Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

20220828. BÀN VỀ SỰ TRUNG THỰC TRONG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO

  ĐIỂM BÁO MẠNG


BÍ THƯ NGUYỄN VĂN NÊN:
 'DẠY CÁC CHÁU TRUNG THỰC CÁC ĐỒNG CHÍ À'
LÊ HUYỀN/VNN 25-8-2022

Bí thư thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị ngành giáo dục thành phố phải quan tâm, phải nghĩ bắt đầu đổi mới hướng nào để thực hiện trung thực và dạy học sinh trung thực.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Sở GD-ĐT TP.HCM sáng 25/8, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành uỷ TP.HCM, cho rằng năm 2021 ngành giáo dục thành phố gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại..ngành giáo dục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 còn để lại di chứng và ảnh hưởng nhiều mặt đến ngành giáo dục. 
 
Ông Nên đề nghị tổng kết năm học 2021, Sở GD-ĐT cần đánh giá sát, đúng thực trạng của ngành giáo dục thành phố để tìm giải pháp thích hợp, hiệu quả nhất, đưa giáo dục phát triển đúng hướng, bền vững.
 
Bí thư Thành uỷ TP.HCM ghi nhận ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo, nhiều kết quả rất đáng trân trọng.  Đặc biệt học kỳ I năm 2021 với tinh thần tạm dừng đến trường, học sinh không thể đến trường khi thành phố thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nhưng không dừng học, là thử thách mới chưa từng có. Dù vậy ngành giáo dục thành phố nhanh chóng, chủ động thích ứng, triển khai quyết liệt vừa ứng phó dịch bệnh và triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành, giữ được thành tích trong các cuộc thi. 
 
“Những kết quả này rất đáng hoan nghênh và trong bối cảnh khó khăn kết quả đó càng đáng trân trọng”- ông Nên nói.
 
Tuy nhiên theo ông Nên, cần thẳng thắn nhìn thấy ngành giáo dục chưa đáp ứng những yêu cầu như lòng mong mỏi của người dân. Và cứ mỗi năm trôi qua lại để lại một số nuối tiếc vì chưa phát huy hết tiềm năng, điều kiện, thậm chí có nơi còn bỏ lỡ thời cơ có thể tận dụng khắc phục khó khăn. Những khó khăn hiện nay là áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, trong khi quy hoạch hạ tầng, quy hoạch phát triển trường lớp chưa theo kịp nhu cầu học tập của người dân và những khó khăn trong hạ tầng kỹ thuật làm cho ngành giáo dục lúng túng trong dạy học trực tuyến vừa qua.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị (Ảnh: SGGP)

Ông Nên nhấn mạnh, trong suy nghĩ hành động của thành phố lúc nào cũng nghĩ đến vai trò, trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vì vậy trong quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục của thành phố luôn nghĩ đến sứ mệnh của mình đối với địa phương khác. 
 
“Thành phố luôn xem giáo dục là hoạt động rất quan trọng, tác động trong mỗi liên hệ căn cốt đến tất cả lĩnh vực xây dựng và bảo vệ thành phố. Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra xã hội thực chất. Muốn xã hội phát triển toàn diện bền vững cần có nền giáo dục phát triển toàn diện, bền vững”- Bí thư Thành uỷ TP.HCM lưu ý.
 
Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM, điều nhiều người quan tâm và suy ngẫm nhất hiện nay là sự học và tính trung thực của việc học. Hiện trên các diễn đàn, nhiều giáo viên nói rằng đã thay đổi từ cách dạy ép người ta học đến cách dạy cởi mở, tương tác với sinh học, chứ không phải đổ vào cho đầy mà học để đốt lên ánh lửa để thấy ánh sáng, tức học khai phóng.
 
Ông Nên chia sẻ, khi tiếp một chính khách nước ngoài đã học hỏi kinh nghiệm là lớp 5 đã có chương trình tương tác. Thầy trò cùng nhau đặt ra vấn đề rất cởi mở, các cháu hỏi và thầy giáo chia sẻ trả lời rất bình đẳng. Học sinh hỏi câu này, câu khác, truy cho cùng bản chất sự việc.
 
“Học như thế các đồng chí à. Mình hiện nay chưa mở chứ không phải các cháu thiếu thông minh trí tuệ để giải quyết vấn đề… Tôi đề nghị các đồng chí phải đổi mới, đổi mới trong thầy cô, quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo… Tôi muốn các đồng chí phải quan tâm rằng, phải nghĩ ngay thành phố chúng bắt đầu đổi mới hướng nào để thực hiện trung thực. Dạy các cháu trung thực các đồng chí à”- ông Nên yêu cầu. 
 
Ông Nên đề nghị các thầy cô giáo nghĩ cách tiếp cận để dạy học sinh có môi trường sống trung thực. Và môi trường này bắt đầu từ thái độ, nhân cách, gương mẫu, từng cấp, của người lớn. Ông Nên đề nghị ngành giáo dục đừng thành tích ảo. Có thành tích bao nhiêu thì báo bao nhiêu. Ông Nên cũng đề nghị ngành giáo dục xem lại hệ thống tiêu chí thi đua. 
 
“Hiện Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn công tác thi đua rất đầy đủ, chi tiết. Ngành giáo dục là một trong những ngành thực hiện thi đua rất nghiêm nhưng liệu có trung thực không?”- ông Nên đặt câu hỏi và yêu cầu phải nói thật, làm thật, chấm điểm thật, có tiêu chí thật, có thước đo thành tích cho từng cấp, từng lớp, từng môn… để hạn chế giả dối, chọn trung thực xứng đáng, đúng nghĩa theo sự cống hiến, nỗ lực, sáng tạo thầy, trò. 
LH

PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM: CÓ ĐAU CŨNG PHẢI NÓI, TA CHƯA THỰC SỰ TRUNG THỰC...
QUÝ HIÊN, TUỆ NGUYỀN/TN 12-8-2022

Tại hội nghị tổng kết năm học và triển khai phương hướng năm học mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ những khó khăn với ngành GD-ĐT vì ngành này ở thế bị động trong các điều kiện đảm bảo giáo dục.

Sáng nay, 12.8, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học cũ, triển khai phương hướng năm học mới, tại Hà Nội và 63 đầu cầu trong cả nước. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các lãnh đạo bộ GD-ĐT chủ trì hội nghị.

Áp lực vì người người là “chuyên gia giáo dục”

Sau khi lắng nghe báo cáo của Bộ GD-ĐT, phát biểu của một số cán bộ lãnh đạo ngành GD-ĐT địa phương và trường ĐH, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã bày tỏ sự chia sẻ những khó khăn của ngành GD-ĐT, đồng thời đưa ra một số ý kiến chỉ đạo.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Theo ông Đam, một khó khăn mà ai cũng nhìn thấy của ngành GD-ĐT là ngành này không được quyết định cho viêc đảm bảo cho điều kiện chất lượng giáo dục, đó là trường lớp và biên chế. Trong khi đó ngành phải đề ra các yêu cầu là có đủ giáo viên, có đủ trường lớp… “Nhưng giải quyết yêu cầu này thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không quyết được”, ông Đam nói.

Một khó khăn nữa, nhưng lại xuất phát từ một điểm tưởng chừng như thuận lợi, là giáo dục luôn được xã hội quan tâm. Đây là điều may mắn, nhưng lại là áp lực. Vì người người đều quan tâm đến giáo dục, mà ai cũng đều có thực tiễn giáo dục của bản thân, ai cũng tưởng chừng mình là “chuyên gia giáo dục”…, nên sẽ rất bức xúc nếu cảm thấy ý kiến của mình không được tiếp thu hoàn toàn.

“Chúng ta phải lấy ý kiến rất kỹ, phải công khai thảo luận, nhưng quan trọng là chúng ta chưa quan tâm tới truyền thông trước khi ra chính sách. Cái này tới đây chúng ta phải cùng nhau thay đổi”, ông Đam nêu ý kiến.

Tuy nhiên, ông Đam cũng cho rằng, ngoài mong muốn xã hội thông cảm hơn với ngành giáo dục thì ngành này cũng cần nhìn thẳng hơn vào những bất cập, yếu kém do chủ quan, để còn sửa đổi.

Ví dụ, ngành GD-ĐT không tự chủ được về biên chế, trường lớp, nhưng hoàn toàn tự chủ được về chuyên môn như về chương trình, SGK... Hay tới đây, nếu thực hiện mô hình tự chủ trong trường phổ thông thì đương nhiên Bộ GD-ĐT phải là đơn vị đề xuất và phải thuyết phục xã hội, thuyết phục hệ thống cùng làm.

Chúng ta chưa thực sự trung thực

Ông Đam cho rằng, có một loạt câu hỏi mà ngành GD-ĐT phải nhìn thẳng vào yếu kém của mình mới có câu trả lời. Trước khi đưa ra một ví dụ cho luận điểm này, ông Đam nói: “Tôi chỉ xin nói một cái mà có đau cũng phải nói”.

Hội nghị tổng kết năm học và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học mới tại điểm cầu Hà Nội

Và ông Đam nêu câu hỏi: “Tại sao chúng ta cứ loay hoay với chuyện thi cử, không chỉ là thi tốt THPT, mà cả chuyện kiểm tra đánh giá, hệ luỵ của nó là dạy thêm học thêm, loạn sách tham khảo?”. Rồi ông nói: “Câu trả lời rất đơn giản, vì chúng ta chưa thực sự trung thực!”.

Theo ông Đam, sở dĩ chúng ta cứ phải khổ sở câu chuyện tuyển sinh ĐH nhiều năm nay, dù bây giờ đã nhẹ đi rất nhiều, nhưng tại sao mãi vẫn không như được các nước phát triển, là bởi giáo dục của chúng ta không thể trung thực được như giáo dục của các nước phát triển. Vì chưa thực sự trung thực nên chúng ta không thể đánh giá khách quan, không thể mở cửa trường ĐH cho người học vào thoải mái, nếu không học được thì phải lưu ban hoặc bị đào thải ra ngoài.

Tuy nhiên, ông Đam cho rằng điều đáng mừng là ngành GD-ĐT ngày càng nhìn thẳng vào thực chất hơn trong đánh giá.

Thừa thiếu cục bộ giáo viên do mất dân chủ

Theo ông Đam, tới đây Bộ GD-ĐT phải làm được bước đột phá đầu tiên là thực sự quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Phải làm sao để Bộ lo đúng vấn đề chuyên môn, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, để điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được nâng lên nhanh hơn và bền vững hơn nữa.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Hà Nội và 63 điểm cầu trên toàn quốc

QUÝ HIÊN

AI CHO TÔI ĐƯỢC LÀM NGƯỜI TRUNG THỰC ?

CHU MỘNG LONG/ BVN 26-8-2022

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Sở GD-ĐT TP.HCM sáng 25/8, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành uỷ TP.HCM, đề nghị ngành giáo dục thành phố phải quan tâm, phải nghĩ bắt đầu đổi mới hướng nào để thực hiện trung thực và dạy học sinh trung thực. “Phải dạy các cháu trung thực các đồng chí à“. (Trích Vietnamnet).

Phát biểu này được dư luận đánh giá cao ở cái tiền giả định: Lâu nay ngành giáo dục của thành phố HCM, và không chỉ thành phố HCM, nói rộng ra là cả ngành giáo dục, đã không dạy trẻ lòng trung thực.

Thực ra, trước đó, ngày 12.8, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học cũ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nói: “Có đau cũng phải nói ra, ta chưa thực sự trung thực“.

Không biết ông Nên, ông Đam có đau thật không? Cá nhân tôi đau từ 30 năm nay, kể từ khi dấn thân sống chết với ngành giáo dục.

Cách đây hơn 15 năm, tôi phát biểu công khai: “Chúng ta đã không trung thực, nói thẳng là dối trá, thì không thể dạy con em chúng ta trung thực”. Câu này được một nguyên Phó Hiệu trưởng đưa vào đơn tố cáo tôi “phản động”, “chống phá”. Bây giờ thì tôi có được liều thuốc giảm đau khi ông Đam, ông Nên cũng “phản động”, “chống phá” như tôi.

Hôm qua một phóng viên phỏng vấn tôi, xin luôn những chứng cứ về đào tạo, về khoa học… nhân sau các phát biểu công khai của những người đứng đầu trên. Tôi từ chối và chỉ nói, mọi sự dối trá đều diễn ra nhãn tiền, chứng cứ thì hơn mười năm làm thanh tra, tôi có thừa, nhưng không thể cung cấp cho báo chí. Vì sao? Vì lý do đơn giản: Khi dối trá thành miếng cơm manh áo của cả đội ngũ giáo dục, tôi mà chống lại với bằng chứng cụ thể, khác nào tự tôi đưa thân vào giàn hỏa thiêu khổng lồ của sự dối trá?

Phóng viên không hiểu, tôi phải giải thích đơn giản thế này. Tôi đưa ra chứng cứ một vài trường hợp gọi là điển hình, lập tức cả một đám đông ai cũng thấy nó tố mình, thế là cái cỗ máy khổng lồ ấy sẽ nghiến nát tôi chứ không cần một quyền lực hiện hữu nào!

Bài này nói ngược một vế, cũng là chia sẻ nỗi đau đang bắt đầu nhói lên từ lãnh đạo. Rằng, không phải giáo dục không dạy trẻ lòng trung thực mà dạy rất nhiều nữa là đằng khác. Trong tất cả các bài học, ở trong môn Đạo đức công dân, Đạo đức chống tham nhũng, Đạo đức Hồ Chí Minh,… đều nói nhiều về lòng trung thực. Trong 5 phẩm chất, 10 năng lực của Chương trình 2018, cũng nhấn mạnh vào sự trung thực. Không có trang sách nào dạy sự dối trá cả!

Các bạn chắc còn nhớ một bài học trong sách Tiếng Việt, dẫn một câu chuyện của nhà văn Nguyễn Quang Sáng về lòng trung thực. Bài làm văn tả bố, các bạn đều làm được, làm tốt. Bố đứa nào cũng rất tốt, tốt hơn cả cái điếu văn trong mọi tang lễ. Nhưng có một em bé bỏ giấy trắng và bị điểm không. Cô giáo hỏi, sao em không làm bài? Em bé nói, vì em không có bố. Bố em đã hy sinh khi em mới chào đời. Một bạn khuyên, sao mày không tả bố của đứa khác? Câu chuyện rất xúc động về sự trung thực đấy chứ?

Tôi cứ nghĩ, thà là sách giáo khoa và các thầy cô dạy trẻ em sự gian dối, để sau này chúng hòa nhập vào sự gian dối, lấy gian dối đối phó với sự gian dối như một cuộc cạnh tranh sinh tồn, có lẽ sẽ tốt hơn. Trung thực như cái em bé kia chỉ có thể bị đày đọa cả đời và chết đói, chết ngạt, chết thiêu trong cái biển lửa của sự gian dối.

Tôi nói như vậy có nghĩa là, giáo dục dạy trẻ em sự trung thực, nhưng ai cho chúng làm người trung thực? Bởi chính những người dạy nói nhiều về sự trung thực, nhưng gần như mọi việc làm trước mắt những đứa trẻ ngây dại này toàn dối trá thì chúng biết tin vào đâu?

Cái lẽ đơn giản ai cũng hiểu. Một người cha, người thầy, một ông quan gian dối mà dạy trẻ, dạy dân sự trung thực, trẻ em và người dân không bị tẩu hỏa nhập ma thì cũng nghi ngờ về những điều được học. May mà khi lớn lên, ai cũng lo học tập và làm theo sự gian dối để sinh tồn.

Bây giờ thì chúng ta hình dung cái sự thực nhãn tiền, ai cũng biết và trẻ em nào cũng thấy.

Ngay từ khi bước chân vào nhà trẻ, khi trẻ em bị đánh đòn đến chấn thương, cô giáo đã răn đe: “Không được mách bố. Phải nói là con chơi bị té ngã nhé!” Khi có thanh tra của Sở, của Phòng, các em bé hay khóc hay hoạt động chưa tốt đều bị giấu vào chỗ kín để khoe ra, rằng trẻ em của nhà trường được chăm sóc và giáo dục rất tốt. Đến khi vào tiểu học và các cấp học cao hơn, ngoài chạy trường, chạy lớp, chạy điểm bằng phong bì, nhãn tiền nhất về cái gọi là giờ “dạy tốt, học tốt” bao giờ cũng được lựa chọn, sàng lọc và huấn luyện rất kĩ để đối phó, kết quả, những gì giả tạo nhất đều được đánh giá rất cao. Lãnh đạo Phòng, Sở cho đến Bộ đều dựa vào đó mà báo cáo thành tích. Bảng thành tích luôn 90 đến 99% khá và giỏi, nhưng đã có ai đánh giá cái đạt chỉ tiêu với thành tích ấy trung thực đến đâu trước khi lộ ra rất nhiều người học không biết gì.

Học theo mẫu, làm theo mẫu như một cái máy là trung thực hay giả dối?

Nhà trường thông qua Hội Phụ huynh, muốn tận thu các loại phí, nhưng bịa ra một mẫu đơn viết sẵn, ép buộc người ta ký vào sự tự nguyện đóng góp, là trung thực hay giả dối?

Tôi tham gia đề tài, dự án cấp bộ, thực nhận chỉ 30 triệu nhưng bắt buộc tôi phải ký nhận khống 300 triệu là trung thực hay giả dối?

Khi xảy ra vụ Việt Á, tôi từng nói, cả ngành giáo dục đang là một Việt Á khổng lồ, từ đào tạo đến nghiên cứu khoa học. Không tin cứ lật hết các công trình, hồ sơ khoa học của các giáo sư, tiến sỹ (chứ không cần nói đến sáng kiến kinh nghiệm hay luận văn cao học lèng phèng), có bao nhiêu công trình không đạo văn, bao nhiêu hồ sơ chân thực để đánh giá đúng thực chất và được trao học hàm học vị giáo sư, tiến sỹ? Đến một trường hợp tại Viện Ngôn ngữ học, sự đạo văn đã phô ra trắng trợn mà không có ai đủ tư cách xử lý, thì rõ là mức độ gian dối đã tràn lan.

Đáng sợ nhất là một khi sự gian dối đã tràn lan và trở thành miếng cơm, manh áo của số đông, trong đó có sự bảo kê của quyền lực, thì một tiếng nói, một việc làm trung thực ắt thành miếng mồi cho sự chụp mũ, bị quy kết thành “phản động”, “chống phá”. Không chỉ bị quyền lực trừng phạt đâu, cái đám đông sống bằng sợ gian dối kia sẽ hùa theo, ăn sống nuốt tươi sự trung thực ngay từ trong trứng nước.

Bắt trẻ em phải trung thực một cách ngây ngô để mình được tự do dối trá, có phải là sự khôn lỏi và lưu manh không? Chính cá nhân tôi, một người đầu đội trời chân đạp đất mà có lúc cũng phải đạp cứt, ngậm ngùi khen cứt thơm để còn sinh tồn đến hôm nay đấy!

Ở một cái xã hội mà gian dối sẽ có được điểm cao, được ghi vào học bạ năng lực và hạnh kiểm tốt, có được chỗ làm có nhiều tiền, được thăng quan tiến chức, được thành giáo sư, tiến sỹ dạy người khác sự trung thực, ngu gì không gian dối? Trung thực chỉ có bị thua thiệt, bị đoạ đày, thậm chí bị chê cười là ngu dại. Đau không?

Tôi mong ông Đam, ông Nên, nếu các ông có đau như tôi thì hãy nhìn nhận đúng sự thật và hành động quyết liệt. Hãy nói rằng, không phải giáo dục ta không dạy trẻ lòng trung thực mà dạy rất nhiều. Nhưng nghịch lý ở đây không đơn giản là nói một đằng làm một nẻo, sự trung thực chỉ ở đầu môi chót lưỡi, mà nguy hiểm hơn, người ta muốn trẻ em và người dân trung thực để mình được tự do gian dối. Giống như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Đinh La Thăng… dạy dân và công chức chống diễn biến, tự diễn biến, học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng các ông thì lại có quyền diễn biến, tự diễn biến, suy thoái đạo đức, lối sống đến cùng cực. Sự cơ hội và lưu manh đến mức biến mọi người trung thực một cách ngây ngô, khờ dại để kẻ cơ hội, lưu manh dễ dàng chăn dắt như chăn dắt đàn cừu, vắt sạch lông, sữa cừu và cả thịt cừu để trục lợi. Đó mới là cái gốc của vấn đề. Không nhổ được cái gốc này, sự gian dối còn tràn lan như cỏ dại và hủy hoại dân tộc ngay từ bé mầm non.

Theo tâm lý học, trẻ em sinh ra vốn trung thực. Không cần dạy trẻ em nhiều về sự trung thực mà trước hết, lãnh đạo, người thầy và người lớn phải trung thực đã!

C.M.L.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét