Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

20220812. BÀN VỀ THU HÚT VÀ SỬ DỤNG NGƯỜI TÀI

 ĐIỂM BÁO MẠNG


NGƯỜI TÀI KHÔNG BỎ VIỆC, CHỈ RỜI BỎ SẾP KÉM

ĐỖ NGÔ TRẦN/TVN 11-8-2022

Không ít người tài được đưa đi đào tạo, sau khi tốt nghiệp được bố trí công việc thì xin nghỉ hoặc chuyển ra ngoài cơ quan nhà nước. Họ không rời bỏ công việc mà chỉ rời bỏ người quản lý yếu kém.

Thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, thay vì lấy ngân sách cử đi đào tạo tốn kém mà nhiều khi hiệu quả chưa tương xứng, nên chăng để cho xã hội tự cung ứng.

Nhà nước tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch, cạnh tranh công bằng cho mọi người cũng như linh hoạt thu hút nhân tài bằng nhiều hình thức phù hợp, gắn trách nhiệm cá nhân sử dụng nhân tài.

Ở đâu đội ngũ nhân tài cũng luôn là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trao cơ hội và làm cho nhân tài phát triển chính là trực tiếp nâng tầm sức mạnh đất nước, bộ máy công quyền và các tổ chức xã hội, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngại cấp trên bảo thủ khó tiếp nhận cái mới

Ở nước ta, hầu hết tỉnh thành đều có chính sách và đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Không chỉ vậy, nhiều cơ quan và doanh nghiệp nhà nước cũng có hẳn cơ chế thu hút nhân tài và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.


Ảnh minh họa

Thế nhưng lại có một nghịch lý, người tài đi theo diện được trải thảm đỏ ở một số nơi chỉ sau một thời gian thì xin nghỉ việc, người được đưa đi đào tạo và sau khi tốt nghiệp được bố trí công việc cũng xin nghỉ hoặc chuyển công tác ra ngoài cơ quan nhà nước. Điển hình ở TP Đà Nẵng, nhiều thạc sĩ, tiến sĩ được cử đi học bài bản ở nước ngoài bằng tiền ngân sách về làm việc ở các cơ quan một thời gian rồi bỏ việc, chấp nhận đền bù chi phí đào tạo.

Người viết từng làm việc với một tập đoàn lớn của nước ngoài, nơi có nhiều nhân sự là du học sinh người Việt Nam được đào tạo bài bản. Qua tiếp xúc được biết phần lớn trong số đó cũng muốn làm việc cho cơ quan nhà nước nhưng ngoài chuyện lương thấp, họ còn e ngại môi trường thiếu chuyên nghiệp, nền tảng cũ sẽ khó phát triển ý tưởng, cấp trên bảo thủ khó tiếp nhận cái mới.

Thực tế, nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài trở về phục vụ quê hương theo kêu gọi và hứa hẹn của lãnh đạo. Chỉ một thời gian sau, họ không thể bám trụ ở cơ quan nhà nước vì sử dụng nhân sự không phù hợp khả năng, giao việc không đúng sở trường, chưa tạo cơ hội phát triển.

Trong khi đó, nhiều nơi tuyển dụng người chưa đáp ứng yêu cầu, qua quan hệ thân quen gửi gắm, chạy chọt bằng tiền… Nhiều trường hợp tuyển dụng rồi cho đi học để lấy bằng cấp bổ túc hồ sơ, hợp thức hóa công việc.

Tạo cơ hội đồng đều cho mọi ứng viên

Hiện nay có nhiều người Việt Nam được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đạt thành tựu nhất định. Nhiều người trong số này, khi có điều kiện, sẵn sàng đóng góp cho quê hương đất nước. Một quốc gia hơn 90 triệu dân như nước ta, ngay từ trong nước chắc cũng không thiếu nhân tài.

“Chiêu hiền đãi sĩ” dựa vào học vị nào là tiến sĩ, thạc sĩ để đãi ngộ có thể không sai, vì phải có cái gì đó căn cứ làm chính sách. Nhưng có lẽ chưa đủ, liệu những người có học vị ấy đều là nhân tài thật sự? Thực tế không biết bao luận án tiến sĩ, thạc sĩ phải cất kỹ trong tủ không bao giờ đưa ra ứng dụng.

Mỗi năm nước ta có thêm hàng vạn tiến sĩ, thạc sĩ, trong số đó ai thật ai giả rất khó kiểm chứng. Chưa ở đâu xuất hiện nhanh và nhiều bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ như nước ta nhưng chỉ số cạnh tranh về nghiên cứu khoa học, sáng kiến lại thua xa các nước trên thế giới.  

Thực tế, người muốn vào làm cho khu vực nhà nước chưa thấy một quy trình tuyển dụng minh bạch, công bằng để tin tưởng và theo đuổi. Nhà nước đang chịu thua thiệt so với tư nhân trong việc thu hút, sử dụng nhân tài vì môi trường làm việc không nhiều thử thách, lắm khi sự đúng đắn không được nhìn nhận, lại dễ dàng tuyển người không thích hợp.

Doanh nghiệp tư nhân thì không bao giờ để lãng phí nhân tài hay dễ dàng tuyển những người không làm được việc, vì làm như thế chẳng khác nào tự hại mình.

Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chi phí trả cho nhân tài

Chuyện thu hút, sử dụng nhân tài không thể một ngành hay đơn vị nào đó làm nổi mà phải là tầm chiến lược, tầm nhìn phát triển bằng chính sách chung.

Đã tới lúc dỡ bỏ các rào cản để người tài, nhân lực chất lượng cao tham gia giữ chức vụ quan trọng ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Cần công khai nhu cầu, đối tượng tuyển dụng. Tạo cơ hội đồng đều cho mọi ứng viên bằng cách tổ chức thi tuyển cạnh tranh chọn người để bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đối tượng dự thi ngoài đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nên mở rộng ra cho Việt kiều, du học sinh Việt Nam.

Tùy theo lĩnh vực mà có thể mời gọi cả người nước ngoài như lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, y tế, giáo dục và đào tạo... Nhân tố này sẽ là luồng gió mới và giải pháp chống các bệnh trì trệ, xơ cứng, bảo thủ, chủ quan duy ý chí trong bộ máy nhà nước, đồng thời thúc đẩy quá trình đào thải nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, phải nhường chỗ cho người khác.

Tập hợp nhiều thành phần đến với mình cũng là chiến lược chiêu hiền, khâu quan trọng để phát hiện, sử dụng nhân tài. Nên linh hoạt thu hút nhân tài như tạo diễn đàn gọi thầu công khai các đề tài sẽ nghiên cứu hay giải pháp cho những vấn đề quan trọng, hóc búa để mời làm tư vấn, hiến kế, giải quyết.

Cải cách thể chế, đổi mới quy trình lãnh đạo và quản lý sao cho tạo điều kiện để nhân tài phát huy hết khả năng. Như ở lĩnh vực kinh tế, người quản lý hoặc điều hành không nhất thiết là công chức, không chỉ nghĩ đến làm tốt công việc được giao phó mà phải mang đầu óc tầm vóc một doanh nhân chấp nhận rủi ro sử dụng đồng vốn để phát triển và sẵn sàng chuyển đổi hướng đầu tư, sản xuất nhằm tạo giá trị lớn có lợi nhuận cao hơn.

Thu hút nhân tài cho hiệu quả phải là cả một quá trình gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu rõ ràng, nhu cầu thiết thực từng lĩnh vực phù hợp với nơi tuyển dụng, sắp xếp việc làm. Một khi tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm và sẵn sàng bỏ một phần tiền túi để mời nhân tài cùng các ràng buộc bằng hợp đồng, hẳn sẽ có cách sử dụng thiết thực để có lợi nhất.

Đây còn là cơ hội cho các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước tự chủ tài chính để hoạt động trong việc thu hút nhân tài. Nhà nước tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch, cạnh tranh công bằng cho mọi người. Nhà nước tạo điều kiện về chính sách và cơ chế, thủ tục sao cho nhanh gọn và thuận lợi, ưu đãi cho vay vốn lãi suất thấp, chỉ nên hỗ trợ một phần chi phí trả cho nhân tài và phần còn lại nơi sử dụng tự chịu.

Cần lắm một bộ khung chuẩn với số lượng thành phần nhân tài để biết sẽ làm công việc nào và tham gia vào các dự án cụ thể như nghiên cứu khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội.

Người sử dụng nhân tài phải vì lợi ích chung, có toàn quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt, không bị ràng buộc bởi ý kiến chỉ đạo hay các quy định chồng chéo, phải có khả năng thuyết phục và bản lĩnh chấp nhận thử nghiệm những ý tưởng mới, không tư lợi. Bởi lẽ thực tế, nhân tài không rời bỏ công việc mà chỉ rời bỏ người quản lý yếu kém.

Đỗ Ngô Trần

SINGAPORE-BẬC THẦY VỀ TUYỂN CHỌN, CỬ NGƯỜI RA NƯỚC NGOÀI 

HỌC TẬP

PHẠM MẠNH HÙNG/ TVN 12-8-2022


Để cử người ra nước ngoài học sau đó về làm cho khu vực công, đảo quốc sư tử làm rất bài bản từ khâu tuyển chọn đến khâu sử dụng.

Một trong những đặc điểm đặc sắc trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Singapore là chế độ học bổng mở cho cả đối tượng bên ngoài hệ thống công vụ. Nước này tuyển chọn từ nhóm những sinh viên xuất sắc nhất ở các trường rồi cử đi du học ở đại học danh tiếng của thế giới, sau đó về làm việc cho nhà nước.


Học bổng chính phủ của Singapore không dành riêng cho những người đang làm trong hệ thống nhà nước mà mở cho mọi người đủ điều kiện tham gia cạnh tranh. Ảnh minh họa

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nhấn mạnh rằng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các nước tiên tiến là rất quan trọng vì không chỉ học từ kiến thức sách vở mà còn học cách thích ứng với một hệ thống quản lý khác, một nền văn hóa của dân tộc khác. Trong môi trường như vậy, các nhà lãnh đạo phải học cách ứng phó với sự thay đổi và khác biệt của cuộc sống.

Tuyển chọn kỹ lưỡng trên phạm vi rộng

Trên tinh thần đó, ngay từ năm 1962, Singapore đã cấp học bổng để tuyển dụng những người sau này sẽ đảm đương trọng trách trong khu vực công.

Hàng năm, Ủy ban Dịch vụ công cấp khoảng 60 suất học bổng để thu hút những người có tài năng, đảm bảo đủ nhân lực chất lượng cao làm việc trong các cơ quan công quyền, đồng thời để tạo nguồn bổ sung, thay thế những người chuyển sang khu vực khác hoặc nghỉ hưu. Sau đó, chính phủ thiết lập hàng loạt chương trình học bổng du học nước ngoài như học bổng chính phủ, học bổng tổng thống, học bổng nhân văn…  

Khác với nhiều nước, học bổng chính phủ của Singapore không dành riêng cho những người đang làm trong hệ thống nhà nước mà mở cho mọi người đủ điều kiện tham gia cạnh tranh. Nguồn chính là sinh viên xuất sắc nhất của những trường danh tiếng.   

Các ứng viên phải vượt qua quá trình sàng lọc hết sức kỹ lưỡng do Ủy ban Dịch vụ công tiến hành. Ủy ban này nghiên cứu rất kỹ hồ sơ của ứng viên gồm báo cáo kết quả học tập, báo cáo đánh giá của hiệu trưởng, hoạt động xã hội và đánh giá tâm lý của ứng viên. Vượt qua vòng hồ sơ, các ứng viên phải trải qua vòng phỏng vấn, đa số du học tại các trường đại học danh tiếng như Oxford, Cambridge, Harvard...

Sau khi tốt nghiệp, họ phải về nước làm việc cho bộ máy công quyền trong một thời gian xác định, tối thiểu thường là 4-6 năm. Họ được bố trí làm việc ở bộ phận công chức hành chính. Đây là bộ phận đỉnh tháp trong trật tự thứ bậc hành chính ở các bộ, gồm một đội ngũ công chức hành chính ưu tú nòng cốt gần 300 người với sứ mệnh dẫn dắt nền công vụ, xây dựng và lãnh đạo việc thực thi chính sách quốc gia cũng như tư vấn, tham mưu cho chính khách… Đó là một vinh dự vô cùng lớn, họ được hưởng lương thưởng thỏa đáng và sự tôn trọng của dân chúng cùng một tiền đồ sáng lạn.  

Rèn luyện trong môi trường thực tiễn đa dạng, phức tạp  

Họ lại phải trải qua “đánh giá sàng lọc” nhưng lần này là qua thực tiễn công việc để chọn ra những nhà lãnh đạo sáng giá cho đất nước. Ông Lý Quang Diệu cho rằng phương pháp sàng lọc gồm các báo cáo đánh giá và một cuộc phỏng vấn mới chỉ chính xác 60-70%. Hơn nữa, việc phát hiện nhân tài ở độ tuổi 18-19 rất khó vì mới chỉ đánh giá về học lực, trí thông minh, trong khi cần phải đánh giá cả những nhân tố như lòng say mê, nhiệt huyết, động cơ làm việc, sự cân bằng trong cuộc sống...

Các ứng cử viên được đánh giá toàn diện từ thực tiễn để thể hiện khả năng giải quyết các công việc nhà nước vốn rất đa dạng và phức tạp. Căn cứ vào kết quả, sự đóng góp thực tế cũng như tiềm năng phát triển, họ sẽ được bố trí phù hợp. Đa số được bổ nhiệm vào ngạch hành chính và thăng tiến theo qui trình thông thường.

Những cá nhân được đánh giá là đặc biệt xuất sắc, triển vọng phát triển thì được bồi dưỡng, rèn luyện để nhanh chóng trở thành cán bộ lãnh đạo hàng đầu trong nền công vụ, như thứ trưởng thường trực ở các bộ, thậm chí có thể là bộ trưởng nếu là nghị sĩ quốc hội. 

Họ được luân chuyển đảm nhiệm các chức trách ở nhiều bộ phận khác nhau trong khu vực công nhằm đảm bảo có năng lực toàn diện, tầm nhìn bao quát và các kỹ năng quản trị cần thiết cho việc xây dựng chính sách, đồng thời cũng để đánh giá, rèn luyện ở các hoàn cảnh công việc khác nhau, đảm bảo có thể đáp ứng tốt vị trí lãnh đạo cấp cao trong nền công vụ.

Cụ thể, chính phủ Singapore thiết lập "lộ trình sự nghiệp kép". Ban đầu, các công chức hành chính đã đi du học được phân công quản lý một lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn thuần túy. Sau vài năm, họ được luân chuyển sang vị trí quản lý cao cấp để điều hành các vấn đề mang tính vĩ mô và hưởng lương cao đặc biệt. Thông thường, họ sẽ được bổ nhiệm vào vị trí thứ trưởng thường trực phụ trách bộ máy công chức của một bộ ở độ tuổi 30 và thuộc đội B - hỗ trợ chuyên môn cho các bộ trưởng thuộc đội A, là các nhà lãnh đạo chính trị được bổ nhiệm, thường trong độ tuổi 40.

Các thứ trưởng thường trực làm việc trong nhiệm kỳ cố định 10 năm để bảo đảm sự ổn định cho hệ thống công chức. Nhưng cũng có một số người nhanh chóng trở thành bộ trưởng nếu là nghị sĩ quốc hội và ứng cử vào nội các.

Năm 2009, có tới 16/20 thứ trưởng là người nhận học bổng chính phủ. Điều này cho thấy hiệu quả của biện pháp cấp học bổng để có nhân tài ưu tú cho nền công vụ của Singapore. Không chỉ vậy, các nhà lãnh đạo chính trị hiện nay, từ Thủ tướng Lý Hiển Long đến Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Lim Hong Kiang, Ngoại trưởng George Yeo và Bộ trưởng Quốc phòng Teo Chee Hean đều từng nhận học bổng du học.

Song không phải cứ được gia nhập đội ngũ công chức hành chính là chắc chân, ấm thân cả đời bởi lẽ ở độ tuổi 35-36, họ phải trải qua sự sàng lọc vô cùng khắc nghiệt và được đánh giá về triển vọng nghề nghiệp. Nếu kết quả cho thấy tiềm năng của họ thấp hơn so với năng lực của các thứ trưởng thường trực hiện thời thì sẽ bị yêu cầu rời khỏi hệ thống công chức hành chính để nhường chỗ cho những người tài giỏi hơn, nhằm bổ sung sinh khí mới, giúp hệ thống vận hành hiệu quả hơn.

Như vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các nước tiên tiến là một quá trình gắn kết chặt chẽ giữa các khâu từ tuyển chọn, cử đi học và sử dụng. Đặc biệt, đảo quốc không giới hạn đối tượng tuyển chọn là cán bộ đang làm trong hệ thống nhà nước mà mở cho cả đối tượng bên ngoài.

Do vậy, chính phủ Singapore có thể tuyển được những người xuất sắc nhất trên phạm vi rộng, tạo cơ hội cho con em nhà nghèo nhưng có khả năng được học tập ở nước ngoài và cống hiến cho đất nước. Những sinh viên giỏi được nhận học bổng của chính phủ trở thành công chức trẻ triển vọng và có nhiều cống hiến xuất sắc, sau đó bước chân vào chính trường, trở thành những bộ trưởng giỏi giang.

PMH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét