Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

20170125. NGƯỜI VIỆT LẠC QUAN VỚI KINH TẾ NĂM 2017?

ĐIỂM BÁO MẠNG
"NGƯỜI VIỆT CỰC KỲ LẠC QUAN VỚI VIỄN CẢNH KINH TẾ NĂM 2017"?
LÊ DUNG/SN TB/ BVB 24-1-2017
Kết quả hình ảnh cho Indochina Research
“Người Việt đang cực kỳ lạc quan về viễn cảnh kinh tế năm 2017” là tựa đề cực kỳ trơ trẽn của một tờ báo nhà nước, khi dẫn lại kết quả nghiên cứu của một tổ chức chẳng mấy tiếng tăm là Indochina Research, trong khuôn khổ cuộc điều tra cuối năm 2016 do mạng lưới Win/Gallup International thực hiện tại 66 quốc gia.
Không chỉ “Việt Nam cũng là nước lạc quan thứ 5 trên thế giới về viễn cảnh kinh tế trong năm 2017”, Indochina Research còn công bố “Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 4 trên thế giới với chỉ số hạnh phúc là 78%”.
Để đối chiếu, hãy nhìn lại một kết quả khác của Liên hiệp quốc. Tháng 3-2016, Liên hiệp quốc cũng đã công bố một bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc, trong đó Việt Nam đứng thứ 96. Nhưng đánh giá về 2 bảng xếp hạng được công bố cách nhau không lâu, một chuyên gia nhà nước là Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho biết ngay cả ở hạng 96, bà vẫn thấy thứ hạng này được ưu ái.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận xét kết quả xếp hạng khá phiến diện, sẽ làm nhiều người bị… ru ngủ. Theo Tiến sĩ Hồng, nếu xét trên tiêu chí tuổi thọ thì Việt Nam không phải là nước có tuổi thọ cao để đáng phải tự hào. Còn tiêu chí cảm giác thoải mái, rất khó để nói người dân Việt Nam hài lòng khi đang phải lo toan mọi thứ: từ thực phẩm độc hại đến kẹt xe, mất an toàn giao thông, môi trường tự nhiên bị tàn phá… Đó là chưa nói cuộc sống bức bách khiến tâm lý con người thay đổi, bạo lực gia tăng, sẵn sàng đâm chém nhau vì những va chạm rất nhỏ…
“Tôi không hiểu thoải mái, hạnh phúc ở chỗ nào? Tôi không tin vào kết quả đó, phương pháp nghiên cứu này có vấn đề. Những người được hỏi chắc chắn không đại diện cho 90 triệu người dân Việt Nam” – Tiến sĩ Hồng bày tỏ.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng nếu Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về hạnh phúc thì đó đúng là giấc mơ, nhưng thực tế thì không phải như vậy:“Đối chiếu với một đất nước mà nỗi lo lắng luôn lơ lửng khắp nơi thì tôi cho là bảng đánh giá ấy hoàn toàn không chính xác. Ở đất nước mà ra đường luôn cảm thấy bất ổn, nghi kỵ lẫn nhau, cán bộ thì nhiều người lời nói không đi đôi với việc làm, ô nhễm môi trường, tai nạn giao thông tràn lan, tội phạm phức tạp… thì làm sao hạnh phúc được?”.
Cần nói thêm, kết quả “lạc quan và hạnh phúc” của Indochina Research nêu ra, và được báo chí nhà nước tung hô diễn ra trong bối cảnh nợ công, nợ xấu ngập đầu, ngân sách gần như cạn kiệt, thảm họa Formosa, thảm họa xả lũ miền Trung và rất nhiều công nhân không có tiền mua vé tàu xe về quê trong Tết 2017.
Nhiều thông tin cho biết chính quyền Việt Nam đã tung ra hàng triệu đô la mỗi năm để“quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế”, trên một số tờ báo nước ngoài và cả chi cho tổ chức nghiên cứu quốc tế. Thậm chí còn có dấu hiệu chính quyền Việt Nam đã dùng tiền để “mua” một vài tờ báo, tổ chức nghiên cứu nhằm nêu ra những thông tin có lợi cho họ, bất chấp thực tế hoàn toàn trái ngược.
Lê Dung/(SBTN)
SỰ THẬT SAU KỶ LỤC 4 TỶ USD NHẬP THÉP TRUNG QUỐC 
THANH HÀ/ VNN 24-1-2017
 Sự thật sau kỷ lục 4 tỷ USD nhập thép Trung Quốc

 Năm 2016, Việt Nam chi gần 11 tỷ USD nhập khẩu sắt thép các loại.

Thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 18,4 triệu tấn sắt thép, trị giá hơn 8 tỷ USD, tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với năm trước. Việt Nam còn chi gần 3 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm từ sắt thép.
Như vậy, tổng cộng, năm 2016, Việt Nam chi gần 11 tỷ USD nhập khẩu sắt thép các loại. Con số này đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại chỉ khiêm tốn ở mức 3,9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu gần 7 tỷ USD sắt thép trong năm nay.
Năm qua, sắt thép từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam với gần 11 triệu tấn, trị giá 4,45 tỷ USD, tăng 14,25% về lượng và 7,1% về trị giá so với năm trước. Đây là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam.
Đáng chú ý, nhập khẩu thép năm 2016 đã vượt qua tổng sản xuất thép trong nước. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2016, tổng các loại sản phẩm thép trong nước sản xuất chỉ đạt 17,5 triệu tấn, tăng 16,8%, trong đó, lượng tiêu thụ đạt 15,3 triệu tấn, tăng 23,7% so với năm 2015.
Trao đổi với PV, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), ông Trương Thanh Hoài cho biết, nhập khẩu sắt thép đạt kỷ lục cho thấy nhu cầu trong nước rất lớn. Theo Quy hoạch thép cho đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025 thiếu 20 triệu tấn.
Thép thuộc top 5 mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, việc nhập siêu quá lớn kéo dài nhiều năm liền sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô đất nước.
Ông Hoài cho rằng công nghiệp thép Việt nếu có các "anh cả” tức là các tập đoàn, doanh nghiệp thép quy mô lớn, sử dụng công nghệ lò cao hiện đại sẽ đủ sức cạnh tranh kể cả có áp thuế tự vệ hay không.
"Thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam chủ yếu được sản xuất ở các nhà máy ven biển của Trung Quốc. Nhóm này mới có khả năng cạnh tranh với Việt Nam bởi chi phí vận chuyển bằng đường biển rẻ và thuận tiện. Các dự án thép trong nội địa Trung Quốc không thể cạnh tranh được bởi chi phí vận chuyển trên bộ vô cùng đắt đỏ”, ông Hoài nói.
Theo ông Hoài, phát triển công nghiệp là một quá trình dài tích tụ tài sản từ thấp đến cao. Khi chuỗi giá trị toàn cầu đã được xác lập, việc chen chân vào chuỗi giá trị ở phân khúc cao rất khó. Ông nhận định, công nghiệp Việt Nam không đạt mục tiêu đề ra cũng một phần đặt ra mục tiêu quá cao, vì vậy nên phát triển những ngành phù hợp với khả năng của mình rồi dần hướng đến các giá trị cao. Trước mắt, cần sản xuất thép công suất lớn, công nghệ hiện đại để giải quyết bài toán nhập siêu cũng như xuất khẩu.
“ASEAN không có nhiều thép, thị trường tiêu thụ rất rộng mở. Bản thân Hoà Phát khi đầu tư 60.000 tỷ vào dự án ở Dung Quất cũng chuyển đổi cơ cấu sang sản xuất thép chất lượng cao, thép chế tạo phục vụ công nghiệp. Đây là những loại thị trường đang rất thiếu”, ông Hoài nói.

Sự thật sau kỷ lục 4 tỷ USD nhập thép Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam.

Làm gì khi chủ nghĩa bảo bộ bao trùm thế giới?
Trước bối cảnh thép ngoại ồ ạt và có nhiều biểu biện gian lận, bán phá giá, ngày 7/3/2016, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thờiđối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.
Tuy nhiên, thép ngoại đã tìm mọi cách lẩn tránh thuế tự vệ bằng cách kê khai các mặt hàng thép cuộn sang những mã HS khác để lách thuế. Do đó, 18 doanh nghiệp thép trong nước đã có đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ thương mại, kiểm soát chặt việc lách thuế.
Về việc này, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết sẽ xem xét trên cơ sở ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp và trình lên Chính phủ. Cục này cũng sẽ cân nhắc việc thành lập các đoàn thanh, kiểm tra trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu trong nước.
Về phía doanh nghiệp, ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty Thép Hoà Phát, khẳng định, cả thế giới đang dựng những rào cản tối đa để ngăn chặn thép bán giá rẻ của Trung Quốc, nhằm tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ. Mỹ đã áp thuế lên đến 200-300% với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc.
Ông Hà khẳng định bảo hộ không phải là kéo dài mãi mãi, đến khi thép ngoại thôi việc bán dưới giá thành sản xuất thì sẽ xoá bỏ, khi đó ngành sản xuất thép 20 năm của Việt Nam phát triển và người dân cũng được lợi.
Chủ nghĩa bảo hộ đang bao trùm toàn thế giới, đặc biệt từ khi Tổng thống Donald Trump trúng cử. Mới đây, khi phát biểu ở hội nghị tổng kết năm 2016 của ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc bảo hộ thị trường 100 triệu dân và khẳng định không có lợi ích nhóm nào trong việc này.
"Cần có hàng rào thương mại để bảo vệ thị trường nội địa, cần có không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân trong nước mà không vi phạm các cam kết hội nhập. Việt Nam bao năm qua xuất khẩu tôm vào Mỹ gặp đủ các cản trở, rào cản kỹ thuật, mất bao năm để bán được các loại trái cây tốt”, Thủ tướng nói.
Theo chỉ đạo trên, dự thảo Quy hoạch thép đến năm 2025 đã xác định sẽ tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép, để đảm bảo sức cạnh tranh cho ngành thép trong nước. Ông Hoài tiết lộ, các hàng rào kỹ thuật đã được Bộ Công Thương tính đến và đảm bảo không vi phạm các cam kết hội nhập của Việt Nam.
Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét