Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

20170121. DIỄN VĂN NHẬM CHỨC CỦA DONALD TRUM VÀ CÁC BÌNH LUẬN

ĐIỂM BÁO MẠNG
DIỄN VĂN NHẬM CHỨC CỦA DONALD TRUMP ,TỔNG THỐNG THỨ 45 HOA KỲ
TRẦN NGỌC CƯ dịch/ BVN 21-1-2017
Toàn văn phát biểu nhậm chức của ông Trump
Ảnh: Reuters
Chủ tịch Tối cao Pháp viện Roberts, Tổng thống Carter, Tổng thống Clinton, Tổng thống Bush, Tổng thống Obama, nhân dân Mỹ và nhân dân toàn thế giới: Xin cảm ơn quí vị.
Chúng ta, công dân Mỹ, đang đoàn kết trong một nỗ lực vĩ đại của quốc gia để xây dựng lại đất nước chúng ta và hồi phục lời hứa hẹn của quốc gia này đối với tất cả nhân dân chúng ta.
Chúng ta sẽ cùng nhau định đoạt hướng đi của nước Mỹ và thế giới trong những năm sắp tới. Chúng ta sẽ đối mặt với các thách đố. Chúng ta sẽ đương đầu với mọi khó khăn gian khổ. Nhưng chúng ta sẽ hoàn tất công việc được giao phó.
Cứ mỗi bốn năm, chúng ta lại tề tựu trên những bậc thềm này [của toà nhà Quốc hội] để thể hiện cuộc chuyển giao quyền lực trong trật tự và hòa bình. Chúng tôi xin tri ân Tổng thống Obama và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama về sự trợ lực tốt đẹp suốt cuộc chuyển giao này. Họ thật là cao thượng.
Nhưng buổi lễ hôm nay có một ý nghĩa rất đặc biệt. Vì hôm nay chúng ta không những chuyển giao quyền lực từ chính quyền này sang chính quyền khác, hay từ đảng này sang đảng khác - mà chúng ta còn chuyển giao quyền lực từ Thủ đô Washington để giao lại cho các bạn, cho Nhân dân Mỹ.
Qua một thời gian quá lâu dài, một nhóm nhỏ trong Thủ đô của quốc gia chúng ta đã gặt hái các phần thưởng của Chính phủ trong khi người dân gánh hết mọi chi phí. [Giới quyền lực] Washington phất lên - nhưng người dân không được chia phần của cải của nó. Các nhà chính trị có cuộc sống phồn vinh - nhưng công ăn việc làm bị đưa ra nước ngoài và các nhà máy bị đóng cửa. Giới quyền lực bảo vệ chính mình, nhưng không bảo vệ người dân của đất nước chúng ta. Thắng lợi của họ không phải là thắng lợi của các bạn; thành tựu của họ không phải là thành tựu của các bạn; và mặc dù họ từng mở tiệc liên hoan tại Thủ đô của quốc gia chúng ta, nhưng các gia đình vất vả kiếm sống khắp đất nước chúng ta gần như không có gì để vui mừng.
Tất cả tệ trạng này phải thay đổi -- bắt đầu tại đây, và ngay bây giờ, vì khoảnh khắc này là khoảnh khắc của các bạn: nó thuộc về các bạn. Nó thuộc về mọi người qui tụ tại đây hôm nay và mọi người khắp nước Mỹ đang theo dõi buổi lễ nhậm chức này. Đây là ngày của các bạn. Đây là cuộc liên hoan của các bạn. Và đây, Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, là đất nước của các bạn.
Điều thật sự quan trọng không phải là đảng nào đang kiểm soát Chính phủ chúng ta, mà câu hỏi đặt ra là Chính phủ chúng ta có được kiểm soát bởi người dân hay không. Ngày 20 tháng Giêng 2017 sẽ được ghi nhớ như ngày người dân trở lại làm chủ quốc gia này. Những người đàn ông và những người đàn bà bị bỏ quên của đất nước chúng ta sẽ không còn bị bỏ quên thêm nữa. Mọi người đang lắng nghe các bạn đây. Các bạn đã tập hợp lại thành hàng chục triệu người để tham gia một phong trào có ý nghĩa lịch sử mà tầm cỡ như nó thế giới chưa bao giờ chứng kiến trước đây. Nằm ở trung tâm của phong trào này là một tín lý vô cùng quan trọng: rằng một quốc gia chỉ tồn tại để phục vụ người dân của mình. Người Mỹ muốn có các trường ưu tú cho con em mình, muốn có các khu láng giềng an toàn cho gia đình mình, và công ăn việc làm tốt cho chính mình. Đây là những đòi hỏi đúng đắn và hợp lý của một quần chúng sống đời công chính.
Nhưng đối với quá đông đảo công dân của chúng ta, một thực tế khác hẳn đang tồn tại: Các bà mẹ và con em đang bị giam hãm bởi chiếc bẫy của sự đói nghèo trong lòng các thành thị; những nhà máy đang han rỉ nằm rải rác như những nhà mồ khắp cảnh quan của quốc gia chúng ta; một hệ thống giáo dục đầy rẫy tiền bạc, nhưng chỉ làm cho sinh viên trẻ đẹp của chúng ta nghèo nàn kiến thức; và tội ác, băng đảng, và các loại ma túy đã lấy đi quá nhiều mạng sống và cướp của đất nước chúng ta quá nhiều tiềm năng chưa trở thành hiện thực.
Cuộc tàn sát nước Mỹ này phải chấm dứt ngay đây và chấm dứt ngay bây giờ.
Chúng ta là một quốc gia - và nỗi đau của họ là nỗi đau của chúng ta. Giấc mơ của họ là giấc mơ của chúng ta; và thành công của họ là thành công của chúng ta. Chúng ta chung một tấm lòng, chung một quê hương, và chung một định mệnh vẻ vang.
Tuyên thệ nhậm chức mà tôi đọc hôm nay là một lời thề trung thành với mọi người dân Mỹ. Qua nhiều thập nên, chúng ta đã làm giàu cho công nghiệp nước ngoài bất chấp thiệt thòi của công nghiệp Mỹ; bao cấp quân đội của các nước khác trong khi để cho quân đội chúng ta chịu đựng một sự thiếu hụt thê thảm; chúng ta đã bảo vệ biên giới của quốc gia khác trong khi không chịu bảo vệ biên cương của chúng ta; và chi tiêu hàng nghìn tỉ Mỹ kim ở nước ngoài trong khi cơ sở hạ tầng của Mỹ rơi vào tình trạng thiếu tu sửa và đổ nát. Chúng ta đã làm giàu cho nước khác trong khi của cải, sức mạnh, và sự tin tưởng của đất nước chúng ta biến mất bên kia chân trời.
Lần lượt theo nhau, các nhà máy đã đóng cửa và rời khỏi bờ biển của chúng ta, thậm chí chẳng đoái hoài gì đến hàng, hàng triệu công nhân Mỹ bị để lại đằng sau.
Của cải của giai cấp trung lưu chúng ta bị trấn lột từ tổ ấm của họ rồi được tái phân phối cho toàn thế giới. Nhưng điều đó đang lùi vào quá khứ. Và bây giờ chúng ta chỉ nhìn về tương lai. Chúng ta tề tựu nơi này hôm nay, đưa ra một nghị định mới đòi hỏi phải được lắng nghe trong mọi thành phố, trong mọi thủ đô nước ngoài, và trong mọi sảnh đường quyền lực.
Từ ngày này trở đi, một viễn kiến mới sẽ điều hành đất nước ta.
Từ giây phút này trở đi, nước Mỹ là trước hết.
Mọi quyết định về thương mại, về thuế khóa, về di dân, về các vấn đề đối ngoại, sẽ được thực hiện để mang lại lợi ích cho công nhân Mỹ và các gia đình Mỹ. Chúng ta phải bảo vệ biên giới của chúng ta khỏi bị sự cướp phá của các nước khác đang chế tạo sản phẩm của chúng ta, cướp đoạt công ty của chúng ta, và phá hoại công ăn việc làm của chúng ta. Việc bảo hộ sẽ dẫn đến sự thịnh vượng và sức mạnh vĩ đại của chúng ta.
Tôi sẽ tranh đấu cho các bạn bằng mọi hơi thở trong thân thể tôi - và tôi sẽ không bao giờ làm cho các bạn thất vọng.
Mỹ sẽ bắt đầu thắng lợi trở lại, thắng lợi hơn bao giờ cả.
Chúng ta sẽ lấy lại công ăn việc làm của chúng ta. Chúng ta sẽ lấy lại biên giới của chúng ta. Chúng ta sẽ lấy lại của cải của chúng ta. Và chúng ta sẽ lấy lại các ước mơ của chúng ta.
Chúng ta sẽ xây dựng những con đường, những xa lộ và những chiếc cầu, và những sân bay, và những đường hầm, và những đường xe lửa mới mẻ khắp quốc gia kỳ vĩ của chúng ta.
Chúng ta sẽ đưa người dân của chúng ta ra khỏi chương trình phúc lợi xã hội và trở lại việc làm - xây dựng lại đất nước chúng bằng chính bàn tay và sức lao động của người Mỹ.
Chúng ta sẽ tuân theo hai qui tắc đơn giản: Mua hàng Mỹ và mướn người Mỹ.
Chúng ta sẽ tìm kiếm tình hữu nghị và thiện chí với các quốc gia trên thế giới - nhưng chúng ta làm như thế với nhận thức rằng tất cả mọi quốc gia có quyền đặt lợi ích của mình trên hết.
Chúng ta không tìm cách áp đặt lối sống của chúng ta lên bất cứ một ai, mà chỉ để nó chiếu sáng như một tấm gương cho mọi người noi theo.
Chúng ta sẽ củng cố các liên minh cũ và thành lập các liên minh mới - và đoàn kết thế giới văn minh chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, một chủ nghĩa mà chúng ta sẽ tiêu diệt hoàn toàn khỏi mặt trái đất.
Nằm trong nguyên tắc cốt lõi của nền chính trị chúng ta sẽ là một sự trung thành hoàn toàn đối với Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, và thông qua sự trung thành của chúng ta đối với đất nước chúng ta, chúng ta sẽ tìm thấy lại sự trung thành của chúng ta đối với nhau.
Khi bạn mở trái tim mình cho tình yêu nước, chắc chắn không còn chỗ cho một thành kiến nào. Kinh thánh nói với chúng ta, “Thật là tốt lành và vui thú biết bao khi dân của Thiên chúa sống cùng nhau trong sự hợp nhất”. Chúng ta phải bày tỏ tâm tư mình một cách công khai, tranh luận những bất đồng một cách lương thiện, nhưng luôn luôn theo đuổi sự đoàn kết. Khi nước Mỹ đoàn kết, không ai có thể chặn đứng nước Mỹ.
Sẽ không có gì đáng sợ hãi - chúng ta đang được bảo vệ, và chúng ta sẽ luôn luôn được bảo vệ.
Chúng ta sẽ được bảo vệ bởi những người đàn ông và những người đàn bà vĩ đại trong quân đội và lực lượng thi hành luật pháp của chúng ta và, quan trọng hơn hết, chúng ta đang được Thượng đế che chở.
Sau cùng, chúng ta phải nghĩ chuyện lớn và mơ ước thậm chí chuyện lớn hơn.
Tại Mỹ, chúng ta nhận ra rằng một quốc gia chỉ sống còn bao lâu mà nó tiếp tục phấn đấu.
Chúng ta sẽ không còn chấp nhận các nhà chính trị chỉ biết nói suông mà không hành động - luôn than phiền mà chẳng bao giờ làm gì để thay đổi tệ nạn.
Thời gian nói chuyện suông đã qua. Bây giờ tới giờ hành động.
Đừng để cho ai nói với các bạn điều này không thể thực hiện được. Không thách đố nào có thể sánh với tâm hồn và sức chiến đấu và tinh thần của nước Mỹ. Chúng ta sẽ không thất bại. Đất nước chúng ta sẽ vươn lên và phồn vinh trở lại.
Chúng ta đang đứng vào thời điểm khai sinh một thiên niên kỷ mới, sẵn sàng mở khoá các bí ẩn của không gian, sẵn sàng giải phóng trái đất khỏi sự khốn khổ từ bệnh tật, và sẵn sàng khai thác các năng lượng, các công nghiệp và công nghệ tương lai.
Một niềm tự hào quốc gia sẽ kích thích tâm hồn chúng ta, nâng cao tầm nhìn của chúng ta, và hàn gắn các chia rẽ giữa chúng ta. Đây là lúc cần nhớ kỹ sự khôn ngoan cố hữu mà các quân nhân của chúng ta sẽ không bao giờ quên: rằng dù cho da chúng ta đen hay vàng hay trắng, tất cả chúng ta cùng chảy một màu máu đỏ của những người yêu nước, tất cả chúng ta cùng hưởng những tự do quang vinh, và tất cả chúng ta cùng chào lá Quốc kỳ Mỹ vĩ đại. Và dù cho một đứa trẻ sinh ra trong thành phố Detroit trải rộng mặt bằng hay những bình nguyên lộng gió của Nebraska, chúng đều nhìn lên cùng một trời đêm, chất chứa lòng mình cùng những ước mơ, và chúng đều được truyền sinh khí bởi cùng một đấng Tạo hóa quyền năng.
Vì thế, hỡi toàn thể công dân Mỹ, trong mọi thành thị gần xa, lớn nhỏ, từ rặng núi này sang rặng núi khác, và từ đại dương này sang đại dương khác, xin lắng nghe những lời này:
Các bạn sẽ không bao giờ bị bỏ quên. Tiếng nói của các bạn, niềm hi vọng của các bạn, và các ước mơ của các bạn sẽ xác định vận mệnh của nước Mỹ. Và sự can đảm và sự tốt lành và tình yêu của các bạn sẽ mãi mãi hướng dẫn chúng tôi đi hết con đường.
Cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại.
Chúng ta sẽ giàu có trở lại.
Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ tự hào trở lại.
Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ an toàn trở lại.
Và vâng, cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Xin cảm ơn các bạn. Xin Thượng đế ban phước lành cho các bạn. Và xin Thượng đế ban phước lành cho nước Mỹ.
Dịch giả gửi BVN.
PHẢN HỒI TỪ NGƯỜI VIỆT TRONG NƯỚC VỀTÂN TỔNG THỐNG MỸ DONALD TRUMP
VOA/BVN 21-1-2017

clip_image002
Donald Trump là vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, đối với người Á Đông, số 45 là con số thiêng, nó hàm chứa quá trình biến thiên và trùng khởi của dãy số tự nhiên, trong đó, sự trùng khởi của các quẻ trong bát quái cũng rơi vào con số 45. Điều này mang hàm ý có một chu kỳ mới đang mở ra. Liệu vị Tổng thống thứ 45 với những cá tính khá đặc biệt cùng với một nội các khá mới mẽ và cũng đầy cá tính này có làm thay đổi thế giới?
Mặc dù cách xa Hoa Kỳ gần nửa vòng trái đất, và mối quan hệ Mỹ - Việt cũng không gần gũi, đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…nhưng mối quan tâm của người dân Việt Nam đối với chuyện ai là Tổng thống Hoa Kỳ lại hết sức đặt biệt.
Bà Vũ Thị Cẩm Vân, doanh nhân tại Đà Nẵng, chia sẻ: “Theo tôi, việc một người có tuổi đời và kinh nghiệm khá cao và có trí thông minh, có sức năng động của một doanh nhân tài giỏi lên làm Tổng thống một quốc gia giữ vị trí siêu cường quốc là một tin mừng! Bởi vì hơn ai hết, ông Donald Trump có ý chí của một người làm kinh tế từng trải qua nhiều thăng trầm, và có sự thông minh, nhạy bén của một doanh nhân thành đạt, bên cạnh đó, ông có những cá tính đặc biệt, điều này dẫn đến những quyết định có tính đột phá của ông. Tôi tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ có nhiều biến đổi theo chiều hướng tốt hơn. Và chính sách đối ngoại của ông Trump cũng cho thấy thế giới sẽ có những thay đổi đáng kể…”.
Đà Nẵng và Sài Gòn là những thành phố có số người Mỹ đến đây làm việc nhiều nhất trong những năm trước 1973. Mối quan tâm của người dân Đà Nẵng đối với các kỳ bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu mặc dù đã có một thời ngăn sông cấm chợ trong mọi vấn đề liên quan đến Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump thắng cử lần này cũng là một đề tài nóng trong giới trí thức, văn nghệ ở đây.
Nghệ sĩ thạch ảnh Lê Nguyên Vỹ - Đà Nẵng, chia sẻ: “Khi Donald Trump đắc cử Tổng thống, có nhiều người vui vì tin này mà cũng có nhiều người buồn vì tin này. Người vui vì thấy ông Trump có cá tính, có những phát biểu mạnh miệng và có những quyết định liên quan đến Biển Đông, họ hi vọng rằng ông Trump sẽ can thiệp mạnh tay hơn về vấn đề biển Đông. Nhưng những người trầm tĩnh thì lại thấy buồn vì rất có thể ông Trump sẽ bán đứng Việt Nam cho Trung Quốc…”.
Riêng với giới trí thức trẻ, đặc biệt là những trí thức quan tâm đến môi trường, thiên nhiên và xã hội ở Việt Nam, vấn đề ai làm Tổng thống của một siêu cường có khả năng chi phối các đối tác trên thế giới như Hoa Kỳ luôn là vấn đề họ quan tâm hàng đầu. Một số bạn trẻ xem vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là một Tổng thống Hậu Hiện Đại với phong cách và cá tính đủ mạnh để phá vỡ mọi đại tự sự về chính trường của Hoa Kỳ qua nhiều thập kỉ nay.
Ký giả Uyển Ca - Huế - Việt Nam, là người viết nhiều bài phân tích về mối quan hệ Việt - Mỹ với nhiều bút danh khác nhau, chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng việc ông Trump đắc cử và đặt tay lên cuốn Kinh Thánh để tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ cho thấy lần này, vấn đề chính trường Hoa Kỳ đã phá vỡ các đại tự sự về chính trị. Với khả năng nhạy bén của một doanh nhân, sự sắc sảo, thông minh và đầy cá tính của ông Trump sẽ làm cho nước Mỹ thay đổi và thế giới cũng thay đổi theo. Bởi dù sao đi nữa, quy luật nước mạnh dẫn dắt thế giới vẫn còn đúng cho đến thời điểm này. Hơn nữa, vấn đề Biển Đông là vấn đề mà hầu hết các đời Tổng thống Hoa Kỳ đều ngại nhắc đến, họ đã tránh trớ một cách khéo léo, trong khi đó, ông Trump đặt thẳng vấn đề về Biển Đông và nội các của ông cũng vậy. Đặc biệt, nội các của ông Trump hầu hết là những doanh nhân, các tỉ phú và triệu phú của Hoa Kỳ, họ đã từ bỏ các tập đoàn để chuyên tâm vào nhiệm vụ chính trị. Tôi tin là thế giới sẽ thay đổi, theo chiều kích nào thì chưa đoán được!”.
Một kỷ nguyên mới của Hoa Kỳ được mở ra mà trong đó, ánh sáng hay bóng tối vẫn còn là một ẩn số.
Donald Trump, một cái tên mới trên chính trường quốc tế sẽ bắt đầu với rất nhiều điều mới lạ trong thời gian tới.
ÔNG TRUMP NHẬM CHỨC, 'KẺ KHÓC. NGƯỜI CƯỜI'
VIỄN ĐÔNG/VOA/BVN 21-1-2017
clip_image002
Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1.
Ông David bắt chuyến tàu sớm nhất từ quận Fairfax, tiểu bang Virginia, để tới thủ đô Washington D.C. chứng kiến lễ nhậm chức của Tổng thống tân cử Donald Trump.
Đội một chiếc mũ màu đỏ trên có chữ USA, người đàn ông ở tuổi ngũ tuần cho biết rằng ông cảm thấy “rất vui” khi cùng vợ tới tham dự sự kiện diễn ra bốn năm một lần.
Lẫn trong một nhóm người ủng hộ tỷ phú bất động sản, ông David nói “đã đến lúc nước Mỹ cần một sự thay đổi”.
Trong khi đó, tại một góc phố ở trung tâm Washington, một nhóm các nhà hoạt động mặc đồ đen hô vang các khẩu hiệu, “No Trump, No Trump”. Đôi lúc, có sự to tiếng và xô đẩy giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động.
Họ nằm trong số ước tính hàng nghìn người xuống đường phản đối ông Trump trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Tôi không nghĩ ông Trump là người hoàn hảo. Ông ấy cũng là người có khiếm khuyết. Nhưng tôi tin vào lý tưởng của ông ấy và tôi hy vọng ông ấy sẽ đoàn kết được đất nước. Sự chia rẽ không giúp ích gì cho bất kỳ nước nào.
Ông David, một ủng hộ viên của ông Trump.
Về các cuộc tuần hành chống tỷ phú bất động sản chưa từng có kinh nghiệm chính trường, ông David cho rằng những người xuống đường “có quyền lên tiếng”.
Ông nói thêm: “Tôi không nghĩ ông Trump là người hoàn hảo. Ông ấy cũng là người có khiếm khuyết. Nhưng tôi tin vào lý tưởng của ông ấy và tôi hy vọng ông ấy sẽ đoàn kết được đất nước. Sự chia rẽ không giúp ích gì cho bất kỳ nước nào”.
Theo các quan chức địa phương, khoảng 800 tới 900 nghìn người đổ về thủ đô Hoa Kỳ để theo dõi ông Trump nhậm chức. Con số này được coi là ít hơn đáng kể so với khoảng 1,8 triệu người theo dõi buổi lễ tương tự dành cho ông Barack Obama.
Hàng chục nghìn nhân viên thuộc cả lực lượng an ninh địa phương và liên bang đã tham gia duy trì an ninh trật tự với chi phí ước tính hơn 100 triệu đôla.
clip_image004
Người biểu tình phản đối ông Trump.

Quan hệ Việt - Mỹ

Khi được hỏi mối bang giao Washington và Hà Nội sẽ ra sao sau khi ông Trump nhậm chức, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng mọi chuyện “rất khó đoán định”.
Nhà quan sát tình hình thời sự trong nước nói thêm: “Bản thân ông ấy là một ẩn số. Thực sự, tôi khá hồi hộp để xem xem ông ấy ứng xử như thế nào trong 100 ngày đầu. Đây là một trường hợp rất, rất là khác biệt so với các vị tổng thống nhậm chức từ trước tới nay ở Hoa Kỳ”.
Theo giới quan sát ở trong nước, những tuyên bố về biển Đông của ông Trump cũng như của quan chức mà ông đề cử thời gian qua đã gieo hy vọng cho người Việt.
Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cuối năm ngoái chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, trong khi ông Tillerson, ứng viên ngoại trưởng Mỹ, tháng này nói rằng cần phải chặn Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo trên vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước.
Tiến sĩ A nhận định với VOA Việt Ngữ: “Các ý kiến của những người Việt Nam mà tôi có dịp tiếp xúc cũng tương đối là trộn lẫn về cái này. Có những người nghĩ rằng ông Trump đang rất là cứng rắn với Trung Quốc, sẽ thuận lợi cho Việt Nam. Nhưng mà không ai biết được, nếu mà thuận lợi thì thuận lợi như thế nào. Với cái cá tính khó tiên đoán của ông Trump, thì chưa biết chừng cái đó nó quay trở lại là cái bất lợi thì sao? Tôi nghĩ là phải cẩn trọng, chờ đợi và phân tích thêm những dữ kiện khác. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như thế thì phải nêu ra nhiều phương án để mà ứng phó một cách linh hoạt với ứng xử của chính quyền Trump”.
Trong khi đó, ông Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, cho rằng “nếu Mỹ triển khai chính sách đúng như lời tuyên bố của ông Trump cũng như tuyên bố của ứng viên ngoại trưởng Mỹ thì đó là xu thế tốt cho hòa bình và ổn định ở khu vực biển Đông và đó là điều phù hợp cho lợi ích của Việt Nam, thì chắc chắn rằng Việt Nam sẽ hoan nghênh chính sách đó của Mỹ”.
Nhà nghiên cứu này nói thêm: “Về cơ bản, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên xu thế phát triển chung. Tôi nghĩ rằng người Mỹ có nhiều quan tâm tới châu Á, và Việt Nam cũng đóng một vai trò tương đối cơ bản trong chiến lược chung của Mỹ tại châu Á. Vì thế, tôi nghĩ xu hướng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn duy trì đà phát triển như vừa rồi và ổn định và phát triển hơn”.
Trước khi ông Trump nhậm chức, cuối năm trước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với ông Trump, và theo trang web của chính phủ trong nước, nhà lãnh đạo Việt Nam đã “khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ”.
Nhiều quan chức trong nước cũng bày tỏ hy vọng rằng Tân tổng thống Mỹ sẽ tới Việt Nam vào cuối năm nay để tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, APEC, mà Việt Nam sẽ tổ chức .
V.Đ.
'CON ĐƯỜNG TƠ LỤA' VÀ CHÍNH QUYỀN DONALD TRUMP
NGUYỄN XUÂN NGHĨA/ RFA/BVN 21-1-2017
clip_image002
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Con đường Tơ lụa và hợp tác khu vực Ba Lan - Trung Quốc tại Warsaw, Ba Lan, hôm 20 tháng 6 năm 2016. AFP photo
Gần bốn năm trước, khi công du tại Kazakhstan rồi Indonesia, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc lần đầu tiên nói tới sáng kiến tái lập Con đường Tơ lụa cho Thế kỷ 21. Tham vọng lớn lao của Bắc Kinh tiến được vài bước nhưng Hoa Kỳ lại có Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức ngày Thứ sáu 20 tháng 1, với một quan điểm khác về vai trò của Trung Quốc. Sự tình rồi sẽ ra sao?
Chân Như: Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông Nghĩa, hồi Tháng Chín rồi Tháng 10 năm 2013, khi thăm Cộng hòa Kazahkstan tại Trung Á và Indonesia tại Đông Nam Á, Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình nói đến kế hoạch gọi là Con đường Tơ lụa Mới. Tham vọng ấy gồm hai phần là Nhất đới và Nhất lộ, theo Anh ngữ là One Belt, One Road, gọi tắt là OBOR. Nhất đới là các hành lang thông thương trên bộ từ Trung Quốc tới Âu Châu qua nước Nga, Trung Á và Trung Đông; và Nhất lộ là đường hàng hải từ Trung Quốc qua biển Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương và các mặt biển Đông Phi, Trung Đông rồi Địa Trung Hải đến tận Âu Châu.
Sau đó báo chí Bắc Kinh so sánh tham vọng OBOR với Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ sau Thế chiến II. Nhưng, ngày nay Hoa Kỳ có lãnh đạo mới, với một quan điểm khác về vai trò của Trung Quốc, lại còn phê phán việc Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển Đông. Do đó tiết mục kinh tế của chúng ta sẽ tìm hiểu về sự khả thi của kế hoạch kinh tế này của Bắc Kinh, ông Nghĩa nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta sẽ tìm hiểu tham vọng Nhất đới Nhất lộ, sau đó mới xét qua quan điểm của lãnh đạo Hoa Kỳ. Đầu tiên, khi Bắc Kinh so sáng kiến của họ với Kế hoạch Marshall của Mỹ thì họ có gian ý phản ánh tham vọng chính trị. Sau Thế chiến II, Mỹ viện trợ kinh tế và kỹ thuật để tái thiết 16 nước Âu Châu trong bốn năm qua một kế hoạch mang tên Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ấy là Thống tướng George Marshall. Nó trị giá cỡ 13 tỷ đô la, tính theo hiện giá là gần 190 tỷ, do Quốc hội Mỹ biểu quyết thành luật vào năm 1948, chi tiết được công khai hóa qua 23 trang.
Còn kế hoạch của Bắc Kinh vẫn là sự mờ ảo, được tô vẽ bằng lời ngợi ca “tinh thần của Con đường Tơ lụa” đời Hán. Nếu hiểu lịch sử thì ta biết Con đường Tơ lụa xa xưa khởi đầu với con đường buôn ngọc từ các nền văn minh Ba Tư, Hy Lạp qua vùng Trung Á rồi chỉ được Âu Châu đặt tên là Con đường Tơ lụa từ thế kỷ 19, trong khi nhà Hán nổi tiếng với Con đường Tơ lụa khi triều cống hay gả công chúa cho lãnh đạo Hung Nô để cầu hòa đằng sau Vạn Lý Trường Thành. Ngày nay, Bắc Kinh muốn bành trướng thế lực với kế hoạch Nhất đới Nhất lộ nhưng không thể thành công như Kế hoạch Marshall thời trước.

Bắc Kinh không thể thành công?

Chân Như: Xin đề nghị ông giải thích cho vì sao ngay từ đầu ông lại nói rằng Bắc Kinh không thể thành công?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Để thẩm xét, chúng ta nên dựa vào thực tế hơn là vào những phát biểu của giới học giả phục Tầu hay lời tuyên truyền của Đảng Cộng sản và Nhà nước Bắc Kinh.
Thứ nhất, về thực tế thì việc xây dựng chuỗi hành lang, mà Bắc Kinh gọi là “tẩu lang”, trên đất liền và ngoài biển, như xa lộ, thiết lộ, cầu đường, phi cảng, hải cảng, v.v, qua một vùng hoang vu bát ngát có hơn bốn tỷ 400 triệu dân, là hai phần ba dân số địa cầu, mà chỉ sản xuất ra có một phần ba sản lượng toàn cầu thôi. Hai con số ấy, hai phần ba dân số địa cầu sản xuất ra một phần ba sản lượng của thế giới, cho thấy sự nghèo nàn của khu vực. Mà hiện nay và trong tương lai xa xôi, vùng đất ấy lại có quá nhiều tranh chấp và bất ổn. Đấy là về địa dư, kinh tế, xã hội và cả an ninh trong một vùng đang có khủng bố Hồi giáo cực đoan và nghi kỵ về sự can thiệp của ngoại bang.
Thứ hai, về tài chính, Bắc Kinh thiết lập Quỹ Tơ Lụa trị giá 40 tỷ đô la, có sự yểm trợ của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu AIIB họ lập ra từ Tháng 10 năm 2014 với 100 tỷ đô la làm vốn, mà một phần ba là khoảng 33 tỷ là của Trung Quốc. Ngoài ra, họ còn có Ngân hàng Đầu tư Mới của nhóm BRICS với 100 tỷ. Tức là kế hoạch hy vọng tìm ra một phần tài trợ trong 240 tỷ đô la để thực hiện. Đấy chỉ là bước đầu như muối bỏ biển trên cõi vạn nan, vì ngân hàng Hongkong Shanghai Bank của Anh dự phóng rằng kế hoạch Nhất đới Nhất lộ cần từ bốn đến sáu ngàn tỷ đô la trong 15 năm tới thì mới hy vọng thành hình! Thứ ba, ngoài hứa hẹn chung chung là đem lại thịnh vượng cho cả đại lục Âu-Á, kế hoạch chưa thể và không thể có một cơ chế phối hợp và điều hành tập trung của các nước, với mục tiêu chiến lược ở trên rồi cả trăm dự án chiến thuật ở dưới được từng quốc gia đồng ý thực hiện trên lãnh thổ của mình.
Nhớ lại thì ngày xưa, Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ đã minh định mục tiêu chung rồi từng dự án cho các phần vụ tuần tự giải ngân việc thi hành. Kế hoạch OBOR của Tầu là đám mây ngũ sắc bao trùm lên nhiều dự án rời rạc không có cơ quan giải ngân và kiểm soát tiến độ trong một tổng thể nhất quán nên chỉ là một ảo giác!
clip_image004
Con đường Tơ lụa đoạn đi qua làng Himalaya ở Ladakh, Ấn Độ. AFP photo
Chân Như: Đấy là khi người ta nhìn vào tổng thể, chứ nếu nhìn từ giác độ hay mục tiêu của Trung Quốc thì hiển nhiên là Bắc Kinh đã có những tính toán xác thực trước khi tung ra kế hoạch này chứ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta có hai cách nhìn. Từ thực tế thì ta thấy Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở AIIB đã tài trợ một số dự án trị giá tổng cộng một tỷ bảy, thay vì một tỷ 200 triệu như dự trù. Các dự án đó là những gì? Một dự án thủy điện và một xa lộ tại Pakistan; một dự án cải thiện đường xá giữa hai xứ Trung Á là Tajikistan và Uzbekistan; một dự án cải tiến mạng lưới điện lực tại Bangladesh; một dự án nâng cấp các khu gia cư ổ chuột tại Indonesia; và một dự án thủy điện cho Miến Điện. Tính chất phân tán ấy cho thấy quả là Ngân hàng AIIB đi được một vài bước, nhưng là bước chuệch choạc trên con đường vạn lý.
Trong khi ấy, mục tiêu đích thực của Bắc Kinh là gì? Nhiều nhà lý luận cực hữu thì mơ ước phát huy tư thế và ảnh hưởng của Chủ nghĩa Dân tộc Đại Hán qua Con đường Tơ lụa, nhưng lãnh đạo Trung Quốc lại có nhiều ưu tiên cấp bách hơn trong nội bộ. Họ có nhu cầu sinh tử là tái phân phối lợi tức từ các tỉnh tương đối trù phú tại vùng duyên hải ở miền Đông vào các địa phương nghèo đói và lạc hậu bị khóa ở trong nên không tiếp cận với thế giới bên ngoài. Đây là loại nan đề ngàn năm của Trung Quốc mà đang thành sức ép chính trị cho lãnh đạo vì người dân đã biết và không chấp nhận được nữa.
Chân Như: Chúng ta cần được nghe ông giải thích ưu tiên sinh tử này vì cho tới nay, thế giới cứ nói đến các thành tựu kinh tế của Trung Quốc mà ít chú ý đến các yếu tố địa dư và cả tổ chức chính trị bên trong một quốc gia có diện tích trải rộng trên 10 triệu cây số vuông mà vẫn chưa có thể chế liên bang của một nước dân chủ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau hơn 30 năm cải cách thì các tỉnh miền Đông phát triển mạnh và theo kịp thế giới ở biểu hiện bề ngoài làm thế giới khâm phục như ngó vào tủ kính. Nhưng hơn hai phần ba diện tích còn lại là các tỉnh hoang vu khô cằn, thiếu mạng lưới giao thương với bên ngoài, Đa số khu vực này còn là vùng đất do Hán tộc chiếm đóng của các dị tộc mà họ khinh miệt và đàn áp, như Cao nguyên Thanh Tạng của dân Tây Tạng, đất Tân Cương của người Đột Quyết theo Hồi giáo và cả khu vực gọi là Nội Mông của dân Mông Cổ.
Mức sống dân cư ở các nơi đó quá thấp, thí dụ như tại Tây Tạng, Thanh Hải, Cam Túc, Ninh Hạ và Tân Cương, cho nên tới hơn 400 triệu người chưa kiếm đủ bốn đô la một ngày và đấy là mầm loạn như đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử Trung Hoa. Do đó cái gọi là Nhất đới hay vành đai trên đất liền, là nỗ lực xây dựng hạ tầng nhằm khai thông các tỉnh bị khóa và tận dụng nguyên vật liệu đã sản suất thừa và bị ế ẩm như than đá, xi măng, sắt thép.
Thế giới sợ Tầu thì cứ nói đến kế hoạch chinh phục thiên hạ của Bắc Kinh, chứ lãnh đạo Bắc Kinh đang sợ khủng bố Hồi giáo từ Trung Đông Trung Á lại tràn vào Tân Cương và lan ra khắp nơi. Thiên hạ cứ nói đến Con đường Tơ lụa của Trung Hoa ngàn đời chứ học giả Bắc Kinh thì không quên rằng vào đời Đường, từ thời Đường Thái Tông trở đi, Con đường Tơ lụa là vùng trưng thu tài sản của các chiến binh Tây Tạng từ trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn đổ xuống! Thành thử cái gọi là Nhất đới chỉ là Hạ tầng Cơ sở an ninh cho việc bảo vệ trật tự nội địa.

Con đường trên biển

Chân Như: Thưa ông, thế còn Nhất lộ ở trên biển là gì trong mục tiêu thầm kín của Bắc Kinh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Muốn hiểu chuyện này, ta cần nhìn ra thế giới của Thế kỷ 21 khi người ta hết cưỡi lạc đà mà dùng các phương tiện hiện đại hơn. Thống kê quốc tế, như Nghị hội Quốc tế về Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc, cho biết hàng hải là phương tiện kinh tế nhất vì rẻ nhất: giao dịch toàn cầu chuyên chở qua thương thuyền chiếm 80% về lượng và 70% về trị giá. Hàng hóa của Trung Quốc, là xứ lệ thuộc quá nặng vào xuất khẩu, dù ở trong đất liền hay vùng duyên hải, đều phải ra tới bến cảng để chở ra ngoài qua bốn năm eo biển của miền Tây Thái Bình Dương. Trong lịch sử Trung Quốc, chưa bao giờ xứ này lại cần bên ngoài như vậy, để có nguyên nhiên vật liệu cùng thực phẩm và có thị trường xuất khẩu.
Vấn đề của Bắc Kinh là nỗi sợ của kẻ có tật giật mình vì mắc bệnh tự kỷ ám thị: họ biết mình có nhiều chiến hạm nhưng vẫn chưa có hạm đội mà vùng giao lưu sinh tử cho kinh tế lại do các hạm đội Hoa Kỳ kiểm soát và bảo vệ từ gần trăm năm nay. Thay vì hành xử bình thường và tự do như các nước Nam Hàn, Đài Loan hay Nhật Bản, Bắc Kinh lại muốn kèm vào đề nghị xây dựng hải cảng giao thương cho các nước trong kế hoạch Tơ Lụa trên biển với việc thiết lập quân cảng cho quân đội Trung Quốc. Xứ nào cũng muốn làm ăn với Tầu, nhưng không thoải mái với việc Bắc Kinh đòi quân sự hóa các hải cảng này. Vì vậy, việc Bắc Kinh lấn cướp và xây dựng các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự ngoài vùng biển Đông Bắc Á tới Đông Nam Á ngày nay mặc nhiên phá hoại khả năng thành công của Con Dường Tơ Lụa Ngoài Biển!
Chân Như: Nếu như vậy, trước khi Hoa Kỳ có Chính quyền Donald Trump với lập trường bác bỏ việc Trung Quốc khống chế và quân sự hóa biển Đông hải, thì tham vọng Nhất đới Nhất lộ của Bắc Kinh đã có nhiều trở ngại nguyên thủy từ bên trong. Thưa ông, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thế giới lý tài và nhu nhược cứ muốn làm ăn với Trung Quốc mà vẫn trông vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Khi nước Mỹ xẵng giọng vì làm ăn thua thiệt mà cứ phải lo cho an ninh của thiên hạ thì người ta tìm cách đổ lỗi cho Mỹ! Hoa Kỳ là siêu cường hải dương, có khả năng toàn cầu và đấy là thực tế quốc tế hiện nay, ít ra trong vài chục năm tới. Con đường Tơ lụa của Trung Quốc, với các bài toán cụ thể về tài trợ, tổ chức và thực hiện trên nhiều vùng bất ổn, chỉ là biểu hiện vĩ cuồng, thiếu thực chất. Đấy là cái danh không thực và tội không phải là từ ông Trump, người sống và giải quyết chuyện thật ngoài đời một cách lạnh lùng với một nội các và ban tham mưu có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn là danh hão của chính trị gia.
Chân Như: Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
N.X.N.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét