách hợp lý đối phó với đối thủ của mình hơn là thực hiện hành động hung hăng kết hợp vũ lực. Cựu Tổng thống Barack Obama đã từng đưa ra quan điểm tương tự đối với chính sách đối ngoại của Mỹ khi nói “một phần năng lực lãnh đạo của chúng ta có liên quan đến khả năng thể hiện sự kiềm chế”.

H.V.

Nguồn: 1thegioi


TRUNG HOA DÂN QUỐC

HOÀNG HẢI VÂN /BVN 5-8-2022

Chính phủ của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) buộc phải tuân thủ Nghị quyết của nó, nhưng dân thường chúng ta thì đâu có nhất thiết phải tuân thủ. LHQ đuổi Trung Hoa Dân Quốc và kết nạp Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào thay chân nó, cho nên chính phủ các nước gọi CHND Trung Hoa là “nước”, còn Trung Hoa Dân quốc vốn là một nước nhưng phải gọi là “vùng lãnh thổ Đài Loan”.

Một số doanh nghiệp lớn của thế giới có buôn bán với Trung Quốc nếu không tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” có thể bị chính quyền Bắc Kinh gây khó dễ, nhưng dân thường chúng ta gọi các quốc gia theo đúng tên của nó, hà cớ gì phải gọi theo lệnh do các cường quốc áp đặt ?

Đài Loan hiện nay chính là Trung Hoa Dân Quốc. Dù là phần lãnh thổ còn lại của Trung Hoa Dân Quốc nhưng nó vẫn là một nước - Trung Hoa Dân Quốc.

Trung Hoa Dân Quốc là nước cộng hoà ra đời năm 1912 sau Cách mạng Tân Hợi, do Tôn Dật Tiên sáng lập. Nó bao gồm toàn thể đất nước Trung Quốc. Nền Cộng hoà ấy ra đời tại một quốc gia quá rộng lớn và quá phức tạp, không đủ sức đối phó với thù trong giặc ngoài. Trong nước thì quân phiệt cát cứ, các thế lực thi nhau xâu xé. Ngoài nước thì liên tục bị xâm lăng. Cho nên Trung Hoa Dân Quốc chưa bao giờ thống nhất được lãnh thổ. Dù vậy, trước Đại chiến 2, Trung Hoa Dân Quốc đứng đầu là Tưởng Giới Thạch cũng là một trong những quốc gia mạnh trong đồng minh chống phát xít. Sau Đại chiến 2, nó là một trong những quốc gia sáng lập LHQ và trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Sau khi những người cộng sản Trung Quốc nổi dậy giành chính quyền ở đại lục, lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc liên tục bị thu hẹp, cuối cùng chỉ còn lại Đài Loan. Từ đó, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc được củng cố ở nơi này, ban đầu họ cũng có ý định lấy lại đất ở đại lục, nhưng sau đó thấy không khả thi nên chỉ củng cố nền cộng hoà để tập trung phát triển kinh tế, trở thành một trong những “con hổ” kinh tế ở châu Á. Mô hình tăng trưởng của họ rất có sức thuyết phục. Nước ta khi bước vào đổi mới đã cử nhiều chuyên gia sang học tập. Nước ta vẫn có quan hệ kinh tế, văn hoá và khoa học rất tốt với Đài Loan.

Tuy bị thu hẹp ở Đài Loan, nhưng từ đó đến năm 1971, Trung Hoa Dân Quốc vẫn là một trong 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Khi thấy CHND Trung Hoa hứa hẹn trở thành một thị trường rộng lớn đầy tiềm năng, đồng thời để kiềm chế Liên Xô, Mỹ được các cường quốc phương Tây phụ hoạ liền “đi đêm” với CHND Trung Hoa. Họ đã mang Trung Hoa Dân Quốc làm vật hy sinh để đổi lấy những lợi ích tiềm tàng từ đại lục. Kết quả là Trung hoa Dân Quốc bị đuổi ra khỏi LHQ, giành ghế cho CHND Trung Hoa.

Cần biết rằng Đài Loan là lãnh thổ của Trung Hoa, nhưng Đài Loan chưa bao giờ thuộc CHND Trung Hoa. Họ cướp được chính quyền ở đại lục nhưng chưa bao giờ cướp được chính quyền ở Đài Loan. Trong thế giới hiện đại, dùng vũ lực để cướp chính quyền thì xưa lắm rồi. Tôi không biết người dân Đài Loan và người dân đại lục có mong muốn thống nhất hay không, nhưng người dân hai bên đều muốn hoà bình, thịnh vượng và tự do là điều chắc chắn.

Dưới sức ép của Trung Quốc, Trung Hoa Dân Quốc đang bị cô lập về ngoại giao trên thế giới. Nhưng đối với người dân của họ, Trung Hoa Dân Quốc vẫn là một nước độc lập có chủ quyền và căn bản được tự do. Hiện nay GDP đầu người một năm của Đài Loan hơn 32 ngàn đô la Mỹ (năm 2021), cao hơn 2,5 lần so với Trung Quốc (12.550 USD). Giáo dục, y tế và phúc lợi mà người dân Đài Loan được hưởng đều tốt hơn Trung Quốc. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ biết người dân Đài Loan có muốn thống nhất bằng cách nhập vào Trung Quốc hay không.

Dùng LHQ để “đoạt khống” Đài Loan. Đoạt khống là não trạng bá quyền của Trung Quốc từ rất lâu đời. Điều kỳ lạ là Mỹ và phương Tây nhân danh tự do dân chủ nhưng lại tiếp tay cho sự “đoạt khống” đó. Giờ muốn đoạt thật bằng chiêu bài thống nhất. Muốn thống nhất mà cô lập một cộng đồng dân cư hòng làm cho họ nghèo đi rồi suốt ngày đe doạ dùng vũ lực thì thống nhất để làm chi?

Ghi chú: Dù là như vậy, chúng ta cũng không thể quên Trung Hoa Dân Quốc đã chiếm mất đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa của ta vào năm 1956, sau khi họ chỉ còn lại Đài Loan. Lúc ấy chính quyền Việt Nam Cộng hoà của ông Ngô Đình Diệm mới thành lập còn rất yếu ớt không đủ sức bảo vệ, họ đã thuận tay “lượm” luôn đảo Ba Bình. Chúng ta trước sau gì cũng đòi lại đảo Ba Bình do Trung Hoa Dân Quốc chiếm giữ trái phép, cũng như phải đòi lai Hoàng Sa và phần còn lại của Trường Sa do CHND Trung Hoa, Philippine và Malaysia cưỡng đoạt của ta. Nhưng đó là câu chuyện khác, không nằm trong nội dung cái tút này.

H.H.V.

Nguồn: FB Hoàng Hải Vân

SAU 1945 ĐÀI LOAN TRẢ LẠI CHO AI?

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ TD 7-8-2022



Nhiều sử gia, học giả quốc tế, những người thường hay vịn vào Hòa ước San Francisco 1951 để nói rằng, Đài Loan được trả về cho Trung Hoa nhưng không biết là giao cho phe nào, cộng sản ở Bắc Kinh hay Quốc Dân Đảng ở Đài Bắc. Họ cho rằng, tình trạng mù mờ về chủ quyền của Đài Loan (Bành Hồ và một số các đảo khác) đến từ sự thiếu minh bạch này của Hòa ước. Thật vậy, điều 2 Hòa ước không nói rõ là Đài Loan sẽ trả cho chính phủ Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch hay là trả cho chính phủ cộng sản của Mao ở Bắc Kinh.
Tôi cho rằng nhận định này khiếm khuyết. Bởi vì Hòa ước San Francisco 1951, phần nói về phân chia lãnh thổ, chỉ nhằm "luật hóa" nội dung hai Hội nghị trước đó là Hội nghị Cairo 1943 và Hội nghị Potsdam tháng 8 năm 1945.
Hội nghị Cairo 1943, Tưởng Giới Thạch hội đàm cùng TT Roosevelt của Mỹ và Thủ tướng Churchill của Anh. Các bên đồng thuận rằng, điều kiện để quân đội Trung Hoa đứng về phe Đồng minh và tuyên chiến với quân Nhật, là các vùng lãnh thổ Mãn Châu, Đài Loan... phải trả lại cho Trung Hoa (dĩ nhiên thuộc thẩm quyền của chính phủ Quốc Dân Đảng).
Hội nghị Potsdam, tháng 7 đến tháng 8 năm 1945, xác nhận các vùng lãnh thổ Đài Loan, Bành Hồ và Mãn Châu trả về cho Trung Hoa. Các vùng lãnh thổ này đã được quân Quốc Dân Đảng quản lý trên thực tế. Ngày 25 tháng 10 năm 1945 các vùng lãnh thổ Bành Hồ và Đài Loan sáp nhập vào lãnh thổ Trung Hoa. Dĩ nhiên Trung Hoa dưới quyền lãnh đạo của Quốc Dân Đảng.
Tức là số phận Đài Loan đã được định đoạt một cách minh bạch: Trả lại cho chính phủ Tưởng Giới Thạch. Vì đây là điều kiện để quân Trung Hoa đứng về phe Đồng minh và tuyên chiến với Nhật.
Các quốc gia hiện thời nhìn nhận nguyên tắc "một quốc gia Trung Hoa và Đài Loan thuộc về quốc gia này". Các sử gia tưởng rằng yêu sách này đến từ lục địa.
Thời chiến tranh Trung - Nhật, chỉ có phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch lên tiếng yêu sách Đài Loan, Mãn Châu... thuộc về Trung Hoa. Trong lịch sử "kháng chiến" của cộng sản TQ, hồng quân TQ có lúc bắt tay với quân Nhật để "đánh sau lưng" quân Quốc Dân Đảng.
Năm 1966, tại diễn đàn LHQ, đại diện nước Ý đề nghị giải pháp hai nước Trung Quốc, cả hai chính phủ Quốc – Cộng đều có đại diện tại LHQ. Đề nghị này được sự ủng hộ của nhiều nước. Ngay cả Mao Trạch Đông cũng tỏ ý chấp thuận.
Phe chống đối giải pháp này mạnh mẽ nhất lại là phe Tưởng Giới Thạch. Ông này vẫn mơ chuyện “trừng trị bọn phiến cộng, giải phóng lục địa”.
Điều càng làm cho phe Đài Loan sau này dính chặt vào nguyên tắc "một quốc gia Trung Hoa" là sự có mặt của các nghị sĩ xuất thân từ lục địa, đắc cử vào năm 1946, trong Viện Lập pháp của Đài Loan. Nhiệm kỳ của các Nghị sĩ này kéo dài vô hạn. Tức là mọi vấn đề của Đài Loan phải có sự đồng thuận của đại diện lục địa. Chỉ đến năm 1991, khi TT Lý Đăng Huy nắm quyền, việc "Đài Loan hóa" viện Lập pháp mới bắt đầu thực hiện.
Sau Thế chiến 1945, phe thắng trận quyết định mọi thứ. Đài Loan được trả lại cho chính phủ Quốc Dân Đảng. Không hề có vụ "mù mờ" như các học giả quốc tế nói đi nói lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét