Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

20220804. BÀN VỀ KÌM CHẾ LẠM PHÁT

 ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐỂ DẬP ĐƯỢC LỬA LẠM PHÁT...

PHAN MINH NGỌC/ TBKTSG 2-8-2022

(KTSG) – Hiện nay, nhiều chuyên gia đang cho rằng lạm phát tại Việt Nam xuất phát từ chi phí đẩy nên biện pháp hữu hiệu nhất để chống lạm phát là giảm thuế, đặc biệt là thuế liên quan đến xăng dầu. Việc tăng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng kiềm chế lạm phát.

Giá xăng đã giảm mạnh nhưng giá cả hàng hóa vẫn chưa hạ nhiệt. Ảnh: N.K

Nhận định trên đã bỏ sót một số khía cạnh quan trọng khác của vấn đề…

Giảm thuế chỉ là một tác nhân

Trước hết, giá năng lượng, xăng, dầu liên tục tăng cao đúng là đã khiến giá cả của hầu hết mặt hàng đều tăng. Tuy nhiên, từ đây suy ra lạm phát của Việt Nam chủ yếu là do chi phí đẩy, và, tiếp theo, để chống lạm phát thì phải cắt giảm thuế xăng dầu để giảm (áp lực) lạm phát thì vẫn chưa hợp lý.

Giảm thuế xăng dầu đúng là sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp có giảm giá bán sản phẩm hay không lại hoàn toàn là chuyện khác. Họ sẽ không (tội gì) giảm giá bán nếu không ai, không có áp lực nào bắt họ phải giảm giá tương ứng với mức giảm giá của nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào. Họ sẽ chỉ giảm giá nếu nguồn cung sản phẩm cùng loại tăng lên và/hoặc nhu cầu cho sản phẩm đó giảm đi (sẽ nói thêm ở đoạn dưới). Diễn biến của cả hai yếu tố cung và cầu của sản phẩm nào đó không chỉ bị chi phối duy nhất bởi giá nhiên liệu, và quan trọng hơn, theo hướng như tư duy thông thường rằng giá đầu vào giảm thì giá đầu ra (giá bán) cũng giảm tương ứng, hoặc ngược lại…

Cách đây không lâu, Kinh tế sài Gòn cũng có bài viết trích dẫn kết quả khảo sát cho thấy đến 54% mức tăng giá (ở Mỹ) là do doanh nghiệp chủ động tăng giá chứ không phải do chi phí đầu vào tăng. Cũng trong bài viết có ý kiến của chuyên gia cho rằng một khi mặt bằng giá mới được người tiêu dùng chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ không chịu giảm giá dù giá nguyên liệu đầu vào đã nguội đi (1).

Thực tế ở trong nước báo chí cũng đưa tin dù giá xăng đã giảm mạnh nhưng giá cả hàng hóa vẫn chưa hạ nhiệt(2) (3).

Nói cách khác, không có gì đảm bảo rằng ở Việt Nam, khi giá năng lượng, xăng dầu giảm đi thì lạm phát sẽ tự khắc hạ nhiệt. Để điều này xảy ra, cần thêm điều kiện tiên quyết là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải siết chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất điều hành, như nói thêm ở phần dưới.

Nâng lãi suất luôn là một giải pháp căn bản

Chuyển sang ý kiến cho rằng ở Việt Nam nâng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng kiềm chế lạm phát. Có thể vẫn có nhiều người chưa biết hoặc vẫn bán tín bán nghi với câu đúc kết của một giáo sư kinh tế Mỹ rằng lạm phát mọi nơi và mọi lúc chỉ là một hiện tượng tiền tệ. Vận dụng câu này vào trường hợp của Việt Nam hoàn toàn có thể thích đáng.

Cho dù lạm phát của Việt Nam chủ yếu bị chi phối bởi chi phí đẩy, nhưng một khi NHNN đã tăng lãi suất điều hành thì tổng cầu trong nước sẽ suy giảm, đơn giản bởi cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân giảm đi, kéo theo nhu cầu đầu tư, tiêu dùng giảm tương ứng. Tại mức cung hiện tại, không thay đổi, cầu giảm sẽ làm giảm giá cả, tức giảm lạm phát.

Lấy ví dụ minh họa đơn giản là thị trường bất động sản hiện tại. Với việc siết/nắn tín dụng bất động sản, lãi suất cho vay bất động sản tăng lên, giá bất động sản đã có xu hướng chững lại hoặc quay đầu giảm ở nhiều nơi. Giá vật liệu xây dựng, sắt thép cũng bị ảnh hưởng theo đó.

Như vậy, dù giá năng lượng, xăng dầu tăng lên hoặc đứng ở mức cao, khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất chính sách thì lạm phát sẽ bị kiềm chế và sớm hay muộn sẽ phải giảm đi. Nói cách khác, lạm phát luôn là hiện tượng tiền tệ trên khía cạnh là tiền trong nền kinh tế đang có nhiều hơn tương đối so với hàng hóa và dịch vụ tại một mức giá nhất định, và giải pháp tiền tệ luôn là giải pháp căn cơ để trị lạm phát.

Cần biết thêm rằng Singapore là một nước nhập khẩu hầu như toàn bộ mọi thứ hàng hóa nên nước này hiển nhiên là có lạm phát loại chi phí đẩy. Thế nhưng, họ chẳng cần bận tâm tranh cãi mà thi hành không chậm trễ chính sách tiền tệ thắt chặt (thông qua củng cố tỷ giá nội tệ) ngay khi có dấu hiệu lạm phát bắt đầu tăng tốc.

Trở lại với trường hợp Việt Nam. Ngược lại, việc giảm thuế xăng dầu nói trên diễn ra trong bối cảnh NHNN không siết lại chính sách tiền tệ sẽ càng kích thích tổng cầu, như điều xảy ra với mọi chính sách cắt giảm thuế nói chung từ Đông sang Tây. Lưu ý là chính sách giảm thuế chỉ có tác dụng, chỉ nên dùng trong trường hợp cần kích cầu do nền kinh tế đang suy thoái và lạm phát ở mức thấp.

Ngoài ra, những người hoài nghi tác dụng của việc nâng lãi suất điều hành cần lưu ý rằng nâng lãi suất sẽ củng cố tỷ giá tiền đồng và, do đó, giảm áp lực lạm phát. Nếu họ ủng hộ và tán dương một đồng bản tệ giữ giá tốt (tiền đồng ít mất giá) so với các đồng bản tệ khác trên thế giới thì họ cũng nên ủng hộ một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ở Việt Nam.

Hỗ trợ có chọn lọc để giảm thiểu tác dụng phụ

Hiển nhiên là khi NHNN nâng lãi suất điều hành hoặc Bộ Tài chính không giảm thuế thì sẽ có nhiều người bị ảnh hưởng. Nhưng điều chỉ đáng và nên quan tâm là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh yếu, không có vị thế thị trường lớn để có thể chi phối giá cả. Họ sẽ càng trở nên khó tiếp cận với nguồn tín dụng ngân hàng và/hoặc không có đủ nguồn lực để chịu áp lực giá cả đầu vào tiếp tục đứng ở mức cao trong một thời gian (cho đến khi chính sách tiền tệ siết chặt phát huy tác dụng) trong khi không thể tăng giá bán do vị thế thị trường yếu.

Các chính sách hỗ trợ mang tính chọn lọc trong trường hợp này nên được xem xét và thực thi. Chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay 2% là một trong những chính sách khá hợp lý, với điều kiện làm đúng và làm tốt để không xảy ra tình trạng “dê đi lạc chuồng vào nhà giàu”.

Tóm lại, dù vì lý do gì chăng nữa thì chính sách tiền tệ luôn là công cụ căn bản và hữu hiệu để kiềm chế lạm phát. Giảm thuế xăng dầu mà không kèm với siết chặt chính sách tiền tệ sẽ không hạ nhiệt được lạm phát.

(1) https://thesaigontimes.vn/lam-phat-doanh-nghiep-va-nguoi-giau/
(2) http://www.haiduongtv.com.vn/xem-tin-tuc/gia-xang-dau-giam-gia-ca-hang-hoa-van-chua-ha-nhiet-136686.html
(3) http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202207/gia-hang-hoa-dich-vu-van-chua-ha-nhiet-3126702/
CÂN BẰNG GIỮA LẠM PHÁT VÀ PHỤC HỒI KINH TẾ
VÂN PHONG/TBKTSG 2-8-2022

(KTSG Online) – Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp có thể gặp khó khăn, thậm chí suy giảm nội lực nếu các cơ quan quản lý chỉ tập trung kiểm soát tỷ lệ lạm phát dưới mức trần là 4%.

Lạm phát là từ được nhiều chuyên gia nhắc tới tại buổi làm việc giữa Thủ tướng với các bộ, ngành về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô chiều 30-7 cũng như tại một số hội thảo, tọa đàm diễn ra gần đây.

Kiểm soát tốt giá cả các mặt hàng thiết yếu là cơ sở để kiềm chế lạm phát, làm giảm gánh nặng chi phí với người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Tân

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho biết áp lực lạm phát với kinh tế Việt Nam tới từ năm yếu tố, gồm gia tăng về giá cả; gia tăng yếu tố bất định như chiến tranh, dịch bệnh; gia tăng rủi ro tài chính tiền tệ, rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi nợ tư nhân và nghĩa vụ trả nợ tăng cao; gia tăng về rủi ro an ninh lương thực và an ninh năng lượng; giảm đà phục hồi tăng trưởng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có cơ hội kiểm soát tốt lạm phát nhờ ba yếu tố.

Nhiều dự báo trên thế giới đang cho rằng giá xăng sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới. “Giá xăng giảm sẽ giúp giá cả các nguyên vật liệu đầu vào khác dịu bớt đi, từ đó giảm áp lực chi phí đẩy cho Việt Nam”, ông Lực nói.

Ngoài ra, Chính phủ đang đảm bảo tốt nguồn cung các đầu vào thiết yếu cho nền kinh tế, đặc biệt là lương thực thực phẩm. Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn biến động.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp điều hành chính sách giữa các bộ, ngành được tiến hành khá tốt, giúp cho lạm phát 6 tháng đầu năm không tăng cao. Cụ thể, một số động thái điều hành chính sách linh hoạt đã được áp dụng như giảm thuế, phí với xăng dầu để hạ nhiệt giá xăng; kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực phi sản xuất.

Tương tự, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luỹ kế 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,44% trong bối cảnh nền kinh tế phải đối diện với thách thức từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng và rủi ro về an ninh lương thực, an ninh năng lượng là yếu tố cho thấy Việt Nam có nguồn lực và dư địa để kiểm soát lạm phát nếu chỉ số này tăng thêm 1–2% trong thời gian tới.

Với những cơ sở này, ông Trần Đình Thiên bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của các cơ quan quản lý về việc phải giữ ổn định vĩ mô.

Nhưng khái niệm “ổn định vĩ mô”, theo ông Thiên, không chỉ tập trung vào kiểm soát lạm phát.

“Lạm phát được duy trì ở mức thấp mà nền kinh tế bất ổn, doanh nghiệp chưa thể phục hồi thì liệu có thể gọi là ổn định vĩ mô”, ông Thiên nói. Ông lưu ý các cơ quan quản lý xem xét một số yếu tố gồm độ hiệu quả của các công cụ điều hành chính sách, khả năng phục hồi của doanh nghiệp, rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Theo đó, tâm lý quá lo sợ lạm phát dẫn tới siết chặt cung tiền sẽ làm chậm quá trình phục hồi của phần lớn doanh nghiệp – vốn chịu nhiều tổn thương sau 2 năm dịch bệnh.

“Điều này kéo theo khả năng trả nợ của doanh nghiệp thấp, gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Bất ổn vĩ mô gây ra bởi điều này còn đáng sợ hơn rủi ro lạm phát tăng cao, vì khi hậu quả xảy đến sẽ phải mất thời gian hàng chục năm để giải quyết”, ông Thiên cảnh báo.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), cho rằng việc ổn định vĩ mô xuất phát từ nhiều yếu tố gồm lạm phát, hệ thống tài chính, cán cân thanh toán, tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư.

Với bối cảnh hiện tại, ông Thành kiến nghị các cơ quan quản lý điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, làm sao hạn chế lạm phát nhưng không được bỏ quên nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng.

“Sự linh hoạt của chính sách tiền tệ không phải siết chặt lại để bớt lạm phát mà thể hiện trong việc chuyển dịch tín dụng vào các ngành, các lĩnh vực cần thiết, ví dụ như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi giá trị chất lượng cao”, ông Thành lưu ý.

Cũng theo chuyên gia này, một yếu tố không thể tách rời khỏi ổn định vĩ mô là sức chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt khi nền kinh tế vừa trải qua biến động chưa từng thấy và tiếp tục phải đối diện với những biến động khó lường.

“Sức chống chịu của nền kinh tế được đảm bảo bởi những chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, chính sách phản ứng với những cú sốc bất thường như dịch bệnh, biến động địa chính trị”, ông Thành lưu ý.

Để vừa kiểm soát lạm phát, vừa duy trì đà phục hồi kinh tế, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, đề xuất 4 giải pháp cần triển khai.

Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa rủi ro y tế, đặc biệt trong bối cảnh rất dễ xảy ra nguy cơ “dịch chồng dịch” như hiện nay. Trong đó, việc tiêm phủ các mũi vaccine nhắc lại cần được tiến hành một cách nghiêm túc.

Có chính sách điều tiết giá các loại hàng hóa có tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gồm giao thông vận tải, lương thực thực phẩm và vật liệu xây dựng – vốn chiếm đến 80% mức tăng CPI trong thời gian vừa qua.

Với mặt hàng xăng dầu, ông Lực đề xuất giảm tiếp 30% các loại thuế, phí còn lại, qua đó giảm 0,41% CPI và đóng góp 0,57% cho tăng trưởng GDP.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh những giải pháp như giảm thuế, giảm phí hỗ trợ xóa đói giảm nghèo trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, làm tăng chi phí sinh hoạt của nhóm lao động phổ thông, người có thu nhập thấp và người yếu thế trong xã hội.

Bên cạnh đó, cần liên tục đảm bảo nguồn cung các loại hàng hóa cần thiết, tránh trường hợp thiếu đầu vào cho sản xuất – kinh doanh. Đồng thời, kiểm soát giá cả các loại hàng hóa có liên quan trực tiếp với giá xăng dầu.

Về dài hạn, ông Lực nhấn mạnh hai nhiệm vụ trọng tâm gồm tăng tính chống chịu của nền kinh tế thông qua đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế.

“Việc cơ cấu lại nền kinh tế sẽ giúp giải tỏa nhiều dự án tồn đọng, bỏ hoang, từ đó tạo ra nguồn lực thêm cho phát triển”, ông Lực nói.

VP

TẠI SAO VIỆT NAM KHÔNG NÊN CHẤP NHẬN LẠM PHÁT CAO ?

ĐINH TUẤN MINH/ TBKTSG 30-7-2022

(KTSG) – Gần đây tôi có nghe một số chuyên gia kinh tế phát biểu rằng Việt Nam có thể chấp nhận mức lạm phát cao hơn mục tiêu 4% để cứu nền kinh tế, viện cớ rằng nền kinh tế cần phục hồi sau đại dịch Covid-19, giá nguyên – nhiên vật liệu nhập khẩu tăng mạnh do chiến tranh Nga – Ukraine hay lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu.

Tôi cho rằng đây là một suy nghĩ quá đỗi nguy hiểm, cần được các cơ quan điều hành kinh tế gạt bỏ ra khỏi đầu. Dưới đây là các lý do tại sao lại phải như vậy.

Trước hết, dù không tuyên bố nhưng Chính phủ Việt Nam trong 6-7 năm gần đây đã điều hành chính sách tiền tệ hướng đến lạm phát mục tiêu dao động trong khoảng 2-4%/năm. Chính sách này, song hành với chính sách kiểm soát nợ công, đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam giữ được ổn định vĩ mô, từ đó giúp Chính phủ có nhiều dư địa tập trung vào giải quyết các vấn đề cơ cấu và môi trường kinh doanh của nền kinh tế. Nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng bền vững trong nửa thập kỷ vừa qua và tiếp tục đứng vững được trước dông bão của đại dịch Covid-19 năm ngoái cũng như các cú sốc địa chính trị hiện nay.

Người ta có thể viện cớ rằng việc “thả” lạm phát tăng 6-7% chỉ mang tính nhất thời. Nhưng kinh nghiệm của Việt Nam trước đây, trên thế giới trong thập niên 1960-1970, và ở nhiều nước phát triển hiện nay cho thấy, một khi các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ có thái độ chủ quan, thả cho lạm phát chạy, coi lạm phát chỉ là nhất thời (transitory), thì nó nhanh chóng trở thành dai dẳng (persistent). Các chính phủ sẽ bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nếu không chống thì lạm phát sẽ tiếp tục tăng, còn nếu chống thì nền kinh tế sẽ bị đình trệ. Chẳng khác gì ngồi trên lưng hổ; đã trót ngồi lên rồi thì cứ phải chạy, nhảy xuống sẽ bị hổ ăn thịt. Thế nên, tất cả các cơ quan chính phủ và toàn bộ nền kinh tế đều phải quay cuồng chống chọi với lạm phát nhưng sao cho không dẫn đến suy thoái kinh tế. Hàng loạt chính sách phát triển kinh tế khác sẽ phải gác lại để ưu tiên cho mục tiêu này

Thứ hai, lạm phát, một khi được thực hiện một cách chủ động bởi các cơ quan điều hành của Chính phủ, chẳng khác nào là hành động tước đoạt tài sản của người nghèo. Người giàu có thể chống chọi được với lạm phát nhờ có tài sản tích lũy. Họ sẽ có cơ hội giàu hơn nhờ giá tài sản tăng trở lại khi lạm phát qua đi. Trong khi đó người nghèo sẽ bị vắt kiệt mọi đồng tiết kiệm để bù đắp cho sự gia tăng giá cả của hàng hóa thiết yếu mà họ buộc phải chi tiêu.

Người ta có thể biện minh rằng Chính phủ có thể hỗ trợ người nghèo qua các chính sách trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, tất cả các chính sách trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước cho những mục tiêu nhất thời đều có nhiều bất cập. Hoặc khoản trợ cấp không đến được địa chỉ cần giúp, hoặc không đến được đúng thời điểm cần trợ giúp, hoặc dẫn đến cơ chế xin-cho, tham nhũng… Những bất cập này là của mọi quốc gia, nhưng tệ hơn ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhiều khoản trợ cấp của Chính phủ cho người nghèo ban hành trong giai đoạn đại dịch Covid-19 cho đến nay vẫn chưa giải ngân được là một ví dụ. Ngoài ra, chính sách trợ cấp quá đà có thể khiến cân đối ngân sách bị thâm hụt nghiêm trọng, tạo ra vòng xoáy in tiền để bù đắp chi tiêu chính phủ, gây ra lạm phát phi mã như trường hợp của Sri Lanka gần đây.

Thứ ba, việc cho rằng nếu lạm phát của Việt Nam có tăng lên cao, chẳng hạn 6-7%, thì đấy là do các yếu tố khách quan, bên ngoài như giá xăng dầu và các nguyên vật liệu nhập khẩu tăng mạnh. Nhưng lạm phát dai dẳng chưa ở đâu và chưa bao giờ là do yếu tố phi tiền tệ. Như chúng ta quan sát giá hàng hóa thế giới hiện nay (theo đô la Mỹ), có thể giá xăng dầu tăng nhưng giá một số hàng hóa khác, chẳng hạn sắt thép lại giảm; giá lúa mì, giá bắp tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, nhưng lại quay trở lại mức giá đầu năm 2022… Sự thay đổi giá cả của từng hàng hóa khi đó hoàn toàn phản ánh khả năng cung ứng cũng như sức tiêu thụ của hàng hóa đó trong nền kinh tế. Đấy là chưa loại trừ sự tăng giá của những mặt hàng này do yếu tố lạm phát dai dẳng của Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Vì thế, nếu như Chính phủ kiên định mục tiêu lạm phát 4%, tức phải điều hành cung tiền trong nền kinh tế sao cho đảm bảo vừa đủ nhu cầu lưu thông, thanh khoản trong nền kinh tế, thì sẽ luôn có hiện tượng giá cả của một số mặt hàng tăng nhưng một số mặt hàng khác giảm, và giá cả trung bình của tổng thể hàng hóa tiêu dùng trên thị trường sẽ hầu như không tăng, hoặc chỉ tăng nhẹ trong phạm vi mục tiêu đã đề ra của Chính phủ.

Có thể có người cho rằng vì lạm phát tăng mạnh ở Mỹ và nhiều nước phát triển nên Việt Nam không thể tránh khỏi nhập khẩu lạm phát. Đây là một ngụy biện. Trong bất kỳ nền kinh tế nào, hàng hóa nhập khẩu chỉ chiếm một tỷ trọng nhất định. Nếu là hàng hóa tiêu dùng như quần áo hay bơ sữa nhập khẩu, khi giá cả của chúng tăng, chúng sẽ đối diện với việc bị hàng nội địa cạnh tranh thay thế, dẫn đến quy mô tiêu thụ của những mặt hàng đó giảm; tất nhiên, giá cả của các mặt hàng nội địa có thể tăng theo, nhưng nếu ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng dành cho những mặt hàng đó không đổi thì cầu của ngành đó sẽ bị giảm, tạo ra áp lực buộc các nhà nhập khẩu cũng như nhà sản xuất những mặt hàng hóa đó phải giảm giá, chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn.

Nếu đó là những hàng hóa tư liệu sản xuất như xăng dầu hay máy móc thiết bị, thì chúng ta đều biết rằng chúng chỉ cấu thành một phần giá cả hàng hóa. Nếu chi phí nhân công không tăng, giá nguyên liệu đầu vào khác sản xuất trong nước không tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước sẽ phải gánh chịu phần tăng giá đó, chấp nhận biên lợi nhuận giảm, nếu như họ không thể đẩy được chúng sang giá hàng hóa tiêu dùng. Và tương tự như hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu, việc có tăng được giá hay không hoàn toàn tùy thuộc vào sức mua của người tiêu dùng.

Thứ tư, người ta có thể viện cớ vào lập luận ở ngay trên, rằng doanh nghiệp trong nước sẽ không thể chịu được thua lỗ khi giá đầu vào tăng (do nhập khẩu lạm phát) trong khi sức mua của người dân không tăng hoặc thậm chí giảm (vì giá hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu tăng). Đây cũng là một ngụy biện. Có thể một số doanh nghiệp thua lỗ nhưng không phải hầu hết hoặc tất cả các doanh nghiệp đều thua lỗ. Nếu quả như thế thì sức mua của nền kinh tế đã bị suy giảm rất mạnh, và điều này ắt sẽ khiến cho giá cả của đa số mặt hàng giảm theo, và khi đó nền kinh tế phải đối diện với nguy cơ giảm phát, CPI tăng dưới 2%, chứ không phải tăng lên vượt quá mục tiêu 4%.

Trong trường hợp một số doanh nghiệp lãi, một số doanh nghiệp lỗ ở mức độ nhiều ít khác nhau thì đó là chuyện bình thường của nền kinh tế. Ở một số thời điểm, doanh nghiệp ngành này sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn những ngành khác. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch chịu thua thiệt nhưng các doanh nghiệp công nghệ lại được hưởng lợi; giai đoạn nhập khẩu lạm phát, những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như gạo, cá tra… được hưởng lợi trong khi những doanh nghiệp trong các ngành vận tải lại thua thiệt.

Cuối cùng, người ta có thể viện cớ rằng thời điểm hiện nay là thời điểm đặc biệt (đại dịch Covid-19 vẫn còn, chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài, nền kinh tế Mỹ và châu Âu có nguy cơ suy thoái…) nên nếu không “bơm tiền” hoặc “giải cứu” thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ phá sản, lao động bị thất nghiệp hàng loạt, khiến cho nền kinh tế Việt Nam không thể phục hồi được, hoặc thậm chí bị kéo vào vòng vào suy thoái.

Thực sự thì thời điểm hiện nay, nếu so với bối cảnh năm 2008-2009, thực lực của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn rất nhiều nhờ nền tảng vĩ mô ổn định trong một thời gian dài. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn và tương đối đa phương, đảm bảo rằng nếu một bộ phận nền kinh tế chịu thiệt vì nhập khẩu lạm phát, thì một bộ phận khác lại được hưởng lợi nhờ xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Thế nên sẽ không thể có hiện tượng doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản hàng loạt vì nhập khẩu lạm phát. Nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm hơn trong năm nay hoặc năm sau so với dự kiến, nhưng một khi môi trường vĩ mô được duy trì ổn định, nó sẽ bứt phá mạnh hơn trong những năm tiếp theo.

Nếu những người làm chính sách thực sự lo lắng cho người lao động có nguy cơ bị thất nghiệp vì một bộ phận doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc bị phá sản thì hãy nghĩ đến việc hoàn thiện lưới an sinh xã hội, để sao cho những người thất nghiệp vẫn có nguồn thu nhập tối thiểu trong thời gian đi tìm công việc ở những ngành được hưởng lợi nhờ nhập khẩu lạm phát. Nhưng đừng để họ bị tước đoạt thêm nữa vì chính sách chủ ý để lạm phát tăng cao.

ĐTM

ỨNG XỬ VỚI TIỀN TỆ VÀ TÀI KHÓA KHI LẠM PHÁT VIỆT NAM THẤP BẬC NHẤT THẾ GIỚI

TƯ GIANG/ TVN 4-8-2022

Chính sách tiền tệ và tài khóa dường như được thắt chặt để chống lạm phát - được báo cáo thấp bậc nhất thế giới - thay vì để phục hồi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng như doanh nghiệp và nền kinh tế cần sau mấy năm dịch bệnh.

Tiền tệ chặt chẽ

Kể từ khi thực hiện Nghị quyết 128 từ tháng 10 năm ngoái, hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế hồi sinh mạnh mẽ, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp trở nên hối thúc hơn bao giờ hết. Đã có nhiều hiệp hội, nhiều doanh nghiệp, thậm chí ngân hàng thương mại lên tiếng về việc cần nới room tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn không lay chuyển trước áp lực này. Thậm chí, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ còn hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản cho dù thị trường này chiếm miếng bánh không nhỏ trong GDP và tạo không ít công ăn việc làm.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận các áp lực này: “Nhiều ý kiến cho rằng, nên cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 15, 16% cho năm nay”. 


Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Nhật Bắc

Tuy nhiên, Thống đốc bảo lưu quan điểm chặt chẽ. Bà khẳng định trong cuộc thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng chủ trì cuối tuần trước: “NHNN cho rằng với điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh lạm phát này thì không thể chủ quan được, nên trước mắt, NHNN vẫn điều hành theo chỉ tiêu 14%”.

Thống đốc cho biết, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%, cao hơn mức 13,6% năm 2021 và 12,17% của năm 2020, đồng thời khẳng định “như vậy đã là tạo dư địa để thúc đẩy phục hồi”.

Có điều gì đó băn khoăn. Vì sao tăng trưởng tín dụng cho 2022 - năm nền kinh tế mở cửa lại hoàn toàn và khát vốn hơn bao giờ hết - lại chỉ nhỉnh hơn tí ti so với tăng trưởng tín dụng các năm 2021, 2020 - khi các hoạt động đông cứng do đóng cửa chống dịch?

Vì sao Thống đốc trong phát biểu về điều hành lãi suất, tín dụng tại phiên thảo luận trên lại không hề đề cập đến lạm phát - yếu tố cơ bản mà bất kỳ ngân hàng trung ương nào cũng căn cứ để tăng/giảm lãi suất, tín dụng?

Ngoài ra, Thống đốc cũng thông tin thêm, tỉ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam theo đánh giá của WB là cao nhất thế giới, 124% (theo GDP mới đã điều chỉnh tăng 25% và 184% theo GDP cũ), tỉ lệ tín dụng trên huy động vốn đã là 99%, nghĩa là huy động 100 đồng đã cho vay 99 đồng. Do đó, nếu nới room tín dụng thì có thể nguy cơ cuộc đua lãi suất sẽ quay trở lại.

Tài khóa nhỏ giọt

2022 là một năm đặc biệt đến mức, Quốc hội phải ban hành 2 nghị quyết phát triển kinh tế xã hội với mục đích quan trọng là đẩy mạnh vốn ngân sách, vốn đầu tư công, gói phục hồi kinh tế để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Đây là phản ứng chính sách rất nhanh, nhạy và hợp lý trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 34,5% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (36,7%). 

Nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm trễ trong giải ngân đã được điểm danh, trong đó điểm nghẽn lớn nhất là sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công và hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng. 

Rõ ràng, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế.


Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 34,5% kế hoạch. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Trong cuộc họp về giải ngân đầu tư công với 15 bộ ngành và địa phương mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định kết quả giải ngân tại các bộ, ngành, địa phương chưa đạt yêu cầu. Ông đốc thúc: “Phấn đấu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công trước 31/12 năm nay”.

Diễn biến trên cho thấy, chính sách tài khóa có vẻ rất chặt vì tiền không tiêu được. Nhận định này được củng cố bởi số liệu thống kê: Trong 7 tháng, chi ngân sách nhà nước chỉ đạt gần 843 nghìn tỷ đồng, bằng hơn 47% dự toán năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thật trái khoáy là thu ngân sách nhà nước lại tăng rất cao. Trong 7 tháng đầu năm, thu ngân sách ước đạt gần 1.094 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán năm và tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vượt thu cao nhất trong lịch sử ngân sách ở Việt Nam.

Đó là chưa kể, còn có gói 340 nghìn tỷ đồng phục hồi kinh tế đang được triển khai rất chậm trễ.

Nhắc tới 2 chính sách quan trọng trên không thể không đề cập đến lạm phát. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng năm nay chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%.

Căn cứ vào mức lạm phát thấp như vậy, lẽ ra chính sách tiền tệ và tài khóa cần mở rộng thêm vì dư địa còn rất nhiều trong khi vẫn kích thích được quá trình phục hồi kinh tế. Nhưng rõ ràng, diễn biến của cả hai chính sách quan trọng trên vẫn rất thận trọng, chặt chẽ.

Chỉ có điều, mức tăng lạm phát của Việt Nam thấp bậc nhất khu vực và thế giới khi lạm phát ở nhiều quốc gia phát triển tăng cao kỷ lục nhất 40 năm qua. Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), hơn 50% nền kinh tế đang phát triển có tỉ lệ lạm phát thường niên trên 7%; ở khoảng 60% nền kinh tế phát triển, con số này là hơn 5% - cao nhất kể từ thập niên 1980.

Ngày 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện yêu cầu kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Công điện nêu, áp lực lạm phát phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu hiện diễn biến khó lường, giá lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải..., và đặt ra những thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá từ nay đến cuối năm.

Ông yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương “tuyệt đối không được chủ quan, lơ là”, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra để đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công điện của Thủ tướng và hai chính sách trên cho thấy, vấn đề lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong đời sống thực đã trở thành chủ đề đáng quan tâm như thế nào, chứ không đơn giản là con số trên giấy.

TG

BÀI HỌC CHỐNG LẠM PHÁT

LĂNG KÍNH/ TBKTSG 5-8-2022

(KTSG) – Trong một động thái hiếm thấy, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman vừa viết một bài đăng trên tờ New York Times với một tít thừa nhận: “Tôi đã sai về lạm phát”.

Nguyên do là đầu năm 2021 có một cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà kinh tế về hậu quả có thể có từ gói giải cứu trị giá 1.900 tỉ đô la mà Chính phủ Mỹ tung ra để chống suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19. Nhiều người cho rằng bơm tiền nhiều như thế vào nền kinh tế ắt sẽ dẫn đến lạm phát không kiểm soát nổi; ngược lại, cũng nhiều người nói, yên tâm, không lạm phát đâu và Paul Krugman ở nhóm thứ nhì. Con số lạm phát vào tháng 6-2022 lên đến 9,1%, cao nhất trong 40 năm qua ở Mỹ, đã phân định ai đúng ai sai.

Bây giờ nhìn lại, có thể thấy rõ tiền bơm trực tiếp vào nền kinh tế ắt hẳn sẽ tạo ra một mức cầu cao hơn; cầu cao ắt dẫn đến tăng cung, tức nền kinh tế sẽ chạy hết công suất để thỏa mãn mức cầu mới, một yếu tố gây lạm phát. Nhưng quan trọng hơn, cung lại bị tắc nghẽn bởi nhiều yếu tố, từ đại dịch đến chiến tranh, từ nghẽn tàu đến nghẽn cảng, từ thiếu chip đến thiếu nhân công – những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của giới làm chính sách nhưng có tiềm năng gây lạm phát mạnh hơn cả. Giả thử cung bị tắc nghẽn trong khi cầu giữ nguyên còn đỡ; đằng này cung giảm trong bối cảnh bơm tiền làm cầu tăng mạnh – Paul Krugman thừa nhận mình sai về lạm phát là hoàn toàn chính xác.

Như vậy bài học có thể rút ra ở đây là trong bối cảnh lạm phát xảy ra ở nhiều nước, nhiều khu vực, ưu tiên chính sách không nên tập trung vào tăng trưởng GDP, bởi kinh tế phát triển nóng ắt áp lực lạm phát sẽ cao hơn. Thứ hai các gói giải cứu phải thiết kế sao cho không dẫn tới tăng cầu trong nước – chẳng hạn, các khoản đầu tư vào hạ tầng nên rải đều ra nhiều năm; các khoản trợ cấp cho người dân nhắm đến giúp họ trang trải những chi tiêu trực tiếp lâu nay họ vẫn phải chi tiêu.

Theo nhiều nhà kinh tế, đợt lạm phát trải rộng ở nhiều nước hiện nay chỉ có thể giải quyết từ phía cung, chứ không chỉ phía cầu. Tức nâng lãi suất là cần thiết, nhưng không phải là biện pháp duy nhất và không nên tiến hành ở mức cực đoan. Lãi suất phải ở mức nền kinh tế chịu được và vẫn tiếp tục duy trì khả năng tăng cung, nhất là nguồn cung trong nước – từ sản xuất nông nghiệp để duy trì giá cả lương thực thực phẩm ổn định đến sản xuất các loại hàng hóa thiết yếu đầy đủ cho nhu cầu người dân, không để xảy ra thiếu hụt dẫn tới tăng giá.

Với nguồn cung từ nước ngoài thường nằm ngoài khả năng chi phối của chúng ta, bài học từ các nước lâm vào khủng hoảng như Sri Lanka cho thấy then chốt là duy trì một mức dự trữ ngoại hối đủ để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu, từ nhập khẩu xăng dầu đến trang thiết bị, máy móc; từ thuốc men đến hàng hóa tiêu dùng trong nước chưa sản xuất.

Bài học cuối cùng là không vì giá cả tăng vọt nơi này hay nơi khác mà chuyển sang chính sách kiểm soát giá một cách phi thị trường hay kiểm soát luồng dịch chuyển của hàng hóa. Một số nước Đông Nam Á đã áp dụng chính sách cấm xuất khẩu một số mặt hàng hay áp giá trần cho một số mặt hàng khác để chống lạm phát nhưng đều thất bại; sau khi giá cả lại tăng chứ không giảm, họ đều phải từ bỏ chính sách cấm đoán này.

Việt Nam hiện đang có nhiều thuận lợi như dự trữ ngoại hối cao, nguồn cung lương thực thực phẩm trong nước dồi dào, lạm phát vẫn dưới mức chỉ tiêu cho phép, các gói giải cứu không tạo ra cầu tăng đột biến… nhưng tham khảo bài học của các nước đang rút ra từ nỗ lực chống lạm phát của họ vẫn là điều cần thiết cho hiện tại và cả tương lai.

Ai mà không sai. Cho dù là thiên tài đi nữa. Bởi vậy ông bà ta có nói, có tài có tật là vậy. Lạm phát, dù nguyên nhân gì đi nữa, cũng là do hành vi của con người gây ra, trước hết là hành vi của các nhà lãnh đạo quốc gia. Vô lý thay, sự trừng phạt của lạm phát khốc liệt ở chỗ nó luôn nhắm vào đời sống của tầng lớp người dân nghèo khổ. Đây là số đông nhất, đáng lo lắng và trăn trở nhất. Do vậy, mọi lý thuyết của các vị “tinh hoa lý luận” cho dù hay ho đến mấy cũng không thể tin được khi nhân loại không thể giải phóng triệt để tình trạng đói nghèo và bất công triền miên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét