Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

20170108. BÀN VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỊNH NGHĨA LẠI KHÁI NIỆM GIÁO DỤC
PHẠM TOÀN/ GD 7-1-2017



Khởi hành 
Trong công việc tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa, nhóm Cánh Buồm có hai loại “người hành động” – loại trẻ và loại già.
Loại đầu tiên, là những bạn trẻ hăm hở muốn cùng nhau tìm một lối thoát cho công cuộc giáo dục, một sự nghiệp bản thân các bạn được hưởng thụ với đầy ưu ái, nhưng đều thấy không thỏa mãn. 
Tiếp đến là những soạn giả chững chạc, nhiều vị là những tác giả có tên tuổi, nhiều “bác” trẻ hơn nhưng cũng đã có công trình, nhiều vị là thày của lớp bạn trẻ Cánh Buồm. 
Tâm trạng ban đầu của những “bạn” cao niên thể hiện thành những câu hỏi như nhau. “Làm sách à? Lại làm sách à? Tại sao làm sách, mà không phải là làm cái khác? Nếu làm sách, thì làm kiểu gì đây?”, vân vân…
Các bạn trẻ có tâm sự đơn giản hơn. Sau 18 năm “đèn sách”, họ bị cuốn vào dòng chảy kiếm việc làm để có một chỗ đứng và kiếm sống.
Các vị cao niên đã có cuộc sống ổn định thì cần đến một lý tưởng và những lý lẽ để yên tâm vào việc. Lớp bạn trẻ này sẵn lòng lao vào việc, song nếu công việc không hấp dẫn, họ cũng dễ dàng để gió cuốn đi
Dù trẻ dù già, vào buổi khởi hành, những con người hành động của nhóm Cánh Buồm đều cần đến một hành trang đầu tiên: một lý lẽ cốt lõi và một hệ thống lý lẽ vây quanh.
Lý lẽ cốt lõi
Ngay từ khi “rủ nhau chào đời” vào cuối năm 2009, nhóm Cánh Buồm đã đạt được đồng thuận đối với nhiều khái niệm. 
Ngay cụm từ vừa dùng ở cuối đoạn viết bên trên, “lý lẽ cốt lõi”, cũng là một cách để diễn đạt cái từ vẫn quen dùng: lý luận.
Đối với khái niệm lý luận, Cánh Buồm không tách rời “lý luận” với “thực tiễn”. Lý luận bắt buộc phải gắn bó với cuộc sống thực. Nói “gắn bó” vẫn còn xa xôi cách biệt: lý luận phải là chính cuộc sống thực. 
Ăn để sống không thể dựa trên “lý luận” không cần ăn vẫn sống. Một bữa ăn gia đình đạm bạc nhưng ấm cúng là một thực tiễn mang trong nó cái “lý” của nó. 
Một khi đã gắn bó với cuộc sống thực, công việc của những con người hành động là làm cho những điều tốt đẹp của cuộc sống được nảy nở. Lý lẽ cốt lõi của ta sẽ chỉ ra đâu là điều tốt đẹp phải được nảy nở và cách làm cho chúng nảy nở.  
Đây là một thí dụ. Nhóm Cánh Buồm đã tìm ra cách học của trẻ em để các em không phải nghe giảng mà vẫn có những sản phẩm cảm động như “bài thơ” ngô nghê nhưng cảm xúc thì không thua “em bé” Trần Đăng Khoa xưa. Xin trân trọng giới thiệu:
Ở TRONG HẦM
Ở trong hầm
Chật chội lắm
Em bé khóc
Vì sợ hãi
Tiếng bom nổ
Đùng đùng đùng
Ở trong hầm
Chả nhìn thấy
Mọi sự vật
Ôi sợ quá!
(Vũ Như Anh - Lớp 3B - Năm học 2016-2017 trường Gateway, Hà Nội. Bài thu hoạch sau khi học thao tác liên tưởng qua tác phẩm “Tuổi thơ của con” của Xuân Quỳnh).
Em Khôi Nguyên, học sinh lớp 2C cũng của trường Gateway, Hà Nội năm học 2016-2017, trong bài tập viết lại đoạn kết truyện Tấm Cám đã viết như sau:
“Sau khi thấy Tấm sống lại, mẹ con Cám đã thay đổi tính cách, hiền hậu hơn xưa. Tấm trở về nhà, mẹ con Cám đã nói lời xin lỗi, và Tấm đã đồng ý. Họ đã cùng nhau ăn một bữa cơm quây quần. Từ đó ba mẹ con sống yêu thương đùm bọc và hạnh phúc”.
Ít nhất ở đây có thể thấy sự tồn tại hữu cơ của lý lẽ cốt lõi trong cuộc đời thực thể hiện ở việc dám trả lời và biết cách trả lời những câu hỏi như:
Vì sao trẻ em học Văn lại phải học thao tác tưởng tượng và liên tưởng? Trẻ em từ lớp 1 đã học Văn được chưa? Năng lực văn của con người là gì? Làm cách gì để con người hình thành năng lực văn? vân vân ...
Và ít nhất ở đây, khi Cánh Buồm trả lời CÓ cho các câu hỏi trên, thì có thể thấy lý luận nằm ngay trong thực tiễn cuộc sống của các em học sinh nhỏ tuổi. 
Định nghĩa lại khái niệm "giáo dục" 
Nhóm Cánh Buồm tập hợp được thủy thủ, có những con “sói biển” khó tính và uyên bác và có những “sói con” ngơ ngác nhìn đời. Ngay từ đầu, đã phải cùng nhau làm một việc thuộc lý lẽ cốt lõi, được đồng thuận trong việc định nghĩa lại tất cả các khái niệm quen thuộc. 
Việc đầu tiên trong chuỗi công việc phải làm đó của nhóm Cánh Buồm là định nghĩa lại khái niệm GIÁO DỤC.  
Và đạt tới đồng thuận trong việc làm đầu tiên này không dễ dàng gì, ngay với một nhóm người ban đầu chỉ mới có “một con gà trống già và mấy con gà nhép”. 
Với những bậc cao niên trong nhóm Cánh Buồm, chấp nhận một định nghĩa mới càng khó khăn nhiều lần.
Nhưng đồng thuận là một quá trình cùng lao động, cùng tôn trọng giá trị tinh thần của nhau, và cùng tháo ngòi xung đột – cũng là một định nghĩa nữa của Cánh Buồm – nên các “thê đội” cũng đến được với định nghĩa mới.
Và đây là định nghĩa đã được tập thể Cánh Buồm đồng thuận chọn và theo: Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc.
Theo định nghĩa này, giáo dục sẽ tôn trọng người học. Giáo dục không làm công việc “dạy dỗ dân” theo quan điểm Khổng Tử. Giáo dục dù cao quý đối với dân với nước, nhưng không có quyền tự coi mình đứng trên mọi con người mà về bản chất “sinh ra đã là tự do”. 
Định nghĩa này quy định cách hành xử của Giáo dục là làm công việc tổ chức sự HỌC của con người, chứ không phải là làm công việc DẠY con người. 
Để tổ chức việc học của con em thì sẽ phải đi tìm và phải tìm ra cơ chế tâm lý của việc học, cụ thể hóa thành nhiều cách học, để cuối cùng, người học đạt tới khả năng tự học.
Khi đó, “tự học” không phải là một lời khuyên mà là một phương pháp, một lối sống, một thói quen, một thành phần của năng lực người.  
Tổ chức được công việc tự học cũng đồng thời là làm công việc tổ chức cái nền của con người đủ năng lực tự lập và có lối sống tự lập. Cuộc Hội thảo khoa học lần thứ ba khi Cánh Buồm ở tuổi lên ba (năm 2011) mang tên Tự học – Tự giáo dục là có ý nghĩa đó.
Cuối cùng, định nghĩa lại Giáo dục là nhằm vào mục đích tổ chức sự trưởng thành của người học, và những người học đó chỉ giới hạn trong lớp thanh thiếu niên cả dân tộc. 
Sự trưởng thành của thanh thiếu niên không được đo bằng những kỳ thi, những khối lượng kiến thức, cả những “kỹ năng” đủ loại. Sự trưởng thành của một trang thanh niên nằm ở tư duy – một cái đầu biết học, biết làm, biết sống.    
Sự trưởng thành của một trang thanh niên không nhất thành bất biến. Nếu đã là trưởng thành, thì con người đó sẽ tiếp tục phát triển, “gừng càng già càng cay”. 
Sự trưởng thành của con người cũng không bất biến theo dòng lịch sử. Người trưởng thành của năm 2016 hoặc 2017 sẽ khác với người trưởng thành sau đây một chục hoặc vài chục năm. 
Đó là cái lý thúc đẩy nghề sư phạm không thể đời đời vững như bàn thạch với những giáo lý và cách làm việc giáo điều, xơ cứng, những giáo trình chép đi chép lại.  
Đó cũng là cái lý thúc đẩy nghề sư phạm không thể hành động cẩu thả. Không thể nhặt nhạnh kinh nghiệm dù tốt đẹp ở đâu đâu về áp dụng ở quê ta sau vài ba chỉ thị hoặc mệnh lệnh áp đặt.
Đó nhất thiết phải là cái lý thúc đẩy nghề sư phạm nghiên cứu sâu vào con em Việt Nam để xây dựng nền giáo dục Việt Nam của nền văn hóa Việt Nam, ở đây, và ngay lúc này.
Đó là những điều của thực tiễn Việt Nam, một thực tiễn cần có một lý lẽ cốt lõi để diễn biến lành mạnh. Mục tiêu thực tiễn của người thanh thiếu niên trưởng thành sẽ là những con người tự lập, tự học, tự giáo dục.
Con đường đi đến trưởng thành là thông qua phương thức nhà trường, hoặc nói cách khác là thông qua cách học bắt đầu với những thiết chế sẵn có và qua các nội dung môn học. 
Điều căn bản rút ra từ định nghĩa mới về Giáo dục chung quy là việc xây dựng một kiểu nhà trường khác với cách học khác, những chuẩn mực đánh giá khác, mà theo đường lối thể hiện trong bộ sách Cánh Buồm là tự đánh giá thay vì bị đánh giá.
Cần phải có cách học khiến con người tôn trọng sự tự do của mình. Đó là cách học để người học bị cuốn hút tự nhiên vào con đường học cho mình và xây dựng dần dần được tinh thần học vì Tôi – học vì Chúng Ta. 
Một định nghĩa lại cho khái niệm giáo dục đủ mở ra một lối thoát đúng đắn và giúp cho nhà giáo dục yêu nghề hơn. 
Vì nhà giáo dục sẽ có một thực tiễn để vun bón – cái thực tiễn không đối lập với lý lẽ cốt lõi của mình. 
Nhà giáo dục sẽ có một tư duy khác trong việc làm mỗi ngày, và niềm vui càng được củng cố khi thấy rõ con em học giỏi một cách tự nhiên. 
Những nhân vật Nam Cao suốt đời phải “sống mòn” trong cảnh “đời thừa” mà nguyên nhân đơn giản là do không định nghĩa lại được các khái niệm. 
Vả chăng, những nhân vật của Nam Cao cũng chỉ đi dạy học kiếm sống, chứ không cốt thực hiện một sự nghiệp giáo dục. 
Nên họ không thể có lý lẽ cốt lõi (hoặc lý luận) về Giáo dục để bám víu vào mà tổ chức lại cuộc sống thực, là sự nghiệp Giáo dục của dân tộc. 
Nhà giáo Phạm Toàn

'SẼ KHAI TRỪ NHỮNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÔNG ĐẠT CHUẨN'

AN NGUYÊN / GD 8-1-2017

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ khai tử các trường đại học không đảm bảo chất lượng. Ảnh: An Nguyên

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học” do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 7/1 tại Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều trường đại học công lập và ngoài công lập trên cả nước.
“Chúng ta đã sai vì đẻ ra quá nhiều trường Đại học”
Tại hội nghị, đại diện của hơn 270 trường Đại học trong cả nước đã cùng nhau luận bàn về các vấn đề tồn tại của nền giáo dục đào tạo Đại học hiện nay.
Để từ đó đưa ra những giải pháp nhằm kiện toàn, nâng cao chất lượng đào tạo Đại học.
Tại hội nghị, PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM  cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều trường không đạt chuẩn làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo.

PGS. Sen nhấn mạnh: “Quá khứ của chúng ta đã mắc phải sai lầm đó là đẻ ra quá nhiều trường Đại học không đạt chuẩn. Vì vậy, việc của chúng ta bây giờ là phải khắc phục những sai lầm đó bằng cách chấn hưng lại.
Cần phải bình định lại, bằng cách rà soát lại xem trường nào đạt chuẩn, đảm bảo các tiêu chí thì mới giữ lại.
Còn trường nào quá yếu, không đảm bảo về số lượng tiến sĩ thì cần loại bỏ. Cần phải làm một cuộc bình định khách quan có hiệu quả”.
Đáp lại ý kiến của PGS. Sen, Bộ trưởng Nhạ khẳng định ý kiến của Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH &NV TP.HCM là hoàn toàn đúng. “Chúng ta sẽ phải rà soát lại toàn bộ các trường Đại học, đánh giá thật về các trường.
Cần phải bắt mạch để xem bệnh chỗ nào để chữa trị, nếu bệnh có thể chữa được thì sẽ cố gắng chữa đến cùng.
Còn nếu không thể chữa được thì hãy để họ thoái vốn chứ không nên cố gắng kéo dài trong vô ích.
“Nếu trường nào không đạt chuẩn, không đảm bảo thì phải can đảm để chính thức khai tử, không thể để kéo dài tình trạng tiền lâm sàng mãi được”. Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Tuyển sinh ồ ạt mà cơ sở vật chất chẳng có gì
Liên quan đến vấn đề chất lượng đào tạo Đại học, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều trường Đại học hiện nay không chú trọng đến cơ sở vật chất, hạ tầng.
Nhiều nơi còn sử dụng lại nhà kho, thuê các cơ sở không đạt chuẩn để làm phòng học. Một số trường chỉ đào tạo các ngành xã hội, kế toán, quản trị kinh doanh... hoặc các ngành để không phải đầu tư cơ sở vật chất gì.
Trong vấn đề này, TS. Đặng Kim Vui – Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Nguyên cho rằng chất lượng của một số trường Đại học hiện nay không đạt chuẩn.
Nhiều trường tuyển sinh ồ ạt nhưng cơ sở vật chất lại quá nghèo nàn.
“Các trường Đại học phải đảm bảo về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, phòng thực hành thì mới đảm bảo được chất lượng đào tạo. Đằng này nhiều trường tuyển sinh nhiều nhưng cơ sở vật chất lại không có gì”. TS. Vui nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS.TS. Mai Hồng Qùy – Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ: “ Tôi có cảm giác hiện nay đang xảy ra tình trạng hễ là Đại học thì trách nhiệm của nhà quản lý là phải đảm bảo cho họ tuyển sinh cho bằng được”.
Theo đó, GS. Qùy cho rằng đó là thực trạng không thể chấp nhận, cần phải dũng cảm và thẳng thắn để xử lý. Cần phải minh bạch trong vấn đề tuyển sinh.
Nhằm đảm bảo chất lượng tuyển sinh, Bộ trưởng Nhạ khẳng định: “Không thể để xảy ra tình trạng cố vơ vét trong việc tuyển sinh.
Một trường Đại học tuyển sinh phải dựa trên khả năng của trường đó, phải đảm bảo cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên...”
Đã là một trường Đại học thì phải đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chứ một số trường hiện nay chỉ vẻn vẹn mấy ngành xã hội, không có cơ sở hạ tầng. Rồi vài năm lại đóng cửa gây nên nhiều hệ lụy – Bộ trưởng nói thêm.
Trong khuôn khổ buổi hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có buổi làm việc riêng với Hiệu trưởng các trường ngoài công lập.
Trong phần làm việc này, bộ trưởng nhấn mạnh: “Hiện nay năng lực quản lý của nhiều trường là có vấn đề. Dù tôi biết tâm sức và tiền bạc họ bỏ ra rất nhiều và họ đầu tư là rất tốt. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục là ngành đặc thù”.
Tại đây, đại diện nhiều trường Đại học ngoài công lập cũng đã nêu lên những khó khăn, bất cập trong cơ chế, chính sách, đã hạn chế sự phát triển của trường.
Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc những phân tích, mổ xẻ của các chuyên gia, cơ quan quản lý giáo dục về vấn đề “nâng cao chất lượng giáo dục đại học” trong các số báo tới.
An Nguyên

'NẾU KHÔNG NHANH CHÓNG, CHÚNG TA SẼ THUA NGAY TRÊN SÂN NHÀ'

LÊ VĂN/ VNN 8-1-2017

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Nếu không nhanh chóng, sẽ thua ngay trên sân nhà'

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Cần thay đổi mạnh mẽ quản trị đại học". Ảnh: Lê Văn

"Dạy đại học như phổ thông cấp 4"
Tại hội nghị diễn ra sáng nay 7/1 ở Đà Nẵng, khi đề cập tới môi trường đảm bảo chất lượng giáo dục - đặc biệt là giáo dục đại học hiện nay đang có nhiều bất cập, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về những người quản lý và cơ sở đào tạo.
Ông Nhạ nhìn nhận một trong những nguyên nhân khiến sinh viên ra trường không có việc làm đến từ phía nguồn "cung": Các trường hạn chế năng lực dự báo thị trường, chủ yếu đào tạo dựa vào năng lực đào tạo và kinh nghiệm vốn có.
"Nếu không nhanh chóng, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Nếu không chú ý, lao động của Philippines, Malaysia sẽ tràn sang Việt Nam, trong khi lao động Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu làm lao động chân tay".
Ngoài công tác dự báo, các trường đại học Việt Nam hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn "nội bộ" trong việc nâng cao chất lượng từ vấn đề đội ngũ, cơ sở vật chất cho tới tài chính.
Hiện nay, tỉ lệ tiến sĩ trong tổng số giảng viên cả nước mới chỉ chiếm 17% là quá thấp, chưa đảm bảo chất lượng, “dạy ĐH mà như dạy cấp 4”.
Cùng với đó, cơ sở vật chất của các trường cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Gần 300 trường ĐH cả đầu tư nước ngoài cũng có trường nào ra hồn trường ĐH. Nhiều trường phải thuê cơ sở vật chất của đơn vị khác, có những trường trông như nhà kho. Phần lớn là dạy chay, học chay.
 Theo Bộ trưởng Nhạ, chính vì thiếu cơ sở vật chất, nhiều trường ĐH hầu như chỉ mở các ngành không cần tới phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành dẫn đến cung vượt cầu.
 Hiện nay, kinh phí cho đào tạo sinh viên đại học trung bình 13 triệu/năm, tương đương khoảng 500 USD. Trong khi đó, mức kinh phí chi cho 1 sinh viên ở Mỹ là 16.000 USD đối với các trường công lập và 36.000 USD với các trường tư thục.
Điều này dẫn đến các trường hầu như phải tập trung toàn bộ thời gian cho việc mưu sinh để lấy thu bù chi, duy trì tồn tại; ít có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tình hình hiện nay buộc các trường đại học phải thay đổi mô hình quản trị, "không thay đổi là chết".
Hiện nay quản lý đại học còn nặng tính hành chính, làm hạn chế tính sáng tạo của các trường.
Người đứng đầu ngành giáo dục xác định các trường cần phải thay đổi quan hệ với các đối tác - mà trực tiếp là doanh nghiệp. Không phải đại học uy tín thì ngồi đợi doanh nghiệp phải đến mà phải cạnh tranh rất mạnh.
"Phần lớn chúng ta dành nhiều thời gian cho đào tạo. Quản lý là chủ yếu, nặng tính vụ việc. Cần phải đổi từ quản lý sang quản trị đại học" - ông Nhạ khẳng định.

Ông Nhạ cũng cho rằng, cần phân định rạch ròi giữa những người làm khoa học chuyên môn và những người làm công tác quản lý. Hiệu trưởng các trường đại học không nhất thiết phải là giáo sư hay tiến sĩ, mà phải là những người quản lý giỏi.
Ông Nhạ cũng cho biết, sắp tới, Bộ sẽ không tham gia nhiều vào công tác tuyển sinh của các trường mà chỉ tập trung vào việc hoạch định chiến lược cho ngành.
"Ba công khai đẹp nhưng dễ lừa..."
Ông Nguyễn Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên nhìn nhận chất lượng đại học đi xuống là do số lượng tuyển vào đào tạo quá nhiều so với năng lực thực tại của các trường. 
Đề cập tới chuyện gắn bó với cơ sở sử dụng lao động, ông Vui ví dụ, trường y là trường "hot" của ĐH Thái Nguyên, đào tạo sinh viên có thể lên tới một lớp 5-6 chục người và xuống các bệnh viện thì họ nói rằng không biết xếp các em làm việc gì. Hay như sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp cũng không thể nào xuống các xí nghiệp làm tranh việc công nhân được.
Đề cập tới vấn đề tự chủ đại học, ông Vui mạnh mẽ đề nghị  cần có chế tài để có thể phân quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
 “Tôi cho rằng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về việc tuyển vượt chỉ tiêu so với năng lực.
 Phải kiểm tra gắt gao về "3 công khai". "3 công khai" trên website có thể rất đẹp nhưng đi vào thực tế thì không phải như vậy. Có thể phần nào coi là đánh lừa xã hội cần phải quan tâm" - ông Vui cảnh báo.
 Về chất lượng đội ngũ giảng viên, ông Vui quan sát số tiến sĩ đã ít, nhưng ra trường không ham làm giảng dạy mà ham làm quản lý; hoặc là phấn đấu làm hiệu trưởng, hiệu phó chứ ít khi phấn đấu có những công trình nghiên cứu hay đào tạo sinh viên giỏi.
 “Về chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra chúng ta đã làm nhưng tôi cho rằng làm chưa sâu sát và chưa bài bản. Chuẩn đầu ra nhiều khi cao quá hoặc làm gấp quá!”.
"Thất nghiệp là bình thường"
Nhìn nhận về con số trên 200,000 lao động có trình độ chuyên môn trở lên thất nghiệp, trong tham luận gửi trước tới hội nghị, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng “chúng ta thấy lớn, nhưng so với thế giới thì con số này có thể chấp nhận được. Tỷ lệ thất nghiệp cao là tình trạnng chung của thế giới không chỉ ở mỗi Việt Nam".
Ông Dũng đưa ví dụ ở Trung Quốc, năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp chiếm 7% phần trăm số người trong độ tuổi lao động, giảm còn 4% trong năm 2013. Ngay cả những nước phát triển tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thất nghiệp vẫn cao. Phần Lan là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp có trình độ vẫn chiếm khoảng 12%. Như vậy con số 431 nghìn lao động đã qua đào tạo thất nghiệp ở nước ta là tình trạng bình thường.
Trong buổi chiều, hội nghị đã chia thành 3 nhóm để thảo luận nhiều vấn đề liên quan. VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật
Lê Văn
'CHI PHÍ CHO SINH VIÊN 500 USD /NĂM LẤY ĐÂU RA CHẤT LƯỢNG?'
LÊ VĂN/ VNN 8-1-2017
'Chi phí cho sinh viên 500 USD/năm, lấy đâu ra chất lượng?'
Ông Đỗ Văn Dũng cho rằng nên xem xét lại số liệu gần 200 ngàn cử nhân thất nghiệp.
Tại hội nghị giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học diễn ra ngày hôm qua, 7/1, hiệu trưởng gần 300 trường ĐH cả nước đã cùng nhau mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đại học đi xuống, tỉ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm đang tăng lên. Nhiều giải pháp cũng đã được đề xuất.
"Trường nào yếu quá thì dẹp đi"
Khẳng định tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân đại học của Việt Nam hiện nay là bình thường, thậm chí thấp hơn nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cho rằng, tương lai, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam càng cần nhiều cử nhân hơn nữa.
Ông Dũng bày tỏ sự nghi ngờ về số liệu 197 ngàn cử nhân thất nghiệp bởi lẽ "định nghĩa về thất nghiệp thế nào thì chưa rõ". Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận việc sinh viên thất nghiệp bắt nguồn từ nguyên nhân việc đào tạo vượt quá nhu cầu hoặc không phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Chia sẻ quan điểm này, GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, chất lượng đào tạo đại học thời gian qua đi xuống là do số lượng sinh viên tuyển vào quá nhiều so với năng lực thực tế của các trường.
"Có những lớp sinh viên trước đây chỉ 20 người bây giờ tăng 7-8 chục người" - ông Vui nói.
Sinh viên quá đông khiến việc đào tạo chỉ thiên về lý thuyết mà ít có thực hành. Ông Vui nêu ví dụ về trường y là trường "hot" của ĐH Thái Nguyên nhưng đào tạo một lớp có đến 5-6 chục sinh viên rồi đưa xuống các bệnh viện thực tập khiến các bác sĩ phải nói rằng không biết xếp các em làm việc gì.
TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM cho rằng, ông không cho rằng chất lượng giáo dục đại học Việt Nam "đi xuống" mà đang phát triển đi lên, nhưng chậm.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Sen chính là do đã "đẻ" ra quá nhiều trường ĐH không đúng chuẩn, dẫn đến đào tạo tràn lan không kiểm soát được chất lượng.
"Bây giờ phải lập lại trật tự. Bộ trưởng phải ra tay bình định khu vực này" - ông Sen nêu vấn đề. "Trường nào yếu quá thì không nên để tồn tại. Ví dụ số lượng giảng viên là tiến sĩ ít quá thì không tồn tại được. Một trường mà 5-10 tiến sĩ thì ĐH cái gì" - ông Sen gay gắt.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục đại học không đảm bảo, sinh viên ra trường thất nghiệp là bắt nguồn từ phía "nguồn cung", đặc biệt là khâu dự báo thị trường không tốt, những ngành thừa thì nguồn cung dồi dào trong ngành cần thì vẫn thiếu.
Từ đó, ông Nhạ cũng khẳng định, để khẳng định tình trạng này, tới đây, Bộ sẽ tiến hành quy hoạch rà soát lại mạng lưới ĐH theo hướng để thị trường điều chỉnh chứ không can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
"Các trường phải tiến hành kiểm định chất lượng. Trường nào xét thấy không trụ nổi thì tôi nghĩ chính các trường muốn khai tử chứ không muốn kéo dài sự tồn tại lâm sàng. Phải chấp nhận trong cạnh tranh sẽ có chia tách, sáp nhập giải thể phát triển" - ông Nhạ khẳng định.
"Một trường mà 5-10 tiến sĩ thì đại học cái gì?"
Những khó khăn trong vấn đề đội ngũ giảng viên còn mỏng và yếu cũng là nguyên nhân được nhiều đại biểu cho rằng khiến chất lượng giáo dục ĐH không đạt được chất lượng như mong muốn.
Ông Võ Văn Sen chia sẻ rằng, ông cảm thấy rất đau buồn khi nghe Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc lại thông tin mà ai cũng biết là đội ngũ thầy cô giáo chỉ có 17% là tiến sĩ thôi. Từ đó, ông Sen cho rằng, chúng ta chưa chọn được không chốt yếu để đầu tư cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học mà theo ông Sen thì đó chính là đội ngũ người thầy.
"Nếu quyết tâm và quan tâm tới vấn đề thầy cô giáo thì 10 năm qua đã thay đổi rất nhiều rồi, bộ mặt giáo dục chúng ta cũng sẽ phát triển với tốc độ ngang bằng thế giới" - ông Sen khẳng định.

Trong khi đó, GS Đặng Kim Vui cho rằng, việc đào tạo tiến sĩ hiện nay không đúng ngành nghề hoặc chỉ tập trung vào một số ngành nghề nhất định. Bên cạnh đó, những người đi học tiến sĩ xong thường ham làm hiệu trưởng, hiệu phó hơn là chuyên môn.
"Nhiều em học tiến sĩ về lên gặp hiệu trưởng đề nghị xem xét sắp xếp cho việc gì đó để làm. Tôi bảo làm nghiên cứu và giảng dạy là chính chứ còn làm gì hơn được nữa?" - ông Vui chia sẻ.
Trong khi đó, TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP. HCM cho rằng, để giải quyết vấn đề đội ngũ giảng dạy cần phải thắt chặt kỷ cương và giao cho hiệu trưởng thẩm quyền giải quyết vấn đề về giảng viên.
"Chúng tôi đầu tư cho đi học, trả lương như thế trả lương gấp trăm lần nhưng không có cơ chế quản lý thì vẫn 1 chân trong trường 1 chân đi dạy khắp các nơi mà hiệu trưởng chẳng làm được gì" - bà Quỳ nêu vấn đề. "Nếu tôi có làm gì làm gì xin lỗi cô tôi đi trường khác, tôi làm trưởng khoa, phó khoa, không ở trường này nữa".
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đội ngũ giảng viên hiện nay quá mỏng và chất lượng thấp khiến chất lượng khó đảm bảo. Tỉ lệ tiến sĩ trong tổng số giảng viên của Việt Nam hiện nay chưa tới 20% chưa đảm bảo chất lượng, dẫn đến tình trạng đào tạo ĐH mà như dạy cấp 4, lớp học cả trăm người, thầy không nhớ nổi tên trò.
Theo ông Nhạ, tới đây, Bộ sẽ xây dựng đề án nâng cao chất lượng giảng viên ở các trường trong đó không phân biệt các trường công lập và ngoài công lập. Bên cạnh đó, ông Nhạ cho rằng, các trường cần tạo điều kiện tốt nhất để giữ chân những người làm chuyên môn chứ không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính.
"Gần 300 trường đại học, có trường nào ra hồn đâu"
Chi phí cho sinh viên quá thấp, cơ sở vật chất còn yếu kém cũng được xác định là nguyên nhân làm giảm chất lượng giáo dục đại học.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam phải thừa nhận là thấp. Tuy nhiên, với chi phí mà Việt Nam bỏ ra suất chi phí trên đầu sinh viên thì rất hiệu quả.
Ông Sơn cho rằng, hiện chi phí đào tạo ĐH của Việt Nam chỉ bằng 1/17 Malaysia, 1/15 Singapore hay 1/20 của Hồng Kông là rất thấp, trong khi bối cảnh ngày nay đòi hỏi sự cạnh tranh rất lớn giữa các trường. Với nguồn chi phí như vậy thì các trường không thể tham gia cuộc chơi mang tính hội nhập như hiện nay.
Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, chi phí đào tạo cho sinh viên của Việt Nam chỉ khoảng 13 triệu/năm, tính ra khoảng 500 USD. Trong khi đó, mức này ở Mỹ là 16.000 USD với trường công và 36.000 USD với trường tư.
"So sánh thì một trời một vực lấy đâu ra chất lượng?" - ông Nhạ đặt câu hỏi. "Chúng ta phải thực tế". Theo ông Nhạ, điều này dẫn đến các trường hầu như phải tập trung toàn bộ thời gian cho việc mưu sinh để lấy thu bù chi, duy trì tồn tại nên ít có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng được coi là vấn đề nan giải khiến chất lượng đào tạo của các trường ĐH không đảm bảo. Ông Nhạ cho rằng, một trường ĐH cho ra ĐH phải môi trường cho sáng tạo với tiện ích đầy đủ, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm. Trong khi đó, ở ta nhiều trường thuê cơ sở, có những trường trông nhà kho nên sinh viên chủ yếu học chay, làm sao sáng tạo được?
"Gần 300 trường ĐH cũng có trường nào ra hồn trường ĐH đâu" - ông Nhạ nói. Từ đó, ông Nhạ khẳng định, tới đây, khi tiến hành kiểm định chất lượng, phân tầng các ĐH thì các trường phải chấm dứt tình trạng lấy các khu tập thể, nhà kho làm lớp học, việc xác định tiêu chí cơ sở thực tế cần phải căn cứ trên điều kiện thực tế chứ không thể "vơ vào".
Từ đó, ông Nhạ khẳng định sẽ tiến hành rà soát toàn bộ các văn bản chính sách để giải quyết những vướng mắc, tồn tại của giáo dục đại học nhằm tiến tới mục tiêu nâng cao chất lượng cho toàn bộ hệ thống.
Lê Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét